Thứ Ba, 31 tháng 3, 2020

Phạm Phú Khải (VOA Blog): Mẹ Nấm, nước Mỹ, quyền có ý kiến và quyền phê bình

Mẹ Nấm và TT Donald Trump tại Tòa Bạch Ốc, 7 tháng 11, 2019. (Hình: Facebook Nguyen Ngoc Nhu Quynh)

Vào ngày 23 tháng Ba, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh (NNNQ), tức Mẹ Nấm, viết một bài trên trang Facebook của mình, với tựa “Cuộc tranh luận về thuốc điều trị sốt rét sẽ đi đến đâu?”. Trong bài này, NNNQ bày tỏ sự quan tâm khi một số người Việt, trong cũng như ngoài Việt Nam, xem thuốc điều trị sốt rét có thể chữa Covid-19. NNNQ biện luận rằng cần phải tìm hiểu kỹ lưỡng vì tác hại của thuốc này là rất lớn. Bài viết gây nhiều tranh cãi và thu hút được sựquan tâm của nhiều người. Cho đến lúc viết bài này (28 tháng Ba) thì đã có 697 người thích, 992 còm, và 745 chia sẻ (share).

Xin mở ngoặc một chút ở đây. Tôi không biết NNNQ. Nhưng tôi có dịp xem phim Mẹ Vắng Nhà do VOICE thực hiện. Tôi đã viết một bài về đề tài này. Chưa đầy ba tháng sau bài này, nghe tin NNNQ được trả tự do và đang trên đường bay sang Mỹ vào ngày 17 tháng 10 năm 2018, tôi rất mừng cho NNNQ, bà Nguyễn Thị Tuyết Lan, và hai con của cô. Tôi luôn cảm phục tinh thần dấn thân, quyết tâm và can trường của những người như NNNQ. Không phải ai cũng làm được. Đó là một cái giá đắt phải trả, không chỉ riêng NNNQ mà còn bao nhiêu người khác. Mẹ cô và hai con cô không có tội tình gì mà cũng bị liên lụy. Điều đó rất bất công. Chỉ có một xã hội cộng sản và độc tài mới đối xử công dân của mình như thế! (*)

Trở lại status của NNNQ về đề tài thuốc sốt rét, thì lý do tại sao nó gây nhiều tranh cãi gây gắt đến thế?

Hẳn nhiên có rất nhiều lý do mà người ta ủng hộ hoặc chống đối status này. Nhưng tôi xin tóm gọn vào ba điều sau đây, theo nhận xét riêng của tôi: đụng chạm đến ông Trump, đến một sốngười Việt tại Mỹ, và vì có những nhận xét hơi vội vàng.

Lê Phan: Khi người Đức gọi nữ thủ tướng là ‘Mutti’

Bức ảnh Thủ Tướng Angela Merkel đi chợ mua đồ dùng, gồm 4 chai rượu và ít cuộn giấy vệ sinh, ở Berlin, được mạng xã hội lan truyền rộng rãi. (Hình: Twitter)

Người dân Đức thân mật gọi bà thủ tướng của họ là “Mutti,” tiếng Đức có nghĩa là “Mẹ.”

Trong bài diễn văn đầu tiên cho đất nước từ khi nhậm chức, Thủ Tướng Angela Merkel bình tĩnh kêu gọi lý trí và tinh thần kỷ luật của các công dân để làm chậm sự lan truyền của virus, công nhận là một người lớn lên ở Đông Đức Cộng Sản bà cảm thấy khó khăn phải từ bỏ những quyền tự do, nhưng vì là một khoa học gia nhấn mạnh là những dữ liệu khoa học không đánh lừa chúng ta.

Rồi, cũng mặc bộ đồ pant suit màu xanh đậm trong khi đọc bài diễn văn truyền hình, bà thủ tướng 65 tuổi đi chợ ở siêu thị địa phương để mua thức ăn, rượu và giấy vệ sinh cho căn “apartment” của ông bà ở Berlin. Đối với bà, đó là việc bình thường, nhưng những tấm hình chụp bởi một ai đó ở cái siêu thị nhỏ đã được chia sẻ trên toàn thế giới như là một dấu hiệu trấn an của sự lãnh đạo bình tĩnh trong giai đoạn một cuộc khủng hoảng toàn cầu.

Đó là lý do tại sao người Đức đã thân mật gọi bà mà Mutte.

Từ khi có đại dịch coronavirus, bà Merkel đã tái khẳng định sức mạnh truyền thống của bà và xác định vai trò lãnh đạo của bà sau hai năm mà ngôi sao của bà đã có vẻ bắt đầu lu mờ dần, với chú ý tập trung vào thường xuyên có cãi cọ trong liên minh cầm quyền và vấn đề của đảng bà vẫn còn tìm người thay thế bà.

Hiền Lương: Phố vắng người giàu, không vắng người nghèo



“Chính những người nghèo này đang làm cho cuộc sống của chúng ta trong thời ‘đại dịch’ trở nên bình thường. Họ vẫn bán buôn, vẫn cung cấp các dịch vụ cần thiết hàng ngày, bất chấp dịch bệnh và sự thiếu bảo vệ đối với sức khỏe của chính mình”.

Nhà giáo Vũ Thị Phương Anh nhận xét và kêu gọi ở đây rất cần sự cẩn trọng, bởi “chính họ cũng có thể là một nguồn lây nhiễm vì sự thiếu bảo vệ. Tất nhiên là họ bất chấp bởi vì chưa chết dịch thì có thể đã chết đói rồi. Bảo vệ họ vừa thể hiện tình thương vừa là bảo vệ chính mình và cộng đồng. Có ai quan tâm và bảo vệ họ không?”. (1)

Rất có thể vụ án ‘cướp Bách Hóa Xanh’ tại Sài Gòn vào chiều cuối tuần (2) là không mấy liên quan đến chuyện làm ăn đình đốn bởi dịch bệnh nên người ta phải chọn nghề ăn cướp, mà là cướp có súng ống đe dọa sát thương. Song đây cũng là một báo động cho chuyện hè phố vắng, hàng quán thì ‘bán đi’ không ‘bán ngồi’ (3)

Đôi khi những điều quan trọng với những người lao động ở hôm nay, đó chỉ là có đủ tiền thuê trọ tháng này, có đủ tiền lo ăn uống cho gia đình vài ngày tới, kịp hạn trả nợ tiền lãi chợ đen...

Trong mùa dịch, nhiều người nghèo vẫn lầm lũi mưu sinh, nhưng thu nhập của họ đã giảm đi rất nhiều. Có lẽ cần câu cơm của người nghèo trong mùa dịch vẫn ‘chạy đều’, thậm chí là nằm trong chính sách ưu tiên của Chính phủ về ‘mua hàng online’ là nghề có tên gọi rất Tây: “shipper”. Đã đặt hàng qua mạng, thì ắt phải có người đi giao hàng – tức shipper.

Thiên Hạ Luận (VOA Blog): Ai đã khiến giá gạo rẻ như bèo?

Trung Quốc đột ngột tăng kim ngạch nhập khẩu gạo từ Việt Nam lên đến hơn 700% trong hai tháng đầu năm 2020, sau hai năm trầm lắng. Photo VietnamBiz

Tuần này, sự bất nhất của chính phủ trong việc xuất cảng gạo đã tạo ra một trận bão mới trong dư luận (1).

Giữa bối cảnh cả thế giới chao đảo vì tác động của dịch viêm phổi Vũ Hán và nông dân đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) điêu đứng vì hạn hán, nước mặn từ biển tràn vào sông rạch, ruộng vườn, mất mùa, thiếu đói là nguy cơ nhãn tiền, xuất cảng hay tạm dừng xuất cảng gạo không chỉ là vấn đề thời sự, đòi hỏi sự khôn ngoan, bản lĩnh của hệ thống công quyền mà còn là dịp để người ta nhìn ra bao điều bất cập, thân phận khốn khổ của nông dân lẫn sự bất ổn của hệ thống chính quyền!

***

Trương Châu Hữu Danh – một trong những nhà báo đeo bám ĐBCSL rất chặt và rất rành rẽkhu vực này tường thuật trên facebook: Việt Nam không thiếu gạo. Gạo vẫn còn đầy trong các kho từ kho của Cục Dự trữ Quốc gia đến kho của các doanh nghiệp, chưa kể nguồn lúa đang thu hoạch. Ngay sau khi có lệnh tạm dừng xuất cảng gạo, giá lúa gạo lập tức giảm 500 ngàn đồng/tấn nhưng thương lái vẫn ngưng thu mua. Cấm xuất cảng gạo vào lúc này thì nông dân chết trước, thương lái chết sau, kế đó là các ngân hàng (2)…

Vũ Kim Hạnh – một trong những người được xem là rành rẽ thị trường Việt Nam và ĐBSCL, chia sẻ trên facebook: Việc nhấn mạnh sự kiện Trung Quốc tăng mức nhập cảng gạo của Việt Nam đến 600% không có ý nghĩa vì mức nhập cảng gạo Việt Nam của Trung Quốc trước đó rất thấp. Thành ra có tăng 600% cũng chỉ chừng 66.000 tấn gạo, trị giá chừng 37 triệu Mỹkim. Năm nào Việt Nam cũng dư sáu, bảy triệu tấn gạo, năm nay cũng vậy. Bà Hạnh thắc mắc: Lúa trong kho còn. Doanh nghiệp cần đảo kho. Nông dân cần trả nợ ngân hàng, chuẩn bị vụ mới. Lúa được giá, không thiếu gạo, vụ Hè Thu chỉ 100 ngày nữa sẽ có lúa mới, sao đột nhiên dừng xuất cảng gạo? Bà Hạnh kể: Lệnh tạm dừng xuất cảng gạo làm giá lúa rớt, nước mắt nông dân rớt theo vì họ biết, sắp tới, giá lúa có… trớn sẽ… rớt tiếp (3).

Chủ Nhật, 29 tháng 3, 2020

nguyễn đức tùng: vàng xưa đầy dấu chân

Thái Thanh, Phạm Đình Chương. Ảnh Cao Lĩnh.
Chiếc xe buýt dài chở chúng tôi từ bờ biển cực nam Thái Lan ngược lên phía bắc để vào trại tị nạn, thỉnh thoảng dừng lại dọc đường. Đoàn xe có ba chiếc. Mỗi khi xe dừng ở trạm đổ xăng hoặc quán giải khát, chúng tôi ngồi im trong xe, không đưa đầu ra ngoài, chờ, cho đến khi được lệnh xuống xe, nhưng không đi quá xa. Một lần xế chiều, xe dừng lại ở quán nước dọc bờ biển. Trong xe có những người kiếm đâu ra được ít tiền dollars Mỹ hoặc tiền bath Thái, mua nước uống hoặc cà phê, loại pha sẵn trong ly nhựa, có đá vụn, hồi đó rất lạ, nhưng hầu hết bọn thanh niên chúng tôi không có tiền, đứng thẫn thờ tụm năm tụm ba ngoài sân, ngơ ngác như gà mất mẹ. 

Trong quán giải khát, nhạc mở ầm ĩ từ mấy cái loa phóng thanh rất lớn. Bỗng giữa chừng chúng im bặt một lúc lâu, rồi một bài hát tiếng Việt bất ngờ phát ra. Đó là bản nhạc khá xưa, nhưng nhiều người trẻ hơn tôi vẫn chưa kịp nghe thì xảy ra biến cố ba mươi tháng tư, sau đó tất nhiên bị cấm. Tôi nhận ra giai điệu quen thuộc. Người đi qua đời tôi trong những chiều đông sầu. Mưa mù lên mấy vai gió mù lên mấy trời. Người đi qua đời tôi hồn lưng miền rét mướt. Vàng xưa đầy dấu chân đen tối vùng lãng quên. Ríu rít, say sưa, chợt cười chợt khóc, dào dạt lòng người, trong buổi chiều nắng xế, chim bay về rừng, mây bay về núi. Mắt tôi nhòa đi, đất trời lay đổ. Giọng hát của ai? Một người trả lời, Thái Thanh. Đúng rồi. Chỉ có Thái Thanh mới hát như vậy. Phạm Đình Chương phổ nhạc bài thơ Người Đi Qua Đời Tôi của Trần Dạ Từ. Lời thơ cực tả kinh nghiệm và cảm xúc trong tình yêu, nhạc và ngôn ngữ hòa quyện mật thiết uyển chuyển, réo rắt, hợp với giọng người hát. Hình ảnh trong thơ đẹp, sang trọng, giàu chất tượng trưng, vần điệu trong thơ đã làm nền cho ca khúc. Giọng hát ngây ngất, phát âm tròn chữ, khi xuống thì xuống hết bực khi lên thì thênh thanh như mây trời. Giọng hát ấy đến từ những ngày xa xưa Hà Nội thời kháng chiến chống Pháp đến Sài Gòn thủ đô miền Nam tự do, nâng đỡ bởi âm nhạc của Phạm Duy, Văn Cao, chất melancholy của Phạm Đình Chương, và êm như tơ trời Ngô Thụy Miên. Bài hát tiếp theo cũng tiếng Việt, hình như do một ca sĩ

Đàm Trung Pháp: Giới Thiệu Tác Phẩm Mới - Một lối đi riêng vào cõi thơ


Đây là một tác phẩm văn học hấp dẫn mà tôi được hân hạnh giới thiệu cùng quý độc giả bốn phương. Được xuất bản vào đầu năm 2020, cuốn sách 234 trang tựa đề Một lối đi riêng vào cõi thơ [1] là nơi tác giả Vĩnh Đào viết về 27 bài thơ Việt, Pháp, Anh, Hán “từ nhiều thời kỳ, từ nhiều chân trời khác nhau.” Tác giả đã căn cứ vào các bài thơ thế giới tự mình lựa chọn đó để giải thích – qua một “lối đi riêng” – tại sao chúng có giá trị đặc sắc, đồng thời mời độc giả cùng đi với ông trong một cuộc du ngoạn thi ca “vừa bổ ích, vừa thư thái, nhẹ nhàng.” Cùng chung một đam mê thưởng thức thi ca thế giới, tôi đồng tâm với hầu hết quan điểm về văn học của tác giả. Mục đích chính của buổi thuyết trình hôm nay là để tôi chia sẻ cùng quý vị một vài suy tư tương đắc của chúng tôi về thi ca. Tôi cũng xin nói thêm rằng chúng tôi không quen biết nhau trước buổi ra mắt sách hôm nay tại Viện Việt Học [2] và rằng chúng tôi cũng không có cùng một “gốc gác” hàn lâm vì tác giả Vĩnh Đào là một sản phẩm đại học Pháp, và tôi là một sản phẩm đại học Mỹ. 

Cuốn sách trình bầy trang nhã, với giấy in nhẹ, khổ vừa dễ ôm ấp trong tay, và nỗ lực in ấn cẩn trọng không thấy lỗi đánh máy. Cụm từ “lối đi riêng” trong tựa đề là một lời mời lôi cuốn độc giả. Cái lối đi ấy vào cõi thơ của tác giả là một lối đi từ tốn để cảm nhận qua trực giác cái đẹp của thi ngữ, và đòi hỏi một nỗ lực trí tuệ để tìm hiểu bối cảnh của mỗi bài thơ liên hệ. 

Phạm Công Thiện: Anh Sẽ Hiện

Hình minh hoạ, Freepik
Anh sẽ hiện ồ anh sẽ hiện
Cả rừng cây không ai lên tiếng
Bóng tối tràn vũ trụ tan hoang
Tiếng thơ kêu trên đầu con kiến

Kiến lửa ngày xưa đốt mộng mơ
Nằm nghe con ngựa nhảy qua bờ
Em về bên ấy quên đi nhé
Anh chẳng bao giờ biết đến thơ

Một hàng áo trắng phất trong sương
Vũ trụ chiều nay sao quá buồn
Tôi đắp kín mền trong gác lạnh
Nghe mùa xuân dậy ở Đông phương

Trần Doãn Nho: Một truyện rất Huế, ‘Thương Nhớ Hoàng Lan’

Nhà văn Trần Thùy Mai. (Hình: Tuổi Trẻ Thủ Đô)

“Thương Nhớ Hoàng Lan” do nhà xuất bản Văn Mới (California, Hoa Kỳ) xuất bản năm 2003, là tuyển tập gồm 18 truyện ngắn của một nhà văn nữ xứ Huế, Trần Thùy Mai.

Tôi ghi nhận một vài nét tổng quát như sau:

- Chất Huế, tính Huế, vị Huế và hồn Huế bao trùm trong hầu hết các truyện, từ địa danh, nhân vật cho đến tâm tình và cung cách ứng xử. Khung cảnh trong truyện gần gũi, quen thuộc có thể bắt gặp đâu đó trong đời sống Huế hằng ngày, đến nỗi nếu là người Huế, ai cũng mường tượng chúng xảy ra ở đâu, vận vào loại người nào.

- Tất cả đều là truyện tình, truyện nào cũng đậm đà, có đầu có đuôi, phong phú về sự kiện, dồi dào về chi tiết, nhiều chi tiết khá lạ và gây ấn tượng.

- Về văn phong, Trần Thùy Mai không theo xu hướng thời thượng cách tân khá phổ biến sau này ở nhiều cây bút trong cũng như ngoài nước. Hơi văn chị nhẹ nhàng, sâu lắng, quy cách. Về nội dung, Trần Thùy Mai tập trung viết về những chuyện đời thường, nên bật những xung động, những rối rắm trong các quan hệ tình cảm giữa cá nhân-cá nhân, giữa cá nhân và gia đình/xã hội. Trần Thùy Mai hầu như không quan tâm đến những vấn nạn xã hội, chính trị thời đại. Bởi thế, dù hầu hết khung cảnh và sự kiện diễn ra sau 1975, truyện dựng nên một Huế y như Huế vẫn… cứ như thế độ nào, không tìm thấy bất cứ dấu vết gì của một cuộc đổi đời ghê gớm sau biến cố Tháng Tư, 1975.

Thứ Bảy, 28 tháng 3, 2020

Trịnh Y Thư: Đại dịch COVID-19, đọc lại La Peste của Albert Camus

Nằm nhà rảnh rỗi suốt những ngày đại dịch Coronavirus Disease-2019 (COVID-19) hoành hành khắp nơi trên thế giới, tôi lại kệ sách lấy xuống cuốn tiểu thuyết La Peste của Albert Camus đọc lại, và sau khi đọc tôi bỗng giật mình vì những gì đang xảy ra quanh tôi ngày nay đã được Camus miêu tả thật chính xác cách đây trên 70 năm.

Trong cuốn tiểu thuyết này, xuất bản năm 1947, với bối cảnh là thị trấn Oran, xứ Algerie – lúc đó còn là thuộc địa Pháp – Camus thuật câu chuyện xoay quanh một trận dịch hạch khủng khiếp, tàn phá tan hoang cả thị trấn, và khi trận dịch chấm dứt thì không một ai trong thị trấn không bị ảnh hưởng, nặng là cái chết, nhẹ tuy may mắn sống sót nhưng cả thể xác lẫn tâm hồn chẳng còn như cũ nữa. Cuốn sách hiển nhiên hàm chứa nhiều tư tưởng Hiện sinh, nhiều ẩn dụ, thậm chí có những câu văn đa nghĩa, và tất cả hình như quy chiếu vào tính cách, định mệnh và thân phận con người trong một thế giới phi lý, biểu hiện bởi thần thoại Sisyphus – kiên trì lăn tảng đá lên đỉnh núi, để tảng đá lăn xuống chân núi, rồi lại bắt đầu ra sức lăn lên.

Bạn hãy cùng tôi đọc lại cuốn tiểu thuyết quan trọng này của Camus để biết đâu chúng ta tìm ra được những điểm song song giữa cuốn tiểu thuyết hư cấu và những sự kiện thực tại đã và đang xảy ra trong cuộc sống vào những năm đầu của thiên niên kỷ thứ ba này.

Camus thuật, tại thị trấn Oran, thoạt đầu có hàng nghìn con chuột chết ngoài đường phố, nhưng mọi người chẳng ai lưu tâm và chỉ hốt hoảng sau khi báo chí loan tin. Chính quyền địa phương, do áp lực của công luận, phản ứng bằng cách cho nhân viên hốt xác chuột đem đi đốt, mà không biết là làm như thế chỉ khiến dịch bệnh nhiễm truyền nhanh hơn và tác hại khủng khiếp hơn.

Tự phủ nhận hình như là một thuộc tính của con người, nhất là những con người nắm trong tay quyền lực. Không một chính quyền nào, xưa cũng như nay, dân chủ hay độc tài, muốn một xã hội hoảng loạn. Bằng mọi cách, nhiều khi bằng mọi giá, họ phải bưng bít sự thật, phủ nhận sự thật, cùng lúc che giấu càng nhiều càng tốt những khiếm khuyết, sai lầm với hy vọng mọi chuyện sẽ êm thắm trôi qua trong bóng tối và lãng quên. Đó là cái gì xảy ra tại Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc, tháng 11, 12 năm 2019, khi COVID-19 mới được phát hiện. Có bao nhiêu mạng người chết oan vì quyết định vô luân này của nhà nước Cộng sản Trung Quốc? Và nếu thế giới biết sớm hơn thì có lẽ tình trạng ngày nay, như bên Italy, bên Iran, không đến nỗi nguy khổn trăm bề. Chỉ là một giả định, nhưng là giả định đầy thuyết phục.

Trần Mộng Tú: Khoảng Cách Giữa Những Bông Hoa

Hình minh hoạ, INA FASSBENDER/AFP via Getty Images

(Gửi gia đình và các bạn tôi)

Thượng Đế gửi những con Siêu Vi tới để chúng lấp đầy những khoảng cách trống rỗng của loài người.

Siêu Vi đến giữa mọi người, rẽ ngang, rẽ dọc, len vào từng khe hở. Nó không lựa người giầu, không chê người nghèo. Màu da nào cũng được, tôn giáo nào nó không cần biết. Bằng cấp và địa vị ư, nó gạt qua một bên len vào giữa. Chẳng có sổ Thông Hành nào thoát, chẳng có bức tường cao ranh giới nào xây lên mà nó không thể vượt qua. Nó lên thuyền ra đại dương, nó vào phi cơ bay ngang bầu trời thế giới. Từ thầy tu, lãnh tụ, tài tử, thầy thuốc, khoa học gia, nhà ảo thuật, triệu phú cho tới những kẻ không nhà, nó tới với ai người đó phải chấp nhận. Khó lòng mang nó ra khỏi nơi nó đã chiếm ngự. Nó tới, mang theo tàn phá và chết chóc.

Có phải Thượng Đế thật sự gửi nó tới để trừng phạt loài người, để phân chia loài người. Hay Thượng Đế gửi nó tới để lấp khoảng trống giữa con người với con người. Dạy cho loài người biết thương nhau, biết chấp nhận nhau hơn, tìm đến gần nhau hơn.

Chúng ta học được điều gì giữa khoảng cách đôi bờ sinh tử này. Vẫn có người đi theo con siêu vi chui vào giữa khoảng cách trống đó để kiếm thêm tiền (phần đông là những kẻ đã có sẵn tiền). Lừa đảo vẫn sẩy ra giữa đôi bờ sinh tử.

Moustapha Dahleb: Nhân loại rúng động và xã hội sụp đổ vì một con nhỏ xíu (NTT dịch)

Một thứ gì đó thật nhỏ, kích thước siêu vi, tên là Coronavirus đang làm đảo lộn hành tinh. Một thứ gì đó, không nhìn thấy được, đã đến đây áp đặt luật của nó. Nó đặt lại vấn đề cho mọi thứ và làm đảo lộn tất cả những trật tự có sẵn. Mọi thứ đang bị sắp xếp lại theo kiểu khác, cách khác.

Điều các cường quốc Tây Phương không làm được ở Syrie, Lybie, Yemen... thứ nhỏ xíu kia đã làm được : ngưng bắn, đình chiến…

Điều quân đội Algerie không làm được, thứ nhỏ xíu kia đã làm được : Hirak* đã chấm dứt....

Điều các nhà đối lập chính trị không làm được, thứ nhỏ xíu kia đã làm được : lùi ngày bầu cử.

Điều các xí nghiệp không làm được, thứ nhỏ xíu kia đã làm được : dời hạn trả thuế, miễn thuế, cho mượn tiền với lãi xuất bằng không, quỹ đầu tư, giảm giá nguyên liệu chiến lược...

Điều các ‘Gilets Vàng’ và nghiệp đoàn không làm được, thứ nhỏ xíu kia đã làm được : giảm giá xăng dầu, gia tăng quyền lợi xã hội...

Bỗng nhiên, chúng ta thấy tại Tây Phương nhiên liệu xuống giá, ô nhiễm suy giảm, mọi người bắt đầu có thời gian, nhiều đến mức không biết phải làm gì với nó. Cha mẹ bắt đầu tìm cách hiểu thêm con cái, con cái tập sống nhiều hơn với gia đình, việc làm không còn là điều ưu tiên và du lịch, thú tiêu khiển không còn là mức đo của một cuộc sống thành đạt.

Bỗng nhiên, trong yên lặng, chúng ta quay về với nội tâm của chính mình và hiểu được thế nào là giá trị của những chữ ‘đoàn kết’ và thế nào là sự ‘yếu đuối, dễ bị đánh ngã’.

Bỗng nhiên, chúng ta hiểu rằng tất cả đều ở trên cùng một chiếc thuyền, giàu cũng như nghèo. Chúng ta nhận thấy mình đã cùng nhau dọn sạch ngăn kệ các cửa hàng và nhận ra bệnh viện đang đầy ắp người và đồng tiền không còn chút gì quan trọng nữa ! Rằng tất cả chúng ta đều là con người đang phải đương đầu với Coronavirus.

Ts Phạm Trọng Chánh: Nguyễn Du - Homère Và Bệnh Dịch

Nguyễn Du mất năm 1820, lúc 54 tuổi, giữa cơn dịch khủng kiếp từ Á sang Âu. Dịch tả phát xuất từ Ấ́n Độ sang nước ta cuối triều vua Gia Long, đầu triều vua Minh Mạng, có khoảng trên hai trăm ngàn người chết từ Bắc chí Nam, cơn dịch theo một người lính đi tàu từ Ấn Độ về đến cảng Toulon nước Pháp gây truyền nhiễm làm tiêu hao phân nửa dân số Âu Châu thời bấy giờ.

Quan Cần Chánh học sĩ Nguyễn Du vừa được cử làm Chánh sứ đi sứ lần thứ hai, chưa kịp đi thì mất. Ngô Thời Vị được cử đi thay. Nguyễn Du đang ở Phú Xuân, bên cạnh ông chỉ có người cháu Nguyễn Thắng con Nguyễn Ức. Nguyễn Du không kịp để lại một di chúc gì, ông chỉ bảo người nhà sờ tay chân xem lạnh chưa, người nhà bảo : lạnh và nhà thơ nhắm mắt ra đi.

Phải đến năm 1892 bác sĩ Robert Koch (1843-1910) người Đức sang Ấn Độ điều tra, mới tìm ra vi trùng bệnh dịch tả, nguyên do ô nhiễm nguồn nước, người Ấn Độ tiêu tiểu, vất tro, vất xác người đốt chưa hết và thú vật chết, thải rác và tắm rửa uống nước cùng một dòng sông. Tôi có đi Ấn Độ năm 2007 đi thuyền trên sông Hằng, xem cảnh đốt xác bên bờ sông, nhìn dòng sông, tôi than sông Hằng sao dơ bẩn quá, người hướng dẫn du lịch chạm tự ái, ông vốc ngay một vốc nước rửa mặt, ông nói sông Hằng thiêng liêng luôn luôn trong sạch.

Tại Việt Nam, ngay tại Sài Gòn ngày trước cùng có những dòng sông như Rạch Cầu Bông nước sông đen ngòm, nhà chồ trên bờ sông, tiêu tiểu vứt rác xuống sông, trẻ em bơi tắm trong sông. Sống trong cảnh ấy có lẽ người Ấn Độ, người Việt Nam có nhiều kháng thể hơn các dân tộc khác ?

Tôi đi Trung Quốc năm 2009, có đi thăm các chợ vùng Quảng Tây, người Trung Quốc con gì cũng ăn, làm thuốc, từ sừng tê giác giá đắt hơn vàng trị cả bệnh ung thư, đến các con tê tê cho bữa ăn sang trọng, dơi phơi khô chất từng giỏ cần xé, chó mèo quay treo lủng lẳng… nào ai nói đến những con vi khuẩn từ động vật hoang dã. Nào ai biết chuyện một ngày nào đó có thể xảy ra.

Thứ Sáu, 27 tháng 3, 2020

Trọng Thành: Đại dịch covid-19 - Một cơ hội hiếm có để xét lại tiến trình toàn cầu hoá hiện nay

Hubert Védrine. © RFI/Sébastien Bonijol@
Đại dịch virus corona đang làm đảo lộn hành tinh. Điều chưa từng thấy kể từ Thế chiến thứ hai. Hàng chục quốc gia thực thi chính sách phong toả toàn bộ hoặc một phần với hy vọng hãm đà bùng phát của dịch. Phong toả là cần thiết, nhưng không thể kéo dài. Vác-xin cũng không thể sớm có. Để tránh dịch bùng trở lại sau thời kỳ phong toả, xã hội hiện nay cần nhiều thay đổi triệt để. 

Trong bài trả lời phỏng vấn Le Figaro hôm 22/03/2020, cựu ngoại trưởng Pháp Hubert Védrine đặc biệt chỉ ra rằng chính tiến trình toàn cầu hoá, với hai đặc điểm tiêu biểu là giới tài chính được rảnh tay mặc sức làm mưa làm gió, và sản xuất công nghiệp được bố trí tại những nơi giá nhân công rẻ mạt nhất, đã là một cội nguồn căn bản dẫn đến cuộc khủng hoảng virus corona hiện nay. Du lịch thương mại hoá cũng bị điểm mặt là một nguyên nhân dẫn đến khủng hoảng. Nhận định về cội nguồn sâu xa của đại dịch, Hubert Védrine đề xuất những hướng đi cho tương lai, để cho các xã hội, trước hết là các xã hội phương Tây, tránh rơi vào vết xe đổ. 

RFI giới thiệu cuộc phỏng vấn của Le Figaro với cựu ngoại trưởng Pháp, mang tựa đề ‘‘Đại dịch virus corona đang khiến nhiều niềm tin sâu xa tan thành tro bụi’’. Phỏng vấn do nhà báo Anne Fulda thực hiện. 

***

Le Figaro : Theo ông, cuộc khủng hoảng virus corona cho thấy điều gì trên phương diện quốc tế ? 

Huyền Minh (RFA): Có thật Bắc Kinh “không bận tâm” khi tàu sân bay Mỹ ghé thăm Đà Nẵng?

Hình minh hoạ. Tàu sân bay của Mỹ USS Theodore Roosevelt ở biển Philippines hôm 18/3/2020. Reuters
Chuyến ghé thăm và giao lưu tại cảng Đà Nẵng giữa thuỷ thủ và nhân viên trên tàu sân bay USS Theodore Roosevelt với phía Việt Nam hồi đầu tháng 3 như là một minh chứng cho bước phát triển của quan hệ quốc phòng Việt - Mỹ.

Bỏ qua những khác biệt về chính thể cũng như ý thức hệ, Việt Nam và Hoa Kỳ có thể được coi là “các đồng minh tự nhiên”, khi tìm thấy quan điểm chung về việc duy trì hoà bình và an ninh trên khu vực biển Đông, đồng thời cùng đối mặt trước một nhân tố gây bất ổn tại khu vực biển này, đó chính là Trung Quốc.

Cũng chính vì mối đe doạ qua các hành động hung hăng của Trung Quốc tại biển Đông, đặc biệt giai đoạn từ 2007 tới nay, quan hệ Việt - Mỹ đã có bước phát triển nhanh chóng. Tuy nhiên, cũng chính vì sự cản trở từ Trung Quốc, quan hệ Việt - Mỹ vẫn còn chưa đạt đến những bước đi như mong đợi.

Nhận xét về chuyến viếng thăm này của tàu USS Theodore Roosevelt, có nhiều ý kiến khác nhau. Có nhà nghiên cứu người Nga cho rằng “Bắc Kinh không bận tâm” vì điều này quá bình thường.

Vậy quả thực Bắc Kinh thực sự không bận tâm trước vì điều này theo Trung Quốc xảy ra là bình thường?

Trần Tiến Dũng: Cúi đầu tri ân ruộng lúa, hột gạo, chén cơm miền Nam

Mùi thơm của từng chén cơm mà tinh hoa thực dưỡng luôn trọn vẹn sự hóa thân của sức lao động, mồ hôi, nước mắt. (Hình: Pille-Riin Priske/Unsplash)

Thật không phải đạo khi thiên hạ đồng lòng vinh danh các món ngon Việt Nam mà quên để cho khẩu vị mở cảm xúc hướng về chén cơm trắng, cội nguồn sự sống, chủ thể mọi thực phẩm trên mâm cơm của từng người Việt hiện hữu trong lòng nền văn minh lúa nước.

Người miền Nam, trước sau vẫn là cộng đồng đa sắc dân, chọn các vùng đồng bằng trồng lúa nước để góp phần làm nên non sông gấm vóc. Cứ mỗi năm vào mùa gặt hái lúa mùa, không chỉ con người mà cả thần linh, tổ tiên, ông bà cùng tất cả người khuất mặt đều hiện về trong ánh nắng chói chang trên cánh đồng vàng rực màu lúa chín.

Trời mây xanh ngắt, các thửa ruộng, bờ mương phủ đầy các loài hoa hòa quyện thơm lừng mùi lúa mới. Vào những ngày đó, dù bạn chưa đói bụng cũng đầy trong mắt hân hoan hình ảnh chén cơm trắng bới vun, và hẳn đâu chỉ những người đang sống và cả bao người khuất mặt cũng hiện ra để hương linh được hưởng thụ hương gạo trắng, cơm mới.

Trân Văn (VOA Blog): Nói tiếp về ‘nhậu thiếu, hát chịu’ của Đảng



Tháng trước, nhiều người mỉa mai ông Nguyễn Phú Trọng, khi tại dịp kỷ niệm 90 năm ngày thành lập đảng CSVN, ông tuyên bố, tổ chức chính trị do ông là Tổng bí thư là: Một đảng cách mạng chân chính có đường lối đúng, có tổ chức chặt chẽ, có đội ngũ cán bộ, đảng viên trong sạch, gương mẫu, tận tuỵ, gắn bó máu thịt với nhân dân, được nhân dân ủng hộ thì đảng đó có sức mạnh vô địch, không thế lực nào ngăn cản nổi trên con đường dẫn dắt dân tộc đi lên (1).

Tháng này, cho dù chính phủ liên tục khuyến cáo mọi người hạn chế ra đường, không tụtập đông người, cho dù virus gây dịch viêm phổi Corona tiếp tục lan rộng với các diễn biến càng lúc càng đáng ngại nhưng các tổ chức đảng cấp cơ sở trên toàn Việt Nam vẫn được chỉ đạo phải tiến hành đại hội cấp cơ sở theo “đúng yêu cầu, tiến độ” mà Ban Chấp hành Trung ương (BCH TƯ) đảng CSVN đã đề ra. Tường thuật về các đại hội đảng cơ sở vừa… chỉ ra, đúng là không thế lực nào có thể… sánh được với “đảng ta”!

***

Các đại hội đảng cơ sở cho thấy, ở nhà vì người khác, tránh lây nhiễm cho nhau và lây nhiễm cho cộng đồng là khuyến cáo dành cho dân, còn đảng viên là ngoại lệ. Tường thuật của VOV (Đài Phát thanh Quốc gia) về đại hội của Chi bộ 3, phường Kim Liên, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội khắc họa rất rõ điều đó. Trên đường đi dự… đại hội, nhiều đảng viên của chi bộ này đã tạt vào những hàng quán có sự tụ tập… hơi đông người để nhắc quần chúng giữ khoảng cách với nhau và giáo dục họ tốt nhất là nên… về nhà (2)!

Thứ Năm, 26 tháng 3, 2020

Branko Milanovic: Cái Nguy Thực Sự của trận Đại Dịch là sự Sụp Đổ của Xã Hội (Mặc Lý dịch)

Khi kinh tế toàn cầu tan rã, các xã hội cũng có thể tan rã theo (Branko Milanovic).

(Bản dịch bài “The Real Pandemic Danger Is Social Collapse” của Branko Milanovic, đăng trên tạp chí Foreign Affairs, ngày 19/03/2020. Branko Milanovic hiện đang dạy tại Graduate Center of the City University of New York (CUNY), ông từng là kinh tế gia trưởng trong Ban Nghiên Cứu của World Bank.)

Cho đến tháng 3, 2020, toàn thế giới bị ảnh hưởng bởi một con ác quỷ mà họ chưa tìm thấy cách đối phó hiệu quả, kéo dài bao lâu thì chưa ai có thế tiên đoán chính xác. Những tác hại về mặt kinh tế từ trận đại dịch do con vi trùng mới này gây ra, không nên được hiểu như một vấn đề thông thường mà kinh tế vĩ mô có thể giải quyết hay làm giảm bớt được. Thay vào đó, thế giới có thể chứng kiến một thay đổi cơ bản về tính chất của nền kinh tế toàn cầu.

Cuộc khủng hoảng trước mắt là về chuỗi Cung và Cầu. Chuỗi Cung đi xuống vì các công ty đóng cửa hay giảm giờ làm để bảo vệ công nhân không bị lây nhiễm COVID-19, căn bịnh gây ra bởi con vi trùng mới này. Tiền lời hạ xuống không thế bù đắp việc công nhân không đi làm được, cũng y như nếu một xí nghiệp bị dội bom, tiền lời hạ xuống không làm sản phẩm làm ra lúc trước xuất hiện ngày hôm sau, hay tuần sau hay tháng sau.

Dao động chuỗi Cung này còn bị bồi thêm với sự suy giảm của chuỗi Cầu, do ở việc người ta bị nhốt ở nhà và nhiều vật phẩm dịch vụ thông thường họ quen dùng thì không còn nữa. Nếu bạn đóng cửa biên giới và không phận, không có cách khuyến mãi hay đáp ứng về cầu nào có thể làm người ta bay. Khi người ta sợ hay bị cấm đi ăn nhà hàng hay tham gia các sự kiện công cộng, đáp ứng về cầu chỉ có thể có ảnh hưởng chút xíu, mà cũng không nhất thiết là ảnh hưởng tốt, nếu ta coi sức khỏe cộng đồng là trọng.

Hoài Hương-VOA: COVID-19: Anthony Fauci là ai?

Bác sĩ Anthony Fauci, Giám đốc Viện Bệnh dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Quốc gia của Hoa Kỳ trong một cuộc họp báo về vụ bộc phát dịch corona ở Washington ngày 28/1/2020. REUTERS/Amanda

Nổi tiếng trong giới khoa học và nghiên cứu y khoa từ nhiều thập niên nay, nhưng chỉ mới gần đây Bác sĩ Anthony Fauci, Giám đốc Viện Bệnh dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Quốc gia của Hoa Kỳ, mới thường xuyên xuất hiện trước công chúng - tại cuộc họp báo hàng ngày của Tòa Bạch Ốc về dịch COVID-19, và trong các cuộc phỏng vấn trên đài phát thanh và truyền hình Mỹ và quốc tế.

Lãnh đạo Viện Bệnh dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Quốc gia Hoa Kỳ từ năm 1984, ông và các cộng sự nghiên cứu và tìm cách ứng phó với các dịch bệnh mới kể cả Zika và Ebola, SARS, MERS, Antrhax, HIV/AIDS, bệnh lao, bệnh sốt rét, bệnh cúm v.v...

Từ đầu thập niên1980, ông là một trong số ít nhà khoa học đầu tiên nhận ra là thế giới đang ở bên bờ vực của một dịch bệnh mới, HIV-AIDS, và từ đó là người dẫn đầu nghiên cứu về bệnh này. Thoạt tiên bị các bệnh nhân AIDS chỉ trích dữ dội, Bác sĩ Fauci bây giờ được họ coi là một người hùng đã đóng góp lớn lao để kiềm chế bệnh AIDS, cho phép nhiều người sống với bệnh AIDS và tiếp tục cống hiến cho xã hội.

Ông là bác sĩ hàng đầu của Hoa Kỳ trong lĩnh vực bệnh truyền nhiễm, người đi tiên phong trong các công trình nghiên cứu cơ bản và lâm sàng về sinh bệnh học và các bệnh truyền nhiễm.

Trong cương vị đó, BS Anthony Fauci là cố vấn của 6 Tổng Thống Mỹ, Cộng hòa cũng như Dân chủ- từ TT Reagan cho tới TT Trump.

Minh Luật: LHQ chất vấn chính phủ Việt Nam - “Phạm Chí Dũng bị bắt vì kêu gọi hoãn EVFTA”

Hình minh hoạ. Nhà báo độc lập Phạm Chí Dũng. Courtesy of FB Phạm Chí Dũng

Một nhóm các chuyên gia nhân quyền Liên Hợp Quốc đã gửi kháng thư chất vấn chính phủ Việt Nam về việc bắt giam nhà báo độc lập Phạm Chí Dũng, theo trang web lưu trữ Báo cáo truyền thông của Hội đồng Nhân quyền LHQ cập nhật vào hôm 22/3.

Kháng thư đề ngày 22/1/2020, được đăng tải công khai trên web của cơ quan này sau 60 ngày theo quy định, mô tả cáo buộc bắt giam ông Phạm Chí Dũng như là một hành động trả thù cho hoạt động tuyên truyền nhân quyền của ông.

Nội dung kháng thư cho biết, từ năm 2014, ông Phạm Chí Dũng, với tư cách là Chủ tịch Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam, đã xuất bản nhiều bài báo nhằm nâng cao mối quan tâm của công chúng Việt Nam về quyền con người, đặc biệt là quyền tự do ngôn luận, quyền lao động và công đoàn độc lập, phản ánh các vấn đề bắt giam những người bảo vệ nhân quyền, và sự quấy rối đối với xã hội dân sự độc lập.

Đáng lưu ý, kháng thư dẫn lại nguồn tin cáo buộc nói rằng, ông Phạm Chí Dũng bị bắt vì đã gửi thư kiến nghị kêu gọi Nghị viện Châu Âu hoãn phê chuẩn Hiệp định Thương mại Tự do giữa Việt Nam và Châu Âu (EVFTA).

“Vào ngày 10/11/2019, hai tuần sau khi Ủy ban Thương mại của Nghị viện Châu Âu đến Việt Nam, ông Phạm Chí Dũng gửi thư kiến nghị kêu gọi Nghị viện Châu Âu hoãn phê chuẩn EVFTA cho đến khi chính phủ Việt Nam đáp ứng được các tiêu chuẩn nhân quyền cụ thể. Tuần sau, ông Phạm Chí Dũng đã cho các đồng nghiệp biết, ông đã nghe thông tin từ những người trong Bộ Công an nói rằng ông ấy có nguy cơ bị bắt vì đơn kiến nghị”, kháng thư viết.

Tiến Sĩ Jonathan London (Đại học Leiden, Hà Lan): Virus corona - ‘Đâu phải tại Trung Quốc’

Lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình

Có lẽ chúng ta cần vượt qua lối nói chung chung “Đại dịch này là do nước Trung Quốc”. Ta cần chỉ mặt đặt tên ai mới chính là kẻ có tội.

Một đất nước có bao giờ làm gì đâu, chỉ có những con người và nhóm người cụ thể, như Hitler, đảng Quốc xã, Mao Trạch Đông, Đặng Tiểu Bình, Kissinger, Pol Pot… mới là những kẻ đã gây ra sự việc.

Không phải quốc gia Rwanda, mà chỉ một số người cụ thể mới chính là những kẻ đã thực hiện tội ác diệt chủng.

Đúng vậy. Chỉ một số kẻ ở Trung Quốc, phe nhóm của ông Tập Cận Bình và chính ông ta, đã cố tình giấu nhẹm thông tin và dập tắt những nỗ lực chống dịch kịp thời để rồi mãi cho đến nay ta vẫn không biết rõ thực chất điều gì đã xảy ra.

Quá trễ mất rồi?


Riêng tôi, tôi nghi ngờ cái tuyên bố của họ rằng là "không có ca nào mới". Không phải chính quyền Bắc Kinh (mà cụ thể là Tập Cận Bình) cũng luôn khăng khăng rằng là làm gì có vụ Thảm sát Thiên An Môn và hơn triệu người Duy Ngô Nhĩ bị cầm tù, rằng là toàn bộ vùng biển Đông Nam Á đều "thuộc về" Trung Quốc đó sao. Ngây dại gì mà tin.

Thứ Tư, 25 tháng 3, 2020

Trọng Nghĩa (RFI): Covid-19 - Ngoại giao Trung Quốc và chiến dịch phát tán tin đồn chống Mỹ

Đại sứ Trung Quốc tại Pháp Lư Sa Dã. Ảnh tư liệu chụp ngày 10/09/2019. AFP - MARTIN BUREAU

Trung Quốc đã tung ra cả một chiến dịch chống Mỹ trên vấn đề dịch Covid-19. Một trong những điểm khác thường của chiến dịch này là Bắc Kinh đã huy động cả guồng máy ngoại giao vào cuộc, và không ngần ngại phát tán những thông tin mang nặng tính chất thuyết âm mưu.

Cú đòn mới nhất đến từ Paris. Trong một loạt tin nhắn Twitter bắn đi hôm 23/03/2020, Đai Sứ Quán Trung Quốc tại Pháp đã công khai gợi ý là con virus corona đang tàn phá thế giới thực ra đã xuất xứ Hoa Kỳ, chứ không phải là từ Vũ Hán (Trung Quốc) như mọi người lầm tưởng.

Hành động này được cho là nằm trong cả một chiến dịch do Bắc Kinh tung ra, mà theo nhiều nhà phân tích, nhằm phủ nhận trách nhiệm của Trung Quốc trong việc để xẩy ra đại dịch Covid-19 đang gây tang tóc khắp hành tinh.

Một trong những điểm khác thường của chiến dịch này là Bắc Kinh như đã huy động cả guồng máy ngoại giao vào cuộc, và không ngần ngại phát tán những thông tin mang nặng tính chất thuyết âm mưu.

Covid-19: Sứ quán Trung Quốc ở Pháp “lồng lộn đả kích” Mỹ


Trong một bài viết mang tựa đề “Covid-19 : Đại sứ quán Trung Quốc tại Paris lồng lộn đả kích Mỹ - L’ambassade de Chine à Paris se déchaîne contre les États-Unis”, hãng tin Pháp AFP ngày 23/03 đã xác định: Những lập luận mà cơ quan ngoại giao Trung Quốc tại Pháp đưa ra chỉ lập lại các cáo buộc của Trung Quốc trong thời gian gần đây, theo đó chính Mỹ mới là nguồn gốc của con virus corona đã lây lan trên quy mộ rộng lớn ở Trung Quốc trước khi tỏa ra thế giới.


Trọng Nghĩa (RFI): Đeo khẩu trang: Va chạm văn hóa Đông Tây - Đông thắng Tây thua?

Tại Hàn Quốc, trong mùa dịch Covid-19, khẩu trang là vật bất ly thân khi ra đường. Ảnh chụp tại Seoul (Hàn Quốc) ngày 12/03/2020. REUTERS - KIM HONG-JI

Dịch Covid-19 đã làm nổi bật một khác biệt văn hóa lớn giữa Đông và Tây trên vấn đề đeo khẩu trang, với dư luận châu Á rất ngỡ ngàng trước việc người châu Âu hay châu Mỹ lơ là phương tiện chống dịch này. Tại Pháp báo chí trong thời gian gần đây cũng rất chú ý đến khác biệt đó, thậm chí còn tự hỏi là phải chăng văn hóa đeo khẩu trang ở phương Đông, như ở Hồng Kông, Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc hay Việt Nam đã góp phần giúp những nơi này ngăn chặn hiệu quả đà lây lan của con virus corona lan tỏa từ Vũ Hán

Hai tựa báo tại Việt Nam trong những ngày gần đây đã cho thấy rõ sự khác biệt, hay va chạm văn hóa này. Báo Thanh Niên ngày 19/03/2020 bực tức: “Khách Tây vẫn không đeo khẩu trang dạo phố cổ Hội An dù có chốt kiểm tra”. Bốn hôm sau, ngày 23/03/2020, báo Pháp Luật Thành phố Hồ Chí Minh thở phào nhẹ nhõm: “Khách Tây đã chịu đeo khẩu trang chống dịch”.

Trong bài “Tâm lý chê bai khẩu trang tại châu Âu làm Châu Á sững sờ”, thông tín viên nhật báo Pháp Le Monde tại Trung Quốc ngày 21/03/2020 vừa qua đã ghi nhận rằng: “Việc đeo khẩu trang để phòng ngừa dịch bệnh đã giúp hạn chế việc lây nhiễm ở các nước phát triển vùng Viễn Đông, vì vậy, những lời kêu gọi tại Pháp là đừng đeo khẩu trang nếu không bị bệnh bị coi là một sai lầm nghiêm trọng”.

Đối với châu Á, khẩu trang là một vũ khí chống dịch


Theo Le Monde, đeo khẩu trang nằm trong một loạt biện pháp đã cho phép Đài Loan, Hồng Kông, Hàn Quốc và Singapore, và cho đến lúc này, Nhật Bản, hạn chế hay chặn đứng được sự lây lan theo cấp số nhân của dịch Covid-19.

Vũ Quí Hạo Nhiên (VOA Blog): Bao giờ hết dịch? Nobel Hoá học dùng Toán tính ra


Hôm 22 tháng 3, trong lúc dịch Covid-19 còn đang tăng ở Mỹ và nhiều nước khác, một nhà khoa học tiên đoán nạn dịch sẽ chấm dứt sớm hơn mọi người tưởng.

Ông đó là Mike Levitt, giáo sư đại học Stanford, một nhà vật lý sinh học (biophysicist), giải Nobel Hoá học năm 2013, và ông đưa ra tiên đoán này trong bài phỏng vấn với báo Los Angeles Times.

Trước đây, ông đã tiên đoán chính xác đường cong tiến triển bệnh Covid-19 ở Trung Quốc và tiên đoán đúng là dịch sẽ vào hồi kết ở Trung Quốc sớm hơn mọi người nghĩ. Con sốông tiên đoán là 80,000 người nhiễm và 3250 người thiệt mạng. Tính tới 16 tháng 3, Trung Quốc có 80298 người nhiễm và 3245 người tử vong.

“Số liệu bị nhiễu ồn ào,” noisy, ông nói, ý nói có nhiều sai số do báo cáo không được chính xác. “Nhưng có dấu hiệu rõ ràng tốc độ tăng đang chậm lại.”

Phân tích 78 quốc gia có số người nhiễm trên 50, ông kết luận mùa dịch sẽ hết sớm. “Điều quan trọng là đừng để người dân hoang mang.” Thí dụ, ông tiên đoán qua phỏng vấn trên radio Israel là nước này sẽ không quá 10 người tử vong.

Nguyễn Ngọc Chu: Tội phạm đóng vai kẻ trượng nghĩa



1. Vào thời điểm 9 h sáng ngày 24/3/2020 Chinese virus đẫ cướp đi 16 514 sinh mạng và lây nhiễm cho 378 848 bệnh nhân. Con số này sẽ còn tiếp tục tăng kinh khủng trong các ngày tới.

Là tội đồ mang đến đại họa cho toàn thế giới, ông Tập Cận Bình đã không biết che mặt ngồi trong phòng kín ăn năn hối lỗi, lại vác mặt rêu rao đóng vai kẻ cứu thế. Hôm 21/3/2020, Tập Cận Bình đã điện đàm với lãnh đạo Đức, Pháp, Tây Ban Nha, Serbia - đang là nạn nhân của Chinese virus với giọng giả nhân giả nghĩa.


Chẳng hạn, với Thủ tướng Đức, Tập nói:

"Nếu Đức có nhu cầu, Trung Quốc sẵn sàng hỗ trợ trong khả năng của chúng tôi", "Những cuộc khủng hoảng về sức khỏe cộng đồng là thách thức chung với nhân loại. Sự đoàn kết và hợp tác là những vũ khí mạnh nhất chống lại nó", “Chúng tôi sẵn sàng chia sẻ "thông tin và kinh nghiệm", sẵn lòng hợp tác với Berlin trong phát triển vaccine”.

Thứ Ba, 24 tháng 3, 2020

Lê Phan: Một vị thủ tướng làm gương

Thủ Tướng Đức Merkel. (Hình: Maja Hitij - Pool/Getty Images)

Nước Đức, hôm Chủ Nhật đã cấm tụ tập quá hai người, trừ gia đình, trong khi Thủ Tướng Angela Merkel sau đó tuyên bố tự cách ly vì bác sĩ của bà đã thử dương tính với COVID-19.

Thủ Tướng Merkel nói bà tự cách ly ở nhà có hiệu lực tức thời, văn phòng của bà loan báo. Thủ tướng sẽ được thử nghiệm thường xuyên trong những ngày sắp tới trong khi tiếp tục làm việc ở nhà.

Tin là lãnh tụ của họ đã bị cách ly nhanh chóng trở thành tin hàng đầu, lấn lướt những tin về những biện pháp khoảng cách xã hội khắt khe hơn mà bà đã loan báo. Những luật lệ mới, sẽ tiếp tục trong vòng hai tuần nữa, là khắt khe nhất so với bất cứ quốc gia nào trên thế giới, và nó đến khi mức lây nhiễm toàn thế giới đã vượt 300,000 và số tử vong vượt 13,000.

Ở Đức, số xác nhận đã lên đến 23,900 người trong khi số tử vong lên trên 90 người. Số tử vong của Đức được coi như thấp kỷ lục có lẽ vì Đức có đầy đủ phương tiện hơn nhiều quốc gia khác.

Trong một cuộc phỏng vấn truyền hình hôm Chủ nhật, bà Merkel nói “Virus Corona đang lan tràn với một tốc độ đáng ngại trên toàn đất nước chúng ta.” Trước sự việc là chưa có vaccine hay thuốc chữa, trách nhiệm của mọi người là phải giới hạn việc liên hệ với nhau, bà nói.

“Cách chúng ta hành xử hiện nay là liều thuốc hữu hiệu nhất mà chúng ta có: giảm thiểu cuộc sống công cộng ở mức tối đa có thể được, để giảm liên hệ với những người mà qua đó virus có thể truyền bệnh. Nói tóm lại, đó là cách chúng ta cứu mạng người.”

Lê Hữu: Giấy vệ sinh lên ngôi

Giấy vệ sinh lên ngôi, đấy không phải chuyện đùa mà là chuyện “người thật, việc thật” trong mùa đại dịch coronavirus này.

“Ngày thần tiên em bước lên ngôi” (1) 


Câu chuyện thế này, tháng trước, Haidee Janetzki, một phụ nữ 33 tuổi ở thành phố Toowomba tiểu bang Queensland bên Úc, đặt mua trên mạng 48 cuộn giấy vệ sinh gửi về địa chỉ nhà cô, nhưng không hiểu lơ đãng thế nào mà cô lại gõ lên bàn phím là 48… thùng giấy vệ sinh. Kết quả là ít ngày sau hai chiếc xe truck lớn chở hàng đậu trước nhà, lần lượt dỡ hàng đổ xuống nhiều thùng lớn chứa toàn giấy vệ sinh. Sau phút choáng váng, hiểu ra rằng lỗi sơ ý của mình đã khiến “sai một ly đi một dặm”, cô và ông chồng cười sặc sụa. Haidee đã phải trả số tiền lên đến AU$3,264 (trên US$2,100) cho 48 thùng giấy vệ sinh ấy. Mỗi thùng có 48 cuộn, 48 thùng là 2304 cuộn, nếu dùng nhanh lắm, cứ hai ngày thay một cuộn thì cũng phài mất đến 12 năm mới sử dụng hết. 

Hai vợ chồng sau đó nhận ra rằng, trong lúc giấy vệ sinh là mặt hàng khan hiếm và đang được săn lùng ráo riết tại nhiều cửa hàng thì hai người lại sở hữu một khối tài sản khổng lồ gồm nhiều thùng giấy vệ sinh chất cao như núi. Lấy làm tự hào về điều này, ông chồng bèn thiết kế cho Haidee một bệ cao, vây bọc xung quanh bởi nhiều thùng giấy vệ sinh. Cô ngồi trên chiếc “ngai vàng” chót vót, đầu đội vương miện, tay cầm quyền trượng, tất cả đều được trang trí hoặc làm từ nhiều cuộn giấy vệ sinh.

Video clip này được truyền đi rộng rãi và Haidee nhanh chóng đạt danh hiệu “Toilet Paper Queen” trong ngày 5 tháng Ba, “ngày thần tiên em bước lên ngôi” và cũng là ngày đổi đời của những cuộn giấy vệ sinh.

Sau đó hai vợ chồng đã làm nghĩa cử từ thiện là nhượng lại các thùng giấy vệ sinh ấy cho những ai thực sự có nhu cầu với giá đúng với giá mua vào, một nghĩa cử rất đáng hoan nghênh trong lúc biết bao người tìm đỏ mắt không ra một cuộn giấy vệ sinh.

Thế nhưng không phải ai cũng được may mắn như hai vợ chồng này, tình trạng khan hiếm trầm trọng giấy vệ sinh đã khiến xảy ra lắm chuyện thú vị và cũng lắm chuyện kinh hoàng trên đất nước họ.

Nhà văn Tất Thục Mẫn: "Virus là dao thớt, loài người là thịt cá" (Cảnh Chánh chuyển ngữ)

  • Tân Hoa Xã phỏng vấn nhà văn Tất Thục Mẫn
  • Cảnh Chánh chuyển ngữ

TTCT - "Nếu như nhất định phải nói ai là chủ nhân của hành tinh, virus có tư cách hơn chúng ta nhiều. Virus xâm nhập lây lan, nó đã biến chủng như thế nào? Tại sao nó xông ra khỏi hang ổ, lây nhiễm vô tội vạ cho loài người? Chúng ta làm sao sống hòa bình với các loài sinh vật trong tự nhiên trên hành tinh xanh này? Đó đều là những điều chúng ta đáng phải suy ngẫm.."

Tháng giêng năm 2020, dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng virus corona mới gây ra (COVID-19) bất ngờ tấn công thành phố Vũ Hán. Đầu tháng 2, khi dịch bệnh COVID-19 tiếp tục bùng phát, cư dân mạng Trung Quốc kháo nhau những gì xảy ra hôm nay rất giống với những gì nhà văn Tất Thục Mẫn đã viết trong tiểu thuyết Virus Tràng hoa (Corolla virus) xuất bản năm 2012: “Dịch bệnh bất ngờ, thành phố phong tỏa, người dân trốn chạy, ùn ùn mua sắm…, tiểu thuyết như một lời tiên đoán”. Gần đây, Tân Hoa xã (THX) đã phỏng vấn nhà văn Tất Thục Mẫn xung quanh tác phẩm này.

*

THX: Sau khi dịch COVID-19 bùng phát, bà từng viết: “Tôi vẫn còn nhớ như in khi nghe tin ông viện sĩ Chung Nam Sơn cho biết dịch COVID-19 lây từ người sang người; cứ như bị sét đánh ngang tai, rụng rời cả tay chân… ”. Lúc ấy, bà đang làm gì? Thông tin đó từ đâu ra? Phản ứng đầu tiên, điều bà lo lắng nhất là gì?

- Tôi biết được thông tin đó khi xem thời sự nghe ông viện sĩ Chung Nam Sơn phát biểu. Vũ Hán sau khi xuất hiện bệnh viêm phổi lạ, tôi đặc biệt quan tâm vấn đề lây từ người sang người. Theo kinh nghiệm từ dịch SARS, đây chính là chiêu đoạt mạng hàng loạt của virus. Nghe tin đó xong, lòng tôi đau như cắt và nghĩ: Chiếc hộp ma quái đã mở ra rồi.

Từ khi nghe tin đến nay đã hơn chục ngày, cuộc sống bà như thế nào? Bà đã làm những gì liên quan đến dịch bệnh?

S.T.T.D Tưởng Năng Tiến – Trung Hoa & Coronavirus


Trung Quốc là một nước lớn, một nền văn hóa vĩ đại, nhưng về mặt chính trị, chưa bao giờ nó thoát khỏi thân phận một con bệnh khổng lồ.

Sau vụ lùm xùm (và um xùm) liên quan đến BN21, FB Nhân Tuấn Trương có nhận xét là: “Con virus Vũ Hán … đã tụt quần ông Nguyễn Quang Thuấn cùng toàn thể nhân sự hội đồng lú lẫn trung ương.” Tôi (trộm) nghĩ thêm rằng con siêu vi này không chỉ lột trần thói hư tật xấu của giới quan chức Việt Nam mà còn khiến cho lắm kẻ cũng bị tụt luôn, dù họ không hề mắc bệnh.

Tập Cận Bình là một trường hợp điển hình. Chủ Tịch Đảng & Chủ Tịch Nước Trung Hoa Vỹ Đại không chỉ bị lâm vào cảnh khó coi mà còn bị vướng vào nhiều tình huống hết sức khó khăn, và vô cùng khó gỡ: 




- “Vành đai và con đường” của Trung Quốc tê liệt vì dịch Covid-19 



Chủ Nhật, 22 tháng 3, 2020

Hoàng Quân: Gừng Càng Già…

Soi Bóng- Tranh Hoàng Thanh Tâm

Càng Cay


Xong đại học, tôi ngoài 35 tuổi. Như trúng số độc đắc, tôi nhận việc ở tổng hành dinh của một ngân hàng lớn trên nước Đức. Sếp cũng như đồng nghiệp, ngỡ tôi cùng tuổi với sinh viên (bình thường) mới ra trường, tức là ngấp nghé 25 tuổi. Bởi thế, họ chăm sóc tôi theo hàng con cháu. Tuổi không trẻ, tài không cao, là người Á châu duy nhất trong nhóm, tôi rét, đi đứng khép nép. Đồng nghiệp hướng dẫn điều gì, tôi ghi chép cẩn thận. Tôi để ý, bà Becker trong nhóm rất có uy. Tiếng nói của bà nặng ký lắm, có gang, có thép hẳn hoi. Nghe đâu, bà là dân kỳ cựu, chung vai, sát cánh với ngân hàng gần ba chục năm. Vì vậy, lúc nào được bà dạy dỗ, tôi nhất nhất khắc cốt, ghi tâm. Việc gì bà chỉ bảo tôi làm, sếp yên tâm, chẳng cần phải bới lông tìm vết. Sau vài tháng tôi gia nhập Phòng Tín Dụng Quốc Tế, tôi được dự sinh nhật của bà. Bà tròn năm mươi tuổi. Sếp nhỏ, sếp lớn đến chúc tụng. Mọi người cười nói vui vẻ, je oller, desto doller, càng già, càng gân. 

Tôi ngẫm nghĩ, ồ, thì ra, chuẩn mực gừng càng già, càng cay cũng có giá trị ở xứ này. Tôi cung kính chúc mừng sinh nhật bà. Bà tưởng tôi còn nhỏ, bằng tuổi con bà. Bà vỗ nhẹ vai tôi: “Mein Kind, Du hast noch viele, viele Jahre bis Du so alt bist wie ich. Con gái, còn nhiều, nhiều năm nữa con mới già bằng bác bây giờ”. Lúc đó, tôi tưởng chắc lâu lắm, tôi mới đến tuổi năm mươi. Mặc dầu làm phép tính đơn giản, chưa tới 15 năm, tôi sẽ bước vào tuổi ngũ tuần như bà. Tưởng tượng ít bữa, khi tuổi tôi tròn nửa thế kỷ, tôi được trọng vọng ra trò. 

Ba bài thất ngôn ngợi ca núi của Ngô Nguyên Dũng

Ảnh minh hoạ: Louis Đại Lượng Trần.

che không hết núi


mơ nghiêng bóng núi trườn lên ngực
một thế kỷ dài ôm nỗi đau
thấy ra góc chật xanh xao đất
rừng rú vàng chút lá chia nhau

đêm nghe trăng khuyết chiêm bao cạn
uống một ngụm trào búng huyết câm
săm soi tìm lại thanh xuân tóc
tay nhói thời gian di tích đâm

nguyệt tận tan nát bờ vũ trụ
sao rơi cứa vệt quá tầm tay
đời người ẩn hiện không quán trú
gió hú trùng vây cõi trong ngoài

Bùi Ngọc Tấn: Người ở cực bên kia

Tôi là Các-nô đây, thầy còn nhớ tôi không...
(Quốc văn giáo khoa thư)

Chiếc Toyota tay lái phải lượn sát hè, dừng lại rất êm. Máy vẫn nổ. Một người mở cửa bước ra. Mũ phớt, áo pôđơđanh lửng đến đùi, mặt tròn, da căng, miệng cười rất tươi. Người ấy giơ mũ chào hắn. Hắn biết ngay đấy là Đàm. Đúng, đấy chỉ có thể là vẻ mặt, là dáng người tự tin, thành đạt, là nụ cười rạng rỡ của các “sếp”.

Cửa hàng ghế sau bật mở. Hắn bước lên. Đàm ngồi ghế trên, cạnh lái xe, “ghế thủ trưởng”.

Ngồi cạnh hắn ở ghế sau, như Đàm giới thiệu là ông trưởng phòng tổ chức của Đàm.

Xe hiện đại, đệm nhung màu huyết dụ, lún người. Những đèn xanh, những kim đồng hồ đưa đi đưa lại trên bảng phía trước. Những bao thuốc lá “ba số” vứt cẩu thả trên xe. Tự nhiên hắn cảm thấy mình là người quyền quý. Ông trưởng phòng tổ chức mời hắn hút thuốc và một cách kính trọng đưa cho hắn cái bật lửa manhêtô xinh đẹp như một đồ trang sức. Đàm đã giới thiệu hắn là bạn. Là bạn của giám đốc, hắn xứng đáng được hưởng như vậy.

Hắn làm ra vẻ thân mật với Đàm. Thân mật và thông thạo:

- Cái xe này của các cậu, tàu Đ.N nó biếu phải không?

Đàm nháy mắt với hắn như muốn gạt ngay đi một đề tài kiêng kị.

Như vậy ông trưởng phòng tổ chức làm sao biết được đây là lần đầu tiên hắn với Đàm gặp nhau. Hắn bốc lên nói với Đàm và với ông trưởng phòng tổ chức một cách ngang hàng:

- Không mấy khi có bạn bè là các “sếp” thế này mà mình không có đứa con nào để nhờ vả. Ba đứa con lớn học ra trường đi làm rồi. Còn cháu út mới đang học lớp 12.

Đàm quay lại cười:

- Tưởng có đứa nào thì cứ quẳng hồ sơ cho anh Chí tôi đây.

Chí (tên ông trưởng phòng tổ chức) hoạ theo:

- Vâng. Cứ có chữ ký của thủ trưởng Đàm là “em” làm quyết định ngay.

Đó là một kiểu nói hắn đã nghe nhiều lần khi chầu chực các cửa xin việc cho ba đứa con lớn (tất nhiên cách nói không thân mật như thế này). Lúc đó hắn lặng người đi, rủa thầm: “Lại đồng đổ cho cốt, cốt đổ cho đồng”. Nhưng bây giờ hắn hóm hỉnh:

Võ Phiến: Một Chỗ Thật Tịch Mịch

Chàng vẫn tin rằng cứ đến giữa khung cảnh ấy mà an tọa, một mình, rồi lặng lẽ suy tưởng, thì chẳng mấy chốc sẽ có chim chóc đến làm tổ trên đầu. Một chiếc tổ chim thật rối trên đỉnh đầu, một vòng hoa tư tưởng đáng ước ao như thế có lúc chàng đã dám nghĩ là không khó. Chỉ cần đến đó, một mình. Chỉ cần có thế, nhưng ấy là điều chàng chưa bao giờ làm. Đâu khó gì? Chỉ vì chàng chưa bao giờ có cái duyên đối với một hành vi như thế.

Khung cảnh nọ cách xóm làng không xa. Nằm trên vùng đồi hơi cao. Xế trưa, thơ thẩn trên đồi, chàng trông xuống thấy dừa với tre trong xóm xanh um, nổi bồng lên cuồn cuộn như từng đám rong lớn trong hồ nước. Xóm làng coi xinh xắn, nhỏ hẳn đi. Nhà cửa thì thưa thớt, nằm khuất trong đám cây xanh. Và sự sinh hoạt của dân làng thì càng khuất xa hơn nữa. 

Tha hồ nhìn ngắm, vẫn không thấy động tĩnh gì. Lắng tai hàng giờ, không bắt được tiếng hát tiếng la nào. Họa hoằn, như có tiếng ai kêu ơi ới, nhưng tiếng văng vẳng rồi tắt ngay, mơ hồ, không rõ rệt.

Một đôi khi, mắt chàng bắt gặp một bóng người ngoài đồng, trên một con đường bờ ruộng ngoằn ngoèo nhỏ xíu. Một dáng người tí teo ngọ nguậy trong nắng xế bao la. Một chiếc nón trắng lấp lánh giữa đồng trống, tận xa tít... Chiếc nón lấp lánh, di động chậm chạp, trong lúc con ó rằn giăng đôi cánh xác xơ giữa nền trời, trong lúc con cuốc phát tiếng kêu đều đều trong nắng rưng rưng... Chàng càng có cảm tưởng xa cách cuộc sống khiêm tốn của xóm làng hơn bao giờ hết...

Chỉ cần dừng lại, an tọa, chẳng mấy chốc...

Nhưng chàng không đến đó để an tọa.

Giới Thiệu Sách Mới: Bi Kịch Bản

Bi Kịch Bản


Truyện dài

Trần Yên Hòa



Bạn Văn Nghệ xuất bản, 407 trang, giá $25. Liên lạc :

Trần Yên Hòa
2674 W Lincoln Ave # 225
Anaheim, CA 92801

tran_hao47@yahoo.com
(714) 360-7356





Thứ Bảy, 21 tháng 3, 2020

CẢM TẠ

Gia đình chúng tôi xin cảm tạ Diễn Đàn Thế Kỷ, Nhật Báo Người Việt, Saigon Nhỏ, VOA, Trẻ Texas cùng những Bạn Thân, Bạn Văn, Độc Giả của Trần Mộng Tú ở trong và ngoài nước Mỹ đã đăng báo, điện thoại, điện thư, xin Lễ, cầu nguyện và chia xẻ với gia đình và cá nhân tmt về sự ra đi vĩnh viễn của em gái tôi là:

Đỗ Anh Tiến, khuê danh Trần Mộng Chi
Sinh ngày 5 tháng 4 năm 1946 - Mất ngày 16 tháng 3 năm 2020

Xin Ơn Trên đền đáp cho quý bạn và ban phúc lành cho tất cả chúng ta.

Thay mặt gia đình.

Đỗ Anh Tiến                                      Trần Mộng Tú

Im Lặng

(Buổi Sáng Tiễn Trần Mộng Chi)

Chiếc bình thân thể rỗng
Mỗi người đứng một góc
Tự ôm lấy mặt mình
Lẻ loi riêng mình khóc

Nhìn nhau nhìn nhau thôi
Bờ vai không cho gục
Bàn tay không cho nắm
Tự mình nắm tay mình
Ôi bàn tay cô độc!

TƯỞNG NIỆM THÁI THANH

1934 - 2020


Georges Etienne Gauthier: Nghĩ Về Nghệ Thuật của Thái Thanh (Bản dịch của Thu Thủy)

Trích từ tạp chí Bách Khoa số 372 xuất bản tại Sài Gòn ngày 1 tháng 7 năm 1972

Thái Thanh 1934-2020
“… Nàng là một người đàn bà hát như một người đàn bà. Nàng mang trong giọng hát những ngày vui tươi và những ngày sầu khổ của đời nàng, mang luôn cả những ngày hoan lạc nữa; khi thì là cái bộc trực của một tiếng thét, khi lại là những ngoắt ngoéo trong một trò đùa, có lúc là nỗi nhớ tiếc quãng đời đã qua, thường khi lại là niềm tin tưởng vào khoảng thời gian còn lại của cuộc sống; nhưng bao giờ nàng cũng mang trong giọng hát những đường nét của thân thể, những di động của mái tóc, những ngụ ý của ánh mắt, cho đến đỗi những ai biết nghe nàng hát cũng có thể như trông thấy được nàng. Không có gì là bí mật cả người đàn bà ấy là một nghệ sĩ xác quyết hơn bất cứ người nào khác, bởi vì ngay khi nàng thâm nhập vào một bài hát nào thì nàng trình bày lại cho chúng ta nghe với mối xúc động nhất, ý nhị nhất, khiến chúng ta hiểu bài hát ấy đến độ ngay lúc đó tất cả chúng ta đều trở thành nghệ sĩ cả …”

Những giòng này là viết về một nữ ca sĩ Gia-nã-đại chưa được biết đến ở Việt-Nam; nhưng tôi thấy nó hợp với Thái Thanh đến độ tôi không ngần ngại đem ra áp dụng vào trường hợp của nàng. Đôi khi người ta thường ngạc nhiên về sự gặp gỡ của hai định mệnh nơi Thái Thanh và Phạm Duy.

Thụy Khuê: Thái Thanh, tiếng hát lên trời

Thái Thanh - họa sĩ Đinh Trường Chinh

Trong những phút giây thiếu vắng trống trải nhất hay những nhớ nhung tha thiết nhất của cuộc đời, mọi hiện diện hữu hình đều vô nghĩa; ta chờ đợi một đổi trao, khát khao một giao cảm thì bỗng đâu, một hiện diện vô hình lóe lên tựa nguồn sáng, tựa tri âm: sự hiện diện của tiếng hát.

Nếu thơ là một ngôn ngữ riêng trong ngôn ngữ chung, theo Valéry, hay thi ca là tiếng nói của nội tâm không giống một thứ tiếng nói nào của con người, theo Croce, thì âm nhạc hẳn là tiếng nói của những trạng thái tâm hồn và nhạc công hay ca sĩ là nguồn chuyển tiếp, truyền đạt những rung động từ hồn nhạc sĩ đến tâm người nghe.

Thị giác giúp chúng ta đọc một bài văn, nghiền ngẫm một bài thơ, nhưng chẳng mấy ai có thể thưởng thức một bản nhạc bằng thị quan của riêng mình mà phải nhờ đến người trình diễn, đến ca công, ca kỹ. Ngàn xưa nếu người kỹ nữ bến Tầm Dương chẳng gieo "tiếng buông xé lụa lựa vào bốn dây" chắc gì ngàn sau còn lưu dấu vết Tỳ Bà Hành?

Sự biểu đạt tác phẩm nghệ thuật hay sự truyền thông cảm xúc từ nhạc bản đến thính giả, nơi một vài nghệ sĩ kỳ tài, không chỉ ngưng ở mực độ trình diễn mà còn đi xa hơn nữa, cao hơn nữa, tới một tầm mức nào đó, ca nhân đã sáng tạo, đã đi vào lãnh vực nghệ thuật: nghệ thuật vô hình của sự truyền cảm, nghệ thuật huyền diệu sai khiến con người tìm nhau trong bom lửa, tìm nhau trong mưa bão, nghệ thuật dị kỳ tái tạo bối cảnh quê hương đã nghìn trùng xa cách, nghệ thuật mời gọi những tâm hồn đơn lạc xích lại gần nhau dìu nhau đưa nhau vào ngàn thu, nghệ thuật không tưởng đừng cho không gian đụng thời gian khi ca nương cất tiếng hát, tiếng hát của bầu trời, giao hưởng niềm đau và hạnh phúc: Thái Thanh. 

Quỳnh Giao: Thái Thanh, Lời Ru Của Mẹ


Cách đây đã hơn ba chục năm, khi viết về Thái Thanh với lời xưng tụng “Tiếng Hát Vượt Thời Gian”, Mai Thảo không ngờ rằng chính lời phán xét ấy cũng đã... vượt thời gian. Thái Thanh hát từ đầu thập niên 1950. Sau thập niên 1970, tiếng hát ấy vẫn vang vọng thêm hai thập niên nữa. Và còn mãi mãi trong tâm tư chúng ta.

Cách đây rất lâu, trong dịp đi du lịch tại một xứ xa lạ và vào một nhà hàng Tầu (vì tên là Golden Lotus, Kim Lian) Quỳnh Giao bỗng thấy bồi hồi. Trong nhà hàng trang trí đỏ loét kiểu dáng Trung Hoa cho người ngoại quốc, âm thanh lại chất chứa hồn Việt.

Tiếng hát Thái Thanh, giữa một vùng xa lạ. Thời ấy ở tại vùng ấy, người ta chưa đủ tân tiến để hành hạ thực khách với loại ca khúc có giai điệu Hồng Kông, được gào lên bằng tiếng Việt theo kiểu Blues ở Bình Thạnh. Cho nên chủ nhà hàng, một phụ nữ Việt xa xứ từ trước thời thuyền nhân, chỉ có được một chút kỷ niệm gắn bó với cố hương vừa bị đẩy xa, là mấy băng nhạc Thái Thanh.

Lúc ấy, ngồi trong tiệm ăn Tầu mà nghe nhạc Việt, Quỳnh Giao đã nghĩ đến Thái Thanh như tiếng hát vượt cả thời gian lẫn không gian và chuyên chở cái tâm hồn Việt Nam trong một giai đoạn bi thương nhất.

Trong nửa sau của thế kỷ 20, tiếng hát Thái Thanh đã là di sản không thể mất của rất nhiều người Việt. Nó nổi trôi theo mệnh nước, nó thấm vào tâm tư chúng ta để thành tiếng hát tiêu biểu nhất từ thời phôi thai của tân nhạc cải cách, trải qua thời chiến tranh cho đến thời lưu vong và tàn tạ. Nếu chúng ta có thể thấy hạnh phúc và hãnh diện với tân nhạc Việt Nam thì thời kỳ nhiễu nhương nhất của lịch sử, từ những năm 1950 đến 1970, là thời kỳ đẹp nhất.

Và trong giai đoạn ấy, Thái Thanh là một tiếng hát không thể quên được.

Thứ Sáu, 20 tháng 3, 2020

RFA: XHDS có vu cáo, xuyên tạc quân đội nhân dân Việt Nam?

Lực lượng quân đội Việt Nam.

Người giữ chức vụ cao nhất trong quân đội Việt Nam bị xử lý kỷ luật tính đến thời điểm hiện nay là cựu Đô đốc Nguyễn Văn Hiến, nguyên Thứ trưởng Quốc Phòng, Tư lệnh Quân chủng Hải quân.

Ông Nguyễn Văn Hiến bị khởi tố từ ngày 22/10/2019 và vừa bị Viện kiểm sát Quân sự Trung ương hôm 17/3, truy tố về tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng", theo điều 360 Bộ luật Hình sự 2015.

Cựu Đô đốc Nguyễn Văn Hiến bị truy tố vì liên quan vụ án Đinh Ngọc Hệ (tức Úc Trọc), Bùi Văn Nga và những tòng phạm về tội vi phạm các qui định về quản lý đất đai theo khoản 3 điều 229; và tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo khoản 3 Điều 174 Bộ Luật Hình sự Việt Nam năm 2015. Khoản tiền thiệt hại cho ngân sách mà ông Nguyễn Văn Hiến gây ra được nói gần 1000 tỷ đồng.

Và từ đầu năm 2019 đến nay, đã có hàng chục tướng, tá quân đội và công an khác bị kỷ luật, xử lý vì để xảy ra những vi phạm trong công tác quản lý đất đai, làm kinh tế.

Vào ngày 8/3/2020, Cơ quan điều tra của Bộ Quốc phòng đã bắt tạm giam, khám xét nhà riêng Đại tá Đỗ Văn Sang, nguyên Phó tư lệnh, Tham mưu trưởng Binh đoàn 15 và Đại tá Phạm Văn Giang, nguyên Giám đốc Công ty 72 thuộc Binh đoàn 15 để điều tra về hành vi vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí theo quy định tại Điều 219 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Nguyễn Đình Cống: Lòng yêu nước, Đảng Cộng sản và Lập Quyền Dân



Trong hơn một thế kỷ qua chúng ta nói nhiều đến Lòng Yêu Nước. Nó đã là động lực của nhiều thế hệ trong công cuộc giành Độc lập. Nhưng hiện nay và trong tương lai nó sẽ tác động như thế nào?

Tuyên truyền của CSVN cho rằng chính họ đã là chỗ dựa cho Lòng yêu nước của dân Việt. Nhưng hình như không phải thế mà ngược lại!

ĐCS đã dựa vào lòng yêu nước của dân Việt để phát triển, giống như tầm gửi bám vào cây chủ. CS theo chủ thuyết Mác Lê về cách mạng vô sản, thế nhưng thời gian đầu họ phải dựa vào lòng yêu nước để tập hợp lực lượng. Phần đông người thuộc thế hệ đầu tiên gia nhập ĐCSVN, đặc biệt là các trí thức, chủ yếu vì lòng yêu nước, muốn đánh đổ thực dân, giành độc lập chứ mấy ai đã quan tâm đến đấu tranh giai cấp, đến vô sản chuyên chính.

ĐCSVN, ban đầu là đảng cách mạng dựa vào lòng yêu nước của dân để phát triển, khi giành được chính quyền rồi thì trở thành đảng thống trị. Họ tự tuyên bố là đảng lãnh đạo, đảng cầm quyền, nhưng thực chất là đảng độc tài toàn trị. Họ tuyên truyền là giành chính quyền về tay nhân dân, nhưng thực ra là dùng sức dân để giành chính quyền cho họ. Thực chất ĐCS đã cướp quyền của dân. Họ lợi dụng và làm hoen ố Lòng yêu nước bằng cách bắt gắn nó với yêu CNXH, tức là yêu ĐCS. Họ dựa vào Lòng yêu nước của các đảng viên và của toàn dân để giành chiến thắng trong các cuộc chiến tranh, nhưng khi họ thực hành cách mạng vô sản, chuyên chính vô sản thì phạm phải nhiều thất bại như cải cách ruộng đất, hợp tác hóa nông nghiệp, cải tạo công thương nghiệp, kinh tế quốc doanh, đàn áp tự do tư tưởng, độc quyền đảng trị , lệ thuộc Trung cộng, v.v.