Chủ Nhật, 31 tháng 1, 2021

Ngô Thế Vinh: Tưởng Niệm101 Năm Ngày Sinh Giáo Sư Y Khoa Hoàng Tiến Bảo - Chân Dung Một Nhân Cách Lớn

Chân dung GS Hoàng Tiến Bảo 1920 – 2008. Hình chụp tại nhà Thầy ở Alhambra ngày Chủ Nhật 30/01/2005 còn 9 ngày nữa là Tết Ất Dậu, nhân dịp các học trò đến chúc Tết Thầy Cô, đa số là lớp YKSG 74-75. [ photo by Phạm Xuân Cầu, tư liệu Phạm Anh Dũng, YKSG 74 ]

Dẫn nhập: Cuộc đời 88 năm của GS Hoàng Tiến Bảo quá phong phú và đa dạng, phải cần tới một cuốn sách mới có thể phác hoạđược một chân dung đầy đủ về Thầy. Đây chỉ là một bài viết ngắn xen lẫn với cả những điều riêng tư, nhân dịp Tưởng niệm 101 Năm ngày Sinh của Thầy. Với tất cả sự thận trọng, người viết mong rằng bài tưởng niệm này, có thể chưa đầy đủ nhưng sẽ không có các chi tiết sai lạc. Cám ơn GS Trần Ngọc Ninh, GS Đào Hữu Anh, cùng các Bạn đồng môn từ các khoá Y khoa Đại học Sài Gòn đã cung cấp cho tư liệu, hình ảnh và cả những thông tin còn nhớ được qua các cuộc nói chuyện trao đổi để có thể hoàn thành bài viết.

TIỂU SỬ


GS Hoàng Tiến Bảo sinh ngày14/04/1920 tại Hà Nội.Quê nội làng Kim Lũ tỉnh Hà Đông, quê ngoại Làng Vẽ gần Hà Nội. Đi học từ năm 4 tuổi ở trường Trí Tri phố Hàng Đàn, lên trung học học trường Bờ Sông [École du Quai Clemenceau]. Có năng khiếu về môn vẽ,và mơ ước trở thành giáo viên đi dạy học.Thuở thiếu thời, ông có một nếp sống lành mạnh, chơi thể thao chạy bộ, tập ném tạ, ném đĩa, ra hồ Tây bơi lội một mình. Ông đi hướng đạo vào tuổi tráng niên, tập quen chịu phong sương. Mẹ ông buôn bán, sau này mới theo đạo Thiên Chúa, tất cả anh chị em ông cùng được chịu phép rửa tội theo mẹ ở nhà thờ Các Thánh Tử Đạo ở Cửa Bắc. Trong tám anh chị em, ông là con trai cả, tuy là gia đình tân tòng nhưng sau này có được hai linh mục, một dì phước dòng Thánh Phaolô, và một sư huynh dòng La Salle.

Lâm Vĩnh Thế: Phát Triển Ngành Thư Viện Tại Việt Nam (Tháng 5/1973 – 30/4/1975)

Lời Tòa Soạn

Bài này, nói về việc phát triển ngành Thư Viện tại Việt Nam Cộng Hòa từ 1973 đến 1975, được trích từ Chương Hai cuốn hồi ký Tròn Nhiệm Vụ của tác giả Lâm Vĩnh Thế vừa được Nhân Ảnh xuất bản tháng 1, 2021.

DĐTK rất cám ơn tác giả Lâm Vĩnh Thế đã gửi tặng sách và đã cho phép chúng tôi được lần lượt đăng lại hai chương Hai và Ba của cuốn hồi ký này. Cần mua sách, xin liên lạc với nhà xuất bản Nhân Ảnh,

Email : han.le3359@gmail.com – Điện thoại (408) 722-5626
*

Cuối tháng 5-1973 tôi về đến Sài Gòn và đối diện với một thực tế có hơi phũ phàng: Trường Đại Học Sư Phạm Sài Gòn (ÐHSPSG) không chịu thi hành hợp đồng đã ký kết với USAID là thành lập Ban Thư Viện Học. Tôi nghĩ quyết định này của Trường ĐHSPSG là do sự kiện Cơ quan USAID đã rút ra khỏi Việt Nam sau khi Hiệp Định Paris đã được ký kết vào ngày 27-1-1973. Tuy nhiên, cũng chính trong thời gian của hai năm này, từ tháng 5-1973 cho đến cuối tháng 4-1975, tôi đã có cơ hội đóng góp rất nhiều vào việc phát triển ngành thư viện tại VNCH.

PHÁT TRIỂN HỘI THƯ VIỆN VIỆT NAM


Trong thời gian nửa năm sau của 1973, tôi đã tham gia giảng dạy trong một số khóa huấn luyện sơ cấp dành cho các quản thủ thư viện học đường. Như đã trình bày trong Chương Một, các khóa huấn luyện sơ cấp này trước đây do Cơ Quan Phát Triển Thư Viện (CQPTTV) của USAID phụ trách. Trước khi rút khỏi Việt Nam, cơ quan này đã chuyển giao công tác huấn luyện đó lại cho Nha Trung Học của Bộ Văn Hóa Giáo Dục. Ông Giám Đốc Nha Trung Học, Phạm Tấn Kiệt, một người bạn của tôi trong thời gian học trung học ở Trường Petrus Ký cũng như lúc học đại học ở Trường ĐHSPSG, đã mời tôi tham gia vào việc giảng dạy cho hai khóa huấn luyện sơ cấp này, một khóa tại Trường Nữ Trung Học Gia Long ở Sài Gòn, và một khóa tại Trường Trung Học Tống Phước Hiệp ở Vĩnh Long. Trong thời gian tôi còn đang học ở Hoa Kỳ, ông Hafenrichter đã thuyết phục được Trường ĐHSPSG mở Khóa I Huấn Luyện Trung Cấp Giáo Sư Quản Thủ Thư Viện đầu tiên trong niên khóa 1972-1973. Học viên được tuyển chọn từ các giáo sư trung học đệ nhị cấp đã có ít nhứt 2 năm thâm niên công vụ, đã tốt nghiệp một khóa huấn luyện sơ cấp về thư viện của CQPTTV, và đang phụ trách thư viện tại một trường trung học. Sau khi tốt nghiệp các khóa huấn luyện sơ cấp này, gần như tất cả các anh chị em giáo chức, phần lớn là các giáo sư trung học đệ nhị cấp đã tốt nghiệp ĐHSPSG, đều trở thành hội viên của Hội Thư Viện Việt Nam (HTVVN).

Bùi Ngọc Tấn: Người ở cực bên kia

Tôi là Các - nô đây, thầy còn nhớ tôi không...
(Quốc văn giáo khoa thư)

Chiếc Toyota tay lái phải lượn sát hè, dừng lại rất êm. Máy vẫn nổ. Một người mở cửa bước ra. Mũ phớt, áo pôđơđanh lửng đến đùi, mặt tròn, da căng, miệng cười rất tươi. Người ấy giơ mũ chào hắn. Hắn biết ngay đấy là Đàm. Đúng, đấy chỉ có thể là vẻ mặt, là dáng người tự tin, thành đạt, là nụ cười rạng rỡ của các “sếp”.

Cửa hàng ghế sau bật mở. Hắn bước lên. Đàm ngồi ghế trên, cạnh lái xe, “ghế thủ trưởng”.

Ngồi cạnh hắn ở ghế sau, như Đàm giới thiệu là ông trưởng phòng tổ chức của Đàm.

Xe hiện đại, đệm nhung màu huyết dụ, lún người. Những đèn xanh, những kim đồng hồ đưa đi đưa lại trên bảng phía trước. Những bao thuốc lá “ba số” vứt cẩu thả trên xe. Tự nhiên hắn cảm thấy mình là người quyền quý. Ông trưởng phòng tổ chức mời hắn hút thuốc và một cách kính trọng đưa cho hắn cái bật lửa manhêtô xinh đẹp như một đồ trang sức. Đàm đã giới thiệu hắn là bạn. Là bạn của giám đốc, hắn xứng đáng được hưởng như vậy.

Hắn làm ra vẻ thân mật với Đàm. Thân mật và thông thạo:

- Cái xe này của các cậu, tàu Đ.N nó biếu phải không?

Đàm nháy mắt với hắn như muốn gạt ngay đi một đề tài kiêng kị.

Như vậy ông trưởng phòng tổ chức làm sao biết được đây là lần đầu tiên hắn với Đàm gặp nhau. Hắn bốc lên nói với Đàm và với ông trưởng phòng tổ chức một cách ngang hàng:

- Không mấy khi có bạn bè là các “sếp” thế này mà mình không có đứa con nào để nhờ vả. Ba đứa con lớn học ra trường đi làm rồi. Còn cháu út mới đang học lớp 12.

Đàm quay lại cười:

- Tưởng có đứa nào thì cứ quẳng hồ sơ cho anh Chí tôi đây.

Võ Phiến: Yêu Và Đọc

Còn nhớ trong thời kháng chiến, ở chiến khu, nhiều đêm, cùng với đồng bào trong thôn xóm đi xem kịch tới khuya khoắt, trên đường về tôi nghe bà con bàn tán khen chê. Khi khen, đại khái thường bảo: “Vở kịch thật có ý nghĩa. Đầy ý nghĩa.” Như thế nghĩa là: Tôi đã hiểu vở đó cốt nói cái gì.

Thưởng thức là tìm hiểu ý nghĩa. Gặp được ý nghĩa là thú vị, là nói cười nghí ngố, hể hả.

Dĩ nhiên, ngược lại, một tác phẩm “không có ý nghĩa”, không tiết lộ dễ dàng ý nghĩa, là hỏng!

Thưởng thức như thế chắc chắn là thái độ thưởng thức hồn nhiên nhất. Tiếp xúc với một nghệ phẩm đẹp đẽ, phản ứng đầu tiên là muốn hiểu rõ; cũng như tiếp xúc với một cô gái đẹp đẽ, phản ứng trước hết muốn biết nàng. Biết thêm mãi, biết tất cả.

Nhưng người con gái nào cũng nhận thấy thái độ hồn nhiên ấy không hẳn là thái độ chính đáng và đáng được khuyến khích. Các tác phẩm văn nghệ cũng nên nhận thấy như thế, vì lợi ích của chính nó. Khi được một cô gái nọ cho biết hết rồi, người ta cũng hài lòng, cũng nói cười nghí ngố, hể hả. Nhưng giữa đôi bên đến đó là xong. Một tác phẩm được hiểu trọn vẹn cũng không được độc giả lưu luyến lâu dài. Bởi vậy đối với gái đẹp cũng như đối với nghệ phẩm, sự khôn ngoan chỉ có một lời khuyên chung: hãy giữ lại cho mình chút gì, đừng bao giờ cho cả. Strip-tease không phải là một nghệ thuật.

Một cuốn khảo luận, một bài bút chiến, cần cho sáng sủa, phơi bày minh bạch tư tưởng của tác giả. Còn một bài thơ, và ngay cả một thiên truyện, chúng cần gì dứt khoát, trong sáng? Nhưng vẫn có những tác giả không nghĩ như thế. Truyện của Maupassant kể rõ vanh vách, dụng ý đâu ra đấy, không có gì mơ hồ: vì thế đọc giải khuây thật khỏe trí; nhưng đọc xong, nắm được “ý nghĩa” rồi, có thể bỏ qua cái truyện, chẳng cần đến nó nữa. Truyện như thế chẳng qua là phương tiện giúp người đọc ngộ được ý nghĩa. Ngộ rồi thì vứt truyện đi.

Thứ Bảy, 30 tháng 1, 2021

Nguyễn Đức Tùng: Vũ Thành Sơn, Kẻ Khác Bên Trong Chúng Ta

Vũ Thành Sơn
Thơ là sự tìm kiếm trở lại một thế giới chưa bao giờ mất. Để làm được điều ấy, tôi nghĩ, nhà thơ cần hai tính cách: tập trung chú ý vào các chi tiết của đời sống, và sống trọn vẹn đời mình như một con người với những cảm xúc, tư lự, không thoả hiệp, một cuộc đời sẵn sàng để xem xét lại.

Tôi tin nếu gọi tên mình một cách chậm rãi
Đủ lâu
Một kẻ khác bên trong chúng ta
Sẽ lên tiếng

Vậy kẻ khác ấy cũng chưa bao giờ mất. Sự đau khổ hầu hết vượt ra ngoài thể xác, tùy thuộc vào hoạt động tâm trí. Thế giới tác động lên con người không phải một cách máy móc, trực tiếp, mà hầu hết xuyên qua sự tiếp nhận chủ quan của chủ thể. Văn học nói về hiện thực khách quan, nhưng không có một hiện thực khách quan nào cả, tất cả vũ trụ của văn học đều được xác lập bởi một người, một tác giả. Sự tương tác với điều không biết, sự quan sát, tạo ra lo âu và hài hước, cần thiết cho sáng tạo.

tôi áp tai vào cánh cửa
tin tức về cơn bão đang nhỏ dần
chỉ còn tiếng rên bên vách của người hàng xóm
một người góa vợ như ông không cần thủ tiết lâu như vậy

Vũ Thành Sơn là nhà thơ đô thị. Một nhà thơ đô thị hôm nay chỉ có thể viết về “ba cái lẻ tẻ”, tên một tập thơ của anh. Khác với mấy thứ lẻ tẻ đó là những thứ to tát, nghiêm nghị hơn. To tát: yêu nước, biển đảo, truyền thống, nhân dân, đoàn kết; nghiêm nghị: tình yêu đôi lứa, sự chết, linh hồn, sự thơ mộng, làng quê thanh bình, môi trường. Đối với cái thứ nhất, thơ anh là giễu cợt. Đối với cái thứ hai, nghi ngờ. Sự tuyệt vọng, kết thúc, sự nhàm chán, dường như là nỗi ám ảnh của anh. Đời sống đi đến chỗ tận cùng, trước vực thẳm; chúng ta biết sẽ phải tới đó, đi xuống, đi qua. Ở tình trạng cực đoan, hoàn cảnh gay cấn như sự sinh ra, tuyệt vọng, con người cần một ngôn ngữ khác, lạ hơn, sang cả hơn, thô tục hơn, một ngôn ngữ không tìm thấy trong đời sống hàng ngày. Một ngôn ngữ siêu thực.

Khánh Hà: Tên em là Thời Gian

Sinh ra từ Nhật Nguyệt
Em tên là Thời Gian
Giữa đất trời mang mang
Chảy một dòng bất tận
Người bảo em tàn nhẫn
Qua đi chẳng đợi chờ
Làm vỡ tan giấc mơ
Tàn phai bao mộng đẹp
Bàn tay em quyền phép
Chữa lành mọi thương đau
Đưa người lại gần nhau
Cho nhau tình sâu đậm
Mai tình phai sắc thắm
Buồn ơi, cũng đành thôi
Người trách nhau gian dối
Em gạn lọc chân tình
Luận phải trái phân minh
Em viết trang chính sử
Giữ cho người quá khứ
Nuôi mộng ước tuơng lai
Cùng chung bước đường dài
Người một đời bất mãn
Vẫn thường khi ta thán
Khi mái tóc còn xanh
Người giục em đi nhanh
Khi gối mỏi chân chùn
Người muốn em bước chậm
Cuối con đường vạn dặm
Em nhỏ giọt lệ thầm
Đưa người vào mộ huyệt
Yên ngủ giấc ngàn năm

Nguyễn Tường Thiết: Căn nhà An Đông của mẹ tôi

Chợ An Đông và khu chung cư chung quanh chợ được xây cất vào năm 1954, năm đất nước chia đôi, trên một khu đất trống và rộng thuộc Quận 5 Chợ Lớn. Toàn bộ khu vực này nằm ở giữa hai đại lộ Hùng Vương có con đường sắt chạy song song ở phía bắc và đại lộ Hồng Bàng ở phía nam; tiếp giáp hai mạn đông, tây là hai con đường nhỏ Yết Kiêu và Nguyễn Duy Dương. Chung cư An Đông gồm bốn khu ba từng, mỗi khu hình chữ L, bao quây lấy chợ nằm ở chính giữa, tổng cộng gồm khoảng bốn năm trăm đơn vị gia cư.

Tôi rời Hà Nội vào Nam rất sớm. Năm 1951 tôi đã theo bố tôi và người chị cả vào định cư ở Sài Gòn trong khi mẹ tôi và các anh chị tôi vẫn còn ở Hà Nội cho đến ngày di cư. Vào Nam ba bố con tôi ở chung với gia đình người bác ở đầu đường Hồng Thập Tự gần sở thú Sài Gòn. Thời gian chúng tôi ở đó tôi thường theo các anh họ tôi đạp xe đi tắm ở hồ bơi mà hồi đó chúng tôi gọi là “đi pít-xin”. Hồ bơi ở xa lắm, mãi tuốt trong Chợ Lớn. Tôi nhớ là để tới hồ bơi chúng tôi phải dắt xe đi ngang một con đường sắt, rồi lại phải băng qua một bãi đất trống rất rộng mấp mô đầy những mồ mả.

Năm di cư mẹ và các anh chị tôi kẻ trước người sau lục tục vô Nam. Mẹ tôi mua một đơn vị trong chung cư chợ An Đông để ở và lấy chỗ buôn bán. Đơn vị ấy hai từng, từng dưới mẹ tôi mở tiệm bán cau khô, tên hiệu là Cẩm Lợi, từng trên mẹ con chúng tôi ở khá chen chúc vì diện tích căn nhà không rộng bao nhiêu. Bố tôi chê nhà vừa chật lại vừa gần chợ ồn nên không ở, chỉ thỉnh thoảng lắm mới tạt về. Trên đầu chúng tôi là lầu ba. Lầu ba thuộc một đơn vị gia cư khác. Tất cả những đơn vị ở trên lầu ba đều đi chung một cầu thang riêng, nằm bên hông đường Nguyễn Duy Dương. Căn nhà chúng tôi ở một góc trông ra hai mặt đường nên rất thuận tiện cho việc buôn bán của mẹ tôi.

Nguyễn Tường Thiết: Căn nhà An Đông của mẹ tôi (Tiếp theo và hết)

Mẹ tôi mỗi khi đi khỏi nhà thì hai cánh cửa sắt ở nhà dưới được khép chặt lại. Cửa ấy khi sập vào nhau thì cái móc sắt ở cánh bên này quàng vào cánh bên kia và cửa tự động khóa. Muốn mở cần một chiếc chìa khóa lớn. Nhưng chiếc chìa khóa này đã bị mất từ thời tám đại nào rồi. Mẹ tôi nhiều lần bảo chúng tôi gọi thợ đến làm cái chìa khác nhưng chúng tôi lười chẳng ai chịu đi. Chúng tôi bảo bà rằng chẳng cần chìa chiếc gì ráo trọi, một con dao phay lớn nậy xoẹt một cái là cửa bung ngay. Vì thế trong bao nhiêu năm cánh cửa sắt của hiệu cau Cẩm Lợi được mở bằng con dao phay. Khách vô phúc đến chơi nhà tôi nhằm đúng lúc cửa đóng đang rung cửa để gọi thì bắt gặp một ông Tàu lừng lững từ trong nhà tiến lại, tay dứ lên trời con dao phay sáng quắc, cảnh tượng ấy trông thật hãi hùng!

Chú Tiều khi không có việc gì làm ở nhà mẹ tôi thì lang thang ngoài chợ. Chú tự động quét sân chợ và lượm rác rất sạch sẽ. Hễ đói bụng là chú la cà mấy gánh phở, bún riêu. Khách ăn xong còn thừa là chú bưng tô húp. Có khi chú lại thò tay vào cả cái sô mà mấy bà bán bún phở đổ đồ ăn thừa để đem về cho heo ăn. Chú bốc đồ trong sô bỏ miệng ăn tỉnh khô. Mấy bà bán bún thấy tội nghiệp nên thường để dành đồ dư trong tô cho chú. Buổi chiều chú phụ dọn bàn dùm cho ông Siu Siu. Ông Siu Siu cho chú 5 đồng uống cà phê và để dành cho chú cơm và thịt gà dư của khách. Vì vậy chú Tiều càng ngày càng béo trắng ra, trông như con nhà giầu vậy.

Thuở ấy tôi có nhiều bạn bè đến chơi lắm. Như tất cả những thanh niên khác cùng trang lứa lũ chúng tôi năm ba mống thân nhau từ thời niên thiếu, cùng trải qua thời trung học, cùng vào đại học, để rồi sau rốt đứa trước đứa sau cùng lên đường nhập ngũ. Mẹ tôi coi những người bạn của con mình như con đẻ nên ai cũng thích đến nhà tôi chơi. Nhiều đứa còn ở lại ăn ngủ dầm dề nhiều ngày. Mẹ tôi thấy bạn tôi ở lại thì rất vui, bà dặn người làm mua thêm thức ăn thức uống. Chỉ “thêm bát thêm đũa” thôi mà. Bà nói. Lòng hiếu khách của mẹ tôi không phải không có lý do: bà rất cần có người giúp bà trong việc tính sổ sách và viết thư cho bạn hàng cau. Bà rất ngại phải sai mấy đứa con trai lười chẩy thây của bà. “Mỗi lần nhờ đến chúng nó là mặt chúng nó nhăn như bị”. Mẹ tôi than thở với mấy thằng bạn của tôi, những đứa mà - cố nhiên - lúc nào cũng tỏ ra rất vui được tính sổ cho bà.

Thứ Sáu, 29 tháng 1, 2021

Trùng Dương: Janet Yellen - Nữ bộ trưởng tài chánh Mỹ đầu tiên và trọng trách lèo lái Hoa Kỳ ra khỏi cơn khủng hoảng kinh tế hiện tại

Bức hình lịch sử:Phó Tổng thống Kamala Harris, phải,người nữ đầu tiên trong vai trò này, chủ tọa buổi lễ tuyên thệ nữ bộ trưởng bộ Tài chính đầu tiên trong lịch sử Hoa Kỳ, Janet Yellen, diễn ra tại cửa vào Cánh Đông của tòa Bạch Ốc đối diện với tòa nhà bộ Tài chánh, mà bà sẽ lãnh đạo, vào ngày 26 tháng Giêng, 2021. Nguyên chủ tịch Quỹ Dự trữ Liên bang Mỹ, bà Yellen có trọng trách giúp lèo lái Hoa Kỳ ra khỏi cơn khủng hoảng kinh tế hiện tại.Chồng bà Yellen, ông George Akerlof, giải Nobel về kinh tế năm 2001, và con trai Robert của họ, cũng là kinh tế gia, hiện diện tại buổi lễ đơn sơ trên. Hình  Drew Angerer/Getty Images

Thứ hai ngày 25 tháng Giêng Thượng Viện Mỹ đã bỏ phiếu công nhận bà Janet L. Yellen, 74 tuổi và là kinh tế gia chuyên về lao động và nguyên chủ tịch Ngân hàng Dự trữ Liên bang (Federal Reserve, tắt là The Fed), vào chức vụ bộ trưởng Ngân khố (Treasury). Với 84 phiếu thuận 15 phiếu chống, lần đầu tiên một phụ nữ nhận lãnh chức vụ từ 232 năm qua toàn do đàn ông nắm giữ.

Bà Yellen là một trong năm người nữ được đề cử vào chức vụ bộ trưởng trong nội các của tân Tổng thống Biden, bên cạnh tân Phó Tổng thống Kamala Harris, và một số các bà khác. Vào lúc tôi soạn bài này, vẫn còn một số chức vụ, như bộ trưởng và vài chức vụ quan trọng khác, cần Thượng Viện phê chuẩn. Nếu tất cả được chuẩn nhận, nội các của ông Biden sẽ gồm 48 phần trăm là phụ nữ, với nhiều người Da mầu, vượt xa bất cứ nội các chính phủ nào từ trước tới nay trong lịch sử công quyền Mỹ - một món quà xứng đáng mừng 100 năm ngày Tu Chính Án 20 công nhận quyền đầu phiếu của phụ nữ sau 70 năm tranh đấu cam go của nhiều thế hệ phụ nữ.

Ánh Ngọc: Trung Quốc tan 'ảo mộng' về chính quyền Biden

Những quyết sách ban đầu của Biden, cùng thái độ cứng rắn của nội các mới, dường như khiến Trung Quốc tiêu tan hy vọng "phá băng" quan hệ.

Gần cuối tháng 11/2020, vài tuần sau khi truyền thông xướng tên Joe Biden đắc cử tổng thống Mỹ, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình mới gửi điện chúc mừng và bày tỏ hy vọng thúc đẩy quan hệ song phương. Tuy nhiên, truyền thông Trung Quốc trước đó đã đánh giá tân Tổng thống và nội các mới của Mỹ sẽ giúp hạ nhiệt căng thẳng hai nước, ít nhất là tốt hơn thời cựu tổng thống Donald Trump.

Tờ Global Times thuộc People's Daily, cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc, nằm trong số những kênh truyền thông phản ứng tích cực với việc Biden đề cử Antony Blinken làm Ngoại trưởng và Jake Sullivan giữ chức cố vấn an ninh quốc gia.

Global Times mô tả hai người này là "những gương mặt cũ" từ thời cựu tổng thống Barack Obama, trong đó Blinken sẽ cư xử "hợp lý và dựa vào thực tế hơn" với Trung Quốc. Giữa lúc ngoại trưởng Mike Pompeo không ngừng tung ra các "đòn giáng" cuối cùng lên nước này vào những ngày cuối nhiệm kỳ, Bắc Kinh có lẽ coi đây là sự thay đổi đáng hoan nghênh.

Tháng trước, Global Times cũng đánh giá cao việc Biden đề cử Lloyd Austin làm Bộ trưởng Quốc phòng, dự đoán ông sẽ tập trung vào vấn đề Trung Đông, đồng thời "xoa dịu căng thẳng với Trung Quốc".

Bản thân Tổng thống Biden được truyền thông Trung Quốc đánh giá là một lãnh đạo giàu kinh nghiệm, thấu hiểu những lằn ranh đỏ của Bắc Kinh, ít có khả năng thách thức các lợi ích cốt lõi của nước này, đặc biệt là vấn đề Tân Cương, Hong Kong và Đài Loan.

Tina Hà Giang (BBC News Tiếng Việt): David Brown - Đại hội 13 cho thấy 'quy tắc đảng dễ dàng bị phá vỡ khi thuận tiện'

Trả lời phỏng vấn của BBC News Tiếng Việt về khả năng ông Nguyễn Phú Trọng sẽ tiếp tục ở lại nắm quyền, ông David Brown, cựu nhân viên Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ tại VN, cho rằng đó không phải là lựa chọn đầu tiên của Tổng Bí Thư đảng CSVN.

Ông lập luận:

''Nếu có một cá nhân mà Tổng bí thư có thể tin tưởng giao trọng trách và có khả năng đắc cử, tôi tin ông Trọng đã nghỉ hưu. Nói cho cùng, sức khỏe của ông không được tốt lắm và bà Trọng (tôi nghe nói) đã thúc giục chồng về hưu.''

Nhưng những người ông Trọng chọn làm người kế vị đã không đáp ứng được, ông Brown nói thêm.

Trong bài Vietnam's General Secretary Trong Maneuvers to Stay on Top trên tờ Asia Sentinel hôm 27/1, ông David Brown nói rõ hơn về những biến chuyển đã đưa ông Trọng đến việc tiếp tục nắm quyền.

''Trong lúc Đại hội đảng 13 đang diễn ra, ông Trọng tìm cách vô hiệu hóa những người kế nhiệm.'' Ông Brown mở đầu bài viết.

''Tất cả các chỉ dấu cho thấy, ông Nguyễn Phú Trọng tin chắc rằng, những gì tốt cho đảng Cộng sản là tốt cho Việt Nam. Điều đó giải thích tại sao, thay vì sắp nghỉ hưu một cách phong nhã, người đàn ông giờ 77 tuổi, loạng choạng nhưng vẫn mưu chước, đã tìm kế để tiếp tục làm thêm nhiệm kỳ thứ ba với tư cách là tổng bí thư của đảng.''

Tác giả David Brown nhận định rằng ông Nguyễn Phú Trọng thật ra đã chọn một vài người kế nhiệm, nhưng trong cả hai trường hợp, dự tính của ông đã không thành:

Nhã Duy: Truyền thông ngày mới

Hồi tuần trước, ký giả Dan Rather, một trong "Big Three" của truyền thông Hoa Kỳ đã viết trên Facebook cá nhân của mình rằng, "Kể ra những người cần được khen ngợi trong việc chống lại đám đông bạo loạn để bảo vệ nền dân chủ của chúng ta thì hãy kể thêm cả giới báo chí. Các ký giả đã tường trình những sự việc đau lòng dưới sự đe dọa của bạo lực, trong đó một số người cũng đã bị hành hung".

Quả thật là vậy. Dăm thước phim ghi lại cho thấy những kẻ bạo loạn đã chất đống, đập phá các thiết bị hành nghề của các ký giả. Nhưng họ vẫn làm tròn nhiệm vụ của mình. Những bức ảnh, các thước phim cận cảnh, sống thực mà các ký giả ghi được, đã lần lượt đưa ra công chúng, cho thấy nhiều góc cạnh chi tiết trong bức chân dung toàn cảnh cuộc biến loạn. Chúng cũng sẽ giúp ích cho các cơ quan an ninh chính phủ thực hiện nhiệm vụ của mình dễ dàng hơn trong việc nhận diện và làm chứng cứ cho những hành động phạm pháp.

Câu nói của Dan Rather là sự nhắc nhở không chỉ riêng trong vụ bạo loạn, mà còn là những thử thách và kiên trì của giới truyền thông trong suốt bốn năm qua. Họ đã phải đối diện cùng nguy hiểm, bị tấn công và bị sỉ nhục, xúc phạm cả thể chất lẫn tinh thần. Họ bị ngăn cản, sách nhiễu khi làm nhiệm vụ tường trình những gì đang thật sự xảy ra.

Nhìn lại thì vai trò truyền thông trong một xã hội dân chủ không chỉ tường trình, đưa tin mà còn quan trọng hơn thế nữa. Họ thay mặt người dân để chất vấn sự minh bạch và tính công khai hóa của chính phủ. Họ có thể chỉ trích hay phản biện các chính sách đi ngược lại hiến pháp, xâm phạm đến các giá trị dân chủ, nhân quyền cùng lợi ích quốc gia và người dân một cách hợp lý và hợp pháp. Truyền thông thực hiện các cuộc thăm dò về các vấn đề xã hội, giúp chính phủ điều chỉnh lại chính sách và nghị sự của mình thích hợp hơn. Đó là vai trò tích cực của truyền thông trong xã hội dân chủ và tiến bộ, họ chưa và không bao giờ là "kẻ thù của người dân" như đã từng bị cáo buộc.

Trân Văn (VOA): Ba thách thức ‘đe dọa sinh mệnh đảng và sự tồn vong chế độ’

Ông Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị của BCH TƯ đảng CSVN nhiệm kỳ 12, vừa cảnh báo các đồng chí là đại biểu tham dự đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 13 của đảng CSVN rằng: Hiện có ba thách thức lớn đe dọa sinh mệnh đảng và sự tồn vong của chế độ.

Thứ nhất là âm mưu hoạt động chống phá, gây bạo loạn, lật đổ của các thế lực thù địch, phản động ngày càng thâm độc, nguy hiểm hơn. Thứ hai là nguy cơ đe dọa chủ quyền lãnh thổ trên biển Đông, gắn với thách thức trong xử lý quan hệ với các nước lớn và giữ vững uy tín của đảng, chế độ trước nhân dân ngày càng gia tăng. Thứ ba là nguy cơ “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ gắn với suy giảm lòng tin của nhân dân diễn biến phức tạp.

Trong ba thách thức vừa kể, ông Lâm nhấn mạnh: Nguy cơ mất an ninh chính trị nội bộ, suy giảm thế trận lòng dân, làm suy yếu sức chiến đấu của Đảng, của chế độ ta từ gốc, từ bên trong là nguy hiểm nhất (1).

***

Thực trạng biển Đông – dã tâm của Trung Quốc và những động tác mới nhất mà Trung Quốc vừa thực hiện, nguy hiểm cho tương lai quốc gia, vận mệnh dân tộc như thế nào thì ai cũng biết, ông Lâm tất nhiên cũng biết. Tuy nhiên ông không quan tâm. Với ông đó chỉ là vấn đề thứ yếu. Ngay cả khi xác định biển Đông là thách thức thứ… hai thì lý do ông Đại tướng, Bộ trưởng Công an chọn làm thách thức cũng chỉ liên quan đến lợi ích lâu dài của… đảng và của… ông: Uy tín của đảng trước nhân dân và… chỉ thế mà thôi!

Ông Lâm không những không lo mà còn không xem đối tượng đã xâm hại chủ quyền lãnh thổ, cũng như đang tiếp tục xâm hại cả chủ quyền lãnh thổ, đe dọa sự ổn định của kinh tế, xã hội Việt Nam như… kẻ thù. Ông chỉ… thù đồng bào. Dẫu họ cũng là người Việt nhưng vì họ không chấp nhận sự chi phối toàn diện, tuyệt đối của đảng mà ông là thành viên lãnh đạo nên với ông, họ mới là… thù địch. Với ông, chỉ họ mới… thâm độc, nguy hiểm hơn chứ không phải ngoại bang.

Thứ Năm, 28 tháng 1, 2021

Ngô Nhân Dụng: Thượng viện sẽ đem xử Tổng thống Donald Trump hay không?

Ngày Thứ Hai các dân biểu thay mặt Hạ viện đã đưa qua cho Thượng viện quyết định đàn hạch cựu Tổng thống Donald Trump, lấy cớ ông đã khích động vụ bạo loạn tấn công trụ sở quốc hội ngày 6 tháng Giêng.

Ngày Thứ Ba, 100 nghị sĩ tuyên thệ để sẽ đóng vai bồi thẩm đoàn. Nghị sĩ Mitch McConnell (Cộng Hòa, Kentucky) ủng hộ Nghị sĩ Rand Paul cùng tiểu bang, đặt vấn đề vụ xét xử một tổng thống đã mãn nhiệm có đúng với hiến pháp Mỹ hay không. Sau khi biểu quyết, có 45 nghị sĩ nói không, 55 người nói có hợp hiến, trong đó có 5 nghị sĩ Cộng Hòa.

Các nghị sĩ thực ra không có thẩm quyền phán đoán điều nào trái ngược hay phù hợp với hiến pháp. Đó là trách nhiệm của ngành Tư pháp.

Hiến pháp Mỹ viết về quyền đàn hạch của quốc hội có thể được hai bên đem ra diễn giải để biện hộ ý kiến của mình.

Những người chủ trương không thể xét xử một vị tổng thống đã mãn nhiệm biện minh rằng bản hiến pháp ấn định quyền đàn hạch nhằm cho Thượng viện có thể kết tội và truất quyền một tổng thống. Khi vị tổng thống đã rời khỏi chức vụ rồi thì không còn lý do nữa. Trưa ngày Thứ Ba, trước khi Nghị sĩ Rand Paul đặt vấn đề tính hợp hiến, các nghị sĩ Cộng Hòa đã mời Giáo sư Jonathan Turley, Trường Luật Khoa Đại học George Washington dự bữa ăn trưa. Ông Turley đã biện hộ bênh vực Tổng thống Trump trong phiên xử vụ đàn hạch năm ngoái. Ông giải thích rằng việc xét xử một tổng thống đã mãn nhiệm là vi hiến. Ông còn nói Tổng thống Trump có quyền khẳng định ông mới là người đắc cử ngày 3 tháng 11 năm ngoái, vì đó là quyền tự do ngôn luận được hiến pháp bảo vệ. Ngoài ra còn một tiền lệ: Quốc hội Mỹ đã bãi bỏ, không đàn hạch Tổng thống Richard Nixon sau khi ông từ chức.

Ngược lại, những người nói việc xét xử là hợp hiến đã nhắc lại rằng “đàn hạch” (impeachment) là một khái niệm được các nhà lập hiến Hoa Kỳ mượn từ luật pháp Anh Quốc. Trong thế kỷ 18 chỉ có hai quan chức người Anh bị đàn hạch, cả hai đều sau khi họ đã rời bỏ chức vụ. Một người là ông Warren Hastings, cựu thống đốc Bengal, Ấn Độ.

BBC Tiếng Việt: ĐH 13 và việc hé lộ nhân sự đặc biệt TBT Nguyễn Phú Trọng

Hôm 27/1, báo chí Việt Nam đưa tin Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng 'được giới thiệu tái cử' nhưng sau đó chi tiết này đã bị xóa.

