Thứ Bảy, 22 tháng 8, 2020

Hạ Long Bụt sĩ : Những Loại Hình Tình Yêu Và Chất Thơ Trong Văn Khái Hưng 

THƠ và THIÊN NHIÊN


Khái Hưng (1896-1947) viết văn như làm thơ ngay trong tác phẩm đầu tay Hồn Bướm Mơ Tiên, xuất bản 1933 :

Bên phía đông nam mấy trái đồi phản chiếu ánh chiều tà nhuộm một sắc da cam. Nền trời xanh nhạt, lơ thơ mấy áng mây hồng. In trên cánh đồng lúa chín, màu vàng thẫm, con cò trắng thong thả bay về phía tây, đôi cánh lờ đờ cất lên đập xuống loang loáng ánh mặt trời. ( phần 3- Hồn Bướm Mơ Tiên).

Bên bờ suối mấy gốc cây thông già gió chiều hiu hắt, lá thông khô lác đác rơi xuống suối rồi theo dòng nước trong trôi đi. ( phần 7- HBMT)

Phần kết có tới 7 câu Lá Rụng :

Gió chiều hiu hiu…Lá rụng ! (phần 9).

Nhưng tới tập truyện ngắn Đợi Chờ, 1940, diễn tả niềm tưởng nhớ một hình bóng thoáng qua, thì Khái Hưng thật sự làm thơ :

Cả những làn mây nhạt đang lững thững trôi trên ngọn đồi xa cũng ngập ngừng dừng lại. Hình như cùng chàng mong ngóng người xưa, cỏ cây mây nước cũng trầm ngâm mong ngóng xuân về. ( đoạn đầu)

Và trên đồi xa, làn mây bạc vẫn ngập ngừng dừng lại…. ( tr 4-12)

Cùng chàng mong ngóng người năm ấy, vạn vật trầm ngâm mong ngóng xuân về. ( kết)

Và nếu kể cả Tiêu Sơn Tráng Sĩ, một cuốn tiểu thuyết dã sử võ hiệp,1937, mô tả mối tình đồng chí cao thượng giữa Quang Ngọc và Nhị Nương, thì đoạn kết cũng là lời thơ bi phẫn lãng mạn của Phạm Thái :

Than ôi chí lớn trong thiên hạ, đựng không đầy đôi mắt mỹ nhân !

Cảnh đẹp tự nó đã là Thơ, chỉ cần đôi mắt thi sĩ nhìn ra vạt nắng lụa chiều, ra đồi núi miền trung du Kinh Bắc, ra mái chùa ẩn hiện trong sương mù, tiếng chuông trải dài trên thảm cỏ làm cả cánh bướm cũng lim dim vào cõi tịnh mịch... Khái Hưng mang ta về với thiên nhiên, với nếp sống mộc mạc của sư cụ, sư ông, chú tiểu... rồi một chàng sinh viên từ Hà Thành đạp xe 30-40 km tới Luy Lâu, cái nôi của Phật giáo từ thế kỷ I, thăm người tình, một cô gái giả chú tiểu.

Người cùng thế hệ tiền chiến với Khái Hưng kể lại : ông nổi tiếng giỏi Pháp văn khi học Tú Tài Pháp tại trường Albert Sarraut, thế hệ Tây học ấy nếu không đọc cả ngàn thì cũng vài trăm cuốn tiểu thuyết Pháp, những người như Nguyễn Mạnh Tường, Nguyễn Tiến Lãng...lại còn thi nhau đọc mỗi tuần mấy cuốn….Nhưng trong văn Khái Hưng, cả 23 tác phẩm, viết trong khoảng 10 năm, người ta không tìm thấy, không cảm thấy ảnh hưởng Tây phương, trong HBMT, ông kể ra Phật giáo Đại quan (của Phạm Quỳnh), chuyện Quan Âm Thị Kính, tích chùa Long Giáng Long Vân….Văn ông linh hoạt, tràn đầy những trang đối thoại như thoại kịch. Nếu ai muốn làm phim HBMT thì truyện phim, screen play, đã sẵn có, mà về sau chính Khái Hưng cũng đã viết 3 vở Kịch, ngắn dài ( Tục Lụy, Cóc Tía, Đồng Bệnh)...tới cuốn Thừa Tự mà Vũ Ngọc Phan bình là hoàn hảo, không tỳ vết, thì rõ ràng ngòi bút Khái Hưng mang căn bản truyền thống dân tộc, không cổ Nho mà cũng không Tây hóa quá, ông viết như lời nói bình thường, hoạt bát, không trí thức kênh kiệu. Nhân cách phóng khoáng và tài hoa của Khái Hưng đã chinh phục cả một thế hệ độc giả tiền chiến, Vũ Hoàng Chương nhận xét: mỗi năm Khái Hưng trung bình xuất bản 2 cuốn truyện, cuốn Nửa Chừng Xuân 1934, mỗi lần in 5000 bản, tái bản 5 lần, là cuốn truyện phổ biến rộng rãi nhất thời tiền chiến…

THÂN TÂM Đồng Điệu


Tuy gọi là tình cao thượng, nhưng Khái Hưng cũng không bỏ qua những cảm xúc của hai cơ thể thanh niên đang tràn trề nhựa sống :

Lan ngã ngay vào lòng chàng. Ngọc ôm bạn lim dim cặp mắt…

Ngọc kéo mạnh quá vì thế chú tiểu mất thăng bằng ôm lấy chàng…..

...Ngọc nắm chặt quá, vì thế người lôi đi kẻ lôi lại , áo dài áo ngắn của Lan đều tuột cúc, trễ vạt ra….Chàng thoáng trông thấy ngực Lan quấn vải nâu…

Mối tình thơ mộng, trong khung cảnh nên thơ, vào thời 1930, không cổ điển quá như Tố Tâm, Nho Phong, nó vẫn đi được vào tâm thức của thế hệ mới, tuy Tây học nhưng con người Việt, lễ giáo Việt vẫn còn đấy, nó cũng không quá mạnh như Đoạn Tuyệt muốn dứt bỏ những thói tục cũ kỹ. Thời cổ điển mà viết văn mới như vậy, quả tác giả, 37 tuổi, rất sành tâm sinh lý.

TÌNH CAO THƯỢNG 


Khái Hưng dùng đạo Phật để biện minh mối tình giữa ni cô và chàng sinh viên :

Ni cô nên coi tôi như một người bạn...cho đến cả hạnh phúc của tôi, cho đến cả ái tình của tôi, ái tình có lẽ là tuyệt vọng của tôi…..( phần VI)

Phải biết hy sinh thì đời ta mới có ý nghĩa cao thượng ( lời Lan)

...tôi cũng xin dừng chân ở gốc cây thông này chứ chẳng muốn đi đến Nát Bàn làm gì.

Cặp linh hồn đôi ta như một điệu âm nhạc, không cảm động sao được…

Tôi sẽ chân thành thờ trong tâm trí cái linh hồn dịu dàng của Lan….Suốt đời tôi không lấy ai, chỉ sống trong cái thế giới mộng ảo của cái tình lý tưởng, của aí tình bất vong bất diệt…

Yêu là một luật chung của vạn vật, là bản tính của Phật giáo.Ta yêu nhau trong linh hồn trong lý tưởng….

Gió chiều hiu hiu…Lá rụng ! 

TÌNH YÊU THẨM MỸ


Tới truyện Trống Mái, 1936, Khái Hưng đã lồng vào khung cảnh Sầm Sơn cảnh trí biển cả quen thuộc một mối tình lãng mạn, lấy thẩm mỹ làm yếu tố chính : cô con gái tỉnh thành mê vẻ đẹp thân hình vạm vỡ của Vọi chàng trai đánh cá, da rám nắng, bắp thịt cuồn cuộn như một lực sĩ chứ không chân yếu tay mềm như các công tử thị thành. Trong khung cảnh mây nước sóng biển, giữa những ngày hè nghỉ mát, một loại tình yêu thẩm mỹ nảy nở, nhẹ, mơ hồ, mới đầu tưởng như đùa nghịch rồi dần dần sâu lắng, thấy nhơ nhớ...mà anh chàng đánh cá, hồn nhiên như Trương Chi với Mỵ Nương, cũng cảm nhận được thứ tình cảm rất xa, nhẹ, tình cờ như luồng gió biển bay vào tim óc, Vọi cũng bắt đầu thấy vẻ đẹp của cô con gái cao sang, cũng cảm động, tình yêu bắt đầu bằng sự nhớ nhung, Vọi đục vào mỏm đá bao nhiêu chữ V.H.,Vọi và Hiền. Thời 1930 này, với trường Cao Đẳng Mỹ Thuật đang nổi tiếng với Tardieu, bên cạnh lại có họa sĩ Nguyễn Gia Trí, có Nhất Linh, làm sao ông bỏ qua hội họa thẩm mỹ, nghệ thuật vị nghệ thuật được.

TÌNH TUYỆT VỌNG


Ngay từ 1934, sau Hồn Bướm Mơ Tiên một năm, chuyện ngắn Tình Tuyệt Vọng, trong tập truyện Anh Phải Sống, với bài thơ dịch bất hủ, thì có thể nói Khái Hưng là ngòi bút lãng mạn hiếm có trong văn học VN:

Một đêm tiệc Noel chàng thi sĩ đang thầm yêu trộm nhớ đọc bài thơ dịch từ thơ Felix Arvers :

Lòng ta chôn một khối tình
Tình trong giây phút mà thành thiên thâu
Tình tuyệt vọng, nỗi thảm sầu
Mà người gieo thảm như hầu không hay…

Hỡi ơi người đó ta đây
Sao ta thui thủi đêm ngày chiếc thân ?
Dẫu ta đi trọn đường trần
Chuyện riêng dễ dám một lần hé môi…

Sonnet 
Mon ame a son secret, ma vie a son mystere
Un amour eternel en un moment concu
Le mal est sans espoir, aussi j’ai du le taire,
Et celle qui l’a fait n’en a jamais rien su…..

Helas! J’aurai passe pres d’elle inapercu,
Toujours a ses cote, et pourtant solitaire
Et j’aurai jusqu’au bout fait mon temps sur la terre
N’osant rien demander et n’ayant rien recu…

( trích hai đoạn đầu)

Chàng thi sĩ Văn Châu yêu vợ người bạn thân, anh bạn thân này chắc hẳn biết bạn là thi nhân, hiểu tâm hồn lãng mạn của bạn, không giận mà lại thấy vui vui như có tiếng chim hót bên cạnh vợ chồng mình...tình bạn như thế quả là tình bạn tri kỷ. Những mối tình tuyệt vọng thì nhiều, nhất là vào thời trẻ đầy mơ tưởng, thời sinh viên, nhưng người đàn bà, vốn rất nhạy cảm, chỉ một thoáng nhìn mê mẩn, một cử chỉ luống cuống của chàng trai trẻ cũng đoán ra ngay tình ý, khó có chuyện “ mà người gieo thảm như hầu không hay” mà Arvers mô tả.

Thời ấy, khoảng 1930-40, nghe các cụ kể lại ở Hà Thành, nhóm trí thức mới Tây học thường họp nhau trong tao đàn bỏ túi, salon litteraire, để bàn chuyện văn chương triết lý nhân những ngày lễ lạc như Noel, Trung Thu...Khi báo Đông Dương Tạp Chí của Nguyễn Văn Vĩnh, có phần Pháp Văn, thiếu bài phải nhờ các sinh viên Cao Đẳng dịch hay viết tin. Các sinh viên Cao Đẳng khi tốt nghiệp đều được các danh gia vọng tộc hay nhà văn nhà báo mời mọc, như thi sĩ Tản Đà thết tiệc đậu phụ rán, hay dẫn các cậu xuống Khâm Thiên hát ả đào...cho đến thập niên 1940 salon litteraire của ông bà luật sư Trần Văn Chương-Thân thị Nam Trân là nơi lui tới của các trí thức lỗi lạc Hà Thành,cỡ Phạm Duy Khiêm...biết đâu chẳng có Khái Hưng, Nguyễn Mạnh Tường, Ngô Đình Nhu...tham dự, và người ta nói bà Nam Trân, con gái Đông Các Đại học sĩ thượng thư Thân Trọng Huề với nhan sắc kiều diễm của giai nhân xứ Huế, một giai nhân lãng mạn đã làm bao chàng văn nhân đắm đuối, si mê, tuyệt vọng, sau này khi Ls Trần ( tiến sĩ Luật 1922) làm Đại sứ VNCH tại Mỹ thì bà Nam Trân làm quan sát viên đại diện cho VNCH tại Liên Hiệp Quốc. Cô con gái Trần Lệ Xuân, có lẽ gặp hôn phu trong văn đàn, về dung mạo, tư cách, không so sánh được với nhan sắc cao sang của mẹ, một công nương họ Thân, bao đời nhất phẩm trong hoàng triều Nguyễn. ( Nghi vấn : bà Nam Trân sinh năm 1910-1986, bà Lệ Xuân sinh năm 1924-2011, như vậy mẹ sinh con năm 14 tuổi ?)

*

Hà Nội 1953 : mùa Đông Hà Nội lạnh cóng, cụ rùa vàng nổi lên nằm phơi nắng bên tháp, tôi nằm trên đống chăn bông dầy, êm ấm, nhìn qua cửa sổ thấy bờ sông Hồng, bên trái sừng sững Núi Tản…. say sưa đọc hầu hết những tác phẩm của Tự Lực Văn Đoàn, bên cạnh các truyện kiếm hiệp in ở nhà sách Vĩnh Thịnh gần nhà, như Bồng Lai Hiệp Khách, Dao Bay... cùng với truyện trinh thám Kỳ Phát của Phạm Cao Củng…

Sau vào Nam không có dịp đọc lại, tới khi ra Hải ngoại lại càng quên đi những sách vở đã đọc ở tuổi lên mười, mười hai, là tuổi có trí nhớ tốt nhất.

Cali 2020 : mùa dịch, đầu tiên trong đời phải nằm một chỗ cả 6, 7 tháng, âu cũng là cơ duyên để nhìn lại chính mình, chẳng thiền mà cũng như thiền, nhìn lại những lớp sóng dồn dập, những đám mây bay theo bóng mình từ Hà Nội vào Saigon, sang Mỹ, mà nói theo sư Nhất Hạnh thì khi mình uống một tách trà là uống cả làn mây vì vạn vật luân hồi chuyển biến không ngừng.

Và ...hồn mình hôm nay vẫn còn chập chờn Hồn Bướm mơ tiên, loang loáng lưỡi kiếm Tiêu Sơn tráng sĩ, vẫn Đợi Chờ gần như tuyệt vọng một tình yêu có lẽ không bao giờ đến, vẫn ấp ủ vọng tưởng một trận Xích Bích ái tình không có trên thế gian !

Rút cuộc sau hơn nửa thế kỷ, từ một độc giả tí hon tới tóc bạc da nhăn, tôi tự thấy phải kính cẩn hồi hướng cho Khái Hưng cùng những tác phẩm của ông, như nguồn suối bao bọc nuôi dưỡng tim óc từ tuổi ấu thơ , đã đưa đẩy ngòi bút mình khi viết văn làm thơ trong những bối cảnh thân thương mà ông đã họa ra, đã trao truyền dư ảnh, từ ngôi chùa làng đến gánh hàng hoa, từ vườn cam cành quýt Bố Hạ tới dòng sông Hồng đỏ ngầu...đã dẫn vào một dĩ vãng thiên đường của thời cha mẹ, nhẹ như sáo diều, mơ màng như nắng thu rải quanh lối cỏ Hồ Gươm, cùng với đôi môi đỏ hình quả tim, dọng cao thanh, của các cô gái Hàng Đào Hàng Bông... đến giờ, mặc ma dịch, mặc mùa hè nóng hôi hổi, vẫn tưởng như có làn gió mát từ đồi sắn chùa Long Giáng, thổi nhè nhẹ qua gáy, vuốt ve dìu dịu, xoa xoa, trên mái tóc bạc bềnh bồng sương khói.

Cali 18-8-2020

Tác giả, hình chụp 1997, sáu mươi năm sau tác phẩm Tiêu Sơn Tráng Sĩ 1937.Chùa trên đồi, hậu cung thờ sư Vạn Hạnh, không xa đồi Lim.