Home

THƯ NGỎ

Thứ Bảy, 6 tháng 6, 2020

Phạm Xuân Đài: Phân Vân Giữa Nhiếp Ảnh Và Viết Văn

Đọc sách Tuổi Thơ của Tôn Nữ Thu Nga

Theo tôi, Huế mà thuộc hoàng phái là Huế đến hai lần. Ý tôi muốn nói Tôn Nữ Thu Nga là một cây bút rất Huế, mặc dù cho tới nay thời gian sống ở hải ngoại của cô thì nhiều hơn tại Việt Nam, và ngay khi còn sống tại Việt Nam thì thời gian ở Nha Trang và một số nơi khác có lẽ nhiều hơn ở Huế. Thế mà nếu hỏi đặc tính nổi bật trong văn chương của Thu Nga là gì, thì tôi trả lời ngay, là Huế.

Kể ra, tôi chỉ có một tiêu chuẩn rất chủ quan để khẳng định tính chất Huế: thanh cảnh. Đối với bản chất khá thô thiển của dân Quảng Nam nơi tôi thì việc nhận ra sự thanh cảnh của người Huế rất dễ dàng. Giọng Huế nhiều âm điệu và dịu dàng, thái độ Huế tế nhị, thức ăn Huế đi rất sâu, rất tinh tế vào nghệ thuật thưởng ngoạn ẩm thực, nhà ở của người Huế, dù là ở Huế hay ở Đà Nẵng, Sài Gòn hay tại nước ngoài đều có một cái “gu” mỹ thuật riêng... Từ đó, văn chương nghệ thuật dĩ nhiên cũng có nét riêng, vừa bác học vừa tao nhã. Nói chung, Huế có một nền văn hóa đặc thù, bắt nguồn từ triều đình nhà Nguyễn cai trị một thế kỷ rưỡi tại đất Thuận Hóa. Chính vì thế mà tôi nói là người hoàng phái “Huế đến hai lần”. 

Tôn Nữ Thu Nga là một chuyên viên về y tế ở Mỹ, thế mà cô rất ham thích nghệ thuật, thoạt tiên là nghệ thuật tạo hình bằng nhiếp ảnh, rồi sau đó, viết văn. Có lẽ cái trước làm nảy sinh cái sau. Chụp hình thì phải biết tìm ra những góc đẹp của sự vật, phải lên đường đi đến những nơi danh lam thắng cảnh, đi rất nhiều nơi, trong nước Mỹ, tại Việt Nam và nhiều quốc gia khác trên thế giới, chính hành trình đi tìm cái đẹp hình thể ấy tạo ra nhu cầu viết để ghi lại những vẻ đẹp khác không thể thể hiện bằng môn nhiếp ảnh. Xung quanh một tấm ảnh đẹp có thể là cả một câu chuyện nhiều tình tiết (một cuộc hành trình gian nan mà lý thú, những lần gặp gỡ ly kỳ, những cái duyên may không thể ngờ trước v.v...) mà khi ngắm bức ảnh người ta không thể thấy được, người chụp ảnh thấy rằng nếu không viết ra thì... tiếc lắm. Tôi đoán đó là một trong những động lực khiến Thu Nga cầm bút viết. Dĩ nhiên tiềm năng nghệ thuật đa dạng của cô đã có sẵn từ lâu, khi cái duyên nợ văn nghệ chằng chịt đã buộc trói thì cái này làm nảy sinh và bổ túc cho cái kia thôi.

Đây là tập hợp đầu tiên các bài viết của tác giả trong khoảng thời gian trên dưới mười năm để in thành sách. Trong cái nhìn của tôi, tất cả các bài viết đều thuộc dạng bút ký, kể lại những mẩu chuyện thật mà chính tác giả đã trải qua, kể cả những truyện liên quan đến nghề nghiệp y tế của cô. Những bài liên quan đến Huế, tác giả viết như cá bơi trong nước, với những nhận xét như đã có từ lâu trong tâm khảm nay chỉ việc tuôn ra, tiếng địa phương dùng một cách thoải mái không e dè, chuyện riêng của gia đình được trình bày tự nhiên như của chung cả xứ Huế... khiến người đọc cảm động vì sự thành thật của nó đến nỗi thấy chuyện đó cũng có thể là chuyện của mình. Thật ra những mảng đời của thời thơ ấu, hình ảnh ngôi nhà xưa của ông nội cùng nét cổ kính của một nếp sống xưa... ai mà chẳng có, chuyện của người này có thể phảng phất của người kia, tất cả có thể thành một cái vốn văn hóa chung để mà tưởng nhớ, để mà hoài niệm. 

Truyện Tuổi Thơ là một điển hình của loại hoài niệm này, có thể xem là một truyện ngắn hay, mặc dù tính chất tự sự rất rõ. Chuyện kể của một cô con gái mười hai tuổi, cùng gia đình từ Nha Trang về Huế thọ tang ông nội, đã cho thấy những mảng sinh hoạt đặc thù của một nhà có tang xứ Huế. Giọng kể hồn nhiên của cô gái, gần như gặp gì nói nấy, nhưng lại đằm thắm, tự nhiên, lôi cuốn một cách đầy nghệ thuật. Có những chi tiết như thế này:

“Lũ trẻ con hàng xóm bu ngoài cửa tò mò ngắm nghía bọn trẻ vừa đến từ Nha Trang, như những kẻ mới đến từ một hành tinh khác. Bác Ben, tuy được chúng tôi gọi bằng bác nhưng chỉ lớn hơn tôi vài tuổi, rủ rê:

- Đi hái ổi không?

Không chờ mẹ cho phép, tôi chạy theo bác, trốn ra vườn. Ổi nhà nội năm nay sai trái, mơn mởn treo trên những nhánh vừa tầm tay với, tôi ham hố bẻ trái nhét đầy hai túi.”

Thật là một đoạn văn đầy thú vị vì đây là một việc mà lúc nhỏ tôi hay bất cứ đứa trẻ nào từ xa về thăm quê cũng gặp, cũng vui sướng ngay lập tức với khu vườn cây trái của ông bà mình. Bác Ben của Thu Nga là điển hình của một người thân cùng lứa nào đó của tôi hay của bất cứ ai, sẵn sàng rủ rê giới thiệu cho đám trẻ ở xa về các cây cối đầy quả ngon ngọt trong khu vườn. Nếu đây là một truyện hư cấu, việc tác giả chọn chi tiết này để cho vào truyện quả là rất tài tình, nhưng trong lời kể của một cô bé 12 tuổi, nhớ đến chi tiết này lại càng tài tình hơn. Cứ như thế truyện Tuổi Thơ trôi đi trong lời kể “hồn nhiên” của cô bé, nhưng tất cả chi tiết trong chuyện kể, từ hình ảnh của những người khóc mướn, các nhạc cụ của ban nhạc bát âm, hay ăn bún bò nơi nghĩa địa trong ngày cất đám... đều đặc thù và được sắp xếp như chẳng cố ý gì nhưng thật ra rất nghệ thuật, khiến lòng người đọc bồi hồi chùng xuống khi ngẫm nghĩ rằng ai cũng có một vùng tuổi thơ đầy kỷ niệm, nhưng đang ngày một xa mờ dần.

Đó là Huế của tuổi thơ. Thu Nga còn nói nhiều về Huế của ngày hôm nay dưới con mắt của một “Việt kiều” từ Mỹ về, nhưng tâm tình thì vẫn vậy, làm như đặt chân về tới Huế thì tất cả chuỗi ngày đi xa bỗng biến mất. Thăm ông chú bị tâm thần nhẹ vẫn sống mãi trong ngôi nhà xưa với những ảo tưởng của mình, mà “từ một ngõ ngách sáng suốt nào đó trong trí, chú cương quyết ôm chầm mảnh đất bà Cố để lại, mấy mươi năm chính quyền và xóm giềng manh tâm chiếm đoạt nhiều lần nhưng vô hiệu”, tác giả đã cho thấy một mẫu người điển hình luôn luôn bám vào các định kiến của dĩ vãng. Căn bệnh tâm thần của người chú có thể là tượng trưng cho sức mạnh tiềm tàng xưa cũ của Huế, đang cố gìn giữ một nề nếp tốt đẹp nào đó đã được quá khứ xây dựng nên.

Khi theo một cô gái hướng dẫn đi chụp ảnh suốt ngày, tác giả đã ghi lại một chi tiết rất kín đáo:

“Tôi và Hòa Nam vô chùa Diệu Đế, một người đàn bà lớn tuổi nhìn Hòa Nam:

‘Màu áo dài tím dễ thương lắm...’ Nhìn khuôn mặt đơn sơ hiền lành của Hòa Nam bà tiếp lời ‘... rứa mới tỏ ra cái hạnh của gái Huế’. Tôi mỉm cười nhìn bà cám ơn thay cho Hòa Nam vì biết cô đang mắc cỡ. Chao ôi, khó cho tôi thật, làm sao tôi diễn tả được cái hạnh của người con gái Huế trong tác phẩm của mình?”

Không cần định nghĩa, giải thích cái “hạnh” đó là gì, chỉ cần ghi lại một chi tiết thế thôi là đã nói lên được nhiều lắm rồi về cái truyền thống văn hóa đẹp đẽ của xứ Huế, mà biết bao cái thô tục của một cuộc đổi đời đã tỏ ra không đủ sức phá hủy đi. Một cái “hạnh” định hình phải qua bao thời gian với một nề nếp đạo đức được liên tục vun xới giữ gìn suốt nhiều thế hệ, dù bị đe dọa bằng bạo lực hay bằng những cung cách sống thực dụng một cách phũ phàng cũng không dễ gì mà biến đi một sớm một chiều. Người của xứ Huế, người yêu xứ Huế chỉ cần nhìn ra một chi tiết nhỏ thế thôi là đủ an tâm cho cả một nền tảng tinh thần vững chắc của cố đô yêu dấu vẫn còn bàng bạc trên sông Hương núi Ngự, vương vất trong thành cổ miếu xưa và trong lòng bao thế hệ đang tiếp nối.

Trong những chuyến đi về Việt Nam, ngoài Huế ra Thu Nga còn đi nhiều nơi khác, khi thì thuần túy du lịch, khi thì làm công tác y tế với Project Việt Nam. Đối với con người nghệ sĩ nơi Thu Nga, đó cũng là những dịp để chụp ảnh và ghi nhận để viết du ký về sau. Tôi tự hỏi: cái nào là chính? Và phân vân thấy khó trả lời. Tôi biết niềm đam mê môn nhiếp ảnh của Thu Nga, nhưng khi đọc các bài du ký thì mới thấy nơi người này cái nợ chữ nghĩa cũng không phải là nhẹ. Cô có lối viết hồn nhiên kể lại sự việc trên đường đi như chẳng cần quan tâm đến kỹ thuật, nhưng những gì cô kể tưởng như “thấy gì nói đó” thật ra đã qua một sự lựa chọn rất tinh tế, lối lựa chọn có lẽ phần nào chịu ảnh hưởng của nghệ thuật chụp hình nhằm phát giác những góc độ thật độc đáo. Vì thế bài viết của Thu Nga luôn luôn sinh động, dù là khi gặp gỡ những cảnh trí cùng người dân tộc thiểu số ở Sapa, đi tìm thăm bà con ở Quảng Ngãi, ngồi thuyền và leo núi để đi thăm chùa Hương, hoặc trong khi làm công tác xã hội, y tế...

Bàng bạc khắp các bài viết chúng ta nhận thấy tác giả không mấy khi đề cập đến những gì tiêu cực, dù là chuyện ngoài xã hội hay trong tâm tư tình cảm của mình. Thu Nga trò chuyện, chụp ảnh với các em nhỏ dân tộc thiểu số miền thượng du Bắc Việt với sự vui thích rất tự nhiên; làm bạn với những người đàn bà người Dao đỏ, người H’mong đen, người Tày như chẳng có cách biệt gì về văn hóa, trình độ; mua bánh kẹo cho một lớp học ở Mộ Trạch và vui đùa cùng các em học trò nhỏ; bồi hồi với thành phố Nha Trang nơi đã trải qua tuổi thơ nay đã quá nhiều thay đổi; tận tình săn sóc một bệnh nhân tí hon trong bệnh viện... Luôn luôn ở đâu cũng với tấm lòng yêu mến. Phải nói là chính tấm lòng ấy đã xây dựng nên tác phẩm này.

Quả cụ Nguyễn Du đã nói không sai, “Chữ Tâm kia mới bằng ba chữ Tài”, khi đã có cái tâm thiện lành thì biểu lộ nào cũng tốt đẹp. Và khi cái Thiện lại đi chung với cái Mỹ như trong trường hợp Thu Nga thì càng tốt đẹp gấp bội, dù trong một tác phẩm nhiếp ảnh hay một bài bút ký. Nhưng tôi có cảm tưởng những ghi nhận của tôi ở đây chưa được đầy đủ, không diễn đạt hết những gì cần nói về tác phẩm này, vậy xin trân trọng dành phần còn lại để mong quý độc giả khám phá nốt.

Phạm Xuân Đài
Tháng 3, 2011

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét