Chủ Nhật, 4 tháng 4, 2021
Giới thiệu tác phẩm ‘Lững Thững Vào Đời’ của Lê Thiệp
Diễn Đàn Thế Kỷ hân hạnh được sự đồng ý của gia đình tác giả và của nhà xuất bản Tiếng Quê Hương đăng lại từng kỳ các bài viết của ký giả/nhà văn Lê Thiệp trong cuốn Lững Thững Vào Đời do Tiếng Quê Hương tại Virginia xuất bản năm 2011. Có thể gọi nội dung cuốn sách này là “Văn hóa nhựt trình thời Việt Nam Cộng Hòa”.
Báo chí miền Bắc trước 1975 và báo chí chính thống của Việt Nam hiện nay được xác định là "tiếng nói của Đảng". Báo chí Việt Nam Cộng Hòa là tiếng nói của nhiều tầng lớp nhân dân, nhiều chính kiến, nhiều đảng phái. Đó là nhận xét của nhà báo Thiện Ý Tống Văn Công, một đảng viên có 55 năm đảng tịch, tác giả cuốn Đến Già Mới Chợ Tỉnh, với một nhà báo ở hải ngoại. Ngày 25 tháng Hai năm 2014, ông gởi “Lời Chia Tay Đảng Cộng Sản Việt Nam sang Hoa Kỳ định cư vì cho rằng không thể tiếp tục góp sức cho một đảng đưa đất nước lậm sâu lệ thuộc ngoại bang.
Ông Tống Văn Công làm báo từ năm 1952, tập kết ra Bắc hồi tháng 2/1955. Váo Nam năm 1975 ông lần lượt làm Tổng Biên Tập ba tờ báo lớn Lao Động Mới, Công Nhân Giải Phóng và báo Lao Động. Trong bài Xa Lộ Thông Tin Chỉ Còn Lề Phải nhân ngày 21/6 Báo Chí Cách Mạng Việt Nam ông cho biết nhờ sự đóng góp của các nhà báo trong Nam mà tờ Lao Động trở thành tờ báo mạnh nhất của báo chí cấp trung ương ở Việt Nam và là tấm gương đổi mới cho báo chí cả nước.
Theo nhà báo Tống Văn Công, báo chí miền Bắc trước 1975 chỉ là hóa thân của loại truyền đơn tuyên truyền. Những sự kiện lớn như Đại hội Đảng, Kỳ họp Quốc hội… các báo chỉ được phép đăng lại đúng bản tin của Thông tấn xã Việt Nam. Bài báo này viết ngày 15/6/2009 còn cho rằng, Lý Quí Chung, Trần Trọng Thức và một số người làm báo thời trước, “là ông thầy” đã góp phần to lớn đổi mới “báo chí cách mạng Việt Nam"; nhưng không ai đánh giá đúng công lao của họ.
Thời trước 1975 làng báo miền Nam Việt Nam có rất nhiều ký giả, nhà báo, trong đó Lê Thiệp là một phóng viên được đào tạo bài bản. Anh nắm vững những qui luật báo chí trong việc săn tin, viết tin. Anh lại yêu nghề, cần cù, xông xáo, có năng khiếu “đánh hơi” tin tức. Làng báo Việt Nam hiếm phóng viên có đầy đủ những đức tính đó.
Cuốn Lững Thững Giữa Đời của anh gồm những tài liệu về sinh hoạt báo chí của một thời đã qua và những tùy bút khác. Để mở đầu, và cũng nhân đúng dịp đầu Xuân, xin mời quý độc giả thưởng thức “Bài Ký Hoa Đào” đăng tải dưới đây.
BÀI KÝ HOA ĐÀO
Lê Thiệp
Tôi sinh ra ở một làng quê miền Bắc trong gia đình trung lưu. Ngôi nhà tôi lớn lên nơi góc sân có một cây bích đào – cứ theo lời Thày tôi thì do ông nội tôi trồng từ lâu lắm. Cây đã già cỗi gốc to xù xì.
Vào những ngày đông tháng giá, da nó lên mốc những mảng vỏ có màu xanh bàng bạc. Mỗi độ đông về cây trơ trụi lá và khoảng Tết là nở hoa. Hồi tưởng lại, tôi chỉ nhớ mong manh Thày tôi vui vẻ sửa soạn chờ hoa nở, lo kiếm chai rượu ngon và bày tiệc cùng bạn bè thưởng hoa ngay dưới gốc cây trong cái giá lạnh của mùa đông xứ Bắc. Tôi lúc đó chỉ độ bốn năm tuổi vẫn được Thày tôi cho ngồi trong lòng và cũng được chia vài miếng bánh mứt trong khi người lớn ngâm thơ nói chuyện.
Vì vận nước, gia đình tôi sớm phải bỏ làng bỏ quê khi tôi còn nhỏ và tôi lớn lên ở miền Nam. Khí hậu miền Nam nóng. Tết chỉ có hoa mai vàng rực và cây hoa thuở nhỏ ở góc sân cũng mờ nhạt trong trí nhớ, thi thoảng lắm khi học Kiều đọc đến câu “Hoa đào năm ngoái còn cười gió đông” thì đâu đó trong tâm tưởng cũng thoáng nhớ cảnh ngồi trong lòng Thày tôi dưới gốc đào năm xưa.
Thuở hoa niên, khi bước chân tới Đà Lạt nhìn những cây đào mọc trơ vơ không được chăm sóc ở ven hồ Xuân Hương và quanh vùng chợ Hòa Bình, tôi chạnh nhớ và thương cây đào thuở nhỏ, tự hỏi không biết số phận cây đào ra sao, có bị qui vào những thứ thuộc về bọn phong kiến và bị chặt đi để trồng các cây có năng xuất thay vào chăng. Dăng mắc của tôi với Đà Lạt không chỉ là hoa đào và bằng hữu mà còn là một người con gái. Lần đầu tiên khi nhìn thấy cô, tôi xúc động vì chiếc áo dài cô mặc in lấm tấm hoa đào màu hồng nhạt. Mối tình thiếu thời đầy hoa mộng đó tất nhiên chẳng đi đến đâu nhưng vẫn là ám ảnh khôn nguôi giống như gốc đào ở góc sân nhà.
Chiến tranh chết chóc và cuối cùng là cảnh nhà tan và ly tán. Tôi trở thành kẻ lưu vong. Lọt vào nước Nhật, tôi gặp lại hoa đào trong bối cảnh hoàn toàn khác. Không chỉ là một cây đào đầy ắp tuổi thơ hay những cây đào trơ trọi không được chăm sóc ở Đà Lạt, không chỉ là bích đào mà cả rừng đào với hàng trăm loại khác nhau được chăm sóc tỉ mỉ, nhất là hội hoa anh đào và rượu sake với hàng trăm ngàn người tham dự. Khó mà quên được cảnh ở Kamakura những đám đông khoác tay nhau nhảy múa dưới các gốc anh đào trong không khí nồng ấm của sake. Không hiểu sao khi cùng người bản xứ ê a hát những khúc dân ca trong lễ hội, đầu óc tôi một thoáng nào đó vẫn nhớ cây bích đào ông nội tôi trồng và tà áo dài màu hoa đào ở trước tiệm Mekong Đà Lạt.
Đẩy đưa của cuộc đời khiến nay tôi đã sống ở vùng Hoa Thịnh Đốn trên hai chục năm. Nơi này quanh vịnh và dọc bờ sông Potomac là cả một rừng vài ngàn cây anh đào cứ đến khoảng tháng tư là bùng nở đỏ hồng cả một góc trời. Lễ hội hoa anh đào nơi này thu hút cả triệu người đến ngắm hoa trong số đó có tôi. Tôi đã đi dưới những tàng anh đào rực rỡ vào trưa lúc có nắng, vào chiều khi trời đã chạng vạng và có lần hăm hở đi từ lúc mặt trời chưa mọc để nhìn hoa khi ánh ban mai vừa ló dạng. Thú thật tôi vẫn thấy có cái gì khang khác khi nhớ đến cây bích đào thuở xưa và nhất là lần hơi ngà ngà trên bãi cỏ ở Kamakura. Cây đào ở góc sân là của riêng tôi và những cây đào ở Kamakura là của người Nhật trong bối cảnh hoàn toàn thân thuộc của những người có mặt hoặc dù là khách lạ như tôi nhưng cũng được đối xử như người vẫn hàng năm đến đây ngất ngư cùng hoa, cùng sake, nhất là cùng chia xẻ với những người xung quanh rằng hoa đang nở và mùa xuân thật sự đã đến. Ai gặp ai cũng chào. Ai gặp ai cũng cười và cũng sẵn sàng chia một tợp sake. Quên hôm qua, quên ngày mai chỉ có lúc này với hoa với người dù quen hay không trong tiếng cười tiếng hát rộn rã. Mỹ khác. Hội hoa anh đào đông nghịt người, đủ quốc tịch sắc dân và gần như tất cả là du khách. Những người bạn tôi sống ở vùng Hoa Thịnh Đốn rất ngại lái xe vào vùng hoa đào trong dịp này vì có khi loay hoay cả nửa buổi vẫn không tìm ra chỗ đậu xe. Riêng du khách thì không ai lý đến ai, dù luôn lịch sự và tránh làm phiền người khác. Tôi vẫn có cảm tưởng cái đám đông như kiến di động dưới những gốc anh đào im lìm ngó ngang ngó dọc và liên tu bất tận đưa máy hình lên chụp chí chạt, vâng cái đám đông đó chả một ai có chút liên hệ dính dáng gì đến những đóa hoa đang nhẹ rung trong gió. Họ có mặt để chứng tỏ mình có mặt và để sau này có thể khoe rằng họ đã thấy hoa đào. Vậy thôi!
Sau hơn ba chục năm trời tha phương vất vưởng, năm vừa rồi tôi mới có cơ hội trở lại quê hương, tất nhiên là miền Nam, và gặp lại Nguyễn Quang Tuyến. Ông bạn thuở thiếu thời chở tôi đi khắp chốn và cuối cùng là Đà Lạt. Mọi sự ở Việt Nam bây giờ lạ lẫm với tôi và những câu hỏi đưa ra bị coi là ngớ ngẩn kể cả câu hỏi sao bây giờ ở Đà Lạt không thấy cây đào nào nữa. Thiên hạ còn khối việc phải lo ai hơi đâu dấm dớ để ý đến cây đào. Ông Tuyến cười bảo tôi: “Mày về đây mà trồng đào cho Đà Lạt”.
Bắt đầu chỉ là như vậy nhưng khi chiêu vào dăm ba ly rồi ngồi nhắc đến Đà Lạt ngày xưa và những kỷ niệm của một thời hoa niên tôi bốc đồng và ông bạn Tuyến cũng bốc đồng. “Mày qua bên đó hỏi thử và gửi về cho tao vài chục gốc đào. Tao gây giống và đem trồng tứ tung ở Đà Lạt này cũng vui.” Hai đứa nay cũng ngoại lục tuần bỗng như hai đứa trẻ thơ bàn nhảm rằng biết đâu độ năm bảy năm sau từ vài chục gốc có thể thành hàng trăm gốc mọc quanh bờ hồ và cũng biết đâu chả có lễ hội hoa anh đào Đà Lạt. Có thể lắm chứ. Hơn một trăm năm trước Nhật Bản đem anh đào sang trồng ở Hoa Thịnh Đốn có ai nghĩ đến cảnh hôm nay đâu. Ông bạn còn nói đủ thứ đầy mộng mơ nữa và tôi thì cũng say sưa với giấc mơ hoa đào.
Hà, thế mà tôi liều làm thật.
Về đến Mỹ, tôi loay hoay hỏi hết người này đến người khác và may thay cuối cùng gặp được một ông chủ vườn ươm cây ở North Carolina. Ông này cả vợ lẫn chồng đầy nghệ sĩ tính, sau khi nghe tôi ba hoa chích chòe về giấc mơ hoa đào thì cười ngất và cũng đâm lây cái mộng viển vông này. Ông Cường vốn là sĩ quan ngày xưa nhưng khi qua Mỹ định cư ở một vùng quê hẻo lánh, cuộc đời đưa đẩy nay trở thành trại chủ. Ông bà Cường thuyết trình với tôi về đủ thứ liên quan đến kỹ thuật như phải trồng đào vào trước mùa đông, đẹp nhất là cỡ trước Giáng Sinh vì lúc đó đào đang ngủ và khi mùa xuân đến nó thức dậy nở hoa. Rồi cỡ cây, giống cây, xuất xứ cây như đào Nhật khác đào Mỹ khác, giống này nở trước, giống này nở sau, loại này cao cỡ bao nhiêu, loại khác lá rủ chỉ cao cỡ thước tây. Sau vài lần gặp gỡ, cuối cùng chúng tôi đi đến kết luận là cứ thử xem sao.
Ba ngày trước lễ Giáng Sinh 2009, tuyết khá nặng. Trời lạnh buốt, tôi lái xe từ DC xuống trại của ông Cường và ngay khi đậu xe, ông bà Cường hớn hở đón tôi chỉ hai hộp đã được đóng cẩn thận. Hai trăm ba mươi gốc đào gồm hơn hai chục chủng loại khác nhau nằm đó. Tôi lập tức chất lên xe lái trở ngược lại DC, vượt hơn bốn trăm dậm để kịp gửi ngay về Việt Nam vì ông bà Cường bảo gửi càng nhanh càng tốt.
Ông Tuyến còn hăm hở và cẩn thận hơn tôi, ra tận phi trường nhận hàng và cũng tức tốc chạy ngay về Đà Lạt. Hai vợ chồng ông theo chỉ dẫn của ông trại chủ Cường đã chuẩn bị sẵn chậu cùng phân bón, cỏ ủ trộn rơm và lập tức vào chậu toàn bộ hơn hai trăm gốc đào. Qua email, ông Tuyến cho hay vợ chồng ông đích thân lo cho đào vì không tin ai và than rằng sau khi vào chậu thì lưng mỏi nhừ. Quá sáu chục tuổi mà mỏi nhừ thì có gì phải than. Độ hai tháng sau, ông Tuyến hí hửng gửi hình hoa đào cho tôi và tuyên bố chỉ vài năm là hoa đào sẽ rực rỡ. Nguyên những gốc đào khi gửi về Đà Lạt tất cả đã có nụ và nếu ở Mỹ thì phải đâu đó đầu tháng Tư dương lịch mới trổ bông. Như vậy có lẽ vì khí hậu ở Đà Lạt khác, nóng hơn ở vùng đông bắc Mỹ nên đào nở sớm chăng.
Từ đó thỉnh thoảng qua điện thoại hoặc email, tôi nhận được báo cáo đều đều. Chỉ có ba gốc đào bị chột sao đó lụi đi còn tất cả sống hùng sống mạnh. Tôi cũng hí hửng chờ. Nhưng xem ra cái ước mơ viển vông của hai đứa chuyên đi trên mây tụi tôi không được trời chiều. Vì càng chờ càng không thấy hoa mà chỉ có lá. Mới đây ông bạn nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang vốn cũng được tôi bá cáo vụ hoa đào khi về thăm quê Đà Lạt là tất tưởi chạy đến tham quan. Trở lại Mỹ ngay sau tết, ông Quang gọi cho tôi bảo: “Hai đứa mày đúng là ngây thơ. Mày nhớ thổ ngơi mỗi chỗ một khác. Quít Giang Nam ngọt đem sang Giang Bắc trồng thì chua. Đà Lạt chênh hai kinh tuyến so với Tokyo và Washington DC nên khí hậu đâu có đủ lạnh cho những loại đào mày gửi về cho thằng Tuyến. Tao tưởng tụi mày phải biết chuyện sơ đẳng này chứ. Còn khuya đào của mày mới có hoa.”
Nhưng tôi và ông Tuyến vẫn chờ, vẫn hi vọng.
Biết đâu?
Những người Việt ở xứ nhiệt đới nay sống ở Na Uy Thụy Điển thiếu gì. Họ không tàn lụi mà chỉ vài năm sau sống hùng sống mạnh nữa là khác.
Cây cỏ cũng như người sẽ có bản năng sinh tồn và thích nghi với môi trường sống. Nếu quả vậy thì sang năm hay sang năm nữa hoặc xa hơn trong một ngày nào đó những gốc đào của tụi tôi sẽ nở hoa.
Giấc mơ hình như càng đẹp hơn nếu nó không trở thành sự thực và giấc mơ hoa đào của chúng tôi sẽ như vậy chăng?
Cũng chả sao, vì tất cả chung qui chỉ là tấm lòng với hoa. Thế thôi !
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét