Thứ Bảy, 12 tháng 9, 2020

Dohamide (Đỗ Hải Minh): Điểm Sách Rie Nakamura 2020 Về Dân Tộc Chăm

Cambridge Scholars Publishing vừa ấn hành và gởi qua bưu điện, tôi nhận được ngày 17/8/2020, tập sách của nhà biên khảo người Nhựt RIE NAKAMURA nhan đề:

A Journey of Ethnicity
In Search of the Cham of Vietnam

(Hành trình của Căn sắc tính Dân tộc
Tìm về người Chăm ở Việt Nam)

Hình bìa tập sách được minh họa bởi 2 phụ nữ Chăm tươi vui hồn nhiên, cùng đội khanh ma-om cổ truyền và mặc chăn áo dài trang nghiêm che phủ đến gót chân, thể hiện tính đồng nhứt của dân tộc Chăm ở vùng đất Ninh Thuận và Bình Thuận (có một thời sáp nhập chung thành Thuận Hải đất Panduranga trong lịch sử), còn tồn tại các đền tháp cổ xưa của Vương quốc Champa ở miền Trung Việt Nam và dân tộc Chăm ở vùng đất mới, vùng sông nước Chăm Châu Đốc, Tây Nam Nam bộ, mới định cư sau này.

Tác giả RIE NAKAMURA nguyên là sinh viên Cao học Phân khoa Nhân chủng học Đại học Washington, Seattle, Hoa kỳ, vào khoảng năm 1995, 1996 , đã dấn thân vào công trình nghiên cứu thực địa , hoàn thành luận án Tiến sĩ (Ph.D. Dissertation):

The Cham people: Dynamics of an ethnicity


(Dân tộc Chăm:Động lực học của một căn sắc tính dân tộc)

Luận án Tiến sĩ này ghi nhận sự phân biệt Ahier (Chăm Bà la môn) và Awal (Chăm Bani Islam bản địa) theo một khảo hướng tân kỳ nổi bật so với các công trình nghiên cứu có trước bằng tiếng Pháp. Tuy nhiên, Tiên sĩ RIE NAKAMURA đã không cho in thành sách để được bình thường phổ biến ra ngoài Viện Đại Học vì tác giả đã nhận thấy luận án Ph.D. chưa phân tích hoàn hảo và lập luận đã chưa được triển khai nhiều như ước mong.

Gây tạo sự nghiệp giáo dục đại học, Tiến sĩ RIE NAKAMURA đã giảng dạy tại University Utara Malaysia và kết giao nghiên cứu hậu Tiến sĩ với Durham University, Anh Quốc. Tiến sĩ hiện là nhà nghiên cứu thỉnh giảng tại Viện nghiên cứu các nền văn hóa châu Á, Đại học Togo, Nhật Bản.

Trước hết, bày tỏ lý do biên soạn tập sách mới, tác giả đã đưa ra thống kê tổng dân số Chăm tại Việt Nam năm 1999 là 132.000, được phân bổ:

1. 1. 86.000 ở 2 tỉnh Bình Thuận, Ninh Thuận, Trung bộ

2. 2. 12.000 ở Châu Đốc, tỉnh An Giang, Tây Nam Nam bộ, theo đạo Islam Sunni

3. 3. 5.000 ở Sài Gòn nay đã thay tên là Thành Phố Hồ chí Minh sau năm 1975 dưới thể chế Cộng Hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, xóa bỏ thể chế Việt Nam Cộng Hòa.

4. 4. Một nhóm nhỏ gọi là Chăm Hroi sống ở vùng đất tỉnh Phú Yên nằm phia Bắc tỉnh Bình Thuận. Nhóm Chăm này là một phần dân số Champa đã không dời cư về phía Nam và không giao lưu với các cộng đồng Chăm khác.

5. 5. Người Chăm cũng được tìm thấy ở nhiều nơi trong vùng Đông Nam Á châu; cộng đồng lớn nhứt là ở nước Campuchea lên đến nhiều trăm ngàn dân.

Ngoài ra, tác giả RIE NAKAMURA đã viện dẫn dự án xây dựng nhà máy hạt nhân tại Ninh Thuận, có nguy cơ gây hại môi trường sống của người Chăm địa phương và theo dự án, nhà máy lại được dự liệu là do chính nước Nhựt cung ứng.

Tập sách mới có 6 chương và đoạn kết luận:

Chương 1 luận bàn về quá trình lịch sử và các đặc tính của xã hội có tổ chức Champa. Xã hội có tổ chức lịch sử này cung ứng nền tảng có ý nghĩa cho sự xây dựng căn sắc Chăm, nhứt là người Chăm sống ở vùng bờ biển Trung Nam. 

Chương 2 xem xét sự phát triển của các chánh sách về dân thiểu số của Việt Nam xuyên qua lịch sử, ghi nhận thái độ kiên định của đa số người Kinh đối với dân thiểu số xuyên qua lịch sử.

Chương 3 xem xét sự hình thành căn sắc tính của người Chăm tỉnh Ninh Thuận đã được phát triển do liên hệ đến Champa. Thuyết nhị nguyên Ahier và Awal đã được khai thác.

Chương 4 chuyển cuộc luận bàn sang căn sắc tính dân tộc của người Chăm Muslim ở đồng bằng sông Cửu Long. Khác biệt với tính đồng nhứt hướng về Champa, người Chăm Muslim định cư tại vùng sông nước đồng bằng sông Cửu Long Tây Nam Nam bộ Việt Nam phát triển tính đồng nhứt dân tộc của họ trên cơ sở tôn giáo Islam. Tập sách đã in lại hình bìa sách “Bangsa Champa: Tìm về với một cội nguồn cách xa” của DOHAMIDE và DOROHIEM, triển khai tổ chức “Hiệp Hội Chàm Hồi Giáo Việt Nam” đã được thành lập tại Sài Gòn hoạt động chủ yếu liên lạc với chánh quyền Việt Nam về các vấn đề của người Chăm. Tác giả đã ghi lại vai trò chủ yếu nhưng không lộ rõ của DOHAMIDE trong công trình xây dựng một nền nếp sinh hoạt hội họp mới của cộng đồng Chăm Châu Đốc tại Saigon qua lề lối cấu tạo quyết định chuyển từ các niên trưởng sang các biểu quyết theo đa số thành viên tham dự.

Chương 5 xem xét tiến trình trao đổi giữa căn sắc tính dân tộc của người Chăm vùng biển Trung bộ và người Chăm vùng sông nước Tây Nam Nam bộ, quan tâm đến nhu cầu thích ứng tính đồng nhứt dân tộc do nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ban cấp 

Chương 6 triển khai vị thế mới của các dân thiểu số qua chánh sách thời kỳ đổi mới cuả Cộng hòa Xã Hội chủ nghĩa Việt Nam, thuật ngữ “sắc tộc thiểu số” đã được dứt khoát thay thế thuật ngữ “Dân tộc” trên cơ sở luận thuyết Marx và Stalin du nhập từ Liên Xô. Do đó, người Chăm được chánh thức gọi là “người dân tộc” nằm trong số 42 sắc dân tộc khác được đề cập trong tập sách mới này.

Trong khi đó, dòng chính lưu của văn hóa xã hội Việt Nam, người Kinh vẫn là đa số áp đảo, xem văn hóa dân tộc thiểu số như là di sản và truyền thống quốc gia Việt Nam. Các văn hóa phẩm của các nghệ nhân Chăm được xem xét cho thấy khả năng người Chăm biểu tỏ tính đồng nhứt của họ qua việc vận dụng các thuật ngữ tiêu biểu của họ.

Kết luận


Tổng kết hành trình căn sắc tính dân tộc soi tìm về người Chăm Việt Nam, tác giả RIE NAKAMURA đã đưa ra một nhận định: 

“Người Chăm là dân thiểu số ở Việt Nam; khi mà thân trạng thiểu số của họ được vận dụng hy sinh cho đa số, tính đồng nhứt của họ chấm dứt với các khái niệm còn phải bàn thảo: người dân của một nước Champa đã mất, người dân không là của nước nào cả, người dân bị đánh bại, việc mất đất đai, mất văn hóa và v.v… Nếu tính đồng nhứt dân tộc của họ tiếp tục được đặt cơ sở trên thuyết nhị nguyên tương phản thì họ có thể không bao giờ hoàn toàn hội nhập vào quốc gia Việt Nam được.”

Tuy nhiên,trong bối cảnh văn hóa xã hội đang diễn biến, sự hiện tồn của tính đồng nhứt Chăm có thể được dự đoán, điển hình qua công trình nghiên cứu của vài thức giả Chăm tại Hoa kỳ, nhứt là của một học giả Chăm là YSA COSIEM gốc Chăm Châu Đốc đang gây tạo phong trào xây dựng lối viết ngôn ngữ (bahasa) Chăm bằng chữ la tinh. YSA COSIEM là một kỹ sư được đào tạo tại Hoa kỳ, chuyên ngành điện toán. 

Ngoài ra, đóng góp việc xây dựng tính đồng nhứt Chăm, tại Hoa kỳ, còn phải kể hai gương mặt kỹ sư nông nghiệp SOLEH ADAM, GIUSO KELLY thường phát biểu đóng góp nghiên cứu Chăm qua Facebook. Trong khi trong nước, Có ADAM HAMIT được đào tạo từ Đại học Quốc tế Malaysia, đang đóng góp xây dựng tính đồng nhứt Chăm qua vai trò quản lý của Hãng khoan dầu khí PETRONAS tại Việt Nam bên cạnh cô em gái MINA HAMIT cùng đang dấn thân vào sự nghiệp dầu khí.

Qua các sự kiện trên, sự hiện tồn của tính đồng nhứt Chăm có thể được dự đoán sáng sủa ở chân trời.

2020: năm đi vào độ tuổi 86 già nua xế bóng
DOHAMIDE (Đỗ Hải Minh)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét