Thứ Ba, 11 tháng 8, 2020

Trần Văn Khởi: Đường về công trường… là đường vào quê hương  (ca khúc Nguyễn Đức Quang)

Một ngày khi đảm trách Công Trường Giới Tuyến, Hà Tường Cát rủ tôi đi Cam Lộ. Tôi đã quen Cát cùng nhiều anh em khác từ Chương Trình Hè 65 – bắt đầu thì anh em biết tôi là “em anh Ngô”. Tuy đang làm việc công chức, tôi cũng ráng dành thì giờ tham gia sinh hoạt thanh niên từ khi du học về cuối năm 1964.

Dạo đó, quân đội Mỹ muốn lập vùng oanh kích tự do ở ngay phía Nam giới tuyến. Đồng bào vùng đó phải tản cư, và Công Trường Giới Tuyến đã được anh em đề ra để phần nào giúp đỡ xây chỗ ở mới. Tầm mức công trường tương đối rất hạn chế, chỉ là một phần nhỏ so với Công Trường Thạnh Lộc Thôn trong Chương Trình Hè năm trước.

Tôi muốn đi, không phải để làm mà là cho biết. Dù sinh trưởng ở Huế, tôi chưa bao giờ có dịp đi vùng nào Bắc của Huế. Tôi xin nghỉ việc để đi với Cát, vào một ngày mùa hè năm 1966.

Nhờ Cát xoay xở, tụi tôi đi máy bay Air America, mang theo ít vật liệu, từ Saigon đi Đà Nẵng; nghỉ lại đêm ở Ty Thanh Niên, rồi hôm sau bay đi, cũng Air America, Quảng Trị, rồi từ đó đi đường bộ lên Đồng Hà.

Tại đây đã gặp nhiều anh chị em trong Công Trường. Trong cảnh nghèo nàn, đầy thiếu thốn, tôi cảm nhận ngay thiện chí cao độ của các anh chị em thanh niên, trong một chấp nhận và chia sẻ thầm lặng nổi khổ của đồng bào bó buộc phải bỏ nhà bỏ cửa ra đi.

Chúng tôi đi xe nhà binh, về phía Tây trên quốc lộ số 9, tới Cam Lộ. Tôi không còn nhớ nhiều về các công tác – có lẽ vì cũng chẳng xây cất được bao nhiêu. Ấn tượng còn lại sâu đậm trong tôi là hai đêm nằm ngoài trời, dọc quốc lộ số 9, suốt đêm thấy tia sáng rồi nghe tiếng súng đại bác bắn đi từ căn cứ Mỹ gần đó – chợp mắt ngủ, thức giấc, ngủ lại trong tiếng súng cả đêm, bắn nát vùng oanh kích tự do.

Chuyến về khó khăn hơn mới phục tài xoay xở của Cát. Không có máy bay đi Đà Nẵng, Cát tính với tôi đi đường bộ từ Quảng Trị về. Tôi ớn quá – tôi nói với Cát vùng Sịa nguy hiểm lắm, xe cộ bị mìn như không. Chờ hai ngày thì Cát móc nối được Air America đi Đà Nẵng, rồi lại ngủ đêm ở Ty Thanh Niên trước khi về Sài Gòn. Nhờ Cát, tôi đã có dịp đi trên “đường về công trường”.

Buổi họp mặt mừng nhà mới của Hà Tường Cát tại Little Saigon

Khi được biết Cát qua Mỹ và về với mái ấm NGƯỜI VIỆT, tôi mừng cho Cát và thầm cảm phục tinh thần kết nghĩa sâu đậm bền bỉ của anh em Chương Trình Hè.

Theo sau Điểu, Lộc, Quang, Yến… cầu mong Cát được tiêu diêu trong miền Cực Lạc./.

Trần Văn Khởi


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét