Chủ Nhật, 8 tháng 11, 2020

Phạm Phú Minh: Từ Bình Sơn đến Đông Bàn (Tiếp theo và tạm hết)

Ông nội tôi là một ông già hiền lành, người dong dỏng cao và nước da trắng, đi lại chầm chậm đôi khi có chống gậy, nhưng sức khỏe tốt, tôi không thấy ông đau ốm gì. Tôi và anh Hiển “làm bạn” với ông tương đối nhanh chóng. Hằng ngày ông hay đọc tiểu thuyết chữ nho, thường là bộ Tam Quốc, tôi biết vì ông chỉ vào các hình vẽ trong sách và giới thiệu các nhân vật cho tôi: “Ông có râu rậm ni là ông Trương Phi, còn ông cỡi ngựa là ông Quan Công ngồi trên con ngựa Xích Thố...” Đó là những nhân vật truyện Tàu đầu tiên mà tôi biết. Ông rất coi trọng chữ nho, coi là chữ của thánh hiền, không bao giờ ông cho phép chúng tôi chơi với một mảnh giấy có chữ nho mà bắt đem vào bếp đốt đi, dù đó chỉ là cái toa của chai dầu Nhị Thiên Đường. Bây giờ nhớ lại tôi cũng lấy làm lạ vì sự sùng kính gần như tôn giáo đó của ông tôi đối với chữ của nước Tàu. Lạ hơn nữa thân phụ của ông nội tôi là ông Phạm Phú Thứ, dĩ nhiên cũng là một nhà nho, nhưng có tư tưởng rất là duy lý, trong chuyến đi sứ bên Pháp đã cố gắng tìm hiểu và ghi chép lại bằng chữ nho những tiến bộ về khoa học của Âu Tây một cách rất cặn kẽ, nhiều khi phải chế ra chữ mới hoặc phiên âm tiếng Pháp để diễn tả những hiện tượng, sự kiện và những ý niệm mới mẻ mà phương Đông chưa hề biết. Nhưng đến đời ông nội tôi lại chìm đắm vào thế giới chữ nghĩa “của thánh hiền”, coi đó như là cái gì linh thiêng không được xúc phạm, như thế chứng tỏ tất cả những cố gắng canh tân của ông cố tôi không có ảnh hưởng gì vào sự giáo dục của thời đó, có chăng chỉ đánh thức một số sĩ phu ưu thời mẫn thế.

Đọc sách chán thì ông nội tôi ra ngồi chơi trên cái chõng ngoài hiên, sai tôi hay anh Hiển mang cái chén bằng đất nung xuống bếp lấy lửa cho ông hút thuốc. Thật ra cái dụng cụ để lấy lửa ấy không phải gọi là cái chén, nó có hình dáng như một cái lò nhưng chỉ nhỏ bằng cái chén, ngày nay tôi đã quên mất tên gọi của nó là gì. Tôi mang xuống bếp, gắp bỏ vào trong đó vài viên than hồng rồi mang lên cho ông. Nếu hút thuốc điếu thì ông vấn thuốc rê bằng giấy quyến, rồi châm lửa từ cục than hồng. Hút gần hết điếu thuốc, ông dụi cho tắt rồi dán phần còn lại lên cây cột, cây cột chỗ ông ngồi chi chít những tàn thuốc dán lên. Có lần vừa hút thuốc, ông nói với tôi và anh Hiển có muốn xem ông phà khói ra hai mắt không, nếu muốn thì phải ngồi lại gần nhìn vào mắt ông. Chúng tôi nhao nhao chịu liền, leo lên giường chăm chăm nhìn vào mắt ông, cho đến khi tôi cảm thấy nóng ở bàn tay mới biết ông đưa điếu thuốc từ từ dí vào tay tôi. Dĩ nhiên ông dí đùa thôi không làm phỏng tay tôi, nhưng khi phát giác thì tôi hoảng hồn la lên và nhảy vọt xuống giường, khiến ông phá lên cười lên ha hả. 

Nếu ông hút thuốc lào – mà trong nhà tôi gọi là thuốc trà – thì nhiêu khê hơn. Ông có một cái điếu thuốc trà khá đẹp làm bằng một mắt (lóng) tre, và một cái xe điếu (tức cái ống để ngậm vào miệng mà hút) bằng một đoạn cây trúc cong cong. Hút thuốc trà (tức thuốc lào) thì phải có lửa ngọn từ một cái đóm (từ đó có cụm từ “điếu đóm”) để đốt cháy viên thuốc để trong cái nõ, cùng lúc người hút ngậm lấy cái xe điếu và hút. Khói thuốc từ nõ chạy xuyên qua khối nước đựng trong điếu trước khi tới miệng người hút tạo nên tiếng kêu rọc rọc dòn dã, hồi nhỏ tôi thấy đó là một điều ly kỳ và lấy làm thích thú vô cùng. Nhưng làm sao từ mấy cục than hồng, ông tôi có được ngọn lửa cháy trên cái đóm để hút thuốc trà? Đây là cách làm của ông nội tôi: ông dùng một tờ giấy bản, tức loại giấy xốp dùng để viết chữ nho, cuốn tròn lại thành như chiếc đũa. Khi châm cây đũa giấy ấy vào than hồng, nó sẽ ngún cháy. Muốn có lửa ngọn ông tôi kê cây đũa đang ngún cháy ấy gần môi và làm động tác miệng gần như phát âm tiếng “huỵch” tức thời một luồng gió vừa đủ từ miệng thoát ra và làm cho chỗ ngún cháy phát lên lửa ngọn, ông châm vào cây đóm và bắt đầu hút thuốc trà. Ông tôi gọi cây đũa giấy ấy là “cây huỵch”, cô tôi và thằng Kề cũng gọi như thế, nhưng suốt đời tôi, tôi không bao giờ thấy lại cái dụng cụ lấy lửa và tên gọi “cây huỵch” ấy ở bất cứ nơi nào khác. Tôi nghĩ đây là phương pháp tạo lửa ngọn để hút thuốc lào của các nhà nho xưa (vì nhà nho mới có giấy bản) và còn giữ nguyên trong nhà ông nội tôi thời điểm tôi về ở Đông Bàn năm 1944. Trong những nhà nông dân, cách lấy lửa phổ biến vẫn là dùng một nắm rơm vùi vào bếp có ủ than rồi thổi phù một cái là lửa bùng lên. Nhưng cũng nhiều khi trong bếp chẳng còn một chút lửa nào, thì phải đi sang hàng xóm “xin lửa”. Thời đó cái quẹt máy có thể chưa phổ biến lắm, nhưng diêm quẹt thì đã được dùng khá rộng rãi rồi, nhưng tôi đã nói, làng Đông Bàn của tôi vẫn còn giữ nguyên những lề thói xưa cũ theo nếp cổ truyền.

Ông nội có dạy cho chúng tôi một số câu vè, ví dụ như:

Con nít con nít
Cái hình nhỏ xít
Đội mũ lá mít
Cỡi ngựa tàu cau
Đứa trước đứa sau
Rủ nhau một lũ
Ăn rồi đi ngủ
Ngủ dậy đi chơi
Xuống nước đập bơi
Lên bờ đánh đá
Miệng thổi kèn lá
Tay phất cờ tre
Rủ nhau hè hè
Giả đò đánh giặc!

So với nhiều bài đồng dao khác thường có nhiều câu vô nghĩa, bài này tả sinh hoạt trẻ con khá linh động, ý nghĩa rõ ràng. Có người trong vùng tôi nghĩ rằng có thể những câu này được sáng tác trong thời kỳ Văn Thân, đặc biệt năm câu cuối nhằm kích động trẻ em tinh thần chống Pháp. Tôi thì thật sự không rõ nguồn gốc những câu đồng dao này, nhưng nghĩ rằng nó được sáng tác ngay trong vùng quê Quảng Nam, vì những chi tiết như “mũ lá mít” hay “ngựa tàu cau” sau này lớn lên đi nhiều nơi tôi không thấy ở các địa phương khác. Quê tôi rất nhiều mít, vườn nào cũng trồng ít nhất dăm ba cây, trẻ con trong làng tôi hay dùng lá mít chằm thành những cái mũ để đội trong những trò chơi của mình. Đơn giản thì dùng những cây tăm để gài lá nọ dính với lá kia thành cái vòng vừa đầu mình, giống như cái khăn đóng của người lớn. Người khéo tay có thể chằm thêm một lớp lá phủ trên đỉnh đầu, có lần ông nội tôi lại làm thêm cho tôi hai cái cánh chuồn như mũ hát bội, khiến tôi thích thú vô cùng. Đó là “mũ lá mít”. Còn “ngựa tàu cau” là những tàu lá của cây cau rụng xuống, sau khi đã được người lớn cắt lấy cái mo, chúng tôi lấy phần lá dài đặt vào giữa hai chân và cứ thế kéo nó chạy, miệng hò hét điều khiển tàu lá như một con ngựa.

Trong các trò chơi, có một trò cả lũ chồng nắm tay lên nhau, rồi một đứa vừa đọc những câu thiệu vừa chỉ vào từng nắm tay từ trên xuống dưới rồi từ dưới ngược lên, cứ đọc một tiếng lại chỉ một bàn tay cho đến khi đến tiếng cuối cùng rơi vào tay nào thì đứa đó được tuyển chọn để làm một việc nào đó tùy trò kế tiếp. Nói chung đây là một lối rút thăm chọn người rất công bằng, vì bài thiệu khá dài không ai có thể tính toán trước chữ chót sẽ rơi vào tay nào:

Xít cây rồng (?)
Trồng cây nạng
Cây làng áng (?)
Cây bí đao
Cây nào cao
Cây nào thấp
Cây nào mập
Cây nào rời
Mùng tơi chín đỏ
Quan văn quan võ
Ăn trộm trứng gà
Bù xa bù xít
Mà ra tay này!

Đây chỉ là những câu ghép vần dùng cho trò chơi, không có ý nghĩa gì, nhưng được lũ trẻ chúng tôi dùng thường xuyên như một công cụ trong việc lựa chọn người nên nó in hẳn vào trí óc tôi như một bài văn vần, gần 70 năm vẫn không phai mờ.

Ông tôi cũng dạy cho chúng tôi một số đồng dao khác, như đoạn sau đây: 

...
Cái xuổng đắp bờ
Cái lờ bắt cá
Cái ná bắn chim 
Cây kim may áo
Cái dáo (1) thợ may
Cái cày làm ruộng
...

Tôi nghi đây là cái vạch, làm từ một mảnh xương trâu bò, giống hình lưỡi dáo, mà người thợ may dùng để vạch hằn lên vải để đánh dấu chỗ sẽ cắt.

Rõ ràng đây là một bài dạy ngữ vựng cho trẻ nhỏ, cứ ê a đọc như thế trẻ sẽ nhập tâm tên những thứ vật dụng quanh mình. Bài rất dài, rất tiếc tôi chỉ còn nhớ mấy câu, nhưng cũng đủ để khẳng định tính chất giáo dục của lối truyền đạt này.

Và cũng từ ông nội, tôi học thuộc bài này, mà lớn lên mới biết nó cũng được phổ biến ở nhiều địa phương khác cách rất xa Quảng Nam:

Con chim se sẻ
Nó đẻ mái tranh
Tôi vác miểng sánh
Tôi liệng chết dãy
Tôi làm thịt bảy mâm
Tôi kỉnh ông một mâm
Ông hỏi thịt gì
Tôi nói thịt se sẻ
Nó đẻ mái tranh
Tôi vác...

Cứ lòng vòng như thế có thể đọc mãi không bao giờ dứt.

Sống ở Đông Bàn tôi đã làm quen với các sinh hoạt nông tang của làng, mặc dù nhà ông nội tôi không trực tiếp canh tác đất ruộng. Các nhà làm rẻ đất có khi gặt lúa rồi mang thẳng về nhà ông nội, vì nhà rộng, có chỗ “đạp lúa”. Ở căn nhà ngang lúa vừa gặt được xếp thành đống tròn rồi cho trâu vào đạp, tức là điều khiển cho trâu đi vòng tròn trên đống lúa cho đến khi tất cả hạt rời khỏi thân cây. Có những mảnh ruộng nhỏ, lượng lúa gặt được ít thì người đạp lúa thay trâu, và đây là dịp tôi và anh Hiển được tham gia vào công việc này. Người ta lấy một cây sào buộc nằm ngang nối hai cây cột, cao cỡ tới ngực người lớn, và trải nhiều cái nong dọc cây sào ấy. Người đạp lúa sẽ lấy một bó lúa mới gặt đặt vào nong, hai tay vịn vào cây sào, rồi dùng chân trần đạp vào bó lúa để làm cho hạt rớt ra. “Đạp” đây có nghĩa là đi, vừa bước vừa dùng bàn chân vén các nhánh lúa thành một khối tròn gọn ghẽ, cho đến khi nào các thân cây lúa nát nhàu thành rơm thì cũng là lúc hạt đã rời hết khỏi nhánh. Lúc ấy thì gọi một “nhã lúa” đã “thục”, người ta cúi xuống dũ rơm dưới chân mình để tất cả hạt lúa rớt xuống nong, rồi ném nhắm rơm đi và bắt đầu đạp một nhã lúa khác. Tôi với anh Hiển tham gia đạp vài nhã lúa thì thấy chân đã mỏi và bàn chân bị rát, thì bèn bỏ việc đạp lúa chạy đi kiếm một trò chơi khác thú vị hơn.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét