Chủ Nhật, 24 tháng 1, 2021

Phạm Phú Minh: Họa sĩ Thái Tuấn và báo Thế Kỷ 21

một mảnh ký ức nhỏ của Phạm Phú Minh 

Một số các bức tranh bản gốc họa sĩ Thái Tuấn gửi cho báo Thế Kỷ 21

Suốt mấy tháng trong năm 2016, nhà văn Trần Doãn Nho và tôi, như là việc hỏi đáp trong một cuộc phỏng vấn, liên tục trao đổi nhiều e-mail về nhiều vấn đề liên quan đến hoạt động báo chí, văn hóa của tôi từ ngày đến Mỹ, trong đó có việc tôi tham gia tòa soạn tạp chí Thế Kỷ 21 kéo dài 15 năm từ 1993 cho đến 2007. Về phần đóng góp mặt mỹ thuật cho tờ báo, tôi có ghi lại như sau :

Nhưng tôi sẽ rất thiếu sót nếu không nhắc tới các họa sĩ đã đóng góp tài hoa của mình để giúp cho phần mỹ thuật của tờ báo. Trước hết là đôi nghệ sĩ Nguyễn Đồng-Nguyễn Thị Hợp, suốt 18 năm từ số đầu tiên cho đến số cuối cùng của Thế Kỷ 21 đã giữ công việc trình bày bìa báo và đóng góp các minh họa cho các trang trong. Họa sĩ Ngọc Dũng và Vũ Thái Hòa (Pháp) ngay trong những số đầu tiên đã đóng góp nhiều hình vẽ trang trí, các năm sau có các họa sĩ Thái Tuấn, Đinh Cường gửi tranh đóng góp rất tích cực lâu dài. Các họa sĩ cũng nhiều lần gửi hình chụp các bức tranh yêu thích của mình để làm bìa báo. Thời đó, thập niên cuối của thế kỷ 20 và những năm đầu của thế kỷ 21, quý vị họa sĩ đều gửi họa phẩm trên giấy, bằng đường bưu điện. Về hý họa, các số đầu thường có tác phẩm ký tên Gúc và Kúm (cho tới nay tôi cũng chưa được biết quý vị này là ai), rồi đến họa sĩ Hiếu Đệ cộng tác một thời gian. Họa sĩ Babui Mamburao vẽ hý họa cho Thế Kỷ 21 trong mười mấy năm liền cho đến ngày báo đóng cửa.

Bây giờ xem lại đoạn trên, tôi thấy mình rất thiếu sót trong việc liệt kê các họa sĩ và nhiếp ảnh gia cộng tác với báo Thế Kỷ 21, còn nhiều vị nữa, như Võ Đình, Nguyên Khai, Hồ Thành Đức, Bé Ký, Rừng, Lương Văn Tỷ, Lê Bá Đảng, Nguyễn Trọng Khôi, Hiếu Đệ, Ann Phong, Thanh Trí, Nguyễn Hữu Nhật, Tôn Nữ Thu Nga, và còn nữa, tôi đã không kịp nhớ một cách đầy đủ hơn khi trao đổi mail với người phỏng vấn.

Tạp chí Thế Kỷ 21 về mặt hình thức khá khiêm tốn, khổ 7 x 10 in.3/4, hầu hết in trên giấy báo không được trắng, dày từ 96 đến 120 trang vào những năm cuối. Nhưng tranh bìa, cách trình bày bìa cùng các tranh ảnh minh họa, hí họa đều luôn luôn giữ trình độ cao, nhờ sự cộng tác, giúp đỡ của các nghệ sĩ có thực tài. Tôi thấy đây là một phong cách thú vị, mà hầu hết các tạp chí Việt ngữ trong và ngoài nước ít khi có được, nên nảy ra ý muốn ôn lại riêng về mảng này, với những tài liệu và ký ức còn có được. Đầu tiên xin viết về sự đóng góp của họa sĩ Thái Tuấn.

Họa sĩ Thái Tuấn, từ nước Pháp, bắt đầu gửi các tranh vẽ của ông cho Thế Kỷ 21 ở miền Nam California vào năm 1993, đó là những dessins nho nhỏ vẽ bằng mực đen để góp phần làm minh họa cho tờ báo. Nhiều họa sĩ khác cũng làm việc giống như ông để giúp cho báo được thêm phần mỹ thuật và linh động, nhưng không ai có cung cách giống như ông: hầu hết các bức vẽ của ông gửi cho Thế Kỷ 21 đều là bản gốc và là bản duy nhất, vẽ xong là ông bỏ phong bì gửi ngay, thậm chí có khi còn những nét bút chì phác thảo không kịp tẩy xóa. Các họa sĩ khác đều gửi bản copy và giữ lại bản chính, và như vậy đối với tòa báo cũng quý lắm rồi, vì khi in lên báo thì cũng như nhau thôi. Nhưng họa sĩ Thái Tuấn khi vẽ một bức tranh đơn sơ bằng mực đen để làm minh họa hay trang trí cho trang báo, hoặc vẽ kỹ hơn với màu sắc để làm bìa báo, thì dường như đều với ý nghĩ những tác phẩm đó đều là bản duy nhất để dành riêng cho tạp chí Thế Kỷ 21. Đó là một tình cảm đáng quý nơi ông. Và càng đáng quý hơn nữa, là ngày nay sau hai thập niên, các bức tranh này, mặc dù đã được in trên báo, bản gốc vẫn là bản duy nhất trong hồ sơ lưu trữ của người làm báo Thế Kỷ 21.

Từ tỉnh Orléans bên Pháp, ngoài các tranh vẽ họa sĩ Thái Tuấn còn năng viết thư cho tòa soạn báo Thế Kỷ 21, góp ý, săn sóc tờ báo một cách cảm động. Sau đây là một trong những bức thư như thế :


Từ năm 2006, họa sĩ đã về Việt Nam để sống nốt chuỗi ngày còn lại của mình, và đã qua đời tại Sài Gòn ngày 26 tháng 9 năm 2007, thọ 90 tuổi. 

Vào cuối năm 2007, báo Thế Kỷ 21 cũng đình bản, thọ 18 năm.

Hôm nay ghi lại những hoạt động báo chí trong hơn một thập niên giữa một họa sĩ tài danh của Việt Nam với một tạp chí tiếng Việt ở hải ngoại, nhằm nhắc đến một mối cảm thông đẹp đẽ của những con người xa xứ còn quan tâm đến văn hóa Việt Nam, một mối duyên văn nghệ cần ghi lại để được lưu giữ giữa dòng thời gian có vẻ trôi ngày một nhanh hơn trong thế giới ngày nay.

Phạm Phú Minh
Đầu tháng Ba 2018

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét