Chủ Nhật, 24 tháng 5, 2020
Đỗ Quý Toàn: Tìm Thơ Trong Tiếng Nói (Tiệp ký. Bản mới 2020)
Thi sĩ Phùng Quán sau khi đọc cuốn Tìm Thơ Trong Tiếng Nói xuất bản lần thứ nhất năm 1992, đã viết cho tác giả một bức thư, với câu, “Lật đi, lật lại cuốn sách của bạn trong tay, tôi nảy ra ý nghĩ: chốc nữa mình sẽ gọi ông Toàn sang chơi, uống chén rượu, như mấy ông già nông thôn vẫn thường gọi nhau sang uống nước chè qua hàng rào dâm bụt.”
Thi chi nan ngôn dã - 詩之難言也.
Nói chuyện thơ
Năm 1851, Cao Bá Quát đang thu xếp hành trang từ bỏ xứ Thần Kinh để trở về Sơn Tây nhận chức giáo thụ, Tùng Thiện Vương gởi ông tập thơ, nhờ viết tựa. Cao Chu Thần viết: “Phù, thi chi, nan ngôn dã” – Ôi, cái chuyện thơ, khó nói thật!
Nhà thơ Cao Chu Thần không phải là người nổi tiếng về đức khiêm tốn, nhất là khi bàn về thơ phú. Nếu ông thú nhận chuyện thơ khó nói, chắc là khó nói thật, không phải ông chỉ nhún nhường giữ lễ với một người bạn bút mực – và một hoàng thân.
Chuyện thơ quả là khó nói thật. Tự nói cho mình nghe đã khó chứ đừng kể nói cho người khác nghe. Kẻ hậu sinh không phải không biết vâng lời dậy của người xưa, mà vẫn cứ viết về thơ như thế này. Chẳng qua là Thơ, cũng như sự sống, như hạnh phúc, mãi mãi cứ là một nỗi ám ảnh không thể nào quên nguôi, đeo đẳng mãi không rời. Như Thiền sư Chân Nguyên, hai thế kỷ trước, đã thổ lộ, “Nói ra là bị kẹt – không nói cũng chẳng xong!” (Hữu thuyết giai thành bảng – Vô ngôn diệc bất dung).
Mỗi lần cầm đến một cuốn sách khảo luận thi ca, tôi đều khấp khởi hy vọng được vén một tấm màn bí mật giúp mình hiểu thơ hơn một chút. Có nhiều tác giả viết về thơ một cách quả quyết, làm cho người đọc cũng an tâm. Có ông đặt tên sách của mình là “Âm và Nghĩa”, rồi biện giải về thơ một cách rất có trật tự, rất đầy đủ, giới thiệu các yếu tố âm và nghĩa tạo ra thơ như thế nào. Có bà trình bầy một cách phân minh ngay từ chương đầu, ba yếu tố căn bản của thơ là cơ cấu, nghĩa lý, và âm điệu. Với ba cái trụ đó, bà dựng lên một hệ thống giúp chúng ta hiểu rõ thơ hơn. Tôi rất khâm phục các tác giả viết về thơ, dõng dạc khẳng định là: “thời kỳ đó chỉ có một người này đáng gọi là thi sĩ” hay “thơ của ông ta chỉ có bài này là hay”. Nghe thấy an tâm như khi nghe một nhà giảng đạo (hoặc một bác sĩ về tâm thần) nói với cả ngàn người: “Mời quý vị nghỉ giải lao mười lăm phút; sau giờ giải lao tôi sẽ nói cho quý vị nghe làm cách nào để từ hôm nay trở đi quý vị có thể sống hạnh phúc!” Nghe hứa hẹn thấy sướng tai thật!
Sau khi Cao Bá Quát viết bài hậu tự cho Tùng Thiện Vương đúng 140 năm, tôi coi một cuốn phim dựa trên tiểu thuyết “Hội thi sĩ đã tan”. Một thầy giáo dạy Văn (tiếng Anh) yêu cầu học trò đọc bài tựa cuốn sác giáo khoa về thơ trong buổi khai giảng niên học mới. Học trò đọc: “Thơ gồm có hai yếu tố, một là…, hai là… Chúng ta có thể dùng một đồ biểu để tóm tắt, trục hoành độ là yếu tố thứ nhất, trục tung độ cho yếu tố thứ hai. Trên đồ thị đó, Shakespeare có thể đặt ở vị trí điểm S, Milton ở điểm M v.v…” Sau khi học trò ngây ngất với cách trình bày sáng sủa và hấp dẫn của một cuốn sách rất mô phạm, thầy giáo mới bảo: “Viết như cứt!” Và ông yêu cầu tất cả lớp xé trang sách giáo khoa đó đi. Xé! Xé! Đứa nào còn ngập ngừng thì ông thầy đến xé giúp. Ôi! Bàn đến chuyện thơ thật là khó nói vậy!
Nói ra là bị kẹt
Không nói cũng không xong
(Thiền sư Chân Nguyên, Nhất Hạnh dịch)
Thơ cũng giống như hạnh phúc, nói khó lắm, nhưng không nói thì trong lòng nó vẫn tấm tức làm sao ấy. Người đã làm thơ và đọc thơ mà lại bị cái trí tò mò tư lự nó ám, thế nào cũng ôm mối thắc mắc đó hoài. Thơ là cái gì nhỉ? Đặt câu hỏi đó rồi, đã thấy sai ngay. Nếu chưa biết nó là cái gì thì tại sao biết cái này hay cái kia là thơ để hỏi thơ là cái gì? Hay là hỏi cách khác: Cái gì là thơ nhỉ? Cái gì gây ra thứ rung động mà chúng ta, mỗi người cảm thấy khi nghe một thứ để ta gọi nó là bài thơ?
Bờ A Ba Huyền Bà
Chắc tôi sẽ không bị mối thắc mắc đó ám ảnh nếu tôi không sinh ra làm người Việt Nam, ở một làng quê cách Hà Nội dưới ba mươi cây số. Năm tôi lên năm tuổi, mỗi buổi tối mẹ tôi gửi tôi tới học Ông Giáo Đĩnh, là thầy giáo dậy chữ quốc ngữ duy nhất trong làng Đại Mão. Ông là con chú ruột tôi nên phải gọi tôi bằng anh, dù các con ông đều lớn hơn tôi. Một bữa ông cho tôi đề luận “Tả một chiếc ô tô.” Đến buổi học sau, tôi không có gì để nộp cả. Chú Giáo Đĩnh buồn rầu nói: “Bác đã mất rồi, tôi muốn dậy anh mấy chữ, anh phải lo chăm học. Tại sao anh không làm bài?” “Thưa chú, tôi chưa bao giờ thấy một cái ô tô!”
Đứa bé năm tuổi chưa bao giờ được thấy một chiếc xe hơi. Chưa bao giờ được đi giầy, đi dép, chưa bao giờ thấy đèn điện. Nhưng từ lúc lên ba tôi đã phải nghe thơ rất nhiều, nghe rồi thuộc lúc nào không biết. Bắt đầu là lời mẹ ru. “Con cò lặn lội bờ sông – Gánh gạo đưa chồng tiếng khóc nỉ non”. Rồi đến tiếng bố ngâm thơ: “Túy ngoạ sa trường quân mạc tiếu – Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi?” Không có sách hình để tô màu, không có truyện bằng tranh, không phim hoạt họa. Tiếp xúc đầu tiên của đứa trẻ với nghệ thuật, những rung động đầu tiên với cái đẹp là rung động ngôn ngữ. Nghe người ta đối đáp trong các đêm trăng hát trống quân. Chia sẻ nỗi sung sướng khi họ cất lên những câu cò lả lục bát thần tình.
Tôi sinh ra khi thầy tôi đã lớn tuổi, lúc tôi tập nói thì cụ đã gần 70. Hoạt động chiếm nhiều thời giờ nhất trong ngày của cụ là ngồi rung đùi ngâm thơ và trông con trong khi người mẹ lo chợ búa. Nghe những lời ngâm nga: “Bác chẳng ở dẫu van chẳng ở - Tôi tuy thương lấy nhớ làm thương” lòng đã thấy ngậm ngùi, dù chưa hiểu ý nghĩa. Thuộc lòng câu: “Hoàng hà viễn thướng bạch vân gian – Nhất phiến cô thành vạn nhận san” chỉ thấy vẻ đẹp mù mờ hiện lên dần dần, mỗi ngày mây, núi và sông lại rõ nét ra một chút. “Cái bống là cái bống bang – Mẹ bống yêu bống bống càng làm thơ”. Nghe ngọt ngào êm dịu, nhưng cái bống là gì, càng làm thơ nghĩa là làm gì thì lúc đó không thấy cần phải hỏi. Mà ngay đến bây giờ, già tuổi đầu rồi, nếu hỏi tại sao Nguyễn Khuyến lại bảo: “dẫu van chẳng ở”, “lấy nhớ làm thương” nghĩa là gì; hỏi cái “bống bang” có nghĩa thế nào, chắc tôi cũng vẫn ngập ngừng không dám trả lời dứt khoát.
Hồi nhỏ ở nhà quê chúng tôi đi học phải đọc thuộc lòng nhiều lắm. Ở nhà từ sách Tam Tự Kinh đến sách Gia Huấn của Trình Minh Đạo, đâu cũng là vần, là nhịp: Nhân sinh bách nghệ - Văn học chi tiên – Nho giả thị chân – Thi thư thị bảo ...” (Ở đời trăm nghề, văn học đứng đầu, nhà Nho là ngọc, thi thư là của báu). Khi đi học ở trường thì bài nào chúng tôi cũng học thuộc lòng; từ văn vần (Xuân đi học coi người hớn hở, gặp cậu Thu đi ở giữa đàng) cho đến văn xuôi (Ai bảo chăn trâu là khổ? Không, chăn trâu sướng lắm chứ). Không những mỗi cậu bé phải đọc bài cho đến thuộc lòng, mà nhiều bài cả lớp phải cùng đọc một lúc, theo nhịp gõ thước kẻ của thầy giáo.
Ở làng quê chúng tôi, đi qua một ngôi trường tiểu học thế nào cũng nghe thấy tiếng đọc bài tập thể, ê a, ngân nga, du dương, mấy chục cái miệng trẻ cùng đọc, như tụng kinh. Vần, điệu, nhịp cứ thế thấm vào tim, vào óc. Thử tưởng tượng, cả một lớp năm ba chục đứa bé đọc nhịp nhàng theo tiếng thầy giáo gõ trên bảng: “A huyền À, Bờ a ba huyền bà”.
Nghe bài hợp ca đó lòng cũng rung động rộn ràng không kém gì khi nghe ban hợp xướng cất tiếng “Freude! Freude!” Nói thật chứ không phải nói ngoa đâu. Ai không sống qua kinh nghiệm đó thì không thể nào hiểu được điều tôi vừa nói. Mà nếu không phải là người Việt Nam thì cũng không thể chia sẻ được. Người Việt bây giờ dậy trẻ em tiếng Việt ít khi cho các em học thuộc lòng các bài thơ; lại càng ít khi có cô giáo nào gõ thước kẻ lên bảng cho các em đồng ca các bài có vần điệu. Thật đáng tiếc. Không tập nói, tập nghe các âm thanh réo rắt đó thì không thể hiểu được mỗi lớp học đánh vần ngày xưa là một ban hợp tấu “Bài Ca Tụng Hạnh Phúc” trong Bài Giao hưởng số 9! Nói, đọc, ngân nga, lên xuống giọng, tiếng Việt Nam sẵn sàng biến thành những bài ngợi ca niềm vui thần thánh như bài thơ Shiller.
Bây giờ quý vị sẽ hỏi rằng tại sao bắt đầu nói chuyện thơ tôi lại kể chuyện học vần quốc ngữ lớp đồng ấu. Quả thật, chỉ vì “nói chuyện thơ, thật khó”. Sư tổ Cao Chu Thần đã dạy như vậy. Ước gì tôi có lòng tự tin như các học giả, nói như thánh phán. Thánh Thán, suốt một đời bình luận thơ văn, đã giảng 600 bài thơ Đường, bị xử tử trước họ Cao gần hai trăm năm, trước khi chết cũng không nói chuyện văn chương hay chính trị. Ông chỉ dặn vợ con một điều tâm đắc trong đời, là “dưa muối ăn với đậu vàng thì có vị như là hồ đào, nếu phép này được truyền lại thì ta chết cũng không ân hận”. (Theo Trần Trọng San). Thành ra chúng ta cũng không biết nếu nói về thơ, thơ nói chung, thì Kim Thánh Thán sẽ dạy thế nào. Một vị sư tổ khác, Paul Valery thì bảo “nói là đi, làm thơ là khiêu vũ”. Có người vin vào đó để giải nghĩa rằng thơ là lời nói có nhịp điệu. Có thi sĩ bảo cái gì không thể dịch sang tiếng nước khác được thì đó là thơ (Frost). Có người bảo khi viết thể này rồi đổi sang thể khác không được, thì đó mới là thơ hay (Lê Quý Đôn). Lại có người triệt để hơn, nói thơ hay là khi nào “dịch” sang cùng một thứ tiếng cũng không được (Samuel Taylor Coleridge). Bùi Giáng nói thẳng: “Thơ là gì? Không biết.” Nguyễn Tuân nhận xét “Định nghĩa về chất thơ… cũng khó như định nghĩa cho chất uy-mua – humour” Mà humour (u mặc) thì Lâm Ngữ Đường thấy nó cũng giống như là gãi lưng. Mình không biết đích xác ngứa ở chỗ nào, nhưng gãi nhè nhẹ chỗ nào cũng thú thú, gãi tới đâu sướng tới đó. Hoàng Đức Lương lại ví thơ như nem gỏi, ăn vào sướng miệng.
Đã bảo nói chuyện thơ là khó. Đã nói rồi là sẽ lan man nói đến chuyện nhẩy, chuyện cười, chuyện ăn, chuyện gãi ngứa, bao nhiêu thứ lạc thú khác trong cuộc sống. Rất ít khi có một người sành làm thơ và sành đọc thơ dám quả quyết: “Thơ là…” Chỉ các học giả và các nhà viết sách giáo khoa, vì lý do nghề nghiệp mới phải thuyết giảng một định nghĩa của thơ, hay của “chất thơ”. Eliot viết về các thi sĩ, về các bài thơ, về nhạc trong thơ, về vai trò xã hội của thơ, nhưng cũng rụt rè khi phải nói về thơ như một thực thể riêng. Ezra Pound rất là “thánh phán”, thay vì viết về thơ thì ông viết về chữ Hán, về Thiên Đường, về Vortex, tất cả các thứ đó sẽ giúp chúng ta biết thêm về thơ, từng chút một. Thơ, hóa ra như con voi, mỗi người chỉ sờ một chỗ, thật khó tường thuật lại cho đầy đủ.
Chuyện thơ cũng như chuyện hạnh phúc. Biết là nên sống hơn là bàn về mấy chuyện đó, nhưng rồi vẫn thắc mắc, cứ bàn. Mỗi lời bàn không giúp cho người nghe hiểu rõ về thơ, hay về hạnh phúc, nhưng người nghe chuyện sẽ biết thêm về người bàn. Biết họ đã sống thế nào, làm thơ, đọc thơ thế nào. Phải thú nhận, nói chuyện thơ là nói chuyện mình đọc thơ, làm thơ. Nói kinh nghiệm mình tiếp cận với thơ tự đầu đến giờ ra sao. Cố gắng tổng quát hóa, trừu tượng hóa, đặt thành qui cách là điều đáng khen ngợi. Nhưng cũng không đáng tin cậy bao nhiêu. Nếu chia sẻ được vài ý tưởng với ai chẳng qua chỉ là vì người ta đã sống qua kinh nghiệm đó rồi.
Vậy xin bắt đầu câu chuyện về thơ như thế này:
Thiếp trong quán phở chàng ngoài Bolsa!
Chị Hoa mới mở một quán phở.
Chị đặt tên là Chiêu Hiền Quán. Nói cái tên, để quý bạn thấy chị Hoa đã đọc biết bao tiểu thuyết, nhất là tiểu thuyết võ hiệp, lịch sử v.v… Chị Hoa biết tôi hồi xưa hay làm thơ, cho nên khi tôi đến thăm ngày mở cửa, chị muốn tôi “làm thơ phở.” Chị bảo: “Này ông thi sĩ, đừng có tặng mấy chữ “Khai trương Hồng phát”. Ông phải cho tôi một bài thơ để treo cho nó văn nghệ!” Mới đầu tôi tưởng chị nói đùa cho vui, không ngờ về sau mỗi lần tôi đến ăn phở chị lại nhắc: “Thơ đâu? Tôi còn để trống một góc tường để treo thơ ông đây này!” Hoặc năn nỉ: “Viết cho một bài đi mà, một bài ngăn ngắn ông viết mấy phút thì xong chứ gì?”
Chắc chị Hoa cũng nghĩ tôi có khả năng sản xuất thơ nhanh để phục vụ tốt mức sản xuất phở của chị. Khi hiểu rõ chị cố tình yêu thơ thật, và không muốn phụ một tâm hồn văn nghệ, tôi đành cầm bút viết – đổi lấy một tô phở, một ly cà phê – Tôi nghĩ đến những quán ăn có treo thơ của người Trung Hoa ở khắp thế giới với những câu như “Cao Bằng Mãn Tọa” (Bạn bè cao quý ngồi đầy; trích bài phú Đằng Vương Tôn Các rất nổi tiếng của Vương Bột, đời nhà Đường). Ở một quán ăn nhỏ và rất xập xụi ở Montréal, ngay sau lưng cô gái ngồi thu tiền cũng có một bài thơ đề trên bức tranh Bách Điểu Triều Phụng, mở đầu bằng câu: “Nhàn lai vô sự đáo Phượng Thành” – Phượng Thành (đọc Phung Sinh) là tên quán – chắc là con cháu Bàng Thống đặt tên đây.
Lấy ý của vị thi sĩ tiền bối vô danh ở quán Phượng Thành, tôi viết:
Vui chân tới quán Chiêu Hiền
Ít nhất, tôi tự nhủ, vui chân có vẻ đỡ uể oải hơn là “nhàn lai vô sự”.
Phở ngon lại có chuối chiên đậm đà.
Tôi đã định ký tên, đem treo, rồi ra xin tô phở; chị Hoa lại chê là ngắn quá, hai câu chỉ đáng bánh phở và nước, không có thịt hành, chanh, giá sống… Tôi phải viết tiếp hai câu nữa:
Tình quê phảng phất hương trà
Ngước lên, rạng rỡ mặt Hoa mỉm cười.
Vì chị Hoa không cho phép ai xúc phạm đến đức khiêm tốn của chị, nên ấn bản chót của bài thơ này được chị sửa lại là:
“Ngước lên lại thấy nụ hoa mỉm cười”.
Tôi chắc bạn đọc đã biết tôi kể câu chuyện trên để làm gì. Tôi muốn hỏi: Những câu thơ phở đó có phải là thơ không? Tôi nghĩ là không. Nhưng nếu có một người nào viết bốn câu tương tự đưa tôi coi và hỏi: “Ông coi thơ tôi làm có được không?”, tôi sẽ không nhăn mặt hỏi lại: “Cái này mà gọi là thơ à?” Trái lại, nếu người viết thiết tha muốn tôi phát biểu cảm tưởng, tôi sẽ nói: “Được lắm, viết trên sáu, dưới tám, đúng là thơ lục bát. Vần rất chỉnh”. Bởi vì, đó quả là thơ lục bát, viết đúng vần, và người viết chỉ ước mong viết đúng vần.
Đối với người viết ra, mấy câu họ viết với tất cả nhiệt tình, phải gọi là thơ. Hãy tưởng tượng một ngày nào khi chị Hoa ngồi đọc bốn câu thơ phở kể trên, có khi chị cũng cảm động. Biết đâu chị chẳng hồi tưởng lại cả quãng đời con gái, bao nhiêu chàng trai đã qua cửa cũng: “Ngước lên rạng rỡ mặt Hoa mỉm cười”. Và đối với chị, mấy câu thơ phở lúc đó nhất định là thơ. Nó mang lại cho chị những rung động “phiêu phiêu”, như Nhất Linh tả những rung động của cô Mùi khi đọc thư của anh Siêu.
Một cậu du học sinh hẹn hò cô bạn thân, mỗi buổi tối cuối tuần tới đón cô, sau khi cô làm việc trong một quán phở khu Little Sài Gòn. Cô yêu cầu anh bạn đừng vào trong quán, không muốn ai chú ý. Cậu đi qua đi lại trên đường Bolsa hoài, ngóng chờ bóng nàng xuất hiện. Một bữa tôi đọc cho cậu nghe câu thơ Chinh Phụ Ngâm do Đoàn Thị Điểm dịch:
“Nỗi lòng biết ngỏ cùng ai?
Thiếp trong cánh cửa chàng ngoài chân mây!”
Máu thi sĩ trong chàng thanh niên nổi lên! Chàng phóng tác ngay hai câu:
“Nỗi lòng biết ngỏ cùng ai?
Thiếp trong quán phở chàng ngoài Bolsa!”
Có thể tưởng tượng trong lòng chàng cũng giạt giào những rung động như bao nhiêu nhà thơ kim cổ khi họ bỗng thốt lên được thứ ngôn ngữ kỳ diệu có thể ngâm nga đêm ngày, nhất là ngâm cho một người nghe!
Vậy đây là một điều tôi muốn tạm đề nghị với bạn đọc: Thơ là những câu nói làm cho chúng ta rung động, nghĩa là lòng chúng ta nổi lên những tình tự mà nếu bỏ những lời nói đó đi, chỉ còn giữ ý tưởng trong đó thôi, thì tình tự không nổi lên mạnh như vậy.
Câu này không phải là một định nghĩa thơ. Tôi không định nghĩa, chỉ muốn tìm vài đặc tính của thơ. Mỗi đặc tính mô tả bằng một nhận xét. Dần dần chúng ta thấy một số điều khiến mình có cảm tưởng thơ là cái gì! Giống như ta muốn gọt một khúc gỗ để làm thành một pho tượng Thơ. Mỗi nhận xét là một nét cắt của con dao. Nhận xét sau sẽ cắt một đường mới, sửa lại nét cắt trước đó. Chỉ tay vào một pho tượng mình làm và được mọi người khen đẹp, một điêu khắc gia bảo: Tôi chỉ lượm một cục gỗ rồi cắt bỏ những chỗ thừa, đâu có tài gì đâu! Nhưng trước khi nhà điêu khắc cắt, ta chưa biết hết được những chỗ nào là chỗ thừa. Sau mỗi nhát dao ta lại ngó coi còn chỗ nào thừa không, rồi đưa nhát dao khác. Tôi đề nghị làm việc theo phương pháp đó, để dần dần có một khái niệm chung trả lời câu hỏi về thơ.
Mở những cửa sổ
Thử đọc câu thơ của Thái Tú Hạp:
Trong vườn em tháng Giêng vừa nẩy lộc
Con chim nào vừa hót dễ thương
Bây giờ thử quên những lời thi sĩ viết, thử giữ lại mấy ý chính. Có chuyện cây mới nở lộc trong vườn, có cô gái, có tiếng chim hót, người nghe thích tiếng chim lắm. Nếu chỉ nghe ai nói các ý tưởng như thế, chúng ta không rung động như đọc thơ Thái Tú Hạp.
Lại đọc câu thơ của Nguyễn Du:
Yên giao nhất vọng giai trần thổ
Thu nhật, thu phong mãn quan lộ.
Và diễn ý như thế này: Nhìn về nước Yên một cái, thấy đất với bụi mà thôi. Trên xa lộ nắng thu và gió thu nhiều lắm, đầy cả ra. Chỉ có thế thì không phải Nguyễn Du.
Nếu chỉ giữ những ý tưởng trừu tượng đó, bỏ những lời và cách xếp đặt lời của thi sĩ, chúng ta sẽ không thấy những rung động như cũ. Nói vậy chưa đủ. Bạn thử kiếm một người chưa bao giờ đọc mấy câu thơ trên, nói cho họ nghe mấy ý tưởng trong câu thơ, và hỏi họ có rung động không. Chắc là không. Nhưng khi tôi đọc những câu thơ, tôi xúc động “phiêu phiêu” giống như vừa chợt thấymặt mình,
Sáng nay ra phố mua gương
Về coi bản mặt dễ thương của mình
(Nguyễn Đức Sơn)
Vậy thơ có phải là thơ hay không là điều hoàn toàn chủ quan? Vì rung động của chúng ta là chuyện chủ quan. Nó không tùy thuộc bổn thân mỗi người, nó còn tùy thuộc ở hoàn cảnh sống, kinh nghiệm quá khứ, giờ phút lúc chúng ta đọc thơ, tiếng nói ta thường nói hàng ngày v.v… Bạn thử dịch mấy câu thơ sau đây ra ngoại ngữ:
Hôm qua anh đến chơi nhà
Thấy mẹ năm võng, thấy cha nằm giường
Thấy em nằm đất, anh thương…
(Ca dao)
Nghe thật là dễ thương. Nhưng một người ngoại quốc sẽ thấy đó là mấy câu thơ tả cảnh nghèo, không phải thơ tình. Hai tiếng “anh, em”, tiếng gọi “cha, mẹ” quá thân mật, người ngoại quốc nghe không thấy mùi mẫn như mình nghe chàng nói với nàng. Có thể dùng mấy câu thơ đó để kêu gọi phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, không phải để tỏ tình. Không cứ người ngoại quốc. Một thanh niên người Việt, nói tiếng Việt thông thạo, nhưng ở ngoại quốc từ nhỏ, cũng có thể nghĩ như vậy. Nhiều người cho đó là vè, không phải là thơ. Như có nhiều người cho rằng Lỡ Bước Sang Ngang của Nguyễn Bính chỉ là vè. Vậy biên giới ở đâu gọi là vè, bắt đầu từ đâu gọi là thơ, là chuyện chủ quan thật.
