Chủ Nhật, 15 tháng 3, 2020

Thảo Trường: Trước Mặt Sau Lưng

Chuyện tình thứ nhất đến với tôi do một sáng tác ngắn in trên tạp chí. Nàng lại tìm tôi sau hôm báo phát hành vài ngày, trên tay, tập báo có bài nàng ưa thích bị cuộn tròn và bóp chặt. Người con gái ấy đến với tôi hết sức sức bình thản và giản dị. Nàng nói:

- Truyện của anh đã chuyên chở được tâm hồn tôi.

- Nhưng chắc là không thỏa mãn được tất cả mọi người.

Nàng nhìn tôi, mắt mở to và sáng láng, mớ tóc nghiêng nghiêng:

- Như thế nghĩa là anh chưa hài lòng về mình?

Tôi chậm chậm:

- Cũng đúng. Nhưng tôi muốn nói rằng, những sáng tác dù hoàn hảo nhất, đã được nhiều người mến chuộng nhất cũng vẫn có những kẻ không bằng lòng, đôi khi thù ghét. Và sau này biết đâu, trong số, có em.

Cặp lông mày của người đối diện nhíu lại, giận dữ.

- Anh làm như Trang "lòng lang dạ thú" lắm, đến nỗi phải thù ghét anh.

Tôi dịu dàng:

- Không, anh không nói Trang hay thay đổi. Anh muốn nói đến những ý nghĩ của anh, đến những tác phẩm của anh. Không phải lúc nào anh cũng nghĩ như thế. Không phải truyện nào của anh cũng quyến rũ em như thế. Ngày hôm qua không phải là ngày hôm nay. Người con gái này không làm anh yêu bằng người con gái khác. Trước mặt không phải sau lưng. Đường đời là như vậy.

- Đường đời là như vậy. Nhưng Trang thấy con đường anh đi là con đường Trang tìm kiếm, anh luôn luôn ở đằng trước Trang. Những cái gì Trang xao xuyến, anh có cả.

- Anh có cả? Nếu thế thì chúng ta yêu nhau vì Trang cũng có gần đủ cho anh.

Trang cười hồn nhiên, mớ tóc ngang lưng Huế, đẹp êm đềm.

Nàng tỏ ra chăm sóc, khuyến khích tôi viết. Nàng nói:

- Anh đi trước Trang theo sau. Tình yêu của chúng ta là như vậy.



Bốn tháng sau tôi viết xong một truyện ngắn nữa. Khi báo đưa tới nhà, tôi nhảy lên xe đạp, phóng đi tìm Trang. Đến trước căn nhà có cây trứng cá, tôi gọi vào:

- Trang à.

Rồi liệng cuốn sách xuống bậc cửa. Trang chạy ra, tay ôm một cái chăn sợi ướt sũng. Trang đang giặt chăn để dùng vào mùa rét sắp về. Tôi nhớ tới cái chăn của tôi ở ngoài bắc ngày xưa, rách một miếng ở giữa nhưng ấm lắm.

Tôi định đạp xe đi, nhưng rồi ngần ngừ dừng lại. Ngồi trên yên tôi nhìn một sự hở hang thánh thần. Quần đen xắn tới đùi ướt sũng. Áo cánh ngắn tay rách một mảng ở vai ướt sũng. Chùm tóc rã rượi ướt sũng.

Đẹp.

Tôi nghĩ, nếu Trang "trần truồng đi trong mưa lạnh, gió thổi, trên một con đường có hai hàng cây thẳng tắp, nhất định phải đẹp. Cái đẹp thánh thiện, cứu rỗi, và người nhìn không thể nghĩ tới dục vọng".

Trang dùng một tay vừa cầm tờ tạp chí vừa mở thoáng một lượt.

- Cám ơn. Anh về đi. Trang đọc.

Tôi đạp xe một mạch về nhà chị gái. Suốt buổi sáng hôm ấy tôi nô đùa với các cháu và cơm trưa chị tôi cho ăn món gỏi thịt gà trộn với cải bắp có hành, cà chua, giấm, đường, ớt đỏ... Ngon vô cùng. Anh rể thì cho uống bia. Xong chị tôi mang ghế bố ra hiên và tôi ngủ trên ghế ấy. Tôi biết mang máng lúc tôi lơ mơ ngủ, chị mỗi lần đi ngang lại quạt cho tôi vài cái.

Tôi tỉnh dậy lúc ba giờ chiều. Trời nực khó chịu. Tôi thấy mệt mỏi trong người. Có tiếng một người con gái nói chuyện với chị tôi. Âm thanh trong đẹp và hình như quen thuộc lắm:

- Anh Hồ dạo này gầy đi phải không chị. Hồi còn ở ngoài bắc anh ấy khỏe mạnh hơn nhiều. Sao chị không lo liệu lập gia đình cho anh ấy. Để có người săn sóc. Tội nghiệp hồi nhỏ...

À thì ra là Thanh. Tôi nằm nghe em nói đây. Tôi thích được nghe lại những kỷ niệm thuở nhỏ. Dưới gốc cây bàng, trên cầu ao, bên hàng dậu ngăn nhà tôi với nhà em... và nhất là những buổi tối đi nhà thờ. Hồi còn nhỏ. Em còn nhớ. Và tôi cũng hằng nhớ.

Chị tôi nói:

- Tội nghiệp gì mà tội nghiệp. Tôi chẳng thương. Ai bảo cậu ấy cứ lang bang với những bạn hữu cũng lang bang. Thì tôi nhờ cô đấy. Cả nhà chả giao việc ấy cho cô ngay từ hồi nhỏ là gì.

Thanh im lặng. Tôi cũng nằm yên vờ ngủ để được nghe về mình. Lát sau Thanh trầm giọng:

- Anh ấy thiết gì em. Phải những cô... văn nghệ cơ chứ. Kỷ niệm không là gì, kể cả kỷ niệm thời thơ ấu, chị ạ.

Tôi muốn nhổm dậy nói lớn: "Không. Tôi không quên kỷ niệm Thanh ơi. Chỉ vì hiện tại của tôi quá náo nhiệt, sôi nổi nên tôi không có dịp nhắc lại kỷ niệm đấy thôi. Kỷ niệm bao giờ cũng quí giá. Tôi yêu và thương tiếc những gì của ngày xưa”.

Nhưng tôi vẫn nằm yên, mặt úp xuống. Tôi khóc rưng rưng. Tính tôi vẫn vậy, hễ có chuyện gì xúc động là tôi khóc ngay. Khóc rất thành khẩn.

Hai chị em họ cũng không nói gì nữa. Im lặng trong nhà. Tôi hít một cái mạnh đầy lồng ngực không khí rồi thở ra từ từ cho nhẹ bớt tâm tư, chờ cho khô mắt mới ngồi dậy.

Thanh và tôi nhìn nhau. Chào. Tôi đòi uống cà phê. Thanh đứng dậy đi pha không nói. Tôi nhìn cà phê nhỏ giọt. Nhìn Thanh khuấy đường trong tách cà phê. Thanh đem đến cho tôi. Tôi uống bằng mắt. Mây bay gió thổi trên tách cà phê. Năm ngón tay mọng hồng như năm dòng suối đào nguyên chảy cả một nguồn linh hồn xuống cõi trần gian khốn khổ. Tôi ực một hơi cạn cả lưng trần gian. Thanh đứng chờ lấy tách. Cười tôi. Tôi cười lại thỏa mãn. Chị gái thì ngồi nhìn và cười cả hai đứa.

*

Tôi về tới nhà thì nhận được mấy dòng chữ trách móc của Trang. Kèm theo là mảnh giấy cắt ra từ tờ tạp chí: "... nàng trần truồng đi trong mưa lạnh, gió thổi, trên một con đường có hai hàng cây thẳng tắp, nhất định phải đẹp, cái đẹp thánh thiện cứu rỗi..." Những dòng chữ Trang viết: "... Anh đã hư hỏng. Điều này Trang không ngờ, dùng cả những tiếng của tín ngưỡng để diễn tả cái đẹp trần tục của anh. Sỉ nhục là thế và anh đã gẫy đổ rồi…”

Tôi buồn Trang vô cùng. Trang không hiểu tôi. Trang không nghĩ như tôi. Hai chúng tôi không nhìn bằng cùng một cái nhìn. Mỗi đứa một góc cạnh khác biệt. Tôi biết là Trang thành thực mới trách móc tôi. Nhưng như thế là đủ khiến nhau phải dừng lại. Chúng tôi tự do nên chúng tôi có thể cứ tiếp tục nhìn đời bằng cái nhìn riêng của mỗi đứa. Tôi sẽ không yêu Trang nữa. Chúng tôi sẽ không yêu nhau nữa bởi cái nhìn của chúng tôi không hòa hợp. Tôi sẽ tiếp tục đi trên con đường của tôi. Trang cũng vậy. Từ trước tới giờ vẫn vậy. Thế mà chúng tôi cứ tưởng là đã đi chung nhau để cùng hướng về một đích. Bây giờ tôi không tin là có đích, có một nơi nào đó cao đẹp mà ở đấy con người có thể dừng chân. Không. Đường đời vô tận. Chết là ngã gục dọc đường. Dừng lại ở đoạn nào chả được cứ gì phải là thiên đàng hay hỏa ngục. Thế nên đường ai ấy đi, trí óc ai người ấy nhìn. Mắt Trang và mắt tôi cũng dương ra mà ngó cuộc đời nhưng trí óc chúng tôi không nhận thức như nhau. Trang ơi! Thế là chúng ta chẳng còn gì ở nhau cả. Em là em và tôi là tôi. Tôi lúc này cũng đã khác với tôi lúc trước. Tôi đã bảo sẽ có một ngày em sẽ thù ghét văn tôi mà lại. Khổ lắm! Tôi khóc đây. Trang ơi!

Thế rồi tôi không gặp Trang nữa và tôi thường lại nhà Thanh. Thầy mẹ Thanh hỏi chuyện tôi ân cần. Chị gái thì hỏi xin Thanh làm vợ cho tôi. Còn tôi định bỏ viết truyện để khỏi mất Thanh như đã mất Trang. Nhưng Thanh nói:

- Sao anh lại bỏ. Nếu vì em mà anh từ bỏ ý thích thì cả hai chúng ta cùng thua lỗ và mất mát nhiều. Anh cứ viết đi. Những gì anh nhìn và cho là phải thì em cũng nhìn và cho là phải. Thanh sẽ nhìn thế giới qua anh, qua cái nhìn của anh, bằng cái nhìn của anh... Như thế...

Tôi ngắt lời Thanh:

- Như thế là em nô lệ anh chứ không phải em yêu anh. Tôi không muốn là kẻ đi

chiếm đoạt. Cô biết chưa? Chiếm đoạt không có sự giao cảm. Tình yêu không phải là như vậy.

Thanh khóc. Tôi cũng khóc và bỏ ra về.

*

Mất một năm trằn trọc viết một truyện của mình mà không xong, tôi bị dày vò nhiều vì những ý nghĩ về tình yêu. Tại sao tôi cứ phải suy nghĩ. Tại sao tôi cứ phải lý luận tình yêu là thế này là thế kia. Trang ơi! Thanh ơi! Yêu không chưa đủ sao? Lại còn phải định giá rồi mới chấp nhận được ư? Tôi chỉ là kẻ bày vẽ những chuyện không đâu. Tôi đã làm khổ những hai người. Tôi yêu Thanh, tôi yêu Trang, nhưng thật tôi không xứng đáng với người nào cả.

Có lần tôi nằm mê thấy mình xếp hàng nhập vào một đoàn người dài chờ lấy vé xuống hỏa ngục. Tình cờ trước mặt tôi là Thanh, sau lưng tôi là Trang. Cả hai cùng mặc đồ đen và cùng u buồn. Tôi nghĩ rằng xung quanh tôi là sự bao vây của kỷ niệm. Tôi đã bị ràng buộc với hai người ấy. Tôi nói:

- Đông người lắm, Thanh và Trang ra ngoài kia. Chờ. Để tôi lấy vé cho.

Người đàng sau nói:

- Không được. Tôi phải tự làm lấy, dù đông người cũng sẽ đến lần. Anh vẫn ở phía trước. Bao giờ cũng vậy.

Người trước mặt trả lời:

- Tôi thì chiều người chứ không thích được người chiều. Anh biết thế chứ?

Tôi buồn rầu:

- Ba chúng ta ở ba vị trí. Không thể hợp nhau được, tuy có lúc rất gần gũi.

Xâu người chuyển dịch dần về phía trước. Chúng tôi im lặng một lúc lâu. Chợt bốn mắt ngước nhìn tôi và hai người cùng hỏi; "Lâu không thấy anh lại đằng nhà chơi".

Tôi trả lời: "Gia đình các cô là những ly nước rất trong và rất mát. Tôi chỉ là cục sạn".

Đêm ấy về, như một gã thương binh, linh hồn tôi loạng choạng trên những dòng bản thảo.