Chủ Nhật, 23 tháng 2, 2020
Phạm Xuân Đài: Trích du ký Đi Tàu
Linh Ẩn Tự
Hàng Châu, Tô Châu của nước Tàu vẫn gợi cho một người Việt Nam nhiều cảm tưởng lãng mạn, ngay cả trước khi đến thăm tận nơi. Hai thành phố cách nhau không xa, chỉ có mấy giờ xe buýt, hình như sinh ra để bổ túc cho nhau. Cảnh đẹp, và người ta nói đàn bà tại nơi đó cũng rất đẹp, đến nỗi khi còn trẻ tuổi, đứng ở biên giới Việt Hoa tại Lào Kai năm 1947 thời kháng chiến Pháp, nhạc sĩ Phạm Duy đã viết trong bản nhạc Bên Cầu Biên Giới:
...Sống trong lòng người đẹp Tô Châu
Hay là chết bên dòng sông Danube
Những đêm sáng sao...
Giấc mơ ấy tác giả gọi là “viễn mơ,” ở trong khung cảnh khép kín trong núi rừng kháng chiến thả tâm hồn đi mông lung ra thế giới bên ngoài, vươn tới những cái đẹp của đời sống thanh bình nơi nơi, ước mơ được sống và được chết với những vẻ đẹp đó.
Nhưng đi du lịch theo tour thì rất khó gặp người đẹp, tuy vẫn bàng bạc cảm nhận cái không khí lãng mạn của nơi chốn này. Hàng Châu thì cảnh như vẽ, Tây Hồ và những cây liễu rủ quanh hồ quả là trứ danh, tôi lại càng may mắn đến đúng mùa hoa đào đang nở ven hồ, tưởng mình đi lạc vào một chốn Đào nguyên nào mà từ ngày nhỏ cứ nghe nhắc mãi trong sách vở, thơ văn.
Âm ba thoáng rung cánh đào rơi
Nao nao bầu sương khói phủ quanh trời
Văn Cao tưởng tượng ra cảnh Đào nguyên như thế mà tả ra trong bài Thiên Thai, và tôi đã gặp y hệt như thế tại Hàng Châu. Buổi sáng đi thuyền trên Tây Hồ, sương sớm hãy còn lãng đãng đó đây, nhìn ra bốn bề chỗ nào cũng đẹp như một bức tranh thủy mặc... Tàu.
Nhưng khi đã đặt chân đến bờ bên kia, thay vì được đắm mình trong cảnh u nhã của suối núi Đào Nguyên thì gặp ngay một đám đông không biết bao nhiêu là người, đông người quá, du khách đi như hội, đầy đường, nhóm này đội mũ vàng, nhóm kia đội nón đỏ, mỗi nhóm có người hướng dẫn cầm cờ hiệu dẫn đi nơi này nơi kia, thỉnh thoảng dừng lại xì xồ giải thích. Chưa nói đến những toán du khách ngoại quốc như chúng tôi, chỉ nguyên người Trung Quốc đi chơi thôi thì cảnh trí du lịch nào cũng bị quá tải. Tiên nữ trốn mất biệt, và cái cảm thức đến chốn Đào nguyên của tôi cũng bị những dòng người cuồn cuộn phá vỡ ra từng mảnh vụn. Ôi nếu con đường liễu này, mặt nước hồ sương khói này, những cây đào đang trổ bông này được đắm trong tĩnh mịch thì mọi thứ sẽ dịu dàng thiết tha, gợi ý gợi tình biết là chừng nào! Kỹ nghệ du lịch đang phá vỡ ý nghĩa của du lịch. Người ta không thể thưởng thức một cái gì hết khi phải chen chân với đám người đông như kiến cỏ ấy, phải tranh nhau xếp hàng chờ đến phiên mình chụp hình ở một chỗ cảnh đẹp, hoặc tai phải nghe liên tục bên trái, bên phải những tiếng loa giải thích của các tour guide. Đồng ý, nếu bạn đến New York, đi thăm trụ sở Liên Hiệp Quốc hay Empire State Building, hoặc dạo chơi ban đêm trên Las Vegas Boulevard ở Las Vegas thì càng đông người xung quanh bạn càng thấy vui, nhưng mọi chuyện phải khác hẳn trên bờ Tây Hồ hay trên con đường núi dẫn vào Linh Ẩn Tự ở Hàng Châu. Cảnh đẹp thiên nhiên có một linh hồn riêng, và phải đến với nó với một cung cách nào đó mới gặp cái linh hồn ấy, chứ nó không phải là một món ăn làm sẵn ai cũng có thể vớ một miếng bỏ vào mồm nhai, nuốt.
Nhưng làm thế nào được! Nếu tôi là hoàng đế Trung Hoa ngày xưa thì mọi chuyện giải quyết dễ dàng quá. Cả giang sơn ấy chỉ dành riêng mình ta, tha hồ thưởng ngoạn theo cách nào tốt nhất. Còn khi đã thuộc về “nhân dân” rồi thì thôi, đành “mất” Hàng Châu, “mất” Linh Ẩn Tự, mặc dầu mọi sự vẫn còn sờ sờ ra đấy. Những nơi ấy không đến nỗi là cái xác không hồn, nhưng không biết tôi có thưởng thức được năm mươi phần trăm những gì mà đúng ra tôi nhận được tại những nơi non bồng nước nhược ấy hay không.
Linh Ẩn Tự là một quần thể chùa đồ sộ nằm trong núi Hàng Châu. Dù những tiện nghi du lịch được xây dựng dưới chân núi cũng nhiều – quán ăn, dịch vụ hình ảnh, tiệm bán đồ lưu niệm, bãi đậu xe... – nhưng con đường dẫn vào chùa vẫn còn giữ được nét thiên nhiên tĩnh mịch, làm tôi nhớ lại con đường từ chùa Thiên Trù vào đến “chùa trong” của Hương Tích. Mười mấy năm đã qua tôi chưa trở lại Việt Nam, không biết chùa Hương đã “mở cửa và hiện đại hóa” (nghĩa là phá hoại cảnh trí thiên nhiên cố hữu) đến mức độ nào rồi, còn lại được bao nhiêu cảnh xưa:
Kìa non non nước nước mây mây
Đệ Nhất Động hỏi rằng đây có phải.
Xem một nơi như Linh Ẩn Tự mới thấy nghệ thuật tạo hình Trung Hoa – được hiểu gồm cả kiến trúc, hội họa và điêu khắc – gắn bó với Phật giáo đến mức nào, có lẽ cảm hứng của nó với Phật giáo còn dồi dào hơn tổng cộng các đề tài khác thuộc cung điện vua chúa, thơ văn, truyện tích... của nước này góp lại. Và cũng từ đó mới thấy cái công “hoằng dương Phật pháp” của dân tộc này, và không khỏi tự hỏi nếu đạo Phật mà không bén rễ được đến đất Tàu và những nước trong tầm ảnh hưởng của nó như Hàn Quốc, Nhật Bản, Mông Cổ, Việt Nam... để được tu tập phát triển sâu xa đến thế thì tỉ lệ ảnh hưởng của đạo này trên dân số thế giới còn được bao nhiêu? Tại quê hương của nó là Ấn Độ thì sau làn sóng Hồi Giáo quét qua, đồng thời với sự trỗi dậy của Ấn giáo, đạo Phật mất hẳn ảnh hưởng, chỉ còn một dải mỏng Tiểu thừa trải qua các nước Nam Á như Miến Điện, Thái Lan, Tích Lan, Miên, Lào và Indonesia. Nước Trung Hoa từ thượng cổ vốn giàu có về các suy nghĩ triết học nhưng lại thiếu hẳn các suy nghiệm tâm linh, đạo Phật đến đáp ứng ngay vào chỗ thiếu hụt, và cả dân tộc đón nhận đạo Phật như là một tài sản của nhân loại nhưng có vẻ làm ra là để dành riêng cho mình vậy. Hiển nhiên trải qua hàng ngàn năm, đạo Phật là quốc giáo của Trung Hoa, người Tàu tạo nên một đạo Phật riêng, biến nước Tàu thành một quê hương mới của đạo này, và Phật giáo thành một nét độc đáo trong nền văn minh của họ. Trong đời sống tâm linh từ vua quan đến giới trí thức và dân giã, đạo Phật đóng vai một tôn giáo duy nhất, nhưng không gây trở ngại gì cho các tập tục tín ngưỡng cố hữu của người Trung Hoa như việc thờ cúng ông bà hoặc các hình thái lễ nghi mà người ta nói bắt nguồn từ Lão giáo. Không một nước nào trên thế giới có một nền văn hóa Phật giáo hùng vĩ lớn lao như nước Tàu với không biết cơ man nào là chùa chiền và thiền viện trứ danh, vô số các vị cao tăng trải dài suốt lịch sử, rồi kinh sách và các tác phẩm văn học liên quan đến Phật giáo, chẳng hạn bộ truyện Tây Du Ký bất hủ, văn thơ trải qua các đời, những truyện võ hiệp với vô số môn phái võ liên quan đến chùa chiền... Nước Tàu với dân số lớn lao, cùng với tầm vóc trí tuệ và tâm linh cao vời, xứng đáng đóng vai trò trung tâm chính yếu của đạo Phật trải nhiều thế kỷ. Với vốn liếng ấy, chỉ riêng tự viện Phật giáo trong nước Trung Quốc ngày nay đã là một tài nguyên du lịch lớn rồi, chưa kể là đối tượng cho bao chuyến hành hương của Phật tử từ nhiều nơi trên thế giới.
Tiếng chuông chùa Hàn San
Khi đến Tô Châu thì cái tôi nóng lòng muốn gặp nhất không phải là người đẹp của ông Phạm Duy – vì biết khó lắm, giai nhân nan tái đắc, người đẹp gặp rồi còn khó gặp lại, huống hồ mình chưa từng được gặp một người đẹp Tô Châu nào; nơi tôi muốn đến là chùa Hàn San. Đó là một ngôi chùa nằm bên bờ con sông đào, cách xa xa khu trung tâm thành phố, ngày xưa hẳn thuộc khu “thành ngoại,” nhưng bây giờ bốn bên cuộc sống cũng đông đúc náo nhiệt. Chùa vào loại trung bình, về qui mô cũng như về kiến trúc, nhưng du khách vẫn rất đông. Tôi nghĩ nếu như không có bài thơ Phong Kiều Dạ Bạc của Trương Kế nhắc đến chùa này thì ngày nay Hàn San Tự chưa chắc đã biến thành một địa điểm du lịch đông đảo khách đến thăm như ngày hôm nay. Vẫn biết Hàn San là ngôi cổ tự trên ngàn năm, và tên chùa gọi theo tên vị cao tăng Hàn San trụ trì tại đó vào đời nhà Đường, nhưng quần chúng, Trung Hoa lẫn Việt Nam, “cảm” ngôi chùa đó qua bài thơ chứ không phải qua lịch sử Phật giáo Trung Hoa. Trương Kế sống vào thế kỷ thứ 8, đậu tiến sĩ năm 753 đời Đường Huyền Tông, làm quan tại triều đình và tại Quảng Tây. Thơ ông để lại không nhiều, khoảng 40 bài, và Phong Kiều Dạ Bạc đã làm ông nổi tiếng giữa những thi sĩ đời Thịnh Đường. Bài thơ như sau:
Nguyệt lạc ô đề sương mãn thiên
Giang phong ngư hỏa đối sầu miên
Cô Tô thành ngoại Hàn San tự
Dạ bán chung thanh đáo khách thuyền.
mà ông Trần Trọng Kim dịch ra thơ Việt là:
Đêm đậu thuyền ở bến Phong Kiều
Quạ kêu, trăng lặn, sương rơi
Lửa chài, cây bãi, đối người nằm co
Con thuyền đậu bến Cô Tô
Nửa đêm nghe tiếng chuông chùa Hàn San.
Hình như rất nhiều người Việt Nam biết bài thơ này, cũng như nhiều thơ văn truyện tích khác của Trung Hoa, và giống nhiều người khác, tôi cũng thuộc bài thơ, cũng cảm cái khí vị man mác cô đọng trong bốn câu thơ đọc theo lối Hán Việt, không biết tự bao giờ. Nhớ khi còn học tiểu học, đọc cuốn Chân Trời Cũ của Hồ Dzếnh, có truyện ông khách trú đi đò ngang lúc trời đã tối và còn hỏi cô lái đò xin về nhà ngủ nhờ, ban đêm nhà lạ ông ngủ không được, bèn cất tiếng Quảng Đông ngâm thơ:
Duỵt loọc ố lề sướn mán thín...
Vừa được một câu thì nghe ở buồng trong tiếng rúc rích, đó là tiếng cười cố nén lại của cô lái đò, nhưng ông khách tưởng là tiếng chuột kêu, bực mình vì mất nguồn hứng thơ phú, buông một câu: “Nhà lắm chuột thế!” dĩ nhiên bằng tiếng Tàu. Đó là chuyện gặp gỡ lần đầu giữa cha và mẹ của Hồ Dzếnh, một nhà văn nhà thơ viết tiếng Việt Nam mang hai dòng máu Hoa Việt, nhưng cũng là lần gặp gỡ đầu tiên của tôi với bài Phong Kiều Dạ Bạc, dù chỉ mới một câu đầu và với lối phát âm Quảng Đông, nghe không êm tai như nguyệt lạc ô đề sương mãn thiên mà tôi biết về sau.
Về bài thơ Phong Kiều Dạ Bạc của Trương Kế, dù biết đã lâu nhưng vì không rành chữ Hán nên tôi chỉ hiểu nghĩa một cách đại khái theo các bản dịch sang tiếng Việt. Nhưng đối với người Việt Nam, dù hoàn toàn không được học chữ nho cũng có thể hiểu được một số chữ Hán qua âm Hán Việt, và vẫn có thể cảm ý tứ của các câu thơ chữ Hán, nếu trong đó có nhiều từ ngữ quen. Ví dụ câu nguyệt lạc, ô đề, sương mãn thiên thì từ khi còn là học sinh tôi cũng đã hiểu được nguyệt là trăng, ô là con quạ, sương là... sương, mãn là đầy, thiên là trời. Chỉ cần biết thêm lạc là rụng, lặn, đề là kêu, cộng thiêm một chút tâm hồn thi phú nữa là có thể hiểu và cảm gần như trọn vẹn câu thơ chữ Hán đó rồi. Thành thật mà nói, tôi thấy âm vang của câu nguyệt lạc ô đề sương mãn thiên hay hơn câu thơ dịch quạ kêu, trăng lặn, sương rơi, vì hình ảnh sương đầy trời (sương mãn thiên) cho một cảm giác man mác rộng lớn hơn là hai chữ sương rơi nhiều. Với lối hiểu lõm bõm như vậy, tôi nghĩ rất nhiều người Việt Nam thế hệ của tôi cảm được phần nào thơ phú chữ Hán của tổ tiên mình và của Tàu qua các bài phiên âm. Nhưng riêng câu thứ hai của bài thơ Phong Kiều Dạ Bạc thì thú thật sự hiểu của tôi được chia ra làm ba thời kỳ khác nhau. Hồi nhỏ “đọc giang phong ngư hỏa đối sầu miên” thì óc tôi tự dịch ngay là gió trên sông và lửa thuyền chài tạo nên một nỗi buồn triền miên, dĩ nhiên đó là nghe sao hiểu vậy chứ đâu có biết mặt chữ nó ra thế nào. Lớn hơn một chút, đọc các bài dịch thơ Đường thì mới hiểu chữ “giang phong” không phải là gió trên sông, mà là cây phong trên bờ sông (như Trần Trọng Kim dịch là “lửa chài, cây bãi, đối người nằm co” trên đây). Giai đoạn thứ ba là chuyến đi Trung Quốc vừa rồi, nghe người tour guide giải thích một cách khác nữa, ngay tại sân sau của chùa Hàn San. Anh ta nói rằng Giang và Phong là tên của hai cây cầu trên con sông đào sau chùa, cách nhau không xa. Ánh lửa của một chiếc thuyền chài đậu ở cầu Giang và ánh lửa ấy trên một chiếc thuyền đậu ở cầu Phong tạo nên cho người nằm trong thuyền một nỗi buồn dằng dặc trong đêm tối. Cứ cho là đến bây giờ tôi mới được hiểu câu thơ ấy một cách chính xác đi, thế thì cái “hay” của câu thơ có thay đổi gì không, qua các giai đoạn hiểu khác nhau ấy? Tôi thấy là không. Cái cảm giác buồn dằng dặc, man mác mà tác giả tạo ra nằm ở mấy chữ “ngư hỏa” và “sầu miên,” còn cái gì cộng thêm với ánh lửa ấy – cây phong trên bờ hay ngọn lửa từ một cây cầu khác - thì không làm thay đổi hiệu lực của câu thơ. Nói cách khác, nhóm từ ngữ và âm thanh ấy đã có một ma lực riêng đối với người đọc, càng trải qua nhiều thời gian thì càng thiêng, không có lối giải thích mới nào làm suy suyển đi được.
Trong sân chùa Hàn San, giữa đám du khách người Trung Quốc phần nhiều trẻ và năng động, tôi thấy một người trạc tuổi trung niên dáng rất trầm mặc, cứ ngẩng đầu quan sát các mái chùa rêu phong, hoặc nhìn ngọn cây, nhìn bầu trời như đang tìm một cái gì đó vô hình, tách khỏi sự xôn xao chung quanh. Tôi nghĩ người đàn ông Tàu ấy là người có tâm hồn hiểu biết văn học, hẳn đang tìm đâu đó hồn thơ Trương Kế từ những câu thơ mà chắc ông đã thuộc từ lâu. Đám trẻ thì không ai có thái độ ấy, họ đi đứng nói năng nhanh nhẹn, có khi đùa giỡn ầm ĩ, ngay cả khi thắp hương lạy Phật họ cũng không từ tốn chậm rãi. Không biết trong đám họ có ai đã đọc bài thơ Phong Kiều Dạ Bạc và trong lòng có niềm rung động cổ kính khi đến thăm ngôi chùa này không.
Như để trả lời cho câu hỏi của tôi, mấy tiếng chuông chùa vang lên từ cái gác chuông gần chỗ tôi đang đứng. Tôi hơi ngạc nhiên, ai mà đi đánh chuông vào giữa buổi chiều thế này? Lại cũng như để trả lời cho tôi lần nữa, tiếng chuông lại vang lên, nhưng lần này tiếng kêu rất yếu ớt. Một lát sau, chuông lại vang lên liên tiếp mấy tiếng dồn dập, có vẻ như có một lũ trẻ đang phá phách cái chuông vậy. Tôi không khỏi đưa mắt nhìn về phía tiếng chuông xem cái gì đang xảy ra, thì thấy một hàng người dài đang nối đuôi chờ lên gác chuông, và chợt hiểu: à, người ta sắp hàng để lên lầu thỉnh chuông! Và chợt hiểu luôn sở dĩ có việc này là do câu thơ của Trương Kế “dạ bán chung thanh đáo khách thuyền” (nửa đêm tiếng chuông vọng tới thuyền của khách). Công ty du lịch đã khai thác đúng lòng mong mỏi tiếng chuông của bao khách tới đây, mở ra một dịch vụ rất đơn giản: bán tiếng chuông chùa! Ai muốn tự tay mình tạo nên tiếng chuông chùa Hàn San nổi tiếng thì mua một cái vé 5 nguyên (khoảng 60 cents Mỹ), và đứng xếp hàng chờ đến lượt mình leo cái cầu thang chật hẹp để lên lầu thỉnh chuông. Lầu chuông làm biệt lập ngoài sân, nối liền với nhà chính bằng một hành lang, vì thế tha hồ bán tiếng chuông cả ngày, cứ liên tục boong boong lúc to lúc nhỏ mà không làm trở ngại gì các sinh hoạt trong chùa.
Mười ba thế kỷ trước tiếng chuông từ gác chuông này đã vang lên bay đến thuyền của thi nhân đậu đâu đó trên dòng sông sau chùa vào lúc nửa đêm, để một tiếng thơ thành hình, và từ đó ở lại luôn trong lòng bao nhiêu thế hệ đến sau. Đời này qua đời khác, người ta đọc, ngâm nga, rung động với bốn câu ngắn ngủi đó, và ngày nay, bao nhiêu người náo nức đến đây chỉ với tấm lòng thiết tha muốn chính mắt mình thấy lại cảnh xưa, và may thay, chính tay mình lại có thể tạo nên tiếng chuông bất hủ của Trương Kế một ngàn ba trăm năm trước. Người ta xếp hàng là phải! Đánh một tiếng chuông chùa Hàn San là gây lại một tiếng lòng mà thi nhân thuở xưa đã sống và đã giải bày, là tạo một duyên nghiệp mới cho chính mình, và biết đâu cho bao nhiêu người nghe quanh đây nữa. Tiếng chuông chùa Hàn San cả ngàn năm chỉ quanh quẩn trong bài thơ Đường. Người Trung Hoa, người Việt Nam, người Đại Hàn, người Nhật Bản... đời này nối đời kia thưởng thức nó nhưng mấy ai có cơ duyên được nghe nó.
Lạ lùng làm sao một ngày đầu thế kỷ 21, tôi, một người Việt Nam đã đến đây, đã cung kính cầm cái chày vồ cũ kỹ giộng nên mấy tiếng chuông. Tiếng chuông tôi đánh giữa một buổi chiều trong cái thành phố Tô Châu đang tấp nập xe cộ và người buôn bán chắc sẽ chẳng vang đi xa, nhất là chẳng vào thẳng cõi lòng ai như tiếng chuông lúc nửa đêm bay đến chiếc thuyền đang neo ở bến Phong Kiều cách đây mười ba thế kỷ. Nhưng dù sao tôi cũng đã có duyên nghe nó, và hơn nữa, tạo nên nó, cũng như tôi đã có duyên đứng sau chùa nhìn ra con sông lững lờ trôi như vẫn trôi từ nghìn xưa đến giờ, thấy cây cầu cong cong soi mình dưới nước mà tự hỏi: có phải đây là Phong Kiều, hay là Giang Kiều?
Chỉ mấy câu thơ ngắn ngủi mà cơ hồ làm thời gian ngừng hẳn ở nơi đây. Bao nhiêu người đến thăm chùa, có người từ rất xa như tôi, là chỉ để tìm cái Hàn San tự, cái lửa thuyền chài, cây cầu Phong, và tiếng chuông, mà Trương Kế đã để lại trong bài thơ. Chùa Hàn San của ngày nay chỉ là cái cớ để chúng tôi đi tìm ngày xưa. Gióng lên tiếng chuông của ngày nay cũng là chỉ để nghe lại âm thanh của ngày xưa. Nhìn dòng sông, nhìn cây cầu cũng là để từ đó tưởng tượng ra hình bóng của cây cầu xưa, con sông cũ, và ánh đèn thuyền chài buồn thiu trong đêm tối.
Tất cả chỉ vì một bài thơ tứ tuyệt!
Tháng Ba, 2005
Trích từ cuốn Du Ký sắp xuất bản của Phạm Xuân Đài.