Thứ Bảy, 29 tháng 8, 2020

Nguyễn Công Khanh: Hai Người Bạn - Một Thời Trung Học

Hà Dương Dực – Nguyễn Ngọc Giao

Hà Dương Dực (1936 – 2020)
Đọc bài anh Nguyễn Ngọc Giao viết về Hà Dương Dực trên báo Diễn Đàn online bên Pháp,mà anh là chủ biên. Hai người này tôi đều có dịp học chung trong thời trung học mấy năm. Chúng tôi bây giờ cũng đã ngoài 80 cả rồi.

Kể lại chuyện xưa, tôi xin dùng văn chương học trò. Tôi học cùng lớp với Giao ba năm tại trường Chu Văn An ở Hà nội, từ Đệ Thất đến Đệ Ngũ B3, từ 1951 đến 1954 khi đất nước chia đôi. 

Nhớ lại ngày trước, tôi hồi cư trở lại Hà Nội muộn, mất bốn năm theo cha tôi ở vùng Kháng Chiến. Lúc đó tôi làm liên lạc viên cho cơ quan Kinh Tế Tài Chánh Liên Khu 3, vì an ninh phải di chuyển khắp mấy tỉnh trong vùng trung du. Mẹ tôi về Hà Nội trước và cho người ra đón tôi về thành. Năm sau mới đón được bố tôi trở về. Mười lăm tuổi, tôi chưa có bằng Tiểu Học, nên học ngày học đêm, đỗ xong được Tiểu Học lại thi được vào Đệ Thất trường Chu Văn An và được cấp học bổng vì gia cảnh. Quá may mắn.

Tôi hơn tuổi, lại cao hơn nhiều bạn nên những năm đó tôi đều phải ngồi ở bàn cuối. Tôi còn nhớ một số bạn, nhưng nhớ nhất là tên mấy người bạn trong nhóm làm bích báo của lớp: Nguyễn Cự, Nguyễn Thượng Hiệp, Ngô Quang Vỹ, Nguyễn Ngọc Giao và tôi. Cự ở lại Hà Nội. Hiệp cũng là một trong những người bạn thân của tôi suốt đời như Dực. Năm cuối ở Hà Nội tôi với Hiệp thường lang thang đạp xe cả ngày trên các khu phố; tối đến tôi hay đến ngủ tại nhà Hiệp, một ngôi nhà cổ bên bờ hồ Trúc Bạch. Hiệp đã mất tại California nhiều năm qua và trong những ngày cuối, tôi từ Seattle đã đến thăm Hiệp trong viện dưỡng lão. 

Tôi nhớ có lần Hiệp nói với tôi, khi Hiệp theo phái đoàn VNCH sang hiệp thương tại Paris năm 72, có đến tìm gặp Giao, khi đó Giao đã ngả nặng theo phía Cộng từ lâu.

Giao và Vỹ là hai người xuất sắc nhất lớp, không những về Toán mà tất cả các môn khác. Họ thay nhau đứng nhất nhì trong lớp. Nếu tôi nhớ không lầm, nhà Giao và Vỹ ở cạnh nhau, đối diện bên kia là cổng trường Nguyễn Công Trứ, gọi là trường Hàng Than. Trước mỗi nhà có cổng lớn kín, sơn mầu xanh và trên là giàn hoa giấy. Thường thường, trước các cổng trường là chỗ là chỗ tập trung các hàng quà rong, nên bọn tôi thường đến đó ăn bánh tôm trước cổng nhà Giao. Bây giờ nghĩ lại thấy thương ông bán bánh tôm; chúng tôi gọi một hai đồng bánh tôm mà cứ đứng ngốn rau của ông vì nước mắm ông pha quá ngon. Gần đó, đầu đường có một tiệm sách, bán sách Việt và những tạp chí bằng tiếng Pháp. Hồi đó tôi đang theo rõi hai truyện hấp dẫn là “Lục Kiếm Đồng”, kiếm hiệp với những trận đả lôi đài và truyện “Bông Hoa Rừng”, tả cảnh tranh chấp tình yêu đường rừng, diễm tình. .. Họ in từng tuần và bán một đồng 16 trang. Tôi hay đứng ở đó đọc cọp những truyện tiếng Pháp bằng tranh vì không đủ tiền mua như TinTin, Hardy… Phía bên kia đường, cuối trường Nguyễn Công Trứ là gánh Phở Tráng chiếm ngự ngay trên vỉa hè, mà nhà văn Vũ Bằng mệnh danh là “Vua Phở”. Hồi đó tôi cũng có dịp đứng chung với các ông thông ông phán cầm bát phở xì xụp trong nhiều buổi sáng Hà Nội. 

Khi vào Saigon, tôi học nhẩy, thi được vào Đệ Tam trường Hồ Ngọc Cẩn, nên không có dịp học chung với Giao nữa. Tôi có những người bạn mới tại trường mới, nhưng tôi vẫn đi chơi với những người bạn cũ, nên ai cũng tưởng tôi vẫn là dân Chu Văn An. Rồi tôi được tin Giao chiếm thủ khoa trong kỳ thi Toán toàn quốc và được học bổng du học Pháp.
Thời gian qua đã 70 năm rồi, không hiểu Giao có còn nhớ hay không?

*

Tôi gặp Hà Dương Dực trong lớp B3 niên khóa 56-57, vì sau khi đỗ Tú Tài I, tôi quay lại trường Chu Văn An. Hồi đó, chỉ trường này có lớp cho Tú Tài II. Dực và tôi cùng tuổi.

Dực là một trong những người bạn thân nhất, không những của thời học trò, một thời hoạt động và vẫn còn mang chung trong người những giấc mộng lớn, những giấc mộng con suốt đời dù đã lưu lạc ở nước ngoài. 

Tôi nhớ trong cái năm cuối cùng của trung học, chỉ có một năm nữa thôi, ai cũng lo dành thời giời học để vượt qua một cánh cửa định đoạt cuộc đời mình. Nhóm chúng tôi chừng 9 người hay gặp nhau. Dực như một cái lực đẩy và đề nghị thành lập nhóm “Cửu Long Giang”. Trong đó có Nguyễn Văn Linh, sau này là kỹ sư Giám đốc Thủy Điện Đa Nim, Nguyễn Văn Thư sau là Phụ giảng tại trường Quốc Gia Hành Chánh và được gửi đi Mỹ học Ph.D, Tạ Chí Đại Trường, sau thành giáo sư có nhiều tác phẩm nghiên cứu về Sử Học. Hà Dương Dực vào trường Luật, tôi sẽ viết về Dực sau. Cả bốn người trên đều đã mất. Còn lại Nguyễn Như Nguyên, sau là Bác sĩ Quân Y và tôi vào Quốc Gia Hành Chánh...

Cả nhóm quyết định ra một tập san lấy tên là Cửu Long Giang, đánh máy và in ronéo, bán hẳn hoi chứ không đem tặng. Đem đi các trường thế mà được đón nhận nồng nhiệt, cả nhóm quyết định làm tập thứ hai. Bài vở sẵn sàng, nhưng kỳ thi sắp đến mà không có người bỏ công ra đánh máy. Tôi đành nhận và tôi đã trượt kỳ đầu năm ấy. 

Khi lên đại học, Dực gọi chúng tôi họp lại, không làm báo nữa và bàn thảo những chuyện lớn hơn. Dực thường gợi ý cho chúng tôi những đề tài thảo luận về thời cuộc, những vấn đề của một quốc gia và những ý tưởng để hành động ... Những chuyện tưởng là bàn chơi, nhưng lại có thể thật. Một hôm, Dực bảo chúng phải cẩn thận, có người đang theo rõi bọn mình. Dĩ nhiên tình hình chính trị lúc đó, khiến cả nhóm đều thấy phải đổi cách nhóm họp.

Từ trái sang phải: Hà Dương Dực, Nguyễn Văn Thư, Nguyễn Công Khanh, Nguyễn Văn Linh và Nguyễn Như Nguyên. Tại trường Chu Văn An 56-57.

Tôi hay cùng Dực đi chơi với nhau, nhiều khi về muộn, ngủ lại nhà Dực. Ông cụ bà cụ thân sinh ra Dực nhà cửa rộng rãi lại rất quí bạn của con nên chúng tôi thường đến đó hội họp. Dực nhiều bạn; có những Tết, hai cụ tiếp đãi bạn của con đến mấy chục người. Những lần tôi từ Phú Quốc trở về, cụ ông hay gọi đùa tôi là “Chúa đảo”. Mấy người em của Dực cũng rất thân thiện. Cô Di, em gái học cùng năm Tú Tài II với chúng tôi, lớp B4 bên cạnh. Các em trai Hùng, Tường, Tuấn, Cự đều khôi ngô, đĩnh đạc, lúc nào cũng niềm nở với các bạn của anh.

Họp bạn dịp Tết năm 1961 trước nhà Hà Dương Dực

Sau khi ra trường, mỗi người được bổ nhiệm đi mỗi nơi, không còn cơ hội để gặp nhau như trước nữa. Dực bị động viên và đưa ra Quân Đoàn I, miền Trung. Còn tôi sau khi tốt nghiệp, được đưa ra quân trường Đồng Đế huấn luyện trong khóa Chuẩn Úy Hiện Dịch trước khi đưa về địa phương, đảo Phú Quốc.

Sau khi giải ngũ, Dực xin được học bổng đi Mỹ lấy bằng MA. Trở về, dùng kiến thức đã học hỏi, Dực thành lập một công ty, gọi cổ phần, hoạt động cho đến ngày rời nước. 

Những năm sau này, tôi thường bay xuống California thăm bạn. Hình như vẫn còn cái gì vương mắc trong đầu óc Dực chưa buông được. Gặp lại tôi, ngồi với nhau trong quán, có lúc Dực bỗng nhiên nói những ưu tư cho một đất nước bao nhiêu năm không thoát khỏi cảnh chuân chuyên, như những giấc mộng lớn, mộng con thời trẻ. Những tháng sau cùng, tôi gọi Dực nhưng nhiều lần không được. Hỏi bạn, thì được biết Dực đã bỏ mạt chược, bây giờ lại mê xem đua ngựa. Tôi nghĩ, cũng tốt cho tuổi già. 

Dực đã vừa rời bỏ chúng tôi. Xin cầu chúc cho hương hồn người bạn Hà Dương Dực, Pháp danh Nguyên Trực được thanh thản, tiêu dao miền Cực Lạc. 

*

Để chấm dứt bài viết, tôi xin mạn phép dùng hình của Dực và trích một đoạn trong bài của Nguyễn Ngọc Giao viết về Hà Dương Dực khi anh qua đời. Bài này được đăng trên Diễn Đàn online ngày 22 tháng 8 năm 2020. Đoạn này tôi thấy hay và tôi cũng muốn biết câu trả lời. Tôi cũng có thể đoán được, hai người bạn mà tôi học cùng lớp, trong hai không gian cách xa nhau, trong khoảng thời gian cũng cách xa nhau, lại có dịp gặp nhau ở một xứ lạ, đem đến cho nhau câu hỏi “oái oăm”. 

Cũng nên nói thêm là anh Quỳnh dưới đây là anh ruột của Giao, một sĩ quan Hải Quân kỳ cựu. Thông thường thì đã được thăng cấp và giữ những chức vụ cao cấp hơn trong ngành, nhưng bao nhiêu năm anh cứ bị kìm tại một chỗ. Chắc là Giao phải hiểu điều này. Anh lại là một người mà Giao cho là đã “nhồi nhét” vào Giao bài học yêu nước lý tưởng đầu tiên đó từ lúc 11, 12 tuổi cho Giao. Cái lý tưởng ấy, nhiều người đã bỏ, anh Quỳnh của Giao cũng đã bỏ, nhưng Giao không bỏ cái “Mối tình yêu nước lý tưởng đầu tiên” nhận từ anh Quỳnh. 
Giao đã viết: 

“Tôi thì bị cấm cửa, ở cả Mỹ lẫn Việt Nam. Mỹ thì ma lanh hơn, năm 1995, đã cấp Visa cho tôi, trên hộ chiếu CHXHCNVN, mấy tuần trước ngày bình thường hoá quan hệ ; còn Việt Nam thì tới cuối năm 2001, tôi mới được cấp Visa. Trong nhiều năm, tên tôi được trang trọng nêu tên ở "Bảo tàng tội ác chiến tranh Mỹ-nguỵ", phòng "âm mưu của các lực lượng thù địch sau 1975". Dường như lối tuyên truyền trẻ con ấy cũng có tác dụng, ít nhất đối với một số nhà "quốc gia chống cộng". Những năm 90, 91, 92... tôi thường được tiếp những người ở Mỹ sang. Những cuộc gặp đầu voi đuôi chuột, bên này thất vọng vì chữ dân chủ dường như có nhiều nghĩa quá khác nhau, bên kia vì tưởng phen này "chiêu hồi" nó về với "chính nghĩa quốc gia".

Chính trong bối cảnh 90-91 ấy, mà một hôm tôi nhận được điện thoại của anh Tường, nói "anh Dực vừa từ Cali sang, có chuyện muốn gặp Giao". Tôi cũng không nhớ gặp anh ở nhà ai, nhưng nhớ rất rõ câu đầu tiên của anh : "Tôi tìm gặp anh, vì trước khi sang đây, anh Quỳnh (anh ruột tôi) trao cho tôi một nhiệm vụ. Anh Quỳnh nói, nhờ anh hỏi Giao một câu thôi: Nó có còn là Cộng Sản không?".

Ngôn ngữ tiếng Việt thật là rắc rối, hay đúng hơn, thời thế Việt Nam thật không đơn giản.Tôi đành trả lời một cách thẳng thắn nhất có thể : "Nếu Cộng Sản là có thẻ Đảng, Đảng cộng sản Pháp hay Việt Nam, thì tôi chưa bao giờ và sẽ không bao giờ là cộng sản. Còn nếu cộng sản là có tư tưởng ủng hộ công bằng xã hội, đấu tranh cho một xã hội thực sự công bằng, như anh Quỳnh đã 'nhồi nhét' vào đầu óc 11, 12 tuổi của tôi, những buổi anh ấy đèo tôi trên xe đạp lên hồ bơi QuảngBá, thì tôi là cộng sản, và không có ý định từ bỏ lý tưởng ấy". Anh Dực cười, bằng miệng, và bằng đôi mắt sau cặp kính cận dày cộm, và nói: "Tôi sẽ mang câu trả lời của anh về cho anh Quỳnh". 

Chắc chắn anh Dực đã "hoàn thành nhiệm vụ". Vì mấy năm sau, năm 1994, anh chị tôi ghé qua Pháp trong một chuyến Âu Du (anh em chúng tôi gặp nhau sau 36 năm xa cách) hay năm 1995 lần đầu tiên tôi sang Mỹ, cũng như những lần sau, không bao giờ anh Quỳnh đặt lại câu hỏi ấy nữa. Nhiều lần chúng tôi trao đổi về tình hình chính trị Việt Nam, nhưng chẳng bao giờ có gì để tranh luận”.

Cuộc đời quả thật là phức tạp.

Nguyễn Công Khanh