Nói như trên e rằng sẽ đưa chúng ta đến ngõ cụt. Nếu tất cả câu chuyện là chuyện chủ quan thì đâu còn gì để nói nữa. Mà cũng vẫn chưa trả lời câu hỏi tại sao có những bài mà hầu như ai ai cũng nhận là thơ, là thơ hay, là tuyệt tác.
Để tránh ngõ cụt trên, chúng ta hãy cùng đồng ý với nhau rằng trong cộng nghiệp của loài người chia sẻ rất nhiều tình tự và có rất nhiều phản ứng chủ quan giống nhau. Chung cho những đơn vị cá biệt có những nét đại đồng, nó khiến chúng ta cùng rung động trong một số trường hợp. Và rất có thể, cùng rung động theo một cách như nhau.
Đọc hai câu:
Kiều Thu, hề, Tố em ơi
Ta dong lửa đốt tơi bời Mái Tây.
(Vũ Hoàng Chương)
Tôi rất khích động và nhiều người Việt Nam cũng cảm thấy như vậy. Những người không bị khích động có thể vì không biết hai chữ Mái Tây nghĩa là gì, không cảm thấy chữ “dong lửa” gây ấn tượng nào, hoặc không quen âu yếm gọi hai tiếng “em ơi”…. Một người ngoại quốc, hiểu hai câu thơ trên qua bản dịch, có thể chỉ thấy một phần rất nhỏ trong câu thơ: ông này mất người yêu, giận quá, muốn đốt nhà. Riêng một phần nho nhỏ đó cũng có thể làm nhiều người cảm được nỗi đam mê mãnh liệt của tình yêu, của tình cảnh thất vọng bị người yêu bỏ. Nghĩa là nếu cho cả loài người đọc hai câu thơ đó, ai cũng có thể chia sẻ một số rung động chung. Cho người nói tiếng Việt, những rung động chung sẽ mạnh hơn nhiều, vì chúng ta chia sẻ những ấn tượng mà các tiếng “em ơi”, “dong lửa đốt” “tơi bời,” v.v… gợi lên trong lòng ta. Thu hẹp hơn nữa, vào một nhóm độc giả hiểu cả các điển cố sau câu thơ, nỗi sảng khoái càng lớn.
Thí dụ trên giúp tôi nhắc lại rằng tuy “rung động chủ quan” là tiêu chuẩn để ta nhận ra thơ, cái chủ quan của chúng ta có nhiều điểm tương đồng. Giống như mỗi người là một căn nhà, nhưng khi nắng xuân tràn về tất cả đều muốn mở cửa sổ hứng nắng. Một bài thơ lôi cuốn hơn những bài thơ khác vì đã khiến rất nhiều cửa sổ mở ra. Nhưng ít nhất, mỗi bài thơ đều đã mở cửa tâm hồn người viết, ngay cả khi đối với độc giả khác nó chỉ là vè.
Khi đồng ý như vậy thì ta dễ nói rằng dân Việt Nam là một dân tộc thi sĩ. Hình như ai cũng làm thơ, ở đâu cũng thấy thơ. Mở một tập báo của sinh viên, mở một “lá thư” của hội bô lão, kỷ yếu của hội đồng hương, lúc nào cũng thấy thơ. Khi còn ở Việt Nam, chúng ta thấy bao nhiêu là bài quảng cáo thương mại viết như thơ:
Tóc mai sợi ngắn sợi dài
Lan Sơn em gội thương hoài ngàn năm
(thuốc gội đầu)
Dù già cả dù ấu nhi
Sương hàn nắng gió bất kỳ biết đâu
Sinh ra cảm sốt nhức đầu
……………..
(thuốc cảm – theo Số Đỏ)
Hoặc các bài cổ động chính trị,
Tay cầm lá phiếu tự do
Phân vân không biết bầu cho người nào
Bầu cho, bầu cho người nào?
(bầu cử)
Người Việt Nam chọc ghẹo nhau bằng thơ:
Ba đồng một chục đàn ông
Chị bỏ vào lồng chị xách đi chơi
Bêu riếu nhau bằng thơ:
Chồng chung vợ chạ kìa cô Bố
Đậu lạy quan xin nọ chú Hàn
(Tú Xương)
Nếu chúng ta khó tính bảo rằng mấy vần thơ học trò, mấy bài thơ các bô lão mừng nhau con lấy vợ, cháu thi đậu, v.v… không phải là thơ, tức là chúng ta phủ nhận luôn cả một tính chất độc đáo của người Việt, một dân tộc thi sĩ. Mỗi dân tộc có những năng khiếu nổi bật về nghệ thuật. Một lần tôi ở trọ mấy ngày tại San Bonifacio, một làng nhỏ ở miền bắc nước Ý, giữa Venise và Verona. Sau vài ngày, tôi nhận ra một điều rất hay. Là ở đâu cũng thấy người ta treo tranh, nhưng tất cả là nguyên bản, không phải tranh in lại. Đó là những bức vẽ bằng sơn, màu nước, hay phấn tiên. Tranh treo trên tường một khách sạn nhỏ xíu mà gia đình tôi là khách trọ duy nhất; sáng chúa nhựt gia đình ông bà chủ trao chìa khóa cho tôi, nói rằng họ (ba thế hệ) sẽ đi picnic suốt ngày. Ở một quán cà phê trong ga xe lửa. Nơi nào cũng treo tranh sơn dầu nguyên bản. Không phải thứ tranh in trên giấy hay trên vải để treo phòng khách mà tôi thấy nhan nhản ở Bắc Mỹ.
Một buổi sáng ngồi uống cà phê trong phòng đợi nhỏ ở khách sạn đó, một ông cũng là dân làng ngồi bên, biết tiếng Anh lõm bõm, ông chỉ vào bức tranh trên tường nói: Tôi vẽ cái này. Và ông họa sĩ làng mời tôi về nhà coi xưởng vẽ. Ông hy vọng có ngày sẽ bày tranh triển lãm trên tỉnh. Sau, tôi quan sát những nơi khác ở miền Bắc Ý, tôi thấy ở đâu họ cũng treo tranh thật. Chắc đó phải là cả một truyền thống của một dân tộc đã sản xuất ra Leonardo da Vinci hay Michelangelo. Cũng giống như khi tới Salzburg vào mùa hè thì đi đâu cũng nghe thấy hòa nhạc. Ở Việt Nam đi đâu cũng nghe người ta nói có vần điệu như thơ. Đó là một đặc tính, một truyền thống của dân tộc. Cho nên tôi vui vẻ nghe một vị đọc mấy câu do chính ông đã viết, với đầy vẻ say sưa, cho các thực khách ngồi cùng bàn nghe. Khách có thể nghĩ mình đang bị bắt làm con tin để hành hạ. Nhưng đối với tác giả, đó chính là thơ thật, thơ hay nữa là khác.
Không phải nhạc sĩ nào ở Salzburg cũng là một Mozart. Không phải họa sĩ nào ở Ý cũng là một Botticelli.
Không phải ai viết lục bát cũng hay như Nguyễn Du. Nếu cả nước ai cũng làm thơ lục bát hay cỡ Nguyễn Du thì chắc nước mình sẽ điên hết. Nhưng nếu ai cũng muốn làm hay như Nguyễn Du thì dân mình sẽ rất đáng yêu, rất dễ thương. Thử ngẫm mà coi. Mình không bằng lòng với lối nói tầm thường, nhạt nhẽo. Mình muốn đánh dấu mỗi cảm xúc, nhấn mạnh mỗi ý tưởng bằng những lời nói đẹp. Mình muốn tự mình tạo ra những lời nói đẹp đẽ. Chẳng dễ thương lắm sao?
Bây giờ thử suy nghĩ coi làm thế nào mà câu nói của mình, vốn tự nhiên đã réo rắt, du dương, có khi lại còn trở nên lộng lẫy, huyễn hoặc, trở thành tiếng nói thơ.
(Còn tiếp)
-->
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét