Thứ Ba, 9 tháng 2, 2021
Nguyễn Hoài Vân: Từ bàn tay vô hình đến bàn tay lông lá - Adam Smith và sự giàu mạnh của các nước Tây Phương
Vào giai đoạn mà các nước Âu Châu giàu lên nhanh chóng đến độ trở thành bá chủ hoàn cầu, chính sách kinh tế của họ hoàn toàn đối chọi với những gì Adam Smith chủ trương.
Trong "The Wealth of Nations", con đường dẫn đến phú hữu được Adam Smith chỉ ra dựa trên 4 thành tố chính :
- thuế hạ
- quân bình ngân sách (không hoặc ít nợ công)
- tôn trọng quyền tư hữu
- thị trường hàng hóa và nhân công thống nhất trong tự do cạnh tranh.
Nếu chúng ta chọn những tiêu chuẩn ấy để so sánh giữa đế quốc Trung Hoa và Âu Châu, thì :
Trung Hoa có một thị trường thống nhất hơn ở Âu Châu, nơi phải chịu sự chia sẻ quyền hành giữa nhà vua và các lãnh chúa. Thật vậy, giới quý tộc Âu Châu sở hữu đất đai của họ, với gần như toàn quyền hành chính, tư pháp và lập pháp.
Nhân lực ở Âu Châu cũng bị phân tán nhiều hơn ở Trung Hoa, vì sự tồn tại của tình trạng nông nô và những dạng thức tương đương (1), trong khi tệ nạn này không còn hiện hữu ở Trung Hoa từ đầu thế kỷ 16.
Thuế thì đặc biệt thấp trong đế quốc Trung Hoa : từ 1 đến 2% lợi tức quốc gia, so với 6 đến 8% tại Âu Châu vào cuối thế kỷ 18, rồi 8 đến 10 % trong thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20.
Nhà Thanh áp dụng một chính sách thuế khóa hoàn toàn quân bình giữa thu và chi (họ không hình dung được sự kiện hoàng đế phải mang nợ thần dân !). Trong khi đó, tại Âu Châu, đặc biệt là Pháp và Anh, một phần quan trọng của chi tiêu quốc gia dựa trên nợ. Nợ công của Pháp là 80% GDP khi vua Louis XIV qua đời, và cũng 80 % dưới thời Cách Mạng. Tỷ lệ nợ công của Anh quốc lên đến 275 % GDP năm 1815 ! (2)
Thuế cao tăng cường quyền hạn của các chính phủ, nhất là sức mạnh quân sự. Tỷ lệ thuế được dùng cho quân sự là 1/2 đến hơn 2/3, từ cuối thế kỷ 18 đến đầu thế kỷ 20. Mặt khác, trong bối cảnh chiến tranh liên tục giữa các nước Âu Châu (3) sự thăng tiến kỹ thuật gần như bao giờ cũng áp dụng vào việc tạo ra những vũ khí hữu hiệu hơn. Càng hăng say giết nhau, người ta càng giết nhau "giỏi" !
Một loại kỹ thuật khác được Tây Phương phát triển trong giai đoạn hùng mạnh, là kỹ thuật tài chính, đặc biệt là công ty cổ phần. Những cấu trúc thương mại, kỹ nghệ và quân sự dựa trên sự đóng góp tiền bạc của quảng đại dân chúng hình thành từ thế kỷ 17 tại Anh Quốc, Hòa Lan, Pháp ... Khi có một mục tiêu buôn bán, chiếm đoạt tài nguyên, nhân lực (nô lệ ...), lãnh thổ ... thì người Tây Phương hoàn toàn có thể tin cậy vào các thế lực tài chính mạnh mẽ này.
Kết quả là sự hình thành những đế quốc nô lệ và thực dân trên khắp thế giới, đem lại cho mẫu quốc Tây Phương những lợi nhuận to lớn và vững chắc, góp phần tiếp tục đẩy mạnh sự hùng cường của họ.
Tiến trình kỹ nghệ hóa cũng đến từ sự khai thác thuộc địa. Thí dụ sợi bông thu gặt bởi người nô lệ da đen ở Mỹ Châu, chính là động cơ phát triển kỹ nghệ dệt, khâu đầu tiên của tiến trình kỹ nghệ hóa cũng như sự tăng trưởng của tư bản kỹ nghệ.
Mặt khác, tự do cạnh tranh, một "tư tưởng chủ đạo" của Adam Smith, cũng hoàn toàn vắng bóng trong giai đoạn Tây Phương trở thành hùng mạnh. Thí dụ năm 1787, để phát triển ngành dệt vải của mình, người Anh đánh thuế nhập cảng vải Ấn lên đến 100 %, đồng thời cấm nhập cảng vải có in hình và nhuộm màu, một kỹ thuật mà họ đang bắt đầu phát triển. Để nâng đỡ ngành đóng tàu, năm 1985, họ cũng đánh thuế 15% trên hàng hóa nhập từ Ấn dựa trên một tiêu chuẩn duy nhất : chở bằng tàu Ấn ! Tiếp đó, chỉ tàu bè đóng ở Anh mới được phép nhập cảng hàng hóa đến từ phía đông mũi Hảo Vọng. Với những biện pháp chống cạnh tranh tương tự, sản xuất công nghiệp ở Ấn Độ và Trung Hoa đang từ 53% tổng lượng toàn cầu năm 1800, tụt xuống chỉ còn 5% năm 1900 ...
Tóm lại, sự giàu mạnh của các quốc gia (Tây Phương) không diễn ra trong bối cảnh cạnh tranh lịch sự, ôn hòa, như Adam Smith hình dung. Sự giàu mạnh ấy dựa trên súng đạn, tàu chiến, giết chóc, chiếm hữu tài nguyên, đất đai, bắt cóc gần 100 triệu nô lệ, khai thác dã man nhiều thế hệ con cháu họ cũng như người dân các thuộc địa (lao động cưỡng bách), bảo hộ kinh tế, áp bức nhập cảng bằng vũ lực (chiến tranh nha phiến, tấn công hải cảng Nhật năm 1853 v.v...), sang đoạt bằng nợ chiến tranh (Nhà Thanh từ 1860, Maroc ..).
Tựu trung, Adam Smith đưa ra một quan điểm lý tưởng, có tính dự phóng, ước vọng, trong bối cảnh mọi quốc gia đều tôn trọng một số quy luật (4). Khi có một hay một nhóm quốc gia có được sức mạnh quân sự và kinh tế vượt trội hơn những nước khác, thì thế giới trở về luật của kẻ mạnh, với áp bức và bóc lột ...
Nguyễn Hoài Vân – 24/01/2021
Chú thích :
(1) Nông nô hiện hữu ở Đông Âu cho đến thế kỷ 19. Ở Tây Âu, cho đến thế kỷ 18, người nghèo không được tự do di chuyển để tìm việc làm tốt hơn, với những đạo luật cho phép giới quý tộc và giàu có cầm chân họ trong lãnh địa của mình (thí dụ luật "Poor Laws" tại Anh Quốc)
(2) Từ 1815 đến 1914, 1/3 số thuế thu được ở Anh, chủ yếu đánh trên người nghèo và trung lưu, dùng để trả vốn và lời của khối nợ này. Số thuế ấy góp phần làm giàu cho giới phú hộ đã cho chính phủ vay tiền ...
(3) 95% thời gian trong thế kỷ 16, 94% trong thế kỷ 17, 78% trong thế kỷ 18
(4) Một phê phán đối với lý thuyết của Adam Smith là ông không đặt thuế khóa vào đúng vai trò trợ lực cho phát triển, qua giáo dục đại chúng, y tế phổ quát, tái phân lợi tức ...