Thứ Ba, 1 tháng 9, 2020

Đàm Trung Pháp: Lá Thư Chủ Biên - Viethocjournal.Com - Tập San Việt Học - Ấn bản 15-8-2020

Kính gửi quý độc giả:

Để gia tăng sự hiểu biết về sinh hoạt văn học của một thế giới đang thu nhỏ lại do tiến bộ vượt bậc của công nghệ truyền thông, TSVH vừa khai trương mục VĂN HỌC THẾ GIỚI (với các tiểu mục: [1] Văn học Anh/Mỹ, [2] Văn học Pháp, [3] Văn học Tây ban nha, [4] Văn học Đức/Nhật/Hoa) để thay thế cho mục “Văn học thế giới qua Việt ngữ” trước đây. Các bài đăng trong mục mới này sẽ được viết bằng một (hoặc nhiều hơn) trong ba thứ tiếng Việt, Anh, Pháp.

Tuyển tập tam-ngữ Anh/Pháp/Việt mang tên French poetry do tác giả Thomas D. Lê đóng góp là tài liệu đầu tiên xuất hiện trong mục VĂN HỌC THẾ GIỚI (tiểu mục Văn học Pháp) . ⁃⁃⁃ Trong lời mở đầu cho tập nghiên cứu công phu để làm tài liệu dạy đại học ở Mỹ của ông, Giáo sư Lê viết: “This selective collection of French poetry features the best loved and most anthologized poems of French literature. Hardly any students of French literature can ignore these gems without missing the essence of the French language and the genius of French poetry. The variety and richness of this collection speaks for itself …” Trong số 14 thi sĩ được giới thiệu trong tuyển tập hàn lâm này, mỗ tôi ghi nhận 4 đại danh của cõi thi ca trữ tình Pháp: Apollinaire, Baudelaire, Lamartine, và Verlaine.

Qua bài Chơi với chữ (mục Văn học Việt), tác giả Vĩnh Đào đưa bạn đọc vào xem một lối tiêu khiển trí tuệ hứng thú trong ngôn ngữ, như “chơi chữ” , “jeu de mots”, “word play” , “song quan ngữ 双关語.” Cách thông thường nhất người ta “chơi chữ” là tạo ra hai từ hoặc hai câu phát âm giống nhau nhưng có nghĩa khác nhau. Có lẽ ai cũng biết các câu: She sells seashells/Je suis un chien, mais je ne suis pas un chien/ Thầy tu thù tây, cạo đầu cầu đạo. Nhưng lối chơi “song quan ngữ” cao cường như sau thì có lẽ ít người biết: Một anh chuyên nuôi lợn kiếm ăn đến nhà một thầy đồ để xin một vài chữ Nho mừng xuân lấy hên. Thầy đồ bèn viết ngay bảy chữ Hán liền nhau “長長長長長長長” trên miếng giấy đỏ rồi đưa anh nuôi lợn. Anh ta thắc mắc, sao lại toàn là chữ “trường” nghĩa là dài? Ông đồ giải thích: Chữ “長” có 2 cách đọc: “trường” là dài, và “trưởng” là to. Câu này phải đọc cho đúng như sau: trường trường trưởng trưởng trường trường trưởng nghĩa là “dài dài to to dài dài to.” Ông đồ nheo mắt rồi nói: “Bộ anh không thích bầy lợn của anh năm tới sẽ vừa dài vừa to hay sao?” ⁃⁃⁃ Tác giả Vĩnh Đào trong bài viết Chơi với chữ mời độc giả vào thăm thế giới thi ca “chơi với chữ” rất cao cường của các thi sĩ Pierre de Marbeuf (người Pháp, thế kỷ XVII), Jacques Prévert (người Pháp, thế kỷ XX), và Diễm Thuyên (người Việt đương thời), qua lối giải thích chu đáo và nhận định tinh tế của ông. Mỗ tôi khâm phục lối chơi chữ thần sầu quỷ khốc trong thơ tiếng Việt của Diễm Thuyên, và hoàn toàn đồng ý với nhà bình thơ tao nhân mặc khách Vĩnh Đào rằng: “Khi nhà thơ chơi với chữ và đùa với nghĩa thì không thể nào dịch sang một ngôn ngữ khác.”

Đăng trong tiểu mục Văn học Anh / Mỹ, bài viết “Paris est une fête” hay là câu chuyện về một cuốn sách là một “câu chuyện” dí dỏm mà tác giả Nguyễn Bảo Hưng viết về cuốn hồi ký mang tựa đề nguyên thủy Anh ngữ là A moveable feast của Ernest Hemingway. Cuốn hồi ký ghi lại những điều xảy ra trong thời gian Hemingway bỏ nghề phóng viên ở Mỹ, chuyển cư sang Paris hành nghề văn sĩ để “thử” mưu sinh cho bản thân và người tình đầu tiên Hadley vào những năm 1920. ⁃⁃⁃ Cuộc sống thiếu thốn tiền bạc nhưng ngập tràn hạnh phúc với Hadley mà Ernest kể lại đã đụng mạnh vào trái tim của nhà biên khảo Nguyễn Bảo Hưng đến nỗi ông đã tìm hiểu cặn kẽ thêm về cuộc đời văn hào Hemingway trong vài “câu chuyện” khác mà mỗ chủ biên cũng đã hân hoan nhận được và hứa sẽ chia xẻ với quý độc giả bốn phương của TSVH. Thâm tạ ưu ái từ một văn hữu đang sống hạnh phúc ở Kinh đô Ánh sáng!

Những hợp đồng tìm dầu đầu tiên ở Việt Nam (đăng trong mục Môi trường) của tác giả Trần Văn Khởi là một hồi ký có thẩm quyền cao nhất. Nó đã vực dậy trong tâm tư mỗ tôi một niềm tiếc nuối khó tả khi đọc xong. Kỹ sư Trần Văn Khởi là một người bạn cùng du học Hoa Kỳ với mỗ tôi 60 năm về trước, và khi thành tài ông đã về phục vụ chính phủ VNCH những năm sau cùng với chức vụ Tổng Cục Trưởng Tổng Cục Dầu Hỏa. ⁃⁃⁃ Ta phải tin vào sự thực bất khả tư nghị “Mưu sự tại nhân thành sự tại thiên” để có thể hiểu tại sao một vận hội kinh tế rực rỡ như vậy cho VNCH đã bỗng chốc tan thành mây khói vì quốc nạn 1975!

Mỗ tôi vẫn chưa thể hiểu làm sao chỉ sử dụng không quá 3.000 chữ mà tác giả Thái Công Tụng đã soạn được một nghị luận uyên bác về ngôn ngữ của đạo hạnh, mang tên Chữ tâm trong văn học Việt (đăng trong mục Văn học Việt và Tôn giáo). Ngoài điều được ôn lại cái triết lý hướng thượng, từ bi, nhân ái, tha thứ trong các tác phẩm chữ Nôm như Truyện Kiều, Quan Âm Thị Kính, Nhị Độ Mai, mỗ tôi còn được Thái quân nhắc nhở đến cái từ vựng xum xuê của chữ “tâm” (đáng yêu vô cùng) trong tiếng Việt: “Tâmtrước các chữ như tâm thần, tâm lý, tâm cảm, tâm cảnh, tâm thức, tâm tình, tâm trí… Tâmsau các chữ như thiện tâm, vọng tâm, nội tâm, chân tâm, thành tâm, ác tâm, thâm tâm, nhất tâm, từ tâm …” ⁃⁃⁃ Bản chất tò mò ngữ học đã dẫn mỗ tôi đến các trang 1363-1365 của “Việt Nam Tự Điển” (Lê Văn Đức và Lê Ngọc Trụ, Khai Trí xuất bản năm 1970), thì đếm thấy có đúng 93 từ ngữ do chữ “tâm” đứng đầu!

Từ Paris, Bác sĩ Y khoa Nguyễn Tối Thiện (pháp danh Tuệ Thiện) đã chuyển cho TSVH một bài viết rất công phu ngót 8.000 chữ ông vừa hoàn tất trong mùa hạ 2020, với một tựa đề rất nghiêm trang là Phương Pháp Học Phật. ⁃⁃⁃ Mỗ tôi quả thực chỉ dám “dựa cột mà nghe” vì cái kiến thức nhỏ nhoi đáng xấu hổ của mình về đạo Phật. Tuy vậy, mỗ tôi đã ghi nhận được một số kiến thức mới rất bổ ích từ bài viết, trong đó là các nhận định thẳng thắn và công tâm của tác giả, như : (1) Ngày nay các sử gia Phật giáo có những nghiên cứu đúng phương pháp sử học về cuộc đời đức Phật. Chúng ta có thể dựa vào đó như một kim chỉ nam, một bản đồ. Những kinh sách nào nêu ra những sự kiện không phù hợp với thời đại của đức Phật, những nhân vật không có mặt trong thời đức Phật mà nói là đã tiếp xúc với đức Phật, chúng ta có thể coi là ngụy tạo. (2) Phật giáo là đạo của Trí Tuệ và Từ Bi. Nếu chỉ có Từ Bi mà không có Trí Tuệ thì hành động của người con Phật như đem muối bỏ biển hay chở củi lên rừng. Nếu chỉ có Trí Tuệ mà không có Từ Bi thì con người sẽ trở nên cống cao ngã mạn. (3) Việc học Phật là nghiên cứu để áp dụng Phật giáo để giúp con người tìm được sự hài hoà thân tâm của chính mình, sự hài hoà giữa mình và người khác trong gia đình, trong cộng đồng xã hội, hài hoà với thiên nhiên. 

Riêng mỗ chủ biên xin đóng góp (vào mục Kiều học và mục Văn học Việt) bài nghị luận Lời lời châu ngọc hàng hàng gấm thêu trong nỗ lực gìn vàng giữ ngọc cho đệ nhất tác phẩm thi ca Việt Nam là Truyện Kiều của thi hào Nguyễn Du, trong lúc đang dấy lên ở quê nhà một phong trào kỳ quái dám đề nghị “sửa đổi” Truyện Kiều! Bài này là phiên bản sau cùng đã được mỗ tôi cập nhật hóa, bổ sung rộng rãi, và hoàn chỉnh năm 2020 thay thế cho cho bài viết nguyên thủy năm 2003 mang tên Đọc lại Truyện Kiều yêu thêm tiếng Việt (đăng trong DÒNG VIỆT số 16). Kính mong quý độc giả cao minh cho biết có điểm nào sai trong bài để mỗ tôi xin điều chỉnh và tri ân.

Giáo sư Đàm Trung Pháp 
Chủ biên Tập San Việt Học 
Biên tập thường xuyên DĐTK