Thứ Sáu, 5 tháng 2, 2021
Lê Mạnh Hùng (Gửi tới BBC từ Berlin): Covid - Anh Spahn, bác Đam và chuyện vụng về như voi ở tiệm đồ sứ
Sống ở Đức, tôi phải nói rằng ngắm các chính trị gia Đức những ngày này thấy thương cho họ. PTT Vũ Đức Đam ở Việt Nam, Thủ tướng Boris Johnson ở Anh và nhiều chính trị gia các nước khác cũng không khá hơn. Họ như voi bị kiến trong tai.
Đầu tiên là chuyện vaccine. “Đức phải có một kế hoạch tiêm chủng rõ ràng!”.
Làm sao đây nếu các hãng sản xuất không chắc chắn đảm bảo cung ứng đủ vaccine, chất lượng hiệu quả của vaccine chưa đủ sức thuyết phục mạnh, không ít người ngần ngại đi tiêm.
Các vaccine tiếng tăm được ca ngợi ban đầu như BioNTech/Pfizer, Moderna, Oxford AstraZeneca nay dù có ý kiến chê bai cũng chẳng có đủ để mà mua. Như thể cuống quýt phải “vơ bèo, vạt tép“, vaccine Sputnik V của Nga, vaccine hãng Sinopharm của Trung Quốc cũng đang được Đức dự kiến cấp phép sử dụng.
Hôm trước, bà thủ tướng Angela Merkel lại lên TV nằn nì kêu gọi dân Đức kiên nhẫn và đi tiêm chủng. "Tiêm chủng chỉ là tự nguyện nhé” - nhiều người phản đối.
Bà Merkel: “Vâng, nhưng nếu ai không tiêm chủng sẽ không được phép tham gia một số thứ“. Những quốc gia giàu có, sẵn tiền, nhanh nhẹn đặt mua vaccine từ sớm, vậy mà giờ cũng phải tranh giành nhau.
Việt Nam nay mới quyết định đặt mua (chỉ khoảng 30 triệu liều), liệu đến bao giờ mới có?
EU đặt xong cả trăm triệu liều từ công ty Anh -Thụy Điển mà vừa rồi phải cay đắng dừng tiêm một số điểm ở Pháp vì thiếu vaccine AstraZeneca.
Những nhà lãnh đạo thời điểm kém may mắn
Thị trưởng Berlin Michael Müller vừa nói: “Chớ để xảy ra việc tiêm xong lần thứ nhất rồi xoa tay bảo dân, rất tiếc không có lần hai bởi hết thuốc“.
Bầu cử Quốc hội Đức tháng 9/2021 đang đến gần. Báo chí truy hỏi Bộ trưởng Y tế Đức Jens Spahn, Thủ tướng Angela Merkel đủ điều. Các đảng đối lập chỉ luôn trực chờ chính phủ phạm sai lầm là “choảng“.
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam của Việt Nam không phải lo các thứ trên, nhưng lại có nhiều mối lo khác. Công lao chống dịch không giúp ông Đam được vào Bộ chính trị, và hiện ông vẫn hăng hái chống dịch.
Còn ở châu Âu, một sai lầm trong chống dịch khiến các chính trị gia châu Âu mất nghiệp như chơi. Ông Giuseppe Conte từ chia tay ghế thủ tướng Ý vì tranh cãi gói cứu trợ kinh tế thời Covid.
Mà khổ, lo cho mình chưa xong, Đức lại phải oằn mình lo thêm cho cả Ý, Hy Lạp, Bồ Đào Nha…
Sau Brexit của Anh, EU càng mong manh hơn trước bão tố. Hơn lúc nào hết Đức, Pháp phải vất vả để giữ cho khối khỏi tan. Đại dịch Covid – 19 đang là phép thử lớn nhất cho khối này từ ngày thành lập.
Các nhà khoa học hàng đầu thế giới cũng chưa thống nhất đánh giá chính xác về chủng Covid- 19, nay lại thêm các biến thể.
Các chính trị gia nào phớt lờ các nhà khoa học, quyết đoán vội vã, dễ trở thành người khùng, coi rẻ mạng sống của cả đất nước mình.
Những chính trị gia được ca ngợi biết lắng nghe các nhà khoa học lại rất dễ bị “đẽo cày giữa đường“, trở nên quá thận trọng, thiếu quyết đoán. Tất cả họ đều thế, sợ “toang“ dịch bệnh chết người một thì sợ đổ vỡ kinh tế, bất ổn xã hội mười.
Các tiểu bang ở Đức, lãnh đạo nhiều quốc gia khác trên thế giới chỉ luôn chực nới lỏng giãn cách xã hội sớm như có thể. Sự sống còn của nền kinh tế, sức cạnh tranh trên trường kinh tế thế giới tạo sức ép khủng khiếp lên vai họ.
Phải thừa nhận có sự khác biệt trong thái độ chống dịch. Người Đức, người châu Âu dị ứng với sự xâm phạm bí mật cá nhân khiến việc triển khai cái Covid-19-Apps theo dõi sự di chuyển lây lan chả mấy thành công, trong khi ở Việt Nam tên tuổi, địa chỉ, nghề nghiệp của bệnh nhân hoặc F1, F2, cứ được phơi bày tơ hơ trên báo chí, truyền thông.
Người nhiễm bệnh Covid ở Việt Nam không ít khi bị coi như tội đồ.
Người Việt kinh hãi thấy người châu Âu kéo nhau đi biểu tình, chẳng thèm đeo khẩu trang thì ngược lại họp lớp, hội đồng hương, lễ hội hàng trăm, hàng ngàn người Việt với váy áo rộn ràng đã như thể được mùa ở Việt Nam trong thời gian qua.
Những người theo chủ thuyết âm mưu, các nhóm cực hữu ở châu Âu lợi dụng triệt để cơ hội kêu gọi biểu tình, chống các biện pháp của các chính phủ.
Ở Việt Nam không chấp nhận tự do biểu tình, tự do biểu đạt, nhưng may quá, ai cũng tin và sợ Covid nên chính phủ khỏi phải lo dân làm loạn.
Tôi từng nhiều lần thất bại khi lôi kéo người Việt xuống đường biểu tình chống phân biệt chủng tộc ở Đức. Vì người Việt Đông Âu đặc biệt e ngại với các sinh họat chính trị. Nhưng nay tôi rất ngạc nhiên nhận được tin nhắn hô hào của một anh cựu sinh viên lớn tuổi: “Tốt nhất là không tiêm. Khi nào có biểu tình của người Đức đòi quyền được tự chọn vaccine thì mọi người nhớ tham gia nhé!“.
Thế giới cần hợp sức chống dịch
Sẽ chẳng có nước nào là ngoại lệ của Covid - 19. Toàn cầu hóa, giao thông thuận tiện, sự ràng buộc lẫn nhau về kinh tế, văn hóa, con người khiến cả thế giới sẽ phải cùng chịu đựng dịch và cả thế giới cần phải cùng nhau dập dịch.
Xét ra chỉ có sự phối hợp toàn cầu mới có thể dập dịch thành công. Chống dịch bằng chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi sẽ chẳng giúp cho bất kỳ quốc nào thành công. Chẳng ai có thể đóng kín cửa nhà mình với bên ngoài mãi được.
Sẽ quá sớm khi so sánh tài chống dịch của anh Spahn ở Đức với bác Đam ở Việt Nam, anh Boris Johnson bên Anh và chị Angela Merkel bên Đức.
Chỉ có khi nào đại dịch thực sự qua đi mới có thể nói rằng ai thực sự là người dũng cảm, ai liều lĩnh ngu ngốc; ai nghĩ ngắn, nghĩ hẹp, ai nghĩ rộng, nghĩ dài; ai có tài lãnh đạo, ai chỉ giỏi chia rẽ; ai thực sự vì dân và ai chỉ chăm lo cho cái ghế của mình.
Người anh hùng hay tội đồ của cả dân tộc chỉ cách nhau có một gang tấc, chỉ sau một vài quyết định về phương pháp chống dịch Covid - 19.
Lẽ nào để sự sống mong manh
Chưa bao giờ sự an toàn của cả loài người bị đe dọa nghiêm trọng như lần này.
Trái Đất của chúng ta chưa từng bị tấn công bởi một thế lực nào đó ngoài hành tinh, nhưng hãy thử giả định Covid -19 vô hình kia là một đòn tấn công từ 'aliens', loài có trí tuệ ở vũ trụ tới, ta sẽ thấy gì?
Loài người được trang bị rất tốt, được huấn luyện rất kỹ để chống lại nhau, thậm chí tiêu diệt nhau với đủ các loại vũ khí tối tân, các khối, nhóm, liên minh mạnh mẽ.
Nhưng nhân loại hầu như không có sự chuẩn bị, không có một liên minh toàn cầu nào tạm đủ tốt để chống lại kẻ thù chung đến từ bên ngoài, kẻ thù vô hình kiểu như Covid-19.
Ngoài cái tổ chức WHO đang rệu rã kia ra, lãnh đạo các nước mỗi người nói một kiểu, nên ta phải hỏi là ai, tổ chức nào có thể lãnh đạo thế giới chống lại mối hiểm họa từ bên ngoài?
Câu hỏi đó, thế hệ như chúng ta phải có câu trả lời cho hậu thế.