Ai cũng có một quê hương, có một thời thơ ấu, một thời lớn lên, rồi có một đời sống gia đình và xã hội với biết bao giao tiếp, gặp gỡ, và trải qua biết bao biến cố... Khi đã lớn tuổi, con người thường có khuynh hướng nhìn về, ôn lại quá khứ, có người kể những “chuyện ngày xưa” của đời mình cho con cháu nghe, có người thích tìm những người bạn già để chia sẻ những kỷ niệm đã qua mà họ luôn luôn thấy là rất đẹp đẽ, và một số ít người thì viết lại các biến cố hay những kỷ niệm xa xưa mà họ đã trải qua. Đó hình như là một khuynh hướng tự nhiên của con người xã hội, có nhu cầu truyền lại cho người của lớp sau mình các kinh nghiệm của một cá nhân, mà trong một khoảnh khắc nào đó của dòng thời gian vô cùng vô tận đã xuất hiện trong đời, và sau đó sẽ biến đi biền biệt. Ký ức của đời sống con người được ghi lại từ đời này qua đời khác là nhờ những công việc ấy.
Cuốn Đất Cũ Người Xưa của tác giả Sơn Diệm Vũ Ngọc Ánh là một hồi tưởng rất nhiều việc liên quan đến ông trong quá khứ. Ông vốn là người vùng Bùi Chu Phát Diệm, lớn lên đi học và đi dạy ở Hà Nội, rồi di cư vào Nam năm 1954, tiếp tục đi dạy rồi bước chân vào chính trường cho đến 1975 thì sang Mỹ. Một cuộc đời như thế thì rõ ràng là phong phú, đã trải qua tương đối đầy đủ những biến cố quan trọng nhất của Việt Nam trong nửa sau thế kỷ 20, ông lại người có tâm hồn văn nghệ, giàu tình cảm, ít định kiến và lại ham viết lách, nên cuốn sách ghi lại chuyện xưa trong đời ông tự nó đã chứa đựng nhiều điều đáng để chúng ta tìm hiểu và chia sẻ với ông. Đó là chưa kể ông có khả năng cao về âm nhạc, và chỉ riêng điểm này không thôi cũng đủ để ông kể lại cho chúng ta nhiều điều lý thú.
Chỉ riêng đề tài về vùng đất quê hương của ông mà ông gọi là “người xưa đất cũ” thì tôi nghĩ rất nhiều người muốn biết. Đó là một vùng đất có một sắc thái riêng biệt của miền Bắc mà phần nhiều người Việt Nam chỉ nghe nói chứ ít người có dịp đến thăm tận nơi: đất Bùi Chu Phát Diệm. Thời Việt Nam Cộng Hòa người miền Nam gặp gỡ nhiều người từ vùng đất đó di cư vào, biết là có những ngôi nhà thờ ở Sài Gòn mang tên Bùi Chu Phát Diệm, nhưng không bao giờ có thể hình dung được chính mảnh đất mang tên đó ở miền Bắc ra thế nào. Họ chỉ biết đại khái đó là một vùng đạo Công giáo thành hình rất sớm ở Việt Nam, một phần nào đó mang một sắc thái văn hóa riêng biệt chịu ảnh hưởng sâu đậm của một tôn giáo lớn đến từ Tây phương, và vùng đất đó đã có một vai trò đặc biệt trong một số giai đoạn của lịch sử Việt Nam từ cuối thế kỷ 19 cho đến nay. Nhưng khi biết một cái gì chỉ có tính cách “đại khái” thì thường rất thiếu sót vì chỉ là một ý niệm mơ hồ chưa có các chi tiết cần thiết, đó là chưa kể nếu có sẵn một mớ định kiến nữa thì rất dễ biến những điều mơ hồ ấy thành những điều sai lệch. Cuốn Người Xưa Đất Cũ đã mở ra cho tôi và có thể cho nhiều người khác nữa các hiểu biết về vùng Bùi Chu Phát Diệm và giúp tôi điều chỉnh cái nhìn có thể nhiều lúc không chính xác lắm về vùng đất ấy.
Trước hết, qua tác giả, đó là một vùng đất ven biển dân chúng cũng nghèo khó không khác gì bao vùng quê khác trong đất nước chúng ta. Đó là một cái mẫu số chung cho toàn thể dân tộc Việt Nam qua bao nhiêu đời, người dân quê ở đâu cũng phải dãi dầu sương nắng trên đồng ruộng, nơi sườn non hay biển cả, và cũng đều mang tâm hồn hồn hậu chất phác như nhau. Dân chúng Bùi Chu theo Công giáo với tục lệ tín ngưỡng Tây phương, nhưng không vì thế mà người dân mất đi những nét của con người Việt Nam truyền thống. Đầu tiên là quần thể nhà thờ Phát Diệm, biểu tượng quan trọng nhất của đời sống tinh thần và tâm linh của cả họ đạo này, được linh mục Trần Lục xây dựng vào cuối thế kỷ 19, nổi tiếng là một kiến trúc vô cùng độc đáo, đã được tác giả nhìn ra những nét đặc biệt như sau:
“Thực ra nhà thờ không to lớn bao nhiêu nhưng vì được làm toàn bằng những cây gỗ và phiến đá nặng hàng mấy chục tấn nên ai cũng phải công nhận là một công trình kiến trúc khá vĩ đại có một không hai ở Việt Nam. Ngoài ra, lối kiến trúc Việt Nam có pha lẫn đôi chút nghệ thuật baroque của nhà thờ rất độc đáo, uy nghi mà vẫn mỹ lệ, duyên dáng, và nhất là đầy dân tộc tính.
... Cho mãi tới gần đây, trên một số những phù điêu và hoa văn, đặc biệt là quanh bàn thờ trong ngôi nhà thờ Đá (...) người ta đã phát giác những chi tiết thể hiện một cách rõ rệt sự hòa hợp giữa Thiên Chúa giáo với Phật giáo và Đạo giáo, giữa nghệ thuật cổ truyền Việt Nam với nghệ thuật Phục Hưng và Cổ điển Tây phương, và đặc biệt hơn nữa, giữa quan niệm triết lý vuông tròn rất nhân bản và thực tiễn của Việt Nam và hệ thống tư tưởng có tính cách siêu linh và nhiệm mầu của Thiên Chúa giáo, một sự phối hợp hết sức chặt chẽ, hài hòa và rộng lớn về nghệ thuật và tư tưởng có thể nói là chưa từng thấy được thể hiện ở bất cứ thời nào, nơi nào trên thế giới.”
Đã có người nhận xét rằng Việt Nam là một dân tộc có khả năng dung hóa những nét hay đẹp của văn minh thế giới và biến chúng thành văn hóa của chính mình. Quá khứ vài ngàn năm qua của dân tộc đã chứng tỏ điều đó đối với Nho, Thích, Lão. Riêng Thiên Chúa giáo thì còn quá sớm để có một kết luận, nhưng những điều tác giả Vũ Ngọc Ánh nhìn ra trong kiến trúc nhà thờ Phát Diệm cũng cho chúng ta thấy thấp thoáng cái tinh thần dung hóa ấy, và hơn nữa, chính tâm hồn ông cũng đã chứa đầy một truyền thống rất Việt Nam mới có khả năng nhìn ra những điều như “về phương diện đem Ki-tô giáo hội nhập vào nền văn hóa cổ truyền địa phương, cha Sáu đã phần nào đồng ý với các giáo sĩ Dòng Tên (les pères Jésuites) để rồi mạnh dạn đi trước Công Đồng Vatican hơn nửa thế kỷ ... Cha Sáu đã vô hình trung thành công một cách tuyệt diệu trong cố gắng Việt Nam hóa đạo Thiên Chúa qua quần thể nhà thờ lớn Phát Diệm, tác phẩm để đời độc nhất vô nhị của ông.”
Quần thể nhà thờ Phát Diệm đã nổi tiếng trong nửa đầu của thế kỷ 20, ngoài người Pháp, nhiều nhân vật nổi tiếng của thế giới đã đến đây để chiêm ngưỡng cái kiến trúc độc đáo này, và đặc biệt khi chiến tranh Việt Pháp đang diễn ra, nhiều người như giáo sư Honey thuộc Đại học London, nhà văn nổi tiếng Graham Green v.v... đã đến đây để tìm hiểu về vai trò của vùng đất này trước thời cuộc. Từ 1945 với những biến chuyển lớn của tình hình, khu Bùi Chu Phát Diệm đã nổi lên như một thế lực chính trị và đã đóng những vai trò rất độc đáo. Nhờ những ký ức của Sơn Diệm Vũ Ngọc Ánh chúng ta biết được con người và ảnh hưởng của Giám Mục Lê Hữu Từ đối với chính phủ Hồ Chí Minh lúc đó như thế nào; biết được rằng từ Cố vấn Vĩnh Thụy cho đến Chủ tịch Hồ Chí Minh, các ông Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Trần Huy Liệu... thời đó đều có về thăm Phát Diệm; biết được thế nào là “an toàn khu,” và nó đã đóng vai trò tạo ra một nơi cư trú an toàn cho các chiến sĩ quốc gia trước chiến dịch tàn sát của phe cộng sản ra sao... Không phải với cung cách của một sử gia mà chỉ là lối kể chuyện bình thường, Vũ Ngọc Ánh đã cho người đọc biết rất nhiều điều đặc biệt về một giai đoạn lịch sử vừa lớn lao vừa bi đát có liên quan đến vùng đất này.
Nhưng không phải chỉ là chính trị, văn nghệ mới là điều thú vị. Từ một vùng biển xa khuất, trong thời kháng chiến Pháp nơi đây đã trở thành một nơi thị tứ với rất đông văn nghệ sĩ thủ đô trên đường đi tản cư hay công tác đã ghé ngang qua. Và từ điểm này chúng ta mới biết đến một Vũ Ngọc Ánh nhạc sĩ, giao du rất rộng rãi với nhiều nhạc sĩ khác từ trước, và ông đã mở cửa đón họ vào nhà của mình giữa “mùa chinh chiến.” Những Tử Phác, Tô Vũ, Ngọc Bích, Hoàng Trọng, Nguyễn Văn Hiếu, Đỗ Thế Phiệt, Lương Ngọc Châu, Nguyễn Văn Quỳ v.v... đã đến đây. Cả Phạm Duy và gia đình khi “dinh tê” từ vùng kháng chiến cũng đã ghé qua nhà ông ngoại tác giả tại Phát Diệm trước khi về Hà Nội, nhưng đó là thuộc những năm về sau. Trong thời kỳ đầu kháng chiến tác giả đã cùng bạn bè làm một việc để đời, là tổ chức một buổi hòa nhạc cổ điển Tây phương ngay tại Phát Diệm, một việc không ai có thể hình dung nổi là có thể thực hiện được trong hoàn cảnh kháng chiến. Khi đọc những trang tác giả kể lại chuyện này, tôi thấy thú vị quá, đó quả là một biến cố văn nghệ rất lãng mạn mà toàn nước Việt Nam thời đó không nơi nào có được, kể cả trong các đô thị do Pháp kiểm soát. Nghiệm lại, thì thấy rằng chỉ có đất Bùi Chu với vị thế đặc biệt của nó về văn hóa cũng như chính trị thời đầu kháng chiến, với những người con mang tâm hồn đầy say đắm nghệ thuật như Vũ Ngọc Ánh thì mới đủ khả năng và sức thu hút để tổ chức nên một công tác nghệ thuật “động trời” như vậy.
Như đã nói ở trên, ông Vũ Ngọc Ánh trong thời đệ nhị Cộng Hòa ở miền Nam đã bước vào con đường chính trị, ông tham gia liên danh Đại đoàn kết và trúng cử vào Thượng viện, và đã có những hoạt động tích cực, ví dụ tổ chức đoàn văn nghệ đi ngoại quốc để tranh thủ sự ủng hộ bên ngoài Việt Nam trong thời kỳ hòa đàm Paris. Ngay cả thời gian tị nạn tại Hoa Kỳ ông cũng có một số hoạt động liên quan đến chính trị cho Việt Nam. Dù tất cả đều không đi tới đâu, nhưng ông đã kể lại cho chúng ta nghe mọi chuyện mà tôi nghĩ là một cách rất thành thật, và hy vọng đó sẽ là một ít tài liệu cho các nhà nghiên cứu sử sau này. Nhưng tự thâm tâm tôi, tôi thấy ông là một người giàu tình cảm, nhiều chất nghệ sĩ hơn là chất chính trị, vì thế các chương nói về âm nhạc, về đất lề quê thói của vùng biển Phát Diệm, về thời gian ông ra Hà Nội đi học, về chuyến về thăm quê gần đây sau mấy chục năm xa cách v.v... vẫn làm cho tôi xúc động một cách thú vị.
Một người xa quê từ tuổi thanh niên, sau khi đi tứ xứ trên thế giới nay ở tuổi 80 mới về thăm chốn cũ, lại được ăn một bữa cơm với những món quê mùa mộc mạc như xưa mà vẫn thưởng thức được một cách trọn vẹn chẳng khác nào thời niên thiếu, thì tôi cho đó là một hạnh phúc hiếm có ở đời. Thường thì người ta thất vọng, và khám phá ra rằng những nỗi niềm nhớ nhung các món ăn tuổi nhỏ chỉ là những ảo tưởng. Nhưng với Vũ Ngọc Ánh thì không.
“Sau cuộc thăm viếng Nhà Thờ đầy cảm xúc vui buồn lẫn lộn, chúng tôi thấy như được an ủi và đền bù một phần nào khi được Đức Cha cho hưởng dụng một bữa ăn trưa thanh đạm thuần túy miền đồng bể, với những món ăn mà kể từ khi di cư vào Nam, rồi sang đến Hoa Kỳ, tôi thường chỉ thấy trong những giấc mơ. Thực ra thì rau muống, rau lang, rau đay, rau mồng tơi, mắm tôm, đậu phụ v.v... đâu có thiếu trên đất Mỹ, nhưng nếu đem ra mà so sánh với những sản phẩm của Phát Diệm, những sản phẩm tại Mỹ chẳng khác gì đồ mạo hóa.”
Trong chương nói về âm nhạc, những mẩu chuyện ông kể tôi nghĩ có thể góp phần chi tiết cho một bộ sử về tân nhạc Việt Nam. Nhạc mới Việt Nam chịu ảnh hưởng của nhạc Tây phương, điều đó ai cũng biết, nhưng ảnh hưởng của sinh hoạt âm nhạc của một giáo xứ như Phát Diệm lên các con em của mình như Lê Hữu Mục, Đỗ Thế Phiệt, Vũ Ngọc Ánh... thì chưa chắc ai cũng biết. Nhưng tôi cũng bắt gặp đó đây những nét vô cùng uẩn áo của tâm hồn tác giả, lớn lên trong môi trường hấp thụ hầu như toàn nhạc nhà thờ và nhạc Tây phương, nhưng sức mạnh truyền thống Việt Nam xưa cũ lúc nào cũng sẵn sàng trào dâng, như đã được chứa đựng sẵn đầy ắp trong tâm khảm của ông. Ở tuổi thiếu niên, ông đã được nghe bài Tiếng Đàn (mà riêng tôi được biết đó là bài Bản Đàn Xuân) của Lê Thương sáng tác khoảng năm 1938, ông kể về “sự kiện” ấy như sau:
“... Trước hết đó là bản ‘Tiếng Đàn’ của Lê Thương. Vào khoảng 1937 hay 1938 gì đó, có một lần thân phụ tôi đi Hà Nội về hát cho mẹ tôi nghe một bài hát tiếng Việt tựa đề là ‘Tiếng Đàn Âm Thầm’ (?), nói là do một người tên là Lê Thương mới đặt ra.
Bố mẹ tôi đều rất lấy làm thích thú và khen bản nhạc không tiếc lời. (...) Riêng tôi, vốn quen nghe và hát những bài hát Tây, khi nghe bố tôi hát bài Tiếng Đàn tôi xúc động đến tê tái một cách thiệt khó tả. (...) Âm điệu buồn buồn của bài hát mới trên đây làm tôi tưởng nhớ tới những cái gì mang mang ở đâu đâu. Phải chăng ‘những cái gì mang mang ở đâu đâu’ đó là tinh thần dân tộc vẫn hằng tiềm tàng trong tâm hồn con người Việt Nam của tôi.”
Chẳng thế mà, đối với tiếng kèn đám ma Việt Nam, tác giả Vũ Ngọc Ánh có một ám ảnh rất sâu đậm, “tiếng kèn nghe bi ai và nức nở giống như tiếng một người đàn bà vừa khóc vừa kể lể một cách vô cùng áo não và thảm thiết ... tôi chưa từng được nghe một thứ nhạc nào buồn và ám ảnh một cách ghê gớm đến như vậy (...) Theo ý tôi, trong số mấy nhạc cụ mà âm thanh nghe ám ảnh nhất như sáo, bagpipe, đàn bầu, kèn Tàu v.v... kèn đám ma Việt Nam nhất định dẫn đầu.”
Đối với lứa tuổi lớp sau như chúng tôi (sinh vào cuối thập niên 1930, đầu thập niên 1940) thì những bản tân nhạc đầu tiên của Việt Nam thuộc về một dĩ vãng giống như thần thoại, trong đó hình ảnh của nhạc sĩ Đặng Thế Phong mang rất nhiều vẻ huyền hoặc. Những bản nhạc của ông, như Con Thuyền Không Bến, Giọt Mưa Thu, Đêm Thu
thì quá nổi tiếng, nhưng khác các nhạc sĩ đồng thời với ông như Dương Thiệu Tước, LêThương, Thẩm Oánh... mà chúng tôi được biết sau này, ông đã biến mất trước khi chúng tôi bắt đầu có trí khôn. Con người thật của ông đối với chúng tôi chỉ như là một vệt sương khói mơ hồ. Nhưng tôi hoàn toàn không ngờ được “gặp” ông trong cuốn Đất Cũ Người Xưa của Sơn Diệm, đây là lần đầu tiên tôi được “tiếp xúc” với ông một cách cụ thể.
“... Tiếp đó mấy năm sau (1941), vào một buổi tối mùa đông mưa phùn và lầm lội, tại Hội quán Hàng Quạt (Hà Nội), nhân dịp một buổi họp đại hội của Hội Truyền bá Quốc ngữ, Đặng Thế Phong trình bày tác phẩm mới nhất của anh: Con Thuyền Không Bến.
Bản nhạc đã được toàn thể hội trường tán thưởng một cách thực là nồng nhiệt. Riêng tôi, tôi hết sức xúc động. (...) Theo ý tôi lúc đó, Con Thuyền Không Bến quả thực đã đánh dấu một bước tiến dài của nhạc mới V.N. Và điểm này đã là nguyên nhân của sự xúc động và hào hứng của tôi.
Sau buổi họp, tôi cố la cà ở lại để có dịp gặp và nói chuyện với Đặng Thế Phong. Có người hỏi đùa họ Đặng: ‘Con thuyền không bến của anh thực sự là con thuyền nào đây?’ Đặng Thế Phong chỉ nhũn nhặn cười trừ không trả lời. Anh Nguyễn Hữu Đang lúc đó là Tổng thơ ký của hội lớn tiếng đoán mò: ‘Tôi biết! Con thuyền không bến của anh Phong là con thuyền Việt Nam chúng ta hiện nay đấy thôi’.”
Câu chuyện này có thể thành một giai thoại có ý nghĩa nhiều mặt cho chúng ta ngày nay!
*
Tôi thành thật biết ơn cuốn sách Đất Cũ Người Xưa của Sơn Diệm Vũ Ngọc Ánh, vì nó đã đem lại cho tôi nhiều hiểu biết về một miền đất đặc biệt của Việt Nam, cho tôi nhiều chi tiết về một thời kỳ lịch sử sôi động của đất nước và cải chính một số hiểu lầm có lẽ đã chất chứa nhiều năm trong lòng tôi. Tôi cho tất cả là do cái tâm rất thuần hậu của tác giả, quan niệm vừa phóng khoáng vừa hòa hợp của ông về dân tộc và tôn giáo, thái độ rất trí thức không thiên vị của ông trong nhiều vấn đề. Làm sống lại một cách linh động những gì đã qua trong đời mình, đâu phải là việc dễ? Một việc đơn giản nhất là “kể chuyện đời xưa” đâu phải là không cần nghệ thuật? Có thể ông không để ý nhiều về khía cạnh nghệ thuật khi viết cuốn sách này, nhưng ông đã đạt được sự thành công rất cao khi ông kể mọi chuyện một cách thành thật và với một sự mẫn cảm rất tinh tế trong nhận xét, có lẽ vốn là bản chất của con người vừa giàu tình cảm vừa có kiến thức rộng nơi ông.
Từ xưa đến giờ, những cái gì là đất cũ và người xưa luôn luôn cần thiết cho các thế hệ đang nối tiếp trong cuộc sống này. Mỗi thế hệ phải liên tục nhận được những bài học từ quá khứ. Nhất là đối với Việt Nam, một dân tộc đã trải qua quá nhiều biến cố và đổi thay trong suốt một thế kỷ qua. Tôi tin chắc rằng cuốn Đất Cũ Người Xưa của Sơn Diệm Vũ Ngọc Ánh sẽ là một tài liệu quý cho tất cả chúng ta, bây giờ và mai sau.
Phạm Phú Minh