Thứ Bảy, 26 tháng 12, 2020

Sơn Diệm Vũ Ngọc Ánh: Câu Chuyện Âm Nhạc - Kỳ 4 (Tiếp theo và hết)

Bài hát Việt thứ ba chinh phục tâm hồn tôi là một bản nhạc có lẽ không ai có thể ngờ tới. Một bản nhạc mà hầu như mọi người Miền Nam tự-do đều ghét cay ghét đắng. Tôi nói vậy, chắc quý vị đã đoán ra được phần nào. Đúng vậy, thưa quý vị, đó là bản “Tiến quân ca”của Văn Cao, tức quốc ca của Cộng-sản Việt Nam.

Tôi còn nhớ như in buổi tối hôm đó, buổi tối ngày 18 tháng 8, 1945, một buổi tối thực oi-ả nóng nực, tôi cùng một số bạn bè giải chiếu ngoài hiên hóng gió, đọc báo và bàn luận về những tin nóng bỏng liên quan tới thế-giới và đất nước: Hoa-kỳ vừa mới thả bom nguyên-tử trên đất Nhật cách đó mấy hôm, Nhật-hoàng đã xin đầu hàng, “đồng chí” Nguyễn Ái Quốc từ Trung Hoa đã về tới chiến-khu Thái Nguyên, và anh em chúng tôi được báo chuẩn-bị “cướp” chính quyền. Giữa lúc đó anh Nguyễn Ngọc Huyễn (giám-đốc và phát-ngôn viên của Bộ Thông tin trước 75) hớt-hải đạp xe đạp từ chiến-khu Rịa mang về một bài hát tựa là “Tiến quân ca,” nói là phải tập để hát vào ngày mai vì nó sẽ có thể là bài quốc ca mới của Việt Nam. Tôi cấp tốc hát thử trước rồi tập cho anh em hát ngay sau đó. Bài ca thiệt đơn giản, nét nhạc cũng như lời ca rất thường, không có gì đặc biệt, nhưng không hiểu tại sao, càng hát chúng tôi càng thấy thấm thía, thấm thía đến nghẹn ngào, tưởng như không thể tiếp tục hát. Một phần lớn có lẽ do hoàn cảnh sôi động lúc đó. Riêng tôi hát mà nước mắt như muốn trào ra. Mấy tháng trước chính-phủ Trần Trọng Kim sau khi sửa lại ít lời đã lấy bài “Tiếng gọi sinh-viên” của Lê Hữu Phước làm quốc ca. Vì đã quá quen thuộc với bài hát, quen thuộc đến nhàm chán, nên ngay từ buổi đầu chúng tôi đã chẳng có cảm-giác gì đối với bài “Này công-dân ơi!” nếu không muốn nói là không có mấy thiện cảm. Đối với tôi, bài “Tiến quân ca” giống như một mối tình đầu bị phản bội, và cũng chỉ vì yêu nên sau này tình thành hận. Ngược lại, bài “Tiếng gọi công dân” giống như một cô hàng xóm vô duyên cha mẹ lấy cho, tuy chẳng có mấy cảm tình, nhưng sau bao năm chăn gối, hoạn nạn, vui buồn, sống chết có nhau, dù không có tình cũng có nghĩa. Quan-niệm của riêng tôi về mấy bài quốc ca Việt Nam là như vậy, chẳng biết các bạn đọc nghĩ sao? 

Nói như vậy không có nghĩa là tôi không có một chút kỷ niệm sâu sắc nào đối với bản quốc ca của Việt Nam Cộng hòa. Ít nhất thì cũng có hai lần bài “Tiếng gọi công dân” đã làm tôi xúc động mãnh liệt. Lần thứ nhất là vào dịp Tết Mậu Thân là cái Tết quân cộng sản bất ngờ đánh vào tất cả đô thị miền Nam. Sáng sớm ngày mồng Ba tết, Thượng nghị viện được triệu tập họp phiên bất thường và phiên họp ngày hôm đó đã được bắt đầu bằng bài quốc ca. Toàn thể các anh em nghị sĩ chúng tôi, từ người cao niên nhất là cụ Võ Văn Chuyện đến những người trẻ nhất như Nguyễn Phượng Yêm, Trần Ngọc Nhuận v.v. đã cùng nhau sát cánh hát bài quốc ca của Miền Nam chúng ta một cách thiệt cảm động và chân thành. Trong hoàn cảnh này, thú thiệt tôi không thể nào cầm được nước mắt. Lần thứ hai, trên boong chiến hạm HQ 8 và nếu tôi không nhớ nhầm, hôm đó ngày 5 tháng 5, 1975. Bình minh trên đại dương thiệt đẹp và rực rỡ, biển lặng như mặt hồ, và đoàn tàu di tản chúng tôi bắt đầu tiến vào hải-phận Phi-luật-tân. Trước khi tiến vào vịnh Subic, hải-quân Mỹ yêu cầu hết thảy các chiến hạm Việt Nam phải hạ cờ vàng ba sọc đỏ và triệt để giải giới. Khi làm lễ hạ cờ, hết thảy mọi nguời trên tàu đã vừa khóc vừa hát bài quốc ca của Miền Nam Tự do. Chúng tôi ai nấy đều đinh ninh rằng đây là lần cuối cùng trong cuộc đời chúng tôi được cùng nhau hát bài “Tiếng gọi công dân” để giã từ lá quốc kỳ thân yêu, nên càng cảm thấy buồn tủi và chua xót.

Tiếp đến cũng lại là một sáng-tác của Văn Cao, có lẽ không riêng tôi mà có thể nói rằng ai ai thời đó cũng yêu thích. Đó là bản “Thiên Thai”. Về phương diện kỹ-thuật sáng tác, nếu tôi không lầm, bản “Thiên Thai” có nhiều khuyết-điểm, và nếu đem so-sánh với một số bản nhạc Việt hay ra đời trước đó hoặc sau này, công bình mà nói, “Thiên Thai” kém xa. Cái lợi điểm của Thiên Thai là đã ra đời trong một hoàn-cảnh đặc-biệt, cái hoàn-cảnh của một nước Việt Nam vô cùng bất ổn, dân chúng đều có cảm tưởng như đương ngồi trên lò thuốc súng, ai nấy đều lo lắng không biết thời cuộc sẽ đi về đâu (cuối 1945 tới cuối 1946), và người ta bắt đầu chán ngấy những hành khúc và bài ca cách mạng như “Chiến-sĩ anh-hùng” (Văn Cao), “Du-kích quân” (Đỗ Nhuận) v.v. Thực vậy, sau khi đã quá nhàm tai với những bài hùng ca đầy lời lẽ sắt máu, lần đầu nghe Thiên Thai tôi có một khoái cảm đặc-biệt và từ đó rất yêu bản nhạc. Ngày nay, mỗi lần có dịp nghe lại bản Thiên Thai tôi thường vẫn bồi hồi nhớ tới những tháng ngày nào trên 50 năm về trước, có lẽ đó là những tháng ngày tương-đối hạnh-phúc cuối cùng của cả một dân-tộc trước khi lao đầu vào một cuộc chiến-tranh huynh-đệ tương-tàn khủng khiếp nhất trong lịch-sử dân-tộc chúng ta.

Sau hết là một bản nhạc gần đây. Nói là gần nhưng thực ra cũng đã trên 30 năm rồi và hồi đó có lẽ nữ ca sĩ Khánh Ly mới trên dưới 20 mà thôi. Tôi nhắc tới Khánh Ly là vì bản nhạc là một trong những sáng tác đầu tiên của Trịnh Công Sơn do Khánh Ly “lăng-sê”. Người ta nói như vậy thì tôi cũng biết vậy vì từ khi di cư vô Nam, như đã trình bày ở trên, tôi thường quá bận bịu, hết dạy học lại đến viết sách, nghỉ viết sách là phải đi nhà in sửa morasse v.v., (xin đọc thơ Nguyên Sa bài “Nguyễn Duy Diễn chết”, cảnh của tôi thời đó cũng tương tự như vậy) nên không có thì giờ nhiều để theo dõi các hoạt động văn-nghệ.

Năm đó (hình như là 1965), chiến-tranh Việt Nam đã bắt đầu chuyển sang giai-đoạn gay go và đẫm máu. Một buổi tối tôi đi thăm bố mẹ tôi. Lúc sắp ra về, vốn biết tôi thích nhạc, một chú em tôi mời tôi nán lại để nghe một bản nhạc Việt rất lạ chú vừa mới thâu băng. Tôi nể lời ngồi xuống chờ nghe, không lấy gì làm hào hứng cho lắm. Tiếng người nữ ca-sĩ vừa mới cất lên được mấy câu đầu, thực trẻ, hơi mạnh, trong như thuỷ-tinh, sắc và lạnh đã làm tôi phải chú ý tới ngay. Nét nhạc đơn-sơ, nhẹ nhàng, kiểu ballad, nghe thực buồn, với lời ca sống sượng đến ngỡ ngàng nhưng khả dĩ gợi nên được những hình ảnh hiện-thực bi thảm, bản nhạc quả có sức làm xúc động người nghe nhất là khi được trình bày bởi một giọng ca rất thích-hợp và gợi cảm, có sức quyến rũ và ám ảnh một cách khó tả. Tôi hỏi chú em tôi thì được biết bài hát là của Trịnh Công Sơn , người hát là Khánh Ly, một cô ca sĩ trẻ mới ra lò ở Đà Lạt. Trước đó tôi chưa hề bao giờ được nghe ai nói tới Trịnh Công Sơn và Khánh Ly, nhưng ngay từ mấy câu đầu, bản nhạc đã làm tôi xúc động, đồng thời mang đến cho tôi rất nhiều mối cảm nghĩ về chiến-tranh, về dân-tộc, về định mệnh con người. Kể ra một bài hát ngắn mà có thể tạo nên nhiều ý-nghĩ và tâm tình như vậy quả là khác thường.

Chắc các bạn muốn biết tên bài hát này. Thú thiệt, tôi không biết tên bài này là gì. Sau khi nghe bản nhạc, một phần bị xúc động, phần khác vì bận suy nghĩ lan man, tôi ra về không kịp hỏi tựa đề của nó. Nhưng cũng từ đó, tôi không bao giờ muốn hỏi hoặc nghe lại bản nhạc mặc dầu trong thâm tâm có lẽ tôi cũng rất thích. Chẳng những thế, tôi cũng không muốn nghe thêm bất cứ một bản nhạc nào khác của Trịnh Công Sơn. Phải chăng tôi sợ đối đầu với sự thiệt, một sự thiệt có lẽ rất khó nuốt trôi đối với một người quốc gia chống cộng như tôi lúc đó.

Mấy năm sau, tôi cùng với một số anh em thành lập tổ-chức Dân Vận Quốc-ngoại (Vietnam People-to-People) với mục-đích vận-động dư-luận quần chúng trên thế-giới ủng-hộ chính-nghĩa của Miền Nam tự-do. Đứng trước sự-kiện Cộng- sản Quốc-tế mỗi năm đổ ra 2 tỷ Mỹ-kim (tương đương với khoảng 20 tỷ đô-la thời nay) để cùng nhau tuyền-truyền cho Bắc Việt và Mặt Trận Giải-phóng Miền Nam, yểm trợ các phong-trào Mỹ phản chiến và đào ngũ, Hoa Kỳ và Thế-giới Tự-do hầu như ngậm miệng buông xuôi, chính-phủ Miền Nam Tự do cũng không hề có một phản ứng tích cực nào, việc làm của chúng tôi kể ra như muối bỏ bể. Vì quá nóng lòng, nên chúng tôi nghĩ dù ít dù nhiều, thà làm hơn không làm. Do đó, sau bao khó khăn, cản trở và tỵ hiềm, với sự ủng hộ về tinh thần và tài-chánh rất hạn hẹp của một số thân hữu như các anh Trần Chánh Thành (lúc đó giữ chức Ngoại trưởng), Phan Huy Quát, Đặng Văn Sung, Trần Quốc Bửu, Chương Văn Vĩnh v.v. chúng tôi quyết định cử phái-đoàn ban Tình Thương đem chuông đi đấm nước người để tranh đấu dư-luận và thiện cảm quốc-tế cho Miền Nam tự-do.

Nhờ có nhiều phương tiện do Cộng-sản quốc-tế cung-ứng nên các phe tả ở các nước đã thành công trong việc vận-động báo chí viết bài đề cao các nghệ-sĩ và tài tử phản chiến như Bob Dylan, Jane Fonda, Carole King, Cher v.v. Trịnh Công Sơn và Khánh Ly cũng được họ kéo vào “phe ta”. Trong một bài báo đăng trên tờ Le Monde, (xin chú ý, đây không phải là một tờ báo của phe tả mà là tờ nhật báo bảo thủ có tín nhiệm nhất tại thủ đô Paris) tác giả (tôi quên tên) ca ngợi Trịnh Công Sơn, gọi anh là Bob Dylan của Việt Nam. Khi đề cập tới sự tán thưởng nồng-nhiệt của giới trẻ và sinh-viên Việt Nam đối với những cuộc trình diễn của Khánh Ly bài báo cho rằng đó là biểu hiệu công khai tinh-thần chống đối sâu rộng của giới trẻ phản chiến Việt Nam.

Cũng chính vì những chuyện như trên, tôi quyết định đưa Trịnh Công Sơn và Khánh Ly theo phái đoàn với mục-đích dĩ độc trị độc, bằng cách chứng tỏ: đấy các ông coi, Trịnh Công Sơn và Khánh Ly thuộc phe chúng tôi chứ đâu có thuộc phe Công-sản như báo chí các ông đã nói láo khoét. Phản chiến thì đâu cũng có. Chính chúng tôi là những nạn nhân trực-tiếp của chiến tranh, nên không ai hiểu và ghét chiến-tranh bằng chúng tôi và chính những tác-phẩm của Trịnh Công Sơn đã phản ảnh khía cạnh tâm lý đó. Chúng tôi bất đắc dĩ phải chiến đấu để tự vệ và tranh đấu cho Tự do và sự sống còn của chúng tôi đấy mà thôi.

Rất tiếc là tên củaTrịnh Công Sơn bị gạt bỏ khỏi danh sách phái đoàn, Phủ Tổng-thống chỉ cho phép Khánh Ly đi mà thôi. Lúc đó Hoà-đàm Ba-lê đương tiếp diễn, nên trọng tâm của chuyến đi này là Pháp, đặc-biệt là Paris, nơi tập trung khối Việt Kiều đã bị Cộng-sản làm ung thối từ lâu. Khi phái-đoàn tới Paris trình diễn, tòa Đại-sứ cũng như phái-đoàn V.N. tại hội-nghị hòa-đàm rất phấn-khởi. Sau một số thành phố lớn của Pháp, phái đoàn đi một vòng qua Anh, Thụy-sĩ, Đức và Bỉ. Vì tài-chánh eo hẹp, mặc dầu khi tới Paris được Đại sứ Nguyễn Đăng Lâm hồ hải châm thêm 5000 USD, phái-đoàn ban Tình Thương không thể đi nhiều hơn, dù biết rõ đi tới đâu cũng sẽ thu được rất nhiều thiện cảm từ mọi phía, dân địa-phương cũng như kiều bào, kể cả những người thân Cộng. 

Cũng nhờ những chương trình trình diễn của ban Tình Thương mà tôi biết thêm là ngoài loại nhạc phản chiến tôi vốn không có hứng muốn nghe Trịnh Công Sơn có những tác-phẩm trữ tình thiệt hay. Tôi rất thích những bản như Mưa hồng, Diễm xưa hồi đó đã được Khánh Ly trình diễn một cách khá xuất sắc. Nhưng điều đáng nói nhất về Trịnh Công Sơn và Khánh Ly vẫn là vấn đề những tác phẩm phản chiến. Người khen, kẻ chê, người chống đối, kẻ bênh vực, vấn đề đã được đưa ra để mổ xẻ và tranh cãi rất nhiều từ bao nhiêu năm rồi. Nay thì Trịnh Công Sơn đã nằm yên dưới lòng đất Mẹ mà anh đã suốt một đời yêu thương và ca ngợi, thái-độ, tác-phẩm và hành-động của họ Trịnh khi còn sống thế nào mọi người nay có thể tự do tha hồ phê phán. Riêng tôi, mặc dầu chỉ có nghe một vài bản nhạc gọi là “phản chiến” buổi đầu của Trịnh Cộng Sơn do Khánh Ly hát, tôi nghĩ rằng, trên một mức độ nào đó, những bài hát bi thảm của Trịnh Công Sơn cộng với tiếng hát mê hoặc của người “thương nữ”* có cái tên là Khánh Ly đã ảnh-hưởng khá nhiều đến tâm lý một số anh em trong quân đội và nhân dân miền Nam Việt Nam, hoặc nói một cách khác cho rõ ràng hơn, đã một phần nào ảnh hưởng đến tinh thần dân chúng Miền Nam và kết quả cuộc chiến. Nói như vậy, không biết có phải là tôi đã đề cao một cách quá đáng khả năng và ảnh hưởng của hai người này hay không.Và hơn nữa, tôi cũng không rõ đó là một sự chê bai, trách cứ hay là một ngụ-ý khen tặng. Rất có thể cả hai đều có. Tuy nhiên, tôi nhận thấy rõ một điều là hình như bà con ở cả “hai bên” đều yêu mến Trịnh Công Sơn, nhất là sau khi Trịnh Công Sơn đã nằm xuống. Đối với Khánh Ly, người đã cộng tác với tôi một cách thực chững chạc và đứng đắn trong việc thành lập ban Tình Thương và phái-đoàn Dân vận, hình như sự mộ mến của thính giả, nhất là những người trung trung hoặc già như chúng tôi, vẫn như bao giờ. Đã từ lâu lắm, có lẽ đã hơn 30 năm qua rồi, tôi không có dịp nghe Khánh Ly hát, có lẽ tiếng hát của Khánh Ly không còn tính chất tươi trẻ như ngày nào, nhưng sự quyến rũ đến mê hoặc lòng người khi Khánh Ly trình bày những bản nhạc xa xưa của Trịnh Công Sơn tôi hy-vọng vẫn nguyên vẹn còn đó.

Vì không có dịp đi dự các nhạc hội hay lai vãng các phòng trà hay tiệm nhảy nên xin thú thực là tôi chẳng biết được bao nhiêu về nhạc mới Việt Nam. Đối với các ca sĩ và nhạc sĩ Việt Nam tôi càng mù tịt hơn nếu không muốn nói là tôi thực sự quê mùa và dốt đặc. Ngoài Khánh ly, Thanh Lan, Nguyễn Đức Quang, đôi song ca Lê Uyên Phương v.v. mà tôi thường có dịp được nghe khi những ca sĩ này hoạt động cho ban Tình Thương, giỏi lắm thì tôi cũng chỉ nhận được phần nào tiếng ca duyên dáng và trong sáng của Thái Thanh, nồng nàn của Lệ Thu, rất kỳ dị và khó hiểu của Thanh Thúy, trẻ trung và nồng nhiệt của Elvis Phương v.v.. Nói tóm lại một số nhỏ ca sĩ thuộc lớp đàn anh nay đã nghỉ hát hoặc sửa soạn về hưu. Có lẽ tôi thấy cần phải kể thêm Mai Hương và Kim Tước là những giọng ca có thể nói là khá thích hợp với loại nhạc classique légère hoặc những tác phẩm Việt chịu ảnh hưởng loại nhạc này, tức loại nhạc tôi thích nghe nhất. Ngày xưa ở Sài Gòn thỉnh thoảng tôi vẫn mở đài nghe ban “Tiếng Tơ đồng.” Gần đây tôi mới biết Kim Tước, cô bé có nốt ruồi duyên dáng ngày xưa, là con gái quý của anh chị Cử (chị Cử là em của Đỗ Đình Toại, chị của Đỗ Đình Thiều và Minh Đỗ, thuộc dòng họ Đỗ Đình, một dòng họ có rất nhiều văn nhân, tài tử ở miền Bắc ngày xưa) những người bạn tôi biết cách đây trên nửa thế-kỷ.

Nói đến các nhà soạn nhạc, ngoài Lê Thương, Đặng Thế Phong, Phạm Duy, Trịnh Công Sơn v.v. mà tôi đã nói qua ở trên, tôi chỉ còn nhớ một số bạn bè và một mớ cây cổ thụ thời tiền chiến như Thẩm Oánh, Dương Thiệu Tước, Nguyễn Xuân Khoát, Văn Cao, Tô Vũ, Tử Phác, Duy Linh, Chung Quân, Cung Tiến, Nguyễn Văn Đông, Hùng Lân, Đoàn Chuẩn, Nguyễn Hiền v.v. mà thôi. Riêng Tử Phác, chúng tôi chỉ gặp nhau có một lần, nhưng không hiểu tại sao tôi vẫn còn nhớ mãi buổi gặp gỡ rất xa xưa và tình cờ này. Vào một buổi chiều mùa đông 1947, Tử Phác đi công tác khu Tư về ghé qua Phát Diệm. Không biết do ai giới thiệu, anh tới thăm tôi. Tối hôm đó chúng tôi nằm chung một chiếc võng nói chuyện văn nghệ tới hai ba giờ sáng (hồi đó tôi có cái tật là mỗi khi tiếp các bạn thân thường cùng ngồi hoặc nằm chung một chiếc võng để hàn huyên hoặc tán gẫu). Khi bàn về chủ trương nghệ-thuật, như phần đông văn nghệ sĩ kháng chiến lúc đó, Tử Phác chủ trương “nghệ-thuật vị nhân sinh” và đường lối “xã hội hiện thực.” Anh trình bày chủ trương của anh một cách khá hăng say và rành mạch, đôi khi thấm thía đến cảm động, nhất là khi anh đề cập tới dân tộc và thân phận con người. Tôi trước sau như một, nhất định chỉ có một chiều: nghệ thuật là nghệ thuật, un point, c’est tout! thành ra tới tận khuya đêm đó không ai chịu khuất phục ai. Sáng hôm sau anh xin đi thiệt sớm, hẹn khi nào có dịp sẽ cùng tôi tiếp tục tranh luận. Đã 55 năm qua, tôi không có dịp gặp lại anh, và ngoài “Khúc hát quay tơ” không biết anh có sáng tác thêm được những cái gọi là “xã hội hiện thực” hay “vị nhân sinh” gì đó không.

Vào những năm 44, 45 Thẩm Oánh có lẽ là người sáng tác nhiều nhất. Nhạc của anh thuộc hầu như đủ loại nhưng nhiều nhất có lẽ là những bài thuộc loại ái-quốc và thanh niên nhằm mục-đích đáp ứng với nhu cầu của thời cuộc, nên thường khô khan, thiếu tính chất “ướt át” của những bản nhạc lãng mạn. Nhưng có lẽ cũng vì thế mà anh có một chỗ đứng riêng biệt. Riêng tôi, tôi rất quý con người của anh, một người đàn anh rất đường hoàng, không kênh kiệu, dễ thương, và nhất là có công nhiều trong việc thành lập hội Khuyến Nhạc Hà Nội và phong trào nhạc Việt.

Nếu tôi không lầm thì nhạc mới Việt Nam hiện nay đã trở thành một thứ kỹ nghệ khá sung mãn nhờ các kỹ thuật điện toán tân kỳ của thời đại mới hiện nay. Số lượng tác-phẩm mới cũng như các nhà soạn nhạc và ca sĩ xuất hiện mỗi ngày trên thị-trường nhiều đến nỗi những người mộ điệu trung trung hoặc tuổi tác cỡ trên dưới 70 như chúng tôi không biết đâu mà mò. Vì không dám múa rìu qua mắt thợ, hơn nữa cũng không biết được bao nhiêu mà nói, nên tôi xin phép được miễn nói thêm về âm nhạc Việt Nam mới hiện nay trong bài này.