Thứ Năm, 28 tháng 1, 2021
Dake Kang, Maria Cheng & Sam Mcneil: Trung Quốc thắt chặt cuộc kín đáo săn tìm nguồn gốc coronavirus (China claims down in hidden hunt for coronavirus origins - Associated Press 12/30/2020; Bản dịch của Trần Thế Kiệt)
(Nguồn Gốc Coronavirus: Trung Quốc Kín Đáo Điều Tra Nhưng Siết Chặt Thông Báo Kết Quả)
MOJIANG, China (AP) – Sâu trong vùng núi non thung lũng rậm rạp của miền nam Trung Quốc là cửa ngõ dẫn đến một hầm mỏ, một thời đã là chỗ ẩn náu của loài dơi có liên hệ gần gũi nhất với siêu vi gây bệnh Covid-19.
Các nhóm khảo cứu khoa học đặc biệt chú ý đến địa điểm này bởi vì đây có thể là chìa khoá để bật mí nguồn gốc của coronavirus, con siêu vi đã sát hại hơn 1,7 triệu người trên toàn thế giới. Quan trọng là vậy nhưng đối với các khoa học gia và nhà báo đó vẫn là một lỗ đen to tướng. Không ai biết gì về nó cả chỉ vì đây là một bí mật, một nhậy cảm chính trị.
Gần đây nhất, có một nhóm khảo cứu tìm cách lấy được mẫu thử nghiệm của loài dơi này nhưng đã bị chính quyền tịch thu, hai người rành chuyện cho biết. Các chuyên viên khảo cứu bị cấm nói chuyện với báo chí. Và một nhóm phóng viên AP (Associated Press) khi tác nghiệp ở vùng này hồi tháng 11/2020 đã bị bám đuôi và chặn đường bởi các xe công an thường phục.
Đã hơn một năm kể từ ngày bệnh nhân đầu tiên bị nhiễm coronavirus. Các tìm hiểu của AP cho thấy chính quyền TQ đang cố kiểm soát khảo cứu và xiết chặt công bố kết quả trong khi chủ tâm đẩy mạnh các giả thuyết mơ hồ về một nguồn gốc siêu vi nằm ngoài TQ.
Những tài liệu mật cho biết chính quyền đã trợ cấp hàng trăm ngàn USD cho các nghiên cứu với sự hợp tác của quân đội ở miền nam TQ. Tất cả những khảo cứu này đều phải được giữ kín, muốn công bố phải có phép của một đặc uỷ trong nội các, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của quyền uy tối cao, chủ tịch Tập Cận Bình.
“ Họ đã tìm thấy gì?” Câu hỏi đặt ra với Chuyên viên dịch học Gregory Grey của Duke University, ông là trưởng một phòng thí nghiệm ở TQ chuyên khảo cứu về sự lây lan của bệnh truyền nhiễm từ thú sang người. “Có thể là dữ kiện của họ chưa được kiểm chứng, hoặc có thể là họ đã dìm dấu các dữ kiện vì một lý do chính trị nào đó. Tôi không biết … Ước gì tôi biết.”
Cuộc điều tra của AP đã dựa trên chục cuộc phỏng vấn với các khoa học gia người Hoa và quốc tế, với các quan chức TQ, cùng với những thông báo công cộng, những email rò rỉ, các dữ kiện nội bộ và tư liệu từ chính phủ và Trung Tâm Kiểm Dịch của TQ (CDC-TQ). Tất cả cho thấy thượng tầng quyền lực của ĐCSTQ đã quyết định mọi chuyện.
Cái lối làm việc bị kiểm soát chặt chẽ này đã làm chậm phản ứng với các báo động, trì hoãn các cuộc khảo sát, và gây trở ngại cho việc trao đổi thông tin với Tổ Chức Y Tế Thế Giới (WHO.) Các chuyên gia quen thuộc với y tế công cộng cho biết lối kiểm soát này được áp dụng cho tất cả những khảo cứu có đề tài nhạy cảm.
“Họ chỉ chọn những người thân tín, những người họ có thể kiểm soát được,” một chuyên viên y tế làm việc thường xuyên với CDC TQ cho biết với điều kiện dấu tên vì sợ hậu quả. “Quân đội và các nhóm khác làm rất nhiều khảo cứu nhưng không được phép phổ biến, phải nộp kết quả cho Đảng rồi chờ lệnh.”
Trận đại dịch đã làm mất mặt TQ với thế giới, các lãnh đạo đảng lo ngại không muốn có thêm một khám phá nào gợi ý là TQ đã sơ sót khiến cho dịch bộc phát lan tràn. Bộ Khoa Học Kỹ Thuật (KHKT) và Hội Đồng Y Tế Quốc Gia là hai cơ quan chủ trì việc nghiên cứu nguồn gốc siêu vi đã không trả lời các câu hỏi liên hệ.
“Siêu vi mới này được tìm thấy ở khắp nơi trên thế giới,” bộ ngoại giao TQ phát biểu trong một thư fax. Vì thế “ Các khoa học gia (KHG) cần khảo cứu và hợp tác trên bình diện toàn cầu.”
Vài KHG TQ nói sở dĩ có rất ít thông tin được chia sẻ chỉ vì chẳng có gì quan trọng đã được khám phá.“Chúng tôi cố tìm nhưng chẳng thấy gì,” chuyên viên siêu vi nổi tiếng của TQ, Zhang Hongzhen, đã ngôn như vậy.
Không phải chỉ có các lãnh tụ TQ mới chính trị hoá các khảo cứu về nguồn gốc của siêu vi. Hồi tháng Tư 2020, TT Mỹ Donald Trump đã chặn khoản viện trợ cho một chương trình nghiên cứu các bệnh nguy hiểm của thú vật ở bên Tàu và Đông Nam Á, đã cắt đứt các liên hệ giữa các KHG Tàu và Mỹ và làm khó cho việc nghiên cứu nguồn gốc siêu vi. Trump cũng kết tội TQ chính là thủ phạm của đại dịch vì đã sơ hở để cho siêu vi thoát ra khỏi phòng thí nghiệm ở Vũ Hán – một giả thuyết, theo ý vài chuyên gia, không thể loại bỏ mặc dù không có bằng cớ xác thực nào.
Khảo cứu nguồn gốc bệnh Covid-19 rất quan trọng cho việc phòng ngừa các đại dịch trong tương lai. WHO muốn gửi toán chuyên gia quốc tế đến TQ vào đầu tháng giêng 2020 nhưng lịch trình công tác phải được chính quyền TQ duyệt xét và chấp thuận. (Ghi chú: Toán chuyên gia đã đến TQ ngày 14/1/2020, trong đó có một người Việt.)
Các chuyên gia y tế cảnh báo việc TQ giới hạn quyền tìm kiếm đã làm khó cho cuộc hợp tác toàn cầu để tìm hiểu nguồn gốc trận dịch SARS gần hai mươi năm trước. Jonna Mazet, KHG của UC Davis, nói là sự thiếu hợp tác giữa các chuyên gia Tàu và Mỹ là một “điều đáng thất vọng” và việc các chuyên gia Mỹ không được làm việc ở TQ là một điều “cực kỳ tai hại.”
“Có quá nhiều ồn ào chung quanh nguồn gốc của con siêu vi này,” Mazet nói. “Chúng ta hãy lùi lại, ngồi xuống … để các chuyên gia làm việc, để họ tìm ra câu trả lời đúng chứ đừng đứng đó chỉ ngón tay vào mặt nhau.”
***
Cuộc kín đáo săn tìm nguồn gốc của siêu vicho thấy chính quyền TQ đã cố gắng lèo lái câu chuyện như thế nào.
Khởi đi từ chợ hải sản Huanan ở Vũ Hán, là một ngôi chợ thấp một tầng, rộng phức tạp, nơi đầu tiên có nhiều người đổ bệnh. Ngay từ đầu, giả thuyết khả tín là siêu vi đến từ thú hoang bày bán trong chợ, tỷ như con Cầy Hương (Civet Cat) trong trận dịch SARS trước đây.
Khoảng giữa tháng 12 /2019, một người bán hàng trong chợ tên là Jiang Dafa bất chợt nhận ra có nhiều người xung quanh bị đổ bệnh. Người đầu tiên là một công nhân ngoài 60 tuổi làm công việc phụ giúp rửa xác những thú hoang; kế tiếp không lâu là một người bạn đánh cờ. Người thứ ba là chủ một sạp hải sản 40 tuổi, đổ bệnh rồi mất.
Có quá nhiều bệnh nhân cần nhập viện để chữa trị, đông đến mức bất thường vào cuối tháng 12 khiến CDC phải chú ý. Sếp của CDC là Gao Fu bèn cử ngay một toán thanh tra đi tìm hiểu.
Mấy ngày đầu, mọi việc diễn ra êm thắm.
Vài ngày sau, đúng vào đêm tết dương lịch có lệnh đóng cửa chợ ngay lập tức, cấm không được đem hàng hoá ra ngoài, Jiang kể. CDC thu thập 585 mẫu môi sinh từ tay nắm cửa, nước cống và sàn chợ, rồi phun thuốc khử trùng toàn diện. Sau đó họ chất đống đốt sạch mọi thứ bên trong.
Tài liệu nội bộ CDC cho thấy là ngày 11 và 12/1 các chuyên gia đã tiến hành phân đoạn di thể của siêu vi kiếm được từ những mẫu môi sinh nói trên. Gary Kobinger, người Canada, chuyên viên vi sinh học, cố vấn của WHO đã gửi email cho các đồng nghiệp chia sẻ mối quan tâm: chợ Vũ Hán là ổ siêu vi đầu tiên.
“Siêu vi corona này rất gần với SARS” Gary viết ngày 13/1. “Nếu loại bỏ đây là một tai nạn … tôi sẽ nhắm vào mấy con dơi ‘được bày bán và sống hoang’ ở chợ này.”
Cuối tháng giêng, truyền thông nhà nước (TTNN) thông báo tìm thấy coronavirus ở 33 mẫu môi sinh. Phúc trình với WHO cho biết, nếu đem so sánh, siêu vi của 11 mẫu giống với coronavirus mới (đang gây bệnh trên người) hơn 99%. Các quan chức cũng cho biết là chuột cống và chuột nhắt cũng có đầy trong chợ, và các mẫu dương tính đều tụ vào khu buôn bán động vật hoang dã.
Trong khi cố dấu mọi người việc mình buôn bán trong chợ vì sợ tai tiếng, Jiang đã chỉ trích chuyện đôi co giữa Tàu và Mỹ: “Thật là vớ vẩn khi đổ lỗi cho nhau vì cái bệnh này”.
Siêu vi tiếp tục lây lan mạnh hơn vào tháng hai. Các chuyên gia TQ đã cho ấn hành một loạt các khảo cứu về Covid-19. Trong số này có hai tác giả đề xướng một giả thuyết, dầu không có chứng cớ, là Siêu vi có thể đã bị ‘sổng’ ra từ một phòng lab của viện khoa học Vũ Hán nằm gần chợ hải sản. Bài này sau đó bị lấy xuống nhưng đã làm nổi bật một vấn đề mới: thanh danh của nước Tàu trong đại dịch.
Tư liệu nội bộ cho thấy nhà nước bắt đầu đòi hỏi tất cả những khảo cứu về coronavirus phải được chính quyền cấp cao chấp thuận – một chính sách bị chỉ trích là đã làm tê liệt các công cuôc khảo cứu.
Ngày 24/2, CDC TQ dựa trên “các chỉ thị quan trọng” của chủ tịch Tập Cận Bình, cho lệnh phổ biến các quy định mới về thủ tục xin phép ấn hành. Một số quy định khác cấm nhân viên CDC không được chia sẻ các tài liệu, mẫu thí nghiệm hoặc bất kỳ một thông tin nào về coronavirus với bên ngoài hay người ngoài.
Ngày 2/3, thông tin nhà nước (TTNN) loan báo “chủ tịch Tập nhấn mạnh tầm quan trọng của “sự điều hợp” trong khảo cứu siêu vi.”
Ngay ngày hôm sau, nội các TQ tập trung tất cả những nghiên cứu Covid-19 vào tay một uỷ ban đặc trách. Chỉ thị này khi AP lấy được thấy có đóng dấu “không để lộ ra công chúng,” là một quyết định kiểm soát chặt chẽ và rộng lớn hơn chỉ thị trước đây của CDC nhiều, áp dụng cho tất cả các đại học, công ty và các viện khảo cứu.
Chỉ thị nói rõ là sự trao đổi thông tin và ấn hành khảo cứu phải được điều hợp một cách tinh vi như trong một “ván cờ vua” dưới sự chỉ dẫn của chính chủ tịch Tập. Uỷ Ban Tuyên Truyền và Hướng Dẫn Dư Luận của nhà nước sẽ nắm nhiệm vụ “hướng dẫn phát hành.” Chỉ thị còn cảnh cáo những người ấn hành không xin phép “gây hậu quả xã hội nghiêm trọng sẽ phải chịu trách nhiệm.”
“Luật lệ nghiêm ngặt mà thật chẳng… nghĩa lý gì,” một cựu quan chức CDC nói vậy với điều kiện ẩn danh vì bị cấm nói chuyện với nhà báo. “Tôi nghĩ chỉ là chuyện chính trị. Bởi vì người nước ngoài có thể nhận ra là tin tức ở xứ họ lại khác xa với những gì chính quyền TQ công bố, vì thế tất cả phải bị kiểm soát.”
Từ khi có lệnh bí mật, làn sóng khảo cứu chậm lại đến độ như nhỏ giọt. Liu Jun, một chuyên gia của CDC đã trở lại chợ hải sản gần 20 lần, lấy được hơn 2000 mẫu thí nghiệm vậy mà mấy tháng sau không có gì được công bố.
Ngày 25/5, Sếp của CDC, Mr. Gao lần đầu lên tiếng về chợ hải sản trong một cuộc phỏng vấn với China’s Phoenix TV. Sếp nói là: “khác với những mẫu môi sinh, không một mẫu động vật nào ở chợ hải sản thử nghiệm dương tính.”
Điều Mr. Gao nói làm ngạc nhiên nhiều chuyên gia vì chính họ cũng không biết là các quan chức đã cho lấy mẫu thử nghiệm ở động vật. Tiết lộ này cũng loại bỏ giả thuyết chợ hải sản là nguồn nhiễm của siêu vi. Những khảo cứu được công bố kế tiếp cũng cho thấy nhiều ca bệnh đầu tiên không dính dáng gì với chợ hải sản cả.
***
Khi nhận ra chợ hải sản là một ngõ cụt, các chuyên gia chuyển cuộc săn siêu vi vào một nguồn khác rất hứa hẹn: dơi.
Ngàn dậm về phương nam cách xa chợ Vũ Hán, trong những hang động ngoằn ngoèo như mê cung dưới chân những rặng núi đá vôi của tỉnh Vân Nam là chỗ ở của loài dơi. Đất đai màu mỡ, sương mù bao phủ và cây cối rậm rạp, đây là vùng biên giới của Tàu giáp với Lào, Việt và Miến, là một trong những vùng sinh thái đa dạng nhất của trái đất.
Đến thăm một hang động ở đây, cửa hang bị rễ cây lơ lửng quấn đầy trên nóc, dơi tuôn ra hàng đàn vào chiều tối bay lượn trên những mái nhà của thôn làng lân cận. Đằng sau hang là một điện thờ Phật. Trong hang, nhũ đá được treo những giải phướn kết bằng vải vàng và đỏ. Ngoài hang, phân dơi phủ trắng mặt sân quanh điện thờ. Dân làng kể rằng hang động này trước đây là chỗ linh thiêng được một vị sư Thái Lan trụ trì.
Kiểu tiếp xúc gần gũi như vậy giữa dơi và người (đến hang để cầu nguyện, săn bắt hay làm mỏ,) khiến các KHG lo ngại. Mã di truyền của Coronavirus ở dơi và ở người giống nhau đến kinh ngạc. Đa số các KHG đều nghi là siêu vi đã “nhẩy” thẳng từ dơi sang người hoặc qua trung gian một thú hoang khác.
“Bởi vì dơi-nhiễm-siêu-vi được tìm thấy ở TQ và các nước ĐNA nên thú hoang trung gian bị nhiễm siêu vi cũng có thể tìm thấy ở bất cứ nơi nào trong vùng này,” Linfa Wang của đại học y-khoa Duke-NUS Singapore nói vậy.“Có nơi, siêu vi dơi và siêu vi Covid-19 có mã di truyền giống nhau đến 99.9%.” “Dơi đâu có biết tôn trọng biên giới.”
Tại Thái Lan, Tiến Sĩ Supaporn Wacharapluesadee, một chuyên gia về coronavirus, thường dẫn các nhóm khảo cứu vào sâu trong các vùng quê để tìm mẫu dơi làm thí nghiệm. Trong một chuyến đi hồi tháng Tám, Supapron đã nói với AP: chỗ nào có dơi là có siêu vi.
Các chuyên gia TQ đã mau chóng bắt tay khảo sát những thú hoang khả nghi. Xia Shuesan, một chuyên viên bệnh nhiễm trùng, được tài trợ 214,000 USD để khảo cứu về Covid-19 trên các thú hoang ở Vân Nam.
Hồi tháng Hai, báo nhà nước loan tin nhóm này đã thu thập được hàng trăm mẫu thử nghiệm trên dơi, rắn, chuột cùng nhiều thú hoang khác. Thông tin cũng cho xem một tấm hình chụp các KHG đeo khẩu trang, mặc áo lab trắng đang xúm xít quanh lồng một con nhím. Mọi người nôn nao chờ kết quả.
Nhưng rồi vào đầu tháng 3, chỉ thị mới được ban hành, không có kết quả nào được công bố. Xia không trả lời yêu cầu được phỏng vấn.
Năm nay Xia cũng là đồng-tác-giả của của hơn chục khảo cứu khác, chỉ có hai là về Covid-19 mà cũng không chú trọng gì đến nguồn gốc của siêu vi.
Hiện nay, những hang động được khảo cứu trước đây đã bị đặt dưới sự giám sát của chính quyền. Xe của AP bị công an bám đuôi tại ba địa điểm dọc Vân Nam. Phóng viên AP bị cấm vào một hang động chứa loài dơi thủ phạm của dịch SARS được xác nhận năm 2017. Ở lối vào một địa điểm khác, một hang động lớn với hàng đoàn du khách đang chụp ảnh bên trong, AP bị cấm cửa.
“Tụi tôi vừa nhận được cú gọi từ cấp trên”. Nhân viên giữ cửa nói vậy, trước khi một cảnh sát vũ trang xuất hiện.
Địa điểm đặc biệt nhậy cảm là khu hầm mỏ tìm thấy con siêu vi thân cận nhất với con gây bệnh Covid-19, là con “RaTG13.”
RaTG13 được tìm thấy khi dịch bộc phát năm 1012. Sáu công nhân dọn dẹp khu hầm mỏ đầy dơi này bị đổ bệnh sưng phổi lạ, ba chết. Cả hai Viện Siêu Vi Vũ Hán và CDC đều đến hầm mỏ này để nghiên cứu dơi và siêu vi gây bênh. Mặc dầu đa số các chuyên gia tin là siêu vi Covid-19 có nguồn gốc thiên nhiên, cũng có người đặt giả thuyết con siêu vi gây bệnh này, hoặc một con rất giống, đã được đem từ hầm mỏ về Vũ Hán, rồi vì một sơ sót bị lọt ra ngoài.
Shi Zhengli, chuyên viên về dơi của Viện Siêu Vi Vũ Hán, nhiều lần bác bỏ thuyết này. Mặc dầu vậy chính quyền vẫn không cho phép các chuyên gia nước ngoài đến mỏ tìm hiểu.
Một vài KHG được-nhà-nước-bảo-trợ nói rằng các khảo cứu vẫn xúc tiến bình thường. Chuyên gia siêu vi nổi tiếng Zhang, được trợ cấp 230,000 USD để khảo cứu nguồn gốc siêu vi, cho biết các đồng nghiệp khắp nơi gửi cho ông đủ loại mẫu động vật tỷ như dơi ở Guizhou miền nam TQ, hay chuột ở Henan cả trăm dậm về phía bắc.
“Dơi, chuột có chứa coronavirus không? có tìm thấy con siêu vi dặc biệt gây bệnh không?”
Zhang nói vậy. “Chúng tôi làm việc này cả chục năm rồi, không phải như mới bắt đầu ngày hôm nay.”
Zhang từ chối xác nhận hoặc ý kiến về việc phòng lab của ông phải đóng cửa một thời gian ngắn ngay sau khi công bố cấu trúc di truyền của siêu vi mà không xin phép. Ông nói là ông không biết gì về những cấm đoán mới trong việc ấn hành, và các bài khảo cứu của ông chỉ bị duyệt xét bình thường bởi học viện.
Nhưng các KHG không-được-nhà-nước-bảo-trợ cho biết hiện nay rất khó xin được phép lấy mẫu động vật ở nam TQ, và họ gần như không biết gì về những việc các KHG nhà nước đang làm.
Điều đáng nói là trong khi kiểm soát chặt chẽ khảo cứu trong nước, chính quyền TQ lại khuyến khích đi tìm nguồn gốc siêu vi ở nước ngoài.
Một chuyên gia Viện Hàn Lâm Khoa Học TQ là Bi Yundai, được cấp 230,000 USD để chĩa mũi nhọn khảo cứu về hướng này. Bi là đồng tác giả của một bài viết về trận dịch tháng Sáu ở Bắc Kinh đã chỉ tay vào một kiện cá đông lạnh bị nhiễm siêu vi đến từ Âu châu.
Dựa vào thuyết này, TTNN đặt nghi vấn trận dịch đầu tiên ở Vũ Hán cũng có thể là do hải sản nhập cảng – một lý do bị cộng đồng quốc tế bác bỏ.
WHO đã công khai: con người rất khó có thể bị nhiễm Covid-19 vì thực phầm đóng kiện, sẽ chỉ là một “suy đoán hão” (highly speculative) khi cho rằng Covid-19 không xẩy ra đầu tiên ở TQ. Bi không trả lời yêu cầu được phỏng vấn, và TQ không cung cấp đủ mẫu siêu vi để phân tích xác định.
TTNN cũng rầm rộ đăng tin kết quả sơ khởi của một khảo cứu năm ngoái bên Âu châu, cho là đã tìm thấy coronavirus trong nước cống ở Ý và Spain. Kết quả này bị nhiều chuyên gia bác bỏ, và ngay chính các tác giả cũng thú nhận là họ không có đủ mẫu di truyền để xác định đâylà coronavirus.
Gần đây nhất trong mấy tuần qua,TTNN đã dựa vào một khảo cứu của một KHG người Đức để suy luận rằng đại dịch đã bắt đầu từ Ý; cho dù chuyên gia này, Alexander Kekule giám đốc Viện Nghiên Cứu Biosecurity, đã nhắc lại nhiều lần rằng ông tin là siêu vi xuất hiện đầu tiên ở TQ.
Theo tài liệu nội bộ, chính quyền cũng đã tài trợ để khảo sát vai trò trung gian của con pangolin (con chút?) ở Đông Nam Á. Là một thú nhỏ mình vẩy, ăn kiến, được đánh giá cao trong y học cổ truyền. Chỉ nội trong ba ngày của tháng Hai, các KHG TQ cho công bố bốn khảo cứu về coronavirus có liên hệ với Covid-19. Bốn khảo cứu này làm trên những con malayan pangolin bị tịch thu khi đưa lậu từ ĐNA vào tỉnh Quảng Đông.
Tuy nhiên nhiều người không đồng ý. Theo chuyên gia Wang của Đại học Duke-NUS Singapore, bốn khảo cứu trên không có “động lực khoa hoc.”Mẫu máu là bằng chứng để kết luận siêu vi đã hiện diện trong thú hiếm, nhưng đến giờ vẫn chưa tìm được “incriminating matches.” Siêu vi trong pangolin không hoàn toàn giống siêu vi gây bệnh Covid-19.
WHO công bố đã khảo sát hơn 500 loại động vật khả nghi là trung gian truyền bệnh, bao gồm mèo, chồn (ferret) và chuột (hamster).
Chính quyền TQ cũng giới hạn việc truy tìm bệnh nhân zero bằng cách kiểm soát việc tái-thử nghiệm Covid-19 trên những mẫu máu cũ của bệnh nhân bị cảm cúm năm ngoái.
Mỗi tuần các bệnh viện thu thập hàng ngàn mẫu máu của bệnh nhân có triệu chứng cảm cúm rồi cất trong tủ đá. Những mẫu này có thể dễ dàng lấy ra để thử Covid-19 xem bệnh xuất hiện lúc nào. Các quan chức sẽ quyết định việc công bố kết quả.
“Họ có điên mới không làm điều này,” Ray Yip, giám đốc US.CDC ở TQ nói vậy, rồi thêm “Các lãnh đạo đợi xem kết quả thế nào, có làm cho nước Tàu trông “stupid” hay không… nếu nó làm cho nước Tàu trông “stupid”, họ sẽ không (công bố).”
Ở Mỹ từ tháng 1/2020, CDC đã cho tái-thử-nghiệm hơn 11,000 mẫu máu cũ của Chương Trình Theo Dõi Cúm hằng năm. Ở Ý, một mẫu máu lấy từ bé trai bị cảm hồi tháng 11/2019 đã dương tính với Corronavirus.
Còn ở TQ, nhà nước chỉ cho công bố kết quả tái-thử-nghiệm của 2 nhà thương ở Vũ Hán. Để so sánh, tỉnh Hồ Bắc có 18 và cả nước có hơn 500 bệnh viện. Dữ kiện được công bố chỉ dùng 520 mẫu máu trong tổng số 330,000 thu thập trên toàn quốc.
Lỗ hổng lớn trong khảo cứu không phải chỉ vì thiếu xét nghiệm mà còn vì thiếu minh bạch. Tài liệu nội bộ cho thấy cho đến ngày 6/2, CDC tỉnh Hồ Bắc đã xét nghiệm hơn 100 mẫu máu tại Huanggang, một thành phố đông nam Vũ Hán. Kết quả không được công bố.
Một ít thông tin lộ ra ngoài cho thấy coronavirus đã luân chuyển bên ngoài tỉnh Vũ Hán từ 2019 – tiết lộ này làm khó cho bộ Y tế khi phải trả lời câu hỏi là họ đã làm gì khi dịch mới bộc phát.
Các chuyên gia TQ nhận ra một trẻ em sống cách Vũ Hán cả trăm dặm đổ bệnh Covid-19 ngày 2/1/2020, điều này cho thấy siêu vi đã phát tán rộng rãi trong tháng 12/2019. Dầu vậy những mẫu máu thu thập từ trước vẫn không được tái-xét-nghiệm, theo lời một chuyên gia biết rõ khảo cứu này.
“Việc chọn lựa khoảng thời gian để khảo cứu rất là tuỳ tiện, bởi vì chọn sớm quá có thể là quá nhậy cảm,” một chuyên gia nói với điều kiện ẩn danh vì sợ hậu quả.
Một phúc trình của WHO, viết hồi tháng 7, ấn hành tháng 11/2020, cho biết chính quyền TQ đã định được 124 ca bệnh hồi tháng 12/2019, gồm cả 5 ca bên ngoài Vũ Hán. Một trong những điều WHO muốn làm trong chuyến viếng thăm TQ sắp tới đây là duyệt lại hồ sơ của các bệnh nhân nhập viện trước tháng 12.
Peter Daszak, một chuyên viên Coronavirus của phái đoàn WHO, nói rằng việc tìm ra nguồn gốc của đại dịch không nên được dùng để gán tội.
“Tất cả chúng ta cùng chung là một,” Peter nói. “Nếu không nhận ra điều này, chúng ta sẽ không bao giờ rũ bỏ được vấn đề.”
Los Angeles 01/25/2021
Trần Thế Kiệt dịch