Chủ Nhật, 25 tháng 10, 2020
Báo Tuổi Trẻ phỏng vấn nhà phê bình Lại Nguyên Ân về "Ba người khác" – một tác phẩm mới của Tô Hoài
Nguồn : http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=175952&ChannelID=10

![]() |
Nhà phê bình văn học Lại Nguyên Ân. Ảnh: Việt Dũng |
Tuổi Trẻ - Không quá bất ngờ, nhưng vẫn là một sự ngỡ ngàng với khá đông bạn đọc: ở tuổi 86, nhà văn Tô Hoài vừa cho ra mắt cuốn tiểu thuyết mới nhất của mình.
Nhà phê bình văn học Lại Nguyên Ân, người đọc bản thảo Ba người khác từ rất lâu, đã chia sẻ những suy nghĩ khi cầm trên tay ấn bản cuốn tiểu thuyết vừa được Nhà xuất bản Đà Nẵng làm “bà đỡ”.
* Thưa ông, thêm một cuốn sách viết trực diện về cải cách ruộng đất. Và lần này thì được ký bằng một cái tên đầy trọng lượng “Tô Hoài”, ông có nghĩ là cuốn sách sẽ tạo nên một dấu ấn mới trong văn học VN hôm nay?
- Tôi tin thế. Mỗi tác phẩm của Tô Hoài bao giờ cũng có một giá trị nhất định, dù ít hay nhiều. Nổi bật nhất là giá trị tư liệu. Hiếm người nào có được những thông tin chính xác và tinh tế như ông về phong tục, tập quán, về những chi tiết, lề thói, về phong cảnh hay sự vật của VN xưa kia, không chỉ thành thị mà còn cả nông thôn, miền núi.
Trong cuốn tiểu thuyết này, vượt trên những điều đó rất nhiều là chân dung sinh động, chân thực và cuốn hút một cách buồn thảm về một thời kỳ không thể quên trong lịch sử hiện đại VN. Ông viết với tâm thế của người vừa trong cuộc, vừa có độ lùi để quan sát, chiêm nghiệm, rút tỉa. Tôi thấy cuốn tiểu thuyết này sẽ hấp dẫn được nhiều đối tượng độc giả: đọc vì tò mò xem thời ấy nó thế nào, đọc để thấm thía, và cả người đọc để xem “cụ Tô Hoài” đổi mới phong cách thế nào.
* Nhà văn Tô Hoài vốn được coi là bậc thầy trong việc miêu tả chi tiết. Trong Ba người khác, các chi tiết ngồn ngộn và trần trụi đến mức người ta có cảm giác nó đã trở nên “tự nhiên chủ nghĩa”, ông có thấy điều đó cần thiết cho tác phẩm không?

- Tôi thấy Tô Hoài đã chọn đúng cách viết cho cuốn tiểu thuyết này. Nó vẫn gần gũi và trung thành với ông, không khác mấy so với những gì ông đã thể hiện trong Cát bụi chân ai và nhất là trong Chiều chiều.
Trong Chiều chiều, người đọc thấy nhà văn “của mình” đã đi làm một ông tổ trưởng dân phố và phải làm cả cái việc là kiểm tra hố xí thùng thì ở Ba người khác, cái “tôi” ấy đã về nông thôn trong vai đội phó đội cải cách, đã ăn trộm bánh đúc ngô và ngủ với “chuỗi, rễ” (quần chúng được chọn để phát động đấu tố địa chủ) ngoài ruộng.
Cách chọn vị trí thể hiện - hóa thân vào một nhân vật xưng “tôi” nào đó giúp nhà văn “trần tình” được nhiều hơn, và cảm giác tin cậy của người đọc khi đọc ông cũng ngày một nhiều hơn là vì thế.
* Có một chút ngại ngùng với bạn đọc trẻ: câu chuyện xảy ra đã quá lâu và cách kể cũng không mới…?- Nhưng ngay điều đó cũng thể hiện cái giỏi của Tô Hoài - như một bậc thầy trong việc kể chuyện cũ: bao giờ cũng có một cái gì đó thật tươi, có nguyên không khí của thời đó, không chỉ là ngôn ngữ, là chi tiết, là hình ảnh, nó đã có thể gọi được là cái duyên, là văn tài rồi.
* Được biết ông đọc bản thảo từ rất lâu rồi và ông đã “đánh tiếng” nhiều lần với mọi người là nó rất giá trị?
- Vâng. Tôi có được bản thảo cũng khá lâu, từ đầu những năm 1990. Có lẽ sau khi viết Cát bụi chân ai là Tô Hoài bắt tay vào viết ngay Ba người khác. Ông bao giờ cũng vậy, sau mỗi chuyện điều tiếng về đời thường không để cho ai kịp phán xét, ông đã cho ra đời ngay một tác phẩm mà đọc nó người ta chỉ có thể nói: “Văn cách cũng chính là nhân cách”. Cách đánh giá nhà văn tốt nhất vẫn là tác phẩm của ông ta.
Về điểm này, tôi nghĩ ít có nhà văn VN nào sánh được với Tô Hoài. Bất kể sóng gió thế sự nhân sinh thế nào, ông cứ việc mình mà viết. Tôi biết là ông còn viết cả trong những khi chủ trì các cuộc họp mà ở đó mọi người toàn phải nói những chuyện vô bổ, nhạt nhẽo. Phải tiếc thời gian lắm và yêu nghề, yêu mình lắm mới làm được thế.
THU HÀ thực hiện