Thứ Năm, 31 tháng 12, 2020

Bùi Quang Vơm: Chuyện muốn nói với 200 Ủy viên Trung ương trước thềm đại hội

Phát biểu khai mạc hội nghị trung ương 13, ngày 5/10/2020, gọi là Hội nghị «Dự thảo báo cáo chính trị», ông Trọng nói:

... «Trước diễn biến phức tạp khó dự báo của năm 2020, cần cập nhật, phân tích, đánh giá lại tình hình, điều chỉnh bổ sung một số mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cho phù hợp hơn với thực tế… Dự báo tình hưống để định ra sách lược đối phó thích hợp.

Ý của vị Tổng bí thư đảng là Trung ương nhận diện những thay đổi để có tư duy phù hợp. Bài viết có tâm nguyện trao đổi với 200 ủy viên trung ương theo tinh thần đó.

1. Thế giới đã thay đổi


- TQ đã bộc lộ bản chất, chiếc mặt nạ đạo đức giả đã bị gạt bỏ. Dã tâm bá chủ toàn cầu đã thất bại. Trung Quốc không đến gần thế giới khi vượt khỏi đói nghèo, Phát triển chỉ để TQ thực hiện khát vọng nung nấu ngàn năm. Chiến lược đánh chặn của các nước lớn, đứng đầu là Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Úc, Canada đã buộc TQ phải thay đổi chiến lược từ chiếm đoạt thị trường toàn cầu sang chiến lược Tuần hoàn kép, lấy tuần hoàn nội địa làm chủ yếu. Với khoảng 700 triệu người TQ có thu nhập dưới 2 đô la/ngày, chiến lược dựa vào tiêu thụ nội địa của Tập Cận Bình không hứa hẹn điều gì.

- TQ không thể dẫn dắt thế giới kể cả khi chiếm vị trí số một kinh tế thế giới thay chân Mỹ, vì TQ không phải là quốc gia dân chủ, không có hệ thống chính trị đa đảng, hệ thống chính trị kết cấu trên nền một hệ thống giá trị đối kháng với hệ thống giá trị phổ quát của thế giới dân chủ toàn cầu. Đó là yếu tố tạo nên sự cô lập của TQ.

- Thông qua các phát hiện của Mỹ, các chính sách chống thâm nhập của ĐCSTQ vào mọi lĩnh vực, từ kinh tế tài chính, khoa học công nghệ, an ninh quốc phòng, bí mật quân sự, ý thức hệ tư tưởng tới bộ máy quản trị hành chính, hệ thống đảng phái chính trị v.v... đang có xu hướng trở thành chính sách chung chống Cộng sản trên quy mô toàn cầu, bắt đầu từ các quốc gia lớn, như Mỹ, Anh, Pháp, Đức và liên minh châu Âu, Úc, New Zealand, Nhật Bản, Ấn Độ... đe dọa cô lập thế giới các quốc gia cộng sản.

Trọng Thành (RFI): Covid-19 - Việt Nam đón Noel và Năm mới 2021 trong không khí trầm lắng hơn

Năm 2020 sắp trôi qua. Cũng như khắp nơi trên thế giới, nền kinh tế Việt Nam bị ảnh hưởng nặng nề. Tại Việt Nam, người dân đón dịp Noel – Giáng sinh và chuẩn bị cho dịp Tết năm mới ra sao ? Đa số người dân chúng tôi đặt câu hỏi đều ghi nhận không khí Tết cuối năm trầm lắng hơn, tuy hoàn cảnh mỗi nơi một khác.

Trước hết mời quý vị theo dõi một số nhận định của nhà báo Võ Văn Tạo, từ thành phố Nha Trang : 

« Tôi theo dõi khoảng vài thập niên trở lại đây, thì không khí nghỉ ngơi, ăn uống, vui chơi nhân ngày Noel càng rõ nét hơn. Nhưng rõ ràng năm nay do ảnh hưởng Covid-19, mức sống thu nhập giảm sút rõ rệt, nhất là ở Nha Trang, nơi một tỉ lệ lớn dân chúng sống bằng nghề du lịch. Dịch Covid kéo theo việc cản trở nhập cảnh giữa các quốc gia. Nha Trang bị thiệt hại nặng nề nhất. Số thất nghiệp khá đông. Tôi chỉ thấy trong gia đình tôi, vừa rồi có mấy người đến, qua trung tâm giới thiệu việc làm cho người giúp việc gia đình, họ đều nói là trước đây làm ngành du lịch. Có người chạy bàn, người lái xe chở khách, khách Nga, khách Hàn Quốc, Trung Quốc… đều mất việc. Họ bổ sung vào đội ngũ đi tìm nghề giúp việc. 

Khách sạn hơn 1.000 phòng chỉ vài cửa sổ sáng đèn


Tôi có một anh bạn ở Sài Gòn, anh ấy mua căn hộ trong một tòa cao ốc bên cạnh một vị trí sát bờ biển, ngay chỗ đắc địa nhất Nha Trang. Anh ấy ra chơi, ngồi ở quán cà phê ngay bên bờ biển. Anh ấy bảo buổi tối khi đi về, thì thấy cả một building lớn như thế, một tòa nhà với hơn 1.000 căn hộ du lịch (khách sạn Havana) như thế mà chỉ có bốn, năm cửa số sáng đèn. Thê thảm đến cỡ đó ! Nhân viên phục vụ ở đấy cho biết là nghỉ việc rất nhiều.

Phải công nhận là chính phủ và người dân đã xử lý, đối phó với dịch Covid khá thành công, có nghĩa là số bị lây, bị chết không nhiều lắm. So với các quốc gia khác, thì Việt Nam cũng là quá khỏe, quá nhẹ nhàng rồi, nhưng dù sao dịch đó cũng gây một căng thẳng rất lớn cho đời sống kinh tế, xã hội ở Việt Nam ».

Thất nghiệp gia tăng, hàng tăng giá, thuế cũng tăng


VOA: Giới hoạt động - Đàn áp nhân quyền Việt Nam 2020 gia tăng

Năm 2020 chính quyền Việt Nam tiếp tục gia tăng đàn áp nhân quyền, đặc biệt là nhắm vào các tổ chức dân sự không được nhà nước công nhận và các blogger, nhà báo độc lập lên tiếng chỉ trích giới lãnh đạo Hà Nội, các nhà hoạt động cho biết.

Từ Hà Nội, nhà hoạt động Trần Bang, nói với VOA về tình hình vi phạm nhân quyền tại Việt Nam trong năm 2020:

“Năm 2020 chính quyền gia tăng đàn áp, ví dụ như Hội Nhà báo Việt Nam Độc lập, các thành viên bị bắt như Nguyễn Tường Thụy, Lê Hữu Minh Tuấn, Phạm Chí Thành; hay trường hợp của bà Phạm Đoan Trang, Đinh Thị Thu Thủy, và rất nhiều các trường hợp khác nữa.

“Nhưng trong năm 2020 nổi cộm nhất là vụ Hội Nhà báo Việt Nam Độc lập, Nhà Xuất bản Tự do, và các blogger bị bắt khá nhiều, từ Nghệ An, Thanh Hóa, Hà Nội, đến Hậu Giang, Cần Thơ và các tỉnh miền tây.”

Ông Trần Bang nhận định:

“Đàn áp nhân quyền ngày càng gia tăng, trong đó có nhiều người bị bắt vì viết bài trên Facebook. Họ chỉ nói lên sự thật.

“Nhưng có ai đó nghĩ rằng uy tín của họ bị ảnh hưởng thì họ phải tự sửa đổi, chứ không thể dùng bạo lực hay công an để bắt giam những blogger này.”

Nhà báo Phạm Chí Dũng, Chủ tịch Hội Nhà báo độc lập.

Thu Hằng (RFI): Người Duy Ngô Nhĩ - Quân tốt bị thí cho Bắc Kinh vì lợi ích kinh tế các nước Hồi Giáo

Số phận của khoảng 50.000 Duy Ngô Nhĩ sống ở Thổ Nhĩ Kỳ có thể bị đe dọa với hiệp định dẫn độ song phương được Trung Quốc phê chuẩn ngày 26/12/2020. Hiệp định được ký vào năm 2017 đang chờ được đưa ra bỏ phiếu ở Quốc Hội Thổ Nhĩ Kỳ để được tổng thống Recep Tayyip Erdogan ký phê chuẩn.

“Chống khủng bố là một trong phần quan trọng của hiệp định” nhưng “không nhắm đích danh một tổ chức hay một nhóm người cụ thể”, theo trấn an của một chuyên gia Trung Quốc thuộc Viện Quan hệ Quốc tế Đương đại ở Bắc Kinh, được báo Hồng Kông South China Morning Post trích dẫn ngày 26/12. Tuy nhiên, giới chuyên gia lo ngại, người Duy Ngô Nhĩ ở Thổ Nhĩ Kỳ có nguy cơ bị quy chụp là “khủng bố” và bị dẫn độ về Trung Quốc, trừ khi họ đáp ứng một trong ba điều kiện : có quốc tịch Thổ Nhĩ Kỳ, có giấy phép cư trú hoặc trong trường hợp chính quyền Ankara nghi ngờ Trung Quốc cho dẫn độ để xét xử về những tội chính trị.

Tuy nhiên, thông tín viên đài truyền hình France 24 tại Istanbul cho biết những người thuộc diện hai trường hợp đầu là rất hiếm. Riêng trường hợp thứ ba, có nhiều khả năng sẽ bị bỏ qua vì Thổ Nhĩ Kỳ đang rất cần hợp tác kinh tế với Trung Quốc, trong bối cảnh mối quan hệ giữa Ankara với Liên Hiệp Châu Âu và Hoa Kỳ đang ở mức căng thẳng. 

Erdogan: Từ “người hùng” thành “đao phủ” đối với người Duy Ngô Nhĩ ?


Trả lời đài RFI ngày 28/12, chuyên gia Bayram Balci, thuộc Trung Tâm Nghiên Cứu Quan Hệ Quốc Tế (CERI), trường Khoa học Chính trị Pháp, cho rằng để cứu đất nước khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế-xã hội nghiêm trọng với tỉ lệ thất nghiệp dao động 13% từ một năm nay, nếu “phải hy sinh người Duy Ngô Nhĩ, chính quyền của tổng thống Erdogan có thể sẽ làm vậy. Chính phủ muốn đặt lợi ích kinh tế, quyền lợi của quốc gia lên trước, rồi mới đến những chuyện khác”.

Thứ Tư, 30 tháng 12, 2020

RFA: Nhân sự lãnh đạo đảng căng thẳng đến phút chót trước đại hội đảng?

Tại hội nghị Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam lần thứ 15, dự kiến diễn ra ngày 15/1/2021, Bộ Chính trị sẽ báo cáo các ‘trường hợp đặc biệt’ để Trung ương quyết định, giới thiệu ra Đại hội XIII của Đảng.

Đó là thông tin ông Nguyễn Đức Hà, chuyên gia Xây dựng Đảng thuộc Ban Tổ chức Trung ương, cho biết hôm 28/12 tại hội nghị tập huấn tuyên truyền Đại hội lần thứ XIII của Đảng cho các cơ quan báo chí.

Liệu nhân sự đảng sẽ được quyết tại Hội nghị Trung ương 15?

Trả lời RFA hôm 29/12, Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, nhà nghiên cứu cao cấp thuộc Viện nghiên cứu Đông Nam Á - Iseas, Singapore, nhận định:

“Ngay từ Hội nghị Trung ương 12 họ đã định ra cái 13, 14... 15 làm gì, chứ không phải là bất ngờ. Vào ngày 28/12 lại cho đưa lên báo thì tôi cho rằng chỉ là tình cờ chứ không thay mặt cho Ban chấp hành Trung ương Đảng. Điều này đã được thông báo từ trước, từ ngày cuối Hội nghị 14 họ cũng có nói, nhưng họ sẽ để Hội nghị 15, và nếu vẫn không xử lý được, thì bắt buộc họ phải có Hội nghị 16... Thế nhưng họ tin rằng Hội nghị 15 họ sẽ chốt được những cái tên của những người đặc biệt quá tuổi để ở lại.”

Đại hội lần thứ 13 của Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ ​​diễn ra từ ngày 25/1/2021 đến ngày 2/2/2021, tại Hà Nội với 1.590 đại biểu, tăng 80 người so với Đại hội XII. Trong số này có 194 đại biểu đương nhiệm, 1.381 đại biểu được bầu và 15 đại biểu chỉ định. Các thay đổi nhân sự được thông qua tại đại hội đảng, thông thường sẽ nằm trong nhóm lãnh đạo chính phủ mới được thành lập ngay sau đại hội, để lãnh đạo đất nước cho đến năm 2026.

Tuy nhiên, chỉ các ủy viên Bộ Chính trị mới được xem xét cho 4 vị trí đứng đầu đất nước, hay còn gọi là ‘tứ trụ’. Theo chỉ thị số 35 của Bộ Chính trị, thời điểm tính độ tuổi tham gia các cấp trực thuộc trung ương là tháng 9/2020. Do đó, các ủy viên Bộ Chính trị hiện tại đã đủ 65 tuổi trước thời điểm tháng 9/2020 sẽ phải nghỉ hưu, ngoại trừ người được chọn để giữ vị trí tổng bí thư nhiệm kỳ tiếp theo. Vậy liệu sẽ có bao nhiêu vị lãnh đạo quá tuổi được tiếp tục ở lại sau Đại hội 13?

Gordon Chang: Trung Quốc – thứ bá quyền vừa kiêu ngạo vừa đầy bất an

Giới tinh hoa Trung Quốc thường quan sát tín hiệu từ Chủ tịch Tập Cận Bình, và tin rằng họ, những người kế thừa “hơn 5.000 năm lịch sử”, được số phận định đoạt để thống trị thế giới.

Hình  Kevin Frayer/Getty Images

Chủ tịch Tập, với ngôn ngữ của các hoàng đế từ hai thiên niên kỷ trước đây, cho rằng ông có Thiên mệnh để cai quản trời đất. Khi nói về “một cộng đồng chung vận mệnh” của nhân loại, dường như ông Tập đang nghĩ rằng tất cả mọi người khác đều có nghĩa vụ chung là phải phục tùng ông ta.

Mọi người – kể cả [Thủ tướng Úc] Scott Morrison. “Morrison nên quỳ xuống đất, tự tát vào mặt mình và quỳ xuống xin lỗi người Afghanistan — tất cả những điều này nên được thực hiện trong một chương trình truyền hình trực tiếp”, Thời báo Hoàn Cầu – tờ báo lá cải của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã viết như vậy hôm 30/11. Đây là hình phạt mà các hoàng đế Trung Quốc thường sử dụng để trừng phạt kẻ hầu và những người khác.

Ông Morrison đã yêu cầu Trung Quốc xin lỗi vì Triệu Lập Kiên – người phát ngôn BNG nước này đã đăng trên Twitter một hình ảnh giả mạo có chủ đích, cho thấy một người lính Úc đang cười và chuẩn bị cắt cổ một đứa trẻ Afghanistan.

Thanh Hà (RFI): 2020 - Làn sóng bài Trung Quốc dâng cao cùng Covid-19

Trong suốt 12 tháng, virus corona được nhắc đến hàng ngày trong mỗi bản tin thời sự và hầu như tất cả các tạp chí của RFI. 2020 là năm đại dịch Covid-19 xuất phát từ Vũ Hán làm chi phối toàn thế giới và làm hủy hoại hình ảnh của Trung Quốc trong mắt cộng đồng quốc tế.

Hai nghiên cứu liên tiếp, của viện Pew Researche Center tại Washington và của Viện Quan Hệ Quốc Tế Pháp- IFRI tại Paris, cùng đưa ra một nhận định : tinh thần bài Trung Quốc gia tăng tại các nước Tây phương. Nguyên nhân chính là dịch Covid-19 đã cướp đi sinh mạng của hơn 1,7 triệu người trên toàn cầu, hơn 78 triệu người trên hành tinh bị lây nhiễm. Kèm theo đó là hàng trăm triệu người mất việc làm, một số không nhỏ rơi vào cảnh bần cùng. Ngoại trừ Trung Quốc và một số rất ít các quốc gia, trong đó có Việt Nam, kinh tế điêu đứng ở những nơi khác từ ở Nga đến Nhật Bản, từ của Brazil đến Canada hay từ Ấn Độ đến Liên Hiệp Châu Âu và cả Hoa Kỳ.

Mỹ, Nhật đã bơm hàng ngàn tỷ đô la để khắc phục hậu quả tai hại Covid-19 gây nên. Anh Quốc đối mặt với tình trạng kinh tế tệ hại nhất kể từ sau Thế Chiến 2. Pháp đã hai lần áp dụng các biện pháp phong tỏa trong tổng cộng 14 tuần lễ, toàn bộ các hàng quán phải đóng cửa. 

Tại Hoa Kỳ Covid-19 thổi bay các thành tích kinh tế trong bốn năm nhiệm kỳ tổng thống Trump. Lãnh đạo Nhà Trắng tới nay vẫn gọi virus corona là siêu vi Trung Quốc.

Theo thăm dò của viện nghiên cứu Mỹ Pew Research Center thực hiện trong giai đoạn từ tháng 6 đến tháng 8 năm nay, 86 % người Nhật được hỏi tỏ rõ thái độ bài Trung Quốc. Tỷ lệ này tại Úc là 81 % ; Ở Anh là 74 % và tại Canada là 73 %.

Tại Thụy Điển nơi mà từ 10 năm qua, dân chúng đã có cái nhìn « tiêu cực » về ông khổng lồ châu Á này, thì tỷ lệ bài Trung Quốc lên tới 85 %. Pháp và Đức là 70 %. Với công luận Mỹ, 73 % xem Trung Quốc là một mối đe dọa. Đáng chú ý hơn nữa là 2018 chỉ có 43 % những người được hỏi có cái nhìn không hay về Bắc Kinh mà thôi.

Về lý do khiến tinh thần bài Trung Quốc tăng lên nhanh trong vài tháng vừa qua, trung tâm nghiên cứu Mỹ cho biết 14 nước trong các quốc gia được hỏi đưa ra yếu tố « Bắc Kinh xử lý không đích đáng dịch Covid-19 » để thế giới vạ lây.

Ác cảm với Trung Quốc : Bắc Kinh đứng thứ nhì trong mắt dân Pháp


Trần Tái Phùng (RFA): Mỹ "triệt hạ" tham vọng siêu cường công nghệ của Trung Quốc Việt Nam hưởng lợi

Mỹ chặn đứng tham vọng công nghệ của Trung Quốc


Trung Quốc đã phải dựa vào nhà sản xuất chip điện tử lớn nhất trong nước để từng bước hỗ trợ giảm thiểu sự lệ thuộc vào các sản phẩm của Intel (INTC) và Samsung (SSLNF). Tuy nhiên, Mỹ đã làm xáo trộn những tham vọng này. 

Ngày 18/12, Washington tuyên bố sẽ yêu cầu các nhà xuất khẩu Mỹ đệ đơn xin cấp phép trước khi bán các linh kiện cho Tập đoàn Sản xuất Chất Bán dẫn Quốc tế (SMIC) của Trung Quốc. Chính phủ Mỹ cho rằng nhà sản xuất chip điện tử này có thể dùng công nghệ để hỗ trợ Trung Quốc hiện đại hóa lực lượng vũ trang. SMIC khẳng định họ không có mối liên hệ với quân đội Trung Quốc. 

Trong một tuyên bố hôm 20/12, tập đoàn này thừa nhận rằng dù các lệnh hạn chế khó có khả năng ảnh hưởng đến hoạt động trong ngắn hạn, những mục tiêu lớn hơn của SMIC rất có thể sẽ đối mặt với nhiều nguy cơ bấp bênh. Các quy định mới của Mỹ sẽ có “ảnh hưởng tiêu cực trên thực tế” đối với khả năng phát triển các chip điện tử chất lượng cao. Washington nói rằng mọi yêu cầu xuất khẩu công nghệ cần thiết để sản xuất chip điện tử cực kỳ tân tiến “nhiều khả năng sẽ bị khước từ” – một vấn đề thực sự nghiêm trọng với SMIC, tập đoàn sử dụng các phần mềm và linh kiện từ Mỹ trong hoạt động sản xuất chip điện tử. 

SMIC vốn đã đối mặt với những thách thức lớn khi tìm cách bắt kịp các đối thủ toàn cầu. Doanh nghiệp này được cho là vẫn tụt hậu từ 3-5 năm so với những “ông lớn” trong ngành công nghiệp sản xuất chip điện tử như Intel, Samsung và TSMC với khả năng sản xuất các loại chip kích cỡ 7, 5 và 3 nanomet (nm).

Trong một nghiên cứu công bố hồi đầu tháng 12, Phelix Lee, nhà phân tích tài sản của Morningstar, dự đoán các lệnh hạn chế xuất khẩu mà chính phủ Mỹ sẽ ban hành: “Chúng tôi cho rằng đó sẽ là một trong nhiều cú đòn nhằm vào Trung Quốc, kiềm chế quốc gia này vươn lên thành một siêu cường công nghệ”. Bên cạnh đó, trong một báo cáo khác hồi tháng 9 năm nay, ông viết: “Dù các doanh nghiệp nội địa Trung Quốc đã cải thiện vị trí đáng kể trong nhiều phần của chuỗi cung ứng, trình độ chuyên môn của họ thực tế vẫn chậm hơn từ hai đến ba thế hệ”. Theo Lee, sẽ rất khó để SMIC tự sản xuất các chất bán dẫn kích cỡ 40nm, chứ chưa nói đến những sản phẩm kích cỡ 5nm như TSMC và Samsung đã bán trên thị trường.

Thứ Ba, 29 tháng 12, 2020

Ngô Nhân Dụng: Một đại dịch thứ hai

Khi Đại dịch Covid-19 bắt phải ngồi ở nhà suốt ngày, tôi nghĩ mình nên đọc tiếp những cuốn tiểu thuyết đang đọc giở dang. Cuốn đầu tiên là “Núi Huyền Ảo,” The Magic Mountain của Thomas Mann (do John E. Woods dịch). Tôi đã đọc câu chuyện trong Bệnh viện trị lao phổi Berghof này từ hồi ở Montréal. Đã ngừng đọc, vài chục năm trước, sau đoạn chàng Hans Castorp tỏ tình (bằng tiếng Pháp) với Madame Clawdia Chauchat. Ngày hôm sau thì nàng trở về Nga, dù chưa khỏi bệnh. Tháng Hai năm nay, tôi nghĩ mình có thể đọc tiếp, vì sống cấm cung cũng chẳng khác gì Hans Castorp, từ Hamburg tính lên thăm bạn vài tuần lễ, rồi nhiễm bịnh và phải ở lại bảy năm trời giữa rặng núi Alpes huyền ảo.

Nhưng câu chuyện Der Zauberberg của Thomas Mann không giống cảnh cả loài người bị cầm chân vì bệnh dịch Covid-19 bây giờ. Phong cảnh vùng Davos ở Thụy Sĩ thần tiên quá! Sau khi người đẹp ra đi, chàng Castorp lại chỉ nghe nhiều cuộc đối thoại chứa chất đầy triết lý giữa giáo sư Settembrini người Ý và Naphta, một linh mục Dòng Tên gốc Do Thái. Những vấn đề họ tranh luận vào đầu thế kỷ 20 chẳng liên can gì đến cảnh loài người đang bị cấm cung không được ra khỏi nhà ở thế kỷ 21.

La Peste của Camus thích hợp hơn. Tình cờ, tôi thấy trong tủ sách bản in Sách Bỏ Túi cuốn truyện về thành phố Oran, Maroc, bị phong tỏa vì bệnh dịch, hồi đầu thập niên 1940. Đem ra đọc lại Bệnh Dịch Hạch từ đầu đến cuối, thông cảm với tình trạng “tự phong tỏa” của cả thế giới bây giờ.

Theo chân Bác sĩ Rieux, người kể chuyện, mình có thể tưởng tượng các nhân viên y tế thời nay đang cố gắng đối phó với loài vi khuẩn mới như thế nào. Nhưng có mấy điều hoàn toàn khác. Bệnh Dịch Hạch phát hiện ngay tại thành phố Oran chứ không phải từ bên Trung Quốc truyền qua. Loài người đã sống qua Bệnh Dịch Hạch rất nhiều lần trong lịch sử, đã biết nó thế nào và biết các biện pháp phải theo để phòng ngừa, các thứ thuốc men phải dùng. Cả thành phố Oran và thế giới chung quanh đồng tâm ngăn chặn, chống đỡ, tìm cách chấm dứt căn bệnh. Trong cơn bệnh dịch đó, Bác sĩ Rieux chứng kiến những bi hài kịch của loài người, và qua ông ta Albert Camus có dịp bày tỏ ý kiến, giống như Thomas Mann mượn lời Settembrini và Naphta.

Edward Lempinen: Mặc dù bị đưa đẩy từng bước đến chủ nghĩa độc tài, các cử tri của Trump vẫn trung thành với ông. Tại sao? (Berkeley News, 7/12/2020, Trần Ngọc Cư dịch)

Hơn một tháng đã trôi qua kể từ cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ, một cuộc chạy đua căng thẳng gay gắt, trong khi các thiết chế chính trị của quốc gia từng ngày tiến đến việc chấp nhận kết quả là Joe Biden của Đảng Dân chủ trở thành người chiến thắng đối với Tổng thống đương nhiệm Donald Trump của Đảng Cộng hoà. Nhưng Trump không nhìn nhận thất bại cũng không xúc tiến việc bàn giao – và dường như, điều này được sự hưởng ứng của hàng triệu người ủng hộ ông.

Các con số, có lẽ, không nói dối: Kết quả được các quan chức của cả hai đảng chứng nhận cho thấy Biden đã đánh bại Trump với hơn 7 triệu phiếu bầu. Tuy nhiên, ngay từ khi các phòng phiếu vừa đóng cửa, Trump đã khiến cả nước choáng váng với những tuyên bố thiếu bằng chứng rằng ông đã bị cướp mất chiến thắng do gian lận tràn lan, khiến hiện nay chỉ có 15% trong số 74,1 triệu cử tri của ông nói rằng chiến thắng của Biden là hợp pháp.

