Home

THƯ NGỎ

Chủ Nhật, 30 tháng 8, 2020

Lê Hữu: Hoa daffodils vàng, bán một nửa giá

Hình minh hoạ, ARNO BURGI/DPA/AFP via Getty Images

Vào một buổi sáng đầu tuần, Kim, cô chủ tiệm hoa ở Paramus, New Jersey, nhận được cú điện thoại. 

“Plant and Flower Exchange phải không?” giọng một phụ nữ. “Tiệm cô có daffodils màu vàng chứ?”

“Vâng có thưa chị. Mời chị ghé lại tiệm.”

“Cám ơn, lát nữa tôi gặp cô nhé.”

Khoảng hơn một tiếng sau, một phụ nữ da màu mặc bộ áo blouse trắng của bệnh viện đẩy cửa bước vào, bước đến nơi trưng bày hoa daffodils. Cô chọn vài bó, mang đến quầy tính tiền.

“Hoa này tươi đấy,” cô ngắm nghía những bông hoa vàng rực. 

“Hoa mới cắt đấy chị, giữ được tươi lâu đến cả tuần.” Kim nói trong lúc gói giấy màu cho từng bó hoa.

“Tốt lắm. Tôi lấy thêm bó nữa.”

Kim đọc thấy tên “Teresa” và tên bệnh viện trên tấm thẻ nơi ngực áo khách. 

“Chị làm việc ở Hackensack University Medical Center? Em cũng có vài khách quen ở đấy.”

“Vậy sao? Tôi cũng sẽ là khách quen của cô.”

Ít hôm sau, Teresa trở lại lấy thêm ít bó hoa, vẫn là daffodils. Thường thì cô gọi phone trước để biết chắc tiệm vẫn còn hoa này và không mất thì giờ chờ đợi.

Tôn Nữ Thu Nga: Vu Lan

Rằm tháng Bảy hoặc ngày mười lăm tháng Tám dương lịch, tương tự như người Hoa và Việt, người Nhật Bản hành lễ Ubon hay Obon, còn gọi là Bon hoặc Urabon. Trong dịp lễ này họ còn cử hành thêm lễ Toro Nagashi tức là lễ thả đèn trên sông để cầu nguyện cho kẻ quá cố.

Nguồn gốc của lễ Ubon hoặc Vu Lan phát xuất từ Phật Giáo Trung Hoa, truyền qua Nhật Bản từ đầu triều đại Meiji. Tôn giáo Á Đông, tin tưởng rằng linh hồn của tổ tiên và người quá cố trở về nhà trong ngày hội Vu Lan. Thức ăn, hoa quả, nhang đèn được bày biện trước bàn thờ, danh từ Nhật Bản là Butsudan, để cầu nguyện cho sự an lạc thiên thu. Đèn giấy treo trước nhà hướng dẫn linh hồn về đoàn tụ. Trong khu vực Hiroshima, đèn màu thắp lên cạnh các nấm mộ lâu năm, đèn trắng dùng cho những người mới qua đời trong vòng một năm.


Ubon là một trong hai dịp lễ quan trọng trong năm đối với người Nhật. Hầu hết các cơ quan hành chánh và cơ sở thương mại đóng cửa nghỉ phép vào ngày mười ba đến mười lăm tháng tám. Nhiều người đi làm xa được chủ cho về thăm gia đình để cùng nhau trẩy hội Vu Lan.

Trong những ngày đầu, ngoài việc đi thăm mộ và cúng giỗ, người Nhật Bản còn có tục lệ nhảy múa gọi là Bon Odori để chào đón linh hồn tổ tiên. Nhiều nơi, vào ngày cuối của tuần lễ Ubon, vào mỗi hoàng hôn dân chúng thả đèn xuống sông hoặc biển, họ tin rằng linh hồn thân nhân sẽ đi theo ánh đèn về miền cực lạc.

Nguyễn Văn Tuấn: Đọc sách "Mặt trận ở Sài Gòn" của Ngô Thế Vinh

Mặt trận ở Sài Gòn là một tuyển tập 12 truyện ngắn của Nhà văn Ngô Thế Vinh viết về kí ức thời chiến tranh vào thập niên 1970s, chủ yếu ở vùng núi rừng Tây Nguyên. Tuy có nhiều chứng nhân trong cuộc chiến, nhưng tác giả là một chứng nhân hiếm hoi ghi lại một giai đoạn chiến sự khốc liệt qua các câu chuyện được hư cấu hoá. Điểm đặc biệt của tập truyện ngắn này là có phiên bản tiếng Anh do một học giả ẩn danh dịch, có lẽ muốn chuyển tải đến độc giả nước ngoài về cái nhìn và suy tư của người lính phía VNCH.

Hình bìa sách "Mặt trận ở Sài Gòn"
(có thể đặt mua qua amazon.com)

Tập truyện ngắn được sáng tác từ những năm chiến tranh trong thập niên 1960s và 1970s, và thập niên 1990s sau khi tác giả đã định cư ở Mĩ. Có truyện viết từ trước 1975, nhưng sau này ra hải ngoại tác giả viết tiếp. Đó là những câu chuyện về những lần giáp trận với những người anh em bên kia chiến tuyến, những trận mưa bom đạn từ trên không, và những cái chết không toàn thân của biết bao người lính của cả hai bên chiến tuyến. Đó là những câu chuyện về những người lính khi ra trận thì gan dạ, can trường, xem cái chết nhẹ tựa lông hồng, nhưng sâu thẳm trong nội tâm thì đầy trăn trở về thời cuộc và giàu nhân văn tính. Ngay cả trong bộ đồ rằn ri xem ra dữ dằn, nhưng qua hành vi và cách nói thì họ chỉ là những thư sinh nho nhã, đôn hậu. Hay như người y tá trưởng được lưu dung sau 1975 trong Tổng Y Viện Cộng Hoà vẫn cần mẫn chăm sóc cho những người lính bên kia chiến tuyến để rồi cũng bị sa thải về quê và sống trong nghèo nàn, đau khổ. Trong tác phẩm này, Ngô Thế Vinh viết về những cuộc hành quân trên vùng rừng núi Cao Nguyên, qua Campuchia, về thành phố Sài Gòn. Những nơi họ đã đi qua để lại nhiều kí ức và những suy tư về thời cuộc và quê hương, về thân phận tuổi trẻ và tương lai.

Có những suy tư được bộc lộ rất thật, như trong truyện Mặt trận ở Sài Gòn mà tác giả lấy làm tựa đề quyển sách. Thật ra, truyện này đã được đăng trên tạp chí Trình Bầy số 34 trước 1975, và đã làm tác giả gặp rắc rối với chánh quyền VNCH lúc đó. Trong Mặt trận ở Sài Gòn, tác giả thuật lại một nhóm lính biệt cách từ rừng núi Tây Nguyên về nơi phồn hoa Sài Gòn, như là những kẻ về từ 'cõi chết'. Họ phải đối diện với những phong trào sinh viên biểu tình phản chiến, và bị dằng co một bên là lí tưởng xã hội và một bên là nhiệm vụ bảo vệ sự ổn định của xã hội. Người lính chợt nhận ra rằng họ không chỉ đối diện với cái chết trong rừng sâu núi thẩm, mà còn trực diện với một trận tuyến xã hội với quá nhiều bất công và thối nát. Đó là một "xã hội trên cao, lộng lẫy sáng choang và thản nhiên hạnh phúc" ở những người miệng thì kêu gào chiến tranh nhưng họ lại đứng ngoài cuộc chiến. Vậy thì người lính bảo vệ cái gì đây. Không lẽ bào vệ "cho một con thuyền xã hội xa hoa ngao du trên dòng sông loang máu, nổi trôi đầy những xác chết đồng loại." Chiến trường của người lính bây giờ là ngay tại Sài Gòn này, nhưng họ là những chiến binh

Đàm Trung Pháp (giới thiệu và dịch thuật): Sáu bài thơ tình chọn lọc của Pablo Neruda

 Nhà thơ kiêm nhà ngoại giao nước Chile PABLONERUDA(1904-1973) đoạt giải Nobel văn chương năm 1971. Có thể nói Neruda là nhà thơ Nam Mỹ được thế giới biết đến nhiều nhất, với thi tập đầu tay của ông viết năm 20 tuổi tựa đề Hai mươi bài thơ tình và một bài ca tuyệt vọng (Veinte poemas de amor y una canción desesperada) đã bán được trên một triệu cuốn và đã được dịch sang hơn 20 ngôn ngữ từ đó đến nay.

Tốt nghiệp văn chương Pháp tại Universidad de Chile,Neruda đã lẫy lừng danh tiếng thế giới sau khi xuất bản thi tập đầu đời nêu trên, dựa vào một mối tình tan vỡ đắng cay. Hoạn lộ củaNeruda bắt đầu khá sớm khi nhà thơđược bổ nhiệm làm lãnh sự Chile tại Miến Điện. Những năm sau đó ông được thuyên chuyển đến các nhiệm sở ngoại giao tại các quốc gia khác ở Á Châu và Âu Châu và tiếp tục viết cho các chuyên san văn học cũng như báo chí. Neruda gia nhập chính trường, đắc cử vào thượng viện, gia nhập đảng cộng sản, từng bị lưu vong, rồi chán ngán chủ thuyết cộng sản sau khi được biết những tội ác tầy trời xảy ra dưới triều đại Stalin. 


Mặc dù đã thành công lớn trong lãnh vực ngoại giao và chính trị,làm thơ vẫn là mối đam mê lớn nhất của Neruda. Thi tập Cơ ngơi trên trái đất (Residencia en la tierra) gồm các bài thơ viết từ 1933 đến 1947 nói lên sự suy thoái xã hội cùng sự cô lập cá nhân. Thi tập đồ sộ Bài ca tổng quát (Canto general) gồm 340 bài thơ xuất bản năm 1950 là một thiên anh hùng ca đề cao Mỹ Châu La Tinh. Những năm sau cùng cuộc đời, danh vọng Neruda lại càng lên cao — ông đoạt giải Nobel văn chương năm 1971,khi đang làm đại sứ Chile tại Paris từ năm 1970 đến năm 1972. 

Thứ Bảy, 29 tháng 8, 2020

Trần Mộng Tú: Bài thơ trên mộ của Hemingway  

Hầu như người Mỹ nào ít nhất cũng một lần nghe hay nói đến tên ông, Ernest Hemingway, nhà văn người Mỹ nổi tiếng đoạt giải Nobel văn chương năm 1954. Là một người thành công trên sự nghiệp nhưng đời sống cá nhân không lấy gì làm vui: bốn lần lập gia đình, ba lần ly hôn. Ông sinh trưởng trong một gia đình mang bệnh trầm cảm di truyền và còn mang luôn truyền thống “tự tử.” Cha, hai người chị, cháu nội của ông và bản thân ông, đều chết bằng cách tự giết mình. Ernest Hemingway, trong những năm cuối của đời mình, với sự suy sụp cả thể xác lẫn tinh thần: bị phỏng nặng trong hai tai nạn xe cộ, bị bệnh gan, bệnh tim, bệnh phổi và nghiện rượu, bệnh trầm cảm (depression), ông tự tử bằng cách bắn vào miệng, ba tuần lễ trước sinh nhật thứ sáu mươi hai của mình.  

 Ông bắt đầu sự nghiệp viết báo từ năm 17 tuổi. Thời  Đệ Nhất Thế Chiến, ông ở trong quân đội, là tài xế xe cứu thương ở mặt trận Ý. Khi về lại Mỹ ông làm việc cho báo Canadian American. Khi phong trào Greek Revolution xẩy ra, ông được gửi lại sang Âu Châu để làm phóng sự. Ông dùng những kinh nghiệm quân đội làm nền tảng cho những tác phẩm của mình. Ở tuổi 25 ông đã nổi tiếng với The Sun Also Rises (1926). Sau đó, những tác phẩm xuất sắc lần lượt ra đời như: A Farewell to Arms (1929), For Whom The Bell Tolls (1940)… Tác phẩm đặc sắc nhất là truyện vừa: The Old Man and the Sea, viết năm 1952, năm sau đoạt giải Pulitzer. Hemingway đoạt giải Nobel Văn Chương, 1954.  

 

Những bài phóng sự, truyện dài, truyện ngắn, nổi tiếng của người đàn ông tài hoa này, nếu đem cộng lại có cả hàng ngàn, ngàn trang giấy. Chắc chắn, ông yêu các tác phẩm của mình, những nhân vật trong truyện, những đối thoại chuyên chở tư tưởng của mình. Cá, …..Ta sẽ đương đầu với mi cho đến chết.” *, ngư ông nói với cá như vậy sau bao nhiêu tiếng vật lộn với cá hay tác giả nói với chính cuộc sống mình?  Những nhân vật tiểu thuyết của ông đều mang chính ông trong đó. Nhân vật Frederic Henry trong A Farewell to Arms, cũng là một trung uý lái xe Ambulance như ông từng đảm nhiệm trong quân đội. Federic đã yêu, đã chiến đấu như chính ông đã yêu, đã chiến đấu. Nơi chiến trường không có Thượng Đế kiểm soát con người, không công lý, không đạo lý, cứ chém, giết, thế thôi.  


Trong For Whom the Bell Tolls, nhân vật Robert Jordan đi đặt chất nổ đánh sập cầu, loay hoay mãi với ý định có nên tự tử không nếu bị bắt, cũng dựa trên kinh nghiệm của Ernest Hemingway khi ông ở trong quân đội. Hai mươi năm sau ông áp dụng cho chính mình: tự tử.  

 

Đông Hương: Họa Sĩ Nửa Mùa

Hình minh hoạ, FreePik

Bài thơ vẽ nửa mặt trời
nửa hoàng hôn tím chơi vơi bạt ngàn
buồn buồn mấy ngón lang thang
trên khung giá vẽ, phân vân đi_về

*

Ngạo cười, cây cọ u mê
dọc_ngang, phải_trái, vụng về từ, ngôn
loay hoay trên phím linh hồn
chân thơ không vững, chênh vênh ý lời

*

Bài thơ từ chức, rời tay
tôi hoang mang nghĩ, từ nay vẽ gì
bốn mùa... hay gió vân di
sắc âm, cảm xúc, hay di chúc tình

*

Vô tư, mà lại thành hình
trên khung giá hẹp, cái nhìn rất thơ
trong tôi, dưng chợt vu vơ
mình thành họa sĩ... nửa mùa... không hay.

đông hương

Nguyễn Công Khanh: Hai Người Bạn - Một Thời Trung Học

Hà Dương Dực – Nguyễn Ngọc Giao

Hà Dương Dực (1936 – 2020)
Đọc bài anh Nguyễn Ngọc Giao viết về Hà Dương Dực trên báo Diễn Đàn online bên Pháp,mà anh là chủ biên. Hai người này tôi đều có dịp học chung trong thời trung học mấy năm. Chúng tôi bây giờ cũng đã ngoài 80 cả rồi.

Kể lại chuyện xưa, tôi xin dùng văn chương học trò. Tôi học cùng lớp với Giao ba năm tại trường Chu Văn An ở Hà nội, từ Đệ Thất đến Đệ Ngũ B3, từ 1951 đến 1954 khi đất nước chia đôi. 

Nhớ lại ngày trước, tôi hồi cư trở lại Hà Nội muộn, mất bốn năm theo cha tôi ở vùng Kháng Chiến. Lúc đó tôi làm liên lạc viên cho cơ quan Kinh Tế Tài Chánh Liên Khu 3, vì an ninh phải di chuyển khắp mấy tỉnh trong vùng trung du. Mẹ tôi về Hà Nội trước và cho người ra đón tôi về thành. Năm sau mới đón được bố tôi trở về. Mười lăm tuổi, tôi chưa có bằng Tiểu Học, nên học ngày học đêm, đỗ xong được Tiểu Học lại thi được vào Đệ Thất trường Chu Văn An và được cấp học bổng vì gia cảnh. Quá may mắn.

Tôi hơn tuổi, lại cao hơn nhiều bạn nên những năm đó tôi đều phải ngồi ở bàn cuối. Tôi còn nhớ một số bạn, nhưng nhớ nhất là tên mấy người bạn trong nhóm làm bích báo của lớp: Nguyễn Cự, Nguyễn Thượng Hiệp, Ngô Quang Vỹ, Nguyễn Ngọc Giao và tôi. Cự ở lại Hà Nội. Hiệp cũng là một trong những người bạn thân của tôi suốt đời như Dực. Năm cuối ở Hà Nội tôi với Hiệp thường lang thang đạp xe cả ngày trên các khu phố; tối đến tôi hay đến ngủ tại nhà Hiệp, một ngôi nhà cổ bên bờ hồ Trúc Bạch. Hiệp đã mất tại California nhiều năm qua và trong những ngày cuối, tôi từ Seattle đã đến thăm Hiệp trong viện dưỡng lão. 

Tôi nhớ có lần Hiệp nói với tôi, khi Hiệp theo phái đoàn VNCH sang hiệp thương tại Paris năm 72, có đến tìm gặp Giao, khi đó Giao đã ngả nặng theo phía Cộng từ lâu.

Trần Doãn Nho: khoảng trống bâng khuâng

Nghe cô bạn báo tin là đã tìm được việc làm, Doãn rời Cali nắng ấm, dẫn theo đứa con gái đang còn học cấp ba, qua vùng New England giá lạnh. Thấy chỉ hai mẹ con dắt díu nhau, cô bạn sửng sốt:

- Thế anh Hùng đâu?

Doãn cười buồn:

- Tụi tui bỏ nhau rồi.

- Trời ơi là trời! Sao mà đến nông nổi này, Doãn? Ngoại tình? Gây gỗ nhau hàng ngày? Tiền bạc không rõ ràng, sòng phẳng? Hay mẹ chồng khó tính? 

Doãn xua tay:

- Tui có cái may là không dính g ìđến mấy chuyện đó. Nhưng vô phước lại dính đến một cái khác, còn tệ hơn. Nhưng chuyện dài lắm, phải có thì giờ mới kể hết được. 

- Lạ chưa!

- Ừ, thì lạ. Tóm tắt là như thế này: Hùng ghen.

- Tưởng gì. Có ghen mới có yêu, có yêu mới có ghen. Vợ chồng ai mà không có lúc ghen tuông này nọ. Tụi tui cũng vậy thôi, đâu có khác gì bà.

- Ghen tuông vớ vẩn thì nói làm gì. Hùng mắc bệnh ghen. Cái gì ông ấy cũng ghen, kỳ quặc hết chỗ nói. Trang điểm ngó cho được mắt đi làm, cũng thắc mắc: để cho mấy thằng đàn ông trong hãng ngắm phải không? Mua cái áo đẹp cũng hỏi: có chồng hai con thì cần gì phải mặc áo đẹp. Xin về Việt Nam thăm nhà, thì đay đi nghiến lại, nói là về để thăm thằng bồ cũ. Thế thì còn được đi, ghen kiểu này mới chết. Ông anh họ tui từ tiểu bang khác tới chơi, ông ấy đi làm về thấy hai anh em tui đang ngồi nói chuyện, chẳng nói chẳng rằng, tới tát ngay mặt ông

Thứ Sáu, 28 tháng 8, 2020

Colum Lynch: Sức mạnh mềm của Trung Quốc (Lê Lam dịch)

Nguyên văn: Colum Lynch, China’s Soft-Power Grab, Foreign Policy, August 14, 2020

Lời người dịch: Có lẽ nhiều người lấy làm ngạc nhiên với việc ngày 24/8 vừa qua đại diện của Trung Quốc đã được bầu làm thẩm phán Tòa án quốc tế về Luật Biển (ITLOS) nhiệm kỳ 2020-2029, bất chấp việc bồi đắp đảo nhân tạo và nhiều hành động “bắt nạt” trên Biển Đông gần đây của họ, cũng như việc Mỹ đã kêu gọi các nước không bầu cho Trung Quốc vào vị trí này. Tuy nhiên, với các nhà nghiên cứu và những người quan tâm đến chính trường quốc tế, điều đó không mấy bất ngờ, như bài viết dưới đây cho thấy.
Trung Quốc đã tăng cường đàn áp báo chí và các lực lượng ủng hộ dân chủ khác ở Hồng Kông, mang đến cho thế giới hình ảnh về một Trung Quốc như một siêu cường ức hiếp và bắt nạt. Nhưng tại trụ sở Liên Hợp quốc, Trung Quốc vẫn được xem như một quốc gia kiểu mẫu.

Bắc Kinh đang đầu tư hàng chục triệu USD cho các sứ mệnh gìn giữ hòa bình và hòa giải quốc tế, tăng cường hỗ trợ ngoại giao cho các sáng kiến phát triển bền vững và y tế toàn cầu, đồng thời kêu gọi công dân Trung Quốc theo đuổi sự nghiệp phục vụ tại Liên Hợp Quốc và các tổ chức quốc tế khác. Trái ngược với Hoa Kỳ, quốc gia nợ Liên Hợp Quốc hơn 1 tỷ USD tiền phí chưa thanh toán, Trung Quốc thanh toán các hóa đơn đúng hạn và đầy đủ. Với việc chính quyền Trump đang đẩy nhanh việc rút lui khỏi Liên Hợp Quốc và các tổ chức đa phương khác, chính phủ Trung Quốc đang chơi xấu.

Đại dịch đã đem đến cho Trung Quốc cơ hội hiếm có để thể hiện những lợi thế được cho là của chế độ độc tài vào thời điểm mà Hoa Kỳ - quốc gia dân chủ hàng đầu thế giới đang lúng túng và Tổng thống Donald Trump đang rút lui khỏi trật tự quốc tế mà Hoa Kỳ xây dựng để quản lý thế giới. Nhưng một số người tin rằng Trung Quốc đã phung phí một cơ hội lịch sử để thúc đẩy sự lãnh đạo toàn cầu qua một phản ứng bí mật và manh động ban đầu đối với loại virus có nguồn gốc từ thành phố Vũ Hán của họ, và bằng cách sử dụng đại dịch như một cơ hội để thắt chặt việc kìm kẹp Hồng Kông, gây căng thẳng ở Biển Đông và Đài Loan, và đụng độ với lực lượng Ấn Độ ở biên giới của hai bên.

Elizabeth Economy, một chuyên gia về Trung Quốc tại Ủy ban Quan hệ Đối ngoại, cho biết: “Bắc Kinh đang bị tấn công trên chính trường toàn cầu, và Liên Hợp Quốc cung cấp một nơi trú ẩn an toàn. Từ Tân Cương đến Hồng Kông cho đến Huawei, ý kiến trong các nền kinh tế tiên tiến đã chống lại Trung Quốc."

RFA: Luật sư với phiên xử vụ Đồng Tâm dự kiến vào ngày 7 tháng 9!

Sáng sớm ngày 9/1/2020, chính quyền Hà Nội đã huy động cảnh sát cơ động có trang bị vũ khí đến thôn Hoành, xã Đồng Tâm, trấn áp, bắt giữ một số người dân bị cơ quan chức năng cho là chống đối.

Thẩm phán Trương Việt Toàn tại Tòa án Nhân dân Hà Nội vào ngày 24/8 đã gửi giấy báo tới các luật sư bào chữa, cho biết sẽ mở phiên tòa xét xử sơ thẩm 29 bị cáo trong vụ Đồng Tâm và lực lượng công an vào ngày 7/9 tới đây. Phiên tòa dự kiến diễn ra trong 10 ngày.

Xác nhận thông tin vừa nêu vào tối 27/8, ba luật sư bào chữa cho những người dân Đồng Tâm là Luật sư Nguyễn Khả Thành ở Phú Yên, Luật sư Ngô Anh Tuấn ở Hà Nội và Luật sư Đặng Đình Mạnh tại Sài Gòn cho biết đã được thông báo hôm 26/8 về ngày diễn ra phiên tòa.

Luật sư Nguyễn Khả Thành cho hay:

“Hôm qua Tòa án Nhân dân Hà Nội có gọi cho tôi rồi sáng nay có nhận.”

Cuộc tấn công hôm 9/1 diễn ra khi vụ việc tranh chấp đất đai tại Đồng Tâm vẫn chưa ngã ngũ. Phía Công an cho rằng Cụ Lê Đình Kình là chủ mưu chống đối việc xây dựng tại đất quốc phòng Sân bay Miếu Môn. Do đó lực lượng chức năng được huy động đến để tiêu diệt các phần tử bị cho là ‘phản động’.

Còn người dân trong cuộc thì nói họ có đầy đủ giấy tờ chứng minh 59 héc ta đất Đồng Sênh là đất nông nghiệp. Họ mong được cơ quan chức năng đối thoại giải quyết thấu tình, đạt lý trong vụ tranh chấp đất đai này.

Trong cuộc tấn công với hơn 3.000 quân từ lực lượng chức năng, cụ Lê Đình Kình, người được xem là thủ lĩnh tinh thần của người dân trong việc giữ đất đã bị bắn chết, 3 chiến sĩ công an thiệt mạng, 29 người dân đang bị bắt giam, bị khởi tố và chờ ngày bị đưa ra tòa xét xử. Trong đó bao gồm 25 bị can bị truy tố về tội giết người theo Điều 123 Bộ luật Hình sự năm 2015 và 4 người bị truy tố về tội chống người thi hành công vụ theo Điều 330 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Nguyễn Ngọc Chu: Có bao nhiêu ông Phạm Phú Quốc?

1. Không lâu sau khi nhận chức (tháng 12/1997), cố TBT Lê khả Phiêu đã có được danh sách của hơn bốn mươi lãnh đạo cao cấp Việt Nam gửi tiền ở ngân hàng nước ngoài. Đây là những lá bài quan trọng của ông Lê Khả Phiêu trong ván bài nhân sự và chống tham nhũng. Nhưng thực tế đã không theo ý muốn của ông Phiêu. Chẳng những không công khai được danh sách để chống tham nhũng, mà còn dẫn đến mâu thuẫn phe nhóm, làm cho ông Lê Khả Phiêu phải rời chức TBT vào tháng 4/2001, nhường chỗ cho ông Nông Đức Mạnh.

Như vậy, Bộ Chính Trị và Ban chấp hành Trung ương ĐCS Việt Nam, ít nhất là từ thời cố TBT Lê Khả Phiêu đến giờ, đều biết một thực tế - là lãnh đạo cao cấp Việt Nam gửi tiền ở nước ngoài. Tiền ấy ở đâu ra? Tại sao phải che giấu ở nước ngoài? Tại sao lại là đảng viên giữ chức vụ cao cấp?

Tại sao cố TBT Lê Khả Phiêu lại bất lực trước làn sóng tham nhũng ở hàng ngũ cán bộ cấp cao?

Đến bây giờ thì quốc nạn tham nhũng ở tầng lớp cán bộ trung cao cấp “đếm không xuể” với phạm vi nhiều lần lớn hơn. Minh chứng cho điều này là các vụ kỷ luật cả gần 100 cán bộ cấp cao trong thời gian vừa qua, trong đó có cả hàng chục tướng lĩnh công an và quân đội.

2. Nhưng sự tha hoá của nhiều cán bộ cao cấp không chỉ là gửi tiền ở nước ngoài. Sự tha hoá đạt đến mức tội phạm, và cả ở mức tội phản bội, khi các tham quan phải trốn chạy khỏi Tổ quốc bằng con đường tìm kiếm hộ chiếu nước ngoài.

Phải phân biệt những người muốn có cuộc sống tốt hơn ở nước ngoài với những kẻ cướp đoạt tiền bạc của nhân dân để trốn chạy ra nước ngoài. Ở đây muốn lưu ý đến 4 nhóm người Việt tìm kiếm cuộc sống ở nước ngoài qua con đường sở hữu hộ chiếu nước ngoài trong 30 năm gần đây.

Thứ Năm, 27 tháng 8, 2020

Ngô Nhân Dụng: Covid 19 khiến lợi tức chênh lệch nhiều hơn trong tương lai

Một nhà kho thực phẩm ở vùng Boston cần khử trùng toàn diện, để ngăn ngừa Coronavirus. Công việc cần nhiều người, làm việc nhiều giờ trong một phòng kín không gió. Họ sẽ phải đứng cách xa nhau và đeo mạng che miệng, chính họ phải tự phòng để không bị để thuốc sát trùng vào trong cơ thể. Tìm đâu cho đủ số người làm việc khử trùng này, trong lúc các cơ quan y tế yêu cầu dân không ra khỏi nhà và bớt di chuyển?

Đại học MIT (Massachusetts Institute of Technology) đã có giải pháp. Phòng Thí Nghiệm Tin học và Trí khôn Nhân tạo (Computer Science and Artificial Intelligence Lab) của MIT đã cung cấp một đội quân “máy tự động” (robots) làm tất cả công việc tẩy uế trong nhà kho này. Mọi người đều thỏa mãn.

Nhưng có lại người lo xa: Sau khi bệnh dịch Covid 19 qua khỏi thì đám robots vẫn còn đó. Có cần thuê công nhân đi tẩy trùng các nhà kho, chợ búa, trường học, bệnh viện,… nữa không? Đạo quân robot sẽ còn làm được nhiều việc khác, thay thế sức người.

Hai giáo sư MIT, David Autor và Elisabeth Reynolds, đã suy nghĩ về hậu quả của Covid 19 và đưa ra kết luận khá bi quan: Sau cơn bệnh dịch, này khoảng chênh lệch giàu nghèo ở Mỹ sẽ mở rộng hơn; vì nhiều người thuộc giới lao động lãnh lương thấp nhất sẽ không còn việc làm nữa!

Đây là chuyện bình thường, vẫn diễn ra mỗi khi có máy móc làm việc thay con người. Những đầu máy xe lửa đầu tiên đã làm cho bao nhiêu mã phu điều khiển xe ngựa mất việc làm! Nhưng xe lửa cuối cùng đã thắng, vì năng suất cao hơn và chi phí thấp hơn. Phong trào tự động hóa (Automation), dùng máy móc làm thay con người, là bước tiến tự nhiên. Tự động hóa sẽ tăng năng suất và giảm phí tổn mạnh hơn nữa. Nhờ thế, lợi tức các xí nghiệp gia tăng trong mấy chục năm qua; nhưng kết quả không được san sẻ đồng đều.

Từ năm 1973 đến 2016, năng suất chung của nền kinh tế Mỹ tăng 75%; nhưng lợi tức bình quân của dân lao động chỉ tăng 50%. Nghĩa là khi năng suất được cải thiện thì cổ phần các công ty lên giá, lợi tức của giới đầu tư tăng vọt. Còn phần lợi lộc chia cho giới lao động không lên; lương bổng những công nhân lãnh thấp nhất còn thật sự giảm xuống so với giá sinh hoạt.

Mạc Văn Trang: Đừng lập lờ đánh lận con đen!

Có anh bạn bảo: Mấy nước Bắc Âu là mô hình XHCN đúng nghĩa Marxist, nên xin đăng lại bài này để trao đổi.

Tạp chí Lý luận Chính trị, 25 Tháng 3 năm 2019, có bài “Mô hình chủ nghĩa xã hội dân chủ ở Bắc Âu hiện nay và những gợi mở, tham chiếu cho Việt Nam”.

Tiêu đề bài báo trên “đánh lận con đen” giữa “Việt Nam Xã hội Chủ nghĩa” và “Xã hội dân chủ Bắc Âu”. Sự lập lờ đó có thể khiến nhiều người hiểu lầm, Việt Nam đang đi theo mô hình Bắc Âu?

Sự thật là Việt Nam chả có gì giống mấy nước Bắc Âu cả! Xin nói rõ mấy điều cụ thể:

1. Việt Nam là nước XHCN, do độc đảng cộng sản toàn trị, độc quyền lãnh đạo, lấy chủ nghĩa Marx – Lenin, tư tưởng HCM làm nền tảng tư tưởng, áp đặt ý thức hệ cho toàn xã hội…

Trong khi đó các nước Bắc Âu (Thụy Điển, Đan Mach, Na Uy, Phần Lan, Iceland) đều là những nước đa nguyên chính trị, đa đảng cạnh tranh nhau để dân tự do bầu cử, được thắng cử đa số thì cầm quyền (mỗi nước đều có 9 – 10 đảng chính trị và thường không có đảng nào chiếm quá bán số ghế trong quốc hội);

2. Không có nước Bắc Âu nào xưng danh là “Cộng hòa xã hội chủ nghĩa” như Việt Nam, không lật đổ và phủ định sạch trơn truyền thống của các thể chế cũ như Việt Nam.

Mark Esper – Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ: Lầu Năm Góc đã sẵn sàng đối phó với Trung Quốc (Phan Nguyên dịch)

Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) đã kỷ niệm 93 năm ngày thành lập vào ngày 1 tháng 8 với một bài phát biểu của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc Tập Cận Bình. Một lần nữa, ông Tập kêu gọi biến PLA thành một quân đội đẳng cấp thế giới, một quân đội có thể đưa tham vọng của đảng vượt ra xa ngoài biên giới Trung Quốc. Phát biểu của ông Tập là một lời nhắc nhở rõ ràng rằng chúng ta đã bước vào một kỷ nguyên mới của cạnh tranh toàn cầu giữa một trật tự quốc tế mở và tự do và một hệ thống chuyên chế do Bắc Kinh cổ vũ.

PLA không phải là một quân đội phục vụ quốc gia, chưa nói đến Hiến pháp, như các lực lượng vũ trang Hoa Kỳ vẫn làm. PLA thuộc về — và phục vụ — một thực thể chính trị, đó là Đảng Cộng sản Trung Quốc. Một PLA có năng lực hơn là một quân đội có khả năng cao hơn trong việc thúc đẩy tầm nhìn trong nước của đảng, hệ thống quốc tế một chiều mà Bắc Kinh mong muốn, cũng như một chương trình nghị sự về kinh tế và chính sách đối ngoại vốn thường đối nghịch với lợi ích của Hoa Kỳ và các đồng minh. Do đó, tất cả các quốc gia tìm kiếm thịnh vượng và an ninh trong một trật tự mở và tự do phải xem xét cẩn thận các tác động từ các yêu cầu, quyền tiếp cận, đào tạo và công nghệ của PLA.

Hiện đại hóa PLA là một xu hướng mà thế giới phải nghiên cứu và chuẩn bị đối phó – giống như Mỹ và phương Tây đã nghiên cứu và ứng phó với các lực lượng vũ trang của Liên Xô trong thế kỷ 20. PLA công khai ý định hoàn thành hiện đại hóa quân đội vào năm 2035 và trở thành một lực lượng đẳng cấp thế giới vào năm 2049. Kế hoạch hiện đại hóa toàn diện của họ bao gồm một kho vũ khí tên lửa thông thường mạnh mẽ cùng một loạt các khả năng tác chiến điện tử, không gian và mạng tiên tiến. Nó cũng bao gồm việc triển khai trí tuệ nhân tạo để củng cố sự kìm kẹp chuyên chế và tiếp tục đàn áp có hệ thống đối với người dân Trung Quốc, đặc biệt là người Duy Ngô Nhĩ.

Thụy My (Mục Điểm Báo của RFI): Belarus - Giấc mộng cha truyền con nối của Loukachenko tan vỡ

Ngay từ khi lên nắm quyền, Loukachenko tổ chức lại cơ quan an ninh, vẫn giữ tên cũ là KGB. Nhiều nhà đối lập bị bắt cóc, ám sát hoặc mất tích. Đối mặt với những cuộc biểu tình rầm rộ hiện nay, mưu toan cho con trai cưng Nikolai một ngày nào đó lên nối ngôi đang dần tan thành mây khói.

Kinh tế Pháp trước dịch bệnh là chủ đề chiếm trang nhất của nhiều tờ báo Paris hôm nay, 26/08/2020. La Croix nói về trợ giúp của chính phủ Pháp cho các doanh nghiệp trong mùa dịch, Le Figaro nhấn mạnh "Trước Covid, các công ty được kêu gọi hãy lạc quan”. Libération chạy tựa ”Những gì người dân Pháp chờ đợi” ở tổng thống Macron, Le Monde cho biết ”Covid-19 : Lo ngại lại tăng lên tại các viện dưỡng lão”. Riêng nhật báo kinh tế Les Echos đề cập đến ”Một tập đoàn Trung Quốc làm rung chuyển tài chính thế giới”.

“Hoàng tử bé” Nikolai có mặt bên tổng thống “trên từng cây số”


Về tình hình Belarus, theo Le Figaro, “Giấc mộng cha truyền con nối của Loukachenko tan vỡ”. Đối mặt với những cuộc biểu tình rầm rộ, mưu toan cho con trai cưng Nikolai một ngày nào đó lên nối ngôi của ông Loukachenko đang dần trở thành bất khả thi.

Tờ báo mở đầu bài viết là hình ảnh đầy ấn tượng tối Chủ Nhật tuần trước, sau cuộc biểu tỉnh 100.000 người ở thủ đô Minsk. Tổng thống Alexandre Loukachenko bước xuống từ trực thăng, mặc áo giáp, mang súng AK. Nhìn quảng trường Độc Lập, nơi xuất phát cuộc biểu tình nay đã vắng lặng, ông phán : ”Chúng nó đã lủi như chuột !”. Người ta chú ý đến sự hiện diện của con trai ông là Nikolai, 15 tuổi bên cạnh, cũng đeo một khẩu Kalachnikov.

Nikolai hay còn gọi là “Kolia”, “Hoàng tử bé”, luôn có mặt bên cạnh cha từ năm lên ba, xuất hiện bên cạnh Obama, đức giáo hoàng... Cậu bé tóc vàng này thường được so sánh với hoàng tử William nước Anh. Cùng với video trên đây, Phủ tổng thống còn phổ biến một tấm ảnh khác : Loukachenko ngồi tại một chiếc bàn hội nghị lớn, thành viên tham dự cuộc họp chỉ có tùy viên báo chí của ông và… con trai cưng Kolia.

Thứ Tư, 26 tháng 8, 2020

Nhã Duy: Mọi hình tướng, mọi tâm tưởng

Lần đầu qua Tokyo, đi bộ dọc theo vài con đường, tôi có thấy những gờ cao nằm giữa lề đường dành cho người đi bộ nhưng không chú tâm lắm. Rồi đến ngã tư, nghe tiếng "chíp-chíp" như chim kêu khi đèn tín hiệu đi bộ chuyển xanh, cũng ngỡ để báo hiệu khách bộ hành đang đợi băng ngang đường. 

Về sau có dịp trò chuyện với một người sống tại Nhật, câu chuyện đưa đẩy thế nào mà tôi nhắc lại điều này và mới học được rằng, chúng được thiết kế dành cho người mù. Ông cũng nói thêm rằng, không phải nước Nhật có quá nhiều người mù mà chính phủ làm vậy, chỉ là vấn đề nhân đạo, quan tâm đến người tàn tật. Ra vậy, có vô số điều đôi khi chúng ta nhìn mà không "thấy". Và có thấy, đôi khi cũng chưa tường tận. 

Thật ra đây không phải là điều lạ tại Mỹ, tôi chỉ chưa thấy gờ cao hay âm thanh báo hiệu như tại Tokyo mà thôi. Bởi các luật lệ về xây dựng, tiện ích công cộng đều buộc phải có tính năng cho người khuyết tật sử dụng, như bãi đậu xe, lối đi dành riêng cho người tàn tật, hệ thống điện thoại dành cho người điếc, người mù... 

Nước Mỹ vừa kỷ niệm 30 năm Đạo Luật Người Khuyết Tật (Americans with Disability Act), một bộ luật dân sự ngăn cấm việc kỳ thị người khuyết tật, dù tâm thần hay thể lý. Trong việc làm, phương tiện di chuyển, tiện ích công cộng, dịch vụ..., người khuyết tật cũng được hưởng những cơ hội bình đẳng như bất cứ ai. Nếu không bảo một số hãng còn có chính sách ưu tiên cho người khuyết tật.

Mà không riêng Nhật, Mỹ, hầu hết các quốc gia tiến bộ đều có những chính sách, tiện ích dành riêng cho nhóm người này, thể hiện sự tôn trọng, quan tâm, nhân ái với những người thua thiệt, kém may mắn. Điều mà các quốc gia đang phát triển còn ít quan tâm , thậm chí có người còn cười ngạo, coi khinh hay hiếp đáp họ.

Chỉ nhìn việc diễn hài trên sân khấu Việt hiện nay, thỉnh thoảng người xem vẫn bắt gặp những tay hài đem sự bất toàn, tật nguyền của người khác ra chế giễu, để chọc cười. Giả đi cà nhắc, giả nói ngọng, chê mập ốm, xấu đẹp, hay giả gái giả trai... Có điều gì bất nhẫn khi chứng kiến những điều như vậy. 

Quốc Phương (BBC News Tiếng Việt): Chiến tranh Biên giới Trung-Việt - 'Tôi chỉ đi tìm sự thật lịch sử'

Việt Nam và Trung Quốc đang đánh dấu 20 năm ký kết Hiệp ước Phân định Biên giới Đất liền và 10 năm triển khai ba văn kiện pháp lý về biên giới trên đất liền Việt-Trung.

Hôm Chủ Nhật, 23/8/2020, trên địa điểm cầu Bắc Luân II thuộc cặp cửa khẩu quốc tế Móng Cái (Việt Nam) - Đông Hưng (Trung Quốc), Ủy viên Bộ Chính trị, Phó thủ tướng, Ngoại trưởng Việt Nam, ông Phạm Bình Minh và Ủy viên Quốc vụ viện, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã đồng chủ trì một lễ kỷ niệm.

Nhân dịp này, nhà văn, blogger Phạm Viết Đào từ Hà Nội đưa ra một số bình luận nhìn lại quan hệ giữa hai nước, đặc biệt là những thăng trầm qua cuộc chiến Biên giới khởi đầu từ 17/2/1979, mà mới đây đài truyền hình quốc gia của Việt Nam, VTV, đã phản ánh khi công chiếu một phim tài liệu do truyền hình báo Nhân Dân của đảng Cộng sản Việt Nam sản xuất với sự chỉ đạo nội dung của nhiều quan chức cao cấp trong Ban Tuyên giáo và Hội nhà báo của đảng và nhà nước.

‘Tích tụ lâu rồi’


“Việc đề cập tới các cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam của Trung Quốc sau năm 1975, kể từ sau 1990 thì loại thông tin này bị khép lại, xếp vào loại gần như cấm kỵ.

“Tôi thấy đã có cơ quan báo chí bị kỷ luật do vô tình hay cố ý đưa tin dính dáng tới chiến tranh Trung-Việt; có người đã bị bỏ tù, bị đàn áp khi nêu, bày tỏ vấn đề này ra với xã hội, công chúng dưới các hình thức như đăng viết lên mạng xã hội hay tham gia các cuộc biểu tình tự phát phản đối Trung Quốc...

“Mới đây một phim tài liệu vừa được công chiếu tối 11/8/2020 trên Đài truyền hình Việt Nam (VTV1), với tựa đề “Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh – Biên niên sử truyền hình: Năm 1979”.

"Phim do Báo Nhân dân sản xuất, hoàn thành năm 2020, với người đứng đầu Ban chỉ đạo là Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Lê Mạnh Hùng, chỉ đạo nội dung là Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng và ông Chủ tịch Hội nhà báo Việt Nam Thuận Hữu.

“Phim đã đưa hình ảnh ông Đặng Tiểu Bình choán hết cả khung hình ảnh và câu “khẩu dụ”: “Dạy cho Việt Nam một bài học”. Đặng Tiểu Bình đã được nêu đích danh như là tác giả của hành động gây ra nhiều tội ác với Việt Nam…

Trọng Nghĩa (RFI): Mỹ giáng thêm một đòn “chí mạng”, Hoa Vi chới với

Thái độ hoan hỉ của tập đoàn Trung Quốc Hoa Vi khi soán được ngôi vị nhà sản xuất điện thoại thông minh số một thế giới của đối thủ Hàn Quốc Samsung trong quý 2/2020 quả là tồn tại không lâu. Ngày 17/08/2020, chính quyền Mỹ đã loan báo quyết định nhằm làm cạn kiệt nguồn cung cấp bộ phận và linh kiện điện tử mà tập đoàn Trung Quốc rất cần trong sản xuất.

Nhiều nhà phân tích đã lập tức cho rằng quyết định mới nhất này của chính quyền Donald Trump là một đòn chí mạng, một bản án tử hình đối với Hoa Vi.

Một cách chính thức, quyết định của Mỹ vào tuần trước chỉ là mở rộng một danh sách đen của bộ Thương Mại Mỹ, gộp thêm 38 nhà cung cấp có quan hệ với Hoa Vi tại 21 quốc gia, vào một danh sách bao gồm tổng cộng 152 công ty bị cấm mua các bộ phận và linh kiện, đặc biệt là các loại chip điện tử, nếu không được phép của chính quyền Mỹ.

Trong thực tế, theo nhận xét của hãng tin Anh Reuters, quyết định trên đây của Mỹ có tác dụng cấm giới sản xuất trên thế giới bán cho Hoa Vi các loại bộ phận, linh kiện bán dẫn… nếu việc sản xuất các mặt hàng này dùng đến thiết bị hay công nghệ của Mỹ.

Động thái mới này đã lấp đi lỗ hổng của lệnh cấm đã ban hành vào tháng 5 vừa qua mà Hoa Vi được cho là đã biết lợi dụng để tiếp tục hoạt động sản xuất.

Đỉnh điểm của một cuộc chiến 15 năm


Theo nhật báo Anh Financial Times ngày 21/08, đối với Washington, quyết định mới ban hành là đỉnh điểm của một cuộc chiến kéo dài 15 năm chống lại Hoa Vi, bắt đầu khi công ty này cố gắng thâm nhập thị trường Mỹ lần đầu tiên vào đầu những năm 2000.

RFA: Việt Nam làm gì khi Trung Quốc thuê những khu vực trọng yếu?

Ảnh minh họa. Bãi biển Mỹ Khê, Đà Nẵng. Hình chụp ngày 28/7/2020, HOANG KHANH/AFP via Getty Images

Thuê đất trồng rừng hơn một thập niên trước


Báo Thanh Niên Online, hồi tháng 5 năm nay loan báo thông tin liên quan Công ty TNHH MTV InnovGreen, chủ người Trung Quốc, thuê đất trồng rừng nguyên liệu giấy gần khu vực biên giới Việt-Lào, thuộc tỉnh Nghệ An hồi năm 2007.

Tin cho biết Công ty InnovGreen đặt mục tiêu thuê 70 ngàn héc-ta ở 4 huyện, tỉnh Nghệ An để “xây dựng vùng trồng rừng nguyên liệu giấy tập trung có quy mô lớn và kỹ thuật thâm canh tiên tiến, phục vụ chế biến và xuất khẩu”.

Tháng 3/2008, Chính quyền tỉnh Nghệ An đồng ý cho Công ty InnovGreen thuê gần 980 héc-ta đất, với phương thức hỗ trợ cho vay vốn và kỹ thuật để nông dân trồng rừng nguyên liệu phục vụ nhu cầu chế biến xuất khẩu của nhà đầu tư.

Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, Công ty InnovGreen chỉ trồng cây keo trên 1/3 diện tích của khoảng 980 héc-ta đất rừng được thuê và bỏ phế phần đất còn lại. Chính quyền địa phương huyện Quế Phong được nói là đang đề nghị thu hồi.

Thứ Ba, 25 tháng 8, 2020

Nguyễn Quang Dy: Nhìn lại kinh tế ngầm ở Việt Nam

Phần 1: Giải mã hiện tượng kinh tế ngầm


Kinh tế ngầm là một chủ đề khó, không chỉ với những người ngoại đạo mà còn với các chuyên gia kinh tế và quản trị kinh doanh. Trong khi tài liệu tham khảo về kinh tế ngầm còn thiếu, quan niệm về kinh tế ngầm có nhiều bất cập. Điều đó phản ánh bản chất phức tạp và khó nắm bắt của kinh tế ngầm. Gần đây các chuyên gia tuy đề cập nhiều hơn đến quy mô và tầm quan trọng của kinh tế ngầm, nhưng vẫn còn nhiều tranh cãi về động cơ và phương pháp thống kê. Bức tranh về kinh tế ngầm vẫn còn nhiều ẩn số, cần được giải mã để làm rõ hơn. 

Quan niệm về “System D” 


Trong bất kỳ nền kinh tế nước nào cũng có kinh tế ngầm, nhất là tại các nước đang phát triển có một nền kinh tế chuyển đổi, có thể chế lỗi thời và thói quen làm việc “du kích” như Việt Nam. Hiện nay, người ta thường gọi hệ thống kinh tế ngầm là “System D”. Đó là chữ cái của từ tiếng Pháp “debrouille”. Từ này có nghĩa gần giống như “manage” hay “make do” trong tiếng Anh, có nghĩa là có thể xoay sở và tồn tại được, bất chấp mọi khó khăn.

Trước đây, “System D” được biết đến chủ yếu tại các nước nói tiếng Pháp ở Châu Phi và vùng Caribbean. Ngày nay “System D” là thuật ngữ để chỉ năng lực thực dụng biết thích nghi nhanh và biến báo hiệu quả trước mọi tình huống khó khăn để đạt được mục đích. Trong kinh tế học, “System D” thường được hiểu là “kinh tế ngầm” (shadow economy) có đóng góp ngày càng lớn cho kinh tế thế giới. Theo các chuyên gia, GDP của “System D” là $10 trillion. (“The Shadow Superpower”, Robert Neuwirth, Foreign Policy, 28/10/2011).

Robert Neuwirth cho rằng không phải Trung Quốc, mà “System D” mới là siêu cường kinh tế lớn thứ hai thế giới, với GDP khoảng $10 trillion (mười ngàn tỷ USD) trong khi GDP của Mỹ khoảng $14 trillion và GDP của Trung Quốc khoảng $8 trillion (năm 2011). Đến nay chắc bức tranh kinh tế ngầm toàn cầu đã khác trước rất nhiều, vì “System D” có tốc độ phát triển nhanh nhất thế giới, thu hút một nửa tổng số nhân công trên toàn cầu.

Ngô Nhân Dụng: Chúng ta sống với Covid 19 bao lâu nữa?

Trong hai tuần liên tiếp, hai đảng Dân chủ và Cộng Hòa họp đại hội đề cử người làm ứng cử viên tổng thống Mỹ nhiệm kỳ 2021-25. Lần đầu tiên các “đại hội” diễn ra hoàn toàn trên mạng, đó là điều mới lạ, nổi bật năm nay. Ngoài ra, không có gì khiến thiên hạ phải ngạc nhiên, vì ai cũng biết trước các bài diễn văn trong hai đại hội sẽ nói những gì! Cũng vì thế nên tôi đã không theo dõi một đại hội nào cả (một phần còn vì các tiệm ăn, quán nước đều đóng cửa trong mùa Covid mà ở nhà tôi thì không có ti vi).

Dân Mỹ đã biết trước chủ trương của hai đảng khác nhau thế nào rồi, sau khi nghe hai bên tranh cãi suốt mấy năm qua. Cho nên không ai nghĩ những khẩu hiệu “hô lớn” trong các đại hội sẽ thay đổi ý người dân Mỹ trong lựa chọn bỏ phiếu cho ai. “Tiếng nói” lớn nhất, có ảnh hưởng nhất trên lá phiếu cử tri năm nay sẽ là những “con vi khuẩn” nhỏ xíu và hoàn toàn im lặng: Coronavirus! Có thể đoán rằng kết quả cuộc bầu cử năm 2020 này sẽ tùy thuộc thái độcủa cử tri với loài Coronavirus, tên chính thức trên giấy khai sinh là SARS-CoV-2! Nếu mọi người nghĩ rằng Covid 19 là do tai trời ách nước, không cách nào tránh khỏi, thì họ không coi chính phủ đương cầm quyền chịu trách nhiệm. Nếu họ lại nghĩ rằng tất cả cơn bệnh dịch Covid 19 không có thật, chỉ được thổi phồng thôi, thì họ càng không quan tâm. Ngược lại, nếu nghĩ chính quyền đã thất bại không đối phó được bệnh dịch Covid, thì người ta sẽ trừng phạt.

Ông Donald Trump hay ông Joe Biden thắng trong cuộc bỏ phiếu đầu tháng 11 sắp tới, chuyện đó cũng không quan trọng bằng câu hỏi: Chúng ta sẽ phải sống với Coronavirus đến bao giờ? Đó là thắc mắc lớn nhất của mọi người, ở Mỹ cũng như khắp thế giới!

Tuần báo Economist mới tường thuật cuộc phỏng vấn ông Bill Gates hồi đầu tháng Tám. Có một tin đáng mừng: Ông Gates tiên đoán đến cuối năm nay thế giới sẽ qua khỏi cơn bệnh dịch Covid 19! Vì đến cuối năm nay chắc sẽ có thuốc chủng ngừa hữu hiệu và được sản xuất hàng loạt đủ dùng cho loài người. Người ta chích thuốc, sẽ tránh được căn bệnh này. Hiện 150 loại thuốc chủng (vaccine) đang được thí nghiệm, trong đó có sáu loại đang thử lần chót với rất nhiều người tham dự.

Ông Gates chắc biết nhiều hơn chúng ta về chuyện này, vì tổ chức Bill & Melinda Gates Foundation, trong nhiều năm qua, đã chuyên lo việc chủng ngừa cho trẻ em khắp thế giới tránh các bệnh tê liệt (polio) và bệnh sốt rét. Năm 2005 ông Gates đã nói trong chương trình TED một bài cảnh cáo chính quyền các nước phải lo phòng bệnh dịch. Tại sao các nước chi không biết bao nhiều tiền để phòng một cuộc chiến tranh nguyên tử, mà không lo ngăn ngừa một bệnh dịch toàn cầu sắp xẩy ra! Năm nay vợ chồng ông đã tặng $350 triệu đô la để giúp các nước nghèo đối phó với Covid 19.

Tuy lạc quan rằng cuối năm nay Covid 19 sẽ ngưng lại, nhưng ông Gates cũng sợ rằng sẽ có hàng triệu người chết vì Covid 19, phần lớn ở các nước nghèo. Trong đó chỉ 10% chết vì mắc bệnh, còn 90% là do hậu quả gián tiếp. Nhiều người chết do các bệnh như HIV hay bệnh sốt rét, họ không được chủng ngừa hoặc không được chữa trị đúng mức. Bởi vì các bệnh viện chật ních bệnh nhân Covid 19, được ưu tiên chữa trước. Bệnh dịch khiến kinh tế khắp nơi đi xuống, nhiều người có thể chết vì thiếu ăn.

Mỹ không phải một “nước nghèo” cho nên, cho đến khi có thuốc chủng ngừa, nếu ai chết thì phần lớn sẽ vì mắc bệnh. Tuy nhiên, dù có vaccine rồi, không phải ai cũng chịu chích ngừa. Một phần ba dân Mỹ không chấp nhận chích ngừa, bất cứ bệnh gì!

Một lý do khác, là chích ngừa rất tốn kém! Người ta đã phải chi nhiều tỉ mỹ kim để thử nghiệm và sáng chế trước khi sản xuất qui mô lớn. Khi đã có vaccine rồi, dân các nước giầu sẽ được hưởng trước, giản dị, chỉ vì thuốc rất đắt. Nhưng sau khi các công ty chế thuốc thu hồi lại phần lớn vốn bỏ ra, thuốc sẽ rẻ hơn. Ông Gates đề nghị các nước giầu hãy mua thuốc chủng tặng cho các nước nghèo. Đây không phải là một hành động từ thiện, mà còn vì chính mình. Không ai có thể ngủ yên, dù dư tiền nhiều của, nếu Coronavirus vẫn còn xâm lăng nhà hàng xóm, hoặc đang tung hoành ở các xứ nghèo trên thế giới!

Khi có vaccine rồi, có thể kiểm soát được không cho Coronavirus lan tràn, nhưng cũng còn tùy vaccine hiệu nghiệm như thế nào. Nếu người chủng ngừa được miễn nhiễm trong vòng một, hai năm, thì còn lâu mới phải đối phó với một Covid mới. Nếu chỉ trong vòng mấy tháng lại phải chích ngừa lần nữa vì hết miễn nhiễm, thì chúng ta sẽ còn duyên nợ với anh Coronavirus khá lâu, vài năm một cơn bệnh dịch khác lại có thể bùng ra.

Ngày Thứ Năm, 20 tháng Tám, Bác sĩ Robert Redfield, giám đốc CDC, Trung tâm Phòng Bệnh Dịch ở Mỹ, đã nói với Tạp chí JAMA (Journal of the American Medical Association) rằng ông hy vọng số người mới mắc bệnh ở Mỹ sẽ xuống dưới 10,000 mỗi ngày, và số người chết sẽxuống dưới 250; khi mọi người theo đúng các lời hướng dẫn của CDC, như đeo mạng che mũi, cách ly, rửa tay thường xuyên và tránh tụ tập trong nhà, đặc biệt trong quán rượu, là nơi người ta nói nhiều, nói lớn tiếng, dễ dàng phun virus vào mặt nhau!

Ông Redfield giải thích rằng loài virus mới năm nay khác hẳn những anh em họ hàng của nó từng gây bệnh cảm cúm. Người bị cúm thường truyền bệnh cho một, hai người ở gần. Còn anh bạn mới SARS-CoV-2 này thường lan truyền khi đông người tụ tập, nhất là ở trong nhà, không có gió.

Với tính chất đó, việc ngăn ngừa không cho SARS-CoV-2 lan tràn tương đối dễ, nếu mọi người làm đúng những điều CDC khuyên bảo. Nhưng điều này cũng gây ra một mối lo, là đến cuối mùa Thu, vào mùa Đông, người ta sẽ phải sống ở trong nhà nhiều hơn! Làm sao để tránh không gặp nhiều người lạ ở một chỗ kín gió? Các sân banh bầu dục và bóng chày có thể an toàn hơn các sân chơi bóng rổ, tiệm ăn, quán rượu và rạp chớp bóng!

Rất khó làm cho SARS-CoV-2 biến mất. Chúng ta chia sẻ thế giới này với hàng trăm triệu loài virus khác nhau, rất nhiều loài vẫn sinh sống trong các cầm thú, từ dơi, gà, đến chuột. Có dịp thuận tiện thì các thứ virus đó biến thái và nhẩy sang loài người.

Loài virus gây bệnh Ebola chết người cũng từng trú ngụ trong các loài dơi, trước khi có khảnăng truyền từ người sang người. Trận dịch Ebola phát xuất từ miền Tây châu Phi đã được ngăn chặn năm 2016, mà nước Mỹ đóng một vai trò lãnh đạo trong chiến dịch này. Loài người chỉ có thể ngăn không cho Ebola lan tràn, bằng các phương pháp quen thuộc: cô lập hóa, theo dõi những người đã gần gũi người bệnh, và chủng ngừa. Nhưng không thể làm cho giống vi khuẩn đó biến mất! Năm 2018, Ebola lại bột phát ở Cộng Hòa Congo.

Nếu có vaccine rồi, và lại tìm ra thuốc trị Covid 19 có hiệu quả, thì có thể loài SARS-CoV-2 này sẽ không còn tấn công loài người vũ bão như hiện nay. Chúng không biến mất thì sẽ gia nhập đại gia đình bốn thứ coronaviruses khác, cùng một họ, là 229E, OC43, NL63, và HKU1; những thứ virus gây nên các chứng cảm cúm mà mỗi năm đến mùa chúng ta vẫn bị nhiễm, nếu không chích ngừa. Có thể rằng các anh chị này xưa kia đã từng gây nên những trận dịch lớn mà người ta không biết nên chưa đặt tên! Sau khi tác hại nhân loại một vài trận lớn, các anh chị virus đó trở nên hiền lành, vì con người đã quen rồi, dần dần miễn nhiễm.

Covid 19 sẽ qua khỏi. Có thể đoán chắc như vậy. Chỉ có điều là không biết nó sẽ qua khỏi ngày nào, tháng nào. Cho nên, từ nay cho đến đầu tháng Mười Một, các ứng cử viên vẫn hồi hộp! Họvẫn phải chi tiền vận động tranh cử, không phải chỉ để chinh phục thêm cử tri mới mà còn vì cần bảo vệ thành trì những người đã ủng hộ mình vững vàng, không để cho loài Coronavirus lay chuyển!

Phạm Cao Dương: 1945 – 2020, 75 Năm Nhìn Lại

Các Đảng Phái Quốc Gia Đã làm gì trước Biến Cố 19/8/1945?


Nếu Đại Việt đoạt chính quyền trước thì Việt Minh sẽ cho phá vỡ ngay đê Sông Hồng

Nếu Mặt trận Đại Việt Quốc Gia Liên Minh không đồng ý mà cứ đoạt chính quyền trước, thì Mặt Trận Việt Minh cũng sẽ đoạt ngay hết chính quyền ở các tỉnh; đồng thời cho phá vỡ ngay đê sông Hồng cho nước tràn đầy Hà Nội, cô lập hóa Thủ Đô theo kế hoạch đã được bố trí sẵn sàng.
Đại biểu Mặt Trận Việt Minh
Trong những ngày tiếp theo ngày Nhật chính thức đầu hàng, ngày 15 tháng 8 năm 1945, vào lúc Việt Minh mới đe dọa cướp chính quyền nhưng chưa thực sự sẵn sàng vì các lãnh tụ của đảng này còn đang họp ở Tân Trào, tất cả mọi hoạt động là do các cán bộ địa phương quyết định trong những giờ phút chót. Trong khi đó thì Khâm Sai Bắc Bộ Phan Kế Toại vẫn còn tại chức, Chính Phủ Trần Trọng Kim trong tháng Bảy lại vừa thành công thâu hồi được xứ Nam Kỳ và ba thành phố Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng trước đó đã bị nhường cho người Pháp. Đặc biệt hơn nữa, Hoàng Đế Bảo Đại đã ban hành bốn đạo dụ và một đạo sắc nhằm thiết lập những cơ cấu đầu tiên cần cho một chế độ quân chủ lập hiến trong đó nhân quyền và các quyền tự do cơ bản của người dân được tôn trọng. Câu hỏi được đặt ra là trước tình hình này các đảng phái quốc gia đã có những hoạt động gì để đối phó với tình hình có thể thay đổi bất ngờ hay đã hoàn toàn thụ động, chờ thời cho đến khi quá chậm? Đây là điều mọi người muốn biết. Câu trả lời là có. Có ít nhất ba sự kiện đã được ghi nhận. Đó là cuộc tiếp xúc giữa Khâm Sai Phan Kế Toại và Đại Việt Quốc Xã Nguyễn Xuân Tiếu, cuộc xâm nhập Phủ Khâm Sai của lực lượng võ trang của Nguyễn Xuân Tiếu chiều ngày 17 tháng 8 và hai cuộc họp ngày 11 và 17 tháng 8 của đại diện các đảng.

Minh Anh (RFI): Vac-xin ngừa Covid-19 - Một “vũ khí ngoại giao” mới của Trung Quốc ?

Sau khẩu trang và các thiết bị y tế, vac-xin ngừa Covid-19 có nguy cơ trở thành “công cụ ngoại giao chiến lược” khác của Trung Quốc. Chính quyền Bắc Kinh và nhiều hãng dược lớn của Trung Quốc hứa hẹn ưu tiên cho nhiều nước như Brazil, Indonesia, Pakistan, Nga và Philippines quyền ưu tiên tiếp cận vac-xin do nước này sản xuất.

Bào chế vac-xin ngừa Covid-19 đang là một thách thức địa chính trị cho nhiều nước lớn. Hiện tại trên thế giới có khoảng 20 loại vac-xin ứng viên đang được thử nghiệm lâm sàng, sáu trong số này đã bước vào giai đoạn thử nghiệm cuối cùng trên người, trong đó có ba loại của Trung Quốc, số còn lại là từ Mỹ, Anh và Đức.

Trong cuộc đua này, Nga là nước đầu tiên thông báo đã phát triển vac-xin Covid-19 hồi đầu tháng Tám trong mối ngờ vực của giới chuyên khoa thế giới. Hoa Kỳ thì cho biết chỉ chia sẻ vac-xin một khi đáp ứng đủ nhu cầu trong nước.

Theo nhật báo Mỹ Wall Street Journal (WSJ), Bắc Kinh tỏ ra linh hoạt trong việc chia sẻ vac-xin vì hai lý do. Thứ nhất, do sớm khống chế được dịch bệnh, việc thiếu các ca nhiễm Covid-19 có thể khiến cho bước thử nghiệm lâm sàng thiếu hiệu quả ngay tại Trung Quốc. Điều này giải thích vì sao các hãng dược lớn Trung Quốc có thể tiến hành thử nghiệm trên người tại nhiều nước như Indonesia, Pakistan, một số nước châu Phi hay châu Mỹ Latinh.

Thứ hai, Trung Quốc là một trong những quốc gia sản xuất vac-xin lớn nhất thế giới, hàng trăm triệu liều mỗi năm. Các hãng dược của Trung Quốc, bất kể là tư nhân hay Nhà nước, đều có cơ sở sản xuất riêng. Các hãng này cũng đang tăng tốc chạy đua trong việc bào chế và sản xuất thuốc ngừa Covid-19.

Chủ Nhật, 23 tháng 8, 2020

Nguyễn Công Khanh : Trở Lại Đảo Xưa 

Bãi biển Phú Quốc. Hình HOANG DINH NAM/AFP via Getty Images

Mãi tới năm 2010, hơn 45 năm sau, kể từ năm 1965, ngày rời nhiệm sở, chúng tôi mới có dịp quay lại Phú Quốc. 

Chuyến bay hôm đó, ngồi trong một máy bay cánh quạt của Nga, gần giống như máy bay DC3 thời xưa của Air Vietnam, nhưng xập xệ hơn nhiều. Bầu trời vẫn xanh, nắng vẫn rực rỡ, những đám mây vẫn trắng tinh. Phía dưới những thị trấn nhỏ mới mọc lên bên các nhánh Cửu Long Giang. Ruộng đồng xanh mát không còn những hố bom đạn loang lổ như ngày xưa. 

Phi cơ bay thẳng từ Saigon ra Phú Quốc, không ghé phi trường Rạch Sỏi để đón thêm khách như ngày trước. Nhìn xuống, biển vẫn xanh, sóng bạc đầu vẫn vỗ trắng vào ven đảo. Phi trường nay là một tòa nhà hai tầng, có đường chuyển hành lý tự động ngắn. Phòng đợi trên lầu có máy lạnh và tấng dưới là những quầy hàng, bán những đặc sản địa phương. 

Xe chở đoàn du lịch vào thị trấn Dương Đông và ra thẳng ngôi đền thờ Dinh Cậu, nơi mà ngày trước, khi mới đến đảo nhận việc tôi được nhân viên đưa đến trình diện Cậu để được ban phước lành. Khi ra ngoài đứng trên bao lan nhìn quanh, biển vẫn rộng, xanh mát như ngày xưa, chỗ cửa sông có lần tôi đã bơi ra xa đến chỗ cọc mốc mà một ông lão đã bảo cho tôi phải coi chừng cá mập. Mỏm đá hình cá sấu vẫn nguyên vẹn hướng về cuối đảo. Nhìn sang phía xóm Cồn mà tôi đã để cho ngư dân Bình Định tránh chiến tranh di cư vào tạm trú ở cuối cồn, nay nhà cửa chen lấn ngổn ngang. Cái tên Bình Định mà tôi đặt tên cho cái xóm đó, đến nay họ vẫn giữ. Chỉ tiếc cái cồn cát dài trắng xóa nên thơ đó không còn nữa. 

Nguyễn Tường Thiết: Tuyến đường ga Ấm Thượng

Hình minh hoạ, NHAC NGUYEN/AFP via Getty Images

Tôi kéo chiếc va ly ra khỏi phòng để trên hành lang của khách sạn Galaxy. Chúng tôi thuê hai phòng trên lầu ba. Khoá cửa tôi đi dọc theo hàng lang gõ cửa phòng số 319. Lát sau cửa mở. Steve, đứa rể Mỹ, thò đầu ra nói:

– We are ready.

Thảo, con gái tôi, mở rộng cửa, kéo theo cái va ly to. Nó nhìn tôi nói:

– Mẹ phải mặc thêm áo lạnh. Con nghe nói trên Sapa lạnh lắm đấy.

Nói xong nó mở va ly lấy ra cái áo len khoác lên người tôi. Chúng tôi xuống thang máy. Cô hướng dẫn viên chờ chúng tôi ở lobby. Du khách ngoại quốc đứng chật trước quầy khách sạn. Trong lúc chờ các con tôi xếp hàng làm thủ tục trả phòng tôi ra đứng trước cửa khách sạn nhìn ra phố. Bấy giờ trời đã tối. Ngoài đường xe ô-tô, xe máy chạy đan nhau chung quanh cái bồn nước Hàng Đậu. Bên kia đường là một công viên nhỏ với dăm ba chiếc ghế dài, vài cặp ngồi tình tự trong bóng tôi, những chiếc xe máy dựng cạnh.

Hà Nội là một thành phố xa lạ dưới mắt tôi lúc ấy. Xa lạ như thể tôi chưa hề đặt chân tới. Thật ra không hẳn vậy. Tuy sinh trưởng và lớn lên ở trong Nam nhưng Hà Nội tôi được biết qua tiểu thuyết tôi đọc thời còn là học sinh, và sau này lập gia đình với một người miền Bắc, nhà tôi vẫn thường kể tôi nghe về những kỷ niệm thời còn bé của anh ở Hà Nội. Ngoài ra có một lần trong đời chính tôi đã từng ghé Hà Nội một thời gian ngắn. Nhưng thành phố này đã không để lại trong tôi một hình ảnh nào đáng ghi nhớ, ngoài hình ảnh buồn bã của những dẫy phố lạnh lẽo với những căn nhà màu xám nham nhở cũ kỹ. Vả lại Hà Nội đã gắn liền tôi với một mảnh đời mà tôi thực sự muốn quên đi. Tôi không hề nghĩ mình sẽ trở lại thành phố này lần thứ hai, nhất là sau ngày chồng tôi mất mấy năm về trước. Chuyến đi này sẽ không xẩy ra nếu không có lời mời gần như khẩn nài của con gái tôi muốn có mẹ đi cùng với vợ chống nó trong chuyến về Việt Nam này.

Đàm Trung Pháp: “Nước non ta, ai ngăn trở ta về …” (Lý Đông A, 1943)

Thi nhân và tư tưởng gia Lý Đông A tên thật là Nguyễn Hữu Thanh, sinh năm 1921 tại tỉnh Hà Nam, Bắc Việt. Thuở nhỏ ông học bậc tiểu học tại trường làng và học thêm chữ Hán tại nhà, trước khi được gửi ra Hà Nội tiếp tục học tại một trường tư thục và tại chùa Quán Sứ năm 16 tuổi. Một năm sau đó, ông thường lui tới chùa Yên Tử trên một đỉnh núi và thiền tọa dưới gốc một cây thông già. Một hôm, trong lúc ông đang trầm ngâm thì một tia sáng đỏ rực từ trên trời chiếu xuống người ông. Hiện tượng siêu hình hiếm hoi này, được các tín đồ gọi là linh quang thần nhập thể, đã gia tăng sức mạnh tinh thần và trí tuệ của ông lên bội phần.

Chẳng bao lâu sau đó một nhóm “học-giả-trở-thành-cách-mạng-gia” thúc giục Lý Đông A gia nhập lực lượng Phục Quốc Quân của Nguyễn Hải Thần. Sau khi bị thua Việt Minh ở trận chiến Lạng Sơn năm 1940, Phục Quốc Quân phải bỏ chạy sang Tàu. Trong ba năm tại Liễu Châu, Lý Đông A giảng dạy binh pháp cho Trường Võ Bị Liễu Châu, cũng như đọc và viết sách trong thư viện Liễu Châu. Sau khi hồi hương năm 1943, ông phổ biến các tác phẩm của mình dưới danh hiệu Thái Việt Lý Đông A, và sáng lập Đảng Duy Dân. Các tác phẩm chính yếu gồm Huyết Hoa (tuyển tập nghị luận về nhân văn), Đạo Trường Ngâm (tuyển tập thi ca ái quốc), và Chu Tri Lục (giải thích thâm sâu về cương lĩnh Đảng Duy Dân).

Đầu năm 1946, khi Việt Minh thỏa thuận trong một hiệp ước để cho thực dân Pháp trở lại, ông quyết định đối đầu với lực lượng Việt Minh trong một trận chiến trên đồi Nga My. Sự mất tích kỳ bí của Lý Đông A sau cuộc giao tranh này đã để lại cho hậu thế một truyền thuyết về một thiên tài yểu tử, một lý thuyết gia chính trị xuất chúng, và một cá nhân có viễn kiến lạ thường đã có thể thấy trước điều gì sẽ xảy ra cho quê hương mình nhiều thập kỷ về sau. Trên căn bản các tác phẩm ông để lại, ta có thể nói Lý Đông A là nhà thơ và nhà tư tưởng chính trực nhất của dân Việt chúng ta trong thế kỷ 20.

Đàm Trung Pháp: Một tuyệt tác thi ca Ý ngữ - Un’ ape esser vorrei (Ta muốn là con ong)

Nghĩa: Tiếng nói ngọt ngào. Hình minh hoạ FreePik 


Lối phát âm tiếng Ý nghe ngọt ngào êm tai nhất trong sáu ngoại ngữ tôi đã học hỏi (Anh, Pháp, Đức, Ý, Tây ban nha, và Hoa quan thoại). Hệ thống mẫu âm khá giản dị của tiếng Ý gồm năm mẫu âm căn bản là [a][i][u][e], và [o]. Ba âm đầu phát âm như tiếng Việt, và hai âm còn lại thường phát âm giống [ê] và [ô] trong ngôn ngữ chúng ta. Những mẫu âm nhiều nhạc tính này xuất hiện ê hề trong mọi vị trí, nhất là hai âm [i] và [e] ở vị trí sau cùng của các danh từ và tính từ số nhiều. Khi hai tình nhân người Ý muốn cho nhau biết rằng họ yêu nhau thắm thiết thì họ thốt lên câu: Amore mio, io ti voglio molte bene!  nghe có khác nào một câu ca thánh thót? Động từ voglio phát âm là [vô-li-ô] thực ra có nghĩa là tôi muốn cơ đấy. 

Thêm vào đó là những kết hợp rất êm tai của một số tử âm và mẫu âm, chẳng hạn: • Khi tử âm [s] nằm giữa hai mẫu âm (như trong hai chữ musicale” và “melodioso) thì nó phát âm như mẫu tự [d] trong tính từ [du dương] của chúng ta •  Tử âm [c] khi đi với [i] và [e] thì đọc như [chi] và [chê] trong tiếng Việt • Các âm tiết [gia] và [gio] trong tiếng Ý được phát âm mạnh mẽ đôi chút hơn là [gia] và [giô] trong tiếng Việt. Thực vậy, khi muốn diễn tả ý nghĩ “Trong vườn hoa văn chương Ý có nhiều thi nhân trữ tình và lãng mạn” thì người dân thành phố La Mã sẽ rót mật vào tai người nghe như thế này: Nel giardino letterario d’Italia ci sono molti poeti lirici e romantici. Mới chỉ nghe “người thường” nói tiếng Ý mà đã thích như

Thứ Bảy, 22 tháng 8, 2020

Trần Doãn Nho: Văn Túy Hồng

Nhà văn Túy Hồng và thủ bút (Hình: trang mạng Gió-O)

Nhà văn Túy Hồng vừa qua đời vào hôm 19-7-2020, tại tiểu bang Oregon, Hoa Kỳ, để lại một niềm luyến tiếc sâu xa trong lòng những người yêu mến văn chương của chị. Đã có rất nhiều bài viết phân tích, hồi ức, chia xẻ cũng như tưởng nhớ chị trên nhiều trang mạngở trong và ngoài nước. Bài viết ngắn này,giới hạn trong việc phân tích qua vài đặc điểm trong cách viết của chị, là một nén hương lòng thắp lên tiễn biệt một nhà văn Việt Nam mà cũng là một người đồng hương tài hoa, xuất sắc. 

Bàn về cách viết của Túy Hồng, nhà nghiên cứu văn học Tôn Nữ Nha Trang cho rằng, “Đọc bà là thấy cái độc đáo của tiếng Huế chộn lộn với tiếng mẹ đẻ vốn phong phú trong so sánh và ẩn dụ, và đầy âm điệu. Sự so sánh của bà thật bất ngờ và thông minh, do đấy không hề buồn chán; thay vì thế, chúng cho ta cái thú vị ở chỗ tìm thấy cái gì đó quen thuộc cách lạ lùng.”[1]

Thy An: Tâm sự tháng bảy

đâu đó có một chút hốt hoảng và bất bình
tháng ngày điên đảo của mùa xuân vừa dứt
tháng bảy hiện về mặt trời nắng ấm
thu mình cô đơn
với những dự định hủy bỏ
mùa hè dè dặt ít nói
có những trái tim mở cửa và khép mình
quyển sách đọc đêm qua
bàn tay cầm nắm đất
lòng chưa rộng như cánh đồng
với những mùi hương xô nhau ngã gục

*

chữ nghĩa ngổn ngang
bay trong trời đất
ký ức rót vào tim những câu nói của tiền nhân
hình như chẳng bao giờ cũ
giọt khai vị trên môi
ngọt đắng có đủ
lời ca tụng của chim và gió
có đóa hoa vô thường
nở cạnh bài thơ rỉ sét
giấy vàng và chữ nhạt
hứng giọt mưa rơi xuống thung lũngxa xôi

*

có thơ nào biến thành giấc mơ
tha thứ, bất cần, thanh thản

Phạm Thị Hoài: Sáu mươi

Tết Vũ Hán, tôi kịp tròn sáu mươi để gia nhập nhóm tương đối dễ chết, tiếng Việt hội nhập gọi là nhóm rủi ro tương đối cao, bởi một con virus lạ lùng.

Thường tôi chỉ sực nhớ tuổi khi lại có ai đó hỏi sao tóc bà vẫn đen thế. Tóc là chứng chỉ khó giả mạo về tuổi tác. Bao nhiêu hóa chất tưới lên đầu, làm màu cho một sinh lực quan lộ tràn trề hay để tự vỗ về trấn an, mua chuộc bản thân và gợi ý với thiên hạ, đều vô ích. Đều bất lực trước những mảng da trắng bệch như hề hoặc trắng bợt như xác chết dưới những chân tóc phản chủ. Song những mái đầu bạc rạng rỡ đã lỗi thời, nhân loại chưa bao giờ già hơn và sùng bái tuổi trẻ hơn, vậy người Việt hiện đại đầu tư vào thuốc nhuộm. Tôi không nhuộm tóc. Khối bê tông đen nhức và trời ơi còn uốn lượn trên nóc những cơ thể cao niên tuyên ngôn một nỗi sợ, một sự hoảng loạn ăn mòn tư cách. Nếu không sống được hơn tuổi thật, ít nhất tôi muốn bình đẳng chứ không chịu kém nó. Không đắp điếm dấu vết của thời gian. Không tẩy nhăn. Không giấu cổ. Không làm khổ vùng bụng: sau bao nhiêu năm hành động cho một trật tự khe khắt như Khổng tử yêu cầu, nay vành đai phẩm giá đó ngả theo Lão tử, mỗi centimet một vô vi hơn. Thường xuyên chiêm ngưỡng tôi chỉ là người trong gia đình. Con trai tôi tuyên bố là hằng số tuổi giữa chàng và mẹ cũng đẹp như các hằng số toán học, không nếp nhăn nào có thể làm chàng thay lòng. Chồng tôi không làm nghề bảo tàng để trân quý cổ vật, song không sao cả, tôi chỉ là một hiện vật đương đại với lớp men thời gian hoàn toàn tự nhiên. Lúc tứ tuần, tôi thấy bốn mươi là tuổi đẹp nhất. Ngũ tuần, cuộc đời bất ngờ đẹp hơn. Bây giờ tôi khẳng định lục tuần mới thật hoàn hảo.

Nếu con virus vô tâm, vô tính, vô tình, vô hình này, kẻ đi gieo mầm chết bất luận lý tưởng và lý lịch, khí hậu và biên cương, giai tầng và chủng tộc, tín ngưỡng và thể chế, lội được qua bãi nhầy đầy hắc ín trong hai buồng phổi của 40 năm tôi hút thuốc để lần lượt đánh chiếm các phần còn lại, từ não đến ngón chân, tôi sẽ thừa nhận chiến thắng của nó. Không có gì hậm hực. Cũng không có gì cam chịu nhẫn nhục. Chẳng có một triết luận, một thông điệp, một mệnh lệnh siêu hình nào khi từng tế bào kiêu hãnh của tôi, con thú alpha, thủ lĩnh loài linh trưởng, lần lượt thành vật chủ cho những phân tử hạ cấp ký sinh. Chẳng qua là một động thái của tự nhiên. Nhìn từ một kích thước khổng lồ, con người cũng không khác một loài virus, sau trái đất nó sẽ xâm nhập và tàn phá các bộ phận khác của cơ thể vũ trụ, thuần túy theo bản năng sinh tồn.

Hạ Long Bụt sĩ : Những Loại Hình Tình Yêu Và Chất Thơ Trong Văn Khái Hưng 

THƠ và THIÊN NHIÊN


Khái Hưng (1896-1947) viết văn như làm thơ ngay trong tác phẩm đầu tay Hồn Bướm Mơ Tiên, xuất bản 1933 :

Bên phía đông nam mấy trái đồi phản chiếu ánh chiều tà nhuộm một sắc da cam. Nền trời xanh nhạt, lơ thơ mấy áng mây hồng. In trên cánh đồng lúa chín, màu vàng thẫm, con cò trắng thong thả bay về phía tây, đôi cánh lờ đờ cất lên đập xuống loang loáng ánh mặt trời. ( phần 3- Hồn Bướm Mơ Tiên).

Bên bờ suối mấy gốc cây thông già gió chiều hiu hắt, lá thông khô lác đác rơi xuống suối rồi theo dòng nước trong trôi đi. ( phần 7- HBMT)

Phần kết có tới 7 câu Lá Rụng :

Gió chiều hiu hiu…Lá rụng ! (phần 9).

Nhưng tới tập truyện ngắn Đợi Chờ, 1940, diễn tả niềm tưởng nhớ một hình bóng thoáng qua, thì Khái Hưng thật sự làm thơ :

Cả những làn mây nhạt đang lững thững trôi trên ngọn đồi xa cũng ngập ngừng dừng lại. Hình như cùng chàng mong ngóng người xưa, cỏ cây mây nước cũng trầm ngâm mong ngóng xuân về. ( đoạn đầu)

Và trên đồi xa, làn mây bạc vẫn ngập ngừng dừng lại…. ( tr 4-12)

Cùng chàng mong ngóng người năm ấy, vạn vật trầm ngâm mong ngóng xuân về. ( kết)

Và nếu kể cả Tiêu Sơn Tráng Sĩ, một cuốn tiểu thuyết dã sử võ hiệp,1937, mô tả mối tình đồng chí cao thượng giữa Quang Ngọc và Nhị Nương, thì đoạn kết cũng là lời thơ bi phẫn lãng mạn của Phạm Thái :

Than ôi chí lớn trong thiên hạ, đựng không đầy đôi mắt mỹ nhân !

Thứ Sáu, 21 tháng 8, 2020

Trần Văn Khởi: Những Hợp Đồng Tìm Dầu Đầu Tiên Ở Việt Nam

Tháng Tám 47 Năm Trước

Chẳng có gì nhiều thực hiện hồi Việt Nam Cộng Hoà (VNCH) trước đây mà còn lưu lại sau ngày Cộng Sản chiếm miền Nam: hầu hết đường sá bị đổi tên, tượng đài phá huỷ, và các dự án chương trình đều đã bị ngưng bỏ từ lâu. Nhưng công cuộc tìm dầu ngoài khơi thì vẫn còn tiếp tục, và còn đem lại nhiều phúc lợi đáng kể cho kinh tế Việt Nam ngày nay.

Trong vòng 8 tháng trước Tháng Tư Bảy Mươi Lăm, sáu giếng tìm dầu đã được khoan ở thềm lục địa miền Nam: kết quả là ba giếng khô, ba giếng tìm thấy dầu khí ở ba mỏ đặt tên là Dừa, Đại Hùng và Bạch Hổ. Cả ba đến nay vẫn còn tiếp tục sản xuất, trong đó mỏ lừng danh Bạch Hổ là mỏ dầu lớn nhất ở Việt Nam, và là mỏ khổng lồ, thuộc vào loại đặc trưng trong hàng quốc tế. Cùng với hàng chục mỏ khác được khám phá sau này, dầu khí ở thềm lục địa miền Nam đã đem lại cả trăm tỉ Mỹ kim cho Việt Nam.

Sáu giếng này được khoan theo những hợp đồng tìm dầu đầu tiên mà ông Tổng Trưởng Kinh Tế Phạm Kim Ngọc đã ký với các công ty dầu trong tháng Tám năm 1973. Việc thành tựu các hợp đồng này là một điểm son trong quá trình công vụ của ông Ngọc, và tôi cũng đã may mắn và hoan hỉ được làm việc cùng ông Ngọc trong chương trình này, rồi sau đó tiếp tục duy trì liên lạc với ông Ngọc trong hàng chục năm qua.

Nhìn Về Dầu Khí Ngoài Khơi

Nguyên Tổng Trưởng Kinh Tế Phạm Kim Ngọc (trái)
và tác giả Trần Văn Khởi.

VNCH đi tìm dầu rất trễ, cả 9 năm đệ nhất cộng hoà không làm gì. Đến năm 1967, VNCH tham gia chương trình khảo sát địa chấn trên phần phía nam Biển Đông và ở Vịnh Thái Lan do Liên Hiệp Quốc tổ chức. Kết quả sơ khởi thấy khả quan nên sau đó có thêm nhiều cuộc khảo sát do các công ty dầu tài trợ. Năm 1968, VNCH ra tuyên cáo xác nhận chủ quyền và quyền tái phán trên thềm lục địa, theo Quy Ước Geneve 1958 về Thềm Lục Địa. Cũng trong năm 1968, một dự thảo luật dầu hoả đã được khởi sự xúc tiến qua một uỷ ban liên bộ do hai kỹ sư Hồ Mạnh Trung và Võ Anh Tuấn của Nha Tài Nguyên Thiên Nhiên phụ trách. Tôi đã tham gia với tư cách Chánh Sở Đầu Tư ở Bộ Kinh Tế.

Khi nhậm chức Tổng Trưởng Kinh Tế khoảng cuối năm 1969, dù phải bận rộn với những biện pháp cấp bách nhằm ổn định kinh tế, ông Ngọc đã quan tâm tới triển vọng dầu khí, và góp phần thúc đẩy để sớm thông qua đạo luật. Khoảng tháng 12 năm 1970, khi ông Tuấn và tôi đang tham khảo với công ty CONOCO ở New York, tìm hiểu về kỹ nghệ dầu khí, thì được gọi về ngay - Luật Dầu Hoả số 011/70 vừa được Quốc Hội thông qua và Tổng Thống ban hành. Ông Ngọc muốn chỉ định tôi phụ trách chương trình tìm dầu, thi hành Luật Dầu Hoả; khi đó Ông Ngọc và tôi tuy có biết về nhau, nhưng tôi không làm việc trực tiếp với ông Ngọc; làm Chánh Sở Đầu Tư thì khi đó tôi dưới quyền ông Thứ Trưởng Công Kỹ Nghệ Phạm Minh Dưỡng.