Thứ Sáu, 30 tháng 4, 2021

FB Nguyễn Hưng Quốc: Tất Cả Đều Là Nạn Nhân

Liên quan đến biến cố 30 tháng Tư 1975, có một câu nói của một quan sát viên quốc tế mà tôi rất tâm đắc: “Không có ai chiến thắng cả. Tất cả đều là nạn nhân” (There were no winners, only victims).
Nhưng tại sao lại không có người chiến thắng?

Trước hết, không còn hoài nghi gì nữa, người miền Nam chắc chắn là những người thua cuộc và từ đó, là những nạn nhân không những của chiến tranh mà còn của hoà bình với hàng trăm ngàn người bị bắt đi cải tạo, hàng triệu người liều mạng vượt biển để tìm tự do và hầu như tất cả đều sống trong cảnh vừa lầm than vừa bị áp bức.

Mỹ cũng không phải là những kẻ chiến thắng. Nói cho đúng, họ thắng trong cuộc chiến tranh lạnh với khối xã hội chủ nghĩa bằng việc phân hoá Trung Quốc và Liên Xô đồng thời bằng cách vô hiệu hoá hiệu ứng liên hoàn, gắn liền với thuyết domino vốn là nguyên nhân chính khiến họ tham dự vào cuộc chiến tranh ở Việt Nam. Về phương diện quân sự, họ không thắng không bại: họ đã rút quân ra khỏi Việt Nam mấy năm trước khi cuộc chiến tranh chấm dứt. Tuy nhiên, về phương diện chính trị, họ đã thất bại trong nỗ lực bảo vệ một đồng minh là chế độ Việt Nam Cộng Hoà ở miền Nam. Sau đó, về phương diện tâm lý, họ là những nạn nhân với hội chứng Việt Nam, một ám ảnh đầy day dứt trong lương tâm của những người từng tham chiến. Đó là chưa kể hơn 58.000 người lính bỏ mình tại Việt Nam cũng như hàng mấy trăm ngàn người bị thương tật trở thành một gánh nặng trong xã hội Mỹ.

Thế còn miền Bắc?

Đương nhiên họ là những người thắng cuộc. Thắng về quân sự: đánh bại được quân đội Việt Nam Cộng Hoà. Thắng về chính trị: thống nhất được đất nước sau 20 năm chia cắt. Tuy nhiên, bên cạnh những chiến thắng ấy, họ cũng gánh chịu không ít thất bại. Những thất bại ấy làm cho chiến thắng của họ trở thành một tai hoạ cho mọi người.

Trần Mộng Tú: Chuyện Kể

(Gửi anh Thái Hà Chung, để nhớ lại 40 năm Cung đã mất)

Chuyện hôm nay chỉ còn là chuyện kể
Quãng đời qua hay là quãng chiêm bao
Tình yêu đó ta thắp bằng tim nến
Sao ai châm đuốc lửa đốt hai đầu.(tmt)

- Khi anh tìm được về nhà cũ, em và cả gia đình hai bên đã đi rồi. Anh đau đớn quá, nhưng anh không muốn để sự thất vọng giết nốt hồn mình, anh loanh quanh trong thành phố, hy vọng em chưa đi hẳn, em còn tạm trốn ở một nơi nào đó, đợi anh về, nên mấy chục năm nay anh vẫn ở lại trong xóm cũ, dù biết, nhà của cha mẹ em đã có người khác dọn vào lâu rồi.

Người đàn bà vóc vạc mảnh dẻ, đi như dựa hẳn vào lòng người đàn ông, ông không cao lớn lắm, nhưng vững chãi như một bức tường nhỏ, ấm áp. Tóc của bà đã hoa râm, dấu thời gian đã vẽ những vết nhăn đậm nhạt trên vừng trán, trên khóe miệng, trên đuôi mắt; nhưng ở người đàn ông, da vẫn căng và nâu xậm khỏe mạnh, tóc không hề có một sợi bạc, mái tóc xanh, cắt ngắn, của một người lính.

- Em lúc đó hoang mang, bối rối vô cùng, ông chánh văn phòng ở chỗ em làm, bảo sao thì em làm vậy. Bên gia đình anh cũng bỏ đi rồi, em đến nhà thì nhà hoang cửa trống, chỉ có con bé giúp việc đang ngồi khóc. Em đi chung quanh những căn buồng nhỏ, nhớ lại những kỷ niệm từ hồi còn anh, những kỷ niệm như những cánh hoa ứa máu nhưng vẫn còn thơm ngát. Biết là mình rồi cũng sẽ phải bỏ đi thôi. Em xếp kỷ niệm chôn vào bóng nắng trong một góc vườn.

Vì em có một mình nên Sở cho em mang bố mẹ đi với em. Thế là nhà của bố mẹ cũng mất với người.

Lê Hữu: Tháng Tư, đọc lại “Các con tôi đã về” của Trùng Dương

Hai mươi năm đàn con đi lính
đi rồi không về
Đứa con da vàng của Mẹ…
Ôi, tấm thân này ngày xưa bé bỏng
Mẹ mang đầy bụng, mẹ bồng trên tay (*)

Cứ mỗi lần nghe những câu hát này là tôi lại nhớ đến vở kịch ấy, có lẽ vì trong kịch bản cũng có nhân vật “đứa con da vàng của Mẹ” đi tập kết ra Bắc, xa Mẹ mãi đến hai mươi năm. Có khác chăng, đứa con ấy sau cùng đã tìm về căn nhà của Mẹ vào đúng cái ngày oan nghiệt ấy, ngày 30 tháng Tư.

Các con tôi đã về, tên vở kịch ba màn, nhà văn Trùng Dương khởi viết năm 1978, có hiệu đính những năm gần đây.

Câu chuyện khoanh tròn trong một gia đình sinh sống ở miền Nam Việt Nam trong một khu đông dân cư và bình dân với các diễn biến dồn dập, các tình tiết gay cấn, bất ngờ vào những ngày cuối tháng Tư năm 1975.

“Các con tui… đã về!” Thoạt nghe dễ tưởng là tiếng reo vui, vỡ òa hạnh phúc cho cuộc trùng phùng sau nhiều năm dài chia phôi và nhung nhớ. Thế nhưng mọi chuyện diễn ra theo cách khác. Nhân vật chính, bà mẹ miền Nam, thều thào thốt ra câu ấy trong màn cuối, cảnh cuối, là cảnh nhiều kịch tính nhất trong suốt chiều dài vở kịch.

Bà mẹ nở nụ cười rạng rỡ, âu yếm gọi tên thằng con trai lớn, chân bước tới, đôi cánh tay dang rộng chào đón đứa con yêu vừa trở về sau hơn hai mươi năm biền biệt xa nhà.

Nhân vật tên Hai, “đứa con yêu” của Mẹ, vẫn đứng yên một chỗ, không lộ chút cảm xúc nào. Hai bây giờ là sĩ quan bộ đội cộng sản Bắc Việt trong cánh quân tiến về Sài Gòn, “giải phóng” miền Nam.

Bùi Văn Phú: Trang sử thuyền nhân và nghĩa trang Galang

Galang là tên một đảo nhỏ thuộc tỉnh Riau của Indonesia đã được chính phủ nước này cho Cao ủy Tị nạn Liên Hiệp quốc sử dụng trong nhiều năm để người tị nạn Đông Dương tạm trú, trong khi chờ đợi được định cư ở một nước thứ ba.


Trại tị nạn Galang I, Indonesia (Ảnh: Bùi Văn Phú)

Người tị nạn xem văn nghệ tại Youth Center, Galang II (Ảnh: Bùi Văn Phú)

Hoài Hương-VOA: Đại sứ Hoa Kỳ Graham Martin trong ngày cuối cùng của Sài Gòn

46 năm về trước, ngày 30/4/1975, hàng ngàn người Mỹ, quan chức, quân nhân Việt Nam Cộng Hòa cùng với thường dân di tản khỏi Sài gòn. Trong số những người cuối cùng rời Sài gòn trong chiến dịch mệnh danh là Gió Lốc – Operation Frequent Wind, có vị Đại sứ cuối cùng của Hoa Kỳ tại miền Nam Việt Nam: Đại sứ Graham Martin.

Chiến dịch Gió Lốc do Thủy quân Lục chiến Mỹ thực hiện, được xúc tiến vào giờ thứ 25 của cuộc chiến, diễn ra giữa cơn hoảng loạn, trong nỗi tuyệt vọng và kinh hoàng của người dân miền Nam trước viễn ảnh đen tối là nếu không rời Sài gòn, họ sẽ rơi lại sau bức màn sắt của một chế độ cộng sản. Đa số những người vào được khuôn viên tòa đại sứ là những quân dân cán chính Việt Nam ít nhiều có liên hệ với người Mỹ và thân nhân của những người này.

Chiến dịch Gió Lốc cũng được thực hiện trong khi vị đại sứ cuối cùng của Mỹ tại Sài Gòn nhất định từ chối bước lên máy bay di tản, và cố tìm cách kéo dài thời gian để có thể sơ tán càng nhiều người miền Nam chừng nào hay chừng ấy, bất chấp sự hối thúc và cả lệnh trực tiếp từ Phòng Bầu dục, Tòa Bạch Ốc.

Phi công lái trực thăng sơ tán Đại sứ Martin


Tháng tư năm 1975, Gerry Berry là viên phi công của Thủy quân Lục chiến Mỹ đã đáp chiếc trực thăng Sea Knight lên nóc Tòa Đại sứ Hoa Kỳ ở Sài gòn. Sứ mạng của chàng phi công trẻ là sơ tán ông đại sứ.

Ông kể lại với báo Des Moines Register:

“Tôi đáp máy bay và nói ‘tôi đến đây để sơ tán ông đại sứ’, một người trả lời, ‘Được, nhưng ông ấy chưa sẵn sàng’… Thế rồi họ đẩy nhiều người Việt và công dân các nước khác lên đầy chiếc trực thăng của tôi rồi bảo, anh đi đi!”

Thứ Năm, 29 tháng 4, 2021

VOA Tiếng Việt: Tổng thống Biden đọc diễn văn đầu tiên trước Quốc hội Mỹ

(Bài trích một số câu của Tổng Thống Biden trong bài diễn văn trước Quốc Hội lúc 9 giờ tối ngày 28 tháng 4, 2021)

Tổng thống Biden kết thúc bài diễn văn trước Quốc hội: “Lịch sử đã cho thấy trông chờ Mỹ thất thế là một sai lầm. Chúng tôi là Hợp chúng quốc Hoa Kỳ. Không có một việc gì, không có gì, là vượt quá khả năng của chúng ta.”

Tổng thống Biden: “Tôi chưa bao giờ tin tưởng hơn hoặc lạc quan hơn về nước Mỹ như lúc này… Chúng ta đã nhìn vào vực thẳm của sự nổi loạn và chế độ chuyên quyền, của đại dịch và nỗi đau, và chúng ta, người dân chúng ta đã không nao núng.”

“Nếu chúng ta thực sự muốn khôi phục linh hồn của nước Mỹ, chúng ta cần bảo vệ quyền được bầu cử thiêng liêng,” ông Biden phát biểu tại phiên họp chung của Quốc hội khi ông kêu gọi các nhà lập pháp thông qua đạo luật về quyền bầu cử.

Tổng thống Biden nói đã đến lúc binh sĩ phục vụ ở Afghanistan về nước: “Ngày nay chúng ta có các quân nhân phục vụ trong vùng chiến sự giống như cha mẹ họ đã làm. Chúng ta có các quân nhân phục vụ ở Afghanistan, những người mà vào ngày 11 tháng 9 hãy còn chưa ra đời.”

Tổng thống Biden: “Di trú luôn là điều cần thiết đối với nước Mỹ. Hãy kết thúc cuộc chiến mệt mỏi của chúng ta về vấn đề di trú.”

Tổng thống Biden nói rằng cải cách an toàn súng ống “không nên là một vấn đề Cộng hòa hay Dân chủ.”

Trọng Hiệp: Rừng ngày càng ít, sân golf ngày càng nhiều - Ai được lợi?

Diện tích rừng tự nhiên đang suy giảm, số lượng sân golf thì vẫn không ngừng tăng lên.

Việc chính phủ phê duyệt dự án đầu tư sân golf Đak Đoa (Gia Lai) thời gian qua đã khiến dư luận dậy sóng. Điểm mấu chốt là quá trình triển khai dự án này bao gồm việc “chuyển đổi mục đích sử dụng” hơn 174 hecta đất rừng, trong đó có hơn 150 hecta đất rừng thông gần 50 tuổi. Để so sánh, diện tích đó bằng 10 lần diện tích của Thảo cầm viên Sài Gòn.

“Chuyển đổi mục đích sử dụng” là một cách nói tránh. Nói thẳng ra, hơn 174 ha đất rừng sẽ không còn. Nhà đầu tư FLC sẽ biến nó thành một đại sân golf tiêu chuẩn quốc tế kết hợp biệt thự nghỉ dưỡng sang trọng. Mà đó mới chỉ là giai đoạn 1. Sang giai đoạn 2, họ sẽ chiếm trọn 500 ha rừng thông.

Các cuộc thảo luận về việc nên hay không nên biến khu rừng thông cổ thụ thành sân golf đã được bàn thảo trước đó gần nửa năm. Trong đó, dự án này đã dấy lên nhiều lo ngại về tác động đến môi trường của việc xây dựng sân golf.

Các rủi ro có thể kể đến bao gồm việc làm mất đi thảm thực vật rừng vốn đã ổn định gần 50 năm, gây ảnh hưởng đến cân bằng sinh thái tự nhiên, hay đe dọa đến nguồn nước sinh hoạt của người dân địa phương.

Dự án xóa sổ khu rừng thông cổ thụ được bật đèn xanh chỉ vài ngày trước khi thủ tướng chính phủ phê duyệt đề án trồng một tỷ cây xanh tại Việt Nam.

Chính phủ một bên cho phép phá rừng, bên kia hô hào trồng thêm rừng mới.

Trong khi đó, theo số liệu năm 2020, độ che phủ rừng của Việt Nam bình quân đạt 42%, thấp hơn so với các nước trong khu vực như Lào (58%) hay Campuchia (47%). Mặc dù con số này vẫn đang dần tăng lên, nhưng chủ yếu là nhờ quá trình mở rộng diện tích rừng trồng, trong khi chất lượng rừng tự nhiên của Việt Nam thì lại giảm. Trong tổng số 10,3 triệu hecta diện tích rừng tự nhiên của Việt Nam, chỉ có 15% là rừng giàu về trữ lượng, 50% là rừng trung bình, còn lại 35% là rừng nghèo kiệt.

Bùi Thư (BBC News Tiếng Việt): Vì sao chính quyền Việt Nam e ngại các biểu tượng VNCH?

Cờ vàng ba sọc và các biểu tượng của chính thể Việt Nam Cộng Hòa vẫn còn là điều cấm kỵ tại một số nơi ở Việt Nam, dù đã gần nửa thế kỷ sau chiến tranh.

Một quán cà phê ở thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai vừa bị cơ quan chức năng đóng cửa do có nhiều hình ảnh "quân ngụy".

Sự kiện này gợi nhắc những xung đột âm ỉ trong lòng một đất nước được coi là đã thống nhất 46 năm.

Nhạc sĩ Tuấn Khanh trong cuộc trao đổi ngày 28/4 với BBC News Tiếng Việt chia sẻ: "Những biểu trưng về một thời đại, của một cộng đồng, một đất nước, một thế hệ luôn có sức sống vượt thời gian. Càng bị chà đạp, những người giữ gìn nó càng bảo vệ mãnh liệt hơn."

Quán cà phê 'Mỹ ngụy'


Đầu tháng 4, quán Army's Coffee and Tea khai trương trên đường Võ Thị Sáu, thành phố Biên Hòa. Quán có quy mô khá lớn, nhưng điều gây chú ý ở nơi đây không phải là không gian rộng rãi hay thức uống đặc sắc.

Đúng như tên gọi (army trong tiếng Anh nghĩa là quân đội), quán được bài trí đậm chất quân sự.

Ở bên ngoài, người ta thấy nhiều bao cát có in chữ "Army" được chồng lên nhau. Nhiều vật dụng thời chiến, hàng thật hoặc giả, được trang trí khắp nơi: chiếc kệ mô phỏng thùng đạn, hình ảnh xe tăng và cả tiểu cảnh có xe bọc thép cùng binh lính như đang sắp sửa bước vào cuộc chiến.

Nhân viên của quán phục trang theo phong cách nhà binh.

Reuters: Philippines với Trung Quốc - ‘Đừng xía vào các cuộc diễn tập hàng hải của chúng tôi’

Trung Quốc không có quyền bảo Philippines làm gì hay không làm gì trong các vùng lãnh hải của Philippines, Bộ quốc phòng của Manila tuyên bố hôm 28/4, gạt bỏ sự chống đối của Bắc Kinh đối với các cuộc diễn tập của lực lượng tuần duyên Philippines đang diễn ra.

Bộ trưởng quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana nói với các nhà báo rằng Trung Quốc “không có quyền hay cơ sở pháp lý nào để ngăn cản chúng tôi thực hiện các cuộc diễn tập” trong Biển Đông bởi vì “những tuyên bố chủ quyền của họ… không có cơ sở.”

Lực lượng tuần duyên và Cục Ngư nghiệp Philippines đã khởi sự các cuộc diễn tập hàng hải từ thứ Bảy 24/4 bên trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines, tiếp theo sau thông báo của Manila rằng họ sẽ tăng cường sự hiện diện tại đây để chống lại sự hiện diện có tính cách đe dọa” của các tàu Trung Quốc.

Phản ứng trước các cuộc diễn tập, Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm thứ Hai nói rằng Philippines nên “ngưng các hành động có thể làm phức tạp thêm tình hình và leo thang tranh chấp.”

Đáp lại bằng một tuyên bố, Bộ Quốc phòng Philippines nói:

“Trung Quốc không có quyền bảo Philippines phải làm gì, hoặc không được làm gì.”

Trong những tuần gần đây, Philippines đã có những lời lẽ cứng rắn hơn chống lại sự hiện diện của hàng trăm tàu Trung Quốc bên trong vùng đặc quyền kinh tế của họ, làm căng thẳng tăng cao so với tình hình hòa dịu trước đây do Tổng Thống Philippines Rodrigo Duterte tỏ ra nồng ấm với Bắc Kinh.

Hôm 28/4, Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin ra lệnh gửi đi thêm một công hàm ngoại giao, một trong hơn một chục công hàm hồi gần đây, để đáp lại phát biểu của Bắc Kinh

Thứ Tư, 28 tháng 4, 2021

Ngô Nhân Dụng: Kinh tế sẽ hồi phục thế nào?

Ngày Thứ Hai, chỉ số S&P 500 và Nasdaq đạt kỷ lục mới. Giới đầu tư lạc quan thấy số người bị Covid-19 xuống thấp, hai phần ba người Mỹ đã được chích ngừa vaccine, gấp đôi số dự trù. Các tiểu bang đều cho mở cửa dần dần.

California đóng cửa sớm nhất và kỷ luật ngặt nghèo nhất, bây giờ cũng là tiểu bang có tỷ số người mắc bệnh thấp nhất nước; mỗi ngày có 32 trên 100,000 người mới bị bệnh, Hawaii đứng hạng nhì, 37 người; trên toàn quốc trung bình hàng ngày 115 người mới mắc bệnh.

Kinh tế sắp hồi phục thật sự. Nhiều người tiên đoán năm nay Tổng Sản Lượng Nội Địa Mỹ sẽ tăng 7%, lên 5 điểm so với những năm trước.

Dấu hiệu trông thấy rõ rệt là các xí nghiệp nhận được rất nhiều đơn đặt mua hàng. Trong 13 tháng qua, số tiền đặt mua đã tăng gần 11 phần trăm; không kể các loại xe hơi, xe buýt, và máy bay vẫn còn chậm chạp. Số tiền đầu tư vào máy móc, thiết bị, cơ xưởng đã tăng gần một phần trăm (0.9%) trong tháng Ba, 2021, sau khi đã giảm liên tiếp, trong tháng Hai vẫn còn giảm 0.8%

Mở cửa các nhà máy chế tạo hàng hóa thì dễ dàng, còn các tiệm ăn, khách sạn, rạp hát, tiệm hớt tóc hay làm nail thì phải từ từ; vì còn chờ khách tới. Nhưng trong tháng qua, khách bắt đầu quay trở lại, các nhà cung cấp dịch vụ lại hồi sinh sau một năm hoạn nạn.

Nhưng chúng ta sẽ thấy một nền kinh tế mới. Sau khi phục hồi, kinh tế Mỹ sẽ thay đổi rất nhiều so với thời gian trước khi bị Covid tấn công. Người ta sẽ tiêu nhiều tiền hơn; nhiều người bước vào đường kinh doanh hơn; các xí nghiệp sẽ thay đổi cách làm việc, tự động hóa nhiều hơn; và chính trị cũng thay đổi vì dân chúng đòi hỏi.

Phạm Đình Trọng: Nhà nước của những phe nhóm quyền lực không phải nhà nước của dân

Càng ngày nhà nước cộng sản Việt Nam càng ngang nhiên và tràn lan lối hành xử chỉ vì lợi ích phe nhóm quyền lực, không vì lợi ích của dân, của nước, không vì danh dự quốc gia, không vì kỷ cương phép nước và đạo lý xã hội, từ việc lớn ở tầm quốc gia, đến việc nhỏ trong một trường học ở một làng xã. Chỉ xin dẫn chứng mấy việc gần đây.

1. VÌ LỢI ÍCH CỦA NHÓM QUYỀN LỰC, MÁU DÂN ĐỒNG TÂM CÒN THẤM ĐẪM ĐẤT ĐỒNG TÂM THÌ MÁU DÂN MYANMAR NÀO CÓ Ý NGHĨA GÌ


Nhóm tướng cầm đầu quân đội Mynamar rải lính mang súng đạn xông vào cung điện nhà nước, xông vào nhà riêng bắt cóc những yếu nhân lãnh đạo nhà nước Mynamar vừa được lá phiếu của người dân bầu lên trong cuộc bầu cử dân chủ, minh bạch. Lấy súng đạn làm đảo chính cướp chính quyền của chính phủ hợp pháp, rồi nhóm tướng quân đội Myanmar lại dàn quân, xả súng vào dân chúng tay không biểu tình đòi nhóm tướng đảo chính tôn trọng lá phiếu của người dân, đòi trả lại quyền lực nhà nước cho chính phủ hợp pháp được người dân tin cậy giao quyền.

Hàng trăm dân lành Myanmar đã bị quân đội đảo chính phi pháp bắn chết. Máu dân Myanmar lênh láng trên đường phố Naypyidaw. Lương tri loài người phẫn nộ. Ngoại trưởng Singapore Vivian Balakrishnan phải thốt lên: Quân đội cầm súng bắn người dân nước mình là đỉnh cao của nỗi ô nhục quốc gia. Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc gấp gáp thảo Tuyên bố chung lên án và ngăn chặn nỗi ô nhục quốc gia ở Myanmar. Để tội ác mang danh quyền lực nhà nước giết dân lành cứ tiếp diễn thì không chỉ là nỗi ô nhục Myanmay mà còn là nỗi ô nhục của cả loài người.

Nhưng tiếng nói đúng đắn và cần thiết của lương tri loài người từ Liên Hiệp Quốc đã không được cất lên ngăn chặn tội ác chống lại người dân của quân đội Myanmar. Ngoài hai nước độc tài trong Thường trực Hội đồng Bảo an là Nga và Trung Quốc phủ quyết Tuyên bố, lên tiếng phản đối Tuyên bố mạnh mẽ của Hội đồng Bảo an ngăn chặn nòng súng tội ác giết dân của quân đội Myanmar còn có tiếng nói tủi hổ của nhà nước Việt Nam cộng sản!

Nhã Duy: Thuyền trưởng Joe Biden, người ra khơi giữa cơn bão

Cột mốc 100 ngày của tân nội các tổng thống Joe Biden quả khó làm mỗi người xác định chính xác về ý niệm thời gian. Một mặt nó tạo phản xạ thói quen rằng, 100 ngày có vẻ như đến quá nhanh. Nhưng đồng thời nó cũng cho người ta một cảm giác ngỡ như ông đã nhậm chức từ rất lâu, khi nhìn vào biết bao nghị trình, cải đổi liên tục được đưa ra, cùng các công việc đã làm. Suy nghĩ và cảm xúc thế nào trong mỗi cá nhân, thì vâng, đã tròn 100 ngày nhậm chức của tổng thống Joe Biden để nhìn lại dăm điều.

Khi tổng thống Joe Biden bất ngờ qua mặt các ứng viên đảng Dân Chủ trong vòng bầu cử sơ bộ để trở thành ứng viên tổng thống đối đầu cùng Donald Trump, có lẽ không ít cử tri Dân Chủ đã cảm thấy phân vân và nghi ngờ về khả năng của ông, đặc biệt nơi giới trẻ và những người cấp tiến đang ủng hộ các ứng viên khác. Một nhóm cử tri khác thì ủng hộ ông chỉ vì họ muốn truất phế Trump, bất kể ai được đề cử.

Có thể tổng thống Joe Biden không phải là ứng viên sáng giá nhất của những thế hệ như tổng thống John F. Kennedy, Bill Clinton hay Barack Obama, những chính khách trẻ trung, trí tuệ và đầy sức thu hút cử tri. Nhưng trong số hàng chục ứng viên khác, ông lại là người có nhiều cơ hội đánh bại được Donald Trump. Chiến thắng của ông đã cho thấy chọn lựa chiến lược của đảng Dân Chủ là đúng đắn và thành công. Với người dân Mỹ, ít ra cũng đã cảm ơn ông vì đã giúp họ thoát khỏi nỗi ám ảnh kéo dài từ Donald Trump.

Nhưng rồi 100 ngày đầu tiên với lời nói và hành động của tổng thống Joe Biden ắt đã làm thay đổi suy nghĩ của vô số người. Bởi đó là chân dung và phẩm cách của một lãnh đạo vô cùng cần thiết cho nước Mỹ hiện nay: kinh nghiệm, bản lãnh và trách nhiệm, là một cấp lãnh đạo đặc biệt quan tâm đến lợi ích quốc gia và người dân.

Trong cuốn hồi ký "A Promise Land", tổng thống Obama đã kể lại chi tiết lý do tại sao ông đã cân nhắc chọn Joe Biden để làm phó trong liên danh của mình. Tổng thống Obama kể rằng, nếu có những cử tri còn phân vân với những người mới và trẻ như ông thì họ có thể tin vào Joe Biden, một thượng nghị sĩ với hơn 35 năm chính trường, có kinh nghiệm đối ngoại sâu rộng, một con người nghị lực và đầy quyết tâm, can cường và bền bỉ vượt lên thử thách. Và hơn hết là một con người chính trực, chân thật và yêu nước, quan tâm đến người khác. TT Obama đã không sai lầm vì đó là những phẩm hạnh thật sự của tổng thống Joe Biden mà người dân có thể thấy được hiện nay.

Jackhammer Nguyễn: Thấy gì qua chuyến đi của ông Phạm Minh Chính đến Jakarta?

Chuyến công du nước ngoài đầu tiên của tân thủ tướng Việt Nam, ông Phạm Minh Chính, không phải là Trung Quốc, hay Nhật Bản, Hàn Quốc, mà là Indonesia. Ông Chính bay qua Jakarta, dự hội nghị thượng đỉnh khẩn cấp của khối Đông Nam Á (ASEAN) về Miến Điện.

Kết quả của hội nghị này không ngoài dự đoán của mọi người, tướng Min Aung Hlaing đang cầm quyền ở Miến Điện, đồng ý sẽ thương lượng với các nhóm đối lập, các nhóm dân chúng ủng hộ chính quyền dân sự hợp pháp bị ông ta lật đổ và bắt giam vào ngày 1/2/2021.

Với nguyên tắc đồng thuận, không can thiệp vào chuyện nội bộ của các nước thành viên ASEAN, kết quả hiển nhiên phụ thuộc vào “đương sự” Min Aung Hlaing mà thôi. Đương sự có thương lượng hay không thì hồi sau sẽ rõ.

Dĩ nhiên như thường lệ, báo chí Việt Nam nói rằng, Việt Nam có sáng kiến này sáng kiến kia. Lần này, khổ thân ông Chính là không có gì để nói, nên báo chí Việt Nam bèn tung ra chủ đề vô thưởng vô phạt: Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị ASEAN phối hợp tìm giải pháp cho Myanmar. Rõ khổ, không phối hợp tìm giải pháp thì họp với nhau để làm gì!

Các ông tướng Thái Lan có quan hệ mật thiết với các ông tướng Miến Điện (Tướng Min Aung Hlaing là con nuôi của tướng Prem Tinsulanonda, cựu thủ tướng Thái vang bóng một thời), nhưng lãnh đạo Thái còn không thèm tới, vì có mặt họ, kết quả cũng như thế mà thôi.

Chuyện ông Chính đi xuất ngoại là một biểu hiện của quyền lực chính trị nội bộ đảng cầm quyền tại Việt Nam, hơn là một sự cần thiết đối ngoại với các lân bang, càng ít hơn đối với việc giải quyết khủng hoảng Miến Điện, nơi nhiều công ty Việt Nam đang làm ăn với quân đội Miến (dĩ nhiên Việt Nam cũng chẳng mong Miến Điện rối loạn để yên ổn mà làm ăn).

Thứ Ba, 27 tháng 4, 2021

Ngô Nhân Dụng: Phe nổi loạn tan rã sau 48 giờ

Một cuộc nổi loạn gây chấn động dư luận Âu châu và nhiều thành phố trên thế giới nhưng dân coi đài, đọc báo ở Mỹ chẳng ai chú ý tới, mặc dầu bản tin đầu tiên là do báo The New York Times tiết lộ. Bởi vì đây là chuyện túc cầu, đá banh, bên Anh gọi là football, ở Mỹ gọi là soccer và rất ít khán giả.

Tối Chủ Nhật vừa qua mười lăm đội bóng, trong đó có những đội mạnh nhất, rút ra khỏi Liên đoàn Vô Địch, Champions League, thành lập một tổ chức mới mang tên Liên đoàn Siêu Việt, Super League, sẽ có 20 đội banh tham gia. Trong số 12 thành viên sáng lập có những đội nổi tiếng nhất, Arsenal, Chelsea, Liverpool, Manchester City, Manchester United và Tottenham ở Anh quốc; Barcelona, Atlético Madrid và Real Madrid ở Tây Ban Nha; AC Milan, Inter Milan và Juventus ở Italy, nước Ý. Công ty tài chánh Mỹ JPMorgan Chase sẽ cung cấp vốn khởi đầu, khoảng $4 tỷ mỹ kim.

Tại sao cuộc nổi loạn này bùng lên? Chẳng qua cũng chỉ vì tiền. Các liên đoàn bóng đá ở Âu châu, trong đó Champions League đứng hàng cao nhất, bao gồm các đội banh mạnh yếu khác nhau. Bên trong mỗi liên đoàn, tiền thâu được sẽ được chia cho tất cả các đội.

Các đội banh mạnh nhất thấy như thế là bất công. Khán giả mua vé đi coi đá banh, các nhà bảo trợ trả tiền quảng cáo, là nhờ các cầu thủ và các đội banh giỏi nhất. Tại sao họ phải “nuôi” các đội banh yếu mãi như vậy? Ý tưởng ly khai đã nảy ra từ lâu rồi, năm nay mới được thực hiện. Với liên đoàn mới Super League, số tiền thu được sẽ rất lớn, đem chia ra họ được hưởng nhiều hơn. Các đội banh này sẽ không còn lệ thuộc các tổ chức đá bóng quốc gia. Những đội banh muốn được nhận vào Champions League phải qua cửa ải tranh tài với các đội khác trong nước mình. Còn với Super League, 15 đội banh sẽ giữ được chỗ vĩnh viễn, 5 đội được họ thêm vào mỗi năm. Số thu nhập sẽ vừa cao hơn vừa được bảo đảm, bớt rủi ro. Tương lai có vẻ rực rỡ.

Nhưng tương lai của các đội banh nhỏ thì đáng lo – hơn 250 đội trong các nước Âu châu. Số tiền thu sẽ tụt xuống nếu không có các đội mạnh nhất tham dự. Các tổ chức đá bóng quốc gia và cho toàn thể Âu châu sẽ thiệt hại tài chánh. Các người lãnh đạo FIFA, bóng tròn thế giới, và UEFA, các hội Âu châu, cố gắng thuyết phục chủ nhân các đội banh nổi loạn hãy bỏ ý định ly khai, cũng vô hiệu.

Nguyễn Khoa: Những làn ranh màu xám thời hậu cộng sản

Vụ Báo Sạch


Ngày 20/4/2021 có ba người là thành viên một nhóm có tên là Báo Sạch bị bắt, với tội danh lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích nhà nước, quyền lợi, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Đây là điều số 331 trong bộ luật hình hình sự của Việt Nam hiện nay.

Nhóm Báo Sạch này hoạt động trên Facebook, thu hút rất đông đảo người xem, nhất là khi họ viết về vụ án Hồ Duy Hải tại Long An. Độc giả theo dõi các bài viết về vụ án này trên Báo Sạch sẽ nghĩ rằng hung thủ giết người có liên quan đến một “ông kẹ” cấp trung ương nào đó, nên mọi tội lỗi (án tử hình) bị đổ vấy cho anh Hồ Duy Hải. Các trang báo chí của nhà nước cũng xác nhận rằng những bằng chứng tội phạm được các viên công an điều tra mua ngoài chợ thêm vào hồ sơ.

Các trang báo nhà nước đưa tin vụ Báo Sạch này theo đúng “hướng dẫn” của công an, rất ít bình luận.

Các trang báo có trụ sở ở hải ngoại có nhiều bài viết thu thập ý kiến bình luận. Tuyệt đại đa số các ý kiến này chỉ trích rằng nhà nước cộng sản Việt Nam đang chà đạp lên tự do ngôn luận.

Tuy vậy cũng có những ý kiến từ một số không ít người thạo tin cho rằng nhóm Báo Sạch đưa tin theo kiểu làm lợi cho một phe phái chính trị nào đó trong nội bộ Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN). Một số nhân vật chủ chốt của nhóm này biến mất khỏi không gian mạng xã hội sau khi đại hội đảng 13 của ĐCSVN kết thúc. Theo các ý kiến này, nhân vật “ông kẹ trung ương” chính là Nguyễn Hòa Bình, Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao, vẫn giữ được ghế ủy viên BộChính trị, vì thế hậu quả tất yếu là “Báo Sạch” phải được dẹp đi.

Tina Hà Giang (BBC News Tiếng Việt): Nước Mỹ tôi yêu quý có kỳ thị chủng tộc không?

''Cuối tuần em rủ mấy đứa bạn đi biểu tình Anti-Asian Crime ở Irvine.'' D., cô em gái tôi nói.

''Hôm trước em với tụi nhỏ đi một lần rồi, lần này chắc đông hơn.'' Điện thoại tôi chợt hiện tấm hình ba mẹ con D. ở một công viên đầy người, tay mang biểu ngữ.

Chị ở Bangkok, em ở Nam Cali. Facebook với chúng tôi là chiếc cầu nối.

Facebook của D. dạo này tràn ngập tin về những người Á châu ở Mỹ bị hành hung, vụ thảm sát ở Atlanta, các cuộc biểu tình chống hành hung người Á đông, các lớp dạy học võ để tự vệ...

'Em mới ghi danh học lớp Taekwando và đặt mua 3 bình xịt hơi cay,' D. nói tiếp, nỗi bất an trong em rõ hơn.

''Chẳng hiểu chuyện gì đang xảy ra cho nước Mỹ. Chị không biết nên sợ Covid hơn hay sợ kỳ thị hơn.'' Tôi thở dài.

''Hồi mới qua, có lần em nghe chị nói chị không thấy nước Mỹ kỳ thị. Nhớ không?'' Nhắc nhớ của D. hôm ấy nghe như một lời trách nhẹ rằng chị nghĩ sai rồi.

Hay đó là một thắc mắc chưa thành lời?

Thú thực tôi cũng bao lần tự hỏi là nước Mỹ có kỳ thị không, để bối rối khi câu trả lời của mình đổi từ 'có' thành 'không' rồi lại 'có', theo dòng đời.

Lạc giữa rừng người da đen


Cảm nhận có sự phân biệt chủng tộc ở Mỹ đến với tôi lần đầu tiên khoảng cuối năm 1975, lúc sống ở một thành phố nhỏ cạnh rừng thông, gần thành phố Richmond, tiểu bang Virginia.

Tường An (RFA): Chính phủ Việt Nam trả tiền bồi thường cho “vua chả giò” Trịnh Vĩnh Bình nhưng từ chối trả tài sản

Vào năm 2015, ông Trịnh Vĩnh Bình đã kiện Chính phủ Việt Nam ra Toà Trọng tài Quốc tế ở Paris, đòi bồi thường 1,25 tỷ đô la vì vi phạm luật đầu tư liên quan đến Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư song phương giữa Hà Lan và Việt Nam và vi phạm nhân quyền vì bắt giữ ông trái pháp luật. Toà sau đó đã ra phán quyết, yêu cầu Việt Nam phải trả cho ông Bình 37.581.596 đô la thiệt hại và gần 7,9 triệu đô la án phí.

Ông Bình xác nhận thông tin về việc thanh toán tiền trong một phỏng vấn với RFA hôm 20/4 như sau:

“Số tiền phán quyết một phần đó thì Chính phủ Việt Nam đã trả. Tôi xin nhấn mạnh là Chính phủ Việt Nam đã trả rồi”.

Ông Bình cho biết số tiền mà toà đưa ra trong phán quyết chỉ là một phần trong số tổng số tiền thiệt hại mà ông đòi Chính phủ Việt Nam.

“Vào năm 2015, tôi có đưa vụ kiện này lên Toà án Quốc tế với số tiền đòi bồi thường là trên 1 tỷ 250 triệu đô la nhưng mà khi phán quyết thì chỉ tuyên có một phần thôi. Ngoài ra, còn một phần lớn nằm ngoài bản án đã tuyên ngày 10/4/2019”.

Ông Bình giải thích thêm về phần còn lại trong tổng số 1,25 tỷ đô la mà ông đòi bồi thường:

“Là vì phần tài sản lúc đó mà chúng tôi đòi bồi thường lên đến 1 tỷ 250 triệu đô la hoặc là hơn nhưng khi phán quyết thì toà án quốc tế chỉ phán quyết một phần trong đó thôi, còn nhiều phần tôi nghĩ là sau một thời gian. Bây giờ tôi chưa được tiết lộ. Khoảng thời gian sau khi mà chúng tôi bắt đầu xúc tiến những vụ đòi bồi thường tiếp thì chúng tôi sẽ công bố”.

Đây là vụ kiện thứ hai của ông Trịnh Vĩnh Bình đối với Chính phủ Việt Nam sau vụ kiện vào năm 2003 khi ông Bình đòi phía Việt Nam đền bù trên 150 triệu đô la. Vụ kiện đầu sau đó đạt được thoả thuận ngoài toà mà theo đó phía Việt Nam sẽ trả tiền bồi thường cho ông Bình để đổi lại việc ông Bình rút đơn kiện. Tuy nhiên, ông Bình cho biết ông đã không nhận được tiền theo cam kết và Chính phủ Việt Nam cũng không thực hiện lời hứa trả lại cho ông các tài sản của ông còn lại ở Việt Nam.

Chủ Nhật, 25 tháng 4, 2021

Trần Mộng Tú: Những Bức Tường

Hình minh hoạ, FreePik

Chúng ta ở trước mặt, ở sau lưng những bức tường, ở trong những bức tường mỗi ngày. Có bao giờ chúng ta nhìn vào những bức tường nghĩ đến sự liên hệ giữa ta và tấm vách vô tri đó? Bức tường, bức vách, bức mành, hàng rào, bờ giậu, chấn song v.v... Là những rào cản, ngăn cách, hay che chở giữa người với người, người với vật. Những tiếng đó, tưởng như khi đọc lên chẳng để lại một âm thanh nào, nhưng thật sự những “bức tường” đã giữ biết bao nhiêu dấu tích của kỷ niệm vui, buồn, thăng trầm của lịch sử, lãng mạn của văn thơ .

Trong một bài thơ viết về chiến tranh, một nhà thơ Ý, có nhắc đến những bức tường:

“Không còn gì cả
trong những ngôi nhà
những bức tường bị bào nát ra, ở lại.”(1)

Tưởng tượng hình ảnh một ngôi làng sau chiến tranh, đồng hoang, nhà trống, tất cả tan tác xụp đổ, không có tiếng gà gáy, tiếng chó sủa, tiếng chân trẻ em và tiếng ho của người già. Một ngôi làng bỏ trống chỉ còn lại những bức tường đã sụp đổ tơi tả, rơi ra từng mảnh.

Khi vĩ tuyến 17 chia đôi hai miền Nam Bắc nước Việt, một “Bức Màn Tre” được dựng lên, đã thấm bao nhiêu máu và nước mắt của người Việt cả hai miền. Bức màn tre đã hạ xuống nhưng trong lòng người Việt cho đến bây giờ một bức tường vô hình vẫn rơi ra từng mảnh.

Trần Doãn Nho: Tính “văn học” trong văn học miền Nam

Nhà văn Trần Doãn Nho

(LTG: Đây là bản chính bài thuyết trình trong buổi hội thảo về VHMN tổ chức tại tòa soạn nhật báo Người Việt vào ngày 6/12/2014. Do giới hạn về thời gian, nhiều chi tiết trong bài viết đã không được trình bày tại buổi hội thảo; và ngược lại, một số chi tiết được triển khai khi phát biểu vốn không có trong bài viết.)

Đề tài tôi trình bày trong buổi hội thảo hôm này là “Tính văn học trong văn học miền Nam”.

Chắc có người cho rằng chữ dùng nghe có vẻ không mấy thích hợp. Và thừa. Đã nói về một nền văn học, sao còn đặt vấn đề “tính văn học”?

Xin thưa ngay: lý do khiến tôi sử dụng nhóm từ “tính văn học” là vì văn học miền Nam trước đây được nhà cầm quyền nhìn với một nhãn quan chật hẹp và độc đoán. Họ gọi văn học miền Nam là “văn học thực dân mới”, “văn học đồi trụy”, “văn học phản động” hay sau này, gọi một cách nghe lịch sự hơn nhưng có vẻ xách mé, là “văn học đô thị”.[1] Toàn là những nhóm từ tiêu cực. Văn học thực dân mới là gì? Là thứ văn học chỉ dành để phục vụ chế độ thực dân. Văn học phản động là gì? Là chống lại đất nước, chống lại dân tộc. Văn học đồi trụy là gì? Là hư hỏng, xấu xa. Vì thế, văn học miền Nam được xem là “nọc độc”. Và những người viết lách được gọi là “những tên biệt kích văn nghệ.” Nghĩa là gì? Nghĩa là phi-văn học. Là một nghịch đảo với văn học xã hội chủ nghĩa, văn học yêu nước và văn học tiến bộ. Do cách hiểu hạn chế đó, nhà nước Cộng Sản đã tìm cách tiêu diệt văn học nền văn học này sau chiến thắng tháng 4/1975.

Thụy Mân: Mất Nước...

PHẦN l


Con người chúng ta không có quyền chọn lựa để được sinh ra đời. Hơn thế nữa, được chọn lựa để sinh ra là dân tộc này chứ không phải là dân tộc khác. Bởi lẽ nếu chúng ta được quyền chọn lựa, không biết được bao nhiêu phần trăm dân Việt Nam thực sự vẫn muốn chọn cái số phận của mình?

Nhiều lúc tôi nhớ về cái tuổi thơ của tôi vào cái thời trước khi cuộc chiến tranh Việt Nam kết thúc. Nơi gia đình tôi sống lúc ấy là một thị trấn nhỏ miền Trung, thuộc vùng Quốc gia, nhưng vẫn bị cộng sản quấy nhiễu luôn luôn. Ngôi nhà của gia đình tôi nằm ngay phía trước Tòa Hành Chánh Quận Lỵ, mục tiêu để cộng sản thỉnh thoảng nã pháo vào. Gặp tay chỉ điểm tồi, cung cấp tin tức sai, họ bắn lệch một chút thì xem như cả xóm nhà tôi được lên thiên đường sớm.

Hầu hết mọi nhà trong thị trấn đều có một cái "hầm cát". Các bạn thế hệ sau này chắc không hiểu nổi ý nghĩa của từ này. "Hầm cát" là một loại công sự để tránh mảnh bom, xây dựng lên từ những cây trụ sắt xây hàng rào và những bao chứa cát chiều dài độ 7-8 tấc, chiều ngang độ 3-4 tấc. Khi mảnh bom văng vào, cát trong bao sẽ làm giảm tốc độ của mảnh bom, giữ nó lại, và người ẩn náu bên trong sẽ không bị thương. Điều lạ lùng là cái công sự này được xây bên trong nhà, vì khi pháo kích thì người ta thường nã bất kể ngày hay đêm. Tiện lợi hơn hết là xây ngay trong một căn phòng chính của gia đình. Đôi khi nửa đêm nghe tiếng pháo kích, vừa lăn xuống giường thì bò được ngay vào hầm cát!

Hầm cát nhà tôi bên trong cao độ hơn một mét, chiều rộng 1 mét rưỡi, chiều dài hơn 2 mét. Một bên là tường, ba mặt còn lại là những bao cát chồng dựng lên nhau thành ba mặt như ba bức tường còn lại của căn hầm, với những thanh sắt chen ở giữa ,để giúp giữ vững cái công trình xây dựng kỳ quặc mà chỉ trong thời chiến tranh con người ta mới có đủ trí tưởng tượng để làm được.

Lê Thiệp: Phi Kiếm Hiệp Bất Thành Báo

Ngoảnh đi ngoảnh lại, ngôn ngữ kiếm hiệp tràn lan mọi ngõ ngách của đời sống miền Nam Việt Nam lúc nào không rõ. Không ai không nhớ bài hát của trẻ thơ “Có cô gái Đồ Long lắc bầu cua, lắc một cái ra ba con gà mái...” Với người lớn thì những từ ngữ như “vô chiêu thắng hữu chiêu, nội lực thâm hậu, ngụy quân tử, cấy sinh tử phù” trở thành từ ngữ mang nhiều nghĩa rất hiện đại của thực tế chính trị. Nhân vật kiếm hiệp được các nhà văn nhà báo tên tuổi dùng làm bút hiệu như ông Lê Tất Điều, ông Dương Hùng Cường viết film — một ký mục với ngôn ngữ trào phúng, châm biếm — ký là Kiều Phong, Du Thản Chi. Ông Trần Việt Sơn, một bỉnh bút lão thành đã so sánh thế Quốc - Cộng, các thế lực đối đầu trên bàn cờ thế giới, với các môn phái võ công trong Tiếu Ngạo Giang Hồ để đi đến kết luận phái Hằng Sơn của Ngũ Nhạc Kiếm Phái là phái yếu nhất nhưng duy nhất tồn tại trong năm phái võ vì môn hộ nghiêm nhặt, đệ tử đoàn kết trên dưới một lòng. Ông Trần Việt Sơn đã đi đến dự đoán rất nghiêm chỉnh rằng miền Nam dù thân cô thế bạc nhưng nếu quân dân, lãnh đạo đoàn kết một lòng, cư xử đúng với tư cách và thân phận của mỗi người giống môn phái Hằng Sơn như các sư thái Định Nhàn, Định Dật hay các tiểu đệ tử Định Quán, Nghi Lâm thì miền Nam sẽ tồn tại.

Dự đoán của vị ký giả lão thành đã không xảy ra. Trong một buổi hội luận dành cho sinh viên báo chí, ông Từ Chung nêu câu hỏi rất giản dị “Tại sao báo Việt Nam nào cũng phải đăng truyện kiếm hiệp?” Những ý kiến phát biểu rất đa dạng. Kiếm hiệp là hình thức xả xú bắp cho một xã hội chiến tranh. Kiếm hiệp phản ảnh cái ước muốn người hùng. Kiếm hiệp bao giờ cũng có những kết thúc viên mãn kiểu Lục Vân Tiên, cái kết có hậu mà mọi người chờ đợi. Kiếm hiệp lúc nào cũng nêu cao các giá trị truyền thống như Trung - Hiếu - Tiết - Nghĩa. Kiếm hiệp là nơi trú ẩn tinh thần, giải tỏa những căng thẳng của thực tại.

Các sinh viên đã nhìn kiếm hiệp dưới đủ mọi khía cạnh từ tâm lý xã hội đến nhu cầu giải trí. Ông Từ Chung sau khi khuyến khích mọi người phát biểu và tranh luận đã đồng ý về tất cả các phát biểu. Ông nói “Điều mà các bạn đưa ra đều đúng, nhưng quan trọng hơn cả, không có kiếm hiệp thì báo bán không chạy. Báo bán không chạy thì báo chết. Nó giản dị vậy thôi.”

Thứ Bảy, 24 tháng 4, 2021

*Song Thao: Tháng Tư Nghĩ Về Sách Sài Gòn Xưa

Trong cuốn thơ “Đất Khách” xuất bản năm 1983, Thanh Nam có hai câu thơ: Một năm người có mười hai tháng / Ta trọn năm dài một Tháng Tư. Cái tháng tư day dứt đó là một khổ nạn. Cho cả người lẫn sách. Mùa thương khó của sách khởi đầu với những chiếc xe ba bánh của những “hồng vệ binh” khăn đỏ đi thu “văn hóa phẩm đồi trụy” về hỏa thiêu. “Đồi trụy” là một từ hàm hồ chỉ mọi sách in của miền Nam.

Việt Nam Cộng Hòa chỉ sống được vỏn vẹn gần 21 năm. Từ 1954 tới 4/1975. Nhưng sách xuất bản là một con số không nhỏ. Trước năm 1954, văn học miền Nam vẫn hiện diện với nhiều cây bút nổi tiếng nhưng kể từ khi có cuộc di cư của đồng bào miền Bắc, cây trái mới nở rộ. Theo số liệu của Bộ Thông Tin công bố, dựa theo thống kê của Ủy Hội Quốc Gia Unesco Việt Nam vào tháng 9/1972 thì trung bình Việt Nam Cộng Hòa đã cấp giấy phép xuất bản cho khoảng ba ngàn đầu sách mỗi năm. Cộng chung trong gần 21 năm đã có khoảng từ 50 ngàn tới 60 ngàn đầu sách được xuất bản. Thêm vào đó có khoảng 200 ngàn đầu sách ngoại quốc được nhập cảng. Giả dụ mỗi đầu sách in 3 ngàn cuốn thì tổng số sách in là 180 triệu. Đó là ước tính của tác giả Nguyễn văn Lục. Nhưng trong bài viết “Mấy Ý Nghĩ về Văn Nghệ Thực Dân Mới” đăng trên tuần báo Đại Đoàn Kết của Vũ Hạnh, nhà văn nằm vùng, thì từ năm 1954 đến 1972, có 271 ngàn loại sách lưu hành tại miền Nam với số bản là 800 triệu bản. Sách của ông Trần Trọng Đăng Đàn lại ước tính với con số 357 ngàn loại.

Nếu lấy con số đáng tin nhất của Ủy Hội Unesco Việt Nam, 180 triệu sách nội địa và 200 ngàn sách ngoại ngữ nhập cảng, liệu nhà cầm quyền cộng sản đã đốt đi được bao nhiêu sách của miền Nam qua các chiến dịch đốt sách.

Không ai tính được con số này vì lòng dân miền Nam đã quyết sống còn với kho tàng văn hóa của dân tộc. Phải sống trong một chế độ độc tài, dân miền Nam biết những hiểm nguy rình rập khi trái lệnh nhà nước cất giấu sách vở bị coi là phản động. Nhưng ít có nhà nào không cất giấu lại một số sách mà họ yêu thích.

Du Tử Lê: Nguyễn Ngọc Tư, hiện tượng tiêu biểu của 40 năm văn xuôi Việt

Có thể có người không đồng ý, nhưng theo tôi, Nguyễn Ngọc Tư là hiện tượng tiểu biểu, nổi bật nhất của sinh hoạt văn xuôi Việt, 40 năm qua, kể từ 1975 tới 2015 trong số những người viết trẻ.

Nguyễn không cần phải mượn lớp màn che, trướng phủ của lịch sử đã lùi xa hàng trăm năm. Nguyễn cũng không cần lớp sơn son thếp vàng của dã sử, huyền sử, để chuyển thông điệp tới người đọc. Thậm chí, Nguyễn cũng không cần phải khai thác thân thể người nữ với những bản năng thú tính, để tự “P.R” với độc giả!!!

“Cánh đồng bất tận”, của Nguyễn Ngọc Tư, với tôi, là “bạch văn”. Nó không cần phải che đậy, mặc khoác cho nó, bộ quần áo vàng mã, lòe loẹt. Nó cũng không là những ẩn dụ phải cần đến sự giải mã của những nhà phê bình, hay chiêng trống như những tùy tinh chung quanh nhà xuất bản hoặc, nhà phát hành… Nó trực tiếp ghi nhận những hiện thực xã hội ngồn ngộn sần sượng; cùng lúc với những thơ mộng nhiều thi tính của sông nước miền Tây – đặc biệt, Đất Mũi, nơi Nguyễn sinh ra và lớn lên.

Ngay tự những dòng chữ đầu tiên, mở vào “Cánh đồng bất tận”, chỉ với một đoạn văn ngắn, Nguyễn Ngọc Tư đã cho thấy tài năng sớm chín muồi của một nhà văn, khi viết:

“Con kinh nhỏ nằm vắt qua một cánh đồng rộng. Và khi chúng tôi quyết định dừng lại, mùa hạn hung hãn dường như cũng gom hết nắng đổ xuống nơi này. Những cây lúa chết non trên đồng, thân đã khô cong như tàn nhang chưa rụng, nắm vào bàn tay là nát vụn…”

Một đoạn văn ngắn thôi, mà đã có tới hai nhân cách hóa… “dẫn đường” vào không khí truyện khô hạn, hung hãn, gom hết lửa…và, những cây lúa chết non, cong như tàn nhang chưa rụng…

Nguyễn Ngọc Tư: Thư gửi ông Sơn Nam (Tạp văn)

Nhà Quê nhiều lần làm con giận lắm, ông à. Con mua táo về, táo Mỹ nghen, mắc tiền lắm, Nhà Quê cắn xong một miếng, nhấm nhẳn, ăn thua... mộng dừa, con ức không chịu nổi vì đã bị phụ lòng còn bị giũa một trận te tua, tội phí tiền mua mấy thứ không ngon lành gì. Con bị sốc đâu cũng năm ba lần như vậy, tặng măng cụt Nhà Quê nói ăn cũng không hơn... mãng cầu gai, còn sầu riêng thì bị quăng ngay ra cửa, vì cái mùi... thúi chịu hổng nổi.

Con thấy tổn thương ghê gớm. Nhà Quê mà ông và con yêu mến cũng có điều đáng phàn nàn, không chịu tiếp nhận cái mới gì cả, đôi lúc còn cực đoan nữa. Nhà Quê ít chịu mở ti vi coi thời sự, đã qua thời dùng bình ắc quy nhưng Nhà Quê đợi tới cải lương (hay phim) mới chịu bật ti vi. Nên hiểu biết của Nhà Quê không vượt ra khỏi cái xóm đó, con kinh đó, bờ chuối, bờ dừa đó. Sách báo thì chỉ được mấy lão nông đảng viên về hưu để mắt tới, tầm 30- 40 rảnh thì nhậu thôi, cầm tờ báo lên than buồn ngủ quá trời. Những kiến thức, những thông tin của thế giới bao la này nhiều khi bị cắt xén ra từng mẩu bằng... bàn tay, lúc ngồi soi bóng nước trong cầu cá tra, buồn tình mới săm soi vài chữ.

Vậy nên những chuyện đồng cốt thầy bà thì miễn bàn, Nhà Quê mê vô kể. Ai đó cắt lưỡi lấy máu để gỡ bùa, ai đó chữa bệnh ung thư bằng nước lạnh, ai đó lấy ếm trên nóc nhà tóe lửa, ai đó được bà cậu (tại sao bà mà là cậu được ta?!) nhập vào, bứt cọng tóc của thân chủ mà biết được quá khứ vị lai, sáng mai đi hướng nào mới tốt; ai đó một bữa đi nhậu về té sông, lội lên không biết bị người cõi nào nhập mà ho một cái, kẻ thù lăn ra chết. Sợ thiệt! Nhà Quê chịu khó chèo lắm, mỗi khi nghe đồn đãi có đồng cốt nào đó mới lập bàn thờ, tưng bừng như đi hội. Lúc đi tìm giống lúa mới, hay tham quan các mô hình canh tác cũng không hào hứng, đông đủ vậy.

Nguyễn Ngọc Tư: Tắm sông

Vậy là má không cho tôi tắm sông nữa. Má nói, má coi truyền hình, người ta biểu, nước sông bây giờ ô nhiễm lắm, trẻ nít tắm hư mắt. Tôi hỏi ô nhiễm là gì, má tôi nói dơ. "Một chút thôi mà - tôi cố nài nỉ - có chút xíu thôi". Má tôi dứt khoát, không là không.

Tôi chê lý do của má đưa ra lãng xẹt, chỉ vậy mà bắt hỏng cho tắm sông nữa. Buồn muốn chết. Những chiều ra đồng chạy rong chạy ruổi thả diều về, nực thôi là nực, mồ hôi mồ kê nhễ nhại, xách cái gàu ra ngoài cầu ao xối sàn sạt mà không thấy mát tí nào, thèm nhảy ùm cái xuống sông, sải tay sải chân vẫy vùng cho sướng người.

Tôi biết lội hồi sáu tuổi. Hôm đầu tiên xuống nước, tôi ở truồng ngủng ngẳng cái cu bằng trái ớt. Ba ôm tôi xuống bến, ông đặt bàn tay to bè lên cái bụng tròn ủm của tôi sướng quá, tay chân luýnh quýnh đạp lia lịa làm nước văng sáng tran mặt ba tôi (nước mát thì thôi dị chớ). Má tôi ngồi trên bờ hái đọt choại vừa ngó xuống, kêu:

- Anh khéo, ngộp con nó...

Ba cười to:

- Em đừng lo. Mai mốt thằng nầy lặn ngụp phải biết.

Chỉ năm hôm sau, khi ba tôi lặng lẽ bỏ bàn tay ra, tôi đã lủm bủm lội được một tí đường. Cái đầu tôi ngoi lên còn cái mông chìm lỉm, ba cười, chê: "Cái thằng bơi y hệt con chó phèn". Nhưng đám bạn cùng lứa của tôi đang ngồi so bì, "Sao tao ôm dừa khô tập hoài mà hông biết lội". Tôi tài khôn, "Mầy bắt chuồn chuồn cho nó cắn rún á, biết lội liền hà". Nó tưởng thiệt, đi bắt chuồn chuồn về cho cắn muốn tiêu cái rúng luôn. Vậy mà tôi cố đổ thừa, "Tại mầy hỏng bắt chuồn chuồn đỏ, chuồn chuồn đỏ cắn rún mới biết lội được". Sau nầy nhớ lại, tôi nghĩ nhất định mình bơi giỏi là nhờ bàn tay ấm nóng của ba đã truyền cho tôi lòng dũng cảm và sức mạnh. Ba nói, con nít ở vùng sông nước mà không biết bơi thì tội nghiệp, xuống bến trợt chân, qua cầu gãy ván... Bất trắc không biết chừng.

Thứ Sáu, 23 tháng 4, 2021

VOA tiếng Việt: Tình trạng tự do báo chí và tự do tôn giáo ở Việt Nam

RSF: Việt Nam tăng cường kiểm soát mạng xã hội, tiếp tục không có tự do báo chí


Việt Nam tiếp tục nằm trong nhóm 6 quốc gia có ít tự do báo chí nhất trên thế giới, theo đánh giá mới được tổ chức Phóng viên Không Biên giới (RSF) công bố, trong đó nhận định rằng quốc gia do Đảng Cộng sản cầm quyền tăng cường kiểm soát mạng xã hội và tiến hành một làn sóng bắt giam các nhà báo độc lập trong năm qua.

Trong số 180 quốc gia được đánh giá trên bảng Chỉ số Tự do Báo chí Thế giới 2021 của RSF được đưa ra hôm 20/4, Việt Nam xếp hạng 175 và nằm trong nhóm các quốc gia, gồm cả Trung Quốc và Triều Tiên, được coi là có “tình trạng rất tồi tệ” đối với môi trường báo chí. Đây cũng là thứ hạng mà Việt Nam được đánh giá trên chỉ số 2020, tăng một bậc so với một năm trước đó.

Cùng với nhận định về sự can thiệp trực tiếp của Bắc Kinh vào luật an ninh quốc gia ở Hong Kong hồi tháng 6 năm ngoái gây ra sự đe dọa lớn tới nền báo chí ở Trung Quốc, RSF nói trong thông cáo báo chí hôm 20/4 rằng Việt Nam “cũng tăng cường sự kiểm soát của mình đối với nội dung mạng xã hội, trong khi tiến hành một làn sóng bắt giữ các nhà báo độc lập hàng đầu trong thời gian chuẩn bị cho kỳ Đại hội được tổ chức 5 năm một lần của Đảng Cộng sản” vào cuối tháng 1/2021 vừa qua. Tổ chức có trụ sở tại Paris, Pháp, nhắc đến tên nhà báo Phạm Đoan Trang, người được giải Tự do Báo chí ở hạng mục Tầm ảnh hưởng của RSF năm 2019, trong số những người bị chính quyền Việt Nam bắt giữ vào năm ngoái.

“Đúng như nhận định của tổ chức Phóng viên Không Biên giới, trong thời gian vừa qua – năm ngoái cũng như năm nay, việc bắt bớ rồi kết án nặng nề những người làm báo tự do đã làm nổi lên một mối quan ngại chung cho tất cả những người quan tâm đến nhân quyền ở Việt Nam,” nhà báo Võ Văn Tạo nói với VOA từ Nha Trang, Khánh Hoà: “Cô Đoan Trang bị bắt, đến nay chưa ra toà, nhưng chúng tôi tiên liệu là không nhẹ nhàng đâu bởi vì nhà nước Việt Nam càng ngày càng siết chặt tự do báo chí."

Lưu Trọng Văn: “Trung Quốc là mối đe dọa hòa bình và an ninh, cần phải liên minh toàn thế giới để ngăn chặn”

Ngày 21.4 theo đề xuất của Chính phủ Nhật Bản, Diễn đàn Toàn cầu Boston chi nhánh tại Nhật Bản đã tổ chức Hội nghị về vấn đề tranh chấp Senkaku của Nhật và Trung Quốc.

Diễn giả chính của hội nghị, Bộ trưởng nhà nước về Quốc phòng Nakayama đã thẳng thắng nêu những nguy cơ từ Trung Quốc, chỉ rõ sự tai hại của Trung Quốc tại Sensaku. Cựu đại sứ Nhật tại Mỹ, nay là thẩm phán Tòa án Quốc tế biển nêu những luận chứng, bằng chứng về sự trắng trợn của Trung Quốc vi phạm luật pháp quốc tế về biển.

Dưới sự điều hành của Chủ tịch Hội Mỹ- Nhật Ichiro Fujisaki các học giả hàng đầu của Nhật là quan chức cao cấp trong chính phủ Nhật Bản phát biểu sôi nổi và đều thống nhất một điểm rất quan trọng:

"Trung Quốc là mối đe dọa hoà bình và an ninh, cần phải liên minh toàn thế giới để ngăn chặn."

Xin giới thiệu toàn văn bài phát biểu khai mạc hội nghị của đại diện Diễn đàn Toàn cầu Boston do ông Dukakis - chính khách có uy tín hàng đầu trong đảng Dân chủ hiện nay là Chủ tịch.

"Các bạn Nhật Bản quý mến,

Lẽ ra, như thường lệ, vào mùa hoa anh đào nở, tôi sẽ cùng các bạn tổ chức Hội nghị thực sự tại Tokyo mà không phải qua online. Hy vọng những năm tới, hoa anh đào nở chúng ta sẽ trở lại với hội nghị truyền thống tại Tokyo. Hôm nay, từ Boston, hoa anh đào đang nở rực rỡ, Boston cùng Tokyo và các nơi khác trên thế giới thảo luận tìm giải pháp để những mùa hoa anh đào hoà bình, thịnh vượng mãi mãi trên thế giới thân yêu của chúng ta.

Thanh Phương (RFI): Quan hệ Úc-Trung thêm căng thẳng sau khi Canberra hủy một thỏa thuận về Con đường tơ lụa mới

Quan hệ giữa Úc và Trung Quốc lại thêm căng thẳng sau khi chính phủ Canberra, hôm qua 21/04/2021, thông báo hủy bỏ một thỏa thuận mà chính quyền bang Victoria đã ký với Bắc Kinh để tham gia vào dự án Con đường tơ lụa mới của Trung Quốc.

Dự án Con đường tơ lụa mới đã được khởi động từ năm 2013 theo sáng kiến của chủ tịch Tập Cận Bình, thế nhưng đối với Canberra, dự án này “không phù hợp” với chính sách ngoại giao của nước Úc.

Phát biểu trên đài phát thanh sáng nay, bộ trưởng Quốc Phòng Peter Dutton tuyên bố chính phủ Úc rất “lo ngại” khi thấy các chính quyền địa phương ký những thỏa thuận như vậy với Bắc Kinh. Bộ trưởng Dutton nói thẳng: “ Chúng tôi không thể cho phép ký loại thỏa thuận này, bởi vì chúng được sử dụng vào những mục đích tuyên truyền”.

Trong cuộc họp báo thường kỳ hôm nay, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc Vương Văn Bân (Wang Wenbin) cho rằng việc chính phủ Úc hủy bỏ thỏa thuận nói trên gây ra “một sự tổn hại nghiêm trọng” cho quan hệ giữa hai nước. Phát ngôn viên Vương Văn Bân cảnh báo là phía Trung Quốc “bảo lưu quyền thi hành các biện pháp bổ sung về vấn đề này”.

Từ thành phố Perth, thông tín viên Grégory Plesse tường trình:

“Trái với chính sách ngoại giao của Úc”, đó là lý do mà ngoại trưởng Úc Marise Payne đưa ra khi thông báo quyết định hủy bỏ các thỏa thuận mà chính quyền bang Victoria đã ký với Trung Quốc về việc tham gia dự án Con đường tơ lụa mới.

Ngọc Thảo: Mới lên thủ tướng, Phạm Minh Chính liền về Miền Tây hợp sức cùng Ba Dũng

Việc Phạm Minh Chính phớt lờ đề xuất của nhóm lợi ích Hà Tĩnh gạt Đặng Quốc Khánh chọn Nguyễn Thanh Nghị cho ghế bộ trưởng Bộ Xây Dựng thì rõ ràng, Phạm Minh Chính đã ngầm ủng hộ ai rồi.

Việc Phạm Minh Chính càng ngày càng tỏ thái độ ủng hộ ông Nguyễn Tấn Dũng ắt hẳn làm cho ông Nguyễn Phú Trọng khó chịu, tuy nhiên thế lực của ông Phạm Minh Chính hiện nay không phải là thế lực mà ông Nguyễn Phú Trọng có thể làm gì được. Cũng tựa như thời Nguyễn Tấn Dũng làm thủ tướng, thì thời ông Phạm Minh Chính cũng vậy, cũng là thế lực ngang ngửa với thế lực Nguyễn Phú Trọng chứ không hề kém cạnh. So với Nguyễn Xuân Phúc, ông Phạm Minh Chính hơn rất xa.

Thế lực Thanh Hóa có 6 ủy viên trung ương đảng, trong đó có một ủy viên Bộ Chính trị chính là ông Phạm Minh Chính. Tuy nhiên, ông Phạm Minh Chính thì rất mạnh. Trong các ủy viên trung ương đảng gốc Thanh Hóa, có ông Lê Ngọc Quang làm tổng giám đốc đài truyền hình Việt Nam. Ông này rất quan trọng, đài truyền hình Việt Nam là một trong 4 ông lớn của truyền thông nhà nước trong đó có Báo Nhân Dân, Đài Tiếng Nói Việt Nam, Đài Truyền Hình Việt Nam VTV và Thông Tấn Xã Việt Nam. Mỗi bước đi chiến lược của Phạm Minh Chính đều được dọn đường bởi đài truyền hình Việt Nam. Đây là lợi thế.

Thanh Hóa là địa phương thuộc miền Bắc, như vậy nhóm lợi ích Thanh Hóa được làm đại biểu quốc hội đại diện cho miền bắc mang thông điệp của thủ tướng truyền đến chính quyền mà những người này đại diện. Còn miền nam xa xôi, ông Phạm Minh Chính cần phải nắm những địa phương này để sức ảnh hưởng của ông Chính trải đều khắp đất nước. Đó là điều cần thiết. Khi còn làm thủ tướng, ông Nguyễn Tấn Dũng đại diện cho Hải Phòng để nắm thành phố phía Bắc này, thì tương tự hiện nay ông Phạm Minh Chính cũng muốn làm đại diện cho đơn vị hành chính miền nam để gây ảnh hưởng của ông lên khu vực này.

Cần Thơ là thành phố lớn thứ nhì ở Miền Nam sau TP. HCM


Nếu nói TP. HCM là trái tim của cả miền nam thì Cần Thơ là trái tim miền tây nam bộ. Cả khu vực miền nam chỉ có 2 thành phố trực thuộc trung ương, đó là Sài Gòn (chính quyền Việt Nam gọi là TP.HCM) và thành phố Cần Thơ.

Thứ Năm, 22 tháng 4, 2021

Ngô Nhân Dụng: Chauvin bị tuyên ‘có tội!’

Cả nước Mỹ chờ kết quả của phiên tòa ở Minneapolis, xử cựu cảnh sát Derek Chauvin về cái chết của George Floyd, một người da đen 46 tuổi. Người ta lo nếu ông Chauvin được tuyên bố vô tội thì dân sẽ xuống đường ở các thành phố khắp nước Mỹ, bạo động không thể tránh được. Sau khi ông Floyd chết, không những ở Mỹ mà khắp thế giới hàng ngàn người đã biểu tình phản đối cảnh sát dùng bạo lực quá đáng.

Bồi thẩm đoàn gồm bốn phụ nữ da trắng, và ba phụ nữ da đen, hai phụ nữ lai, hai đàn ông da trắng, một da đen. Chỉ cần một người nghĩ rằng ông Chauvin vô tội và nếu 11 người kia không thuyết phục được thì Chauvin sẽ được tự do. Trước 2 giờ chiều, nghe tin Bồi thẩm đoàn sắp công bố kết quả, người ta đã đoán được kết quả. Vì bản án nêu ba tội ngộ sát, mà các vị trong Bồi thẩm đoàn chỉ thảo luận tổng cộng có 10 tiếng đồng hồ - chắc là họ không bất đồng ý kiến.

Nhiều chuyện tình cờ xảy ra ngày 25 tháng 5, 2020. Chập tối, George Floyd đi mua bao thuốc lá ở tiệm tạp hóa Cup Foods, chỗ quen biết. Anh trả bằng một tờ $20 đô la. Cậu bé bán hàng nhận tiền rồi mới thấy là bạc giả. Cậu thưa với ông chủ, ông bảo nếu muốn thì kêu cảnh sát. Cảnh sát tới, còng tay Floyd. Chauvin và Floyd chắc nhận ra nhau, vì hai người đã gặp nhau khi cùng làm việc bảo vệ an ninh cho một hộp đêm. Chauvin đẩy Floyd nằm xuống, quỳ một đầu gối trên cổ, như cảnh sát vẫn thường làm. Cậu bé sau này tỏ ý ân hận; nói rằng nếu cậu cứ đền cho tiệm một tờ $20 đô la thật, không gọi 911, thì Floyd đã không chết.

Cái chết này có thể sẽ không thành chuyện lớn nếu cô Darnella Frazier không đi mua quà vặt ở tiệm Cup Foods cho đứa em họ 9 tuổi. Thấy xe chớp đèn và cảnh sát đang bắt người, cô Frazier dùng điện thoại quay phim. Ngay đêm hôm đó, đoạn phim này được truyền khắp nước Mỹ rồi ra khắp thế giới. Người ta thấy cảnh một người da đen nằm bị đè đầu gối trên cổ hơn 9 phút, miệng năn nỉ ông cảnh sát da trắng, “Tôi không thở được!” và kêu “Mẹ ơi! Mẹ ơi!”

Lee Nguyen: Đọc báo cáo nhân quyền của Bộ Ngoại giao Mỹ

40 trang báo cáo gói gọn các vấn đề nghiêm trọng của tình hình nhân quyền Việt Nam.


Tháng 3/2021, Bộ Ngoại giao Mỹ đệ trình báo cáo thường niên về tình hình nhân quyền của hơn 200 quốc gia trong năm 2020 lên Quốc hội. Trong đó có báo cáo về tình hình Việt Nam.

Bản báo cáo hơn 40 trang giống như một bức tranh thu nhỏ về các vấn đề tồn tại trong xã hội Việt Nam. Trong đó, Bộ Ngoại giao Mỹ ghi nhận rằng chính quyền Việt Nam đã có những hành vi vi phạm nhân quyền nghiêm trọng trong năm 2020. Các hành vi này bao gồm giết người tùy tiện hoặc bất hợp pháp; tra tấn, bắt và giam giữ tùy tiện; xâm phạm các quyền riêng tư; cấm cản việc thực hành tự do ngôn luận, tự do báo chí và tự do Internet, trong đó có việc tùy tiện bắt giữ và xét xử những người chỉ trích chính quyền.

Báo cáo cũng ghi nhận nhiều vấn đề nghiêm trọng khác trong xã hội Việt Nam hiện tại, trong đó có nền tư pháp thiếu độc lập, bầu cử thiếu tự do và công bằng, tham nhũng, phân biệt đối xử dựa trên giới và sắc tộc, bạo hành đối với phụ nữ và trẻ em, và vấn nạn buôn người.

Ngoài ra, còn có những con số thống kê mà bạn không thường nghe đến, như có 30 nghìn người không có quốc tịch trên lãnh thổ Việt Nam, hay 22 nghìn trẻ em phải sống trên đường phố.

Hoa Kỳ đã luôn để mắt đến tình hình nhân quyền trên khắp thế giới. Khi công bố báo cáo nhân quyền năm nay, Bộ trưởng Ngoại giao Antony J. Blinken nêu lý do mà nước Mỹ tiếp tục làm việc này: đó là cách mà họ giữ gìn giá trị của chính mình. Ông cũng nhắc lại một nguyên tắc rằng trong vấn đề nhân quyền, chúng ta đều phụ thuộc lẫn nhau (interdependent). “Khi bất kỳ ai bị tước đoạt nhân quyền, các mắt xích liên kết con người ở khắp nơi đều bị ảnh hưởng”, ông viết.

Nhã Duy: Công lý và kỳ thị - Nhận thức và thực tại

Khá nhiều người đã từng bào chữa vấn đề kỳ thị tại Mỹ bằng lập luận và dẫn chứng rằng, khi tổng thống Obama đắc cử tổng thống, khi có vô số người da đen thành đạt trong nhiều lãnh vực và đạt đến các chức vụ cao, thì làm sao xem là người da đen bị kỳ thị?

Đó cũng là lý do không ít người Việt, phần lớn những người từng ủng hộ cuồng nhiệt Donald Trump đã viện dẫn mọi lý do để cho rằng không có sự kỳ thị nói chung, không có làn sóng tấn công vào người Châu Á hiện nay mà chỉ là các xách động của truyền thông nhằm chia rẽ nước Mỹ.

Mới nhất là sự lên tiếng phản đối của họ về kết quả chung cuộc vụ xét xử cựu cảnh sát viên Derek Chauvin phạm tội sát nhân. Cho dù phần lớn người dân Mỹ và thế giới xem đây là kết quả đương nhiên và cần thiết cho nền công lý nước Mỹ, mở ra hy vọng về sự thay đổi của hệ thống cảnh sát cùng sự thuyên giảm các vụ bạo hành với người da đen hay người da màu nói chung.

Những nhận thức và lý luận này có điểm gì để bàn luận?

Hãy quay lại với vấn đề của Việt Nam trước khi bàn sang vấn đề tại Hoa Kỳ. Nếu năm 2017, trong Bộ Chính Trị khóa 12 của Việt Nam có ba phụ nữ trong số 18 thành viên thì báo chí Việt Nam đã xem đây là một cuộc cách mạng, xem vai trò phụ nữ được đề cao cho dù tỉ lệ này cũng chỉ là 16%. Đến khoá 13 này, ngoài bà Trương Thị Mai còn sót lại, cả hai bà Nguyễn Thị Kim Ngân và Tòng Thị Phóng đã ra khỏi Bộ Chính Trị, đưa tỉ lệ này xuống còn khoảng 5%. Tỉ lệ thành viên chính phủ cũng chẳng chẳng khác hơn khi chỉ có hai phụ nữ trong số 28 thành viên nhưng người Việt dường như xem đây là điều bình thường, ít nhắc đến. Và liệu có thể lý luận rằng, nếu đã có phân biệt nam-nữ thì tại sao những phụ nữ này đạt đến vị trí quyền lực như vậy trong bộ chính trị hay chính phủ Việt Nam?

Nguyễn Thế Anh: Sức hút và lực đẩy - hai khía cạnh trái ngược trong quan hệ Việt-Trung[1]

Nhìn sâu vào lịch sử, đối với người Việt, những trải nghiệm với người Trung Quốc dường như nằm trong phức cảm yêu-ghét, hay đúng hơn là một sự pha trộn của thu hút và thù hận, mà tiêu đề bài hát của nhạc sĩ Serge Gainsbourg, “Je t'aime, moi non plus” [tôi yêu em, nhưng tôi không còn như thế nữa] gần như khắc hoạ đúng trường hợp này. Trạng thái này tác động đến tất cả các vấn đề đối ngoại của Việt Nam, và trong hàng ngàn năm qua, quan hệ với Trung Quốc đặc trưng bởi một sự phức tạp có thể nói là gai góc ở tầm chính thức, xuề xoà và thân thiện ở trong lề thói thông thường. Trên thực tế, mối quan hệ hiện nay là sự hoán chuyển giữa một bên là những xung đột nảy lửa với một bên là những tuyên ngôn chính thức về tình hữu nghị không thể lay chuyển. Chúng phần nào gợi nhớ lại những kiểu giao kết Việt-Trung cổ xưa, đặc trưng bởi những rối rắm trong chính sách ngoại giao của một quốc gia nhỏ hơn luôn luôn phải dè chừng ý đồ bành trướng của ông hàng xóm to lớn trong quan hệ khu vực.

Nằm ngay sát cạnh Trung Quốc, dân tộc Việt Nam, có lẽ khác người Miến Điện và Thái Lan, luôn phải dè chừng ông bạn to lớn này trong các mối quan hệ khu vực. Trong suốt nghìn năm kể từ khi Việt Nam giành được độc lập cho đến giai đoạn thực dân kiểu Pháp, ghi dấu bốn cuộc xâm lược lớn của Trung Quốc, cộng thêm giai đoạn nhà Minh chiếm đóng khá dài, người Việt đã tích luỹ được bề dày kinh nghiệm trong việc giải quyết những mối quan hệ này. Trong khi đó, suốt quá trình đô hộ của Trung Quốc, từ thế kỷ II trước CN đến thế kỷ X sau CN, Việt Nam đã hấp thu từ Trung Quốc các lý thuyết chính trị, cơ cấu xã hội, thực hành chế độ quan liêu, tín ngưỡng tôn giáo và các thuộc tính văn hoá khác. Sự tiếp xúc lâu dài với ngôn ngữ và văn hoá Trung Hoa có ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống văn hoá xã hội Việt Nam, tiếp tục cho tới cuối thế kỷ XIX. Thật vậy, các nhà cai trị của Việt Nam không ngừng lấy nguồn cảm hứng văn hoá từ Trung Quốc, ngay cả khi họ củng cố quốc gia độc lập và thống nhất. Chữ Hán được lấy làm ngôn ngữ chính thức và là phương tiện giảng dạy, phương tiện để biểu đạt tri thức. Người Việt được học các chủ đề văn chương Trung Quốc cũng như giáo lý đạo đức được trích dẫn từ Nho giáo cổ điển. Đóng góp của Trung Quốc cho Việt Nam bao gồm tất cả các khía cạnh của văn hoá và xã hội. Đặc biệt, ảnh hưởng của Trung Quốc được cảm nhận mạnh mẽ nhất ở cấp cao nhất của nhà nước và chính trị: khái niệm luật pháp và quản trị của Trung Quốc đã trở thành yếu tố quan trọng của chính thể Việt Nam trong thời kỳ độc lập, bởi vì nó giúp nhà cầm quyền củng cố quyền lực và chống lại các đe doạ từ bên ngoài, đặc biệt đe doạ từ Trung Quốc. Nền học thuật và văn học của Việt Nam không thể tránh khỏi việc thẩm thấu di sản cổ điển của Trung Quốc; chữ Hán là ngôn ngữ của hành chính và giáo dục, như tiếng la-tinh ở châu Âu tiền hiện đại. Khả năng thể hiện sự thông thạo về ngôn ngữ và văn hoá Trung Quốc của các sứ giả Việt Nam ngay tại triều đình Hoa Hạ là cách quan trọng để chứng minh Việt Nam là một đất nước “văn minh” và không cần đến chính quyền Trung Quốc quan tâm chỉ bảo “khai hóa văn minh”.

Thứ Tư, 21 tháng 4, 2021

Phạm Phú Khải (VOA Blog): Xung đột Mỹ – Trung là về giá trị hay quyền lực?

Cuộc gặp gỡ giữa hai phái đoàn Mỹ - Trung tại Anchorage, Alaska vào hai ngày 18, 19 tháng Ba cho thấy sự đối đầu ngày càng leo thang giữa hai cường quốc. Chính sách ngoại giao mềm mỏng thông thường đã nhường bước; chính sách tố cáo, công khai chỉ mặt điểm tên, đã lên ngôi. Động cơ của sự xung đột đối đầu trên bề mặt là quyền lực. Nhưng bên dưới là sự khác biệt, hay đối nghịch, về nguyên tắc và giá trị. Nhất là giá trị về quyền con người.

Như đã trình bày trong bài trước, trước buổi gặp mặt này, chính quyền Biden đã dồn Bắc Kinh vào góc chân tường: từ cuộc họp thượng đỉnh Bộ tứ QUAD, cho đến việc bổ nhiệm Kurt Campbell, và các tuyên bố thẳng thừng và không khoan nhượng của Mỹ về tình trạng nhân quyền của Trung Quốc tại Hồng Kông và Tân Cương, gọi là tội diệt chủng, cũng như các trò hiếp đáp cưỡng bức kinh tế của Trung Quốc với Úc và bao nước khác. Chính quyền Biden cũng đã trừng phạt 24 viên chức Trung Quốc và Hồng Kông về sự vi phạm nhân quyền trước buổi họp. Ngay từ giây phút đầu của cuộc gặp gỡ, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã thẳng thừng tấn công và cảnh báo Trung Quốc ở những vấn đề nhạy cảm nhất của họ.

Vì thế, không có gì ngạc nhiên khi thấy sự lên gân và phản ứng gay gắt từ phái đoàn Trung Quốc. Nhà ngoại giao hàng đầu của Trung Quốc Dương Khiết Trì đã cảnh báo Mỹ không nên can thiệp vào "công việc nội bộ" của Trung Quốc, vu khống Mỹ là "nhà vô địch" của các cuộc tấn công mạng, chế nhạo sự ổn định trong nước của Mỹ và thách thức hồ sơ riêng của Mỹ về nhân quyền v.v…

Dường như phái đoàn Mỹ cũng đã tiên liệu phản ứng này. Theo một viên chức cao cấp của Mỹ, phái đoàn Mỹ đến gặp phái đoàn Trung để khẳng định các nguyên tắc, lợi ích và giá trị thúc đẩy cam kết đối với Bắc Kinh, chứ không phải để có những lời thuyết trình cường điệu nhắm vào khán giả trong nước.

Tuy nhiên, để đáp trả phái đoàn Bắc Kinh, Blinken trình bày các điểm chính sau đây: Mỹ luôn quan niệm, từ thời lập quốc đến nay, rằng cung cách lãnh đạo của Mỹ đối với quốc gia là một nhiệm vụ không ngừng để xây dựng một hiệp chủng quốc hoàn hảo hơn. Điều đó có nghĩa là, thừa nhận những điểm không hoàn hảo của chúng tôi, thừa nhận rằng chúng tôi không hoàn hảo. Vâng, Mỹ mắc phải sai lầm. Có lúc nước Mỹ có những bước lùi. Nhưng những gì Mỹ đã làm trong suốt lịch sử của mình là đương đầu với những thách thức đó - một cách công khai, công cộng, và minh bạch – chứ không cố gắng phớt lờ chúng, không cố gắng giả vờ như chúng không tồn tại. Blinken ghi nhận đôi khi nó đau đớn, đôi khi nó xấu xí, nhưng mỗi lần vượt qua được thử thách đó thì nước Mỹ trở nên mạnh mẽ hơn, tốt hơn, đoàn kết hơn, với tư cách là một quốc gia.

Thời Báo (Đức): Để vượt Nguyễn Phú Trọng, Phạm Minh Chính tạo “đế chế riêng” như thế nào?

Để thắng đối thủ thì phải củng cố sức mạnh phòng thủ trên sân nhà. Với Nguyễn Phú Trọng, thì sân nhà là ban bí thư, với ông Phạm Minh Chính thì sân nhà là chính phủ. Với ông Trọng, sân nhà của ông đã được ông chăm lo vun đắp từ hơn 10 năm qua, tuy nhiên với ông Phạm Minh Chính thì Chính phủ là ngôi nhà mới, tuy đông người nhưng sự gắn kết nhau chưa có. Vì vậy việc họp hành, giao trách nhiệm và quyền hạn cho ai là rất cần thiết. Các ban bộ ngành của chính phủ rất đông, nếu tạo nên một khối đoàn kết thì chính phủ có thể lấn lướt được ban bí thư chứ không đơn giản.

Trong chính phủ thường ông Nguyễn Phú Trọng cũng sẽ có cài người của ông vào đấy. Việc này như gầy dựng thế lực “nội gián” vậy. Năm 2011, ông Nguyễn Phú Trọng đã cấy Vương Đình Huệ vào chính phủ Nguyễn Tấn Dũng nhưng không ổn, chỉ hơn 1 năm, ông Vương Đình Huệ bị buộc phải rời khỉ chính phủ của ông Nguyễn Tấn Dũng về ban bí thư nắm trưởng ban kinh tế trung ương.

Phạm Minh Chính là một lãnh đạo trẻ hơn so với ông Trọng rất nhiều, có bản lĩnh và học hỏi những ưu điểm của Nguyễn Phú Trọng trong vấn đề đấu đá trên chính trường cũng rất hiệu quả. Cách đây 5 năm, ông Nguyễn Xuân Phúc lên làm thủ tướng và ngồi ghế thủ tướng một cách hiền lành để được an phận, kết quả là ông Phúc không bị víu lạ tấn công như Trần Đại Quang nhưng ông ta cũng không thể ngồi được chiếc ghế thủ tướng sang nhiệm kỳ thứ hai.

Ông Phạm Minh Chính thì hoàn toàn khác ông Nguyễn Xuân Phúc. Ông Chính có năng lực hơn và có tham vọng hơn. Với kết quả đấu đá ở đại hội 13 cho thấy ông Phạm Minh Chính hoặc bằng hoặc hơn ông Nguyễn Tấn Dũng chứ không thể thua. Với một con người như vậy thì ông Phạm Minh Chính ắt có kế hoạch xây dựng cho mình một sức mạnh ngay trong nội bộ chính phủ. Lần này trong chính phủ ông Phạm Minh Chính có cả con trai ông Nguyễn Tấn Dũng. Vì vậy dù muốn hay không, ông Nguyễn Tấn Dũng cũng phải ủng hộ Phạm Minh Chính vô điều kiện.

Cuộc họp đầu tiên của chính phủ


Ngày 15/4 ông Phạm Minh Chính có cuộc họp đầu tiên của chính phủ. Cuộc họp này ông Phạm Minh Chính ưu tiên 8 nhiệm vụ trọng tâm.

Cấn Thị Thêu: Lần đầu nếm mùi công an trị

Ra tù lần thứ hai này, một số anh chị em đấu tranh khuyên tôi nên kể lại những chuyện xảy ra trong những ngày tháng tù tội của tôi. Thực tình tôi chỉ là một người nông dân, ít chữ nghĩa. Tôi thấy viết cho một người đọc đã khó, huống chi viết cho cả trăm người đọc thì quả thực đó là một việc quá khó đối với tôi.

Nhưng tôi vẫn bảo lòng cứ nhẩn nha viết lại từng sự việc vì biết đâu có anh chị em nào đó cần để chuẩn bị tinh thần trước bước dấn thân tranh đấu cho những bà con đang bị oan ức.

Chuyện kể đầu tiên của tôi là:

Sáng ngày 25 tháng 4 năm 2014 tôi bị công an bắt trong khi đang đứng quay phim, ghi hình cảnh công an đánh Dân Oan. Họ nhét giẻ vào mồm tôi, đánh tôi bị thương tích và chở tôi về trại tạm giam số 3 CATP Hà Nội.

Vào khoảng 11 giờ đêm hôm đó họ đưa tôi đến buồng giam số 18 thuộc khu C. Lúc đó tôi biết những ngày tháng tù tội oan khiên đang đợi tôi ở phía trước. Đây là lần đầu tiên tôi phải xa gia đình, xa người thân, xa Bà Con Dân Oan Dương Nội. Những cảm xúc trào dâng như xé nát tâm can tôi, lòng uất hận khi nghĩ đến thân phận dân đen thấp cổ bé họng nay phải sa vào hang hùm miệng sói của tà quyền cộng sản.

Khi cánh cửa buồng giam khép lại, trong ánh sáng nhạt nhòa lạnh lẽo của buồng giam, đập vào mắt tôi phía đối diện bệ xi măng chỗ tôi nằm là một chữ KHIÊM viết trên tường. KHIÊM là tên của chồng tôi. Rồi phía sát chỗ tôi nằm lại có một chữ MẸ. Tôi choáng váng, lòng rối bời và òa khóc nức nở. Hình ảnh chồng và các con tôi dội về dồn dập như cơn bão xé nát trái tim tôi. Không biết giờ này chồng tôi ra sao, bị chúng đánh có đau lắm không. Chúng đang giam giữ chồng tôi ở đâu? Hồi sáng tôi quay được cảnh bọn chúng đánh và bắt chồng tôi. Các con tôi chắc giờ này đang như gà lạc mẹ.

Trần Ngọc Bích (Gửi tới BBC News Tiếng Việt từ Hà Nội): Cuba hiện nay là quá khứ của Việt Nam nhưng có nhiều cơ hội tốt hơn

Tin Chủ tịch Raúl Castro từ chức Bí thư thứ nhất Đảng Cộng Sản Cuba, lần đầu tiên sau gần 60 năm đất nước được lãnh đạo bởi người không thuộc gia đình Castro được nhiều người chú ý.

Câu hỏi là liệu việc này có làm le lói một số tia hy vọng cho đảo quốc xinh đẹp ở Tây Bán Cầu?

Tôi nhớ tới chuyến du lịch tới Cuba cách đây hai năm và xin kể ra đây để chia sẻ một số cảm xúc, suy nghĩ về quốc gia 'vừa lạ vừa quen' này.

Chuyến bay từ thành phố Ft Lauderdale, Florida đến Havana mất một giờ hai lăm phút với chỉ khoảng mười phần trăm là khách du lịch, còn lại là người Cuba sống ở Mỹ mà tôi vẫn gọi vui là dân Cu Kiều.

Nhìn thoáng tôi nhận ra ngay họ vì tất cả đeo đồng hồ vàng, dây chuyền vàng, kính lấp lánh và tất cả đều rất to. Nhưng đặc điểm thân quen nhất là balo tay nải của ai cũng chật căng. Mỗi người phải có đến ba bốn kiện xách tay. Tôi tò mò ngó vào túi thì thấy nào sô cô la, đồ chơi, dụng cụ nhà bếp...

Máy bay vừa tiếp đất sân bay quốc tế José Martí thì toàn bộ dân Cu Kiều vỗ tay reo hò kiểu yay i'm home. Tiếp đến, trước sự ngạc nhiên của cả gia đình, tiếp viên vọng vào loa bắt nhịp "Guantanamera…" và thế là cả tàu bay hò reo hát tiếp. Tôi ú ớ mất mấy giây rồi cũng hát theo các bạn Cuba.

Cậu con trai tám tuổi của tôi tỏ ra ngạc nhiên vì mẹ biết hát bài hát của họ, còn tôi thì rất thích thú giải thích bài này mẹ nghe qua băng cassette, đĩa LP, loa cối từ những năm tám mươi dù biết nó chẳng hiểu gì về những dụng cụ nghe nhạc tôi nhắc tới. Vâng, tôi đã có vé về tuổi thơ một cách không thể ngọt ngào hơn.

Ở Cuba mà cứ ngỡ như Việt Nam... một thời


Thứ Ba, 20 tháng 4, 2021

Ngô Nhân Dụng: Afghanistan - Biden bỏ cuộc

Nước Mỹ tham dự Đại Chiến Thứ Nhất vào tháng Tư năm 1917, một năm rưỡi trước khi chiến tranh chấm dứt. Mỹ bước vào Đại Chiến Thứ Hai sau khi chiến tranh bắt đầu hơn hai năm, và ba năm sau đã kết thúc. Tướng George Marshall, Tham mưu trưởng thời đó, đã nói phải tiêu diệt quân địch rất nhanh, vì “một nước dân chủ không thể dự một cuộc chiến tranh dài quá bảy năm.” Quân Mỹ bắt đầu rút khỏi Việt Nam bảy năm sau ngày thủy quân lục chiến đổ bộ vào Đà Nẵng.

Cuộc chiến Afghanistan đã kéo dài 20 năm. Chi phí tổng cộng tới 2 ngàn tỷ mỹ kim. Nhưng không có một phong trào phản chiến nào cả. Hầu như dân Mỹ đã quên. Có lẽ vì trong 20 năm chỉ có 800,000 người Mỹ đã qua Afghanistan rồi về, chưa bằng một phần tư của một phần trăm dân số. Chỉ có 2,448 người đã tử thương, bằng số người bị bắn chết trong khoảng 6 tuần lễ ở nước Mỹ trong năm 2020 – con số trong cuộc chiến Việt Nam là 58,000 người. Hiện nay, quân đội Mỹ còn lại chỉ có 2,500 người, nhiều nhất là 3,500 người, có lúc lên tới 140,000 trong năm 2011.

Chính vì con số 2,500 quân quá nhỏ cho nên phải ngạc nhiên tại sao lại phải rút hết về, ngay trong năm nay? Có địa điểm nào trên thế giới đang cần tăng viện thêm 2,500 quân hay không? Năm ngoái ông Donald Trump đã hẹn rút vào đầu tháng 5, giờ ông Joe Biden triển hạn đến 11 tháng Chín. Nói đến ngày 9/11 mọi người mới nhớ nguyên nhân vì sao Mỹ tấn công Afghanistan năm 2001.

Năm đó dân Mỹ hoan nghênh quyết định đánh của Tổng thống George W. Bush, để truy tầm lãnh tụ nhóm Al Qaeda chủ mưu cuộc tàn sát gần 3,000 người Mỹ ở New York. Các đồng minh trong khối NATO ủng hộ, nhiều nước giờ còn tham dự. Quân Mỹ đã lật đổ Taliban, một đảng cực đoan và tàn bạo nắm chính quyền từ năm 1996 nhờ đắc thắng trong cuộc nội chiến sau khi quân Nga nhục nhã kéo về nước.

Mục tiêu đầu tiên đã đạt được. Nhóm Al Qaeda tan tác, mấy năm sau lãnh tụ Osama bin Laden bị biệt kích Mỹ giết chết tại nơi ẩn trú ở Pakistan. Nhưng tại sao lúc đó Mỹ không tuyên bố chiến thắng rồi rút quân về?

Nguyễn Khoa: 30/4 điểm lại câu chuyện dân chủ hóa Việt Nam

Hiển nhiên ngày 30/4/1975 là ngày chế độ toàn trị của Đảng Cộng sản Việt Nam chính thức lên ngôi trên toàn cõi Việt Nam, là ngày mà những người yêu mến định chế dân chủ lên tiếng đấu tranh, nhưng tiến trình dân chủ hóa Việt Nam không phải bắt đầu từ sau khi Việt Nam Cộng hòa, thử nghiệm dân chủ đầu tiên tại Việt Nam, bị sụp đổ. Những tư tưởng dân chủ hóa đã bắt đầu trong lòng chế độ toàn trị từ khi nó mới thành lập. Các phong trào Nhân văn Giai phẩm, hay là cuộc đấu tranh giữa hai nhóm gọi là “xét lại” và “bảo thủ” tại miền Bắc Việt Nam, trong giai đoạn 1954-1975, dễ dàng được mọi người công nhận là minh chứng cho đòi hỏi dân chủ ấy.

Nhưng sau năm 1975, và nhất là trong 10 năm gần đây thì không khí sôi động hơn. Thử điểm lại một vài sự việc, hiện tượng của tiến trình dân chủ hóa chống toàn trị tại Việt Nam trong hơn 40 năm qua.

Vấp phải khó khăn về kinh tế, tiếp xúc với nền kinh tế thị trường tại miền Nam Việt Nam, cũng như không khí tự do hơn ở miền Nam so với miền Bắc, có những toan tính từ trong nội bộ đảng Cộng sản cầm quyền nhằm dân chủ hóa đất nước. Ta có thể kể đến Câu Lạc Bộ NhữngNgười Kháng Chiến Cũ, trong đó có ông Nguyễn Hộ bị bắt giam, toan tính cải cách của ông Trần Xuân Bách, nhân vật suýt lên làm tổng bí thư đảng. Ngoài ra còn phải kể đến kiến nghị dân chủ hóa của nhóm “Việt kiều phản chiến” từ nước ngoài vào khoảng năm 1990.

Việc phản kháng chống lại chế độ toàn trị cũng theo chân những người tị nạn ra nước ngoài, mà lớn nhất là Mặt trận Hoàng Cơ Minh trong những năm 1980. Mặt trận này được thành lập ở nước ngoài và toan tính dùng đấu tranh vũ trang lật đổ chế độ cộng sản trong nước. Cuộc đấu tranh của Mặt trận Hoàng Cơ Minh thất bại với nhiều bê bối, trong đó có hai vụ tai tiếng nhất là giấu cái chết của ông Hoàng Cơ Minh, và những tranh cãi, đồn đoán về sự không minh bạch khi gây quỹ làm “kháng chiến” (đấu tranh vũ trang).

BBC Tiếng Việt: GS Carl Thayer nói về ưu tiên của Marc Knapper, tân Đại sứ Hoa Kỳ tại VN

Cuối tuần trước, Tổng thống Joe Biden công bố quyết định sẽ đề cử ông Marc Evans Knapper làm tân Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam.

Trong văn bản của Nhà Trắng phổ biến hôm 15/4 ông Marc Knapper được mô tả:

''Là một thành viên cao cấp của Bộ Ngoại giao, với cấp hàm Tham tán Công sứ, hiện là Phó Trợ lý Ngoại trưởng đặc trách Nhật Bản và Hàn Quốc trong Vụ Đông Á và Thái Bình Dương thuộc Bộ Ngoại giao.

Trước khi đảm nhận vị trí đó, ông Marc Knapper là Phó Đại sứ Mỹ tại Nam Hàn sau khi đảm nhận chức vụ Giám đốc phụ trách Ấn Độ, và phụ trách Nhật Bản của Bộ Ngoại giao.

Ông Marc Knapper từng nhận được nhiều giải thưởng, gồm Giải thưởng Dịch vụ Xuất sắc của Bộ trưởng Ngoại giao, Giải thưởng Nhà ngôn ngữ học của năm của Bộ Ngoại giao và Giải thưởng Xếp hạng Tổng thống. Ông nói được tiếng Nhật, tiếng Hàn và tiếng Việt.''

BBC News Tiếng Việt có cuộc phỏng vấn nhanh với GS Carl Thayer về ưu tiên và thử thách của vị Đại sứ kế tiếp của Hoa Kỳ tại Việt Nam.

BBC:Theo giáo sư, những ưu tiên của ông Marc Knapper, tân Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam sẽ là gì?

GS Carl Thayer: Các ưu tiên của ông Marc Knapper với tư cách là Đại sứ sắp tới của Hoa Kỳ tại Việt Nam sẽ được quyết định phần lớn bởi di sản của quan hệ đối tác toàn diện năm 2013 dưới thời Chính quyền Obama và cũng như các chính sách do Tổng thống Joe Biden và Ngoại trưởng Anthony Blinken đặt ra.

Thụy My (mục Điểm Báo Pháp): Bí ẩn về nguồn gốc Covid khuấy động xung đột Mỹ-Trung

« Thật kỳ lạ khi đại dịch lại xuất phát ngay chính thành phố duy nhất của Trung Quốc có được một phòng thí nghiệm sở hữu bộ sưu tập lớn nhất về virus corona trên loài dơi ». Nếu Covid khởi đầu từ vùng Essonne ở ngoại ô Paris, nơi đặt trụ sở một trong ba phòng thí nghiệm P4 của Pháp, thì ai có thể tin rằng đó chỉ là một sự ngẫu nhiên như Trung Quốc đang tuyên truyền ?

Trang nhất của Le Figaro hôm nay dành cho tổng thống Pháp, trong bài phỏng vấn độc quyền ông Emmanuel Macron khẳng định quyết tâm làm giảm tình trạng tội phạm, « vì quyền được sống yên ổn » của người dân. Libération quan tâm đến những người mà việc giải phẫu phải hoãn lại để dành chỗ cho bệnh nhân Covid, Le Monde nói về nỗ lực trị liệu của ngành y tế để những thủ phạm bạo hành tình dục không tái phạm. Les Echos cảnh báo « Nợ công, quả bom nổ chậm », khi nợ của 35 nước giàu nhất đã tăng gấp bốn lần trong 25 năm qua. La Croix đặt câu hỏi « Một hiệp ước nguyên tử Iran, liệu vẫn còn có thể ? »

Đại dịch xảy ra tại nơi có phòng thí nghiệm P4 : Ngẫu nhiên ?


Về quan hệ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, Les Echos có bài phân tích « Bí mật về nguồn gốc Covid càng làm tăng thêm sự đối địch Mỹ-Trung ». Chính quyền Biden muốn buộc Bắc Kinh phải trả giá vì đã dối trá, giấu diếm nguyên nhân xảy ra đại dịch, đây sẽ là mối đe dọa nặng nề cho Trung Quốc.

« Vụ con virus thoát ra khỏi phòng thí nghiệm P4 một cách bí ẩn », nghe chừng như là tựa đề của một truyện phiêu lưu Tintin, nhưng lại là một thực tế đang làm gay gắt thêm cuộc đối đầu thế kỷ giữa Washington và Bắc Kinh. Giáo sư Matt Ridley của đại học Oxford khẳng định đây là một giả thiết khả tín, ông nói : « Thật kỳ lạ khi đại dịch lại xuất phát ngay chính thành phố duy nhất của Trung Quốc có được một phòng thí nghiệm sở hữu bộ sưu tập lớn nhất về virus corona trên loài dơi ».

Chủ Nhật, 18 tháng 4, 2021

Lê Thiệp: Hoa Báo Xuân

Hình minh hoạ, FreePik
Trời bắt đầu âm ấm, đôi khi ánh sáng ùa vào cửa sổ làm tôi chợt thức rất sớm, sớm hẳn hơn mọi khi. Cái lạnh của mùa đông đang lùi dần vào dĩ vãng và mọi người như quên cách đây chưa đầy một tháng, tuyết vẫn lất phất bay. Cùng với vạn vật xung quanh vặn mình chuyển mùa, tôi cứ thấp thỏm chờ nó dù biết rằng thế nào rồi nó cũng đến.

Tôi thấy nó lần đầu hơn ba chục năm trước. Khi từ trại tị nạn bước xuống đất Mỹ — chính xác là phi trường Hartford, Connecticut vùng New England — trời vẫn còn khá lạnh. Như bất cứ người tị nạn nào, tôi đầu óc lơ mơ trước mọi sự, đi bước thấp bước cao,l òng phấp phỏng trước một tương lai đầy bất trắc. Ông Nguyễn Tuyển đón tôi, cười ha hả “Mẹ, sang đây làm đếch gì, sao mày không ở cha bên đó có phải khỏe không?” Câu chào kiểu đó như đẩy tôi trở lại cái tình bạn đầy ắp xa xưa và bỗng thấy đổi dời đâu thì đổi, tụi tôi vẫn thế. Tôi bật cười “Mẹ, sang đây ăn báo cô mày, được không?”

Hôm đó đã khá khuya, con đường từ phi trường về chỗ ông bạn ở xa lắc xa lơ, hai bên đường tối om chỉ toàn là cây trơ lá, vệ đường đôi chỗ còn loáng thoáng những mảng tuyết chưa tan hết.

Khi bước qua cửa căn chúng cư, tôi thấy nó.

Ông Nguyễn Tuyển cười bảo :

- Hoa mai Mỹ. Đẹp không?

Tôi biết chắc không phải hoa mai vì nó rực rỡ hơn nhiều, không có cành chĩa ngang chĩa dọc, nhất là không thấy chiếc lá nào. Tôi hỏi :

- Mày chôm ở đâu mà cả một bó to thế?

Trần Mộng Tú: Tháng Tư Ơi

Hình minh hoạ, FreePik
Tôi cúi xuống tờ lịch
Chạm tay vào Tháng Tư
Tháng Tư rơi rất nhẹ
Tháng Tư rơi như mơ

Thôi nhé, đừng giao động
Ngủ yên Tháng Tươi
Tôi hái cánh hoa tươi
Đặt lên môi con số

Con số 30 nở
Gọi tên người ngày xưa
Tiếng vọng như chuông đổ
Từ giáo đường Tháng Tư

Con số 30 nở
Vang như tiếng biển xa
Mẹ đang ôm hoa sóng
Ru con trên bãi nhà

Con số 30 nở
Một đóa hoa thật hiền
Từng cánh hoa rất mỏng
Xếp lên nhau bình yên

Con số 30 nở
Rung một chùm sương mai
Hạt sương như hạt ngọc
Tan vào nỗi ngậm ngùi

Tháng Tư tôi cúi xuống
Nhặt con số 30
Cài lên ngực bên trái
Gọi khẽ Tháng Tư ơi!

tmt 4 / 2021