Thứ Sáu, 27 tháng 11, 2020

Ghé Thăm Facebook

FB Song Chi


Không phải vô cớ mà Mary L. Trump, cô cháu ruột của Trump, đã đặt tựa cuốn sách của mình là "Too Much and Never Enough: How My Family Created the World's Most Dangerous Man" (Quá nhiều và không bao giờ là đủ: Gia đình tôi đã tạo ra người đàn ông nguy hiểm nhất thế giới như thế nào). Là người nhà, hơn nữa lại là một nhà tâm lý học lâm sàng, Mary L. Trump hiểu rõ hơn rất nhiều người rằng Trump có thể trở nên nguy hiểm như thế nào. 

Hãy nhìn lại ảnh hưởng của Trump đối với đám đông quần chúng, những lời nói láo thường xuyên và những cáo buộc vô căn cứ nhưng lại có hiệu quả hơn người ta tưởng, cùng với vô số thuyết âm mưu được tung ra từ Twitter nơi Trump sử dụng như một "tờ báo", một "kênh thông tin" riêng... một khi "thuốc độc" ngấm, nó khiến nhiều người mất lòng tin vào truyền thông báo chí, hoài nghi thậm chí phủ định tính nghiêm minh của luật pháp hay hệ thống bầu cử, phủ định những giá trị của nền dân chủ Mỹ... Để xây dựng một nền dân chủ và những con người dân chủ, có lương tri, thiện tính, phải mất hàng trăm năm, nhưng để phá hoại thì nhanh hơn nhiều.

Share từ trang facebook của nhà văn Phạm Thị Hoài :


Huyền thoại đâm sau lưng

Sau thất bại cay đắng trong Thế chiến I, thay vì thừa nhận những sai lầm quân sự của mình, giới tướng lĩnh chỉ huy quân đội Đức dựng nên một huyền thoại cho đến nay vẫn sống dai dẳng, huyền thoại đâm sau lưng (Dolchstoßlegende), hình ảnh lấy từ sử thi Nibelungenlied nổi tiếng, khi dũng sĩ Siegfried hồn nhiên cúi xuống vục nước uống và bị đối thủ xảo quyệt Hagen phóng giáo giết sau lưng.

Huyền thoại này kể rằng quân đội Đức kiêu hùng, như bao giờ cũng vậy, bất khả chiến bại trên chiến trường, song đã bị đâm chí mạng ở hậu phương, ngay chính trong nước, bởi một đám dân chúng vô tổ quốc, vô ơn, phản loạn, cầm đầu là Đảng Dân chủ Xã hội cánh tả cấu kết với bè lũ cộng sản bôn-sê-vích và mạng lưới Do Thái toàn thế giới. Chiến thắng oanh liệt của quân đội Đức bị đánh cắp; nước Đức bị sỉ nhục, bị tròng vào cổ những điều kiện nghiệt ngã của một hòa ước bất công; thể chế mới ở Đức – Cộng hòa Weimar, nền dân chủ đầu tiên trên lãnh thổ Đức – là sản phẩm phi pháp của liên minh ma quỷ cánh tả và Do Thái. Và cuộc kháng chiến quật cường của những người Đức yêu nước chân chính để phục hồi một nước Đức vĩ đại bắt đầu, Deutschland über Alles, nước Đức trên hết.

Trong một bài đăng trên The Boston Globe, giáo sư sử học Timothy Snyder, Đại học Yale, lo ngại vì nhận thấy sự tương đồng rõ rệt giữa huyền thoại đâm sau lưng của Đức tròn một thế kỷ trước và chiến thuật xảo trá sau bầu cử của Trump những ngày này. Thường xuyên cung cấp ý tưởng cho các nhóm âm mưu mọc lên như nấm trong bốn năm qua, vị tổng thống này đang dùng hết cỡ loa phóng thanh để kể huyền thoại về Trump, một người hùng bất khả chiến bại, song chiến thắng vô đối của ông đã bị đánh cắp, bởi một liên minh ma quỷ giữa cánh tả trong nước, cộng sản quốc tế từ Trung Quốc đến Venezuela, và, thật ngẫu nhiên, một người Do Thái, tỉ phú Soros. Tất cả những lá phiếu không bầu cho ông ta đều bị mặc định là phi pháp, tức Joe Biden bị mặc định là một tổng thống không chính danh. Và cuộc kháng chiến quật cường của những người Mỹ yêu nước chân chính để phục hồi một nước Mỹ vĩ đại lại bắt đầu đầy hứng khởi, America First, nước Mỹ trước hết.

Huyền thoại đâm sau lưng cũng từng được sử dụng ở Mỹ, chẳng hạn để giải thích thất bại của nước này trong chiến tranh Việt Nam: lỗi là ở phong trào phản chiến và giới văn nghệ sĩ, trí thức, truyền thông cánh tả. (Tất nhiên lại cánh tả!) Nhưng với Trump và cỗ loa phóng thanh khổng lồ - Fox News hay RT hay Breitbart hay một ngàn chi nhánh của Đại Kỷ nguyên - cùng với sự giả điếc đinh tai của những người Cộng hòa, huyền thoại này có thể kiện toàn thành một thành tố trung tâm trong chính trị Hoa Kỳ. Ở Đức, nó là một trong những nền móng của chủ nghĩa Nazi. Nó không thể bóp chết nền dân chủ dù non trẻ ở Đức ngay lập tức, nhưng đã dọn đường trong vòng chỉ trên dưới một thập niên tiếp theo để Hitler chiến thắng hoàn toàn hợp pháp trong một cuộc bầu cử hoàn toàn dân chủ, ở một quốc gia không thể gọi là tăm tối u mê.

Khác với lời khuyên của học giả Michael Sandel rằng đừng quá chú mục vào những trò hề trong sô diễn cuối của Trump mà tôi đã giới thiệu ở bài trước, giáo sư Timothy Snyder khuyên đừng đánh giá thấp Trump. Tất cả sự cù nhầy những ngày này của Trump không đơn giản chỉ là lố bịch mà thực ra hết sức nguy hiểm, ngay cả cho một nền dân chủ già dặn như Hoa Kỳ. Đường đến độc tài ngắn hơn chúng ta tưởng và không cảnh báo nào có thể là quá phóng đại.

FB Paramita Thanh Do 

Cộng hòa củ chuối (banana republic)

Trump, tấm gương xấu cho các nước “cộng hòa củ chuối”

Chủ nhật, ngày 22/11/2020, thống đốc bang Maryland nói với đài CNN: “Chúng ta đã là một quốc gia đáng kính nhất trên thế giới về bầu cử, nay chúng ta trông giống như một quốc gia cộng hòa củ chuối (banana republic). Chuyện ông Trump mè nheo về gian lận bầu cử là quá đáng”.

Ông Chris Christie cựu thống đốc New Jersey, thì nói đội luật sư của ông Trump đi kiện tụng chuyện gian lận bầu cử là một nỗi xấu hổ của quốc gia, vì họ cứ tiếp tục nói bừa không có bằng chứng gì cả.

Cả hai vị nêu trên đều là đảng viên Cộng hòa, đảng của đương kim tổng thống Donald Trump.

Khái niệm “cộng hòa củ chuối” – “banana republic”, được sử dụng vào cuối thập niên 1960 để chỉ những quốc gia trên danh nghĩa có một hiến pháp dân chủ với các đảng chính trị tranh cử với nhau, nhưng trên thực tế những nước này bị biến động chính trị liên tục, với các phe phái sử dụng vũ lực để thanh toán nhau, chiếm quyền lực, người nước ngoài xen vào để trục lợi,… Những nước này có một nền tảng xã hội dân sự rất yếu kém. Hình ảnh banana (chuối) được gợi lên từ các quốc gia Trung Mỹ, thuộc loại này, chuyên trồng chuối để xuất khẩu.

Nước Mỹ trái lại, là một quốc gia dân chủ lâu đời, với nền tảng xã hội dân sự vững mạnh. Việc chuyển tiếp quyền lực ở Mỹ xảy ra luôn êm thắm, mặc dù lúc tranh nhau khi bầu cử rất căng thẳng bốp chát.

Mọi việc thay đổi với Donald Trump. Năm 2016, ông ta nhận được sự chấp nhận thua cuộc từ đối thủ Hilary Clinton nhanh chóng, chỉ độ một giờ sau khi các hãng tin loan dự báo. Ngược lại, năm 2020 ông ta lại liên tục phủ nhận chiến thắng của đối thủ Biden, bảo truyền thông không được dự báo là ông thua, dù họ làm một việc y hệt như năm 2016.

Cho đến gần ba tuần lễ sau ngày bầu cử, Trump vẫn nhất quyết không chịu thua, dù đã cho phép cơ quan liên bang phụ trách chuyển giao cho phép ông Biden thực hiện quyền của tổng thống tân cử. Hành động này diễn ra sau khi có những chỉ trích mạnh mẽ của hai ông Hogan và Christie, sau khi các bang quan trọng đã vất bỏ hầu như mọi đơn kiện của ông Trump.

Cả hai định chế của xã hội Mỹ, báo chí của xã hội dân sự, cùng các cơ quan quyền lực liên bang đều bị Trump phá nát. Báo chí không liên quan đến chính quyền bị ông ta tấn công đã đành, cơ quan bầu cử nằm dưới quyền kiểm soát của ông ta trong bốn năm trời cũng bị ông ta chỉ trích vì ông ta thua cuộc, các vị dân cử thuộc đảng Cộng hòa ở Georgia, cùng đảng với ông ta cũng bị mắng chửi liên tục vì ông ta thua cuộc…

Những lý lẽ mà nhóm luật sư của ông Trump đưa ra là: Máy chủ của phần mềm đếm phiếu bị kích động từ nước ngoài, có nhiều người chết đi bầu, phe ông Biden nhận tiền từ cộng sản, ông Hugo Chavez (đã chết hơn 7 năm trước), cố tổng thống Venezuela điều phối việc gian lận bầu cử…

Tất cả những điều vừa kể, nghe giống như những lời lẽ mắng nhiếc nhau ở các quốc gia kém phát triển khi có những cuộc bầu cử dỏm xảy ra, ở những nước cộng hòa củ chuối.

Whataboutism, ngụy biện hai cái sai thành một cái đúng


Nếu bạn đọc từng sống ở Việt Nam trong chế độ cộng sản khá lâu, ắt hẳn bạn đã từng nghe các cán bộ của đảng Cộng sản nói những câu đại loại như sau: Tham nhũng đâu mà chả có, Mỹ cũng thế. Con ông cháu cha ở đâu mà chả có, Mỹ cũng thế.

Đây là ngụy biện nổi tiếng hai cái sai thành một cái đúng. Khi bị chỉ trích rằng mình sai với những chứng cớ hiển nhiên, thì người bị sai không công nhận mà sẽ nói rằng người chỉ trích mình cũng sai. Từ đó đưa đến một hiệu ứng tâm lý rằng anh ta đúng.

Ngụy biện kiểu này cũng được các quốc gia cộng sản thời chiến tranh lạnh sử dụng triệt để, và thường được gọi là Whataboutism, thế còn cái này thì sao? Khi bị chỉ trích về những điều tệ hại trong hệ thống cộng sản, các cán bộ cộng sản sẽ cố gắng tìm ra một điều gì đó tương đồng trong các quốc gia tự do, và hỏi rằng: Thế chuyện này thì sao? Và họ sẽ trả lời là: Thấy chưa, ở đâu cũng thế mà.

Hệ thống cộng sản sụp đổ để không kịp chứng kiến những luận điểm Whataboutism của họ thành hiện thực với bốn năm cầm quyền của Donald Trump. Những mè nheo, than phiền về bầu cử của Trump sẽ làm cho họ tự tin hơn ở hệ thống ‘đảng cử dân bầu’ của họ. Chuyện con cái, con rể, người thân của Trump vào giữ chức vụ quan trọng trong tòa Bạch Ốc, sẽ biện hộ cho họ về những hoàng tử công chúa đỏ của hệ thống cộng sản.

Hệ thống cộng sản sụp đổ, nhưng hậu duệ nó vẫn còn ở Trung Quốc, Bắc Hàn, Việt Nam, Cuba. Một tuần sau bầu cử ở Mỹ, một viên chức Hà Nội nói với tôi: “Có lẽ mô hình tập trung quyền lực đảng là đúng hơn anh ạ!”

Ngoài các quốc gia hậu duệ trực tiếp của cộng sản ra, còn có rất nhiều quốc gia với nền dân chủ giả hiệu khác, các nước “cộng hòa củ chuối”. Tại những quốc gia này, mỗi khi có bầu cử và có tranh cãi, có bạo động, thì Mỹ là một trong những quốc gia lớn tiếng nhất lên tiếng chỉ trích.

Ngay chính ông Trump, cách đây không lâu đã lên tiếng chỉ trích ông Maduro ở Venezuela đánh cắp chiến thắng của ông Guido. Nay hóa ra nước Mỹ của ông Trump cũng thế, theo lời ông Trump?!

Khi nghe ông Hogan đề cập đến các nước “cộng hòa củ chuối”, tôi chợt nhớ đến tác phẩm “Trăm năm cô đơn” của văn hào Marquez, Colombia, một trong những nước “cộng hòa củ chuối”. Trong “Trăm năm cô đơn”, xã hội Colombia được thống trị bởi các vị đại tá, chứ không có bầu cử dân chủ chi cả.

Liệu sẽ có một đại tá Trump của nước Mỹ?

Tôi không nghĩ thế, ông Trump sẽ vẫn phải rời Nhà Trắng. Ông ta có thể vẫn là một trọc phú bất động sản, nếu ông vượt qua được các vụ án đang chờ ông, nhưng nước Mỹ không thể có “đại tá Trump” được.