Chủ Nhật, 14 tháng 3, 2021
Phạm Phú Minh: Đọc ‘Mùa Hạ Năm Ấy’ Của Nguyễn Tường Thiết
Anh Nguyễn Tường Thiết ngỏ ý muốn tôi viết lời Tựa cho tập truyện Mùa Hạ Năm Ấy của anh, tôi nghĩ chỉ vì một lý do duy nhất, là tôi đã đi song hành cùng anh suốt thời gian anh viết những truyện này. Thời gian ấy, độ năm bảy năm trở lại đây, anh là người sáng tác, tôi là người phổ biến các truyện của anh trên tạp chí Thế Kỷ 21. Bây giờ, ở thời điểm anh và tôi đều đã quá tuổi về hưu, anh lo gom bài để xuất bản sách, thì tôi cũng đã rời chức vụ Chủ bút của Thế Kỷ 21. Có lẽ cả hai đều có cảm tưởng đang bắt đầu “tổng kết” một cái gì đó, mặc dù ý niệm này hãy còn mơ hồ.
Các sáng tác của tác giả Nguyễn Tường Thiết đều dựa trên chuyện thật, đó là điều dễ nhận ra, nhất là đối với những người có quen biết với tác giả. Những kỷ niệm của thời niên thiếu ở Đà Lạt, những chuyến đi câu ở vùng Tây Bắc nước Mỹ, hồi ức về một thời tranh đấu và hoạt động vừa văn hóa vừa chính trị trong thập niên 1960, 70 tại Việt Nam, cuộc du ngoạn trên sông Danube, hay những cuộc gặp gỡ các nhà văn tại Hà Nội gần đây v.v… đề tài nào cũng bắt nguồn từ chuyện thực của bản thân tác giả, thực đến nỗi ta dễ có cảm tưởng như đây là những trang hồi ký hay du ký. Quả thực khi đọc Nguyễn Tường Thiết tôi luôn luôn có sự tin cậy tuyệt đối rằng tất cả những gì anh viết ra đều là có thực cả; nhưng đồng thời tôi cũng trải qua những giây phút thú vị bay bổng mà nếu toàn là chuyện thực thì không tạo ra được. Nhà văn Võ Đình đã sớm phân biệt thành hai loại “truyện” và “chuyện” để chỉ một bên là do hư cấu mà có, một bên chỉ là câu chuyện thực được kể lại. Thông thường “truyện” hấp dẫn người đọc hơn vì được viết theo trí tưởng tượng, tha hồ bịa đặt dẫn người đọc đi đến chân trời nào cũng được, trong khi “chuyện” thì không đi quá sự thô nhám và ranh giới rất gần gũi của sự việc trong chính đời sống thường. Nhưng cái đặc biệt của Nguyễn Tường Thiết là trong câu chuyện của chính mình, anh đã có cách làm siêu việt những điều mình kể để nó không là câu chuyện thường nữa. Cách ấy rất giản dị: anh dùng văn chương.
Việc giản dị ấy chỉ đòi hỏi nơi người viết một điều kiện thôi, là phải có văn tài. Dầu là chuyện của mình hay là chuyện bịa ra, người có văn tài đều có những nhận xét tinh tế, và diễn đạt ra đúng lúc, đúng chỗ, một cách rất dung dị tự nhiên. Để tả sự tưng bừng của một buổi sáng mùa xuân, Nguyễn Tường Thiết chỉ cần nói đến tiếng chim:
“Một cơn nắng bỗng rực lên cùng với tiếng chim sẻ kêu lên rộn ràng dưới mái hiên quán; tiếng kêu đồng loạt, líu ríu, khác hẳn mấy tiếng ‘chiếp chiếp’ lẻ tẻ yếu ớt của một vài con sẻ non lạc bầy trong những tháng dài sướt mướt vì mưa gió và lạnh lẽo.”
Hình ảnh một người đàn bà da trắng vào loại phàm ăn, sau khi say sưa thưởng thức một tô phở lớn với tất cả gia vị cay chua của nó:
“Trên làn da mặt tròn bầu, trên hai cánh mũi phập phồng có đọng những giọt mồ hôi lấm tấm. Đôi môi xót xa rát bỏng đến nỗi chúng như không thể nào mím lại được. Miệng cứ mở ra. Hai mắt mờ đi ướt át thờ thẫn.”
Cứ thế, Nguyễn Tường Thiết xóa đi ranh giới giữa truyện và chuyện. Đúng hơn, anh đã tạo ra một sản phẩm văn nghệ mới: những chuyện kể đầy nghệ thuật. Nhưng đúng hơn nữa, anh đã thực hiện được điều đơn giản này: viết cái gì cũng được, miễn hay thì thôi. Quan niệm như vậy, hư cấu hay chuyện thật không khác gì nhau nữa, vì chúng chỉ là cái cớ để người viết thể hiện tài năng văn chương của mình.
Mỗi truyện của tập sách này đều mang đến người đọc một cái gì đấy mới mẻ. Điều này rất quan trọng, cho thấy sức sáng tạo của tác giả. Trong chúng ta chắc không nhiều người có cái thú vui đi câu cá, nhưng đọc truyện Đêm Vang thì đều phải cám ơn tác giả đã dẫn mình vào cái thế giới phần nào kỳ lạ và đầy kích thích của giới đi câu “tài tử một cách chuyên nghiệp” của xứ Hoa Kỳ này. Đoạn tả cái cảm nhận vừa mong manh vừa phải rất chính xác của người cầm cần khi con cá steelhead vừa đớp mồi, và phải phản ứng ngay tức khắc ra sao là một đoạn văn tuyệt hay, chỉ có thể viết được bởi một người vừa có nghề câu vừa có nghề viết, mà nghề nào cũng phải đạt tới chỗ gần như thượng thừa thì mới tạo ra được. Qua một truyện như thế, người không đi câu hiểu được cái chỗ kỳ thú của việc đi câu.
Truyện Tờ Truyền Đơn thì có thể nói chắc là một hồi ký, kể lại hai lần tác giả “lạc” vào bộ Tổng Tham Mưu của Việt Nam Cộng Hòa, lần thứ nhất vào đêm mồng 1 rạng sáng ngày 2 tháng 11 năm 1963, tức là đêm cuối cùng của nền Đệ nhất Cộng Hòa; lần thứ hai, vào đêm 29 tháng Tư năm 1975, đêm cuối cùng của Đệ nhị Cộng Hòa tại miền Nam. Sự trùng hợp lạ lùng vào những thời điểm gay cấn của đất nước quả thật đã cống hiến cho chúng ta một mảng lịch sử, tuy nhỏ thôi nhưng được quan sát thật soi mói bởi con mắt của một nhà văn, chính vì thế nó có thể mang một kích thước khác dưới con mắt của bạn đọc.
Những kỷ niệm của tác giả về thân phụ là nhà văn Nhất Linh được ghi lại trong một số truyện sẽ thành tư liệu quý cho văn học sử, từ một chi tiết nhỏ như cách Nhất Linh thổi kèn clarinette, đến những dấu vết nhà văn để lại trên trang bản thảo trong quá trình dịch cuốn Đỉnh Gió Hú, chẳng hạn.
Cuộc gặp gỡ “nói chuyện văn chương” hoàn toàn tình cờ tại đình Yên Phụ, Hà Nội, giữa tác giả với mấy người lớn tuổi trong xóm ghé đình uống trà đã làm tôi ngạc nhiên. Hãy nghe vài đoạn đối thoại:
“ –Thạch Lam à? Đệ nhất văn sĩ đấy! Văn thế mới đích thật là văn! Trước sau không một ai có thể viết được như Thạch Lam. Tôi dám cam đoan thế…
…
“ –Bây giờ người ta không biết viết văn… Cả một thế hệ không biết viết văn… Sách truyện bây giờ người ta in khối ra đấy mà chả có cuốn nào viết ra hồn… Văn chả ra văn. (…) Làm sao họ có thể viết văn hay như những tiểu thuyết của nhóm Tự Lực Văn Đoàn được?” Những câu nói của những ông già vô danh cho thấy một cái gì rất xưa, rất tinh túy của Hà Nội như vẫn còn phảng phất đâu đây, bên bờ hồ Tây.
Trong truyện Nguyễn Tường Thiết, chúng ta thường gặp hiện tượng những mảnh thời gian và không gian khác nhau liên tục xen kẽ nhau trong tiến trình câu chuyện. Điều đó không hợp lý cho một người kể chuyện bình thường cho những người nghe bình thường. Vì bình thường thì diễn tiến của một câu chuyện phải theo trình tự “hợp lý” của thời gian, cái xảy ra trước kể trước, cái sau kể sau, và không gian luôn luôn nhất quán như trong một vở kịch cổ điển. Truyện của Nguyễn Tường Thiết xảy ra luôn luôn cảnh vụt đi vụt về của những mảnh thời gian khác nhau, không gian khác nhau, đó là một kỹ thuật để diễn đạt cái thực tại “tâm viên ý mã” của tâm trí con người, của những liên tưởng không dứt xẹt chỗ này chỗ kia nhanh như điện. Tôi thực sự rất thích thú kỹ thuật nhảy cóc này, vì cho rằng chính những biến đổi ấy giúp làm cho câu chuyện hoàn chỉnh hơn, có đầu có đuôi hơn là được kể một cách “có đầu có đuôi” theo một trình tự hợp lý trong nhận thức thời gian trôi theo một đường thẳng giữa một không gian cố định. Vì trong tâm trí chúng ta cũng như cuộc sống quanh ta không làm gì có con đường nào đi thẳng ro giữa một khung cảnh tĩnh lặng, mà đó thực ra chỉ là ước muốn đơn giản hóa mọi sự cho dễ hiểu của con người thôi. Mô tả được sự biến động bất chợt như thế mới là nắm bắt được một phần thực tại. Và công việc của văn chương là gắng mô tả thực tại của con người và thế giới bao quanh nó.
Truyện của Nguyễn Tường Thiết rất gần gũi với tôi. Khi đọc chúng tôi thấy cảm động một cách tin cậy và có nhiều mối đồng cảm với tác giả. Có thể chúng tôi có nhiều mẫu số chung với nhau trong thời trẻ tuổi của chúng tôi, mặc dù anh Thiết và tôi mãi đến… tuổi già mới quen nhau ở Hoa Kỳ. Một trong các mẫu số chung đó có thể là Tự Lực Văn Đoàn và nhà văn Nhất Linh, có thể là tình hình chính trị tại Việt Nam khi chúng tôi vừa vào tuổi thanh niên. Đó là những chuyện đã xa lắm rồi. Bây giờ chúng tôi bắt đầu bước vào tuổi già, anh Thiết lại bắt đầu viết hăng, tôi chỉ biết gửi gắm đôi nét của lòng mình vào tác phẩm của anh, gọi là đánh dấu một chút tri kỷ muộn màng…
Nam California, tháng Ba, 2008
Phạm Phú Minh
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét