Chủ Nhật, 20 tháng 12, 2020
Sơn Diệm Vũ Ngọc Ánh: Câu Chuyện Âm Nhạc (Kỳ 3)
Năm 1950, tôi bỏ Phát Diệm đi Hà Nội vừa đi học, vừa đi dạy và vừa viết sách. Vì quá bận bịu nên chuyện văn nghệ văn gừng đối với tôi lúc đó chỉ là thứ yếu, mặc dầu vẫn tiếp tục đi lại chơi bời ăn nhậu và đấu láo với các ông Lan Sơn, Đinh Hùng, Sao Mai, Trương Linh Tử, Nguyễn Duy Diễn, Nguyễn Lộc, Thượng Sĩ, Vũ Bằng, Mạnh Quỳnh, Sỹ Tiến, Bùi Xuân Phái v.v. nên lúc rảnh rỗi thường chỉ biết nghe Ngọc Bảo, Minh Đỗ, Ánh Tuyết và cô ca-sĩ chanh cốm mới nổi tiếng có tên là Tâm Vấn, trên Radio mà thôi, và một hai năm sau có dịp được nghe thêm ban Thăng Long của gia-đình Phạm Duy. Nhân nhắc tới Phạm Duy tôi thiết tưởng cũng nên ghi lại một vài kỷ-niệm có liên-quan tới họ Phạm, mặc dầu tôi không phải là chỗ bạn bè thân tình với nhà viết nhạc V.N. nổi tiếng nhất nước này.
Vào một buổi chiều mùa hè năm 1950, trong khi một số anh em chúng tôi theo thường lệ ngồi uống bia và đấu láo tại bờ hồ thì Trương Linh Tử bỗng từ toà báo anh làm việc nhào tới (tòa báo ở Hàng Trống, do một ông Tây lai làm chủ-nhiệm), nhớn nhác cho chúng tôi biết tin Phạm Duy đã “zinh tê”: “Các ông biết chưa, sau bố già Đoàn Phú Tứ đến lượt bố trẻ Phạm Duy đem cả bầu đoàn thê-tử ‘zinh tê’ rồi.” Nghe tin này chúng tôi hết sức sửng sốt và hình như ai nấy đều cảm thấy buồn buồn. Cũng như đa số văn nghệ-sĩ và trí-thức Hà Nội lúc đó, tuy ghét cộng-sản nhưng đối với công cuộc kháng chiến chống Pháp chúng tôi hình như vẫn có cái mặc cảm của những kẻ bỏ cuộc. Thượng Sĩ giận quá tục-tĩu phát biểu: “Đ. m., chúng mình bỏ về đã vậy (?), thằng Phạm Duy vốn được ‘ngoài ấy’ nuông chiều là như thế mà cũng chuồn về đây sao? Chuyện nó bỏ đi đối với kháng chiến chẳng khác gì như mất đi một sư-đoàn đấy các ông ơi!” Nói rồi anh vẫn tiếp tục lẩm bẩm: “Thằng cha Phạm Duy này bậy thiệt! Bậy thiệt!” Theo tôi nghĩ, ý anh định nói là hai chữ “phản bội” chứ không phải là hai chữ “bậy thiệt” nhưng có lẽ vì tự thẹn sao đó nên không dám nói lên đấy thôi, mặc dầu xưa nay Thượng Sĩ nổi tiếng là ăn nói dữ dằn, bạo mồm bạo miệng và thẳng thừng, nhất là trong các cuộc bút chiến. Thi-sĩ Lan Sơn rít một hơi ống pipe rồi chép miệng triết lý vu vơ: “Chuyện đời là như vậy.” Không biết “chuyện đời là như vậy” của nhà thi-sĩ sắp sửa về chiều nhưng vẫn còn rất ướt át này có ý nghĩa gì?
Mấy ngày sau đó, tôi có việc phải trở về Phát Diệm. Khi tàu Hà Nội cập bến Nam Định thì tàu từ Phát Diệm cũng vừa lên tới. Trong số hành khách tàu Phát Diệm tôi nhận thấy có Phạm Duy, Hoài Trung và Hoài Bắc. Gặp nhau chúng tôi nói chuyện sơ sơ, Phạm Duy cho biết bà mẹ vợ, chị em Thái Hằng và Thái Thanh vẫn còn ở Phát Diệm.
Về tới Phát Diệm tôi mới vỡ nhẽ là khi vào tới Cồn Thoi, hình như nhờ một người nào đó giới-thiệu, Phạm Duy tìm tôi không gặp (tôi lúc đó đã bỏ đi Hà Nội, nhưng tiệm bán xe đạp của tôi ở Cồn Thoi lúc đó vẫn chưa dẹp) nên người giúp việc đưa cả gia-đình Phạm Duy về nhà Ông ngoại tôi tá túc tới gần một tháng, mọi sự từ nơi ăn chốn ở cho tới việc xin các giấy tờ đều do ông cậu tôi (cố giáo sư Nguyễn Duy Diễn) giúp đỡ.
Hai chục năm sau, trong một dịp tôi tổ chức bán đấu giá để gây quỹ cho Tổ-chức Dân vận (Vietnam People-to-People Organization) tại khiêu-vũ trường Queen’s Bee với Khánh Ly làm MC, Phạm Duy đảm nhận phần âm-nhạc và nhân dịp này anh ra mắt lần đầu tiên ban nhạc “The Dreamers” của các con anh. Đây là lần đầu mà cũng là lần cuối cùng có sự cộng-tác giữa Phạm Duy và tôi. Có một điều đáng để ý là hai sự việc kể trên đều là những khúc quẹo đáng ghi nhớ trên đường đời của gia-đình họ Phạm và đều có dính líu đến những người Phát Diệm. Tới đây coi như đã hết chuyện về họ Phạm, tôi xin lỗi vì cái dấu ngoặc quá dài này. Tuy nhiên khi nói tới Phạm Duy mà không nói tới nhạc của Phạm Duy là một thiếu sót lớn. Rất tiếc là tôi không có cơ hội nghe nhiều nên không biết phải nói thế nào cho phải. Nhưng tôi vẫn nghĩ rằng anh là người đã đóng góp nhiều nhất trong sự hình thành và phát triển nhạc mới Việt Nam với những tác-phẩm thiệt xuất sắc, đầy tình tự dân tộc.
Sau 1954, khi di cư vào Nam, ngoài nhạc Việt, nhờ Radio và loại đĩa nhựa mỏng tôi có dịp được thưởng thức các loại nhạc Jaz và Pop Mỹ của thập niên 50. Đó là những năm thanh bình, vô tư và hạnh phúc nhất của lịch sử Hoa-kỳ, không giết người, không bắt cóc con nít, không ma-tuý, không có bệnh Aids quái gỡ, không có muỗi sông Nile, ban đêm con gái nhà lành có thể khơi khơi ra đường mà không sợ bị hiếp hay bắt cóc, gặp bất cứ chiếc xe nào chỉ cần ngoéo ngón tay là có thể đi nhờ tới nơi tới chốn, nên âm nhạc dân gian trong thời kỳ này nghe thiệt êm đềm, vui tươi, tình tứ và tràn trề hạnh phúc. Đó cũng là thời hịnh hành của các đại ban (big bands) Glen Miller, Artie Shaw, Harry James, Benny Goodman, Count Basie, Louis Amstrong, Ray Anthony và các ca sĩ Bing Crosby, Perry Como, Frank Sinatra, Dean Martin, Alberta Hunter, Ella Fitzgerald, Jo Staffort, Rosemary Clooney, Patti Page, Peggy Lee v.v. Mặc dầu mới sau chưa đầy một thế-hệ mà những tên như Lyn Renaud, Joséphine Baker, Anne Brown, Ethel Waters v.v. của thập niên 30, kể cả thần tượng Tino Rossi, với những bản nhạc thời-trang sôi nổi một thời, nay đã là dĩ vãng xa xưa và mờ nhạt như những tấm ảnh cũ kỹ bạc màu.
Sài Gòn lúc đó cũng bắt đầu bán khá nhiều đĩa nhạc cổ điển, đặc biệt là những đĩa nhạc dương cầm của Rubinstein, trung hồ cầm của Pablo Casal và vĩ cầm của Issac Stern mà tôi đã từng nghe tiếng từ lâu. Nhờ đó mà tôi đã có thể dần dần trở về với cái thú tìm hiểu và tập nghe nhạc cổ điển. Trong những năm đầu của thập niên 60, ngoài những buổi hoà nhạc của ban nhạc hòa tấu của trường Quốc gia Âm nhạc tại thính đường đường Nguyễn Du, tôi nhớ có hai ban đại hòa tấu ngoại quốc tới trình diễn tại Sài Gòn. Lần thứ nhất, vào khoảng 1961 là một ban nhạc Mỹ (rất tiếc là đã quên tên) chơi tại Thảo cầm viên, trên một một sân khấu dã chiến với một hệ thống âm thanh đặc biệt dành cho các ban nhạc hòa tấu cổ điển, tương tự như sân khấu các nhạc hội bỏ túi ngoài trời của Hoa Kỳ. Tuy rất thích thú vì là lần đầu tiên được nghe nhạc cổ-điển “sống” do một đại ban trình diễn, nhưng nếu hỏi ban nhạc chơi hay ở điểm nào, tôi thiệt không biết trả lời thế nào, vì kiến thức của tôi về nhạc cổ điển lúc đó chỉ là một con số zero.
Lần thứ hai là một ban đại hòa tấu Ý chuyên về loại nhạc Renaissance, chơi tại rạp Rex vào một buổi trưa. Vì chuyên chơi loại nhạc Renaissance và Baroque của Ý nên ban nhạc có thêm một vài loại nhạc cụ cổ như clavecin (harpsichord) và một thứ đàn tương tự như viola. Rạp tuy không thích hợp, thính giả lại ồn ào, và mặc dầu hệ-thống âm thanh rất kém nhưng tiếng nhạc tương đối nghe rõ và đỡ loãng hơn buổi hoà nhạc ngoài trời ở thảo cầm viên cách đó mấy năm. Tuy trình độ nghe nhạc còn thấp kém, nhưng tôi nghĩ rằng ban nhạc này chơi thiệt hay. Không hiểu tại sao ban hoà tấu này chỉ chơi có một buổi rồi bỏ đi ngay chiều hôm đó.
Ngoài ra, đã lâu lắm, có lẽ vào khoảng 1960 hoặc 61, có một buổi trình tấu tại rạp chiếu bóng Majestic trên đường Tự Do của một nữ vĩ cầm gia rất trẻ người Pháp mà vì quá lâu ngày tôi không nhớ tên. Cô vilionist này được giải Prix de Rome và ghé qua Sài Gòn nhân dịp cô đi trình diễn vòng quanh thế-giới. Cô này nổi tiếng một thời bên Pháp, nhưng về sau không thấy ai nói gì đến cô nữa.
Âm nhạc Việt Nam trong cuộc đời tôi
Mỗi kỷ niệm trong cuộc đời chúng ta thường gắn bó với một bản nhạc nào đó, có thể là một bản nhạc cổ điển, có thể là một bản nhạc thời trang. Tôi có một người bạn mỗi khi nghe bản Plaisir d’amour anh dường như muốn khóc vì bản nhạc này gợi cho anh một mối tình buồn ngày xưa. Anh Nguyễn Khắc Cung mỗi lần nhớ tới bà mẹ mới qua đời thường chơi bản Souvenir. Riêng tôi, mỗi khi nghe lại những bài hát của Tino Rossi như Marinella, Les Beaux Jours, Tant qu’il y aura des étoiles, Guitare d’amour v.v tôi bỗng nhớ tới tuổi hoa niên, những năm tháng và đợi chờ thiệt dài những tập chuyện kiếm-hiệp ba xu, các nhật báo Đông Pháp, Trung Hòa và Trung Bắc Tân văn, các tuần báo Loa, Phong hoá, Ngày Nay, Tiểu thuyết thứ Năm và Tiểu thuyết Thứ bảy v.v. Mỗi khi nghe Rosemary Clooney, Patti Page, Perry Como, Nat King Cole, nhất là khi nghe những bài như Tenderly, Mona Lisa, Too young, Tennessee Waltz v.v. tôi nhớ tới những năm thanh bình của thập niên 50, cuộc đời lúc đó thiệt bình yên, thiệt giản-dị và dễ dàng. Bản To begin the beguine nhắc nhở những ngày vợ chồng chúng tôi sắp làm đám cưới. Những bản nhạc như Tristesse, Sérénade, Ave Maria, Swanee River, Exodus, Stormy weather v.v. đều có liên quan đến một kỷ-niệm nào đó trong đời tôi. Đêm 29 tháng Tư 75, ngồi trong phòng lái tàu HQ 8 nhìn Saigon bốc cháy đỏ rực trời, nghĩ tới mẹ, vợ và một số người thân còn kẹt lại tôi bỗng nhiên nhớ tới phim Dr. Djivago và bản nhạc chủ đề “Somewhere my love” của cuốn phim này. Riêng bài Swanee River (Foster), một bài hát đã biến thành dân ca Hoa-kỳ, có lẽ người Việt không ai biết tới, nghĩ cũng thực kỳ cục và lẩm cẩm, mỗi lần nghe tôi liền nhớ tới những năm thế chiến 2 và một người bạn thân: Lê Bá Kông, nay đã là người thiên cổ. Năm đó (1940), anh Kông cùng gia-đình chạy giặc Nhật từ Hồng-kông về Việt Nam. Bài Suwanee River là bài hát tiếng Anh đầu tiên tôi thuộc bập bẹ nhờ Lê Bá Kông dạy tôi phát âm. Tôi thuộc và yêu thích hai bản Ave Maria (một của Schubert, một của Gounod phỏng theo một điệu nhạc của Bach) cũng là nhờ một đĩa nhựa do Tino Rossi hát Lê Bá Kông mang từ Hongkong về (1940, theo tôi được biết, hồi đó ở Việt Nam không ai có đĩa hát này). Ngày lễ cưới con trai thứ hai tôi ở nhà thờ đường Taft (Orange), bài Ave Maria của Schubert đã được một nữ ca-sĩ Mỹ giọng soprano trình bày thiệt là tuyệt diệu. Thằng nhỏ cao hứng nói với tôi: “Con ước khi nào con chết cũng sẽ có được một người hát bài Ave Maria thực là hay như vậy trong tang lễ của con.” Tôi giận quá mắng con: “Hôm nay là ngày vui mừng của con, sao con ăn nói vơ vẩn như vậy?” Con tôi bị bạo bệnh qua đời cách đây mấy năm. Không có ca sĩ giọng soprano để hát bản Ave Maria tiễn đưa con tôi, nhưng trước khi hạ huyệt cháu, cả gia-đình tôi đã cùng nhau mếu máo hát một cách thiệt tha-thiết và chân thành: “Ave Maria, Gracia plena...” Cho tới ngày hôm nay, mỗi khi nghe bản Ave Maria tôi không thể không mủi lòng nhớ tới đứa con trai xấu số của tôi. Chắc các bạn còn nhớ giai-đoạn triệt thoái Ban-mê-thuột, Truyền Hình Việt Nam đã lấy bản nhạc Exodus dùng làm nhạc đệm cho các bản tin về cuộc triệt thoái. Tới khi sang Hoa Kỳ, mỗi lần nghe bản Exodus tôi không thể không nhớ tới cuộc triệt thoái đầy kinh hoàng trên quốc-lộ 14 và những ngày bi thảm cuối cùng của Sài Gòn.
Cách đây mấy năm, nhờ có hai ông bạn Nguyễn Trọng Liệu và Trần Văn Ân tôi được mời tới tham dự buổi ra mắt tác-phẩm của một vị cựu thẩm phán (rất tiếc là tôi không nhớ tên) tại thính đường nhật báo Người Việt. Tuy là một luật gia nhưng ông cựu thẩm phán lại viết sách đề cập tới một vấn đề hoàn toàn văn nghệ với cái tựa đề (nếu tôi không nhầm): “Mười bản nhạc Việt Nam hay nhất.” Rất tiếc là tôi chưa có dịp được đọc cuốn sách, nên chưa hiểu tác-giả căn cứ vào đâu mà quyết đoán và đánh giá mười bản nhạc đó. Nhưng dẫu sao thì ông cựu thẩm phán dường như cũng là người sành điệu lại có kiến thức về âm nhạc, chúng ta có thể tạm tin ở sự phê phán của ông. Hơn nữa, về phương diện nghệ-thuật, mỗi người mỗi ý, tư tưởng và cảm quan khác nhau, thiệt là khó nói. Có những tác-phẩm người đương thời chê bai đủ điều, nhưng người đời sau lại hết mực tán thưởng. Ngược lại có những tác-phẩm nổi tiếng như sóng cồn nhưng chỉ được một thời gian, sau đó bị quên lãng hoặc bị người đời sau chê bai đủ điều. Ngay như Opera của Ý vốn rất được thiên hạ tôn sùng, nhưng lại bị Debussy chê bai, mạt sát hết chỗ nói.
Vì sự hiểu biết của tôi về âm nhạc nói chung, âm nhạc mới Việt Nam nói riêng rất là giới hạn, nên xin thú thiệt là không dám đánh giá kiểu trên đây. Tuy nhiên, đối với riêng tôi, có năm bản nhạc Việt mà tôi sắp đề cập sau đây đã để lại trong lòng tôi những kỷ niệm thực sâu xa.
Trước hết là bản “Tiếng đàn” của Lê Thương. Vào khoảng 1937 hay 38 gì đó, có một lần thân phụ tôi đi Hà Nội về hát cho Mẹ tôi nghe một bài hát tiếng Việt tựa đề là “Tiếng đàn âm thầm” (?), nói là do một người tên là Lê Thương mới đặt ra. Bố mẹ tôi đều khen bản nhạc chẳng những hay mà còn có tính cách Á-đông. Cho tới nay, tôi chưa có dịp nghe và xét kỹ lại bản nhạc, nên không rõ bản nhạc thực sự có giá-trị không. Tuy nhiên, một món ăn lạ có thể không hẳn là tuyệt hảo, nhưng hợp với khẩu vị, tất nhiên sẽ rất được ưa chuộng và tán thưởng. Riêng tôi, vốn quen nghe và hát những bài hát Tây, khi nghe bố tôi hát bài “Tiếng đàn” tôi xúc động đến tê tái . Thực vậy, mỗi khi nghe nhạc mà bị xúc động mạnh tôi thường có cảm giác tê tái như vậy, tê tái đến lạnh sống lưng, sởn da gà, trào ra nước mắt mà không hay. Âm điệu buồn buồn của bài hát làm tôi bỗng tưởng nhớ tới những cái gì mang mang ở đâu đâu. Phải chăng “những cái gì mang mang ở đâu đâu” đó là tinh-thần dân-tộc vẫn hằng tiềm tàng trong tâm hồn con người Việt Nam của tôi. Sau đó ít lâu, tôi được nghe thêm một bản nhạc khác cũng của Lê Thương tựa đề hình như là “Trên sông Kinh Châu.” Khi đó có lẽ tôi đã hơi quen rồi nên không thấy cảm động như lần đầu nghe bản “Tiếng đàn.”
Tiếp đó mấy năm sau (1941), vào một buổi tối mùa Đông mưa phùn và lầm lội, tại Hội quán Hàng Quạt (Hà Nội), nhân dịp một buổi họp đại-hội của Hội Truyền bá Quốc-ngữ, Đặng Thế Phong trình bày tác-phẩm mới nhất của anh: “Con thuyền không bến.” Bản nhạc đã được toàn thể hội trường tán thưởng một cách thực là nồng-nhiệt. Riêng tôi, tôi hết sức xúc động. Có lẽ một phần cũng là do tâm-lý dây chuyền của quần chúng. Theo ý tôi lúc đó, “Con thuyền không bến” quả thực đã đánh dấu một bước tiến dài của nhạc mới Việt Nam. Và điểm này đã là nguyên nhân của sự xúc động và hào hứng của tôi. Sau buổi họp, tôi cố la cà ở lại để có dịp nói chuyện với Đặng Thế Phong. Có người hỏi đùa họ Đặng: “Con thuyền không bến của anh thực sự là con thuyền nào đây?” Đặng Thế Phong chỉ nhũn-nhặn cười trừ không trả lời. Anh Nguyễn Hữu Đang lúc đó là Tổng thơ ký của hội lớn tiếng đoán mò: “Tôi biết! Con thuyền không bến của anh Phong là con thuyền Việt Nam chúng ta hiện nay đấy thôi.” Trên con đường hàng Quạt vắng lạnh và sền sệt bùn đen vì mưa phùn, hình ảnh con thuyền vô chủ Việt Nam lênh đênh không bờ bến và tiếng hát thiệt buồn của Đặng Thế Phong lởn vởn như quyện với nhau trong đầu óc tôi. Đêm đó, tôi trằn trọc thao thức mãi không sao ngủ được.
Anh Đang không biết có phải là một con người cộng-sản hay không, nhưng tính tình dễ thương, giữ chức bộ-trưởng Văn-hoá trong chính-phủ Việt Minh đầu tiên, rất được Hồ Chí Minh tin cậy. Về sau hình như anh bị thất sủng để rồi sau cùng bị đào thải. Ngày nay, mỗi khi nghe lại “Con thuyền không bến,” tôi không thể không nhớ tới những cảm xúc và hình ảnh mà bản nhạc đã để lại trong lòng tôi: hình ảnh Đặng Thế Phong gầy gò ôm cây đàn Guitare hát giữa đám đông tuổi trẻ trong hội quán Hàng Quạt, hình ảnh con thuyền Việt Nam của Nguyễn Hữu Đang, hình ảnh những thằng học-trò lầng nhầng chúng tôi lúc đó vẫn còn mặc áo dài đen, quần trắng vải trúc bâu, ngày ngày lê guốc lộc cộc hoặc đạp xe đạp cà tàng đi học các trường Thăng Long, Gia Long, Pasteur, Bưởi, Đỗ Hữu Vị, Puginier v.v. Hình ảnh các thày Toản, thày Đường, thày Sủng, thày Chính, thày Chương, thày Khang, thày Nghị, thày Sáu, thày Tường v.v..., hình ảnh Hà Nội của những ngày xa xưa cách đây trên dưới sáu mươi năm với những tên phố Tây gợi lên trong lòng người Hà Nội cũ biết bao kỷ niệm như Rue du coton, Rue de la soie, Rue du chanvre, Rue des éventails, Rue Paul Bert, Avenue Duvillier, Cité Immobilière v.v...
(Còn tiếp một kỳ)