Thứ Bảy, 27 tháng 2, 2021

Nguyễn Duy Chính: Vụ Án Đánh Roi

Lời mở đầu


Lãng Nhân trong Giai Thoại Làng Nho (1985) có chép một câu đối giữa Ngô Thì Nhậm và Đặng Trần Thường. Vế xuất của Đặng Trần Thường là:

Ai công hầu, ai khanh tướng, trong trần ai ai dễ biết ai.

Ngô Thì Nhậm đối lại:

Thế Chiến quốc, thế Xuân thu, gặp thời thế, thế thời phải thế.

Vì lời lẽ ngang tàng này mà họ Ngô bị Đặng Trần Thường sai lính đánh đến chết.

Thế nhưng trước đó P.J.B. Trương-vĩnh-Ký đã chép câu chuyện tương tự như sau:

35. Ngô-thì-Sĩ với ông Tán-lý Thường

Ông Thường (tán-lý Thường) đời loạn Tây-sơn ra lấy Bắc, con nhà học-trò giỏi văn-chương chữ-nghĩa, cũng là bạn học với ông Ngô-thì-Sĩ; giận ý kẻ nịnh lại hổ vì bị nhục mà vào Gia-định ở đầu thám với vua Gia-long. Vô một năm rồi về ngoài Bắc, giả chết, biểu vợ con giả đò chôn cất để tang để chế cho, rồi mới vào lại làm tôi vua Gia-long. Khi trước ở ngoài ấy còn hàn vi đi đường gặp ông Ngô-thì-Sĩ là bạn học, mà khi ấy làm quan lớn, đi võng điều, lọng lợp binh-gia rền-rột (làm Quan cho vua Quang-trung là Nguyễn-văn-Huệ, nguỵ Tây-sơn) Mặc áo rộng, đội nón tu-lờ điệu học trò; đi né tránh bên đường, lính nó nói sao có vô phép, nó bắt nó vật xuống nó đánh cho vài chục. Quan lớn mới hỏi là ai, thì bẩm rằng mình là học-trò; thì Ngô-thì-Sĩ mới rằng: Có phải là học-trò thì ra câu đối cho nó đối. Ra rằng:

Ai công hầu? ai khanh tướng?

Lúc trần ai, ai dễ biết ai?

Ông Thường đối lại rằng:

Thế chiến-cuốc [sic], thế xuân-thu,

Gặp thì thế, thế nào thì thế.

Nói tóm lại, câu truyện này theo Lãng Nhân thì Đặng Trần Thường ra câu đối, Ngô Thì Nhậm đối lại có vẻ xấc xược nên Đặng Trần Thường cho lính đánh chết. Còn theo Trương Vĩnh Ký thì Ngô Thì Nhậm ra câu đối, Đặng Trần Thường đối lại [nhưng trước đó thì đã bị lính đánh vì thất lễ] và vì mối thù cũ mà sau này Đặng Trần Thường đánh roi Ngô Thì Nhậm. Thế nhưng việc Ngô Thì Nhậm bị Đặng Trần Thường đem ra đánh ở Văn Miếu không chỉ là truyền khẩu trong dân gian mà được trích từ sử triều Nguyễn, trong cả Đại Nam Thực Lục lẫn Đại Nam Chính Biên Liệt Truyện,nhưng giai thoại câu đối thì không biết có hay không, cũng không biết xảy ra khi nào. Câu đối này nếu có chỉ nhấn mạnh một điểm: Đặng Trần Thường đánh chết Ngô Thì Nhậm vì căm tức việc trả lời xấc xược.

Thế nhưng nhìn rộng hơn, nếu xét hoàn cảnh mà nhiều người liên quan, lồng trong chính sách chung của triều đình, vụ án đánh roi không thểchỉ là một thái độ trả thù vì tư oán. Việc áp dụng hình luậtvượt phép nước không phải là chuyện nhỏ trong giai đoạn mà vua Gia Long muốn minh chính điển, đưa đất nước về qui củ.

Vụ án theo sử triều Nguyễn


Vì sự việc liên quan đến việc vua Gia Long tiến quân ra bắc, thu phục Thăng Long và bắt anh em Nguyễn Quang Toản nên cũng cần lược qua giai đoạn này từ khi đại quân còn ở Phú Xuân.

Sau khi bố trí mọi cánh quân thuỷ bộ, lương thực, công binh, ngày 18 tháng Năm, vua Gia Long kính cáo tổ tiên và đặt quốc thúc quận công Tôn Thất Thăng lưu thủ kinh đô, có đô thống chế dinh Túc Trực Nguyễn Văn Khiêm và tả tham tri bộ Hình Nguyễn Đăng Hựu phụ tá.

Ngày 21 tháng Năm, đại quân từ Phú Xuân khởi hành.

Ngày 26 tháng Năm, vua Gia Long đến Đồng Hới (Động Hải).

Ngày 27 tháng Năm, đến hành cung Thanh Hà. Vua Gia Long đích thân điều bát tướng lãnh theo những cánh quân sau đây:

Đặng Trần Thường theo đường thượng đạo đánh vào Hoành Sơn để chặn đường rút lui của Tây Sơn,

Nguyễn Văn Trương chỉ huy thuỷ quân đánh vào ngang hông quân Tây Sơn,

Lê Văn Duyệt (tước Tả quân tướng quân Bình Tây Duyệt quận công) tiến quân bộ tiến thẳng lên,

Nguyễn Đức Xuyên cai quản lính ba vệ Nghị Oai, Đằng Oai, Nghĩa Võ đi theo nhà vua.

Ngày mồng 1 tháng Sáu, quân Phú Xuân đến Hà Trung, quân thuỷ đánh vào cửa biển Hội Thống trong khi quân bộ tiến đánh Nghệ An.

Cùng thời gian đó, quân tiền phương của vua Gia Long đánh thượng đạo ở Nghệ An, bắt được thiếu phó Trần Quang Diệu. Diệu từ Qui Nhơn thua chạy theo đường rừng núi, mấy tháng qua lương thực cạn sạch, quân lính cũng không còn mấy người. Khi đến Qui Hợp gặp quân Phú Xuân nên bị bắt cùng với thuộc hạ là bọn Từ Văn Chiêu, Nguyễn Văn Giáp, Lê Văn Hưng, Nguyễn Văn Mân và 76 con voi chiến. Tin báo về, vua Gia Long ra lệnh cho Lê Văn Duyệt không được tự tiện giết mà chỉ đóng xiềng giam lại. Theo Nguyễn Đức Xuyên, số “đầu sỏ” nguỵ là Diệu [Trần Quang], Dũng [Vũ Văn], Thận [Nguyễn Văn], Đức cùng bè đảng gia quyến tổng cộng là 38 người trong đó có 28 nam và 10 nữ.

Ngày mồng 4 tháng Sáu, vua Gia Long đến Nghệ An kiểm điểm những thắng lợi và các kho đụn, vũ khí thu được.

Ngày 11 tháng Sáu, vua Gia Long từ Nghệ An đi lên Thanh Hoa.

Ngày 16 tháng Sáu, vua Gia Long ban chiếu như sau:

Chiếu tượng, mục trấn Thanh Hoa cùng chu tri:

Vừa qua Tây Sơn phiến loạn, Lê tộ cáo chung, trong nước không còn thể thống. Các ngươi ôm lòng trung phẫn, chẳng chịu cho đảng nguỵ trói buộc, nhiều kẻ trốn ở sơn lâm, tụ họp đinh tráng. Lại có kẻ giả danh trộm cướp. Kêu quân lấy lương, mắc vào điều cấm của quân luật, tự biết là không công trạng chưa biết về đâu. Sự tình đều đã tỏ tường.

Nay giặc nguỵ đã trừ hết, thiên hạ đã định yên. Kẻ trí thức thời há còn chậm trễ ngắm trông. Nay đặc chiếu ban ra, kẻ nào can phạm từ trước thì đều chẳng hỏi, thủ hạ nghĩa quân cũng cho giải tán về làng sinh sống. Còn hào mục, ai có khẩu súng, khí giới công tư bắt buộc phải đem đến đồn trấn sở tại nạp lại, để tiện cho quan trấn dâng biểu chuyển tấu xem tường mà tuỳ tài thu dụng.

Các ngươi phải nên xét kỹ cơ nghi, cẩn thận chớ có trễ tràng. Nếu người nào giữ riêng khí giới tại địa phương nào thì đã có quân luật.

Khâm tai đặc chiếu.

Ngày 21 tháng Sáu, vua Gia Long đến thành Thăng Long, ngự ở điện Kính Thiên. Các nơi bắt được anh em Nguyễn Quang Toản giải đến. Vua Gia Long cũng ra lệnh cho đem những người còn đang giam ở Thanh Hoa là “bọn Bàn, Diệu, Dũng, Đức, Thận” đưa ra Thăng Long, những người khác thì giao cho đô thống chế hậu doanh là Năng tài hầu (Trần Văn Năng) đưa về kinh bằng thuyền.

Từ khi đại quân nhà Nguyễn khởi hành cho đến khi vua Gia Long vào Thăng Long chỉ tròn một tháng, có thể nói là tiến như vũ bão mà không gặp một đương cự nào đáng kể.

Để ổn định tình hình, nhà vua xuống chiếu ra lệnh cho tiếp tục áp dụng hình luật Hồng Đức là bộ luật vẫn còn sử dụng ở miền bắc. Chiếu rằng:

… 進克北城,設官分職,其詞訟條律,未遑刊定,姑舉大體十五條,俾内外官僚,有所遵守。至如審斷諸務,並宜參酌前黎洪德國朝刑律施行,待後議定。

… tiến lấy Bắc thành, thiết lập quan chức, còn điều luật tố tụng thì chưa san định được. Vậy soạn đại thể 15 điều để cho quan liêu nội ngoại theo đó mà tuân thủ. Còn như việc xét đoán mọi việc thì nên tham chước quốc triều hình luật Hồng Đức nhà Lê trước mà thi hành, đợi sau khi bàn nghị sẽ định sau.

Đại Nam thực lục cũng chép:

賊尚書吳壬,阮嘉璠,潘輝益詣行在伏罪。帝以將有事邦交而壬等舊爲黎臣,習知故事。輝益又曾爲賊使如清,乃命館于外備諮訪焉。

…thượng thư giặc là Ngô Nhâm, Nguyễn Gia Phan, Phan Huy Ích đến hành tại chịu tội. Vua thấy sắp có việc bang giao mà bọn Nhâm vốn là cựu thần nhà Lê, sành sỏi việc cũ. Huy Ích lại từng làm sứ thần cho giặc sang nhà Thanh nên mới ra lệnh ở bên ngoài phòng khi cần hỏi đến.

Theo Thực Lục, ngay khi vua Gia Long vừa vào Thăng Long thì các ông Ngô Thì Nhậm, Phan Huy Ích và Nguyễn Gia Phan đã xuất hiện. Việc trình diện này rất cấp bách trong hạn “gần thì ba ngày, xa thì năm ngày” được chép trong các việc xảy ra tháng Sáu năm Nhâm Tuất (1802) và họ được tha về trong tư thế chờ lệnh nếu cần sẽ gọi vào để hỏi việc.

Quốc Sử Di Biên chép rằng nhà vua xuống chiếu truyền cho văn võ cựu thần và những người đã đỗ hương cống, kẻ sĩ đại lược như sau:

僞儻悉平,武功耆定,粉飾治興,亶惟其時,一世人才,豈可與草木俱朽,茲宜轉相吿語,各隨遠近程期,訂以九月上旬以裏,皆詣行在,候誠郡公及常正侯,員玉侯,禮部昭義侯,左史曄光侯,經引進謁,覓言試功,隨才錄用,不論屬僞不屬僞。

Đảng nguỵ nay đã trừ xong, võ công cũng đã định rồi, sửa sang việc trị nước cho rực rỡ, vậy hãy biết thời cơ, nhân tài một đời, không lẽ để hủ nát cùng cây cỏ?

Vậy hãy truyền cho nhau biết, tuỳ theo đường dài ngắn, định rằng trong vòng thượng tuần tháng Chín(?) hãy cùng đến hành tại yết kiến để đợi Thành quận công [Nguyễn Văn Thành] và Thường chính hầu [Đặng Trần Thường], Viên ngọc hầu, Lễ bộ Chiêu nghĩa hầu [Đặng Đức Siêu], Lại bộ tả thị lang Diệp quang hầu [Phạm Văn Diệp] dẫn vào yết kiến để xem đối đáp, thử công việc rồi tuỳ theo tài năng mà lục dụng, bất kể trước đây có theo nguỵ hay không.

Một số cựu thần nhà Lê và hàng quan nhà Tây Sơn được sử dụng vào các chức vụ để lo việc hành chánh ở địa phương.

…董正中外官吏,舊黎文武,及僞西降臣,投由拜謁,各隨材任使,進士裴輝碧,汝功瑱,范貴適,黎輝瑜,黎輝簪,阮輝理,阮伯覽,阮吉,黎廷顯,阮仲綜,黎仲體,黎維坦,阮時班,吳世歷,阮攸,阮忠勤,阮登楚,及葛藤,神投,靑泥,寶慈,仁睢[睦],羅姥,平望諸君公,皆候駕拜謝賀,復其身傭。

輝碧,功瑱皆辭歸,貴適爲北城助敎,輝瑜爲北城督學,輝簪爲北京督學,輝理,伯覽,仲體,廷顯,相繼督學,仲綜京北協鎭,惟坦諒山協鎭。

…又以解元阮俊爲勤政大學士,兼太常侍卿,員玉侯武楨,爲刑部參知,華亭侯武璣,爲京北助敎,金堆萃叶安廣,扶軫茂林叶興化,香羅坦叶諒山,貴桓知諒江,阮浩知建興,阮廷宗知順安,降臣阮廷亮,阮曰鷹,爲戶部都督,景春侯按諒山,都督語論侯按京北,都督奉,都督養,及張沾,張驩,張潔,皆典兵,又諸士庶,賀駕陳言,有稱㫖者,勅令權知府縣,及翰林院。

… Để bổ nhiệm các quan lại trong ngoài, văn võ nhà Lê cũ và hàng thần nguỵ Tây đến bái yết đều tuỳ theo tài năng mà dùng, tiến sĩ Bùi Huy Bích, Nhữ Công Trấn , Phạm Quí Thích, Lê Huy Du, Lê Huy Trâm, Nguyễn Huy Lý, Nguyễn Bá Lãm, Nguyễn Cát, Lê Đình Hiển, Nguyễn Trọng Tông, Lê Trọng Thể, Lê Duy Thản, Nguyễn Thời Ban, Ngô Thế Lịch, Nguyễn Du, Nguyễn Trung Cẩn, Nguyễn Đăng Sở … và những người có công lao ở các xã Cát Đằng, Thần Đầu, Thanh Nê, Bảo Từ, Nhân Mục, La Mỗ, Bình Vọng đợi xa giá đến bái tạ, chúc mừng đều được “thân dung”.

Huy Bích, Công Trấn đều từ tạ mà về, Quí Thích thì làm trợ giáo Bắc thành, Huy Du làm đốc học Bắc thành, Huy Trâm làm đốc học Kinh Bắc, Huy Lý, Bá Lãm, Trọng Thể, Đình Hiển theo thứ tự làm đốc học, Trọng Tông làm hiệp trấn Kinh Bắc, Duy Thản làm hiệp trấn Lạng Sơn …

Lại lấy giải nguyên Nguyễn Tuấn làm Cần Chánh đại học sĩ, kiêm Thái Thường tự[trong sách viết là thị侍thay vì tự寺] khanh, Viên Ngọc hầu Vũ Trinh làm tham tri bộ Hình, Hoa Đình hầu Vũ Cơ làm trợ giáo Kinh Bắc, ông Tuỵ ở Kim Đôi làm hiệp trấn Yên Quảng, ông Mậu Lâm ở Phù Chẩn làm hiệp trấn Hưng Hoá, ông Thản ở Hương La làm hiệp trấn Lạng Sơn, Quí Hoàn làm tri phủ Lạng Giang, Nguyễn Hạo làm tri phủ Kiến Hưng, Nguyễn Đình Tông làm tri phủ Thuận An. Hàng thần Nguyễn Đình Lượng, Nguyễn Viết Ưng làm đô đốc bộ Hộ, Cảnh Xuân hầu làm án sát Lạng Sơn, đô đốc Ngữ Luận hầu làm án sát Kinh Bắc, đô đốc Phụng, đô đốc Dưỡng cùng với Trương Triêm, Trương Hoan, Trương Khiết đều làm điển binh. Còn các nhà nho khi đến chúc mừng giãi bày có những điều xứng ý thì đều có sắc làm quyền tri phủ, tri huyện và hàn lâm viện.

Có một chi tiết mà sử triều Nguyễn không chép nhưng chúng ta phải hiểu ngầm. Đó là việc nhân sĩ, cựu quan chức ra trình diện tuy được tiến cử hay “dẫn vào yết kiến” nhưng chắc chắn không chỉ đơn giản như thế. Những nhân vật đó vẫn được đưa ra “triều nghị” [họp lại trong triều để bàn luận] như Phan Huy Ích đã chép để được “tuỳ tài mà bổ dụng”. Riêng ba người Phan Huy Ích, Ngô Thì Nhậm, Nguyễn Gia Phan vì đã làm quan lớn cho triều Tây Sơn, lại có kinh nghiệm bang giao nên vua Gia Long đã giam riêng ở trong quân, vừa kịp hỏi khi cần, vừa bảo vệ khỏi những người ghen ghét nhân thời thế đổi thay mà báo oán. Theo Đại Nam Thực Lục, quyển XVIII, tr. 6 thì:

…帝以西賊旣滅,命移書于清兩廣總督問以邦交事宜,遣吏部僉事黎正路,兵部僉事陳明義候命于南關。又以國家甫創,欲于關上接清使,行宣封禮以省煩費。問之。吳壬,潘輝益皆曰:此事未之前聞。乃止。

… Vua thấy giặc Tây Sơn đã bị diệt rồi nên ra lệnh gửi thư sang tổng đốc Lưỡng Quảng nhà Thanh hỏi về việc bang giao, sai thiêm sự bộ Lại Lê Chính Lộ, thiêm sự bộ Binh Trần Minh Nghĩa hầu mệnh ở Nam Quan. Lại thấy rằng quốc gia mới dựng muốn lên cửa quan tiếp đón sứ thần nhà Thanh làm lễ tuyên phong cho giảm bớt phiền phức, phí tổn. Vua đem ra hỏi. Ngô Nhậm và Phan Huy Ích đều nói là việc đó trước nay chưa từng nghe đến. Vì thế mới thôi.

Việc này xảy ra trong khoảng tháng Bảy năm Nhâm Tuất (1802) nghĩa là rất sớm, ngay khi vua Gia Long đến Thăng Long và ba ông Phan, Ngô, Nguyễn cũng ra trình diện như Phan Gia Thế Tự Lục và Dụ Am Ngâm Tập đã chép. Đến tháng Tám, ba ông bị đưa vào giam lỏng ở trong quân vì bị người ta tố cáo.

Sơ thẩm


Hoàn cảnh của Phan Huy Ích, Ngô Thì Nhậm được chính Phan Huy Ích chép trong Dật Thi Lược Toản (quyển V bộ Dụ Am Ngâm Tập):

[399]季夏。新朝進兵北出。所向風靡。

廿一日。大駕詣北城。先頒詔文。凡僞官降順,並在涵容。余與吳時任,阮世歷,以次謁駕投忱。奉旨應點内[400]城。以備顧問。

八月初浣。朝議指以僞官爲衆所議斥。擬處重𨐓。送禁衞縻監。迨奏案弗完允,奉上諭,且置之。雖久在抅执,微知頗有生机。…

季秋下浣。御駕諏吉。囬還春京。旨下禁衞引送三監人先行咱得解杠乘輞子。毋致迫勒。以廿三日發裎。…

[401]歲除在縻記悶。孟冬抵春京。各就禁衞軍寨。

中[仲]冬告成。邢部籙奏在監各犯。奉御筆珠圏吾三人名字頭。諭令赦免。

是後慶賀[402]宴樂。連日朝會。無人再爲請旨。仍在禁衞縻所。雖監主寬解縻具,亦未敢離次。

除夕,邇聞宮樂戱。寢不成寐。…

癸亥春正初三。[奉]上諭。北城委員掌奇選武侯。禁衞三監人。朕經准寬赦。兹委尒引赴城,任咱總鎭分處。

以初四自京發程。從伊員行次。…

[403]閏正月上浣。詣北城。受縻在前軍寨。

二月十二日。協議薄警放遣。予出城就駐瑞璋庯,與諸親眷歡洽。

Tháng quí hạ (tháng Sáu), triều đại mới tiến binh ra bắc, đành theo gió mà đổi chiều.

Ngày 21, nhà vua đến Bắc thành, trước hết ban chiếu văn: Phàm nguỵ quan hàng thuận, đều được tha thứ. Ta cùng với Ngô Thì Nhậm, Nguyễn Thế Lịch lần lượt đến yết kiến xin hàng, nhận được chỉ phải ở trong thành chờ khi hỏi đến.

Thượng tuần tháng Tám, triều đình bàn luận rằng vì là nguỵ quan bị người ta tố cáo cần xử lại, nên tống giam vào trong quân đợi hoàng thượng phán xét khi đó sẽ thi hành. Tuy bị câu thúc lâu ngày nhưng xem ra cũng có chút đường sống …

Hạ tuần tháng quí thu (Chín), ngày tốt ngự giá trở về Phú Xuân, hạ lệnh cho cấm vệ đưa ba người bị giam đóng gông đi trước bằng xe nhưng không bị áp bức, ngày 23 khởi hành …

Cuối năm bị giam nghĩ cũng buồn. Mạnh đông (tháng Mười) đến kinh đô Phú Xuân, tất cả bị giam vào trong trại quân cấm vệ.

Trọng đông (tháng Một AL) mọi việc xong. Bộ Hình tâu lên về việc các can phạm đang bị giam được ngự bút khuyên đỏ trên đầu tên ba người dụ ra lệnh tha cho.

Từ đó về sau [trong kinh đô] ngày nào cũng tiệc mừng, hát xướng, không ai còn phải đợi chỉ [quyết định về bản án] nhưng vẫn bị giam tại cấm vệ. Tuy người coi phòng giam đã mở các hình cụ nhưng chưa được đi ra ngoài.

Đêm trừ tịch, nghe xa xa có tiếng nhạc và diễn tuồng trong cung, nằm ngủ không yên …

Ngày mồng ba tháng Giêng năm Quí Hợi hoàng thượng dụ rằng: Bắc thành sai người là Tuyển Võ hầu đòi ba người đang bị giam, trẫm đã chuẩn tha cho nay đưa trở về thành để tuỳ theo tổng trấn phân xử.

Ngày mồng 4 từ kinh đô theo viên chức kia lên đường …

Thượng tuần tháng Giêng nhuận đến Bắc thành, bị giam ở trại tiền quân.

Ngày 12 tháng Hai, hiệp nghị chỉ cảnh cáo nhẹ rồi tha về. Ta ra khỏi thành ở tại phố Thuỵ Chương, đoàn tụ với thân quyến.

Theo như thế, chúng ta hiểu rõ hơn về tình trạng của ba ông Phan, Ngô, Nguyễn trong thời buổi tranh tối tranh sáng này và có thể giải thích được những mâu thuẫn trong nhiều nguồn sách vở. Tựu trung, tuy các nguỵ quan triều Tây Sơn nếu ra trình diện đúng hạn kỳ thì đều được “thân dung” như đã ghi trong Quốc Sử Di Biên, không bị trừng phạt.

Tuy nhiên, trường hợp của ba người gồm Phan Huy Ích, Ngô Thì Nhậm, Nguyễn Gia Phan (tức Thế Lịch) thì không được hưởng đặc ân nêu trên vì theo như tường thuật của chính Phan Huy Ích trong Dụ Am ngâm tập là “bị người ta tố cáo” [僞官爲衆所議斥] và chính vì thế họ bị giữ lại trong quân nên hi vọng “có chút đường sống” [微知頗有生机].

Đến khi vào kinh đô, đích thân vua Gia Long đã khuyên đỏ tha cho ba người, trong khi những người khác của triều đình Tây Sơn đều bị xử phạt rất nặng, phần nhiều là tử hình như ghi trong Đại Nam Thực Lục nên chúng ta có thể biết rằng họ vẫn bị giam giữ tuy không còn gông cùm và chắc cũng được tự do trong một giới hạn nào đó. Cũng trong thời kỳ này – khoảng chừng tháng Một AL –Phan Huy Ích cũng có làm một bài biểu mừng tân triều bắt được vua tôi nhà Tây Sơn (hiến phù hạ biểu) có lẽ trong dịp triều đình làm lễ dâng tù binh.

Tái thẩm


Khi rời Bắc thành (cuối tháng Chín năm Quí Hợi) trở về Phú Xuân, vua Gia Long cắt đặt ở Bắc Hà, những người đứng đầu gồm có Nguyễn Văn Thành là tổng trấn, ba tào (曹) [nha quan, phân chức làm việc gọi là tào] bên dưới là Hộ, Binh và Hình giao cho Nguyễn Văn Khiêm trông coi Hộ tào, Đặng Trần Thường trông coi Binh tào, Phạm Như Đăng trông coi Hình tào. Chiếu theo nhiệm vụ và tổ chức chúng ta biết rằng Nguyễn Văn Khiêm lo công việc hành chánh, Đặng Trần Thường lo việc quân sự, an ninh còn Phạm Như Đăng giữ việc hình án, xét xử.

Từ đầu tháng Mười đến cuối năm đó, triều đình thi hành nhiều lễ nghi quan trọng trong đó có việc tuyên cáo võ công, tế thiên địa ngày mồng 6 và làm lễ hiến phù (dâng tù binh) ở Thái Miếu ngày mồng 7 tháng Một AL (Nhâm Tuất, 1802). Những đại lễ này thuộc về quân lễ.

Cũng thời gian đó, vua tôi nhà Tây Sơn, các tướng lãnh và thân nhân của họ, được bộ Hình xét xử và tuyên án, hình phạt được thi hành với mức độ khác nhau, có những hình phạt rất thảm khốc như ngũ tượng phân thi, lăng trì, voi giày nhưng cũng có những án tử hình “nhẹ” hơn như chém bêu đầu, chém ngang lưng, hoặc đơn giản chỉ chém đầu hay xử giảo (thắt cổ cho chết).

Ngoài ra, việc tru lục còn liên quan tới cả những người đã qua đời như anh em vua Thái Đức, vua Quang Trung cũng bị đào bới hài cốt, xẻ thịt, lóc xương và đầu lâu giam vào ngục tối. Những việc xử tội và thi hành tuỳ mức độ thuộc về hình án.

Tết năm Quí Hợi (1803), giới quan lại Bắc Hà nhân dịp tiến cống quà mừng về Phú Xuân đã kèm theo một tờ biểu mà nhiều tài liệu nói là của Đặng Trần Thường yêu cầu trừng trị những người đã cộng tác với Tây Sơn lấy lý do họ đã làm hại những đồng liêu khác.

Đại Nam Chính Biên Liệt Truyện, sơ tập, quyển 27, tiểu sử Đặng Trần Thường chép:

… 癸亥春,僞尙書吳壬,潘輝益,阮嘉潘出首。解于京。常上疏以爲壬等身爲黎臣,甘心事賊,設詭辭以騙清,陷同類於不義,迹其罪惡,罄竹難書,誠爲名敎中罪人之尤也。此而不誅何以戒後。

乃命送 于城議其罪。阮文誠以爲壬等罪固當誅,但僞官出首免罪,自有明詔,信不可失。乃于文廟前笞而釋之。辰伏笞者三人,壬獨痛死。常使之也。

… Mùa xuân năm Quí Hợi (Gia Long 2, 1803), nguỵ thượng thư là Ngô Nhâm [Nhậm viết kiêng huý], Phan Huy Ích, Nguyễn Gia Phan ra đầu thú đem giải về kinh. Thường [Đặng Trần] dâng sớ nói rằng bọn Nhậm là bầy tôi nhà Lê, cam tâm thờ giặc, đem lời lẽ dối trá nhà Thanh, hãm đồng loại vào chuyện bất nghĩa, truy xét tội ác thì chặt tre cũng không đủ ghi, thực là kẻ có tội đứng đầu trong danh giáo, nếu không đem giết thì sao có thể răn người đời sau.

Vì thế nên đưa trở về thành [Bắc] để luận tội. Nguyễn Văn Thành (tổng trấn) thấy tội bọn Nhậm quả đáng giết thật nhưng nguỵ quan về đầu thú thì được miễn tội, vốn đã có chiếu rõ ràng, không thể thất tín được.

Vì thế đem ra trước Văn Miếu đánh bằng roi rồi thả cho về. Khi đó có ba người bị đánh roi, chỉ riêng một mình Nhậm đau mà chết, ấy là do Thường gây ra vậy.

Chính vì xuất phát từ “chính sử” do Quốc Sử Quán biên toản nên không ai đặt thành vấn đề mà còn coi đó như một chứng cớ về sự trả thù của họ Đặng với họ Ngô, nhiều người còn đi xa hơn cho là chủ tâm của vua Gia Long mượn tay Đặng Trần Thường để giết Ngô Thì Nhậm.

Việc nêu ra tội trạng – ngoài sự kết án mơ hồ là lấy lời lẽ đánh lừa nhà Thanh mà không nói là ở điểm nào [thực tế thì mọi văn chương chiếu biểu trong giao thiệp đều ít nhiều giả dối] nhưng lại nhấn mạnh vào việc đã hãm hại những người trước đây cùng phụng sự nhà Lê cho thấy tuy bản án làm quan với cựu triều đã được tha tội (như vua Gia Long đã ban chiếu và khuyên son của hoàng đế) nhưng vì có sự tố cáo và yêu cầu của giới nho gia miền bắc nên ba ông lại bị giao về cho tổng trấn Nguyễn Văn Thành phân xử.

Việc tái thẩm này cũng không phải do chủ trương của vua Gia Long nên ông cũng miễn cưỡng trả về Thăng Long như chính nhận xét của Phan Huy Ích là “ý nhà vua muốn giữ thể diện cho đại thần” và dĩ nhiên đây không phải là thể diện cho Nguyễn Văn Thành mà là cho đương đơn Đặng Trần Thường thay mặt giới sĩ phu Bắc Hà vốn không ưa bọn Ngô Thì Nhậm. Cũng không thể không nghĩ rằng cho đến lúc này, những người ở Bắc thành chưa biết ba ông Ngô, Phan, Nguyễn đã được vua Gia Long tha tội vì nếu như vụ án đã gửi ra Bắc thành thì không ai dám vượt quyền mà xin tái thẩm. Trên phương diện triều đình, như Phan Huy Ích đã ghi lại, họ được một mệnh quan đưa đi kèm theo chỉ dụ của vua Gia Long về quyết định của hoàng thượng. Ở Thăng Long, ba người cũng bị kết án do những phiên họp đông người chứ không phải chỉ một mình Đặng Trần Thường quyết định. Theo vị thế lúc đó, họ Đặng không phải là người có quyền thế nhất mà đứng sau Nguyễn Văn Thành, ông lại trông coi việc binh bị chứ không phải hình án. Do đó, việc ba ông Ngô, Phan, Nguyễn bị đưa ra đánh roi ở Văn Miếu [nếu có thực] thì cũng chỉ nằm trong cái gọi là “bạc cảnh” [cảnh cáo nhẹ] chứ không phải là một vụ án rình rang như lời đồn và phóng đại – có thể hư cấu – sau này.

Theo luật phạt đánh roi chủ yếu là nhằm dạy dỗ nên còn gọi là “giáo hình” (教刑). Sách vở cũng không ấn định rõ rệt tội trạng và hình phạt tương ứng, nhưng không hiếm trường hợp người bị đánh roi đã chết vì thi hành quá nặng tay ngoài nguyên tắc của hình phạt.

Việc xử tội không được thi hành ở chốn pháp đình mà lại đưa ra Văn Miếu cho thấy đây là một hình thức nặng phần công khai bêu riếu, nhẹ phần hình phạt để làm vừa lòng giới nho sĩ Bắc Hà.

Chúng ta cũng có thể đoán rằng tuỳ theo tội trạng trong phiên toà công khai này, ba người có thể đã chịu những hình phạt khác nhau, kẻ nhiều người ít (không biết cấp độ nào từ 10 đến 50 roi), nên mới gây ra cái án Ngô Thì Nhậm. Chúng ta cũng thấy rằng vụ án đánh roi không do bản tâm vua Gia Long hay tổng trấn Nguyễn Văn Thành mà là một hình thức hối nhục của “quần chúng” có thể coi như là thời điểm chấm dứt những tai ương để qua một vận hội mới. Theo chính lời của Phan Huy Ích trong Dụ Am Ngâm Tập thì “Ngày 12 tháng Hai, hiệp nghị chỉ cảnh cáo nhẹ rồi tha về. Ta ra khỏi thành ở tại phố Thuỵ Chương, đoàn tụ với thân quyến.” [二月十二日。協議薄警放遣。予出城就駐瑞璋庯,與諸親眷歡洽] còn Phan Gia Thế Tự Lục viết là “Cuối tháng đó trở về Sài Sơn. Phong ba đến thế là hết, nay vui thú điền viên. Rau dưa qua ngày không vướng bận”. [月底還山。風濤既岸。滽灑邱園。蔬食菜羨晏如也。]

Tội suy (đánh bằng roi)


Sử triều Nguyễn cũng chép rõ đây là tội suy (笞) tức đánh bằng roi, là một trong ngũ hình. Tội đánh roi có năm bậc, ít nhất là 10 roi, nhiều nhất là 50 roi.Lê Triều hình luật, đệ Nhất quyển (Danh Lệ) chép:

笞郉五: 自壹拾至五十下爲五等,加減罪貶用,或單用。南女同。徒流惟女用。壹拾。貳拾。叁拾。肆拾。伍拾。

Tội đánh bằng roi (suy hình) có năm bậc, từ 10 đến 50 roi, chia làm năm bậc, nhiều ít tuỳ tội có thể gia giảm kèm với hình phạt khác hay chỉ một loại, nam nữ chung. Nếu kèm theo tội đồ hoặc tội lưu thì chỉ dành cho đàn bà. Tội có các mức mười roi, hai mươi roi, ba mươi roi, bốn mươi roi, năm mươi roi.

Trong mục Hình cụ (dụng cụ thi hành án) chép:

Roi: Đầu lớn 3 phân, đầu nhỏ 1 phân 5 li, dài 3 thước 5 tấc, làm bằng cây song, róc bỏ những mấu mắt.

Đại Thanh luật lệ cũng ghi rằng “tội suy ấy là đánh vậy, cũng là dạy dỗ cho xấu hổ, dùng thanh tre nhỏ” (笞者,擊也。又訓爲耻,用小竹板。)

Roi nhà Thanh có khác một chút, miêu tả như sau:

Roi dùng đánh tội nhân, thường dùng roi bằng tre, dài 5 thước 5 tấc. Loại roi tre nhỏ, đầu lớn to 1 tấc 5 phân, đầu nhỏ 1 tấc, nặng không quá 1 cân rưỡi. Loại roi tre lớn, đầu lớn 2 tấc, đầu nhỏ 1 tấc 5 phân, nặng không quá 2 cân.

Như vậy Trung Hoa dùng thanh tre không phải roi mây như nước ra.

Theo hình luật đời Lê, tội đánh roi (suy hình) là tội nhẹ nhất trong năm loại, dưới các loại đánh bằng gậy (trượng hình), bắt làm việc nặng nhọc (đồ hình), đày đi xa (lưu hình), giết chết (tử hình).

Đánh roi theo luật xưa. Hình trích từ Georges Buis et Charles Daney. Les archives de la société de géographie: quand les franҫaise découvraient l’Indochine. Paris, Éditions Herscher, 1981, tr. 150.

Những chi tiết đáng ngờ


Đại Nam Chính Biên Liệt Truyện, sơ tập, quyển 27, tiểu sử Đặng Trần Thường chép rằng ba người bị đánh roi ở Văn Miếu là do Đặng Trần Thường yêu cầu, chỉ mình Ngô Thì Nhậm đau mà chết. Cũng viết về vụ án này, Đại Nam thực lục viết tương tự như Liệt Truyện.

Việc ba người bị đưa trở về Bắc thành theo yêu cầu cũng không thấy nhắc tới có bị gông cùm hay không nhưng theo lý thì sau quyết định của vua Gia Long – coi như chung thẩm – thì họ nay không còn là tội nhân nữa nên chắc cũng không bị ngược đãi. Theo chính lời của Phan Huy Ích thì như dụ của vua Gia Long là họ đã được tha và nếu ở Thăng Long có làm gì thì cũng không thể vượt qua quyết định đó.

Ngày 12 tháng Hai là ngày hiệp nghị ở Thăng Long, có đủ mặt các viên chức quan trọng mà người đứng đầu là Nguyễn Văn Thành. Buổi họp này đưa ra bản án “bạc cảnh” [薄警-cảnh cáo nhẹ] rồi tha cho về nên nếu có bị đưa ra Văn Miếu đánh roi như sử triều Nguyễn chép thì cũng chỉ là hình thức. Việc Đặng Trần Thường sai người đánh Ngô Thì Nhậm đến chết không thấy ghi trong những văn bản “đầu tay” như Dụ Am ngâm tập [do chính Phan Huy Ích ghi chép] nên cũng phải tồn nghi, mặc dầu gia phả nhiều khi cũng lược bỏ những chuyện gây tổn hại cho danh giá.

Nói tóm lại, từ tháng Sáu năm Nhâm Tuất (1802) đến tháng Hai năm Quí Hợi (1803) là thời gian các ông Phan, Ngô, Nguyễn vướng vào vòng lao lý, chỉ có lúc đầu tình hình tương đối căng thẳng vì là lúc tranh tối tranh sáng, người ta có thể nhân tư hiềm mà hãm hại nhau. Thế nhưng chỉ sau một thời gian ngắn, khi được giữ ở trong quân, tiếng là bị giam nhưng cũng đã có cơ sống sót và sau đó mọi việc đều được thi hành theo luật pháp, theo hình điển, không phải tự ý làm bừa.

Nếu như quả lúc đầu các ông Phan, Ngô có bị bắt và bị đánh như Quốc Sử Di Biên chép (tr. 11) thì chỉ là sự việc xảy ra khi tranh tối tranh sáng, không phải sau này khi đã được vua Gia Long ân xá. Tuy Đại Nam Thực Lục ghi chép mọi việc khá tường tận nhưng riêng về đời Gia Long (đệ Nhất kỷ), văn bản ít, sự kiện nhiều nên chỉ có thể xem như một bộ “thông sử chi tiết”, người nghiên cứu phải dè dặt và quan tâm tra xét cho tường tận. Đối chiếu kỹ, không hiếm những chi tiết không ăn khớp nhau ngay trong cùng một bộ sử nhà Nguyễn, Thực Lục so le với Liệt Truyện, sử Việt Nam khác với sử nước ngoài nên không thể không đặt thành câu hỏi.

Theo lời kể của Phan Huy Ích, vụ án được đưa ra tái thẩm ngày 12 tháng Hai còn Ngô Thì Nhậm thì chết ngày 16 tháng Hai (theo gia phả họ Ngô), tức sau đó 4 ngày chứ không phải chết ngay hôm thi hành án. Liệu có thực là Đặng Trần Thường đã vượt quyền mà giết Ngô Thì Nhậm để mắc tội khi quân vì vua Gia Long đã châu khuyên tha bổng cho ba người trên nghị luận của bộ Hình lúc ở kinh đô? Nguyễn Văn Thành cũng biết việc đòi đưa nhóm Phan, Ngô, Nguyễn về Bắc có điều trái ý vua Gia Long nên giữ họ trong quân, một hình thức bảo đảm an ninh để khỏi gây ra những sơ sẩy bất ngờ và được thả về ngay sau khi hội nghị và thi hành án cảnh cáo. Do đó, công tâm mà xét, chúng ta không thấy lý do xác đáng khi cho rằng Đặng Trần Thường chủ trương đòi đưa về bắc để cố tình giết Ngô Thì Nhậm, trái ý vua Gia Long và công khai thách đố với Nguyễn Văn Thành như sử chép.

Kết luận


Một điểm chung của sử thần triều Nguyễn khi soạn tiểu sử thì những ai về sau bị tội luôn luôn bị gán cho những lạm quyền, bất kính. Nguyễn Văn Thành trước khi có vụ án Nguyễn Văn Thuyên thì đã bị để ý về việc xem đất để mả và việc chọn người thừa kế, khi bị án thì kết luận là “chỉ vì cậy công lớn, kiêu hãnh tự ý mình, rốt cuộc phải bại vong” [惟有恃功高,倖倖自用,卒以取敗], Lê Văn Duyệt chỉ vì con nuôi là Lê Văn Khôi chống lại triều đình nên khi chết rồi cũng vẫn còn bị kết án là “nhổ tóc cũng khó kể hết tội, nói ra đau lòng, bổ quan tài ra chặt xác cũng không oan” [罪難擢髮,言可痛心,斷其棺而戮其屍,亦不爲枉]. Ngay trong tiểu sử Đặng Trần Thường thì kết án ông vào cuối đời cũng chỉ là việc “dối người, nhờn thần” [欺人慢神] như lời vua Gia Long chứ không có tội nào về việc lạm quyền, khi quân. Cho nên việc uốn nắn tư cách của Đặng Trần Thường cho phù hợp với kết cuộc không phải là không thể có. Chúng ta không thể không dè dặt và tìm kiếm thêm những nguồn ngoại sử khác, được tài liệu tiên nguyên (primary sources) thì càng hay, nếu muốn nhìn lại vấn đề cho chính xác.

Ngô Thì Nhậm và Phan Huy Ích là anh vợ, em rể, những gì hai người đồng hành không thể không có chút hợp tình, hợp lý. Nếu quả Ngô Thì Nhậm bị đem ra đánh đến chết, việc Phan Huy Ích vẫn cúc cung tận tuỵ với tân triều cũng là có vấn đề về tư hạnh của nhà nho. Tuy nhiên, nếu nhìn di cảo văn chương của hai ông và không để những định kiến chính trị chi phối, sự thay đổi triều đại đã khiến cho họ phải ăn theo thuở, ở theo thì cũng có thể hiểu được.

Ngay cả khi mới lên ngôi, vua Minh Mạng cũng vẫn cần sự cố vấn của Phan Huy Ích cho thấy uy tín của ông vẫn còn, con cháu họ Ngô, họ Phan vẫn có những cơ hội tham gia việc công, trong đó đáng kể nhất là việc vẫn được đi thi mà không bị cấm đoán. Ngoài ra, một số nhân vật trong hai họ Ngô Thì và Phan Huy còn được cử đi sứ sang Trung Hoa ngay trong hai triều Gia Long, Minh Mạng cho thấy họ không bị kết vào tội danh “có cha anh làm quan với nguỵ triều”.

1-1-2021

Chú thích :

Giai Thoại Làng Nho (toàn tập), (Texas: Zieleks, 2nd ed. 1985) tr. 223 [truyện Ngô Thời Nhiệm]. Câu chuyện này đãđược nhắc đến trong nhiều sách giáo khoa khác trước Lãng Nhân.

2 Đây chính là Ngô Thì Nhậm nhưng vì chữ Nhậm (任) kiêng huý tên vua Tự Đức nên “kính khuyết nhất bút” [bỏ bới đi một nét] chép thành Sĩ (仕)

3 P.J.B. Trương-vĩnh-Ký (soạn). Chuyện Khôi-Hài (Passe-temps) (Saigon: C. Guilland et Martinon, 1882) tr. 14-15 Truyện vui số 35: Ngô-thì-Sĩ với ông Tán-lý Thường.

4 Đại Nam Thực Lục, quyển XVII, tr. 15-16.

5 Nguyễn Đức Xuyên. Lý Lịch Sự Vụ (Trần Đại Vinh dịch).( Hà Nội, 2019) tr. 131.

6 Nguyễn Đức Xuyên. Lý Lịch Sự Vụ (Trần Đại Vinh dịch).( Hà Nội, 2019) tr. 133-134.

7 Nguyễn Đức Xuyên. Lý Lịch Sự Vụ (Trần Đại Vinh dịch).( Hà Nội, 2019) tr. 136.

8 Phan Thúc Trực: Quốc Sử Di Biên (1965), tr. 15

9 Tên Phan trong Thực Lục dùng bộ ngọc, trong Liệt Truyện dùng bộ thuỷ.

10 Đại Nam thực lục (chính biên) q. XVII, tr. 25.

11 Theo Dụ Am Ngâm Tập, các ông Phan Huy Ích, Ngô Thì Nhậm đã trình diện từ cuối tháng Sáu ngay khi vua Gia Long đến Bắc thành đúng nhưĐại Nam Thực Lục ghi nhận. Việc yêu cầu trình diện ngay từ khi vua đến Thăng Long xem ra hợp lý hơn vì không lẽ hai tháng sau vua Gia Long mới xuống chiếu chiêu dụ văn quan Bắc Hà? Có lẽđây là tháng Bảy thay vì tháng Chín.Viết tay lem nhem hai chữ cửu [九] và thất [七]có thể nhầm.

12 Có bộ ngọc玊

13 Quốc Sử Di Biên (國史遺編) (Hương Cảng: Viện Nghiên Cứu Ðông Nam Á, 1965) tr. 16 (NDC dịch)

14 Hai chữ thân dung 身傭 Hồng Liên Lê Xuân Giáo dịch là « trở vềđời sống bình thường » còn Đỗ Mộng Khương dịch là « cho được miễn thuế thân, dao dịch ». Chúng tôi nghiêng về giải thích của Hồng Liên Lê Xuân Giáo khi đối chiếu với tình hình thực tế lúc đó.

15 Nguyên văn viết là Bắc Kinh

16 Quốc Sử Di Biên (國史遺編) (Hương Cảng: Viện Nghiên Cứu Ðông Nam Á, 1965) tr. 13-14. (NDC dịch)

17 Đại Nam Thực Lục, quyển XVIII, tr. 6

18 Dụ Am Ngâm Tập, Dật Thi Lược Toản, q. V, tr. 399-403.

19 Nếu tính vai trò tương đương một tỉnh của nhà Thanh thì Hộ tào là phiên ti do bố chính đứng đầu, Hình tào là niết ti do án sát đứng đầu và Binh tào là các quân doanh do một đềđốc nắm giữ.

20 Mồng 2 tháng Mười xa giá vềđến Phú Xuân

21 Còn gọi là tùng xẻo (đánh một tiếng trống, cắt một miếng thịt) hay bá đao (dùng dao cắt hàng trăm miếng).

22 Đại Nam chính biên liệt truyện (sơ tập) q. XXVII, truyện Đặng Trần Thường, tr. 19-20. Ngày giờ thụ án không thấy ghi chép nhưng theo gia phả họ Ngô thì Ngô Thì Nhậm chết vào ngày 16 tháng Hai năm Quí Hợi, nếu ngày thụ hình là ngày hôm trước thì là ngày 15 tháng Hai.

23 Bao Chấn Viễn, Mã Quí Phàm (包振远-马季凡). Trung Quốc Lịch Ðại Khốc Hình Thực Lục (中国历代酷刑实录). (Bắc Kinh: Trung Quốc Xã Hội xb xã, 1998) Ch. 9, Suy Trượng, tr. 337.

24Suy: tên tội hình. Thời xưa Trung Quốc dùng tre nhỏ hay cây kinh đểđánh trên mông, đùi hay lưng người phạm tội. Từđời Tuỳ trở về sau, phạt suy là hình phạt nhẹ nhất. Tới đời Hán tội suyđược qui định rõ ràng và có thể dùng tiền chuộc. Lật Kính, Lý Phóng (chủ biên). Trung Hoa Thực Dụng Pháp Học Đại TừĐiển (Cát Lâm đại học xbx, 1988) tr.1662.

25 Nguyễn Q. Thắng và Nguyễn Văn Tài. Lê Triều Hình Luật (Luật Hình Triều Lê). Hà Nội: nxb Văn Hoá Thông Tin, 1998. (phần Hán Văn)

26 Hệ thống đo chiều dài đời Lê theo hệ thống thập phân, 1 trượng = 10 thước; 1 thước = 10 tấc; 1 tấc = 10 phân; 1 phân = 10 li. Theo Đặng Phương Nghi trong Les Institutions Publiques du Viet-Nam au XVIIIe Siècle (Paris, 1969) tr. 105 [Unités de longueur] thì 1 thước khoảng chừng 40 cm. Như vậy cái roi dùng trong hình cụ là 1.4 mét, một đầu 1.2cm, một đầu.6cm. Cây song tức cây mây.

27Thượng Hải đại học pháp học viện (上海大学法学院). Đại Thanh Luật Lệ (大清律例). (Thiên Tân Cổ Tịch xbx, 1995) tr. 89.

28Thượng Hải đại học pháp học viện (上海大学法学院). Đại Thanh Luật Lệ (大清律例). (Thiên Tân Cổ Tịch xbx, 1995) tr. 89-90.

29Người thi hành án cầm roi đứng chờ thi hành. Tội nhân theo giải thích trong sách là một người đàn bà có chồng đi ăn trộm, bà ta là đồng loã nên bị xửđánh bằng roi.

30 Đại Nam chính biên liệt truyện (sơ tập) q. XXVII, tr. 19-20.

31 Năm Quí Hợi (1803) theo lịch nước ta thì có 2 tháng Giêng còn lịch nhà Thanh thì có 2 tháng Hai.Nếu là tháng Hai của nước ta thì là vào tháng Ba của nhà Thanh. Vì có một tháng lẫn lộn nên cũng khó phân biệt là Ngô Thì Nhậm chết vào tháng Hai nào và từ khi vụ án được tái thẩm đến khi ông qua đời có thể chỉ là 4 ngày mà cũng có thể là hơn một tháng. Dù thế nào, Ngô Thì Nhậm không chết ngay khi thi hành án [nếu có] mà sau khi về nhà.

32 Đại Nam Chính Biên Liệt Truyện, sơ tập, q. XXI, tr. 38a.

33 Đại Nam Chính Biên Liệt Truyện, sơ tập, q. XXIII, tr. 25b.

34 Ngô Thì Vị, em của Ngô Thì Nhậm đi sứ sang Trung Hoa 2 lần (1809 và 1820), Phan Huy Chú, con trai Phan Huy Ích đi sứ hai lần (1824 và 1830), Phan Huy Thực cũng đi sứ sang Trung Hoa năm 1817, Phan Huy Vịnh đi sứ năm 1841 và 1854 … Nhiều tác giả: Phan Huy Chú và dòng văn Phan Huy (VH-TT Hà Sơn Bình, 1983) tr. 144, 149, 171, 245.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Bao, Chấn Viễn, Mã Quí Phàm (包振远-马季凡). Trung Quốc Lịch Ðại Khốc Hình Thực Lục (中国历代酷刑实录). Bắc Kinh: Trung Quốc Xã Hội xb xã, 1998.

Brook, Timothy, Jérôme Bourgon, Gregory Blue. Death by a Thousand Cuts. Havard University Press, 2008.

Đặng, Văn Lộc (chủ biên). Thượng Thư Binh Bộ Đặng Trần Thường. Hà Nội: Văn Hoá Dân Tộc, 2013.

Lâm, Giang và Nguyễn Công Việt (chủ biên). Ngô Thì Nhậm toàn tập (toàn bộ 5 quyển). Viện Nghiên Cứu Hán Nôm Hà Nội: nxbKHXH, 2003-5

Lật, Kình (栗劲), Lý Phóng (李放). Trung Hoa Thực Dụng Pháp Học Đại Từ Điển (中华实用法学大辞典). Cát Lâm đại học xbx, 1988.

Mai, Quốc Liên (chủ biên). Ngô Thì Nhậm tác phẩm (4 quyển) Hà Nội: nxb Văn Học, 2001-2.

Nội Các Triều Nguyễn. Khâm Định Đại Nam Hội Điển Sự Lệ (8 tập) [bản dịch Viện Sử Học Hà Nội]. Huế: Thuận Hoá, 2005.

Nội Các Triều Nguyễn. 欽定大南會典事例Khâm Định Đại Nam Hội Điển Sự Lệ (262 quyển) [bản chữ Hán]

Nguyễn, Duy Chính (dịch). Nguyễn thị Tây Sơn ký (khuyết danh). Tp HCM: Nxb Tổng Hợp, 2020.

Nguyễn, Đức Xuyên. Lý Lịch Sự Vụ (Trần Đại Vinh dịch). Hà Nội: Hà Nội, 2019.

Nguyễn, Ngọc Nhuận (dịch và chú giải), Phan Huy Lê (hiệu đính). Phan Gia Công Phả (潘家公譜) Gia Thiện – Hà Tĩnh. Hà Nội: Thế Giới, 2006.

Nguyễn, Q. Thắng và Nguyễn Văn Tài. Lê Triều Hình Luật (Luật Hình Triều Lê). Hà Nội: nxb Văn Hoá Thông Tin, 1998.

Nguyễn, Sĩ Giác (phiên âm và dịch nghĩa). Lê Triều Chiếu Lịnh Thiện Chính. Trường Luật Khoa đại học, Đại Học Viện Saigon. Saigon: Bình Minh, 1961.

Nhiều tác giả. Phan Huy Chú Và Dòng Văn Phan Huy. Hà Sơn Bình: Sở Văn Hoá Thông Tin, 1983

Phan, Huy Ích (潘輝益). Dụ Am Ngâm Tập (裕庵吟集). Bản chép tay Viện Hán Nôm Hà Nội (A.603/1-6)

Phan, Huy Ích (潘輝益). Dụ Am Văn Tập (裕庵文集). Bản chép tay Viện Hán Nôm Hà Nội (A.604/1-3)

Phan, Thúc Trực (潘叔直) [Trần Kinh Hoà biên tập]. Quốc Sử Di Biên (國史遺編). Hương Cảng Trung Văn đại Học Tân Á Nghiên Cứu Sở: Viện Nghiên Cứu Ðông Nam Á, 1965.

Phan, Thúc Trực. Quốc Sử Di Biên (bản dịch Ðỗ Mộng Khương, Viện Sử Học, Viện KHXHVN). Hà Nội: VH-TT, 2009.

Phan, Thúc Trực. Quốc Sử Di Biên (bản dịch Hồng Liên Lê Xuân Giáo). Saigon: Phủ Quốc Vụ Khanh Ðặc Trách Văn Hoá, 1973.

Phùng, Tất Đắc (Lãng Nhân). Giai Thoại Làng Nho (toàn tập), (Texas: Zieleks, 2nd ed. 1985)

Quốc Sử Quán triều Nguyễn. Đại Nam Liệt Truyện (4 tập) bản dịch Viện Sử Học. Huế: nxb Thuận Hoá, 1997.

Quốc Sử Quán triều Nguyễn. Đại Nam Thực Lục (10 tập) bản dịch Viện Sử Học. Hà Nội: nxb Giáo Dục, 2002.

Quốc Sử Quán triều Nguyễn. Đại Nam Thực Lục (chính biên, liệt truyện) 20 volumes. 大南寔錄 (正編,前編). Đông Kinh (Nhật Bản): Hữu Lân Đường, 1961 (Keio Institute of Linguistics Studies, Mita, Siba, Minato-ku, Tokyo, Japan)

Tchang, Le P. Mathias. Synchronismes Chinois: Chonologie Complete Et Concordance Avec L’ère Chrétienne De Toutes Les Dates Concernant L’histoire De L’Extrême-Orient. Taipei: Ch’eng-Wen Publishing Co., 1967

Thượng Hải đại học pháp học viện (上海大学法学院). Đại Thanh Luật Lệ (大清律例). Thiên Tân Cổ Tịch xbx, 1995.