Chủ Nhật, 29 tháng 11, 2020

Trần Mộng Tú: Hạnh Phúc trong veo

Hình minh hoạ, FreePik
Có ai biết hạnh phúc là gì nhỉ
nhận bao nhiêu mới được gọi là thừa
mất bao nhiêu mới được than là thiếu
đong từng âu trong sáng nắng chiều mưa

Tôi vẫn giữ tiếng cười trong túi áo
thỉnh thoảng bẻ ra một miếng nhâm nhi

Tôi thổi nỗi buồn theo mây buổi sáng
trên vai chiều, buồn nhớ chỗ tìm về
tôi lấy thơ phủi buồn như phủi bụi
nên cuối ngày rụng hết nỗi nhiêu khê

Như mọi người tôi cân đo hạnh phúc
cũng xăm soi dày mỏng với ngắn dài
miếng nào nặng dọc đường tôi để lại
khênh lên xe ì ạch đẩy làm gì
nhặt miếng nhẹ ghé vai mang cho dễ
chọn miếng trong nhìn tận đáy đam mê

hạnh phúc tôi trong như ly nước lọc
nước trong veo ngửa cổ uống nồng nàn
nhẹ như mây nên vướng hoài trong tóc
nheo mắt nhìn đời gửi tiếng cười khan.

tmt
7/2014



Nglu: Trần Thị Ngh, viết - xạo ke , vẽ - cà rỡn (*)

Tác giả & Trần Thị NgH.
Viết thêm gì nữa đây, trong khi có rất nhiều nhà văn, thơ, phê bình văn học… đã viết về chị? Họ đã đưa các tác phẩm của NgH lên bàn, ngắm nghí, lật qua, xốc lại tìm đến chỗ tận cùng ngóc ngách sâu thăm thẳm ở hàng chục nhân vật nhảy múa, lăn bò, cười khóc để tìm cho kỳ được một Trần Thị NgH có một phong cách viết “kỳ quái”, không như các nhà văn nữ đi trước.

Xin trích ra một vài nhận định về Trần Thị NgH và các tác phẩm của chị, trước khi lơn tơn nói chuyện bao đồng…

*Thụy Khuê: “ Ở Trần Thị NgH ngược lại, thường là những ý tưởng quái đản, những tính toán hèn hạ được ghi lại rất rõ ràng rành mạch. Sự ngược đời đó tạo nên một tác phong văn học đặc biệt… Thị NgH dùng lối viết lạnh, không cho tình cảm nhuộm hồng, nhuộm xanh bầu trời. Tác giả trải tình huống lõa thể trong tư thế bấp bênh để phơi bày sự thực”.(http://thuykhue.free.fr/stt/t/tran-ngh1.html)

*Trần Hữu Thục: “Truyện NgH. thường là một tập hợp của nhiều chuyện, chúng có thể dính líu, đan xen nhau, có khi chẳng quan hệ gì nhau. NgH nói chuyện nọ xọ qua chuyện kia, linh tinh, lỉnh kỉnh. Bất cứ cái gì cũng có thể trở thành đề tài và bất cứ đề tài nào cũng mở ra những đề tài khác, đa dạng, luôn luôn thay đổi. Vừa đang nói chuyện bên đông bỗng nhảy sang chuyện bên tây, vừa đang ở đề tài này, chợt phóc sang đề tài khác. NgH quanh qua quẹo về, thêm thắt, ráp nối, liệt kê, kể lể. Các sự kiện bập bềnh trôi nổi giữa chủ điểm và ngoại vi, kéo độc giả chạy ra xa, rồi đột ngột níu trở lại gần, tung, hứng, cắt dứt hay đào sâu các chi tiết. Thỉnh thoảng, NgH để lửng lơ, rời rạc từng mảnh, từng mảng để độc giả tự mình ráp nối”.(Trần Hữu Thục đi tìm vài góc khuất trong truyện Trần Thị NgH).

*Còn Võ Phiến, trong tập Văn Học Miền Nam, tập tổng quan xếp Trần Thị NgH vào nhóm những người viết trâng tráo (cynique) cùng Chu Tử, Nguyễn Đức Sơn… “trâng tráo là cách phát biểu cực đoan của tinh thần hoài nghi” (trg 298).

Có thật chị là một cây bút có lối viết trâng tráo? Có cực đoan, hoài nghi, bấp bênh, quái đản…? 

Trần Thị NgH: Nhà Có Cửa Khóa Trái

Thử tưởng tượng một người đàn ông đứng tuổi, đứng đắn. Một người đàn ông sắp sửa 40 tuổi, có vợ, có địa vị tiền bạc. Không lý tưởng sao, tuyệt vời nữa. Một hôm chàng nói với tôi :

- Em dám bỏ trốn với anh không?

Tôi nhìn chàng nghi ngờ :

- Chưa có cuộc ngoại tình nào thành công cả.

Chàng hỏi :

- Ngoại tình là gì?

- Là một cố gắng tuyệt vọng.

Chàng có vẻ tâm sự :

- Có khi chung thủy cũng là một cố gắng tuyệt vọng.

Tôi kêu lên :

- Vậy chứ ngoại tình là gì?

- Là yêu một lần nữa mà không cần phải cố gắng.

Tôi chịu chàng có lý. Hôm đó chúng tôi đi chơi xa lần đầu. Xe qua khỏi Đập Đá vào Vỹ Dạ. Chàng ngâm nga, giọng ấm:

Lâu quá không về thăm thôn Vỹ
Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên...

Nắng thật. Nắng lướt trên những tàu cau xanh mượt, rộn rã chói chang. Mặt sông Hương như có trăm ngìn mảnh chai vỡ lóng lánh, những ngôi nhà rải rác đọc đường tường cổng im lìm trong cái vẻ quan liêu rơi sót, những bụi tre xanh mát, những con đường nhỏ um tùm cây lá dẫn xuống bờ sông, thềm đá dưới mé nước... Tôi đã nghĩ thầm chàng thật thi sĩ, chàng vẫn có cách nói chuyện ví von rất duyên dáng và khả năng liên tưởng của chàng thật bén nhạy bất ngờ. Chàng thuộc nhiều thơ tiền chiến, biết nhiều về địa lý nước nhà cũng như nguồn gốc các di tích lịch sử, chàng thực tế trong công việc, nhạy cảm trước mọi hoàn cảnh và mơ mộng trong tình yêu. Đó là một người đàn ông có tâm hồn và biết liều lĩnh, biết ngoại tình. Sau đó, như cao hứng bởi cảnh trí thanh bình và tươi mát trước mắt, chàng luôn miệng ngâm thơ.

Song Thao: Hà Túc Đạo, Người Của Số Mạng.

Tôi không nghĩ là tôi phải viết bài này sớm thế. Hôm nay là ngày thứ tư 25/11. Thứ bảy 21/11, Hoàng Ngọc Phan, tên thật của Hà Túc Đạo, gửi message: “Có vẻ tôi sắp dính covid rồi. Ho và sổ mũi mấy ngày nay. Lát nữa sẽ đi xét nghiệm. Hy vọng bị cảm lạnh thường thôi thì tốt quá”. Bữa sau, Chủ Nhật 22/11, gửi message tiếp: “Đang chờ xét nghiệm hôm thứ hai. Vẫn còn ho và nóng lạnh. Hôm nay nhiệt kế có lúc lên tới 103. Bác sĩ gia đình trấn an nếu chưa có ói mửa và tiêu chảy thì vẫn hy vọng chưa dính Covid. Đành phó mặc ông trời vậy”. Ông trời đã quay mặt đi!

Hà Túc Đạo và Song Thao (San Francisco, California, 12/2006)

Nhóm Thời Nay cũ chúng tôi còn bốn tên vẫn liên lạc với nhau. Mỗi tên ở một nơi. Đoàn Vinh ở Nam Cali, Nguyễn Hoàng Quân ở bên Anh, tôi ở Montreal bên Canada và Phan ở San Jose, Bắc Cali. Một tên khác lưu lạc tận bên Úc là Hoàng Hà, tên thật Hoàng Bính Tý, chàng bác sĩ thích cầm viết hơn cầm ống chích. Không biết do sự tình cờ nào mà chỉ vài ngày trước đây, Hoàng Hà cho biết là Hà Túc Đạo bỗng liên lạc với anh sau mấy chục năm bặt tin. Vậy là nhóm Thời Nay xưa còn năm tên còn qua lại với nhau. Nay, hụt thêm một tên.

Đàm Trung Pháp: Lý Giải Thứ Tiếng Anh “Cười Ra Nước Mắt”

  

Tiến sĩ Richard Lederer là một giáo sư ngữ học nổi tiếng, nhờ vào biệt tài nhận ra (rồi ghi chép xuống cẩn thận) những điều vô tình hóa ra nực cười trong tiếng Anh. Sau đó ông viết về chúng trong ba cuốn “best-sellers” mua vui cho thiên hạ, với các tựa đề – nghe sao mà quá “khổ sở” – là Anguished English (1987), Crazy English (1989), và Fractured English (1996). Tôi đã đọc chúng vài lần, mà lần nào cũng không nhịn được cười! Trong số những người ái mộ ông Lederer, một độc giả bên Canada viết cho ông ấy: “Tôi để cuốn Anguished English trên bàn nhỏ đầu giường và đôi khi đọc vài trang trước khi tắt đèn đi ngủ. Nhiều phen giữa đêm thinh lặng, tôi rú lên những trận cười, ồn ào đến độ tôi sợ đã làm phiền những người hàng xóm trong chung cư.” Và sau khi đọc cuốn Fractured English một nhà báo Mỹ tuyên bố xanh rờn: “Richard Lederer nên được coi là một quốc bảo. Chưa có ai khác đã biến tiếng Anh thành một nguồn vui vĩ đại đến thế!” Riêng tôi thì đã cười ra nước mắt khi đọc xong đoạn văn ngây ngô này: “The greatest writer of the Renaissance was William Shakespeare. Shakespeare was born in the year 1564, supposedly on his birthday. His father was Mr. Shakespeare, and his mother was Mrs. Shakespeare. He wrote during the era in which he lived. Actually, Shakespeare wasn’t written by Shakespeare but by another man named Shakespeare.”

Lý giải qua cái nhìn “méo mó nghề nghiệp” của tôi, những điều nực cười đó thường xảy ra do các nguyên nhân chính sau đây:

Hiện tượng trông gà hóa cáo khiến các cặp chữ như “balcony / baloney”, “excuse / execute”, “defective / detective” chẳng khác gì nhau về hình dạng. Hiện tượng này cũng xảy ra cho người Việt thuở xưa học chữ Hán, khi các cụ phạm lỗi “chữ tác (作) đánh chữ tộ (祚).” 

Thói quen đánh vần theo linh tính (giáo giới Mỹ ngày nay gọi nó là invented spelling) khiến “oxygen” thành “oxigen” và “Don Quixote” thành “Donkey Hote.”

Tật sáng chế ra chữ mới như “administrate” thay cho “menstruate,” “conversate” thay cho “converse.”

Thứ Bảy, 28 tháng 11, 2020

*Song Thao: Harris Ở Montreal

Cái tên Kamala Harris giờ đã nổi đình nổi đám trên hầu như khắp ngõ ngách của quả địa cầu này. Với danh vị Phó Tổng Thống đắc cử của nước lớn nhất thế giới, bà tạo kỷ lục là người phụ nữ đầu tiên giữ chức vụ này. Không phải chỉ một kỷ lục mà tới ba kỷ lục: người phụ nữ đầu tiên, người gốc da đen đầu tiên và người gốc Nam Á đầu tiên. Hai bà trước, bà Sarah Palin và bà Hillary Clinton, đều mon men bước tới nhưng đã thất bại. Bà Palin ứng cử chức Phó Tổng Thống trong liên danh với Thượng Nghị Sĩ McCain vào năm 2008 và bà Hillary Clinton ứng cử chức Tổng thống vào năm 2016.

Kể cũng lạ! Một nước lớn như nước Mỹ mà sao khắt khe với giới phụ nữ như vậy. Tôi đã mày mò vào từ điển mở Wikipedia để tìm xem những nước nào từng có các nhà lãnh đạo là phụ nữ. Và đã tá hỏa khi thấy có tới 160 bà tất cả. Những bà ở những nước quen thuộc như bà Angela Merkel bên Đức, bà Margaret Thatcher và bà Theresa May bên Anh, bà Indira Ghandi bên Ấn độ, bà Golda Meir bên Do Thái, bà Julia Gillard bên Úc hoặc bà Kim Campbell bên Canada chúng tôi. Những nước Á châu, nơi phụ nữ thường bị coi là…phụ, cũng đã có bà Park Geun-hye bên Đại Hàn, bà Corazon Aquino và bà Gloria Maccapagal Arroyo bên Phi Luật Tân, bà Thái Anh Văn bên Đài Loan. Các nước Bắc Âu nhỏ bé cũng có các bà nắm quyền quốc gia, ngay cả nước Iceland chút xíu nằm leo trên Bắc cực cũng có tới hai bà là bà Katrin Jacobsdottir và bà Vigdis Finngobadottir. Tại các nước Phi châu, tưởng chuyện phụ nữ cầm quyền tối cao của quốc gia sẽ chẳng bao giờ xảy ra, vậy mà cũng có. Như bà Janet Jagen của Guyana, bà Mame Madior Boye và Aminata Touré của Senegal, bà Cecile Manorohanta của Madagascar, bà Kamla Porsad Bissessar của Trinidad và Tobago, bà Portia Simpson Miller của Jamaica, bà Catherine Samba-Panza của Cộng Hòa Trung Phi. Nhưng điều thú vị nhất là người phụ nữ đầu tiên trên thế giới giữ quyền Quốc Trưởng lại là tại một nước vô danh tiểu tốt: Tannu Tuva. Quốc gia lạ hoắc này ở đâu, tôi không biết. Tìm trên mạng mới hay đó là một nước nhỏ bé nằm gần Mông Cổ, chỉ hiện diện từ năm 1921 đến 1944 và sau đó bị sáp nhập vào Sô Viết Nga rồi Liên Bang Nga. Bà…số dách này tên là Khertek Anchimaa-Toka, tại vị từ 1940 đến 1944.

Người ta không biết tới người phụ nữ nắm quyền quốc trưởng đầu tiên trên thế giới nhưng người phụ nữ đầu tiên đắc cử chức Phó Tổng Thống Hoa Kỳ thì ai cũng biết. Dân Montreal chúng tôi lại càng biết hơn vì bà đã sống cả tuổi teen tại thành phố này. Bà Kamala theo mẹ sang Montreal vào năm 1976, lúc mới 12 tuổi. Từ thành phố Oakland bên California qua Montreal, đứa bé 12 tuổi gặp hai thay đổi lớn: giá băng và tiếng Pháp. Trong hồi ký “The Truths We Hold: An American Journey”, bà viết: “ Cứ nghĩ tới việc rời miền nắng ấm California vào tháng 2, giữa năm học, tới một thành phố ngoại quốc nói tiếng Pháp bị bao phủ bởi lớp tuyết dày tới 12 feet là đã thấy nản, đó là nói nhẹ nhất. Mẹ tôi cố tạo cho tôi cảm tưởng đây là một chuyến phiêu lưu thú vị, mua sắm cho chúng tôi chiếc áo lông vịt và găng tay đầu tiên, làm như thể chúng tôi là những nhà thám hiểm lên miền Bắc vào mùa đông. Nhưng khó cho tôi nghĩ theo như vậy”.


Đông Hương: Nắng Chiều

Nắ́ng chiều trên cây bằng lăng
lá chừ đã đỏ, Thu vàng chơi vơi
trong không gian chút ngậm ngùi
đời đi nhanh quá, rối bời tương lai

*

Hoàng hôn chảy xuống, quanh trời
hồn như rịm tím, nhớ ai khôn cùng
may là chưa qua mùa Đông
em còn níu sợi nắng hồng đan thơ

*

Chiều đi trên những hững hờ
giả vờ mặt lạ, làm ngơ, bước dài
sợi nắng chiều quấn tròn vai
em khôn khéo nắm để ngày khoan đêm

*

Nhẩn nha... bóng đổ ngang thềm
phải là anh... có phải là anh không
sao nghe vời vợi trong hồn
bỗng em ghét nắng chiều, buồn ...tại sao?

Đ.H.

Nguyễn Đức Tùng: Mao Ở Vũ Hán

Mao bước xuống nước. Buông tay vịn bằng gỗ, ông khởi động chậm chạp, để mực nước dâng lên từ từ. Nước lạnh buốt. Mao cố không rùng mình. Âm nhạc trỗi khắp mặt nước. Ông hụp người xuống, lặn một quãng, trồi lên, mất cảm giác lạnh. Đó là lần trở lại đầu tiên, sau hơn một năm lui về. Như một con thú dữ bị trúng tên, lặng lẽ nằm liếm vết thương rỉ máu trong hang sâu. 

Trước đó, trong suốt một năm, con thú ấy nằm ẩn trong hang ở Hàng Châu, tránh những lời chỉ trích mãnh liệt của bọn phê bình trong đảng, bọn xét lại, bè lũ Lưu Thiếu Kỳ, bọn khuynh hữu. Ông trở lại, vết thương chưa thực lành hẳn, nhưng tình thế không cho phép trì hoãn, bước lảo đảo, chẻ đôi làn sóng ở Vũ Hán, hoặc là để chết hẳn dưới đáy sông sâu, hoặc là sống sót, trồi lên, phục sinh, vang rền. 

Ngày 16 tháng 7 năm 1966, thời tiết Vũ Hán hầm hập nóng. Ông ra sông cùng toán cận vệ. Trường giang chạy từ Tây sang Đông, bắt nguồn từ Thanh Hải về hướng Nam dọc theo ranh giới Tây Tạng đổ vào Vân Nam, chuyển hướng Đông Bắc vào Tứ Xuyên, qua Trùng Khánh đến Vũ Hán, qua Nam Kinh xuyên Thượng Hải, đổ ra biển Hoa Đông. Trường giang khi chảy qua Dương Châu được gọi là Dương Tử. Con sông dài sáu ngàn bốn trăm cây số này chia Trung hoa làm hai miền Hoa Bắc, Hoa Nam. Cùng với Hoàng hà, đây là con sông quan trọng trong lịch sử. Mao thích ăn món cá tầm, thích săn cá heo sông chỉ còn sót lại vài trăm con ở Dương tử. Những nhà báo đứng tập trung trên bờ, có vài ký giả từ Mỹ và Pháp. Trên loa phóng thanh, lời của nữ phát thanh viên giọng Bắc Kinh thánh thót đọc một trích đoạn của Sách Đỏ. Mao mỉm cười, không phải vì giọng phát thanh viên, mà vì nhìn thấy một con chuồn chuồn đáp xuống nước. Ông giơ tay đập mạnh, con chuồn chuồn chìm hẳn xuống nước, rồi bay vọt lên. Không như những kẻ thù, ông nghĩ. Kẻ thù không được bay vọt lên. Chỉ có quyền phép của ông mới cho phép một kẻ nào làm thế. Một người mẹ ở Côn Minh sinh con lần thứ nhất, sinh khó, đứa trẻ không chịu chúc đầu xuống mà đưa chân ra, không những đưa chân ra nó còn vòng thêm mấy vòng dây rốn quanh cổ như một người nhảy dù. Các thầy thuốc đi chân đất bó tay. Bệnh viện không có thuốc gây mê. Người sản phụ trẻ đã đọc sách đỏ, đọc lớn tiếng, cầu nguyện, tuyệt đối tin tưởng, cuối cùng sinh hạ một đứa bé trai kháu khỉnh, nặng bốn cân mốt, mới sinh ra đã biết khóc, cười, ngồi thẳng lên, khăng khăng đòi nhìn cuốn sách đỏ trước khi chịu bú sữa. Mao nhăn mặt, vì có một kẻ ngu ngốc nào đó ném cho ông cái phao, không, hắn bơi tới gần đẩy cái phao ra phía trước, lặng lẽ bơi theo ông. Thật là kẻ ngu ngốc, Mao không cần đến phao, ông có thể bơi một mạch qua Trường giang. Trong tầm mắt của Mao, không được xuất hiện bất cứ một con thuyền nào, một chiếc phao nào cả, không có trực thăng. 

Hạ Long Bụt sĩ: Cháo Nóng Đêm Đông

Trời lạnh, mưa gió, đi tìm món ăn ngon là một cái thú, da lạnh thì bụng phải nóng, sự đền bù tuy chẳng to tát cũng vẫn làm nguôi cơn buồn chốc lát. 

Việt Nam xứ nhiệt đới, món ăn phải mát như bún, như rau, mới hợp, món nóng như phở, bún riêu, chả cá, lẩu cá... vừa ăn vừa nhễ nhại mồ hôi thì thú ăn ngon giảm đi tới quá nửa... Hồi 1954 mới từ miền Bắc vào Sài Gòn, đi qua quán cà phê thấy các tay sành ăn uống đổ ly cà phê nóng ra đĩa cho nguội đi rồi mới uống, lại có cả cà phê đen đá... thì quả là khí hậu ảnh hưởng rất nhiều tới miếng ăn, chưa kể món quốc hồn quốc túy như bánh chưng, ăn không thể ngon miệng bằng ăn ở miền mưa phùn gió bấc... Trời lạnh bụng dễ đói... mà càng đói thì ăn càng ngon, thời 1949- 50 ở miền Bắc ngày Tết đến chúc nhau, nhà nào cũng mời bánh chưng, miền quê ngoại tôi, ở Quảng Yên, gần văn hóa Tầu Móng Cái, ngày Tết lại còn thêm bánh tài lùng ệp, giống như bánh dầy, mầu nâu, ngọt, mang rán lên ăn nóng deo dẻo... bẵng đi gần nửa thế kỷ lang thang ngày Tết đi chơi phố Tầu Cựu Kim Sơn hay Hạ Uy Di... lại thấy loại bánh ấy xuất hiện, gọi là bánh tổ dường như là món truyền thống của dân Quảng Châu, Hắc Cá cúng tổ tiên ngày Tết.

Những tay đầu bếp nhà nghề ở khu Tầu San Francisco có lần đắc chí : “ ông đừng sang Trung Quốc lúc này- 1996- chờ dăm năm nữa hãy sang, họ còn đang gửi người qua đây cho chúng tôi huấn luyện cách nấu ăn mà...” cũng chỉ đúng nếu đặt Hồng Kông sang một bên, cơm Tầu Cộng trong Hoa Lục rất khó ăn có lẽ vì mấy chục năm nghèo đói, kinh tế lụn bại nên không thể có cao lương mỹ vị được, chỉ còn Hồng Kông là giữ được tài nghệ nấu ăn truyền thống Trung Hoa cổ xưa...mà phải có thổ công dẫn đường mới vào được các nhà hàng chân truyền dành cho người bản xứ. Năm 1993 trên đường từ Việt Nam trở về Mỹ, tôi ngừng lại Hương Cảng vài hôm để thăm một cô Tầu, em một người bạn đồng nghiệp cùng làm việc ở Mỹ. Thời ấy, trước khi Hương Cảng trao lại cho Trung Cộng, dân chúng náo động chỉ mong được rời bỏ quê hương ...cô ta dẫn tôi lên một nhà hàng lớn lầu 4 lầu 5...chuyên hải sản và thực đơn viết toàn chữ Hán, không có phụ đề Anh ngữ... quả thực món ăn ngon siêu tuyệt hơn hẳn những nơi khác... Chỉ tiếc rằng cô bạn Tầu tìm chồng không được một nét của Gong Li hay Lâm Thiên Hà để làm trái tim viễn khách dừng lại lâu hơn chốn Cảng Thơm!

Thứ Sáu, 27 tháng 11, 2020

BBC News - Tiếng Việt: Khi Đại biểu Quốc hội VN "xin lỗi" và nói rằng Công an "đông quá"

Mới đây, Quốc hội Việt Nam thu hút sự chú ý của công luận khi một Đại biểu Quốc hội phát biểu công khai tại nghị trường góp ý với Bộ trưởng Công an Việt Nam rằng quân số của ngành này là quá đông.

"Xin lỗi đồng chí Bộ trưởng, lực lượng công an quá đông", là phát biểu của Đại biểu Sùng Thìn Cò thuộc đoàn Đại biểu tỉnh Hà Giang, nói với người đứng đầu ngành Công an Việt Nam, Ủy viên Bộ Chính trị, Đại tướng Tô Lâm, trong một phiên thảo luận liên quan lực lượng công an, bảo đảm an ninh ở tuyến cơ sở.

Hôm 24/11/2020, một số nhà phân tích thời sự, chính trị Việt Nam từ trong nước và hải ngoại trao đổi với BBC News Tiếng Việt về ý nghĩa và điều gì có thể rút ra qua phát biểu này.

"Tại cuộc thảo luận của Quốc hội Việt Nam về "Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở" ngày 17 tháng 11 vừa rồi, đại biểu Quốc hội Sùng Thìn Cò nói với Bộ trưởng Công an Tô Lâm rằng, " Xin lỗi đồng chí, nhưng các đồng chí đông quá". Phát biểu của ông Sùng Thìn Cò phản ánh một thực trạng là ngành công an ngày càng đông thêm cả quân lẫn tướng," từ Đại học Quốc gia Hà Nội, nhà nghiên cứu Lê Văn Sinh nói với BBC.

"May mắn là Dự luật không được Quốc hội chuẩn thuận. Giả sử, Quốc hội Việt Nam thông qua dự luật này, Công an sẽ có lực lượng khoảng 1,5 triệu người, tức là ước tính cứ 1.000 dân có 15 viên công an phục vụ.

"Tôi xin đặt câu hỏi là đất nước thái bình sao phải cần nhiều công an? Sao phải cần hàng mấy trăm tướng lĩnh? Thời chiến tranh Việt - Mỹ, quân đội chính quy của Việt Nam không có số lượng tướng và lính nhiều đến thế. Câu hỏi này không chỉ đặt ra cho giới lãnh đạo mà theo tôi còn dành cho con dân nước Việt nữa.

"Thực vậy, sự gia tăng lực lượng công an thời gian qua phản ánh sự lo ngại của giới chức về vai trò lãnh đạo xã hội của họ. Khuynh hướng công an hóa bộ máy nhà nước đã hình thành và ngày càng diễn ra mạnh hơn trong mấy chục năm qua."

Quyền lực quá lớn, hậu quả thế nào?


Thùy Dương (Mục Điểm báo của RFI): Quan hệ Âu - Mỹ thời Joe Biden sẽ khác và thú vị hơn ?

Le Monde tập trung chủ yếu vào thời sự trong nước, đặc biệt là về các biện pháp nới lỏng phong tỏa mà tổng thống Macron đã thông báo trong bài phát biểu trên truyền hình tối 24/11/2020, những thách thức mà nhà nước Pháp phải đối mặt trong thời gian tới, cũng như dự luật « an ninh toàn diện » hiện đang gây nhiều tranh cãi tại Pháp.

Tuy nhiên, Le Monde lại dành mục thời luận cho chính sách ngoại giao trong tương lai của nước Mỹ dưới thời tổng thống Joe Biden với châu Âu. Đối với cây bút chuyên luận Sylvie Kauffmann, Joe Biden có thể là tổng thống Mỹ thân châu Âu nhất, nhưng có lẽ Biden sẽ không thể quan tâm đến các vấn đề của châu Âu bởi ông có quá nhiều việc phải lo.

Chuyến công du châu Âu lần gần đây nhất của Joe Biden là vào tháng 02/2019. Tại Hội nghị An ninh Munich, phó tổng thống Mỹ Mike Pence đã thúc giục các nước châu Âu rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran như Mỹ đã làm. Phát biểu sau Mike Pence, Joe Biden đã cố trấn an các quan chức châu Âu. Cựu phó tổng thống Mỹ thời Obama hứa ”Rồi điều đó cũng sẽ trôi qua thôi. Chúng tôi sẽ trở lại !” Châu Âu khi đó tỏ ra không mấy quan tâm.

Sự hiện diện của Donald Trump tại Nhà Trắng đã khiến châu Âu chìm vào một cơn ác mộng chiến lược thực sự. Qua nhiều giai đoạn hoài nghi, cuối cùng châu Âu cũng nhận ra thực tế : Mỹ đã rời xa châu Âu và chỉ quan tâm đến một số chính quyền dân túy. Nhưng Joe Biden đã giữ lời hứa : Ông ấy đang trở lại. Khi nhậm chức tổng thống Mỹ ngày 20/01/2021, Biden sẽ là tổng thống Mỹ giàu kinh nghiệm nhất về quan hệ quốc tế kể từ thời George Bush cha. Không chỉ vậy, nhìn từ châu Âu, đội ngũ lãnh đạo đối ngoại mà ông Biden công bố hôm 23/11, là ”đội hình trong mơ”. Chẳng hạn, Tony Blinken, người được chọn làm lãnh đạo ngành ngoại giao Hoa Kỳ, lớn lên ở Paris và quen thuộc với châu Âu.

Thế nhưng liệu điều đó sẽ mang lại phép màu cho châu Âu hay chỉ là ảo ảnh ? Cây bút thời luận của Le Monde nhấn mạnh cần khẩn trương giúp những người châu Âu tin rằng mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương sẽ trở lại như ban đầu, thoát ra khỏi những suy nghĩ ngây ngô đó. Các cuộc đối thoại trực tuyến mạnh mẽ trong ba tuần qua giữa các chuyên gia châu Âu và Mỹ về tương lai quan hệ đôi bên đã tiết lộ hai điều : tương lai này sẽ khác và sẽ có nhiều điều thú vị hơn.

Đỗ Hoài Phương Minh (RFA): Liệu Việt Nam có thoát khỏi ảnh hưởng của Bắc Kinh?

Sự nồng ấm Việt - Mỹ


Cố vấn an ninh quốc gia Hoa Kỳ Robert C. O’Brien vừa có chuyến viếng thăm Hà Nội từ ngày 20 đến ngày 22 tháng 11 năm 2020. Theo thông báo của phía Việt Nam thì chuyến viếng thăm này để kỷ niệm 25 năm quan hệ ngoại giao Hoa Kỳ – Việt Nam và để đề cao những nỗ lực chung của hai nước trong việc thúc đẩy một khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở. Báo chí hai bên cũng cho biết, trong chuyến thăm này, Cố vấn an ninh quốc gia Hoa Kỳ O’Brien đã gặp Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh, Bộ trưởng Quốc phòng Đại tướng Ngô Xuân Lịch, và Bộ trưởng Công an Đại tướng Tô Lâm. Trong các cuộc gặp này, ông O’Brien cũng đã tái khẳng định sự ủng hộ của Hoa Kỳ đối với một nước Việt Nam vững mạnh, thịnh vượng và độc lập, góp phần vào an ninh quốc tế, và tôn trọng thượng tôn pháp luật.

Quan hệ Việt - Mỹ trong dịp kỷ niệm 25 năm bình thường hóa quan hệ giữa hai cựu thù đã ghi nhận một số tín hiệu tích cực. Quan hệ song phương ngày càng nồng ấm khi Mỹ hiện là đối tác thương mại lớn thứ hai của Việt Nam, chỉ sau Trung Quốc. Ngay cả trong cuộc khủng hoảng đại dịch COVID-19, trong nửa đầu năm 2020, thương mại song phương đã tăng 26 tỷ USD.

Cách đây chưa đầy một tháng, Ngoại trưởng Pompeo cũng đã ghé thăm Hà Nội trong một chuyến đi không có trước trong lịch trình. Các chuyến viếng thăm liên tiếp của các quan chức cao cấp trong chính phủ Hoa Kỳ cho thấy sự quan tâm của chính phủ Mỹ đối với Việt Nam.

Tương lai tốt đẹp


Các chuyến viếng thăm này cùng với việc cựu Thứ trưởng Ngoại giao Antony Blinken được bố trí làm Ngoại trưởng trong chính quyền mới của Biden đã gửi một tín hiệu rõ ràng tới Trung Quốc và ASEAN rằng Mỹ tiếp tục giữ cam kết đối với khu vực và với Việt Nam.

Điều này khiến Việt Nam vui mừng vì được coi là đồng minh thân cận nhất của Mỹ ở Đông Nam Á. Washington đang tận dụng mọi cơ hội có thể để giành lấy sự ủng hộ của Hà Nội và cải thiện vị thế quốc tế của Mỹ.

Ghé Thăm Facebook

FB Song Chi


Không phải vô cớ mà Mary L. Trump, cô cháu ruột của Trump, đã đặt tựa cuốn sách của mình là "Too Much and Never Enough: How My Family Created the World's Most Dangerous Man" (Quá nhiều và không bao giờ là đủ: Gia đình tôi đã tạo ra người đàn ông nguy hiểm nhất thế giới như thế nào). Là người nhà, hơn nữa lại là một nhà tâm lý học lâm sàng, Mary L. Trump hiểu rõ hơn rất nhiều người rằng Trump có thể trở nên nguy hiểm như thế nào. 

Hãy nhìn lại ảnh hưởng của Trump đối với đám đông quần chúng, những lời nói láo thường xuyên và những cáo buộc vô căn cứ nhưng lại có hiệu quả hơn người ta tưởng, cùng với vô số thuyết âm mưu được tung ra từ Twitter nơi Trump sử dụng như một "tờ báo", một "kênh thông tin" riêng... một khi "thuốc độc" ngấm, nó khiến nhiều người mất lòng tin vào truyền thông báo chí, hoài nghi thậm chí phủ định tính nghiêm minh của luật pháp hay hệ thống bầu cử, phủ định những giá trị của nền dân chủ Mỹ... Để xây dựng một nền dân chủ và những con người dân chủ, có lương tri, thiện tính, phải mất hàng trăm năm, nhưng để phá hoại thì nhanh hơn nhiều.

Share từ trang facebook của nhà văn Phạm Thị Hoài :


Huyền thoại đâm sau lưng

Sau thất bại cay đắng trong Thế chiến I, thay vì thừa nhận những sai lầm quân sự của mình, giới tướng lĩnh chỉ huy quân đội Đức dựng nên một huyền thoại cho đến nay vẫn sống dai dẳng, huyền thoại đâm sau lưng (Dolchstoßlegende), hình ảnh lấy từ sử thi Nibelungenlied nổi tiếng, khi dũng sĩ Siegfried hồn nhiên cúi xuống vục nước uống và bị đối thủ xảo quyệt Hagen phóng giáo giết sau lưng.

Thứ Năm, 26 tháng 11, 2020

Ngô Nhân Dụng: Covid thay đổi kinh tế Mỹ

Với ba thứ thuốc chủng ngừa bệnh dịch Covid-19 sắp được đưa vào thị trường vào cuối năm nay, ai cũng hy vọng đến Mùa Xuân 2021 kinh tế thế giới sẽ hồi phục lên. Nhưng chắc sẽ phải kiên nhẫn đợi tới cuối năm 2021, hay sang năm 2022 mới thấy kinh tế Mỹ trở lại được như năm 2019!

Quan trọng hơn nữa, nền kinh tế “Hậu Covid” cũng sẽ lột xác, không còn giống như thời “Tiền Covid” nữa. Vì từ người tiêu thụ, các doanh nghiệp cho tới người làm việc đã bị bắt buộc phải thay đổi trong 11 tháng qua, sẽ không sinh hoạt như trước nữa!

Trước hết, vaccine không thể giúp cho kinh tế hồi phục ngay được dù người Mỹ sẽ được chủng ngừa sớm nhất thế giới. Vì trong tháng 11 và 12 năm nay số người bị bệnh tăng lên rất nhanh, và sẽ tiếp tục trong vài ba tháng đầu năm tới. Số người mắc bệnh và người chết ở nhiều vùng thôn quê nước Mỹ mỗi ngày tăng lên với nhịp độ không khác gì các thành phố New York hay Los Angeles vào đầu mùa bệnh dịch. Do đó số người làm việc tự nhiên đã giảm.

Hơn nữa, khi có vaccine thì không phải ai cũng sẽ được chích ngừa ngay. Vaccine phải được dành ưu tiên cho các nhân viên y tế, cho những người có trách nhiệm giữ gìn an ninh, như cảnh sát, quân đội, lính cứu hỏa, vân vân. Kế đến những người dễ bị nguy hiểm nếu bị nhiễm bệnh: Người già, hoặc có bệnh sẵn, rồi mới tới người trung niên. Giới thanh niên có thể phải đợi tới năm 2022 mới đến lượt được chích vaccine. Và đó là lực lượng lao động chính giúp kinh tế hồi phục. Nhưng nhiều người không tin vào vaccine. Chỉ có 40 phần trăm người Mỹ tỏ ý sẽ đi chích ngừa khi có thuốc chủng.

Nhưng dù mọi người đều được chích vaccine thì khi hồi phục nền kinh tế cũng khác hẳn thời trước.

Bởi vì Covid-19 đã khiến cho mọi người phải đổi cách sống, cách tiêu thụ, cách làm việc. Sau khi bệnh dịch qua rồi, người ta vẫn giữ những thói quen đó. Một thay đổi lớn là nhiều người đã mua bán trên mạng.

Tina Hà Giang (BBC News Tiếng Việt): Chính quyền Biden sẽ 'dùng liên minh để đối phó' với Trung Quốc?

Với việc Nhà Trắng bắt đầu tiến trình chuyển giao quyền lực, và tổng thống đắc cử Biden vừa ra mắt đội ngũ, chính sách đối ngoại của ông Biden lại một lần nữa thu hút sự chú ý của dư luận.

Trả lời phỏng vấn của BBC News Tiếng Việt, ba nhà phân tích chính trị Adam Ni, Carl Thayer và David Hutt cùng cho là với chính quyền Biden, 'căng thẳng Mỹ-Trung sẽ tiếp tục,' nhưng ông Biden sẽ tiếp cận thách thức Trung Quốc bằng cách thu hút đồng minh để cùng hợp tác đối phó với Bắc Kinh, thay cho cách hành xử đơn phương, một mình một ngựa, của Tổng thống Trump.

BBC: Chiến thắng của Biden sẽ ảnh hưởng đến mối quan hệ của Mỹ và chính sách của nước này với Trung Quốc như thế nào?

Carl Thayer: Lưỡng đảng Mỹ đồng thuận rằng Trung Quốc là một đối thủ cạnh tranh chiến lược, và Mỹ có những bất bình chính đáng trước cạnh tranh thương mại không công bằng của Trung Quốc. Tình trạng cưỡng bức chuyển giao quyền sở hữu trí tuệ, đánh cắp tài sản trí tuệ của Mỹ, cũng như trợ cấp của chính phủ Trung Quốc cho các doanh nghiệp nhà nước, cần phải được giải quyết. Căng thẳng hiện tại sẽ tiếp tục cho đến khi những vấn đề này được giải quyết xong.

David Hutt: Còn phải chờ xem mới biết. Tuy nhiên tôi nghĩ rằng sự cạnh tranh Mỹ-Trung sẽ tiếp tục dưới thời Biden, mặc dù nó sẽ trở thành một tiến trình hành chánh, hơn là cách hành xử tùy hứng như dưới thời ông Trump. Tôi không lường trước được bất kỳ sự thay đổi nào trong chính sách của Hoa Kỳ liên quan đến Biển Đông, mà suy cho cùng là chính sách do Obama đặt ra, cũng như không thấy bất kỳ sự giảm thiểu nào của mối quan hệ Việt - Mỹ ngay cả khi Biden giảm bớt sự thù nghịch với Trung Quốc.

Adam Ni: Có một đồng thuận ở Washington là nước Mỹ cần phải cứng rắn hơn với Trung Quốc, vì tầm ảnh hưởng ngày càng lớn của Trung Quốc trên nhiều mặt và sự cạnh tranh giữa Trung Quốc với Mỹ. Tôi không nghĩ với chính quyền Biden, Mỹ sẽ có sự thay đổi chính sách về mặt dài hạn.

Tạ Duy Anh: Vì sao tiếng cười bị căm ghét?

Tôi phát hiện ra rằng, những người cầm quyền trong chế độ toàn trị rất dị ứng với những tác phẩm hài hước, dù nó nói về bất cứ chủ đề gì. Cứ gây cười là rất đáng ghét và đáng sợ?

Vì sao vậy? Tại sao những tác phẩm mang đến bạn đọc tiếng cười lại bị săn lùng, ngăn chặn, tìm cách vô hiệu hóa ở mọi nơi, mọi lúc gắt gao, khắc nghiệt đến thế?

Hóa ra khi ngồi xem tivi, tôi nhận ra toàn bộ các chương trình, dù rất nghiêm trang như những lễ kỷ niệm, những kỳ hội họp, những cuộc thăm thú, những lời phát biểu… đều ẩn chứa yếu tố hài hước, yếu tố diễn hề. Bất cứ gương mặt nào xuất hiện cũng có khả năng gây cười, nếu người xem có một chút hiểu biết về ông hay bà ta, rồi đặt bên cạnh những gì ông hay bà ta nói.

Làm sao không gây cười được, khi một ông bà nào đó kiến thức rỗng tuếch, đến viết còn sai chính tả, lại nói rất hùng hồn về những thứ cao siêu, về thời đại trí tuệ, về tầm nhìn nửa thế kỷ? Làm sao không gây cười được, khi trong một hội trường nào đó, trên những băng rôn, khẩu hiệu, trên những dáng đi, cử chỉ nghiêm cẩn… thực chất đều là diễn, đều đang làm trò, chẳng có cái gì thiêng liêng cả. Hàng ngàn người nét mặt ai nấy đầy vẻ nghiêm nghị, cứ như họ đang chuẩn bị tuyên thệ, nhưng tất cả đều đang đóng kịch, đang canh chừng nhau, đang ngầm toan tính giành giật quyền lợi về mình và không một lời nào được nói ra là thật, không một hành động nào đáng tin. Thế thì làm sao lại không gây cười. Quan sát rộng ra, mọi thứ khác cũng đều ẩn chứa sự hài hước. Một bức tranh áp phích, một đoạn phát biểu, những khẩu hiệu nhiều nhan nhản, những cử chỉ, lời nói như thánh phán, nổ như bom, buông ra ở bất cứ đâu… Cũng đều là những chi tiết có thể cười vỡ bụng của vở đại hài kịch.

Phàm con người ta rất ghét phải thấy lại hình ảnh nhếch nhác của chính mình. Bạn cứ làm một cú test đơn giản mà xem: Tặng một đại nhân thích trịnh trọng nào đó tấm hình chụp ông ta lúc ông ta ăn mặc lôi thôi, hoặc lúc ông ta chức vụ còn bé tí, ông ta sẽ căm ghét bạn – kẻ lưu giữ trong ký ức những thứ chả ra gì về ông ta – đến xương tủy. Vua chúa ngày xưa tìm cách giết bạn nối khố cũng là vì thế. Mà cấp nhếch nhác ấy chỉ mới ở hình thức, còn lâu mới kinh bằng nhếch nhác từ trong tinh thần. Vì thế, mọi sự “nhắc cho nhớ lại” còn hơn cả nhạo báng. Con người có thể nói dối ráo hoảnh, trơ tráo, nhưng nó rất sợ đối diện với chính sự nói dối ấy, rất sợ bị vạch trần bởi người khác.

VOA Tiếng Việt: Biden chọn Blinken- tín hiệu đảo ngược quan điểm ngoại giao thời TT Trump?

Ông Antony Blinken muốn khôi phục lại vị thế lãnh đạo thế giới của Mỹ. Hình Mark Makela/Getty Images

Là một người phản đối mạnh mẽ cách tiếp cận ‘Nước Mỹ trên hết’ của Tổng thống Donald Trump, ông Anthony Blinken, người được đề cử làm Ngoại trưởng mới của Mỹ, sẽ bảo vệ vai trò lãnh đạo của Mỹ trên thế giới và sẽ phối hợp với các đồng minh để vừa hợp tác vừa kiềm chế Trung Quốc, một nhà quan sát chính trị nói với VOA.

Hôm 23/11, ông Blinken được Tổng thống đắc cử Joe Biden đề cử cho vị trí Ngoại trưởng. Ông còn phải được Thượng viện phê chuẩn sau khi ông Joe Biden tuyên thệ nhậm chức vào ngày 20/1 năm 2021.

Ông Anthony Blinken từng phục vụ trong chính quyền của Tổng thống Barack Obama với tư cách thứ trưởng ngoại giao và phó cố vấn an ninh quốc gia, đồng thời ông cũng làm cố vấn an ninh quốc gia cho ông Joe Biden khi đó là phó tổng thống.

Ông Blinken từng đóng vai trò trung tâm trong đội ngũ chính sách đối ngoại của ông Obama và có vai trò quan trọng trong phản ứng trước việc Nga sáp nhập bán đảo Crimea và hậu thuẫn cho phe ly khai ở Ukraine, cuộc đột kích tiêu diệt thủ lĩnh Al-Qaeda Osama Bin Laden vào năm 2011, và cuộc chiến chống lại Nhà nước Hồi giáo ở Iraq và Syria.

Nếu được phê chuẩn, ông Blinken sẽ thực hiện cam kết của ông Biden là khôi phục vai trò lãnh đạo toàn cầu của Mỹ, củng cố các mối quan hệ đồng minh và cổ vũ dân chủ và nhân quyền trên toàn thế giới.

‘Bảo vệ liên minh’


Trao đổi với VOA, ông Tạ Văn Tài, một cựu giáo sư tại Đại học Harvard, nhấn mạnh đến viện ông Blinken được nhiều người gọi là ‘người bảo vệ các liên minh toàn cầu’.

Thứ Tư, 25 tháng 11, 2020

Y Chan: Thay đổi xã hội - ai thay, ai đổi, và để làm gì?

Những bức tranh xã hội mới được vẽ nên từ ai, như thế nào và sẽ đi đến đâu.


Với những người từng sống ở các đô thị, kẹt xe là một nỗi ám ảnh quen thuộc. Hầu như ai cũng từng phải thốt lên bực dọc “lại bị kẹt xe rồi!”.

Câu nói trên có thể hiểu như sau: tôi là nạn nhân, vô tình bị kẹt trong đống xe cộ kín nghẹt, không thể thoát ra được.

Câu than vãn này hợp tình hợp lý đến mức ai cũng nói, và rất ít người cảm thấy có gì bất thường với nó.

Sự thật là: khi xuất hiện trên đường, ta chính là một phần của giao thông, và nếu giao thông tắc nghẽn, ta chính là một phần tạo ra sự nghẽn mạch đó.

Không có ai là “nạn nhân”. Tất cả đều là những “kẹt nhân”.

Đây không chỉ thuần túy là chuyện chữ nghĩa. Cách đóng khung vấn đề ảnh hưởng đến cách mỗi người nhìn nhận vấn đề. Cụ thể hơn, trong trường hợp này, là cách mà chúng ta muốn thay đổi xã hội, hoặc không.

Thay đổi từ đâu mà ra


Triết gia Hy Lạp Heraclitus từng phát biểu, “thứ duy nhất trên đời tồn tại vĩnh hằng là sự thay đổi” (the only thing constant in life is change). Ông cũng được cho là tác giả của câu nói quen thuộc “không ai tắm hai lần trên một dòng sông”.

Thay đổi là một phần tất yếu của cuộc sống. Ở quy mô lớn, ảnh hưởng đến nhiều người, ta gọi nó là các “thay đổi xã hội”.

Trong sách “Chính trị bình dân”, tác giả Đoan Trang đã dành đoạn đầu của chương I trong phần “Tương tác chính trị” (V) để giới thiệu về những thay đổi này.

Tuấn Khanh: Mệ


Buổi sáng 1-11-2020, chuyến xe từ thiện lần mò đến được Ba Lòng, Dakrong, Quảng Trị. Con đường lầy lội, đôi lúc dừng lại bởi những đoạn sạt lún đỏ ngòm. Hai bên là núi và lũng sâu. Đây là một trong những nơi khốn khó nhất với người dân, vì nước lụt vẫn bất thần đến từ thủy điện và mưa, sạt lở đổ xuống từ trên cao, rồi đến bùn nhầy vây chặt các lối vào. Dân kể rằng trong hai tuần của tháng 10, họ chịu đến sáu lần lụt lội, mọi thứ trôi và chết theo nước nên giờ chỉ còn biết khoanh tay chờ cứu trợ đến hết năm, vì bao nhiêu thứ làm ra, dành dụm được từ đầu năm đến nay đã trôi tuột. Thậm chí thóc ngâm nước, ngậm sình khi gom lại được, gà vịt cũng không buồn ngó đến.

Lướt qua trong khung hình camera của tôi là những gương mặt sạm nắng núi. Khó nhọc ở nơi đó khiến người Kinh và người dân tộc Vân Kiều chỉ còn khác nhau một chút ở trang phục. Nụ cười của họ cũng giống nhau: chất phác và chịu đựng. Ngoài người Vân Kiều, ở đây còn có Pa Kô, Tà Ôi, Pa Hy, K’Tu… Các sắc tộc thiểu số ở đây đều nghèo và rất nghèo. Cuộc sống của họ là tự cung tự cấp, phần lớn học vấn cũng không qua tiểu học.

RFA: Phản biện đối với phát biểu về giáo dục mới nhất của phó Thủ tướng Vũ Đức Đam

Trong các phiên thảo luận Quốc hội Việt Nam gần đây, giáo dục luôn là nội dung được nhiều đại biểu quan tâm bàn luận. Tại buổi họp thứ 2 Quốc hội khóa XIV diễn ra chiều ngày 16/11 vừa qua, ông Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết theo các báo cáo được các tổ chức quốc tế thực hiện hàng năm, đa phần xếp hạng của Việt Nam đứng vào khoảng 60 đến 70, có nghĩa so với trình độ phát triển kinh tế - xã hội chung thì giáo dục của đất nước hình chữ S hơn các nước có trình độ tương đương.

Trao đổi với RFA vào tối 23/11, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đình Cống, nguyên Trưởng khoa Xây dựng, Đại học Xây dựng Hà Nội bày tỏ quan điểm cá nhân về bảng xếp hạng mà ông Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói đến:

“Hiện nay như ông Vũ Đức Đam nói, cũng không riêng ông Vũ Đức Đam mà nhiều người nói là theo xếp hạng của thế giới thì giáo dục Việt Nam ở vào khoảng 60, nghĩa là rất cao. Người ta dựa vào gì để xếp hạng? Tôi đoán rằng người ta dựa vào một là số người đi học trên toàn dân, hai là tỉ lệ xóa nạn mù chữ, ba là trường lớp, đặc biệt là trường đại học. Người ta cũng dựa vào một vài thành tích của học sinh như các đợt thi quốc tế học sinh Việt Nam cũng được giải này, giải nọ…”

Giáo sư Nguyễn Đình Cống cho rằng có lẽ người ta dựa vào những tiêu chí như ông vừa nêu để xếp hạng giáo dục Việt Nam tương đối cao. Tuy nhiên, theo ông, thực chất bản chất giáo dục Việt Nam lại không cao như vậy. Ông giải thích:

“Vì chất lượng học hành của Việt Nam thì khi học xong ôm một mớ kiến thức không đầu, không đuôi, không rõ ràng. Có những điều không thể đánh giá được, chỉ cảm nhận được sự xuống cấp của giáo dục Việt Nam. Cách dạy của người Việt Nam, đặc biệt là chất lượng đội ngũ thầy giáo ở Việt Nam tôi cho rằng không thể xếp hạng cao ở 60 được. Người ta chẳng qua vì một vài hình thức gì đấy để xếp hạng mà không phản ánh đúng nền giáo dục Việt Nam. Tại vì giáo dục Việt Nam mang tội rất nặng, không phải chỉ giáo dục mà cả dân Việt Nam chạy theo thành tích. Có thành tích mà thành tích dỏm chứ không phải thành tích thật, báo cáo láo. Nếu dựa vào báo cáo láo đó đánh giá thì khó mà chính xác.”

Cũng tại buổi chất vấn và trả lời chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo diễn ra ngày 16/11, nhiều đại biểu Quốc hội đưa ra ý kiến cho rằng phải chăng Việt Nam không có triết lý giáo dục?

Sophie Yeo - BBC Future: Huỷ hoại môi trường sẽ là tội hình sự quốc tế?

Từ Giáo Hoàng đến Greta Thunberg, ngày càng nhiều người kêu gọi xếp tội hủy diệt môi trường ('ecocide) vào nhóm tội phạm hình sự quốc tế - nhưng liệu luật này có tác dụng gì không?

Vào tháng 12/2019, tại Tòa án Hình sự Quốc tế ở The Hague, Đại sứ Vanuatu tại Liên minh Châu Âu đưa ra một đề nghị cấp tiến: hãy xếp hành vi hủy hoại môi trường vào loại tội phạm hình sự.

Vanuatu là một đảo quốc nhỏ ở Thái Bình Dương, một quốc gia bị đe dọa nghiêm trọng vì mực nước biển tăng. Biến đổi khí hậu là khủng hoảng cận kề và ảnh hưởng đến sự tồn vong của quốc gia này, nhưng hoạt động khiến nhiệt độ tăng - như sử dụng năng lượng hóa thạch - lại gần như xảy ra ở những nơi khác, phục vụ các quốc gia khác, và được chính phủ các nước đó ủng hộ.

Các đảo quốc nhỏ như Vanuatu từ lâu đã cố gắng thuyết phục các nước lớn tình nguyện giảm khí thải, nhưng thay đổi diễn ra rất chậm chạp - vì vậy Đại sứ John Licht đề nghị nay đã đến lúc phải thay đổi luật.

Hình sự hóa hành vi hủy diệt môi trường


Phần sửa đổi trong Công ước Rome, vốn thiết lập ra Tòa án Hình sự Quốc tế, có thể hình sự hóa các hành động dẫn đến sự hủy diệt môi trường, ông nói, "Ý tưởng quyết liệt này xứng đáng được thảo luận nghiêm túc".

Hủy diệt môi trường (ecocide) - tức là "giết chết môi trường" - là ý tưởng mà các nhà hoạt động môi trường coi là vừa rất cực đoan nhưng cũng vừa hợp lý.

Thuyết này cho rằng không ai có thể được nhởn nhơ, không bị trừng phạt sau khi hủy hoại môi trường tự nhiên. Các nhà hoạt động tin rằng loại tội phạm này nên được đưa vào quyền tài phán của Tòa án Hình sự Quốc tế, cơ quan hiện thời chỉ truy tố bốn loại tội phạm, gồm: tội diệt chủng, tội ác chống lại nhân loại, tội phạm chiến tranh và tội xâm lược.

Thứ Ba, 24 tháng 11, 2020

Breaking News: Trump ra lệnh chuyển giao quyền hành cho Biden (Người Việt)

WASHINGTON, DC (NV) – Trong tin nhắn gởi ra chiều Thứ Hai, 23 Tháng Mười Một, Tổng Thống Donald Trump cho biết: “Vì lợi ích quốc gia, tôi yêu cầu Giám Đốc Emily Murphy và đội ngũ của bà làm những gì cần thiết theo các bước quy định, và tôi cũng cho các nhân viên trực thuộc hành động tương tự.”


Cơ quan General Services Administration (GSA) vừa gửi thư đến văn phòng Tổng Thống Đắc Cử Joe Biden thông báo chính phủ Tổng Thống Donald Trump sẵn sàng tiến trình chuyển giao quyền lực.


Tổng Thống Trump gửi ra tin nhắn cho biết ông ra lệnh GSA tiến hành chuyển giao quyền lực. (Hình: Twitter @realDonaldTrump)

Thông báo trên được bà Emily Murphy, giám đốc GSA, gởi ra hôm Thứ Hai, 23 Tháng Mười Một, theo đài CNN. (Xem thư bấm vào LINK)

Cơ quan General Services Administration (GSA), một cơ quan độc lập, có trách nhiệm cung cấp và tài trợ kinh phí cho các hoạt động hành chính của chính phủ, thường công nhận một ứng cử viên tổng thống khi rõ ràng đã thắng cuộc bầu cử để quá trình chuyển giao quyền lực có thể tiến hành.

Marianna Spring (BBC News –Tiếng Việt): Nguồn gốc sâu xa của chiến lược 'gian lận cử tri' của Trump

Tổng thống Trump cáo buộc "gian lận" ngay cả khi phiếu bầu vẫn đang được kiểm - đỉnh cao của một chiến lược đã được thực hiện ít nhất vài tháng trước đó.

Vào một buổi sáng tinh mơ của tháng 11 lạnh giá ở Connecticut, Candy, 49 tuổi, chui vào giường sau một ca đêm làm việc dài.

Cô ngay lập tức mở khóa điện thoại của mình - và bắt đầu duyệt qua mạng xã hội, điều cô làm trong hầu hết các đêm.

Nhưng đêm nay rất khác - đó là đêm bầu cử. Kết quả vẫn bị treo trong cán cân. Candy liên tục theo dõi tin tức, trong khi chờ đợi ứng cử viên cô yêu thích lên tiếng. Và ngay sau khoảng 1 giờ đêm, ông đã phát biểu.

Candy đồng ý với ông. Cô đang thất vọng và muốn làm một điều gì đó - vì vậy khi một trong những người bạn thân nhất mời cô tham gia một nhóm Facebook có tên 'Stop the Steal', cô chớp ngay lấy cơ hội.

"Đảng Dân chủ đã nói ngay từ đầu trong thời gian hỗn loạn về Covid rằng họ sẽ làm bất cứ điều gì cần thiết để loại trừ Trump - và tôi nghĩ họ đã thành công", Candy sau đó nói.

Candy đã dự đoán điều này. Trong nhiều tháng, các cáo buộc về "cuộc bầu cử gian lận" và "gian lận cử tri" đã tràn ngập Facebook của cô.

Và Candy không phải là người Mỹ duy nhất tiếp xúc với thông tin sai lệch về bầu cử trong nhiều tháng dài trước ngày bỏ phiếu.

 

Tweets và nền dân chủ


Nghiên cứu của đơn vị Chống thông tin sai lệch của BBC cho thấy thông tin sai lệch về gian lận cử tri đã được các tài khoản có ảnh hưởng cài cắm trên mạng xã hội liên tục trong nhiều tháng.

Và nó đến từ cấp cao nhất. Tổng thống Trump đã bắt đầu tweet các cáo buộc gian lận lần đầu tiên từ hồi tháng Tư.

Rồi từ đó đến ngày bầu cử, ông đã đề cập đến các cuộc bầu cử gian lận hoặc gian lận cử tri hơn 70 lần.

Đinh Xuân Quân: Được Làm Vua Thua Làm Giặc - Kỳ 2 - Game over trong cuộc bầu cử 2020

Bầu cử tại Hoa Kỳ có một quy trình tranh cử rất rõ ràng và cả thế giới khâm phục. Trong cuộc bầu cử 2020 vừa rồi, một số người theo hoặc ủng hộ đảng Cộng Hòa (CH) một cách quá nhiệt tình đã có nhiều phát biểu hay bóp méo sự thật gây hoang mang cho nhiều người, nhất là cho những người gốc VN không có khả năng truy cập một cách trực tiếp với truyền thông Hoa Kỳ. 

Tranh cử 2020 khá bất thường vì sự tham gia đông đảo cử tri Hoa kỳ --65% công dân, trên dưới 155 triệu cử tri. Đảng Dân Chủ yêu cầu các cử tri dùng lá phiếu khiếm diện để bầu, hầu tránh lây nhiễm COVID (số tử vong trên 255 K và số bị nhiễm trên 12 triệu người), trong khi đó phe Cộng Hòa yêu cầu mọi người đi bỏ phiếu tại phòng phiếu vào ngày 3/11. 

Bài này viết trong đêm 23 rạng ngày 24 tháng 11-2020, tức là 20 ngày sau ngày bầu cử với kết quả được các cơ quan truyền thông loan ra là 306 phiếu cử tri đoàn (79.8 triệu lá phiếu) cho Joe Biden, và 232 phiếu cử tri đoàn (73.7 triệu lá phiếu) cho TT Trump. 

Trong bài trước tác giả muốn phe Cộng Hòa thưa kiện – khiếu nại với tòa án đúng theo quy trình bầu cử, vì còn trong thời gian quy định. Sau ngày 3/11 TT Trump không chấp nhận kết quả cho là có gian lận rộng rãi. Ông ta còn dùng một số thủ đoạn không mấy “thượng võ.” 

Trước hết TT Trump dùng luật sư kiện các tiểu bang, nhất là các tiểu bang mà số phiếu giữa hai ứng cử viên có thể suýt soát (Pennsylvania, Michigan, Arizona, Georgia, Wisconsin) vì cho là có gian lận lớn, cướp mất cuộc bầu cử của ông. Các ban bầu cử của các tiểu bang còn bị phe Cộng Hòa phá đám không cho kết luận vụ kiểm phiếu tại nhiều nơi. Làm như vậy sẽ khiến quy trình chính thức hóa cuộc bầu cử (certification) bị chậm lại, bắt cả nước Hoa kỳ phải chờ đợi, trong tình trạng hoang mang có thể nguy hiểm khi Covid còn hoành hành. 

Thứ hai ông Trump xây dựng các tin đồn – tin vịt (conspiracy theories) nói xấu, vu khống và bôi nhọ Joe Biden (JB) qua vụ chiếc computer mà con trai của Joe Biden mang đi sửa lòi ra chuyện hối lộ của TQ, đến sự vận hành phần mềm máy bầu cử Dominion. Họ phao tin đồn là quân đội Hoa Kỳ tại Frankfurt bên Đức đến trụ sở chi nhánh của công ty Dominion tịch thu tài liệu. 

Thanh Hà (RFI): Donald Trump và chiến dịch "tiêu thổ kháng chiến"

Dập tắt ngọn hải đăng dân chủ của Hoa Kỳ, cản đường người kế nhiệm trên mọi hồ sơ lớn, từ chính sách đối ngoại đến môi trường, để mặc cho đại dịch và khủng hoảng kinh tế tàn phá Hoa Kỳ. Giới quan sát quốc tế cho rằng Donald Trump đang tiến hành chiến dịch "tiêu thổ kháng chiến" để đến ngày ông ra đi, nước Mỹ sẽ chỉ còn là một "bãi chiến trường".

Tổng thống Trump không còn điều hành đất nước từ ba tuần qua mà chỉ tập trung vào việc cáo buộc rằng bầu cử ngày 03/11/2020 bị gian lận, cho dù ông và dàn luật sư vẫn chưa đưa ra được bằng chứng cụ thể nào. Việc ứng viên đảng Dân Chủ Biden hơn Trump đến hơn 6 triệu lá phiếu phổ thông, theo dự phóng của Cơ quan Census Bureau và USA Election Project, vẫn chưa đủ sức thuyết phục chủ nhân Nhà Trắng nhìn nhận thất bại.

Tệ hơn cả là thái độ của tổng thống Mỹ thứ 45 càng lúc càng biến Hoa Kỳ thành "trò cười cho thiên hạ", như ghi nhận của Gilles Paris, thông tín viên báo Le Monde tại Washington.

Từ đầu tháng 11 tới nay, chính quyền trong thế như "rắn không đầu". Lịch làm việc của nguyên thủ Mỹ gần như là một tờ giấy trắng, ngoại trừ cuộc họp trực tuyến ngắn ngủi với các lãnh đạo nhóm G20 trước khi Donald Trump và đoàn tùy tùng hối hả đi đánh golf giải trí. 

Về đối nội, trước ngày ra đi, chính phủ Mỹ để ngỏ khả năng cho phép khai thác dầu khí tại một khu vực cần được bảo tồn ở bang Alaska. Đối với nhiều nhà phân tích, đây là biện pháp nhằm cản trở chính quyền Joe Biden quay trở lại với thỏa thuận chống biến đổi khí hậu. Qua cử chỉ này, chính quyền Trump muốn chứng tỏ họ bảo vệ quyền lợi của các nhà sản xuất dầu khí Mỹ.

Nhưng cùng lúc, ngày 20/11/2020, bộ trưởng Tài Chính Mnuchin đơn phương yêu cầu Ngân Hàng Trung Ương ngừng hỗ trợ kế hoạch khắc phục hậu quả kinh tế do dịch Covid-19 gây nên. Hành động này, theo thông tín viên báo Le Monde từ Washington, không hơn không kém là cách để ông Trump "khóa tay" Biden, để cho người kế nhiệm lên cầm quyền trong những "điều kiện tệ hại nhất".

Chủ Nhật, 22 tháng 11, 2020

Mai Thảo: Thảm và tiếng động

Không biết bởi nguyên nhân nào- có thể là cái hiện tưọng của cảm giác một lần đã nhận chịu một chạm đụng dữ dội, chạm đụng còn vang ngân mãi mãi trong vòm trời trí nhớ, hiện tượng với tôi, còn giải thích cho các vị trí khác thường của một số hình ảnh đặc biệt trong trí tưởng một đời người - tôi yêu lắm những hành lang. Một hành lang khách sạn chạy qua những cửa buồng đánh số, một hành lang lâu dài dẫn lên tháp canh cao vút hay dẫn xuống những cửa hầm tối thẳm, một hành lang biệt thự với những tấm gương, một hành lang bảo tàng trầm tư nhũng pho tượng, tôi đều yêu. Cả đến cái hành lang rùng rợn kia, nơi người tù tử hình bước những bước chân cuối cùng của đời y tới phòng hơi ngạt, như những đời hành lang khác, cũng chuyên chở cũng ngưng đọng trên cái thăm thẳm chạy dài của chúng những dư âm và những hình bóng dị thường. Của một ngôi nhà hành lang là linh hồn. Nó có một đời sống và một định mệnh riêng tây. Cho bất cứ một kiến trúc nào hành lang là cái phần đắm chìm, mơ màng và phảng phất nhất. Đêm trên hành lang, tiếng chân anh vang động hơn. Đi trên một hành lang, đã thường hằng trong tôi là cái cảm tưởng đi trên một phím dương cầm. Và ngọn đèn đêm kia đổ xuống bóng người cô đơn trở về. ngọn đèn đó chính là con mắt ráo hoảnh của đêm thao thức không cùng mở lớn.

Tuần lễ vừa qua; để thay đổi một không khí, thấy khác một vùng trời, đến ở mấy ngày tại một khách sạn miền núi, khi rời khách sạn, cái hình ảnh duy nhất còn lại trong tôi vẫn là cái hình ảnh thăm thẳm ấy của một hành lang. Đó là một lối đi rất dài và rất rộng, như một con sông chảy giữa những bờ tường. Lên khỏi cầu thang, sau những cột gỗ nghiêm nặng, cái thế giới ngưng đọng tịch mịch thình lình hiện ra trước tầm mắt. Những bước chân tôi cũng thình lình bặt tiếng. Một tấm thảm dầy đã thu hút hết mọi tiếng động. Không khí ở đây lạnh buốt. Hành lang nằm giữa lòng một kiến trúc nhiều tầng bát ngát. Ở đây là đêm và ngày không nhận định, sáng và trưa cùng mơ hồ, cái tranh tối và tranh sáng trộn lẫn, tối và sáng cùng vô tính như nhau. Thoạt đầu tôi không phân định được gì. Hành lang nào cũng thế. Phút thứ nhất nó chỉ là một hình thể trống trơn và vô nghĩa. Hai bên, những căn buồng đóng kín. Hành lang chạy ở ngoài, xa lạ với mọi cuộc sống bên trong. Nhưng từng phút rồi từng phút những cái ngưng đọng, những cái vô hình, những cái phảng phất đã quanh tôi dần dần vây kín. Bằng một nghìn con mắt yên lặng nhìn người. Tôi bàng hoàng. Tôi im lặng theo. Và tôi không nhầm được nữa. Tất cả đã tới đây, tất cả còn nguyên vẹn. Thứ hơi lạnh chạy dài trên suốt khắp mặt thảm chính là cái hơi thở của nhiều mùa đã được chuyên chở tới chốn này. Và trong hơi thở ấy, có cỏ, có sương, có rừng có núi. Những chiều mưa làm nhòa nhạt mọi khung kính, núi rét mướt đứng. Những đêm mùa đông, thông một triệu gốc lạnh, lời thác cũng buồn rầu. Những buổi trưa mùa thu, một cánh bướm bay lạc trong nắng, dưới thật xa thung lũng. Những tinh sương kín đặc sương mù, rừng mang linh hồn biển, và trên những con đường nhỏ của rừng, lá từng từng rơi xuống, lá dệt thành một tấm thảm dầy, ở đó không một dấu chân nào đi qua.

Trần Mộng Tú: Chén Trà Sáng

Hình minh hoạ, Freepik
Tiếng máy thổi lá ở vườn sau
lọt qua khe cửa

Kéo cánh cửa nhìn ra
người đàn ông tóc trắng
đang cầm máy thổi những chiếc lá vàng
đám lá bay tung lên
như đàn chim vỗ cánh

Nắng chấp chới đuổi theo
một góc vườn được chúc phúc

Ồ anh vẫn còn đấy
ta sống thêm một ngày
đôi mái đầu sương pha
bốn bàn tay nhăn
vẫn vốc được thời gian
rắc trên những tảng đá trong vườn

Đời sống mong manh như bụi đất
bám vào đá
cho mầm non vươn lên

Bên ngoài kia rất nhiều tiếng động
tiếng động dội vào nhà ta
dội vào tâm ta
cách ly ta với gia đình
cách ly ta với bạn hữu

Anh thổi lá xong
nhặt những tiếng dội ra ngoài lồng ngực
khẽ khàng vùi vào đất
thay bộ áo làm vườn

Trà đã pha trong ấm

Em rót thinh lặng
em rót niềm tin
em rót cái đẹp
tất cả vào tách trà này

Ta cùng nhau cạn chén
Buổi sáng an bình.

tmt

12 tháng 11/2020



nguyễn đức tùng: khi còn bé tôi đọc sách (Tiếp theo và hết)

4.


Tác phẩm thiếu nhi cổ xưa có khuynh hướng luân lý, chú trọng nhiều đến cảm xúc. Các nhà văn sau đó đã thay đổi quan niệm ấy, tác phẩm của họ mang tính khách quan, tự nhiên, dùng giọng nói của trẻ con. Mà trẻ con thì không quan tâm đến luân lý, chúng chỉ hành động tự nhiên: cái tốt của con người nằm ở tính tự nhiên ấy. Trẻ con ngày một trở thành những công dân của thế giới, vì vậy sách dành cho trẻ con ảnh hưởng biết bao đến khuôn mặt xã hội. Sự hấp dẫn của lối văn, tài quan sát, cái sắc sảo trong cách nhìn sự vật, tình cảm đằm thắm, cảm xúc chân thật, là những thứ làm tôi trở lại với một cuốn sách, đọc nó lần thứ hai. Tôi tiếc rằng tôi biết đến cuốn Ngàn lẻ một đêm khá muộn, khi tôi đã lớn. Tôi yêu mến cuốn sách ấy nhưng tin rằng nếu được đọc nó từ những năm mười tuổi, cảm xúc của tôi đã khác, thế giới của tôi đã khác. Alibaba và bốn mươi tên cướp đã có thể làm tôi nghĩ khác đi về thế giới. Một người bạn của tôi ở Sài Gòn than rằng đọc Kim Dung không thấy thú, vì anh đọc lúc ngoài năm mươi tuổi; tôi e rằng đó không phải là cái tuổi để bắt đầu đọc kiếm hiệp. Tôi đang nói đến một điểm mà các nhà giáo dục lưu tâm: không những cuốn sách được giảng dạy có nội dung như thế nào mà chúng nên được giới thiệu vào lúc nào, mấy tuổi. Tôi học truyện Kiều chương trình giáo khoa năm lớp chín, mười bốn tuổi. Tức là khá sớm. Hình như ngày nay trong nước cũng dạy truyện Kiều vào tuổi ấy? Như thế là quá sớm hay quá trễ? Đối với tôi, tuổi ấy thích hợp để bắt đầu tiếp nhận thơ Nguyễn Du, nhưng chỉ bước đầu thôi, vì vậy vào năm cuối bậc trung học, các em cũng cần phải học lại Kiều một lần nữa. Mười bốn tuổi chưa đủ chín chắn để hiểu hết cái hay đẹp của Kiều, nên nhiều người lớn lên thì quên hẳn. Thơ đến với tôi muộn hơn với văn xuôi. Trong một lớp học báo chí ở Canada mà tôi theo học, bài giảng đầu tiên là bài về thơ. Nếu đọc các nhà văn lớn Âu Mỹ đương đại, ta đều thấy các thủ pháp thơ ca được họ sử dụng. Lục bát là một thể thơ đặc biệt, tôi bắt đầu yêu thích nó không phải chỉ từ truyện Kiều mà còn nhờ đọc tạp chí Văn số đặc biệt “Hai trăm năm sinh Nguyễn Du”. Tôi tìm thấy ở lục bát của Hoài Khanh, Bùi Giáng, Cung Trầm Tưởng, trong mục “Lục bát bây giờ”, và Tản Đà, Huy Cận, Trần Huyền Trân, Nguyễn Bính, trong mục “Lục bát ngày xưa”, sự hấp dẫn của thể thơ dân tộc. Câu thơ lục bát thật quyến rũ, có nhiều điều để bạn học hỏi. Chức năng của các chữ trong một câu thơ khác nhau tùy vị trí: những chữ quan trọng nhất là chữ mở đầu, quyết định giọng của câu thơ, và các chữ cuối, vì chúng bắt vần với hai câu trước và sau nó. 

Rừng phong thu đã nhuốm màu quan san


Chữ màu và chữ san là quan trọng nhất. Chữ cuối còn quan trọng vì nó phải dừng lại lâu hơn.

Tiếc thay một đóa trà mi
Con ong đã tỏ đường đi lối về



Võ Phiến: Xem Sách

Chàng nhổm dậy, hạ lưng ghế xuống thêm một bực nữa. Rồi xoay người lại, nằm thử. Bấy giờ thì thật là hoàn toàn thoải mái. Chiếc ghế vải này vừa vặn lắm.

Ở hè nhà, phía ngoài đường lớn, có tiếng rắc rắc đều đều của chiếc tông-đơ hớt tóc đang hoạt động. Người thợ đặt một bàn làm việc nhỏ ngoài hè. Còn phía bên này thì có con hẻm lát gạch tử tế, hẻm vượt quá nhà chàng là tịt: một ngôi nhà chận bít nó lại. Ngay trước nhà ấy có chum nước, lâu lâu nghe có tiếng người ra chum múc nước rửa ráy. Tất cả những tiếng động ấy, những hoạt động ấy, đều ở bên ngoài. Tất cả chỉ củng cố thêm cảm tưởng an toàn của chàng. Chàng hoàn toàn được an toàn lúc này, không còn nghi ngờ gì nữa.

Bên ngoài trời lại vừa đổ mưa nặng hột nữa. Càng tốt. Như thế càng tăng thêm cảm tưởng an toàn. Không nghe tiếng mưa rơi, nhưng khi mưa đã đủ nhiều thì nước từ máng xối đổ xuống lách tách. Chàng đánh diêm châm thuốc. Hút cho ấm, ngả người trên ghế vải, trong một gian phòng đóng cửa thật kín, gian phòng của chàng, bên cạnh kệ sách, chiếc giường, và những áo xống của chàng mắc trên vách...

Trong tấm gương ở mặt tủ, chàng chợt thấy phản chiếu đầu chàng, ngậm píp. Trong gian phòng lờ mờ cái đầu thiếu chi tiết trông quả là giống bức họa của Liêu Hà vừa trông thấy ngoài hè phố. Họa sĩ Liêu Hà là bạn chàng từ ba mươi năm. Hắn ta đã theo dõi khuôn mặt và đầu chàng từ lâu. Trong ba mươi năm, tùy theo các phong trào nghệ thuật kế tiếp nhau — ấn tượng, siêu thực, lập thể, vô hình dung, trừu tượng v.v... — hắn đã vẽ nhiều đầu và mặt chàng, khi theo lối này khi theo lối khác.

Còn chàng, đâu phải vừa. Thoạt tiên, khi mới có thơ đăng báo lai rai, chàng lừa cơ hội đưa ra tấm hình đẹp trai nhất của mình. Cái hình trong đó chàng ăn mặc chỉnh tề nhất và mỉm cười. Về sau, chàng thích được chụp hình với mấy cuốn sách trên bàn. Trên ba mươi tuổi, hồi đó chàng đã vững chỗ ngồi trên thi đàn, tâm hồn đã chín chắn hơn, chàng ăn mặc tự nhiên có chút cẩu thả: thường thường chỉ có sơ-mi, không cà-vạt; gương mặt có nét suy nghĩ thường xuyên. Đến lúc chàng bắt đầu mang kính trắng và hút píp thì Liêu Hà kiểu thức hóa cái đầu chàng một cách tài tình bằng ít nét đơn sơ. Trông qua, nhận ngay ra chàng. Điều quý báu hơn nữa là còn nhận được kẻ có khuôn mặt ấy phải là một nghệ sĩ đang có nhiều băn khoăn trước cuộc đời. Hai con mắt với cặp kính tròn xoe thao láo nhìn vào một nỗi hoang mang đáng hãi. Đó là chàng, mà đó cũng là một nghệ sĩ nói chung của thời đại, là một biểu hiệu đẹp đẽ dùng chung cho cả giới. Chắc chắn vì thế mà hình vẽ của Liêu Hà được phổ biến rộng rãi nhanh chóng, lắm khi được dùng như một hình trang trí ở mục thi ca các tạp chí. Dần dần, đối với đa số độc giả nó không còn là khuôn mặt chàng, khuôn mặt của một ai nữa; đó là khuôn mặt của nghệ sĩ. Chẳng bao lâu, đó sẽ là khuôn mặt của nghệ thuật.

Thứ Bảy, 21 tháng 11, 2020

Vũ Hoàng Chương: Trích đoạn Hồi thứ I kịch Vân Muội

Sao lòng ta đêm nay buồn không thể nguôi ?
Niềm u uất dâng cao mà tháng ngày trôi xuôi...
Há vì cơm áo chẳng no lành ?
Há vì đời không ai mắt xanh ?
Nhớ thuở xưa chưa có ta thì đường đi thênh thênh.

Kịp tới khi có ta là chông gai mông mênh.
Cuồng vọng cả mà thôi, bốn phương đều vướng mắc.
Ba mươi năm trên vai mà trống không bình sinh...
Gối vải mộng phong hầu
Vinh quang đường lối khép
Thẹn trước thương về sau
Đời tàn trong ngõ hẹp...
Mưa lùa phên nứa khép
Ngày trắng theo nhau qua
Lá rơi đầy ngõ hẹp
Đời hiu hiu xế tà.

Ôi ! ta đã làm chi đời ta ?
Ai đã làm chi lòng ta ?
Cho đời tàn tạ lòng băng giá,
Sương mong manh quạnh chớm thu già.

Mải mê theo sự nghiệp
Quá trớn lỡ giàu sang
Mưa rơi lầy ngõ hẹp
Lá vàng bay ngổn ngang
Dìu vương nhau mươi chiếc lá khô vàng,
Xuân đời chưa hưởng kịp
Mây mùa thu đã sang !

Giấc hồ nghe phấp phới
Cờ biển nhịp mơ màng
Đường hoa son phấn đợi
Áo gấm về sênh sang...

Đường hoa về áo gấm ?
Chao ôi! Ta nhớ kiếp nào xưa !
Tiền thân còn thoáng hương mơ
Lều tranh gối vải phai mờ vàng son...


nguyễn đức tùng: khi còn bé tôi đọc sách

1. 


Khi còn bé, tôi đọc sách. Tuổi thơ của tôi rơi vào buổi bình minh của miền Nam, một trong những thời kỳ phát triển tốt đẹp của văn hóa nghệ thuật dân tộc. Cuộc đời rộn ràng bắt đầu, học sinh, công nhân, công chức, tư chức, người đi chợ búa tấp nập trên đường, những cánh cửa mở ra, đóng lại, tiếng xe máy, tiếng chuông xe đạp leng keng, chuông nhà thờ, chuông chùa. Trường học xây lại, nhà ga hoạt động, cầu cống, quán xá nhộn nhịp, đời sống rộn ràng mở cửa khi tôi sinh ra, lớn lên. Môi trường ấy thích hợp cho một nền văn học tươi trẻ, lành mạnh, cho những cuốn sách thiếu nhi, tiểu thuyết, phim ảnh, sân khấu. Chiến tranh chống Pháp vừa kết thúc, hòa bình lập lại, mọi người muốn trở về với cuộc sống thanh bình, bắt tay làm lại. Người ta muốn viết sách, muốn đọc sách. Người ta muốn thí nghiệm giống lúa mới, trồng cây ăn quả, muốn học nướng bánh mì, tìm hiểu ý nghĩa của cuộc đời, đi chùa, đi nhà thờ, đến trường. Người ta muốn sinh đẻ và được sinh đẻ, muốn sống và muốn người khác được sống. Tinh thần của Tự lực văn đoàn, của Thơ mới, của văn chương tiền chiến tưởng đã chết trong thời kỳ kháng chiến nay hồi sinh mạnh mẽ. Trong một xóm quê hẻo lánh, ở nơi xa kinh đô nhất, nơi ánh sáng của ước mơ dân tộc chiếu rọi tới chỉ vừa le lói mà thôi, tôi ngồi đọc.

Sách vở do các anh chị tôi mang về, không biết từ đâu. Thị xã bé tí xíu mà có đến năm hiệu sách: Tùng Sơn, Lương Giang, Văn Hoá, Tao Đàn, Phú Long. Chúng tôi không có thư viện, chỉ có một phòng đọc sách báo, đọc tại chỗ. Nhưng những cuốn sách tôi say mê toàn là sách cấm. Một lần trong phòng đọc của ty thông tin Huế, trên đường Trần Hưng Đạo, thấy tôi đứng đọc cuốn Những người đau khổ của Dương Hà, cô quản thủ thư viện, tóc phi dê, mắt đen nhánh, đến bên ngăn lại và bảo, em còn nhỏ quá không nên đọc cuốn này. Năm nấy tôi mười ba tuổi. Nhưng tôi không có nhiều chọn lựa. Tôi đọc bất cứ cái gì rơi vào tay, lọt vào mắt, dù đó là những người đau khổ hay hạnh phúc. Theo mẹ tôi đi chợ, tôi đọc tên đường, bảng quảng cáo, tờ programme chiếu bóng, tiếng Việt, cả tiếng Pháp mà tôi không hiểu mấy, chỉ có chữ Hán là chịu. Thế mà khi thấy những tờ giấy có chữ Hán rơi trên đường, mẹ tôi đều nhặt lên, mang về nhà cho tôi. Sau này khi được phép lục lọi tủ sách của ba tôi, trước đó khóa kỹ vì ông đi dạy học ở xa, tôi đọc trong một năm tất tần tật từ Chiếc cáng xanh của Lưu Trọng Lư đến Những bàn tay bẩn của Jean Paul Sartre, từ Lan Hữu của Nhượng Tống đến Giông tố của Vũ Trọng Phụng. Năm mười hai tuổi tôi nhớ cảnh cô Mịch đi gánh lúa bị nghị Hách lôi vào xe hơi. Tôi đâm yêu cô Mịch nhưng tức giận với gã đàn ông thô bạo kia. Nếu có súng tôi đã giết hắn. Có lẽ vì thế mà những đứa trẻ thích đọc truyện hiệp sĩ và công chúa, thám tử và giai nhân. Duyên Anh làm tôi sửng sốt vì cả hai: tuổi nhỏ mơ mộng và du đãng anh hùng. Xóm quê của tôi có nhiều người thích đọc sách báo. Trong quán hớt tóc gần quốc lộ Một, tôi đọc trọn vẹn Thời nay, Phổ thông tạp chí, Đa hiệu của võ bị Đà lạt, trong nhà ông anh họ gần bến đò, tôi đọc Văn hóa ngày nay, Tuổi hoa, Giữ thơm quê mẹ, Lập trường, trong phòng đọc sách của tỉnh lỵ tôi đọc các nhật báo từ Sài Gòn, tờ Hương Quê với các truyện ngắn tuyệt hay của Bình Nguyên Lộc và Sơn Nam. 

Ngô Nguyên Dũng: Những Cánh Chim Giấy

Cửa tiệm bán dụng cụ học sinh và văn phòng nằm ở đường Trần văn Thạch (*), giáp ranh hai đường Trần Quang Khải và Trần Khắc Chân miệt Tân Định, tuy nhỏ nhưng sạch sẽ và bày biện ngăn nắp. Tiệm có tên Thế Giới. Chủ tiệm người gốc Hoa. Ngay cửa, lúc nào cũng mở toang, bên phải, có dựng một tủ kiếng lau chùi sáng loáng, thấy trưng bày tập vở học trò, viết máy, những vật dụng học sinh lỉnh kỉnh, và nhiều bộ tem thư nước ngoài.

Thuở ấy, giữa thập niên một chín sáu mươi, tôi đã đến tuổi được phép đi học một mình bằng xe gắn máy. Những sáng thứ năm, thời trung học đệ nhất cấp tại trung học tư thục Nguyễn Bá Tòng, chỉ phải học hai tiếng. Trong khi các bạn theo Ky-tô giáo phải ở lại học thêm giờ giáo lý, tôi được ra về thơ thới, hân hoan. Sáng Sài gòn, vào giờ ấy, không còn kẹt xe. Nắng ngày chỉ mới e ấp nóng. Vào những tháng cuối và đầu năm, thời tiết dịu mát, khoan thai bắt đầu một ngày mới. Trước khi về nhà, tôi thường ghé ngang tiệm, dán mắt chiêm ngưỡng những bộ tem trưng bày trong tủ kiếng. Thấy bộ nào ưng ý, tôi xem bảng giá viết bằng tay bên cạnh và nhẩm đếm số tiền nằm trong túi. Thường thì không đủ. Tôi ra về, thầm tiếc rẻ và nhủ lòng sẽ dành dụm để mua cho bằng được.

Cũng như nhiều bạn học của tôi lúc ấy, tôi có sở thích sưu tầm tem. 

Ba tôi, thuở trước, cũng vậy. Ông còn giữ một tập tem khổ lớn, bìa cứng màu xanh lá cây. Giấy bên trong dày, vàng nhạt, mỗi tờ đều được lót giấy lụa mỏng. Về sau, tập tem được ông trao cho anh Ba tôi. Anh đem cất trong tủ riêng, chỗ anh lưu giữ những xấp thư kết bạn bốn phương.

Thỉnh thoảng, không có anh ở nhà, tôi rón rén mở tủ, lấy tập tem của ba ra xem. Tim tôi rộn rã. Tay tôi lần mở từng trang, từng trang một. Hai mắt tôi mở lớn. Toàn những bộ tem Việt Nam thời trước. Bộ vua Bảo Đại, hoàng tử Bảo Long, hoàng hậu Nam Phương, kỷ niệm năm di cư 1954. Và bộ tem tổng thống Ngô Đình Diệm, mười hai con. 

Nguyễn Hiền: Ai nấu hơn ai?

“Đầu bếp giỏi là đàn ông”. Câu này chúng ta rất thường nghe và nhiều người coi như đó là một khẳng định chắc nịch. Là một người biết nấu ăn đôi chút, nhiều lúc tôi cũng tự hỏi mình là nhận định này có đúng không. Tôi cảm thấy mình nấu chưa bằng ai, các bạn nam giới của tôi cũng chẳng thấy ai nổi trội hơn mấy bà. Có bằng cớ gì chứng minh, hay có luận cứ nào giải thích được câu trên chăng?

Từ khi suy nghĩ về vấn đề này, tôi bắt đầu để ý, và quả thực, qua giới thiệu của những nhà hàng nổi tiếng, tôi thấy đầu bếp chính của họ tuyệt đại đa số là đàn ông. Ngược lại, khi ăn những tiệm bình dân, nhà hàng nhỏ, tôi thấy đầu bếp phần lớn, tuy không phải tuyệt đại đa số, là nữ giới. Như thế, có thể đi tới kết luận: một khi nhà hàng phát triển, đầu bếp nữ phải rút lui? Nghe có vẻ nghịch lý.

Từ thắc mắc này, trong suốt nhiều năm, tôi đã để ý, suy nghiệm để thử tìm một số giải đáp cho câu hỏi: “Nấu bếp, giữa nam và nữ, ai giỏi hơn ai?”

Nhà hàng lớn là nhà hàng nấu ngon?


Trước tiên, ta phải thấy ngay câu này sai. Ở Thái Lan, Trung Quốc… có những nhà hàng khổng lồ nhưng ai dám bảo đó là nhà hàng ngon. Cách nơi tôi ở mười phút xe có một nhà hàng wok Á châu (De Malle Jan, làng Maarseveen – Hòa Lan) nổi tiếng do sức chứa 1200 người và hơn 20 giàn bếp, nhưng quả thực nó chỉ có tiện lợi, hoa hòe thôi chớ không ngon.

Ở những nhà hàng nổi tiếng ngon, qua đánh giá của Trip Advisor, nhiều khi bạn phải đặt bàn trước vài ngày hay một tuần. Tại nhà hàng el Bulli (năm 2013 đã đóng cửa) bạn phải đặt bàn trước cả năm.

Chắc chắn một điều: Những nhà hàng nổi tiếng nấu ngon không phải là nhà hàng có diện tích lớn.

Đầu bếp của nhà hàng nổi tiếng là đàn ông hay đàn bà?

Thứ Sáu, 20 tháng 11, 2020

Bùi Văn Phú: Bầu cử 3/11 - đa số dân biểu gốc Việt đắc cử là đảng viên Dân chủ

Hai tuần sau ngày tổng tuyển cử 3/11, việc đếm phiếu đã gần hoàn tất. Tuy chưa chính thức nhưng cựu Phó Tổng thống Joe Biden coi như thắng cử với 79 triệu phiếu phổ thông và 306 phiếu cử tri đoàn, Tổng thống Donald Trump được 73.3 triệu phiếu và 232 phiếu cử tri đoàn.

Đã và đang có khiếu kiện tại một số tiểu bang từ phía thua cuộc về cách cử tri bỏ phiếu, thời hạn nhận phiếu và cách đếm phiếu, nhưng không hy vọng kết quả sẽ đảo ngược.

Tuy Đảng Dân chủ giành được chiến thắng để làm chủ Bạch Ốc trong bốn năm tới và tại Hạ viện vẫn nắm đa số nhưng không còn cao như trước vì mất 5 ghế về tay Cộng hoà. Thượng viên hiện có kết quả 50 Cộng hoà và 48 Dân chủ, hai ghế còn lại từ tiểu bang Georgia sẽ bầu vòng hai vào ngày 5/1.

Tại Hạ viện, kết quả mới nhất là 219 Dân chủ và 204 Cộng hoà. Ba trong 5 ghế được chuyển từ Dân chủ sang Cộng hoà là từ California nơi có đông người Việt sinh sống.

Khi làn sóng xanh quét qua chính trường Mỹ trong bầu cử 2018, Cộng hoà mất đa số tại Hạ viện và Quận Cam, thành trì của Cộng hoà ở California, cũng nhuộm mầu xanh khi các dân biểu cộng hoà đương nhiệm bị đánh bại.

Hôm 3/11 Cộng hoà đã lấy lại được Đơn vị 39 với dân biểu dân chủ đương nhiệm Gil Cisneros thua phiếu ứng viên cộng hoà gốc Hàn quốc là bà Young Kim. Đơn vị 48 với ứng viên cộng hoà Michelle Steel, cũng gốc Hàn quốc, đánh bại dân biểu dân chủ đương nhiệm Hardy Ronda.

Đơn vị 21 ở miền trung California là vùng nông nghiệp, ứng viên Cộng hoà David Valadao đánh bại dân biểu dân chủ đương nhiệm TJ Cox.

Riêng trong cộng đồng người Việt, cử tri gốc Việt tại nhiều tiểu bang cũng rất quan tâm bầu cử năm nay, từ tranh cử đến vận động cho hai liên danh của Donald Trump và Joe Biden.

Quan điểm chính trị của người Mỹ gốc Việt, theo thăm dò do AAPI và AAJC đưa ra vào cuối hè liên quan đến bầu chọn tổng thống thì 48% ủng hộ Trump, 36% Biden.

Jackhammer Nguyễn: Có nên quá lo lắng về RCEP?

Ngày 15/11/2020, Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (Regional Comprehensive Economic Partnership, viết tắt RCEP) được ký kết, tạo nên một khối kinh tế thương mại lên đến 2,2 tỷ người, bao gồm toàn bộ Đông Á và Đông Nam Á, cộng thêm Úc, Tân Tây Lan.

Một làn sóng lo ngại rất rõ ràng dâng lên trong cộng đồng người Việt trong và ngoài nước, mặc cho những bài báo của báo chí nhà nước nói về những cơ hội lớn lao cho Việt Nam. Nguyên do là vì, Trung Quốc là hạt nhân của khối này, là nước đề ra sáng kiến này, được cho là để tăng cường sự bá chủ của mình trong khu vực và trên thế giới.

Trong nước có bà Phạm Chi Lan, một chuyên gia kinh tế, nói với BBC Việt ngữ rằng, bà lo lắng nhiều hơn là mừng vì chuyện nhập cảng từ Trung Quốc vẫn là mối lo cho Việt Nam từ trước đến nay, bây giờ với sự tháo bỏ thuế quan trong RCEP, thì hàng hóa Trung Quốc lại càng có cơ lấn lướt.

Nếu nỗi lo lắng của bà Phạm Chi Lan khá đơn thuần về kinh tế, thì mối lo của nhà văn Phạm Đình Trọng mang tính chính trị xã hội hơn khi ông so sánh RCEP và TPP của Tổng thống Obama trước đây như Đệ Tam và Đệ Nhị Quốc Tế, sau khi những học thuyết kinh tế chính trị xã hội chủ nghĩa ra đời.

Trước đó, Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP – Trans-Pacific Partnership), gồm 12 quốc gia, loại trừ Trung Quốc, được Tổng thống Obama đưa ra để bao vây, không cho Trung Quốc ấn định luật chơi của họ tại nơi trọng yếu này của thế giới. Tổng thống Trump đã rút Mỹ khỏi TPP ngay sau khi nhậm chức.

Quốc tế thứ 3 mà nhà văn Phạm Đình Trọng đề cập chính là khối cộng sản, bao gồm Liên Xô và 12 quốc gia khác theo học thuyết cộng sản nay đã tan rã. Quốc tế thứ 2 để lại nhiều dấu ấn trong các đảng phái chính trị của xã hội dân chủ Tây Âu hiện nay. Nhà văn Phạm Đình Trọng lo ngại, RCEP như là một kiểu thống trị đế quốc cộng sản như khối Liên Xô cũ.

Ở hải ngoại, nhà báo Tường An, từ Pháp, có bài viết chỉ trích những hành động rút khỏi TPP của Donald Trump làm cho Bắc Kinh ngày càng có ảnh hưởng mạnh của họ tại Á châu.

Là người ủng hộ TPP, tôi chia sẻ cả ba lo ngại của các vị nêu trên, cả về kinh tế, lẫn chính trị, xã hội. Nhưng nhìn từ một góc nhìn lạc quan, tôi tự hỏi là, liệu chúng ta có cần lo lắng đến thế hay không?

Khánh Linh (Văn Hóa Nghệ An): Nỗi oan của mạng xã hội

Thảo luận tại kỳ họp Quốc hội phiên tháng 10/2019, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Thuận Hữu đã có những phát biểu rất gay gắt về mạng xã hội. Đại ý ông nói hiện nay mạng xã hội tác động ghê gớm đến cuộc sống. Có lẽ không có nước nào như Việt nam, mở máy ra là thấy cư dân mạng chửi tràn lan như hát hay, chửi từ trên xuống dưới, không chừa một ai. Ông Hữu còn cho rằng cơ quan nhà nước nhiều lúc bất lực, không ngăn chặn nổi thông tin xấu độc đầy rẫy trên mạng.

Sau ý kiến của ông Thuận Hữu, nhiều cư dân mạng lên tiếng với nhiều luồng ý kiến trái ngược nhau, người đồng tình, người thì chỉ trích dữ dội.

Vụ việc này gợi lên rất nhiều suy nghĩ.

Tôi thấy cách diễn đạt của ông Thuận Hữu có phần trần trụi quá và cũng có thể trong khuôn khổ tương tác của một cuộc họp nên ông Hữu không thể kiến giải đến tận ngọn tận nguồn. Người cảm thông chia sẻ thì chậc lưỡi bỏ qua. Người muốn tranh luận thì cũng có điều này điều nọ để dị nghị và bắt bẻ.

Ai cũng biết mạng xã hội bây giờ không còn là cuộc sống ảo mà là một thực thể xã hội tồn tại khách quan. Đời sống thực có gì thì xã hội mạng cũng có cái đó. Có chính trị qua mạng, ngoại giao qua mạng, kinh tế trên mạng, thương mại trên mạng, văn hóa trên mạng và thế giới đã có đến hơn 5 tỷ công dân mạng. Thậm chí đời sống mạng còn thật hơn, còn đa dạng hơn, phức tạp hơn cả cuộc sống thường ngày.

Ở Việt Nam, không phải ngẫu nhiên mà mạng xã hội đã bùng nổ cực kỳ ấn tượng, chỉ mới hơn 2 thập kỷ có đến 70 triệu lượt người tham gia. Mạng xã hội đã len sâu, tỏa rộng và ngự trị vững chắc trong mọi ngõ ngách của cuộc sống, đến nỗi bây giờ làm việc cũng bằng mạng, đi chơi cũng nhờ mạng, ăn ngủ chung với mạng, chuyện to chuyện nhỏ đều có mạng đồng hành.

Không chỉ ở Việt Nam, cả thế giới ngày nay cũng đang quay cuồng theo mạng. Thống kê của tổ chức Digital Policy Council cho thấy trong số lãnh đạo các quốc gia cứ 5 người thì có 4 người đang sử dụng mạng xã hội. Nhiều lãnh đạo nổi tiếng như Tổng thống Mỹ Donald Trump, Cựu Tổng thống B. Obama, Tổng thống Nga Putin, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Tổng thống Indonesia Joko Widodo, Tổng thống Slovenia Borut Pahor, Thủ tướng Anh Boris Johnson, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, Thủ tướng Singapo Lý Hiển Long, các quan chức Liên minh Châu Âu và nhiều quốc gia khác đều có tài khoản và thường xuyên cập nhật Facebook, Twitter và nhiều trang mạng xã hội khác.

RFA: Mặc cảm, định kiến về quá khứ có thể xóa như kêu gọi của ông Trọng?


“Xoá bỏ mặc cảm, định kiến về quá khứ, thành phần, giai cấp; chấp nhận những điểm khác nhau không trái với lợi ích chung của dân tộc.”

Đó là kêu gọi của ông Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Việt Nam Nguyễn Phú Trọng đưa ra trong phát biểu khi tham dự Lễ kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam - Ngày truyền thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (18/11/1930 - 18/11/2020) ở Hà Nội.

Thực tế vấn đề hòa hợp - hòa giải đối với chính quyền Việt Nam có như lời Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng?

Nhà báo độc lập Nguyễn Ngọc Già, một cựu tù nhân quyền, khi trao đổi với Đài Á Châu Tự Do hôm 19 tháng 11 năm 2020 cho rằng, chuyện hòa hợp - hòa giải là một đề tài phức tạp và lớn lao, vì liên quan lịch sử và chính trị của Việt Nam rất nặng nề, ông tạm chia thành hai giai đoạn:

“Giai đoạn thứ nhất từ 1975 đến 1995, tức là 20 năm, đó là thời điểm Hoa Kỳ cấm vận Việt Nam. Trong giai đoạn này, đặc trưng của chế độ cộng sản là cướp phá và trả thù. Đặc trưng cướp phá là đổi tiền, đánh tư sản, kinh tế mới... Còn trả thù là tù cải tạo, thuyền nhân... đây là cuộc chiến vô nghĩa, bất chính danh và vô nhân đạo của nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam.”

Giai đoạn thứ hai theo Nhà báo độc lập Nguyễn Ngọc Già là từ 1995 đến nay thì ngoài cướp phá, trả thù còn thêm hai đặc trưng là lừa dối và bạo lực. Ông nói tiếp:

“Giai đoạn trước, sự trả thù với người lính Việt Nam Cộng Hoà (VNCH) đã tàn khốc đau thương lắm rồi như hình ảnh Nghĩa trang quân đội VNCH ở Biên Hòa. Cho đến mãi sau này, những người thương phế binh VNCH, bây giờ họ là những người tàn tật, những ông già, sống bằng nghề bán vé số mưu sinh, sống lây lất tại vườn rau Lộc Hưng, mà họ còn bị tống cổ ra khỏi đó... thì tôi không hiểu ông Nguyễn Phú Trọng nói xóa bỏ mặc cảm thì là mặc cảm gì đây? Mặc cảm của ai đây? Và khi ổng bảo ‘tôn trọng những khác biệt’, thì tôi bỗng nhớ hồi Đại hội đảng 12, họ bảo ‘tôn trọng những khác biệt’ không trái với lợi ích của quốc gia dân tộc, thì mới sau bốn năm... tình trạnh người bất đồng chính kiến bị bắt bớ rất nặng nề và kết án tù rất cao.”

Thứ Năm, 19 tháng 11, 2020

Ngô Nhân Dụng: Khoa học thắng Bệnh tật

Trong một tuần lễ, hai thứ thuốc chủng (vaccine) ngăn ngừa Covid-19 được công bố. Trước cuối năm 2020 chắc còn nhiều loại vaccine khác đi qua giai đoạn thử nghiệm được tung vào thị trường. Những liều thuốc chủng đầu tiên phải dành cho những “chiến sĩ tiền tuyến” như nhân viên y tế và phục vụ trong các bệnh viện, nhà thuốc, cho tới những cảnh sát viên và lính cứu hỏa; rồi đến những người không thể “sống ẩn dật” vì phải phục vụ công chúng trong chợ búa, siêu thị các tiệm ăn, tiệm hớt tóc cho tới các cơ xưởng!

Đến Tháng Tư năm 2021 chắc mọi người đều được chủng ngừa, nhất là ở các nước giàu. Bệnh dịch Covid bị ngăn chặn dần dần, không bành trướng nữa. Được chủng ngừa, nhiều người trở lại sinh hoạt trong đám đông mà không sợ hãi, người tiêu thụ chi tiền, kinh tế sẽ bắt đầu hồi phục. Đời sống sẽ bình thường như cũ!

Cả thế giới đang nhìn cảnh tượng lạc quan đó, chỉ nhờ mấy liều thuốc chủng ngừa nhỏ xíu! Các công ty Pfizer và BioNtech báo tin mừng sớm nhất, sau 10 tháng thử nghiệm. Trong số mấy chục ngàn người (44,000) tình nguyện làm “vật thí nghiệm” cho y học, nhiều người được chích thuốc chủng thật, nhiều người chích một chất vô hiệu (placebo). Chỉ có 94 người bị nhiễm bệnh, trong đó chỉ có 8 người đã được chủng ngừa thật, còn 86 người không được chích ngừa. Như vậy là thuốc chủng có hiệu quả hơn 90 phần trăm. Sáu ngày sau, đến công ty Moderna. Hiệu quả lên tới 94.5%.

Thông thường, thuốc chủng có hiệu quả 70% hay 80% đã là tốt lắm rồi! Thuốc đạt được 50% hiệu quả cũng có thể được Cơ quan Kiểm soát (FDA) công nhận cho dùng.

Nhưng các công ty Pfizer và BioNtech, cùng với Moderna thành công còn báo hiệu một tin mừng lớn: Cả hai cuộc thử nghiệm đều dùng một phương pháp mới trong việc chế tạo thuốc chủng ngừa! Họ thành công tức là còn nhiều công ty khác cũng sắp công bố kết quả tốt, vì đều áp dụng cùng một phương pháp mới mẻ đó!

Đây là một thành công của Khoa Học, đặc biệt là loại “khoa học căn bản” được tìm tòi trong phòng thí nghiệm các trường đại học, kéo dài mấy chục năm trời, trải qua rất nhiều thử thách, vượt qua rất nhiều chướng ngại.

VOA Tiếng Việt: Chính sách đối ngoại của chính phủ Biden và vấn đề Biển Đông

Từ khi giành được hơn 270 phiếu đại cử tri, Tổng thống tân cử Joe Biden đã tiếp xúc với lãnh đạo các nước đồng minh, cam kết hàn gắn các quan hệ đối tác đã bị sứt mẻ trong mấy năm qua, đồng thời tái khẳng định cam kết của Hoa Kỳ đối với các hiệp định an ninh hỗ tương từng bị đặt nghi vấn dưới quyền Tổng thống Trump.

Trong 4 năm dưới quyền lãnh đạo của Tổng thống Trump, các đồng minh của Mỹ trong khu vực hay lo lắng, không biết liệu nhà lãnh đạo tính khí khó đoán của Mỹ có sẽ tôn trọng những cam kết của Hoa Kỳ hay không?

Sau khi trấn an lãnh đạo các nước Châu Âu rằng “Mỹ đã trở về”, ông Biden điện đàm với Thủ tướng Úc Scott Morrison, Tổng Thống Hàn quốc Moon Jae-in và Thủ Tướng Nhật Bản Yoshihide Suga, 3 nhà lãnh đạo Châu Á đã gọi điện chúc mừng ông, bất chấp Tổng Thống Trump chưa công nhận thất cử.

Các giới chức Nhật cho biết trong cuộc điện đàm, Thủ tướng Suga cảnh báo về “tình hình an ninh chung quanh khu vực đang ngày càng nghiêm trọng hơn”. Đáp lại, Tổng thống tân cử Joe Biden tái khẳng định “cam kết của Hoa Kỳ sẽ bảo vệ Nhật Bản”, thực thi các trách vụ của Mỹ theo hiệp định an ninh đã ký cách đây nhiều thập niên, ban chuyển tiếp của ông Biden cho biết.

Trong một động thái có phần chắc sẽ gây phẫn nộ ở Bắc Kinh, ông Biden xác nhận cam kết an ninh của Mỹ bao trùm quần đảo Senkakus, một quần đảo không người ở mà cả Nhật Bản và Trung Quốc đều tuyên bố là thuộc chủ quyền của mình.

Trong một cuộc điện đàm riêng với Tổng Thống Hàn quốc Moon Jae-in, ông Biden mô tả liên minh Mỹ-Hàn là “nền tảng của an ninh và thịnh vượng” trong khu vực, và ông cam kết sẽ hợp tác để giải quyết “những thách thức chung”, đặc biệt là vấn đề Triều Tiên, và biến đổi khí hậu.

Trong khi đó Tổng Thống Trump nhiều lần cho biết ông đang cân nhắc giải pháp rút quân ra khỏi Nhật Bản và Hàn quốc, nơi đồn trú của hơn 20.000 binh sĩ và nhân viên quân sự Mỹ mà mục đích là để răn đe một cuộc tấn công quân sự từ miền Bắc.

Văn phòng Tổng thống Hàn quốc cho biết ông Moon và ông Biden đồng ý sẽ gặp nhau “trong thời hạn sớm nhất có thể” sau lễ nhậm chức tổng thống.