Làm thế nào chúng ta giải thích việc đông đảo quần chúng bác bỏ các tiến trình dân chủ – và từ chối một thực tế đã được xác minh? Trong một loạt các cuộc phỏng vấn, các học giả Đại học Berkeley trên nhiều lĩnh vực khác nhau cho rằng đây là một câu chuyện không chỉ về những con số, mà là tác động qua lại rất phức tạp của xung đột giai cấp và chủng tộc, bị làm trầm trọng thêm bởi sự tuyệt vọng và quĩ đạo đi xuống của xã hội [despair and social drift], đồng thời bị khuếch đại bởi các nền tảng truyền thông mới, hội tụ vào cái mà một số người coi là một hiện tượng tâm lý rất đáng lo ngại.

Một số ý kiến cho rằng các thế hệ ngày càng mất an ninh kinh tế đã khơi dậy sự tức giận sâu sắc, khiến nhiều cử tri thuộc tầng lớp trung lưu và lao động da trắng ôm lấy Trump, cùng với những sai sót và tất cả cá tính của ông, vì ông dám thách thức nguyên trạng của Mỹ [the American status quo].

Adam Jadhav, một nghiên cứu sinh Tiến sĩ ngành địa lý, đã đến vùng nông thôn Henry, bang Illinois, nơi ông sống thời thơ ấu, để mở cuộc nghiên cứu thăm dò các động lực của chủ nghĩa dân túy nông thôn [the dynamics of rural populism]. Ông cho rằng mặc dù bức tranh ở đó phức tạp, nhưng một người bảo thủ cứng rắn đã nói với ông thẳng thừng với đại ý như sau:

Các phiếu bầu cho Trump là “một quả lựu đạn ném vào giới quyền lực [the establishment],” ông nói với Jadhav. “Trump làm một số điều ngu ngốc, nói rất nhiều điều ngu ngốc, không ngậm miệng khi cần. [Nhưng] làm rung chuyển cả hệ thống là việc đáng làm.”

Nguyễn Hùng: Vụ 39 người - Việt Nam đứng đầu bản tin Anh

Ngay trước dịp nghỉ lễ mừng Chúa Giê-xu ra đời, những cái chết thảm của 39 nam, nữ và trẻ vị thành niên trong thùng công-ten-nơ trở lại tin đầu trong bản tin của các đài phát thanh và truyền hình tại Anh.

Lý do là bồi thẩm đoàn tại toà đại hình ở London đã kết tội ngộ sát đối với tài xế 24 tuổi Eamonn Harrison, người đưa công-ten-nơ có 39 nạn nhân tới cảng Zeebrugge ở Bỉ để tới Anh và Gheorghe Nica, 43 tuổi, một thành viên trong đường dây buôn người ở Essex, nơi chiếc công-ten-nơ cập cảng. Các quan toà sẽ quyết định mức án đối với hai người này và những người có liên quan khác trong năm mới.

Bàn thờ cô Bùi Thị Nhung, một trong số 39 nạn nhân. Hình NHAC NGUYEN/AFP via Getty Images

Trước đó hai người khác gồm người đứng đầu đường dây Ronan Hughes, 41 tuổi, người Ai-len và tài xế 26 tuổi Maurice Harrison, cũng quê Ai-len, người nhận công-ten-nơ tại cảng Purfleet ở Essex đều nhận tội ngộ sát.

Kênh ITV của Anh hôm 21/12 đã bắt đầu chương trình thời sự tối của họ bằng phóng sự công phu của nữ phóng viên Chloe Keedy với những bình luận trong đó có tuyên bố của cảnh sát rằng người ta sẽ không dùng cách băng đảng đưa 39 người tới Anh để chuyên chở súc vật.

BBC News - Tiếng Việt: Đại hội 13 - Công tác nhân sự có nên "biệt lệ hóa" mãi hay không?

Công tác nhân sự của đảng Cộng sản cầm quyền tại Việt Nam nên dân chủ hóa thay vì "biệt lệ hóa" mãi như với các trường hợp "đặc biệt" hay "siêu đặc biệt", ý kiến trong giới quan sát thời sự và chính trị Việt Nam nói với BBC vào lúc có thông tin mới do đảng Cộng sản Việt Nam đưa ra về Hội nghị 15 và công tác nhân sự.

Hôm 28/12/2020, nhiều báo chính thống của nhà nước Việt Nam đồng loạt đưa tin về việc Hội nghị Trung ương 15 của Ban chấp hành Trung ương đảng Cộng sản Việt Nam, dự kiến nhóm họp vào tháng Giêng năm 2021 ngay trước thềm Đại hội 13 của đảng này, sẽ xem xét các "trường hợp đặc biệt".

Báo mạng VnExpress thuộc Bộ Khoa học & Công nghệ hôm thứ Hai đưa tin cho hay:

"Tại hội nghị Trung ương 15 (khóa XII), Bộ Chính trị sẽ "báo cáo các trường hợp đặc biệt để Trung ương quyết định, giới thiệu ra Đại hội XIII của Đảng".

Tờ báo cho biết tại một hội nghị tập huấn tuyên truyền cho Đại hội 13 của cầm quyền dành cho báo chí Việt Nam, các đại biểu được thông báo cho biết thực hiện quy trình công tác nhân sự Đại hội này "các cơ quan chuẩn bị nhân sự Ban chấp hành Trung ương trước; sau đó là Bộ Chính trị, Ban Bí thư; rồi đến các chức danh chủ chốt gồm Tổng bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội và "trường hợp đặc biệt" được chuẩn bị sau cùng."

Cùng ngày, cũng liên quan sự kiện hội nghị này, báo mạng VietnamNet thuộc Bộ Thông tin & Truyền thông đưa tin cho hay:

"Những "trường hợp đặc biệt" tham gia BCH Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XIII sẽ được cân nhắc, xem xét kỹ lưỡng, nhiều mặt thông qua quy trình chặt chẽ trước khi trình BCH Trung ương khóa XII xem xét, quyết định."

Cũng hôm thứ Hai, báo Tuổi Trẻ cho biết thêm:

"Qua nhiều lần quy hoạch, bổ sung, điều chỉnh, Trung ương bỏ phiếu kín giới thiệu và đưa vào quy hoạch cán bộ cấp chiến lược khoảng 222 đồng chí, giảm gần 300 so với số quy hoạch khoá XII."

Chủ Nhật, 27 tháng 12, 2020

Nguyễn Đức Tùng: Trăng Màu Mận Chín

Hình minh hoạ, Phil Walter/Getty Images

Năm ấy cô mười tám tuổi, tốt nghiệp trung học, vừa thi xong kỳ thi tuyển vào trường cao đẳng. Cô mới đến Canada năm năm, từ trại tị nạn. Cô đến trường ban ngày, ban đêm làm việc ở McDonald's, đôi khi ở tiệm ăn khác. Cuối tuần cô đi lau dọn nhà cho cô giáo chủ nhiệm kiếm thêm tiền. Cô buồn ngủ suốt ngày. Những khi không đến trường, không làm việc, cô ngủ bù trong cái phòng nhỏ của mình, chật chội, ẩm, tối. Cửa sổ phòng cô nằm ngang mặt đất, nhìn ra thấy bụi cỏ xanh tốt, đôi khi một con dế dương râu nhìn cô chằm chặp. Nhưng cô nằm mơ những giấc mơ đẹp, ngoài cửa sổ hoa lê trắng, lựu đỏ, hoa anh đào hồng mọc lấm tấm. Cô thức dậy khi nghe tiếng chuột chạy. Nhà vắng, cô lục thức ăn nguội trong bếp, ngồi ăn một mình, xong thu dọn hành lý vào cái ba lô, như kiểu người ta đi hiking. Cô gặp ba cô ở cửa, ông vừa đi làm về. Đi đâu, con gái Suzanne? Con đi chơi với chúng bạn. Cô nói dối. Cô rất sợ ba cô, một người đàn ông hiền hậu nhưng nóng tính, sáu năm trong trại cải tạo biến ông thành một người khác, ít nói, rầu rĩ, cáu gắt. Ông cấm cô có bạn trai quá sớm, cấm đi chơi về khuya. Cô không bao giờ dám tâm sự với ông. Cô sẽ đi về Sakatoon bằng chuyến xe buýt đường dài, sẽ ở lại ba hay bốn đêm ở đó, trong nhà một đứa bạn gái. Để làm gì? Cô không biết rõ lắm. Cô có một giấc mộng, một kế hoạch làm giàu. Cô muốn các em cô được ở nhà sang trọng, mẹ cô không phải đi làm trong hãng may với bàn tay đau nhức, lẩy bẩy, tối nào cũng bắt cô xoa bóp. Trong khi ở đây mùa hè chim chóc hót líu lo, thì ở phía bắc Saskatchewan, trời trở lạnh. Chuyến xe buýt chạy đơn độc trên đường, về chiều tuyết bỗng xuống mịt mù, cô nhìn thấy trên ngọn đồi, dưới thung lũng, những con chó sói đầu tiên trong đời. Những con báo hoa. Mèo rừng. Những con coyotes. Những cánh đồng lúa mì đã gặt, đồng cỏ “hay” trồng cho ngựa ăn, loại cỏ cuộn thành bó tròn lăn trên mặt đất lấm tấm hạt tuyết trắng như hoa cúc. Liệu cô có thi hỏng kỳ thi vừa qua không.

Nhất Tuấn: Mimosa thôi nở

Hình minh hoạ, FreePik


Noël xưa anh nhớ
Khi hãy còn yêu nhau
Nhà thờ nơi cuối phố
Thấp thoáng sau ngàn dâu
Anh chờ em đi lễ
Chung dâng lời nguyện cầu
Mimosa... bừng nở
Đẹp như tình ban đầu
Đà Lạt mờ trăng lạnh
Đường về ta bước mau

Rồi anh hỏi khẽ em
Đã xin gì với Chúa
Trong đêm lễ Noël
Em lắc đầu chả nhớ
Nhưng hồng lên đôi má
Nắm tay anh đợi chờ
Trông em sao xinh quá
Và ngoan như nàng thơ

Mới bốn mùa thu qua
Mimosa vẫn nở
Sao mối tình đôi ta
Ai làm cho dang dở

Đêm nay Noël đây
Chuông nhà thờ khắc khoải
Gió đồi lang thang bay
Mưa buồn giăng ngõ tối

Anh quỳ bên tượng Chúa
Cúi đầu chắp hai tay
Lạy Chúa con chờ đợi
Người ngày xưa về đây
Nhưng em không về nữa
Đường khuya mưa bay bay
Mimosa thôi nở
Trong hồn anh đêm nay.



Tường Hùng: Con Gà Ống

Tôi đi nghênh ngang giữa đám cỏ may, đầu tôi quay phải, quay trái, mắt tôi nhìn một cách kiêu ngạo, chân tôi nhấc lên cao, các ngón chân quắp lại rồi mở ra từ từ đặt xuống đất, rồi chân kia lại nhấc lên, các ngón chân quắp lại rồi mở ra từ từ đặt xuống đất, cứ như thế tôi đi, nghênh ngang, như một chiến sĩ thời xưa.

Nắng lên cao chiếu xiên vào con mắt màu đồng thau của tôi, tôi nháy mắt một cái. Khỏi chói mắt, tôi lại mở to mắt, trừng trừng nhìn mọi vật. Những bông hoa dại nắng mở to màu tung ánh nắng, những bông hoa nằm trên những thân hoa mỏng manh. Các con bướm bay hỗn độn thành những điểm dài ngắn. Những đàn ve thi nhau kêu trong các lùm cây, vang từ cây này sang cây khác, gọi nhau, trả lời nhau, từ xa vang rồn rập lại, như một bản nhạc.

Một bàn tay con gái xinh xắn để trên cửa vườn. Có tiếng cười vui vẻ rồi cửa vườn mở ra, một cô gái trẻ tuổi bước vào. Theo sau là một người đàn ông trạc ngoài bốn mươi, quần áo màu xám nhạt, chân đi giầy da nhẹ, đeo đôi kính đen to che gần hết mặt.

Cô gái chợt dừng lại, để tay lên miệng, kêu lên:

“Trời ơi! Đẹp quá! Tuấn có thấy thế không?”

Người đàn ông mỉm cười, tay đặt lên lưng cô gái:

“Đẹp và trẻ như An vậy!”

An mở to mắt, gió làm rung nhẹ hàng mi, làm trong thêm màu của mắt. Các cây cỏ xanh cũng rung rung nhẹ, các bông hoa lắc lư trên nền trời cao xanh ngắt.

Từ xa, ngoài tiếng ve kêu, lại có tiếng gõ mõ tụng kinh nổi lên. Tiếng mõ đều đều chìm nổi trong tiếng ve. 

Hai người nhìn nhau mỉm cười:

“Một cái vườn hoang đầy cỏ rậm!”

Nguyễn Hữu Phước: Chữ Việt Gốc Tàu

Sau đây là những chữ viết tắt sẽ dùng trong bài cho việc đọc được dễ dàng.

VN = người Việt Nam, hoặc tiếng Việt.
TH = Người Trung Hoa (còn gọi là người Hoa), trong sách VN, còn gọi là người Tầu, (hay Tàu), người “Hán”; chữ TH, chữ Hán = chữ Tàu = chữ “nho”.
HV = Tiếng Hán Việt, giọng đọc HV; chữ HV = chữ ký âm giọng HV bằng mẫu tự của chữ quốc ngữ VN (thí dụ chữ “điện đàm” = nói chuyện bằng điện thoại).
QĐ = tiếng TH giọng Quảng Đông, người QĐ.
TC = tiếng TH giọng Triều Châu, người TC còn gọi là người Tiều.
QT = tiếng TH giọng Quan Thoại hay giọng Bắc Kinh (có nơi gọi là Bạch thoại); giọng nói được dùng làm giọng chung cho cả quốc gia TH vì TH tuy dùng một thứ chữ viết nhưng có trên vài chục giọng nói (phương ngữ) khác nhau. 

Hầu hết những chữ Việt gốc Tàu đều có trong quyển Tầm Nguyên Tự Điển Việt Nam của cố Giáo sư Lê Ngọc Trụ (LNT). Những chú thích cách đọc theo HV cũng từ quyển nầy.
*

Người Tàu Đến Vùng Đồng Nai – Cửu Long Từ Lúc Nào?


Sử sách chép rằng người TH đã có mặt ở VN từ hơn hai ngàn năm trước; nhưng con số lúc đó chắc là ít lắm. Miền Bắc gần ranh giới TH, nên có một số thương gia Tàu sang VN buôn bán. Nhưng đợt di dân quan trọng nhất của người TH vào VN xảy ra vào thế kỷ 17. Số là vào khoảng giữa thế kỷ 16 thương gia TH và Nhật đã dùng một số hải cảng của VN (ở miền Bắc và Trung) trong việc buôn bán vì thương gia TH không thể giao thương trực tiếp với các đối tác người Nhật tại lãnh thổ Nhật vì có lệnh cấm buôn bán với Nhật do nhà Thanh của TH đưa ra (Trần Gia Phụng).

Sau khi người Mãn Châu chiếm và cai trị toàn lãnh thổ TH và lập nên Nhà Thanh (1644-1911), có một số cựu thần nhà Minh không chịu đầu hàng. Họ lập phong trào “Bài Mãn Phục Minh.” Địa bàn hoạt động của họ mạnh nhất ở các tỉnh giáp giới với VN. Sự kiện nầy đã làm cho miền biên giới Hoa – Việt trở nên một vùng giặc giã liên miên “đã khiến dân Việt (vùng biên giới) vô cùng thống khổ vì đám giặc ‘Tàu Ô’ nầy” (Ngô Thế Vinh).

Thứ Bảy, 26 tháng 12, 2020

*Song Thao: Các Bà Phần Lan

Trong bài “Harris ở Montreal” tôi nhân cơ hội nước Mỹ lần đầu tiên có phụ nữ đạt tới chức Phó Tổng Thống “Chờ”, nên nhắc tới nhiều nước đã có các bà làm lớn. Tính ra tới khoảng 160 bà. Tôi hài tên một số bà quen biết tại một số nước trên thế giới. Phần Bắc Âu, tôi chỉ nhắc sơ sơ. Anh Nguyễn Bá Trạc, tác giả cuốn “Người Di Cư Nhức Đầu Vừa Phải”, đọc và thấy…nhức đầu. Trước đây anh sống tại San Jose, nay theo vợ về an hưởng tuổi già ở Turku, Phần Lan. Anh nhắc tôi phụ nữ làm lớn tại Phần Lan có nhiều, và chuyện hay cũng nhiều. Anh viết cho tôi như sau:

Bà cựu Tổng Thống Phần Lan Tarja Halonen
“Còn vấn đề phụ nữ, anh nên tìm đọc về bà Tổng Thống Phần Lan thời 2000-2012, tên là bà Tarja Halonen. Đây là một bà già xấu xí mà tốt bụng, mùa hè thường đến nghỉ ở Turku nơi chúng tôi ở, bà ấy thường đi cái xe đạp lạch cạch trên đường quê một thân một mình. Nhưng với diện mạo quê mùa mà bà già đã sớm nhìn thấy thế giới đang thay đổi rất nhanh chóng, cần phải mở rộng tầm nhìn để thúc đẩy và tận dụng các sáng kiến. Bà ấy nói: "Thế giới toàn cầu hoá có thể sẽ tạo ra những thách thức mới, tuy nhiên có thể những sáng kiến mới sẽ là giải pháp cho những thách thức này. Mục tiêu tương lai của chúng ta là kết hợp xã hội phúc lợi với tính cạnh tranh. Đây không phải là hai khía cạnh đối lập mà có tính song hành". Ngoài ra chắc chắn anh sẽ có những phút giây vui vẻ khi tìm đọc về bà Sanna Marin, thủ tướng trẻ trung 35 tuổi với một nội các toàn phụ nữ, chịu khó gú gồn anh sẽ thấy nhiều chuyện thú vị để đọc và viết. Bà này thường mặc áo hở ngực và thản nhiên vạch vú cho con bú. Mẹ bà này là phụ nữ đồng tính. Bà này được hai bà mẹ đồng tính nuôi cho đến khôn lớn trưởng thành”.

Phải cám ơn anh Trạc đã mách cho tôi biết tới những nữ lưu Phần Lan, một đất nước nhỏ bé, diện tích chỉ có 338.144 cây số vuông với dân số vỏn vẹn có 5 triệu 300 ngàn người. Bé nhưng là thứ bé hạt tiêu. Đứng hạng 10 thế giới về số người tốt nghiệp đại học với tỷ lệ 37%. Nhân đây cũng tạt qua Canada của chúng tôi một chút vì đất nước này đứng đầu thế giới về trình độ trí thức với 50% dân số có bằng đại học. Sản lượng GDP của Canada, tính theo đầu người là 39.070 đô trong khi Phần Lan là 36.585 đô. Dân Phần Lan là dân đẻ bọc điều vì được hưởng những phúc lợi cao trong một xã hội dân chủ xã hội, lo cho dân chúng từ khi nhỏ tới lúc về già, không một thành phần dân chúng nào bị bỏ rơi bên lề xã hội.


Hà Kỳ Lam: Mưa Gió Xa Muôn Trùng

Qua truyện nầy, tác giả xin thắp một nén hương lòng cho nhạc sĩ Văn Cao. 


Mới hơn tám giờ tối mà mọi nhà trong khu quận lỵ nhỏ bé này đều cửa đóng then gài. Chỉ có ánh đèn le lói qua các khe hở của vách ván hay qua các song cửa là dấu hiệu người ta còn thức. Mưa vẫn nặng hạt và đều đều với từng cơn gió thỉnh thoảng đẩy làn mưa thành những đường chỉ buông xiêng xiêng trước ánh đèn xe. Có lẽ một phần vì tình hình chiến sự có vẻ bất ổn sau một loạt đột biến như các vụ di tản chiến thuật ở miền Trung, rồi ở Cao Nguyên, và một phần vì trời mưa nên người dân ở đây đi nghỉ sớm. Chiếc xe jeep nhà binh dừng trước một căn nhà mái tôn với ánh đèn bên trong hắt qua các khe cửa sổ lá sách đã đóng lại. Rạng nhảy ra khỏi xe, và tài xế cho xe lao đi. Chàng dò dẫm mấy bực thềm trước khi có thể chạm tay vào cánh cửa. Chàng đứng im nghe ngóng mấy giây. Im phăng phắc – không có lấy một tiếng xầm xì bên trong. Dán mắt vào một khe hở của vách ván, Rạng vừa thoáng thấy bóng dáng Trâm đang ngồi chấm bài bên ngọn đèn dầu hỏa. Trâm là một cô giáo mấy năm nay.

Rạng đưa tay định gõ cửa, nhưng dừng lại. Tiếng gõ cửa ban đêm thường làm người ta sợ. Chàng nói lớn nhưng ôn tồn:

“Trâm mở cửa cho anh. Rạng đây!”

Một cánh cửa sổ hé mở và một mái tóc xõa in hình trong khung cửa, rồi một giọng con gái reo vui:

“Anh Rạng!”

Cửa mở. Rạng bước vào nhà với bộ quần áo trận phong trần lấm tấm những hạt mưa, và Trâm đứng nép một bên nhường lối. Nàng nhìn Rạng từ đầu đến chân rồi hỏi:

“Thật là lâu anh mới đến. Đi công tác một mình hay cả đơn vị?”

“Bọn anh lại sắp được ném vào một lò lửa nào đây. Lâu quá nay mới có dịp qua vùng này nên ghé thăm hai bác và Trâm.”

“Ba má em lên Sài Gòn lo đám hỏi cho anh Trực, mai mới về. Tối nay anh ở lại đây nhé. Một năm rồi anh mới ghé. Đi đâu mà biệt tích lâu dữ vậy?”

Sơn Diệm Vũ Ngọc Ánh: Câu Chuyện Âm Nhạc - Kỳ 4 (Tiếp theo và hết)

Bài hát Việt thứ ba chinh phục tâm hồn tôi là một bản nhạc có lẽ không ai có thể ngờ tới. Một bản nhạc mà hầu như mọi người Miền Nam tự-do đều ghét cay ghét đắng. Tôi nói vậy, chắc quý vị đã đoán ra được phần nào. Đúng vậy, thưa quý vị, đó là bản “Tiến quân ca”của Văn Cao, tức quốc ca của Cộng-sản Việt Nam.

Tôi còn nhớ như in buổi tối hôm đó, buổi tối ngày 18 tháng 8, 1945, một buổi tối thực oi-ả nóng nực, tôi cùng một số bạn bè giải chiếu ngoài hiên hóng gió, đọc báo và bàn luận về những tin nóng bỏng liên quan tới thế-giới và đất nước: Hoa-kỳ vừa mới thả bom nguyên-tử trên đất Nhật cách đó mấy hôm, Nhật-hoàng đã xin đầu hàng, “đồng chí” Nguyễn Ái Quốc từ Trung Hoa đã về tới chiến-khu Thái Nguyên, và anh em chúng tôi được báo chuẩn-bị “cướp” chính quyền. Giữa lúc đó anh Nguyễn Ngọc Huyễn (giám-đốc và phát-ngôn viên của Bộ Thông tin trước 75) hớt-hải đạp xe đạp từ chiến-khu Rịa mang về một bài hát tựa là “Tiến quân ca,” nói là phải tập để hát vào ngày mai vì nó sẽ có thể là bài quốc ca mới của Việt Nam. Tôi cấp tốc hát thử trước rồi tập cho anh em hát ngay sau đó. Bài ca thiệt đơn giản, nét nhạc cũng như lời ca rất thường, không có gì đặc biệt, nhưng không hiểu tại sao, càng hát chúng tôi càng thấy thấm thía, thấm thía đến nghẹn ngào, tưởng như không thể tiếp tục hát. Một phần lớn có lẽ do hoàn cảnh sôi động lúc đó. Riêng tôi hát mà nước mắt như muốn trào ra. Mấy tháng trước chính-phủ Trần Trọng Kim sau khi sửa lại ít lời đã lấy bài “Tiếng gọi sinh-viên” của Lê Hữu Phước làm quốc ca. Vì đã quá quen thuộc với bài hát, quen thuộc đến nhàm chán, nên ngay từ buổi đầu chúng tôi đã chẳng có cảm-giác gì đối với bài “Này công-dân ơi!” nếu không muốn nói là không có mấy thiện cảm. Đối với tôi, bài “Tiến quân ca” giống như một mối tình đầu bị phản bội, và cũng chỉ vì yêu nên sau này tình thành hận. Ngược lại, bài “Tiếng gọi công dân” giống như một cô hàng xóm vô duyên cha mẹ lấy cho, tuy chẳng có mấy cảm tình, nhưng sau bao năm chăn gối, hoạn nạn, vui buồn, sống chết có nhau, dù không có tình cũng có nghĩa. Quan-niệm của riêng tôi về mấy bài quốc ca Việt Nam là như vậy, chẳng biết các bạn đọc nghĩ sao? 

Thứ Sáu, 25 tháng 12, 2020

Trần Mộng Tú: Mùa Lễ Hội Năm 2020

Hình minh hoạ, SOEREN STACHE/DPA/AFP via Getty Images


Vẫn nhớ nhau sao không tìm gặp
Tay lạnh quá sao không tìm tay
Bốn bàn chân đi về hai phía
Nụ cười buồn se lòng cỏ cây

Những chiếc áo nhìn nhau trong tủ
Phấn son nào cũng lạ hồng nhan
Khung điện toán cả ngày bật sáng
trắng xóa tìm nhau trong chấm than (!)

Lời chúc thật mà nghe như giả
Hẹn ngày gần ngày vẫn thật xa
Ngoài cửa sổ con chim xoãi cánh
Muốn gửi tình ….chốn ấy sương pha

Năm đã vơi sẽ đầy trở lại
Người thân mất… ngàn năm vực sầu
Ngọn nến thắp nhỏ nhoi đốm lửa
Trái tim ơi! vẫn đập cho nhau.

tmt
Xmas 2020



Nguyễn Lê Hồng Hưng: Về Nhà Trước Giáng Sinh

Mấy năm trước mỗi khi trở lại bán đảo Scandinavia vào tháng mười hai dương lịch, nhứt là vào những ngày tuyết trắng ngập đường, tôi hay khoác áo dầy và choàng khăn cho ấm người rồi lên bờ đạp tuyết đi chơi. Sự trong lành của thiên nhiên và cảnh vật thật tuyệt vời, trước cửa mỗi nhà và trên những tàn cây trong phố đều có treo đèn, tôi rất thích những bóng đèn li ti màu trắng kết thành những hình con nai kéo xe, con thỏ ngồi và ngôi sao treo trên những cành cây, tuy không màu mè nhưng rất linh động giữa khí trời lạnh giá. Cảnh thanh bình của bán đảo làm cho tôi cảm thấy yên tâm và những bóng đèn đường phát ra thứ sáng đùng đục trên lớp tuyết trắng tươi làm lòng tôi thêm phần ấm áp. 

Cả tháng qua tuần nào tàu cũng ghé Copenhagen, Stockholm, Oslo, Kristiansand, những thành phố rất thích hợp cho thủy thủ đổ bộ đi lang thang, nhưng thủy thủ chúng tôi đã bị Covid 19 cột chưn trên tàu. Tôi đang đứng ngoài boong nhìn lên bến cảng trong khung cảnh ướt và lạnh nhưng rực rỡ sắc màu mà nghe trong dạ bồn chồn. Chợt thuyền phó tới bên nói với tôi: 

– Thuyền trưởng gọi ông. 

– Chi vậy? 

– Tui cũng hổng biết. 

Tôi phải leo cầu thang lên tầng thứ năm của mui tàu mới tới phòng lái. Thuyền trưởng đang đứng uống cà phê với hoa tiêu, thấy tôi lên ông chào và hỏi tôi uống cà phê không. Tôi không muốn mất thời gian cho cà phê nên nói lời cảm ơn và hỏi:

– Thuyền trưởng gọi tôi có chuyện gì? 

Ông đưa tôi một tờ giấy có mấy hàng chữ in ra từ email của công ty gởi cho tôi, ông nói: 

– Tàu tới Antwerep Bếp được về nhà. 

Nguyễn Ngọc Chu: Chợt nhớ đến ông Nicolae Ceausescu

Truyền thông đưa tin tổng thống Nga Putin mới ký một đạo luật - đảm bảo quyền miễn trừ truy tố suốt đời cho các tổng thống Nga sau khi rời nhiệm sở. Theo đó, không chỉ đảm bảo quyền miễn trừ truy tố suốt đời với các cựu tổng thống Nga, mà còn có các biện pháp bảo vệ đối với gia đình các cựu nguyên thủ (https://laodong.vn/.../ong-putin-ky-luat-mien-tru-truy-to...) . Như vậy là ông Putin, và các cựu tổng thống Nga tiền nhiệm từ sau khi Liên xô tan rã, sẽ không bị đưa ra tòa vì các tội hình sự hay hành chính sau khi rời Điện Kremlin.

CHLB Nga từ khi Liên Xô tan rã mới chỉ có 3 tổng thống. Đó là ông Yeltsin, ông Putin và ông Medvedev. Ông Yeltsin thì đã không còn nữa (01/2/1931-23/4/2007). Nên nếu đạo luật này có hiệu lực khi ông Putin đương quyền, thì chỉ áp dụng cho ông Putin và ông Medvedev. Sau khi ông Putin rời quyền lực, có thể xẩy ra trường hợp Duma quốc gia Nga huỷ bỏ đạo luật mà ông Putin vừa mới ký.

ÂN XÁ MỚI LÀ PHƯƠNG THUỐC CỨU CÁNH


Các đạo luật thông qua khi đương ở đỉnh cao quyền lực mà chỉ phục vụ cho người ở đỉnh cao quyền lực lúc đó - thì sẽ bị đời sau thay đổi. Cho nên, nếu có tội thì cầu mong ân xá của tổng thống đương nhiệm, chứ khó hy vọng ở quyền miễn trừ truy tố suốt đời tự mình đưa ra.

Chưa thấy trường hợp tổng thống tự ân xá cho mình. Nhưng ân xá cho tổng thống khác thì đã có.

Khi lên nắm quyền, tổng thống Hàn Quốc Kim Young-sam (nhiệm kỳ 1993-1998) đã kết tội tham nhũng và phản quốc rồi bắt giam hai tổng thống tiền nhiệm là Choon Do-hwan (1980-1988) và Roh Tae-woo (1988-1993). Nhưng cuối nhiệm kỳ thì tổng thống Kim Young-sam đã ân xá cho cả hai ông Choon Do-hwan và Roh Tae-woo vì tinh thần hoà giải dân tộc.

RFA: Năm 2020 - Thiên tai bất thường, thiệt hại tăng nặng hơn do ‘nhân tai’

Trong năm 2020, thiên tai tại Việt Nam được các chuyên gia nhận định là diễn biến phức tạp, bất thường trên nhiều vùng miền... với nhiều loại hình thiên tai như bão từ biển Đông, dông lốc, lũ quét, sạt lở đất, hạn hán, sụt lún đê biển... Đặc biệt là 13 cơn bão, mưa lũ lịch sử, sạt lở đất kinh hoàng... khiến miền Trung phải trải qua 45 ngày liên tục nhấn chìm trong bão lũ.

Thiên tai khốc liệt


Những năm gần đây, chưa bao giờ Việt Nam phải hứng chịu thiên tai dồn dập như vậy. Chỉ riêng từ giữa tháng 9 đến giữa tháng 11 năm 2020, bão, lũ xảy ra liên tiếp tại khu vực miền Trung với cường độ rất mạnh, trên phạm vi rộng đã gây thiệt hại rất lớn về người và tài sản.

Việt Nam nằm cạnh Biển Đông với bờ biển dài, năm nào cũng phải hứng chịu bão lũ. Nếu tính riêng từ Thanh Hóa đến Bình Thuận, bờ biển miền Trung dài 1.200km, mùa mưa bão ở miền Trung thường kéo dài từ tháng 7 đến tháng 11. Mỗi năm trung bình có khoảng 5 - 8 cơn bão, tuy nhiên năm 2020, con số này tăng gần gấp đôi.

Chị Hồ Tất Ngôn, một người dân ở Quảng Trị khi trả lời RFA hôm 21/12 nhớ lại khi bão lũ tấn công nhà mình vào tháng 10 năm 2020:

“Năm lụt ni là nhà Chị lên sâu 2 mét lận... hơn mấy năm trước hết... đồ trôi hết... của chi, tủ đồ chi, bàn trôi hết, tủ lạnh chi ướt hư hết, máy cày chi cũng hư hết, xe chi cũng hư. Năm nay thì chính phủ cũng cho nhiều hơn mấy năm trước vì lụt nhiều, vô ngâm hết hai ba ngày, mà vô hai đợt luôn... do trời mưa to thì nước to và do họ xả đập đó.”

Tại Hội nghị ‘Tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ các cấp làm công tác phòng chống thiên tai và xây dựng nông thôn mới’ diễn ra hôm 21 tháng 12, đại diện Văn Phòng Thường Trực Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống Thiên tai của Việt Nam thừa nhận lại rằng năm 2020 thiên tai diễn biết phức tạp, khốc liệt, dị thường ở các vùng miền trên cả nước. Từ đầu năm đến lúc đó tổng số trận thiên tai ghi nhận được là hơn 458, khiến 342 người chết và mất tích. Thiệt hại về kinh tế ước tính lên đến hơn 33.500 tỷ đồng.

Thứ Năm, 24 tháng 12, 2020

Ngô Nhân Dụng: Các thiên tài của ông Putin

Tổng thống Nga, Vladimir Putin.Hình ALEXEI DRUZHININ/Sputnik/AFP via Getty Images

Trong một tuần lễ, cả nước Mỹ xáo động vì bị tin tặc tấn công toàn diện và vũ bão. Mặc dù đã chuẩn bị ngưng chiến từ bao năm nay, với một hệ thống phòng thủ đặt tên là Einstein, cho thấy toàn những người thông minh làm các công việc thông minh tuyệt vời. Trong chốc lát, ai cũng thấy hệ thống phòng vệ này mong manh không khác gì dẫy hào lũy Maginot mà nước Pháp đã hãnh diện bỗng tan rã khi bị Đức Quốc Xã tấn công năm 1940!

Ông Vladimir Putin có thể ngồi xoa bụng mỉm cười hể hả. Tất cả các chuyên viên tin học đồng ý rằng chỉ có một số người đủ khả năng mở cuộc tấn công lớn như vậy trong gần một năm trời mà các mạng lưới chống tin tặc của Mỹ không hay biết gì hết! Đó là SVR, tổ chức phản gián quốc ngoại hoặc GRU, cơ quan tình báo của quân đội Nga.

Phải nói rằng các chiến sĩ tin tặc Nga mưu mẹo thần tình. Họ dùng cửa sau để tấn công; cài “vi khuẩn tin học” vào các chương trình do công ty SolarWinds ở Mỹ đang bán cho 300,000 khách hàng. Nhờ lối đó, họ xâm nhập máy vi tính của 400 trong số 500 công ty lớn nhất ở nước Mỹ; và các cơ quan chính phủ: Bộ Ngoại giao, Nội An, Thương mại; bộ Năng lượng phụ trách các cơ sở nguyên tử lực kể cả các kho bom; bộ Tài chánh, chuyên theo dõi các vụ chuyển tiền hợp pháp hay bất hợp pháp; Viện Y tế Quốc gia (NIH) đang theo dõi những khám phá phòng chống và trị bệnh dịch Covid-19. Trong số các “nạn nhân” bị cài vi khuẩn có các đại công ty Cisco, nhà làm chip điện tử như Intel, Nvida, công ty VMware chuyên về tin học đám mây (cloud-computing), Belkin, bán dụng cụ nối mạng cho khách hàng.

Daniel Yergin: Biển Đông - Vùng biển quan trọng nhất của thế giới ( Bản dịch bài The Ghosts Who Haunt the South China Sea, Atlantic, December 15, 2020 - Người dịch: Võ Xuân Quế)

Biển Đông (South China Sea) là nguồn nước quan trọng nhất đối với nền kinh tế thế giới - ít nhất một phần ba thương mại toàn cầu luân chuyển qua nó. Đây cũng là vùng biển nguy hiểm nhất trên thế giới, nơi quân đội Mỹ và Trung Quốc có thể dễ dàng va chạm nhất.

Trong vài năm qua các tàu chiến của Trung Quốc và Mỹ gần như không ngăn chặn được một số sự cố ở đó và quân đội Trung Quốc đã cảnh báo về các máy bay phản lực của Mỹ bay phía trên nó. Vào tháng 7, hai nước đã tiến hành các cuộc tập trận hải quân cạnh tranh trong vùng biển đó. Với cái được gọi là “sự cạnh tranh chiến lược” ngày càng tăng giữa Washington và Bắc Kinh, bóng ma về một sự cố có thể dẫn đến một cuộc đối đầu quân sự lớn hơn khiến các nhà chiến lược ở cả hai thủ đô bận tâm.

Những căng thẳng này xuất phát từ sự bất đồng giữa hai nước về việc liệu Biển Đông có phải là lãnh thổ của Trung Quốc hay không, một cuộc tranh cãi nói lên tranh chấp sâu sắc hơn về chủ quyền biển, cách quyết định chủ quyền và các quyền cơ bản đi lại trong các vùng biển đó.

Vì vậy, thế đối đầu trên Biển Đông có nhiều mức độ phức tạp. Nó không chỉ đơn giản là về vùng lãnh hải, hay một ranh giới duy nhất. Như Tommy Koh, một nhà ngoại giao cấp cao của Singapore, người dẫn đầu các cuộc đàm phán để thành lập Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển, đã nói với tôi, “Biển Đông là về luật pháp, quyền lực và tài nguyên, và về lịch sử”.

Lịch sử đó đặc biệt bị ám ảnh bởi bốn bóng ma từ những thế kỷ trước, bóng của họ đổ xuống Biển Đông, di sản của họ tạo nên sự cạnh tranh ngày càng sâu sắc trong khu vực; những nhân vật lịch sử mà cuộc đời và công việc của họ đã định hình những tranh chấp về chủ quyền và tự do hàng hải, sự cạnh tranh của hải quân, cũng như chiến tranh và những cái giá phải trả.

Trong quá trình viết cuốn sách Bản đồ mới của mình, tôi bắt đầu nghĩ về những người này. Khi tôi nói về những thách thức của toàn cầu hóa và thương mại quốc tế tại Trường Cao đẳng Chiến tranh Hải quân Hoa Kỳ (U.S. Naval War College) ở Newport, Rhode Island, các chỉ huy của hầu như tất cả các lực lượng hải quân trên thế giới đều có mặt ở đó, tất cả đều rạng rỡ trong bộ quân phục đô đốc của họ. Trong số đó có Đô đốc Wu Shengli, người đứng đầu hải quân Trung Quốc vào thời điểm đó và là người đang thúc đẩy sự mở rộng của nó để cạnh tranh với Hải quân Mỹ. Lúc đó Biển Đông đã trở thành tâm điểm tranh cãi. Wu ngồi ở giữa khán giả, ở hàng thứ năm hoặc thứ sáu, ánh mắt ông ấy không dao động suốt buổi.

Joaquin Nguyễn Hòa: Trump và tin vịt đã giúp đỡ các chính quyền độc tài như thế nào?

Một tác giả người Việt Nam, cô Mai Trương, nghiên cứu sinh khoa học chính trị từ đại học Arizona, có bài phân tích trên tạp chí The Diplomat, nói rằng nhiệm kỳ tổng thống Hoa Kỳ của ông Donald Trump và diễn biến cuộc bầu cử 2020 đã giúp các quốc gia độc tài châu Á giải quyết được sự chống đối chế độ độc tài từ người dân trong nước.

Tác giả Mai Trương mở đầu bài phân tích của mình bằng nhận xét rằng, với sự cầm quyền của Joseph Biden tới đây, các chính quyền độc tài sẽ bị tăng sức ép về dân chủ và nhân quyền từ Mỹ, nhưng họ không cần quá lo lắng vì bốn năm cầm quyền của ông Trump cho thấy rằng, dân chúng ở các nước này thích một nhà lãnh đạo mạnh mẽ hơn là một nền dân chủ mạnh mẽ, và dân chúng rất dễ bị thao túng bởi tin vịt. Phân tích của cô Mai Trương chủ yếu dựa trên quan sát tại ba quốc gia và vùng lãnh thổ là Trung Quốc, Việt Nam và Hồng Kông. Tác giả nêu ba ý chính:

Thứ nhất, việc ông Trump không chấp nhận kết quả thua cuộc, cứ nằng nặc nói rằng cuộc bầu cử gian lận, là một món quà tuyệt vời cho các chế độ độc tài Đông Á. Các chế độ này xưa nay vốn lo lắng về mô hình dân chủ phương Tây mà dẫn đầu là Mỹ, hấp dẫn công dân của họ, kích thích họ phản đối, thách thức các biện pháp độc tài. Nay những lời buộc tội, dù vô căn cứ của ông Trump, giúp cho các chính quyền độc tài Đông Á, chứng minh cho dân chúng của họ thấy rằng, nền chính trị dân chủ Mỹ và phương Tây là yếu kém.

Tác giả nêu ví dụ về việc lần lữa không chúc mừng ông Biden thắng cử của nhà cầm quyền Việt Nam. Ngoài việc tính toán ngoại giao (ông O’Brien cố vấn an ninh của ông Trump lúc ấy đang thăm Việt Nam), có thể nhà cầm quyền Việt Nam cũng nghĩ rằng, kết quả có thể đảo ngược, và nếu nó xảy ra, có nghĩa là mô hình dân chủ là một mô hình yếu kém. Song song với việc lần lữa đó, báo chí do nhà nước Việt Nam quản lý, liên tục đưa tin về các cáo buộc do phe ông Trump đưa ra, mà lại không đưa ra kết quả của những phiên tòa bác bỏ các cáo buộc này. Hình ảnh đó, trước mắt công chúng Việt Nam chứng tỏ dân chủ ở Mỹ chỉ là dân chủ giả hiệu.

Phạm Phú Khải: Độc tài, nhân quyền và tin giả

Sự thật sẽ giải thoát con người – “The Truth will set you free”

Tin giả (bao gồm thông tin gây thất thiệt/ disinformation và thông tin tuyên truyền/ propaganda) đang là một trong các mối đe dọa lớn nhất hiện nay đối với nhân quyền và mọi nền dân chủ.

Trước hết, chúng ta cần nhớ rằng nó không ảnh hưởng bao nhiêu lên các thể chế độc tài/cộng sản. Lý do? Một, họ kiểm soát mọi phương tiện truyền thông một cách chặt chẽ, kể cả các mạng truyền thông xã hội. Facebook đồng ý kiểm duyệt thông tin có vẻ “bất hợp pháp” tại VN (tức chống chính quyền) từ tháng Tư năm nay, và ngày càng nhượng bộ chính phủ Việt Nam trước yêu cầu phải kiểm soát nội dung nhiều hơn nữa, nếu không sẽ bị đóng cửa. Tại Thái Lan, Facebook cũng hành xử tương tự như thế. Hai, họ là chủ mưu tạo ra các thông tin một chiều và kể cả dựng chuyện. Với bản chất trí trá và thiếu chính danh/nghĩa, họ phải dồn bao nỗ lực để tuyên truyền đánh bóng cho chính mình, để người dân tiếp tục tin tưởng vào vai trò lãnh đạo của họ. Vì thế, những gì được phổ biến chính thức thì đã được nhào nặn, bóp méo, hay có khi được đổi trắng thành đen, để định hình và uốn nắn tư tưởng của người dân.

Chống lại cung cách nhìn nhận và quản lý thông tin độc đoán như thế là điều mà tất cả những ai yêu chuộng lẽ phải và công lý cần phải làm. Nhưng điều nghịch lý là nhiều người có lập trường chống cộng/độc tài cũng bị rơi vào các vòng luẩn quẩn như vậy. Một, dễ tin vào các tin giả mà có khi mục tiêu sâu xa, thầm kín của nó là đi ngược lại lẽ phải và sự thật. Hai, đi phát tán tin giả mà họ tin là thật, chẳng khác gì làm cái loa tuyên truyền cho chuyên chế. Ba, chính nhiều người chống cộng/độc tài lại tạo ra bao nhiêu tin giả. Trong thâm tâm, họ nghĩ rằng để chống lại tuyên truyền thì cũng phải tuyên truyền.

Rốt cuộc tuyên truyền và phản tuyên truyền tưởng đối nghịch nhau, tưởng hai thái cực, nhưng nếu bẻ cong lại thành vòng tròn, thì gặp nhau. Chung điểm.

Thứ Tư, 23 tháng 12, 2020

David Shambaugh: Cạnh tranh chiến lược Mỹ – Trung ở Đông Nam Á (Vũ Duy Mẫn dịch)

Khu vực này tiết lộ gì về tương lai của cạnh tranh Mỹ-Trung?

Khi Tổng thống đắc cử Joe Biden và chính quyền sắp tới của ông bắt đầu đưa ra chiến lược nhằm quản lý sự cạnh tranh ngày càng gay gắt giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, họ cần chú ý đến Đông Nam Á. Cuộc đua với Trung Quốc hiện đang diễn ra trên toàn thế giới và trên tất cả các lĩnh vực — ngoại giao, thương mại, an ninh, tầm ảnh hưởng, hệ tư tưởng, giá trị, giáo dục, khoa học và công nghệ, v.v. Sự cạnh tranh trong những lĩnh vực này ở Đông Nam Á đại diện cho một mô hình thu nhỏ và báo trước về cách nó có thể phát triển ở những nơi khác trên thế giới. Kết quả ở đó ít nhất sẽ ảnh hưởng đến phần còn lại của khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương rộng lớn, vốn ngày càng trở thành trung tâm trong các vấn đề quốc tế.

Trong những năm gần đây, nhiều nước Đông Nam Á dường như đang “ngả theo” và thiết lập quan hệ chặt chẽ hơn với Bắc Kinh. Nhiều chuyên gia và quan chức trong khu vực và các nơi khác phát hiện ra sự thay đổi trong cán cân quyền lực và ảnh hưởng, một yếu tố có lợi cho Trung Quốc hơn Hoa Kỳ. Nhưng các nhà quan sát không nên phóng đại xu hướng này hoặc mong đợi nó sẽ tiếp tục vô thời hạn. Trung Quốc vẫn chưa thống trị Đông Nam Á và chắc chắn sẽ không làm được như vậy trong tương lai. Với các chính sách và cách tiếp cận đúng đắn, Washington có thể đối trọng với Bắc Kinh trong khi thúc đẩy các lợi ích của chính họ và đóng góp vào sự ổn định, an ninh và phát triển trong khu vực.

TẠI SAO ĐÔNG NAM Á LÀ QUAN TRỌNG


Đông Nam Á quan trọng. Đó là một khu vực năng động và trải rộng, kéo dài 1,7 triệu dặm vuông: hơn 3.000 dặm từ đông sang tây và hơn 2.000 dặm từ bắc xuống nam. Khu vực này bao gồm 11 quốc gia, 10 trong số đó là thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Với tổng dân số 636 triệu người, Đông Nam Á là một trong những khu vực đông đúc nhất trên hành tinh. Kích thước nhân khẩu học phù hợp với quy mô của sự đa dạng tôn giáo và văn hóa của nó, với 240 triệu người Hồi giáo, 140 triệu Phật tử, 130 triệu Cơ đốc giáo và bảy triệu người Ấn Độ giáo sống ở Đông Nam Á. Đây cũng là một khu vực đa nguyên về chính trị, bao gồm năm loại hệ thống chính trị khác nhau, từ các nhà nước theo chủ nghĩa Lênin đến các nền dân chủ hoàn toàn. Về mặt kinh tế, Đông Nam Á đã có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất so với bất kỳ khu vực nào trên thế giới kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Ngày nay, các thành viên của nó hợp lại tạo thành nền kinh tế lớn thứ sáu trên thế giới, với tổng GDP là 2,8 nghìn tỷ USD vào năm 2018.

VOA Tiếng Việt: Biển Đông - Tàu khu trục Mỹ thực thi quyền tự do hàng hải gần quần đảo Trường Sa

Hải quân Hoa Kỳ hôm 22/12 điều một tàu khu trục tới gần quần đảo Trường Sa trong vùng Biển Đông đang tranh chấp để “thách thức những hạn chế đối với quyền tự do đi lại vô hại do Trung Quốc, Việt Nam và Đài Loan áp đặt.”

Động thái này diễn ra sau khi quân đội Hoa Kỳ cảnh báo trong một tài liệu hồi tuần trước rằng Hoa Kỳ sẽ hành động “quyết đoán hơn” chống lại Bắc Kinh.

Tài liệu của quân đội Mỹ đề ra những mục tiêu cho Hải quân, Thủy quân Lục chiến và Lực lượng Tuần Duyên Mỹ trong năm 2021.

Trong một tuyên bố đưa ra vào chiều ngày thứ Ba 22/12, ông Tian Junli, người phát ngôn của Bộ Chỉ huy Chiến Khu Miền Nam của Quân đội Giải Phóng Nhân dân Trung Quốc, nói rằng tàu khu trục John S. McCain đã đi ngang gần quần đảo Trường Sa mà Trung Quốc gọi là Nam Sa.

“Hoa Kỳ thách thức các tuyên bố chủ quyền quá đáng trên các vùng biển khắp thế giới, bất chấp nước tuyên bố là nước nào,

Hạm đội Thái Bình Dương của Hoa Kỳ

“Trung Quốc cực lực chống đối cách hành xử này của Mỹ, vốn phương hại tới quyền chủ quyền và an ninh của Trung Quốc, gây gián đoạn nghiêm trọng tới hòa bình và ổn định tại Biển Nam Trung Hoa,” ông Tian nói. Ông nói thêm rằng tàu khu trục Mỹ đã bị xua ra khỏi khu vực sau lời cảnh cáo của quân đội Trung Quốc.

Một tuyên bố của Bộ Tư Lệnh Hạm đội Thái Bình Dương của Hoa Kỳ xác nhận sứ mạng của tàu khu trục Mỹ trong trang tin tức Naval News hôm thứ Ba 22/12, nói rằng đây là hoạt động của Mỹ để khẳng định quyền tự do hàng hải.

Thông báo viết:

Nguyệt Quỳnh: Chiếc Khiên của Trần Hoàng Phúc

(VNTB) – “Hãy trở về với chiếc khiên này hoặc nằm trên nó.”


Trong không khí se lạnh của mùa Giáng sinh, mùa hồng ân của thiên chúa tôi muốn gởi đến bạn đọc tâm tình của tù nhân lương tâm Trần Hoàng Phúc. Trong cái không gian hẹp của một mùa Noel bị cách ly vì đại dịch, Phúc giống như một vì sao nhỏ lấp lánh trên nền trời đêm kia. Và ước mơ của anh cùng những gì anh nghĩ, những gì anh làm khiến cuộc sống vì anh mà có ý nghĩa.

Trần Hoàng Phúc là thành viên của tổ chức Sáng kiến Thủ lĩnh Trẻ Đông Nam Á (YSEALI – Young South East Asia Leaders Initiative). Anh bị kết án 6 năm tù vì quan điểm chính trị và vì anh dám viết thỉnh nguyện thư đưa ra những bằng chứng và giải pháp cho vấn đề thảm họa Formosa ở Hà Tĩnh. Tuy nhiên tội danh của anh trước toà lại là tội tuyên truyền chống phá nhà nước theo điều 88 BLHS.

Hiện Phúc đang sống cùng những tù nhân chính trị người dân tộc tại trại giam An Phước. Trong thư mới nhất gởi về cho mẹ, Trần Hoàng Phúc viết: “Tháng 01-2021, nếu Trại giam cho đi thăm lại thì mẹ nấu cho con 01 nồi đồ chay cho 06 người ăn, nếu nấu nhiều hơn thì càng tốt. Mang cho con 02 bộ áo thun quần lửng vì 02 bộ tháng 06 mẹ gửi, con đã cho anh kia ảnh về nhà mà ảnh thiếu đồ mặc”.

Đọc thư anh, người ta có thể chỉ cảm nhận được sự ấm áp yêu thương của một tấm lòng nhân hậu; nhưng ít ai biết rằng chính Trần Hoàng Phúc cũng đã phải trải qua những khắc nghiệt của trại giam như thế nào. Ở trại giam số 1 Hà Nội. Phúc bị ép cung nhận tội, bị đi cung vào ban đêm. Và có lẽ vì anh “cứng đầu” mà trại giam đã điều 10 tên đầu gấu vào sống chung với anh. Trải qua thời gian thử thách này, Phúc bị sụt đến 13 kí lô. Sau khi bị chuyển về trại giam An Phước, tình trạng không khá hơn, anh thường xuyên bị hăm doạ đánh, giết từ các “bạn tù” đến nỗi phải xin đổi buồng giam.

Điều đáng nói về những người trẻ dấn thân như Phúc là sự trong sáng, mạnh mẽ và một trái tim tràn đầy yêu thương. Cũng vào mùa Giáng Sinh này, ba nhà hoạt động Chu Đình, Hoàng Chi Phong, Lâm Lãng Ngạn, cũng vừa bị các thẩm phán của toà án Hồng Kông tuyên án. Nhưng điều tuyệt vời từ những bạn trẻ này là họ khiến chúng ta thấy tù tội không là thua cuộc. Không hề có thất bại ở đây bởi vì mọi hành động của họ là chọn lựa. Và họ biết rằng sự chọn lựa của họ là nền tảng cho những điều tốt đẹp sẽ nẩy sinh.

Trọng Nghĩa (mục Điểm Báo của RFI): Hồ sơ Duy Ngô Nhĩ xen vào đàm phán thương mại Liên Âu-Trung Quốc

Phản ứng có dấu hiệu hoảng loạn của châu Âu trước một biến thể mới của con virus gây dịch Covid-19 tiếp tục là chủ đề chính trên các báo Pháp ra ngày 22/12/2020. Bên cạnh đó, vấn đề Trung Quốc cưỡng bức lao động người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương cũng được quan tâm rộng rãi, với hai hồ sơ dài trên Le Monde và Libération.

Le Monde giới thiệu ngay trên trang nhất trong một hàng tựa: “Cuộc điều tra về tình trạng cưỡng bức lao động nhắm vào người Duy Ngô Nhĩ”.

Le Monde: Cả một chính sách cưỡng bức lao động ở Tân Cương


Theo Le Monde, nhiều yếu tố mới cho thấy là Trung Quốc đã tổ chức việc cưỡng bức lao động những người Hồi Giáo tại vùng Tân Cương.

Những người Duy Ngô Nhĩ là nạn nhân của cả một chiến dịch giam cầm hàng loạt và bị bắt buộc phải làm việc cho ngành công nghiệp trong vùng. Nhân công Duy Ngô Nhĩ được sử dụng trong việc trồng bông vải, cần thiết cho ngành vải sợi Trung Quốc.

Bruxelles lâm vào tình thế khó xử


Báo Libération cũng rất chú ý đến hồ sơ Duy Ngô Nhĩ và thấy rằng vấn đề này có thể tác động đến một thỏa thuận kinh tế giữa Liên Hiệp Châu Âu và Trung Quốc, đẩy Bruxelles và một tình thế khó xử.

Tờ báo nêu nguyên nhân qua hàng tựa: “Duy Ngô Nhĩ: Cuộc đọ sức giữa EU và Trung Quốc” và nêu câu hỏi : Liệu vấn đề người Duy Ngô Nhĩ có gây nguy hiểm cho một thỏa thuận kinh tế đã gần kề hay không ? Libération nhìn thấy “Cái bóng của 11 triệu người Duy Ngô Nhĩ đang bao phủ Bruxelles”.

Thứ Ba, 22 tháng 12, 2020

Ngô Nhân Dụng: Biden đối đầu với Trung Cộng cách nào?

Vào thế kỷ 15, Trung Quốc đứng đầu thế giới về kinh tế, quân sự. Các triều đình Minh, Thanh còn cả “sức mạnh mềm” nhờ ảnh hưởng trên các nước láng giềng. Từ thế kỷ 19, Trung Quốc đã suy sụp. Hiện nay Tập Cận Bình cổ động cho “Trung Quốc Mộng” để tái lập vai trò bá chủ cũ. Mỹ và Trung Quốc sẽ tranh giành ảnh hưởng trên thế giới trong một thế hệ tới, nếu không nói là trong cả thế kỷ 21.

Trong cuộc cạnh tranh này, một nhược điểm của nước Mỹ là chính sách ngoại giao luôn thay đổi. Chính phủ Mỹ lên xuống theo chu kỳ các cuộc bầu cử. Các đảng chính trị, Cộng Hòa và Dân chủ, phải chiều theo dư luận dân chúng vì nhu cầu tranh cử. Mà dân Mỹ thường chỉ nhìn vào các vấn đề thiết thực của họ, không coi các chính sách ngoại giao là quan trọng. Mỗi chính phủ mới lên lại có thể đảo ngược các chính sách bang giao, khiến người ta cảm thấy nước Mỹ không có một chiến lược lâu dài.

Điều may mắn là hiện nay tất cả mọi người Mỹ đều coi Trung Cộng là một đối thủ lâu dài, nguy hiểm nhất. Điều này được thể hiện rõ ràng trong quốc hội; cả hai đảng suy nghĩ giống nhau, đồng ý phải đối phó với Trung Cộng. Những đối thủ nhỏ như Iran, Cuba, đáng quan tâm nhưng không đáng sợ. Còn nước Nga, hiện càng ngày càng đi xuống, dù bên ngoài vẫn làm ra vẻ mạnh.

Những vụ “tin tặc” (hackers) xâm nhập vào máy điện toán của các công ty và chính quyền Mỹ, mà mọi người coi chỉ có guồng máy gián điệp của Nga mới có khả năng thực hiện, cho thấy Vladimir Putin cũng nguy hiểm không khác gì Tập Cận Bình. Nhưng hành động len lỏi vào các hệ thống điện toán để có thể làm tê liệt, hoặc điều động theo ý muốn, để nhắm vào mục tiêu nào? Gián điệp Nga có thể phát ra các lệnh làm xáo trộn hoạt động của các ngân hàng, các nhà máy điện, hải cảng hay phi trường, cho đến cơ quan nguyên tử lực ở Mỹ; nhưng sau đó họ sẽ làm gì để có lợi cho nước Nga và chính quyền Nga?

Những hoạt động phá hoại quy mô đó chỉ có lợi cho Nga nếu một cuộc chiến tranh toàn diện giữa hai quốc gia. Mà chắc chắn ông Putin không muốn điều này xảy ra; bởi vì cuối cùng chỉ có Trung Cộng hưởng lợi. Vì thế, đối thủ lớn nhất của Mỹ trên thế giới vẫn là Trung Cộng.

Phạm Phú Khải: Trung Quốc - xiết tin thật, tung tin giả

Một poster Văn Phòng Điều Tra của Đài Loan kêu gọi công chúng nhận diện tin giả từ Trung Quốc. Hình minh họa.

Trung Quốc và Nga là hai ổ lớn làm ra tin giả trên thế giới. Họ thường làm âm thầm kín đáo để không lộ diện. Nhưng gần đây dường như Trung Quốc thấy không cần giấu nữa.

Cuối tháng 11 năm 2020, Bộ Ngoại giao Trung Quốc tạo ra hình giả của một người lính Úc cầm dao dính máu kề cổ một em bé người Afghanistan đang ôm con cừu, với câu kèm “Đừng sợ, chúng tôi đến để mang hòa bình cho bạn”.

Sự kiện một viên chức cao cấp Trung Quốc dùng hình thức này để lên án cung cách hành xử của quân đội Úc tại Afghanistan ghi dấu mốc điểm thấp nhất trong quan hệ giữa hai nước, kể từ khi nối lại bang giao vào đầu thập niên 1970s.

Thủ tướng Úc Scott Morrison họp báo để phê phán Trung Quốc bằng những lời lẽ thẳng thừng và mạnh mẽ nhất. Ông dùng từ “ghê tởm” (repugnant) để diễn tả hành động này, yêu cầu gỡ bỏ bài này trên Twitter, và lời xin lỗi chính thức từ Bắc Kinh.

Liên quan đến sự kiện tin giả này, các chuyên gia Úc và công ty chuyên về an ninh mạng của Do Thái có tên Cyabra cho biết, hình ảnh này được lan rộng trên mạng, trong đó một nửa nhờ các tài khoản giả trên mạng xã hội. Điều tra của Cyabra cho biết, 57.5% các tài khoản tiếp cận với vấn đề này là giả. Điều này cho thấy đủ chứng cớ về một chiến dịch thông tin sai lệch chủ yếu để dàn dựng. Các chuyên gia cho rằng, nhiều tài khoản này đã từng được dùng để nói về Hồng Kông. Cuộc điều tra cũng cho biết có khoảng 37 ngàn tài khoản dùng để tấn công Úc kể từ tháng Sáu năm nay.

Thanh Phương (RFI): Việt Nam, "công xưởng mới của thế giới"?

Nhờ chiến tranh thương mại Mỹ-Trung và cũng nhờ đại dịch toàn cầu Covid-19, mà Việt Nam có vẻ như đang tiến nhanh hơn trên con đường trở thành “công xưởng của thế giới”, cụm từ cho tới nay vẫn được dành cho Trung Quốc. Do coi như đã thành công trong việc khống chế dịch virus corona, Việt Nam nay càng được xem là điểm đến hấp dẫn đối với nhiều công ty muốn tránh các biện pháp trừng phạt thuế quan của Mỹ nhắm vào Trung Quốc.

Trong bài báo đăng ngày 09/12/2020, trang mạng Financial Review của Úc ghi nhận là xu hướng di dời cơ sở sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam đã bắt đầu từ vài năm qua, khi giá nhân công ở nước láng giềng phương bắc bắt đầu tăng cao. Tờ báo trích lời nhà phân tích Rob Subbaraman, thuộc tập đoàn tài chính Nomura của Nhật, nhận định là tiến trình này đã tăng tốc sau khi tổng thống Donald Trump phát động cuộc chiến tranh thương mại với Trung Quốc. Đại dịch Covid-19 làm chao đảo nền kinh tế thế giới trong suốt năm nay càng khiến cho các công ty đa quốc gia thấy cần phải đa dạng hóa dây chuyền sản xuất. Nhà phân tích Rob Subbaraman nhấn mạnh: “ Đây là một chuyển đổi về cấu trúc mà chúng tôi dự báo là sẽ tiếp diễn. Trong những năm tới, sẽ có một dòng vốn đầu tư lớn hơn chuyển từ bắc Á xuống nam Á”.

Theo ghi nhận của ông Subbaraman, tại vùng bắc Á ( bao gồm cả Nhật Bản, Đài Loan lẫn Trung Quốc ), dân số đang già đi, quỹ hưu trí ngày càng tăng và khi các nước này trở nên giàu hơn, thì mức lương cũng tăng theo, cho nên các nước ASEAN và Ấn Độ sẽ thu hút đầu tư nhiều hơn.

Nhà phân tích của Nomura đưa ra các nhận định như trên vào lúc chính phủ Việt Nam vừa thông báo là công ty Pegatron của Đài Loan, chuyên sản xuất thiết bị cho các tập đoàn công nghệ như Microsoft, Apple hay Sony, xác nhận đã lên kế hoạch đầu tư 1 tỷ đôla để xây dựng một cơ sở sản xuất tại khu công nghiệp Nam Định Vũ, gần Hải Phòng.

Kế hoạch mở rộng hoạt động của Pegatron tại Việt Nam (bao gồm cả việc chuyển trung tâm nghiên cứu và phát triển từ Trung Quốc sang Việt Nam) được công bố vào lúc có tin là Foxconn, một tập đoàn lớn khác của Đài Loan, cũng sẽ chuyển dây chuyền sản xuất các sản phẩm của Apple từ Trung Quốc sang Việt Nam. Hãng tin Reuters vào tháng trước loan tin là Foxconn sẽ mở rộng nhà máy của tập đoàn này ở tỉnh Bắc Giang để xây dựng các dây chuyền lắp ráp mới.

Trân Văn: ‘Công lý’ - công cụ để… sắp xếp đội hình!

Ông Nguyễn Đức Chung, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương (BCH TƯ) đảng CSVN, cựu Chủ tịch kiêm Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội vừa bị phạt năm năm tù vì “chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước” (1). Hiếm có vụ án hình sự nào liên quan đến một nhân vật quan trọng trên chính trường Việt Nam được xử lý… nhanh như thế! Chỉ trong vòng ba tháng rưỡi là kết thúc qui trình khởi tố - tống giam (28/8/2020) - xét xử sơ thẩm và công bố hình phạt (11/12/2020)!

Sáng 14/12/2020, Đinh La Thăng, cựu Ủy viên Bộ Chính trị đảng CSVN, cựu Bí thư Thành ủy TP.HCM, lại phải hầu tòa lần thứ ba (2) khi đang bị buộc thi hành hai bản án hình sự (cùng về tội “cố ý làm trái”) với mức hình phạt chung là 30 năm tù. Lần này, ông Thăng bị xét xử vì “vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí”. Nếu Tòa xác định ông Thăng có tội thì thời gian thụ án vẫn không thay đổi vì hình phạt tù có thời hạn đã được luật khống chế ở mức 30 năm.

Ông Chung, ông Thăng sẽ còn tiếp tục ra Tòa vì liên quan đến một số vụ án khác. Chẳng hạn ông Chung sẽ bị truy tố, xét xử vì dính líu tới hoạt động phạm pháp của Công ty Nhật Cường và những sai phạm của UBND thành phố Hà Nội trong việc tổ chức đấu thầu, chọn thầu cho một số dự án của thành phố này. Ông Thăng sẽ tiếp tục trả giá cho những chỉ đạo, quyết định liên quan đến Nhà máy Nhiên liệu sinh học Phú Thọ (Ethanol Phú Thọ), ngốn của công khố 2.400 tỉ, không những không sinh lợi mà còn tạo thêm nợ…

Thời điểm trung tuần tháng này không chỉ có ông Chung, ông Thăng hầu Tòa. Ngày 16/12/2020, ông Diệp Dũng – cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị của Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP.HCM (Saigon Co.op) bị khởi tố và bị tống giam vì “lạm quyền trong khi thi hành công vụ” (3). Cũng trong ngày 16 tháng 2, ông Tất Thành Cang, cựu Ủy viên BCH TƯ đảng CSVN, Phó Bí thư Thành ủy TP.HCM bị khởi tố và bị tống giam vì “vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí” (4).

***

Cần lưu ý là chẳng phải gần đây thiên hạ mới biết ông Chung, ông Thăng, ông Dũng, ông Cang có… sai phạm nghiêm trọng. Thậm chí, thiên hạ từng bàn luận không chỉ về… sai phạm nghiêm trọng là lý do những nhân vật vừa đề cập phải đối diện với công lý (bị khởi tố, bị tống giam, bị truy tố, bị phạt tù) mà còn phân tích về… một số… sai phạm nghiêm trọng khác của những nhân vậy ấy từ lâu, song hệ thống chính trị, hệ thống công quyền không thèm bận tâm.

Sách mới: Các Nhà Văn Nữ Miền Nam Việt Nam - Women Writers Of South Vietnam [1954-1975]


Văn Học Press

22 Agostino, Irvine, CA 92614 USA • vmail: +1-949-981-3978email: vanhocpress@gmail.com • Facebook: Van Hoc Press

Trân trọng giới thiệu:


Các Nhà Văn Nữ Miền Nam Việt Nam
Women Writers OfnSouth Vietnam
[1954-1975]


 


Biên khảo của | Research article by
CÔNG HUYỀN TÔN NỮ NHA TRANG

Bản dịch của | Translation by TRÙNG DƯƠNG
VĂN HỌC PRESS, 2020

Sách song ngữ | A Bilingual Book

Thiết kế bìa | Cover design by:
ĐINH TRƯỜNG CHINH

224 trang, ấn phí: US$18.00

Tìm mua trên BARNES & NOBLE

Xin bấm vào đường dẫn sau:

Lời nhà xuất bản


Vào đầu thập niên 1980, cơ quan Social Science Research Council (Brooklyn, New York) cùng phối hợp với cơ quan American Council of Learned Societies (New York, New York) thành lập một Ủy ban Liên hợp về Đông Nam Á (Joint Committee on Southeast Asia) trong khuôn khổ chương trình vừa đề ra, có tên là Indochina Studies Program. Họ rao nhận đơn xin tài trợ để nghiên cứu về các vấn đề Đông Dương, gồm ba nước Việt, Miên và Lào, dựa vào hiểu biết và kinh nghiệm của các người tị nạn vừa rời khỏi ba quốc gia này từ sau 1975 và hiện cư ngụ tại Bắc Mỹ. Học bổng gồm 25.000 Mỹ kim, do ba cơ quan Ford Foundation, National Endowment for the Humanities và Henry Luce Foundation đứng ra tài trợ, với thời hạn nghiên cứu là một năm.

Chủ Nhật, 20 tháng 12, 2020

Nguyễn Ái Nhân: Bí Quyết Hạnh Phúc Gia Đình

Sau một lần cãi nhau, cả hai vợ chồng chúng tôi cùng nhượng bộ bằng cách lờ đi và coi như không có chuyện gì xảy ra. Hôm đó, nhân lúc vui vẻ cả hai cùng giảng hòa và đưa con đi chơi phố. Mọi chuyện có vẻ bình thường. Người đi đường nghĩ chúng tôi là một gia đình hạnh phúc. Đến gần ngã tư Phố Huế và Tràng Tiền chúng tôi đi ngang qua một tiệm pizza. Ở Hà Nội không có nhiều các tiệm Pizza, nói đúng hơn tôi chưa nhìn thấy tiệm nào khác ngoài tiệm chỗ này. Vợ tôi đứng lại, suy nghĩ và đề nghị: “Hôm nay không nấu cơm nữa, đi ăn pizza để thay đổi một chút đi.”

“Có chắc ăn được không đã. Không phải ai cũng ăn được pizza đâu. Nhiều người không quen, không thấy ngon,” đẩy xe chở con đi trước vài bước chân, tôi dại dột chân thành phản ứng và hỏi lại. 

Tôi chỉ nói vậy thôi, mà vợ tôi nổi xung và lên giọng gay gắt: “Vâng, chỉ có anh là biết ăn pizza, thấy ngon … Chỉ anh là biết văn hóa ‘Âu Châu’ còn tôi không biết… Làm gì mà coi thường người khác thế !” 

Tôi vừa bực, vừa thấy buồn cười và cố gắng giải thích nhưng… vô tác dụng. 

Những lúc như thế này không thể giải thích và dùng logic với phụ nữ được. 

Vợ tôi giận dữ, mặt hầm hầm và quay đầu bỏ về nhà. Còn tôi cũng nổi cáu và tiếp tục kéo con đi chơi. Nhưng chưa đi được bao xa, chưa kịp hết tức giận tôi lại nghe tiếng vợ tôi gọi giận dữ phía sau. Nàng không có chìa khóa về nhà và gọi bằng giọng trống không: “Chìa khóa… nhà. Đưa chìa khóa nhà đây.” 

Không một lời, tôi cầm chùm chìa khóa quăng cho vợ và bực tức đi tiếp.

Chúng tôi lại cãi nhau. Lần này lại có vẻ nghiêm trọng hơn những lần trước, gia đình chúng tôi lại trên bờ vực thẳm của sự tan vỡ. Có lẽ không gì có thể ngăn lại được. Giọt nước cuối cùng làm tràn li là chiếc pizza. Nói đúng hơn, giọt nước đó bắt đầu từ chuyện vợ tôi muốn đi ăn pizza. 

Khi con người đã ghét nhau thì mọi chuyện đều dễ dàng trở nên xấu và khó chịu.

*


Trong gia đình nào mà không có mâu thuẫn. Nếu ai bảo gia đình họ không có mâu thuẫn và hòa thuận tuyệt đối thì chắc hẳn họ nói dối hay họ không biết mà thôi. Tôi không tin là có gia đình nào đó, ở một nơi nào trên quả đất này lại không có mâu thuẫn. Sự khác nhau giữa các gia đình chỉ ở cách giải quyết những mâu thuẫn đó mà thôi. Chúng ta cũng đừng ảo tưởng về các gia đình truyền thống kiểu Việt Nam ngày xưa là hoàn hảo. Để trả giá cho sự hoàn hảo thấy bên ngoài, để trả giá cho sự vẹn toàn êm ấm của gia đình là thân phận thê thiếp, ăn sau, ăn dưới bếp v.v. của người đàn bà. Một chị người quen đã nói mãi, nói rất nhiều lần mỗi khi nhìn thấy sự băn khoăn của tôi: “Phụ nữ Việt Nam sinh ra để hầu hạ chồng con mà, biết làm sao được...”

Phùng Cung: Vay Tuổi

Hình minh hoạ, FreePik

Con vừa mười sáu tuổi đời
Nửa đêm vay tuổi lấy người chiến tranh
Đèn con tiễn đến cổng đình
Quay về hụt bước ngỡ mình chiêm bao
Khe Sanh – Dốc Miếu là đâu
Vắng con nhớ đến bạc đầu cô đơn
Máu chiều gội đỏ hoàng hôn
Nghĩa trang mồ giả, nắm xương không mồ
Đồng chiều gió tím mấp mô
Nén hương đẹn khói mấy mùa khóc vay.

72
(Trích từ Trăng Ngục)



Huỳnh Phan Anh: Thạch Lam, tiểu thuyết gia

Thạch Lam vẫn được xem là một nhà văn chuyên về truyện ngắn. Trong Tự Lực Văn đoàn và cả trong văn chương Việt-nam, tính đến thời đại ông, Thạch Lam gần như chiếm giữ một địa vị riêng biệt nhờ ở “một ngòi bút lặng lẽ, điềm tĩnh vô cùng, ngòi bút chuyên tả tỷ mỷ những cái rất nhỏ và rất đẹp, những cảm tình, cảm giác cỏn con nẩy nở và biểu lộ ở đủ các hạng người, mà ông tả một cách thật tinh vi” (1). Chỉ cần ba tập truyện ngắn (Gió đầu mùa, Nắng trong vườn, Sợi tóc) lần lượt xuất bản trong khoảng cách năm năm (1937-1942), Thạch Lam đã khẳng định cho mình một giọng văn và từ đó một vũ trụ văn chương độc đáo bên cạnh những tài năng sáng chói cùng thời. Điều đáng nói là khác hẳn với Nhất Linh, với Khái Hưng, Thạch Lam viết rất ít: tác phẩm ông vỏn vẹn có sáu quyển trong số đó chỉ có bốn quyển thuộc loại sáng tác. Và cũng khác hẳn với hai nhà văn trên, Thạch Lam không thể hiện trong tác phẩm mình quá nhiều tham vọng vượt khỏi thẩm quyền và giới hạn của một nhà văn, một tác phẩm văn nghệ. Những cuốn sách của Thạch Lam cần được quan niệm trước tiên như những tác phẩm, những cách thế thể hiện của cái đẹp hay một chân lý thuần túy văn chương nào khác, trước khi chúng lãnh nhận một vai trò hay một sứ mạng nào ở bên ngoài chúng. Và có lẽ Thạch Lam khi cầm bút viết những trang sách đầy rung động và xúc động của mình cũng đã không có một ưu tư nào khác hơn là ưu tư nhằm thể hiện, biểu hiện, thực hiện những giá trị nghệ thuật bằng chính tâm hồn và chữ nghĩa của mình. Có thể nói rằng trên khắp các trang sách của Thạch Lam đều bàng bạc mối ưu tư cao cả đó. Tưởng tượng một tâm hồn nhà văn không ngừng lắng nghe và trò chuyện với từng nhân vật, từng cảnh trí, từng sự kiện hay sự vật nhỏ nhặt nhất góp phần làm nên cái thế giới giàu có ở bên ngoài hay ở ngay trong tác phẩm của hắn. Đọc Thạch Lam người ta dễ dàng bắt gặp tâm hồn nhà văn của ông như đang rung động theo từng dòng chữ ông viết nên. Có lẽ cũng vì thế người ta đọc Thạch Lam và thấy tâm hồn mình nhẹ nhàng, dễ chịu hơn khi đọc những tác phẩm mệnh danh là luận đề của hai tác giả nói trên. Vấn đề là tham dự vào những xúc động của tác giả, tham dự và, một cách nào đó, sống chính những xúc động đó. Văn Thạch Lam là một lời mời gọi không của lý trí sáng suốt đầy ẩn tình, ẩn ý mà của tâm hồn, không của tư tưởng mà của rung động và cảm tình.

Viết về Thạch Lam, Vũ Ngọc Phan đã đi tới một kết luận như sau:
“Đọc các văn phẩm của Thạch Lam, người ta thấy ông chỉ sở trường về truyện ngắn. Trong truyện dài của ông, người ta thấy nhiều đoạn tỷ mỷ vô ích, nhân vật nào cũng giống nhân vật nào, làm cho người đọc phải chán. Sở dĩ các nhân vật trong truyện Thạch Lam giống nhau, là vì Thạch Lam đã đem những tính tình riêng của mình để tạo nên các nhân vật. Tất cả các nhân vật trong truyện của Thạch Lam đều có những cái phảng phất của tâm hồn Thạch Lam.” (Sđd. Tr.140)