Thứ Năm, 1 tháng 4, 2021
Agence France-Presse: Bắc Kinh lúng túng sau phát ngôn của người đứng đầu WHO (Nguyễn Huệ Chi dịch)
(Bắc Kinh) Hôm thứ Tư, Trung Quốc tỏ ra bối rối sau phát ngôn của người đứng đầu Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), người đã đưa ra yêu cầu điều tra thêm về giả thuyết COVID-19 có thể đã thoát ra khỏi một phòng thí nghiệm ở Trung Quốc.
Được hỏi trong một cuộc họp báo, Liang Wannian (Lương Vạn Niên 梁万年), người đứng đầu phái đoàn các nhà khoa học Trung Quốc, người cộng tác trong bản báo cáo của các chuyên gia do WHO chỉ định về nguồn gốc của coronavirus, đã bày tỏ sự khó hiểu của mình về những lời phát biểu của ông Tedros Adhanom Ghebreyesus.
"Tôi không hiểu được cách nhìn của ông ấy vì đây là lĩnh vực có liên quan đến chúng tôi, chúng tôi những nhà khoa học", ông nói.
Mặt khác, ông cũng sớm cân nhắc đề nghị của người đứng đầu WHO về việc cử một phái bộ mới đến khảo sát tại chỗ.
Người đứng đầu WHO, lâu nay bị cáo buộc là quá chiều ý Bắc Kinh, hôm thứ Ba đã gây bất ngờ khi kêu gọi các cuộc điều tra sâu hơn về giả thuyết rằng coronavirus có thể đã trốn thoát khỏi Viện Virus học Vũ Hán, thành phố từ miền trung Trung Quốc, nơi COVID-19 lần đầu tiên xuất hiện vào cuối năm 2019.
Vậy mà trong báo cáo của WHO được công bố trong tuần này, các chuyên gia quốc tế được WHO cử đến Vũ Hán vào tháng Giêng đã hầu như loại trừ điều đó, cho rằng việc virus đến từ phòng thí nghiệm là "cực kỳ khó xảy ra".
Mặc dù nhóm nghiên cứu đã đến thăm Viện Virus Vũ Hán và xem xét giả thuyết về một sự cố trong phòng thí nghiệm, “tuy nhiên, tôi không nghĩ rằng đánh giá này đã đủ kỹ lưỡng", người đứng đầu WHO nói.
Người Mỹ đã nhiều lần chỉ ra rằng trong đội ngũ này không có được một chuyên gia có khả năng đánh giá độ an toàn của phòng thí nghiệm.
Ông Tedros cũng nói rằng các chuyên gia quốc tế "đã nói với ông về những khó khăn của họ trong việc truy cập dữ liệu thô" trong thời gian họ làm việc ở Trung Quốc.
Luận điểm về vụ rò rỉ của Viện Virus Vũ Hán đã được chính quyền Hoa Kỳ dưới thời Tổng thống Donald Trump bảo vệ mạnh mẽ, dựa trên thông tin từ các cơ quan tình báo của họ. Trung Quốc luôn bác bỏ khả năng này.
Thao túng chính trị
Hôm thứ Ba, Hoa Kỳ và 13 quốc gia đồng minh, trong đó có Vương quốc Anh, Israel và Canada, đã bày tỏ "quan ngại" của họ trong một tuyên bố chung về báo cáo của WHO, kêu gọi Trung Quốc cho phép "truy cập đầy đủ” vào dữ liệu của họ.
Về phần mình, EU đã chỉ ra "việc khởi động muộn cuộc điều tra, sự chậm trễ trong việc triển khai các chuyên gia (ở Trung Quốc) và sự sẵn sàng hạn chế các mẫu vật và dữ liệu" là chuyện đã có từ khi bắt đầu đại dịch.
Khi bị chẩt vấn trong cuộc họp báo, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh đã quay lại cáo buộc Washington muốn "thao túng chính trị" một hồ sơ khoa học.
"Trò thao túng này sẽ không thành công", bà cảnh báo, đồng thời kêu gọi các quốc gia ký kết tuyên bố "thực hiện sự tự vấn lương tâm của mình". “Cuộc chiến chống lại dịch bệnh của nước anh đang ở đâu? Nước anh đã làm được gì về mặt hợp tác quốc tế?” Bà ta đặt câu hỏi.
Về vấn đề thuyết rò rỉ, bà ta nhắc lại rằng báo cáo của chuyên gia WHO xác nhận điều đó khó xảy ra. Còn về một sứ mệnh mới nhằm điều tra nguồn gốc của COVID-19, bà ta tự tuyên bố để cho việc đó được triển khai ở các quốc gia khác.
"Có hơn 200 địa điểm sinh học trên thế giới, ví dụ như Fort Detrick", một phòng thí nghiệm quân sự của Mỹ, người phát ngôn của cơ quan ngoại giao Trung Quốc cho biết.
“Trong trường hợp cần thiết, tôi nghĩ người ta cần để các nhà khoa học tiến hành những nghiên cứu trong các phòng thí nghiệm khác trên thế giới”, bà ta nói.
Nguồn bản gốc: La Presse