Cùng khoảng thời gian này, mạng xã hội xuất hiện bài hát, thơ ca với thông điệp mong muốn ông Trọng tiếp tục nắm quyền lãnh đạo Đảng Cộng sản khóa 13.

Trong hôm nay 27/1, có báo như VNexpress lên bài với tựa đề: "Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng 'được giới thiệu tái cử".

Tờ báo này trích lời ông Hầu A Lềnh - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó chủ tịch, Tổng thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ VN - nói: "Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng quá tuổi theo quy định nhưng được giới thiệu tái cử."

Tiết lộ của ông Hầu A Lềnh cũng được các báo khác dẫn lại.

"Đồng chí Tổng bí thư, Chủ tịch nước của chúng ta là hơn 65 tuổi. Như vậy, đồng chí Tổng bí thư, Chủ tịch nước là một trong số các đồng chí đặc biệt", ông Lềnh nói.

Tuy nhiên, vài tiếng sau khi đăng thông tin về ông Nguyễn Phú Trọng, tất cả các báo lớn ở Việt Nam đã rút chi tiết này ra khỏi bài trên trang web của họ.

Rộ lên thơ ca, nhạc họa về ông Trọng


Trong khi đó, trên mạng xuất hiện bài hát có tựa đề 'Bác ơi xin Bác đừng về", tốp ca nữ trình bày có lời:

VOA Tiếng Việt: Tin ông Trump tính lập đảng mới gây tranh cãi

Trước tin cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump có thể đang có ý định thành lập một đảng mới tách ra khỏi Đảng Cộng hòa, có người cho biết kiên quyết trung thành với ông nhưng cũng có người chỉ trích.

‘Còn tùy vào các thượng nghị sĩ’


Tuần trước, nhiều cố vấn của Trump xác nhận với CNN rằng ông có bàn tới chuyện thành lập một đảng thứ ba, nhưng họ không tin đó là ý định nghiêm túc. Cho tới nay, ông Trump chưa ra chỉ dấu thẳng thừng ủng hộ việc này.

Tờ Washington Post cho biết trong những tuần gần đây, ông Trump có lưu ý tới ý tưởng lập đảng thứ ba gọi là Đảng Ái quốc và chỉ thị các phụ tá chuẩn bị những thách thức bầu cử đối với các nhà lập pháp quay lưng lại với ông trong những tuần cuối nhiệm kỳ. Theo nhiều người thân cận của ông Trump, tiết lộ với điều kiện ẩn danh, ông Trump nói rằng đe doạ lập đảng thứ ba sẽ là một đòn bẩy để ngăn các thượng nghị sĩ Cộng hoà trước việc biểu quyết kết tội ông trong vụ xét xử luận tội tại Thượng viện sắp tới đây.

Mới đây nhất, một cố vấn cấp cao của ông Trump nói với CNN rằng cựu Tổng thống vẫn dốc lòng giúp cho các ứng viên Cộng hòa tái đắc cử và hiện không xem xét thành lập một đảng mới, nhưng ông lưu ý rằng ‘mọi thứ có thể thay đổi’.

Ông Jason Miller, người từng là cố vấn cấp cao cho chiến dịch vận động của ông Trump, nói rằng cựu Tổng thống ‘đã nói rõ mục tiêu của ông là giành lại Hạ viện và Thượng viện cho Đảng Cộng hòa vào năm 2022. Không có gì đang được lên kế hoạch cho nỗ lực ngoài việc đó.’

Dake Kang, Maria Cheng & Sam Mcneil: Trung Quốc thắt chặt cuộc kín đáo săn tìm nguồn gốc coronavirus (China claims down in hidden hunt for coronavirus origins - Associated Press 12/30/2020; Bản dịch của Trần Thế Kiệt)

(Nguồn Gốc Coronavirus: Trung Quốc Kín Đáo Điều Tra Nhưng Siết Chặt Thông Báo Kết Quả)

MOJIANG, China (AP) – Sâu trong vùng núi non thung lũng rậm rạp của miền nam Trung Quốc là cửa ngõ dẫn đến một hầm mỏ, một thời đã là chỗ ẩn náu của loài dơi có liên hệ gần gũi nhất với siêu vi gây bệnh Covid-19.

Các nhóm khảo cứu khoa học đặc biệt chú ý đến địa điểm này bởi vì đây có thể là chìa khoá để bật mí nguồn gốc của coronavirus, con siêu vi đã sát hại hơn 1,7 triệu người trên toàn thế giới. Quan trọng là vậy nhưng đối với các khoa học gia và nhà báo đó vẫn là một lỗ đen to tướng. Không ai biết gì về nó cả chỉ vì đây là một bí mật, một nhậy cảm chính trị.

Gần đây nhất, có một nhóm khảo cứu tìm cách lấy được mẫu thử nghiệm của loài dơi này nhưng đã bị chính quyền tịch thu, hai người rành chuyện cho biết. Các chuyên viên khảo cứu bị cấm nói chuyện với báo chí. Và một nhóm phóng viên AP (Associated Press) khi tác nghiệp ở vùng này hồi tháng 11/2020 đã bị bám đuôi và chặn đường bởi các xe công an thường phục.

Đã hơn một năm kể từ ngày bệnh nhân đầu tiên bị nhiễm coronavirus. Các tìm hiểu của AP cho thấy chính quyền TQ đang cố kiểm soát khảo cứu và xiết chặt công bố kết quả trong khi chủ tâm đẩy mạnh các giả thuyết mơ hồ về một nguồn gốc siêu vi nằm ngoài TQ.

Những tài liệu mật cho biết chính quyền đã trợ cấp hàng trăm ngàn USD cho các nghiên cứu với sự hợp tác của quân đội ở miền nam TQ. Tất cả những khảo cứu này đều phải được giữ kín, muốn công bố phải có phép của một đặc uỷ trong nội các, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của quyền uy tối cao, chủ tịch Tập Cận Bình.

“ Họ đã tìm thấy gì?” Câu hỏi đặt ra với Chuyên viên dịch học Gregory Grey của Duke University, ông là trưởng một phòng thí nghiệm ở TQ chuyên khảo cứu về sự lây lan của bệnh truyền nhiễm từ thú sang người. “Có thể là dữ kiện của họ chưa được kiểm chứng, hoặc có thể là họ đã dìm dấu các dữ kiện vì một lý do chính trị nào đó. Tôi không biết … Ước gì tôi biết.”

Thứ Tư, 27 tháng 1, 2021

Mặc Lý: Ta Biết Tin Ai Bây Giờ?

Một người bạn tôi, trong một bàn luận về chính trị nước Mỹ, đã nói đùa: “Ta biết tin ai bây giờ?” (Bài Không Tên Cuối Cùng – Vũ Thành An). Anh nói đùa nhưng tôi nghĩ có nhiều người có câu hỏi tương tự, nghiêm chỉnh hơn là: “Trong thế giới thông tin ngày nay, làm sao đánh giá tin tức đến tay ta là tin thật hay tin giả?”. Trong bài này, tôi hạn chế chỉ nói về tin tức chính trị Mỹ.

Khi có một định kiến và dùng mạng xã hội như Facebook, Twitter…, bấm thích (Like) vài bài mà bạn thấy hợp và không cần bình luận gì cả, thuật toán của mạng xã hội sẽ mang cho bạn toàn những tin từ những nguồn này, và cứ thế mà nhân lên, bạn sẽ ở giữa vòng tin tức mà bạn sẽ vui và nghĩ là thật. Nhưng đó là tìm tin tức cho mình vui và những tin tức đó thường không phải là tin thật. Nhiều người chọn lựa như vậy và lâu ngày, họ nghĩ đó là thế giới thật. Bài viết này không dành cho họ mà chỉ cho những người muốn tìm hiểu và đánh giá tin tức thật hay giả một cách khách quan.

Nếu bạn ở nước ngoài và có trở ngại với tiếng Anh, tôi có thể đề nghị với bạn vài nguồn: RFI tiếng Việt của Pháp, BBC tiếng Việt của Anh, VOA và RFA của Mỹ (có hơi thiên kiến nhưng nói chung khá tốt). Báo Người Việt ở California cũng là một báo rất chuyên nghiệp. Tốt nhất là cùng một tin nên tham khảo nhiều nguồn đứng đắn để biết mọi phía. Nếu dùng mạng xã hội thì nên tránh những trang có ý kiến cực đoan, nhất là khi họ loan nhiều tin mà mình đã biết là sai lạc.

Nếu bạn ở Việt Nam không biết cách vượt tường lửa để đọc trực tiếp báo tiếng Anh hay những báo tôi đưa bên trên, tôi cũng không biết làm sao giúp bạn. Chỉ đề nghị khi đọc bất cứ cái gì, nên để thời gian suy nghĩ và tự đánh giá từ nhiều khía cạnh thay vì bị cuốn theo cảm tính. Và cần tỉnh táo với những cá nhân hay nhóm cực đoan hay loan tin sai lạc như đã đề cập bên trên.

Bài viết này chính yếu dành cho các bạn không trở ngại tiếng Anh và nếu ở Việt Nam thì biết cách vượt tường lửa để đọc tin tức nguyên thủy. 

Phần 1 – Tin tức và Ý Kiến


PGS.TS Nguyễn Phương Mai: Vì sao thuyết âm mưu, fake news tồn tại? (Gửi cho BBC từ ĐH Khoa học Ứng dụng Amsterdam, Hà Lan)

Trong bữa tiệc năm mới, tôi tình cờ nói chuyện với một người bạn tin rằng lịch sử loài người đã và đang bị những sinh vật ngoài hành tinh trông giống như thằn lằn (reptilian humanoid/ lizard people) thống trị. Những sinh vật khổng lồ này tới Trái Đất bằng UFO, hoá thân thành tầng lớp lãnh đạo với mục đích biến loài người thành nô lệ. Những con thằn lằn trá hình này là vô số các vua chúa trong quá khứ, tiếp nối bằng tầng lớp tinh hoa, tư sản, giàu có và quyền lực thời hiện đại như Nữ hoàng Anh, Obama, Madonna, Katy Perry, Justin Bieber, và cựu tổng thống Trump.

Bạn tôi không cô đơn. Chỉ trong nội vi nước Mỹ đã có tới 4% dân số, tức là khoảng 12 triệu người,tin chắc như đinh đóng cột rằng thằn lằn đội lốt người đang làm bá chủ thế giới, và 7% dân số còn lưỡng lự và tin rằng điều này hoàn toàn có thể đang xảy ra.

Thuyết âm mưu là gì và đặc điểm của nó ra sao?


Những thuyết âm mưu như vậy nhiều vô kể, nhưng tựu trung lại đều mang hai đặc điểm: (1) Thuyết nhắm tới các tổ chức / mạng lưới lớn, hoạt động ngầm, và (2) có dã tâm mang tính quyền lực thống trị. Ví dụ, người Do Thái cấu kết quyền lực ngầm thống trị thế giới; Hình dạng Trái Đất thật ra bẹt như cái đĩa nhưng NASA giả tạo số liệu khiến ta tưởng Trái Đất tròn để dễ bề thống trị luồng thông tin chuyển giao toàn cầu; Vaccin là chất độc gây bệnh nhưng các công ty dược phẩm che giấu để tăng trưởng lợi tức v.v…

Gần đây nhất là thuyết âm mưu về Deep State - "Nhà nước ngầm" của giới chính trị và doanh nghiệp cấu kết với nhau thống trị xã hội. Thuyết này bắt nguồn từ một chút sự thực của nền chính trị độc tài Trung Đông. Sau đó ý tưởng này lan sang Mỹ. Bất chấp một chế tài dân chủ có lịch sử lâu đời và hệ thống cân bằng quyền lực chặt chẽ, rất nhiều người tin rằng bỏ phiếu là vô nghĩa vì ai là tổng thống thì Deep State đã lựa chọn trước rồi. Deep State cộng hưởng mạnh mẽ với việc "tát cạn đầm lầy" mà ông Trump đưa ra. Nó cũng là một nguyên nhân nhiều người không chấp nhận kết quả cuộc bầu cử vừa qua.

Cao Nguyên: Phản ứng trước tin ‘rò rỉ’ ông Nguyễn Phú Trọng tiếp tục nắm quyền

Đại hội đảng khoá 13 chỉ vừa mới bắt đầu được một ngày, nhưng từ giữa tháng Một, Hội nghị lần thứ 15 của Ban Chấp hành Trung ương khóa 12 đã nhóm họp để thông qua danh sách đề cử các vị trí lãnh đạo chủ chốt cho nhiệm kỳ tới (2021 - 2025).

Từ đó, một số nhà quan sát chính trị cho là có tin nội bộ đã xác định 4 người sẽ giữ các chức danh chủ chốt trong nhiệm kỳ tới. Trong đó có ông Nguyễn Phú Trọng, 77 tuổi, người giữ ghế Tổng bí thư 2 nhiệm kỳ gần nhất (từ năm 2011 đến 2020), tiếp tục được Trung ương đảng bình bầu giới thiệu ra Đại hội 13.

Ba người còn lại được dự đoán thuộc nhóm “tứ trụ” là Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng ban Tổ chức Trung ương đảng Phạm Minh Chính và Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ với các chức danh lần lượt là Chủ tịch nước, Thủ tướng và Chủ tịch Quốc hội.

Theo điều lệ đảng, điều 17 có ghi “Đồng chí Tổng bí thư giữ chức vụ Tổng bí thư không quá hai nhiệm kỳ liên tiếp”. Ngoài ra, còn có quy định Ủy viên Bộ Chính trị tái cử nói chung không quá tuổi 65.

Ông Trọng đã là người duy nhất đã giành được suất “trường hợp đặc biệt” trên 65 tuổi tái cử hồi khoá 12 (nhiệm kỳ 2016 - 2020).

Dư luận chỉ trích

Trên các phương tiện truyền thông mạng xã hội, có nhiều ý kiến chỉ trích việc ông Nguyễn Phú Trọng sẽ tiếp tục tham gia chính trường dù đã quá tuổi, sức khoẻ yếu kém và không đủ tiêu chuẩn tái cử theo chính luật của đảng Cộng sản quy định.

Một số độc giả bình luận trên fanpage của Đài Á châu Tự do như sau:

LS Nguyễn Văn Thân: Làm sao người Việt có thể giới hạn tình trạng chia rẽ vì Trump?

Ngày 6 tháng 1 vừa qua đánh dấu hai sự kiện quan trọng tại Mỹ. Thứ nhất là cuộc bầu cử bổ túc tại tiểu bang Georgia mà Đảng Dân chủ thắng cả hai ghế thượng viện và sẽ nắm quyền lực cả ba nhánh chính quyền đó là tổng thống, hạ viện và thượng viện. Nhưng điều đáng nói là cuộc biểu tình bạo loạn ngay trong Quốc hội Mỹ. Hậu quả là có 5 người bị chết và hàng trăm người bị bắt và truy tố gồm có các tội trạng nghiêm trọng chẳng hạn như nổi loạn chống nhà nước.

Cuộc bầu cử tổng thống Mỹ được tổ chức vào ngày 3/11/2020. Tổng cộng có 538 phiếu cử tri đoàn. Ứng viên nào chiếm được 270 phiếu thì sẽ đương nhiên thắng cử. Chỉ vài ngày sau thì các thông tấn xã và các cơ quan truyền thông chính mạch như AP (The Associated Press), The Washington Post, The New York Times, Reuters, Bloomberg, CNN, ABC, CBS, NBC, MSNBC, Fox News đã công bố kết quả là ứng viên Joe Biden thắng vì đạt hơn 270 phiếu. Tới thời điểm này, AP cũng cho biết là ông Biden đạt được 81,283,485 phiếu cá nhân (51.4%) và ông Trump đạt được 74,223,744 phiếu (46.9%). Theo Hiến pháp và Luật Bầu cử của Mỹ thì tiểu bang có trách nhiệm tổ chức bầu cử và có tới ngày 14/12/2020 để chính thức công bố kết quả và phiếu cử tri đoàn. Tức là các nhà làm luật cũng đã nghĩ tới việc sẽ có khiếu kiện sau ngày bầu cử và cho các bên tham dự một khoảng thời gian để đưa hồ sơ ra tòa. Bên chiến dịch tranh cử của Tổng thống Trump đã tiến hành hơn 60 vụ kiện nhưng tất cả đều bị tòa án các cấp gồm có Tối cao Pháp viện bác bỏ vì không có bằng chứng gian lận đáng kể có thể thay đổi được kết quả bầu cử cũng như không có cơ sở pháp lý. Do đó vào đúng ngày 14/12/2020 thì tất cả các tiểu bang đã nhóm họp và chứng thực kết quả cử tri đoàn là 306 phiếu cho ông Biden và 232 phiếu cho Tổng thống Trump.

Đáng lẽ ra thì Tổng thống Trump nên chấp nhận kết quả và chúc mừng ông Biden vào lúc này. Nhưng ông Trump môt mực tiếp tục lên tiếng trên twitter là ông đã thắng vẻ vang nhưng chỉ thua vì bầu cử gian lận. Do đó, ông muốn lật kèo vào ngày 6 tháng Giêng năm 2021 khi lưỡng viện Quốc hội nhóm họp đếm phiếu cử tri đoàn dưới sự chủ tọa của Phó Tổng thống Mike Pence. Trước đó vài ngày, Tổng thống Trump đã gọi điện thoại nói chuyện với ông Brad Raffensberger là Tổng Thư ký tiểu bang Georgia và viên chức điều hành cuộc bầu cử tại đây. Cuộc điện đàm này đã được đưa ra công luận mà trong đó, Tổng thống Trump ngỏ ý yêu cầu Raffensberger kiếm cho ông thêm 11,780 phiếu (vì ông Biden thắng tiểu bang Georgia với 11,779 phiếu).

Thứ Ba, 26 tháng 1, 2021

Ngô Nhân Dụng: Joe Biden số may mắn

Hình Doug Mills-Pool/Getty Images

Hôm qua tôi đến bác sĩ nhãn khoa của tôi để coi lại con mắt. Cô y tá cầm máy hình bảo tôi đứng dựa lưng sát tường, ngó thẳng trước mặt. Mở mắt. Chụp. Nhắm mắt. Chụp. Quay sang một bên, nhìn ra cửa. Mở mắt. Chụp. Nhắm mắt. Chụp. Quay lại 180 độ nhìn thẳng ra cửa sổ. Mở mắt. Chụp. Nhắm mắt. Chụp.

Cô y tá chụp xong, tôi tiếp tục quay thêm một góc vuông nữa, nhìn thẳng vô tường. Cô phải nói lớn: No! No! Đằng sau gáy ông không có mắt!

Tôi nói đùa: Tôi bắt chước một cảnh trong cuốn phim Charlot thời mới. Do ông Rudy Giuliani ở New York sản xuất năm 2020. Tựa đề cuốn phim là “Joe Buồn Ngủ đi Bác sĩ.”

Năm ngoái Tổng thống Donald Trump đặt cho ông Joe Biden biệt hiệu: Joe Buồn Ngủ - Sleepy Joe. Hoặc Joe Ngủ Gật. Cũng có thể dịch là Joe Lù Đù hay Joe Khờ. Trên mạng đã thấy có tên Sleepy Joe's Café ở San Bernardino, California; thấy quảng cáo món Sleepy Joe 's Frauder Flakes. Có cả những đoạn video ngắn chế nhạo dài 1 phút, như “Joe Khờ bị Gạt” (Sleepy Joe Cheated). Nếu có đoạn phim riễu ngắn về Sleepy Joe đi khám mắt, cũng không ai ngạc nhiên!

Nhưng bây giờ Sleepy Joe đã tuyên thệ nhậm chức tổng thống Mỹ!

David Brown: ‘Một năm đầy tai họa’ đối với phong trào dân chủ Việt Nam ( Song Phan chuyển ngữ)

Dựa trên hầu hết mọi phương diện, năm 2020 là một năm đầy tai họa đối với phong trào dân chủ ở Việt Nam. Phong trào đã bị thu nhỏ bởi sự đàn áp ngày càng hiệu quả của chế độ Hà Nội, giờ đây nó bị mê hoặc trong cuộc chiến của Donald Trump để giành nhiệm kỳ thứ hai.

Dư luận cho rằng, Trump sẽ bảo vệ Việt Nam trước Trung Quốc. Kỳ lạ nhưng có thể hiểu theo cách nào đó, phần lớn những người nghi ngờ chế độ độc tài, độc đảng của đất nước, lại xem tổng thống Trump là niềm hy vọng của họ cho một tương lai tươi sáng hơn. Thất vọng, thậm chí là tuyệt vọng, với chế độ hiện tại của Việt Nam là điều dễ hiểu. Sự kiểm soát mọi thứ được nói là không thật phù hợp với một quốc gia đang mở cửa cho nền kinh tế toàn cầu và gửi những người giỏi giang nhất ra nước ngoài học tập, trong một phần tư thế kỷ qua.

Phong trào dân chủ của Việt Nam, hay ít nhất trong thời gian qua, là một mạng lưới công dân tổ chức lỏng lẻo, đã không ngần ngại thách thức chế độ. Phong trào này được mạng internet tiếp sức, trong gần một thập niên qua, đã cho phép người dân Việt Nam được nghe những nhận xét bất đồng chính kiến, ​​bất chấp sự kiểm duyệt của chế độ đối với báo chí trong nước.

Họ là một tập hợp hỗn tạp, những người này có đủ nhiệt huyết để lên tiếng và thậm chí thể hiện sự thất vọng của họ đối với chế độ độc đảng. Một số người chán ngán với những gì họ cho là tư thế khúm núm của Hà Nội đối với Trung Quốc, một số khác phản ứng trước sự đàn áp việc thực hành tôn giáo không được [chính quyền] cho phép, hoặc chống lại việc chiếm đất của doanh nghiệp cấu kết với quan chức địa phương. Và cũng có một số người không còn ảo tưởng với chế độ độc tài của một đảng toàn trị duy nhất, có mặt khắp nơi. Cách đây không lâu, chính phủ của thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có sự khoan nhượng chút ít đối với chỉ trích và đối với các cuộc biểu tình thỉnh thoảng diễn ra, nhưng năm 2016, Dũng đã bị hất cẳng vì điều này và những điều ‘xé rào’ khác. Với việc Dũng bị đẩy ra bên lề và các đồng minh ông chạy tìm chỗ che chắn, Tổng Bí thư đảng Cộng sản Nguyễn Phú Trọng đã nắm ngọn roi trong tay. Ông ta triển khai một chương trình hành động quay ngược đầy tham vọng. Một yếu tố là đàn áp hoạt động chính trị bên ngoài các tổ chức đảng.

Ngọc Lang: Các Nạn Nhân Việt Của Trumpism

(NCTG) “Người dân Mỹ đã mở mắt sau vụ nổi loạn này, nhưng bao giờ thì đến lượt người Việt “phò” Trump một cách mê muội sẽ “tỉnh giấc” và thoát kiếp nạn nhân?”.

Tổng thống mãn nhiệm Donald Trump. Hình Pete Marovich - Pool/Getty Images

Lời Tòa soạn: 20/1 là thời điểm Donald Trump rời Tòa Bạch Ốc để nhường lại vị trí của mình cho người kế nhiệm, Tổng thống thứ 46 Joe Biden. Những gì vị chính khách đặc biệt này đã làm trong 4 năm qua đã làm khuấy đảo nước Mỹ và cả thế giới, nhưng điều lạ lùng là có lẽ lần đầu tiên, một nguyên thủ Hoa Kỳ lại có ảnh hưởng và cả sự mê hoặc lớn đến thế tới cách nhìn nhận và tình cảm của rất đông đảo người Việt.

Di sản và cả hậu quả do Donald Trump để lại, chắc chắn sẽ còn được bàn nhiều bởi giới chuyên môn, bên cạnh cái gọi là Trumpism, một thứ chủ nghĩa, hay có người còn gọi là “Đạo Trump”. Tại sao ông được tôn sùng còn hơn các ngôi sao điện ảnh, âm nhạc, trong một thời buổi mà chính trị không còn là thứ độc nhất mà người dân để tâm? Bài viết của tác giả Ngọc Lang từ Nam California đưa ra một góc nhìn (NCTG).

BBC: Hành động đáp trả nhanh chóng của Hoa Kỳ đối với trò bẩn của Trung Quốc trên Biển Đông và trên vùng nhận dạng phòng không Đài Loan

Trung Quốc gây áp lực ở Biển Đông, tàu Mỹ vào khu vực


Bộ Tư lệnh Ấn Độ - Thái Bình Dương của Hoa Kỳ trong một tuyên bố nói rằng nhóm tàu tấn công đã tiến vào Biển Đông hôm thứ Bảy, cùng ngày với việc Đài Loan nói có sự xâm nhập nghiêm trọng của các máy bay ném bom và các chiến đấu cơ Trung Quốc vào vùng nhận dạng phòng không của Đài Loan, gần khu vực Quần đảo Pratas.

Tàu mẹ USS Theodore Roosevelt. Hình U.S. Navy via Getty Images

Nhóm tàu hàng không mẫu hạm Hoa Kỳ do tàu mẹ USS Theodore Roosevelt dẫn đầu đã tiến vào Biển Đông nhằm thúc đẩy "tự do trên biển", quân đội Hoa Kỳ nói hôm Chủ nhật.

Tuyên bố được đưa ra giữa lúc căng thẳng đang dâng cao giữa Trung Quốc và Đài Loan, khiến Washington quan ngại.

Không chỉ gây căng thẳng với Đài Loan, Bắc Kinh trước đó còn gây lo ngại nghiêm trọng trong khu vực, với việc lần đầu tiên thông qua luật cho phép lực lượng hải cảnh nước mình nổ súng vào tàu thuyền nước ngoài.

'Phép thử đối với vấn đề Đài Loan'


Bộ Tư lệnh Ấn Độ - Thái Bình Dương của Hoa Kỳ trong một tuyên bố nói rằng nhóm tàu tấn công đã tiến vào Biển Đông hôm thứ Bảy, cùng ngày với việc Đài Loan nói có sự xâm nhập nghiêm trọng của các máy bay ném bom và các chiến đấu cơ Trung Quốc vào vùng nhận dạng phòng không của Đài Loan, gần khu vực Quần đảo Pratas.

Chủ Nhật, 24 tháng 1, 2021

Ngự Thuyết: Rừng Sâu

Người ta lúc mới sinh ra đời tính vốn thiện (Nhân chi sơ tính bản thiện). Hay vốn ác? Câu nói đó đã được đặt ra từ ngàn xưa. Thiện chăng? Rồi vì hoàn cảnh xấu xa mà biến thành ác. Hay ác chăng? Rồi nhờ hoàn cảnh tốt đẹp trở thành thiện. Hay người ta lúc mới sinh ra không thiện, không ác. Môi trường sống, hoàn cảnh sống, trình độ giáo dục, chế độ xã hội, vân vân, sẽ quyết định bản tính của con người? Hay mỗi người là một cá thể riêng biệt trong đó thiện hay ác có tính cách tiên thiên, tiền định. Hoặc do nghiệp duyên như trong giáo lý nhà Phật?

Vậy thì cá nhân tôi nên được sắp vào loại mục nào? Có khá hơn một số loài thú dữ trong rừng hay không về mặt thiện, ác.

Số là.

Hồi nhỏ tôi thích nhìn ngắm chim đậu trên cây, và nghe nó hót. Hình dáng của nó trông thật đẹp đẽ, thanh thoát, tiếng nó hót nghe thật du dương, êm ái. Mà cũng kỳ cục, lại rất thích bắn chim. Tôi có tay “sát điểu”, bắn ná cao-su giỏi, để phân biệt với mấy thằng nhóc khác có tay “sát ngư”, câu cá giỏi. Những giờ rảnh rỗi đi học về hoặc cuối tuần, tôi thường xách ná đi bắn chim. Lúc đó tôi học lớp sáu hay lớp bảy trung học, mỗi khi đi bắn chim có mấy đứa con nít cùng xóm đi theo. Con nít thích tôi, tôi cũng thích chúng nó. Gặp chim gì cũng bắn, chim sẻ, chim sáo, chào mào, cà cưỡng, bồ chao, cu gáy, cu ngói, chèo bẻo ... Hay những loại chim nhỏ tôi không biết tên, thì gọi chung là chim sâu. Có hôm thấy chim giàng giàng cánh lớn bay lượn trên không trung, tôi giương ná bắn đại. Thế mà chó ngáp phải ruồi, trúng. Con chim bị đạn lạc (đạn: đá cuội nho nhỏ, tròn tròn, bắn mới chính xác), rơi chập chờn như chiếc lá to bảng. Đúng ra, khi rơi nó chưa chết, cố vẫy cánh lần cuối cùng.

Hạ xong một con chim, tôi lấy mảnh chai cứa lên nạng ná một vạch nhỏ làm dấu ghi thành tích. Hết chỗ làm dấu thì thay nạng ná khác. Mấy em bé đi theo có khi phải chui qua hàng rào tre, hóp vào vườn người ta để lượm chim bị hạ, có khi phải chui vào bụi rậm gai gốc, trầy trụa cả chân tay. Thế mà chúng cũng tranh nhau để được tôi chọn chạy lượm chim. Chờ bắn hạ được vài ba con, tôi bảo chúng nó làm thịt. Đứa thì nhổ lông chim, đứa thì lấy dao mổ bụng chim moi hết ruột gan vất đi, đứa thì nhóm lửa. Xong, nướng. Chia nhau ăn mỗi đứa một miếng nhỏ xíu, thơm thơm, beo béo, tanh tanh. Tụi nó nhường cho tôi ăn thêm cái đầu. Hai ngón tay cầm lấy mỏ chim đã bị cháy khét, đun đầu chim vô miệng, nhai rụm rụm, khoái trá. Cuộc “đi săn tập thể” thế là đã được kết thúc một cách vui sướng, thơ ngây. 

Đông Hương: Bóng Cuộc Đời Mình

Hình minh hoạ, Three Lions/Getty Images
Lang thang vào cõi mênh mông
cái nhìn lạ lẫm vô hồn không vui
tôi như chiếc bóng cuộc đời
gót in trên bụi phủ rơi cao tầng

*
Lang thang trong cõi phù vân
nghe từng bước nhẹ lâng lâng in đường
tôi nhìn bóng tôi chao nghiêng
chênh vênh sa mạc cát thiên thu vàng

*
Lang thang giữa biển sóng cuồng
tôi chìm sâu tuốt đáy hồn đạ̣i dương
ở đây là chốn xa trần
rêu rong phủ kín, níu chân vô thường

*
Lang thang về hướng con đường
ngôi vườn tri kỷ cây tình mọc hoang
tôi ngồi ôm cội gốc quen
miên man để nhớ không ngoan phiêu bồng...

Đ.H.

Phạm Phú Minh: Họa sĩ Thái Tuấn và báo Thế Kỷ 21

một mảnh ký ức nhỏ của Phạm Phú Minh 

Một số các bức tranh bản gốc họa sĩ Thái Tuấn gửi cho báo Thế Kỷ 21

Suốt mấy tháng trong năm 2016, nhà văn Trần Doãn Nho và tôi, như là việc hỏi đáp trong một cuộc phỏng vấn, liên tục trao đổi nhiều e-mail về nhiều vấn đề liên quan đến hoạt động báo chí, văn hóa của tôi từ ngày đến Mỹ, trong đó có việc tôi tham gia tòa soạn tạp chí Thế Kỷ 21 kéo dài 15 năm từ 1993 cho đến 2007. Về phần đóng góp mặt mỹ thuật cho tờ báo, tôi có ghi lại như sau :

Nhưng tôi sẽ rất thiếu sót nếu không nhắc tới các họa sĩ đã đóng góp tài hoa của mình để giúp cho phần mỹ thuật của tờ báo. Trước hết là đôi nghệ sĩ Nguyễn Đồng-Nguyễn Thị Hợp, suốt 18 năm từ số đầu tiên cho đến số cuối cùng của Thế Kỷ 21 đã giữ công việc trình bày bìa báo và đóng góp các minh họa cho các trang trong. Họa sĩ Ngọc Dũng và Vũ Thái Hòa (Pháp) ngay trong những số đầu tiên đã đóng góp nhiều hình vẽ trang trí, các năm sau có các họa sĩ Thái Tuấn, Đinh Cường gửi tranh đóng góp rất tích cực lâu dài. Các họa sĩ cũng nhiều lần gửi hình chụp các bức tranh yêu thích của mình để làm bìa báo. Thời đó, thập niên cuối của thế kỷ 20 và những năm đầu của thế kỷ 21, quý vị họa sĩ đều gửi họa phẩm trên giấy, bằng đường bưu điện. Về hý họa, các số đầu thường có tác phẩm ký tên Gúc và Kúm (cho tới nay tôi cũng chưa được biết quý vị này là ai), rồi đến họa sĩ Hiếu Đệ cộng tác một thời gian. Họa sĩ Babui Mamburao vẽ hý họa cho Thế Kỷ 21 trong mười mấy năm liền cho đến ngày báo đóng cửa.

Trần Kiêm Đoàn: Bún Bò Huế

Bún không phải chỉ đơn thuần là một món ăn truyền thống của Huế, nhưng đối với người Huế, bún còn là một phần lối sống “Kiểu Huế.” Kiểu Huế là nghèo mà vẫn sang, vui rộn rã mà vẫn man mác buồn, ngoài mặt phẳng lặng mà trong lòng dậy sóng, không soi bóng mình trong gương mà soi bóng mình trong đôi mắt của người thương, bè bạn, xóm giềng. Người ngọai quốc như ông Foulon cũng nhận xét về sự mâu thuẫn của Huế: “Tóc tang cười nụ, vui mừng thở than!” (Lê Văn Lân dịch)

Huế mâu thuẫn từ buổi mới vào đời, đài các từ ngày mới có tên. Tên đất thì nhỏ như nốt ruồi son: Ô, Rí, Huế... mà tên người lại dài lướt thướt như mái tóc mây dài chấm gót: Công Tằng Tôn Nữ Thị Sông Hương, Nguyễn Khoa Hoàng Thành, Tôn Thất Quỳnh Phương... Huế quá trầm lặng và chật như cái bể cạn mà phải chứa những tâm hồn bão nổi sông hồ, nên dân Huế ngoài mặt hiền khô mà trong lòng cưu mang những bến bờ viễn xứ, sẵn sàng phản kháng và rực lửa đấu tranh “dấy loạn” như Lục Vân Tiên ra đường thấy việc bất bằng chẳng tha. Cái dấy loạn bạo liệt nhưng nên thơ và lý tưởng quá đà của những tâm hồn lãng mạn kiểu Huế chỉ làm cho Huế thành đất dấy nghĩa nhưng không thể nuôi lớn Huế thành căn cứ địa, chiến khu như Tân Sở, Ba Lòng. Xưa vua Hàm Nghi và vua Duy Tân chỉ có những phút huy hoàng và chợt tắt ở Huế, để rồi suốt canh thâu le lói ở phương nào. 

Tô bún bò Huế cũng là một biểu hiện của văn hóa Huế vì đây cũng là một sự “dấy nghĩa” trong truyền thống nấu ăn khi cho bò nổi heo chìm trong cùng một nồi, trộn lẫn hai tính chất mâu thuẫn “bò nấu thì teo, heo nấu thì nở” thành một thể hài hòa. Huế đã dùng sả để “chuyên trị” thịt bò chứ không dùng ngũ vị hương để chuyên trị như truyền thống lâu đời ở Trung Hoa và miền Bắc. Tô bún Huế mang hương vị “rất Huế” để mà cảm nhận và thưởng thức như cảm nhận và thưởng thức mùi khói sóng buổi chiều trên sông Hương. Tự nhiên như: “Nó ngon thì tại nó ngon. Có chồng thì phải nuôi con, thờ chồng”. Cái dễ giận nhất của người Huế là “mình cảm thấy...” mà không cần lý luận. Bởi vậy, hình như càng đem lý tính để phân tích các món ăn Huế, cái hiểu về hương vị thực tế càng xoải cánh bay xa...

Thứ Bảy, 23 tháng 1, 2021

Hoàng Kim Oanh: Nguyễn Thị Hoàng - “Đâu Biết Đời Kia Vẫn Đợi Chờ”...

Nhà văn Nguyễn Thị Hoàng tại buổi Cà Phê Văn Học
(ảnh Trần Viết Ngạc) 
"Chợt thấy nhà ai cây trổ hoa
Ơ hay xuân tới tự bao giờ
Lòng ta tàn lạnh như mùa tận
Đâu biết đời kia vẫn đợi chờ"

(Nguyễn Thị Hoàng, Mây bay qua trời xưa, tr.232)

1. 

Như một gọi mời bất chợt, cái tên Nguyễn Thị Hoàng bật lên trong tôi cả một miền ký ức tưởng đã lãng quên gần nửa thế kỷ trước. Uyên Thao khi “Lược ghi về văn nghệ nữ giới Việt Nam” trong công trình Các nhà văn nữ Việt Nam 1900-1970 (Nxb Nhân Chủ, 1973) cho rằng văn chương nữ giới Việt Nam có hai mốc phát triển quan trọng. Đó là năm 1928 khi nữ sĩ Tương Phố với Giọt lệ thu lần đầu xuất hiện trên tạp chí Nam Phong như một ghi nhận tài năng nữ giới trong văn chương, mở ra nhiều khuôn mặt nữ giới trên thi văn đàn. Và năm 1966, chính là năm khẳng định sự có mặt của văn chương nữ giới với Đêm nghe tiếng đại bác của Nhã Ca, Vòng tay học trò của Nguyễn Thị Hoàng và Mèo đêm của Nguyễn Thị Thụy Vũ. Với hai tác phẩm sau này “người ta không còn thấy dáng dấp e dè của nguời nữ trong sinh hoạt văn nghệ nữa, cái dáng dấp thường tạo một thành kiến là nữ giới không thể chiếm một chỗ ngồi chính thức trong văn nghệ” (sđd, tr.27-8). Có thể nói, nếu ở mốc thứ nhất chỉ là sự ghi nhận của một tác giả thì sang mốc thứ hai này, văn nghệ nữ giới được biết đến “qua nhiều tác giả, đồng thời những tác phẩm thành công” và Uyên Thao cho rằng “nữ giới đã tạo được một thế đứng hết sức quan trọng.” (sđd,tr.29). 

Amanda Gorman: Ngọn Đồi Ta Trèo (Bản dịch của Trần Mộng Tú từ bản Anh Ngữ: The Hill We Climb - Amanda Gorman)

Amanda Gorman trình bày trong lễ đăng quang của Tổng Thống Joe Biden vào ngày 20 tháng 1, 2021. Hình PATRICK SEMANSKY/POOL/AFP via Getty Images

Ngày đã bắt đầu rồi
Sao vẫn đầy bóng tối
Mất mát nào cưu mang
Đại dương nào ta lội

Từ bụng con quái thú
Ta bước đi can trường
Yên lặng ở quanh ta
Chẳng phải là êm ả

Trong tín điều đưa ra
Công bằng hay công lý
Chưa định phân rõ ràng
Thì bình minh đã đến

Ta đã có kết quả
Không biết bằng cách nào
Ta đã được chứng kiến
Một cường quốc còn nguyên
Dẫu chưa được hoàn thiện

Ta chính là hậu duệ
Của thời điểm xa xưa
Nơi đứa bé da đen
gày gò, sống với mẹ
một bà mẹ độc thân
đứa bé được đọc thơ
ngày đăng quang Tổng Thống
nó mơ làm Tổng Thống

Mặc dù rất xa vời
Những lịch lãm uyên nguyên
Không thể nào dựng được
Một đế chế hoàn toàn
Chúng ta chỉ ao ước
Một liên minh an hòa
Một chính quyền tôn trọng
Văn hóa và màu da

Chúng ta cùng ngước nhìn
Không vì ai bên cạnh
Mà hãy nhìn những gì
Sừng sững giữa chúng ta

San bằng hố chia rẽ
Kéo chia biệt ra xa
Đặt tương lai trên hết
Chỉ còn Ta với Ta

Hãy bỏ khẩu súng xuống
Để cánh tay nối dài
Không ai tổn thương cả
Mọi người đều an hòa

Để thế giới công nhận
một sự thật hiển nhiên
trong nước mắt trưởng thành
đớn đau ta hy vọng

Ta gắn liền với nhau
Không phải vì thất trận
Mà cho chính chia rẽ
Không có dịp nẩy mầm

Trong Kinh Thư đã nói
Chúng ta được nghỉ ngơi
Dưới dàn nho xanh tươi
Dưới cây vả an bình

Hãy sống cương vị mình
Không làm ai sợ hãi
Thanh kiếm không mang lại
Vinh quang bằng nhịp cầu

Ngọn đồi ta trèo lên
Khi là dân tộc Mỹ
Không bởi vì kế thừa
Mà chúng ta bước vào

Cùng chung nhau hàn gắn
Cùng chung nhau chia sẻ
Chúng ta đã nhìn thấy
Quốc gia gần nát tan

Thay vì chia sẻ nhau
Lại đang tâm chia rẽ
Dân chủ bị trì hoãn
Nhưng không mất bao giờ

Hãy trông vào sự thật
Lịch sử đã chứng minh
Dân chủ đôi khi trễ
Nhưng không mất bao giờ

Đã đến thời cứu độ
Phút kinh hoàng đã qua
Sức mạnh và lòng dân
Ta lật trang Sử mới

Ta tặng nhau tiếng cười
Niềm tin và hy vọng
Trong khoảnh khắc sinh tử
Sức mạnh ta vô cùng

Nếu có ai muốn biết
Làm sao vượt thảm bại
Hãy kiên cường đáp lại
Tai ương không đánh bại
Đè bẹp được chúng ta

Không quay về chốn cũ
Ta đi về tương lai
Một xứ sở bầm dập
Nhưng nguyên vẹn hình hài

Một đất nước oai hùng
Nhưng tràn đầy đức hạnh
Một dân tộc tự do
Cầm trong tay sức mạnh

Ta không quay đầu lại
Không ngập ngừng đắn đo
Không để ai đe dọa
Ta quay đầu trở lui

Mỗi hành động của ta
Phải vô cùng thận trọng
Những lầm lẫn của ta
Thế hệ sau mang vác

Ta kết hợp tình thương
nhân từ và sức mạnh
tình yêu thành di sản
cho con cháu chúng ta

Để lại một quốc gia
đẹp hơn nơi ta qua
nơi mỗi hơi ta thở
cho con cháu chúng ta

Từ bộ ngực bằng đồng
Bàn tay ta cùng vỗ
nâng thế giới bi thương
thành thế giới tình thương

Từ viễn Tây núi vàng
Từ Đông Bắc lộng gió
Nơi cha ông ta đã
Làm cách mạng khơi nguồn

Từ Trung Tây đại hồ
Từ miền Nam nắng lửa
Ta gọi nhau trỗi dậy
Ta xây lại hoang tàn

Ta đi vào ngõ ngách
Góc khuất của quê hương
Sẽ tìm thấy nhiều người
Mang rất nhiều vết thương
Những vết thương rất đẹp

Khi ngày mới sẽ tới
bước ra khỏi bóng tối
hân hoan không sợ hãi
hực lửa không khiếp sợ

Bình minh được nở rộ
Khi ta giải phóng nó
Vì chính ánh sáng đó
Hắt ra từ bình minh

Chỉ cần ta can đảm
nhìn cho rõ Bình Minh
Và ta đủ can đảm
trở thành một Bình Minh.

tmt
1/21/2021


Trần Thị Diệu Tâm: Cây Platane

Hình minh hoạ, Chip Somodevilla/Getty Images

Tối hôm qua, từ căn phòng của ông Mạnh nghe có tiếng còi xe hú lên từng chập, ánh sáng chớp nhoáng chiếu vào cửa kính, như có một tai nạn xe cộ mới xảy ra. Sáng hôm nay, ông Mạnh nhìn qua của sổ thấy phía bên kia con đường lớn, cây platane đã bật gốc nằm sóng soài bên lề đường .Xe cộ qua lại đều bị chận, quay lui chạy về phía khác, chiếc xe cấp cứu màu đỏ nhấp nháy đèn báo hiệu cùng phát ra tiếng còi hụ lên từng hồi, đang đỗ gần đấy.

"Cây lớn như vậy mà đã bị tróc gốc, ngã ra đường". Ông Mạnh nghĩ thầm.

Cây platane thực sự đã chết rồi, chỏng chơ cả gốc rễ, đất đai tung tóe. Khi ông dọn đến ở đây, ông thấy nó sừng sững, thân cây cao lớn, tàn lá sum suê cho nhiều bóng mát. Người đi bộ thường đứng dưới bóng cây để chờ qua đường. Mỗi sáng thức dậy, ông kéo màn của sổ, ngó ra bên kia đường, nhìn cây. Những chòm cao đầy lá xanh đong đưa trong gió sớm, như những bàn tay dịu dàng vẫy gọi nắng ban mai, hẹn hò với đàn chim về với nhau ríu rít hoan ca. Từ tháng này qua năm nọ, mùa xuân mơn mởn chồi nẩy tược, mùa hạ nồng nàn tươi xanh, rồi mùa thu rơi đầy lệ úa vàng, và mùa đông ép mình ngủ giấc cô liêu. Nhìn cây, ông biết thời tiết bốn mùa đổi thay. Không hiểu tại sao, mà bỗng dưng đổ gục xuống mặt đường. Ông kéo kín tấm màn cửa che đi không muốn nhìn nữa. 

Võ Phiến: Bom Nguyên Tử

— Hãy nói chuyện về bom nguyên tử một chút, nên chăng?

— Không nên. Giá nói chuyện ấy hồi 1945 thì hợp thời. Bây giờ chậm mất 45 năm. Đem ra lải nhải lỡ lọt vào tai kẻ nóng tiết, không khỏi bị kêu ầm lên: “Biết rồi. Khổ lắm. Nói mãi.” Thử hỏi thời buổi này còn bụng dạ nào tán dóc về món “thời trang” áo Lemur nữa, phải không? 

Vả lại bom nguyên tử coi bộ tận số tới nơi, còn ngôn gì nữa? Vấn đề loại bỏ vũ khí chiến lược (START) đã được thoả thuận, việc loại bỏ luôn vũ khí nguyên tử ngắn tầm (SNF) cũng sắp đem ra thương nghị vào cuối năm nay. Siêu cường thỏa thuận xong là bom nguyên thử bị lôi từ kho ra hủy dần. Tuyên án, rồi xách cổ ra hành hình. Bom nguyên tử — cái khủng khiếp của một thời — đang lâm cảnh nhục nhã. Còn gì mà nói?

— Xin xét lại. Chúng ta là những kẻ yêu tự do. Vì tự do mà bỏ nước bỏ nhà. Bom nguyên tử nó... ra đi, chúng ta lại không có lời vĩnh biệt. Nỡ lòng nào?

— Yêu cầu cố gắng gìn giữ sự trong sáng của tiếng Việt. Cái gì mà tự do xen cả vào bom nguyên tử? Tối nghĩa quá.

— Thế sự sụp đổ ầm ĩ của các chế độ độc tài dữ dằn nhất mà chúng ta đang chứng kiến do đâu có? Thế sự kiện bùng phát dân chủ tự do đang làm rạng rỡ cả tâm hồn nhân loại do đâu có? Do đâu, nếu không do vũ khí nguyên tử? 

— Ta dân chủ ta tự do, ta thuận lòng dân thì phải tồn tại vững bền. Chúng độc tài chúng khát máu, tất bị dân chúng lật đổ. Ta làm ăn đúng kiểu đúng đường, nên giàu sang phởn phơ. Chúng xài thứ học thuyết kinh tế sai bét nên thất bại đói rách, suy sụm. Vũ khí nguyên tử có vai trò gì trong đó?

Thứ Sáu, 22 tháng 1, 2021

VOA Tiếng Việt: Quan hệ Việt-Mỹ thời hậu Trump - Hà Nội cần ‘khéo léo’

Với việc Hoa Kỳ có một chính quyền mới khi tân Tổng thống Joe Biden bước vào Nhà Trắng hôm 20/1 trong khi Đảng Cộng sản Việt Nam sắp quyết định đường hướng lãnh đạo cho 5 năm tới tại Đại hội Đảng 13, một câu hỏi đặt ra là mối quan hệ giữa hai quốc gia cựu thù sẽ đi theo chiều hướng nào và Việt Nam cần làm gì để tránh khả năng bị trừng phạt trả đũa mở ngỏ từ chính quyền Tổng thống Donald Trump

Trong vòng chưa đầy một tuần nữa, Đại hội 13 của Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ khai mạc để chọn ra những nhà lãnh đạo mới và đưa ra những chính sách cho 5 năm tiếp theo. Trọng tâm của đường lối chính sách của Hà Nội, theo các nhà quan sát, là đối phó với những thách thức trong việc cân bằng mối quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ, mà trong đó Việt Nam đã trở thành một đối tác chiến lược quan trọng.

Theo một số kịch bản được nhiều người nói tới và đã được thông qua tại Hội nghị Trung ương 15 vừa rồi mà Tiến sỹ Lê Hồng Hiệp của Viện Nghiên cứu Đông Nam Á ISEAS-Yusof Ishak ở Singapore cho biết thì “Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ được ủng hộ để ở lại thêm ít nhất một thời gian nữa” trong khi “Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng được sự ủng hộ trong Trung ương Đảng để ở lại tiếp để tiếp quản cương vị Chủ tịch nước.”

Theo dự đoán của TS Hiệp, dàn lãnh đạo của Việt Nam theo kịch bản này sẽ “vừa cũ vừa mới” khi có hai gương mặt mới trong tứ trụ – gồm Trưởng ban Tổ chức Trung ương Đảng Phạm Minh Chính được đề cử giữ chức thủ tướng trong khi Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ được đề cử vào chức chủ tịch Quốc hội.

Giáo sư Carl Thayer của Đại học New South Wales ở Úc, một nhà phân tích chính trường Việt Nam cũng có nhận định tương tự về 4 vị trí cao nhất của dàn lãnh đạo Việt Nam có thể sẽ được bầu chọn tại Đại hội Đảng 13, dự kiến diễn ra từ 25/1 đến 2/2.

TS. Phạm Quý Thọ: Đại hội 13 - Sẽ không có “bất ngờ”, nhưng tập trung quyền lực càng cao, chuyển giao càng thách thức

Hình minh hoạ. Ba lãnh đạo hàng đầu của Đảng Cộng sản VN hiện tại: (từ trái qua) Tổng bí thư kiêm Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân. Hình NHAC NGUYEN/AFP via Getty Images

Sau nhiều hội nghị trung ương về công tác cán bộ đảng, Hội nghị 15 là cuối cùng của khoá 12 đã kết thúc chóng vánh với một ngày rưỡi làm việc sau khi đã xác định được “các trường hợp đặc biệt” tham gia Ban chấp hành trung ương nhiệm kỳ 13, trong đó có dự kiến “tứ trụ”: Tổng bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính Phủ và Chủ tịch Quốc hội. Theo thông lệ, Đại hội Đảng toàn quốc 13, được tổ chức vào 25/1/2021 và Quốc hội khoá 15, dự kiến vào nửa năm sau, sẽ chính thức hoá về nhân sự lãnh đạo cao cấp và hợp pháp hoá các chức danh nhà nước theo cách “đảng cử, dân bầu”.

Sau những “bất ổn” của Đại hội 12 quyền lực đã tập trung cao độ vào Tổng Bí thư như hiện nay. “Bất ngờ” khó có thể xảy ra tại Đại hội 13, những “băn khoăn” về tiêu chuẩn hay quy chế sẽ được biện minh, tuy nhiên thực tế vận hành chế độ đảng toàn trị cho thấy khi tập trung quyền lực càng cao, chuyển giao càng thách thức.

Phạm Phú Khải: 'tình yêu sẽ trở thành di sản của chúng ta'

Thi sĩ Amanda Gorman ngâm thơ tại lễ nhậm chức của ông Biden.Hình Patrick Semansky-Pool/Getty Images

Nếu kết hợp lòng thương xót với sức mạnh, và sức mạnh với lẽ phải
Thì tình thương trở thành di sản
Và thay đổi quyền bẩm sinh
Trích từ bài thơ “Ngọn đồi chúng ta leo lên” (The hill we climb) do nhà thơ trẻ Amanda Gorman sáng tác và ngâm tại lễ nhậm chức 20 tháng Giêng 2021 của tổng thống Joe Biden.

Lễ nhậm chức tân Tổng thống Joe Biden và Phó Tổng thống Kalama Harris là một biến cố lịch sử về nhiều phương diện. Thay vì hàng trăm ngàn đến cả triệu người tham dự trực tiếp, thì kỳ này con số thật là khiêm nhường. Nó trở thành một sự kiện của truyền hình và truyền thông mạng hơn là trực tiếp. Mối lo ngại an ninh và dịch bệnh Covid-19 là nguyên nhân chính đáng để lễ nhậm chức cho tổng thống thứ 46 của Mỹ không diễn ra như thông lệ trước nay.

Thử thách đối diện của tân chính phủ là vô số, nhưng lớn nhất là: một, đại dịch Covid-19; hai, suy thoái kinh tế; ba, dân tình Mỹ phân hóa; bốn, những thách thức đối diện với dân chủ từ các chế độ chuyên chế bên ngoài Mỹ, và từ các phần tử cực đoan và nổi loạn bên trong Mỹ.

Thu Hằng: Hệ quả của việc Mỹ cáo buộc Trung Quốc "diệt chủng" người Duy Ngô Nhĩ

Chính quyền Mỹ cáo buộc Trung Quốc «diệt chủng» người Duy Ngô Nhĩ, phạm «tội ác chống nhân loại». Bắc Kinh lập tức bác bỏ «những lời dối trá phi lý», trả đũa Hoa Kỳ bằng cách trừng phạt 28 quan chức của chính quyền Trump, trong đó có cựu ngoại trưởng Mike Pompeo, người luôn kịch liệt chống Trung Quốc.

Hoa Kỳ trở thành nước đầu tiên lên án một quốc gia khác phạm tội «diệt chủng». Người Duy Ngô Nhĩ trở thành nạn nhân của «hàng loạt tội ác chống nhân loại» do chế độ Bắc Kinh gây nên ít nhất là từ tháng 03/2017. Trong thông cáo cuối cùng ngày 19/01/2021 với tư cách là ngoại trưởng Mỹ, ông Mike Pompeo cáo buộc Bắc Kinh tìm cách «hủy diệt người Duy Ngô Nhĩ một cách hệ thống».

Theo giới chuyên gia nước ngoài, có gần 1 triệu người Duy Ngô Nhĩ, theo Hồi giáo, tại Tân Cương đã phải đi cải tạo chính trị trong những «trung tâm dạy nghề» được rào chắn bảo vệ nghiêm ngặt, hơn 500.000 người được cho là bị cưỡng bức làm việc trên những cánh đồng trồng bông, phụ nữ Duy Ngô Nhĩ bị ép triệt sản, các đền thờ Hồi Giáo bị phá hủy…

Biện pháp biểu tượng


Quyết định thể hiện rõ lập trường cứng rắn của Mỹ, và sẽ được tiếp tục dưới thời chính quyền mới, trong cuộc đối đầu chưa hồi kết với Trung Quốc, từ thương mại, đến cạnh tranh công nghệ, ảnh hưởng tại khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương, cũng như các hồ sơ Hồng Kông và Đài Loan.

Tuy nhiên, cáo buộc Bắc Kinh «diệt chủng» chỉ mang tính biểu tượng, một đòn «tấn công ngoại giao», làm tổn hại đến uy tín và hình ảnh. Còn về mặt pháp lý, thì rất khó để trừng phạt chính quyền Trung Quốc, theo phân tích của giáo sư luật quốc tế Thibaut Fleury Graff, thuộc trường đại học Rennes (Pháp) với báo 20 minutes ngày 21/01.

Thứ Năm, 21 tháng 1, 2021

Ngô Nhân Dụng: Nước Mỹ là nước như thế nào?

Hình NICHOLAS KAMM/AFP via Getty Images

Người Mỹ không những thương yêu con mình mà còn quý con cháu người khác nữa. Thấy một trẻ em có vẻ lâm nạn, thì phải cứu. Đó là câu chuyện một cô chạy bàn ở Orlando, Florida.

Cô Flavaine Carvalho chạy bàn ở quán “Bà Khoai Tây” (Mrs. Potato). Bữa đầu năm, cô tiếp một gia đình đến ăn trưa. Cả nhà gọi món ăn, nhưng không đặt món nào cho một cậu bé. Cô Carvalho hỏi tại sao, người bố giải thích rằng đứa con sẽ về ăn ở nhà. Nhưng khi nhìn đứa bé im lặng với bộ mặt buồn bã, cô chăm chú quan sát. Cô nhận thấy những vết trầy sước trên trán và đuôi con mắt, vết bầm trên cánh tay.

Cô Carvalho có thể bỏ qua chuyện này, chỉ lo việc hầu bàn của mình thôi. Nhưng lương tâm cô bảo không được. Không thể để cho một đứa bé có vẻ bị hất hủi, đang đau khổ như thế, mà không tìm cách giúp. Cô viết mấy chữ lớn trên một tờ giấy nho nhỏ: “Cháu cần giúp gì không?” (Do you need help?). Cô nâng tờ giấy lên, cố ý cho em bé trông thấy, khi cô đứng đằng sau bố mẹ cháu. Cô làm như thế ba lần, những lúc mang các thức ăn ra bàn. Lần thứ ba em bé mới gật đầu.

Zeynep Tufekci - The Atlantic : Chính trị gia độc tài của Mỹ trong tương lai sẽ đáng ngại hơn (Thuỵ Mân dịch)

AMERICA'S NEXT AUTHORITARIAN WILL BE MUCH MORE COMPETENT 

Joe Biden giờ đã đắc cử tổng thống, chúng ta có thể mong đợi người ta tranh luận về việc liệu Donald Trump có phải là một sự lầm lạc (chứ không phải “chúng ta đã sai lầm”) hay không? Hay nói cách khác đó là những bệnh lý và lỗi lầm của nước Mỹ. Người ta có thể lý giải bằng truyền thống cội rễ ăn sâu của người Mỹ, đồng thời cũng nhận ra được cả những điểm bất thường: tweet vào những giờ nửa đêm về sáng, sở thích kết hợp kinh doanh cá nhân với điều hành chính phủ, nỗi ám ảnh về dân chúng sẽ xếp hạng mình ra sao như một minh tinh của truyền hình- công việc duy nhất ông ta đã chứng tỏ mình được việc. 

Tuy nhiên, nhìn tổng quát ở mức độ quốc tế, Trump chỉ là một ví dụ nữa trong số nhiều người theo chủ nghĩa dân túy cánh hữu đã lên nắm quyền trên khắp thế giới: Narendra Modi ở Ấn Độ, Jair Bolsonaro ở Brazil, Viktor Orbán ở Hungary, Vladimir Putin ở Nga, Jarosław Kaczyński ở Ba Lan, và Recep Tayyip Erdoğan ở Thổ Nhĩ Kỳ, quê hương của tôi. Những người này đã giành chiến thắng trong các cuộc bầu cử nhưng lại làm khuynh đảo các chuẩn mực dân chủ: bằng cách buộc tội những người bất đồng chính kiến, đàn áp hoặc gán cho giới truyền thông là quỷ dữ, quấy nhiễu phe đối lập và xé rào luật pháp bất cứ khi nào có thể (các đối thủ của Putin có xu hướng gặp phải những tai nạn thương tâm). Orbán tự hào đã sử dụng cụm từ "dân chủ phi tự do" để mô tả chủ nghĩa dân túy được thực hiện bởi những người lãnh đạo kể trên; Trump có nhiều điểm tương đồng với họ, cả về mặt hùng biện và chính sách khôn khéo thuyết phục dân.

Trump cũng đã vận động như họ, chống lại khuynh hướng toàn cầu hóa đang đặc biệt thống lĩnh thời đại này và mang lại lợi ích cho nhiều người, nhưng lại quá không cân xứng cho những người giàu có, để lại hậu quả một số lượng lớn người dân bị tụt hậu, đặc biệt là ở các nước giàu có. Ông ta dựa trên ý tưởng truyền thống của Herrenvolk về chủ nghĩa dân túy dân tộc chủ nghĩa: ủng hộ một hình thức nhà nước mang lại phúc lợi, nhưng chỉ dành cho một số người "xứng đáng" hơn là những người không xứng đáng (như người nhập cư, thiểu số), những người đã bị cáo buộc chiếm đoạt những lợi ích đó. Ông đã truyền tải và khích động sự nghi ngờ lan rộng trong dân chúng đối với các thể chế dân chủ tự do trung dung (đáng chú ý nhất là báo chí) - giống như những người theo chủ nghĩa dân túy khác. Và những trò tương tự!