![]() |
Hòa thượng Thích Quảng Độ. Ảnh: Phật tử Việt Nam. |
NGUYỄN HÒA
Hòa thượng Thích Quảng Độ, người đứng đầu Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất (GHPGVNTN) viên tịch vào ngày 22-2-2020, để lại nhiều tiếc thương cho Phật tử cũng như những cộng sự của ông. Từ Virginia, Hoa Kỳ, Giáo sư Đoàn Viết Hoạt, người cộng sự thân tín của Hòa thượng dành cho Sài Gòn Nhỏ một cuộc trao đổi về cuộc đời của Vị Tăng thống, cũng như những kỷ niệm khi ông còn ở Việt Nam với Ngài Thích Quảng Độ. Trước tiên, ông nói về cảm xúc của mình khi được tin Hoà thượng viên tịch.
***********
Giáo sư Đoàn Viết Hoạt: Tôi hết sức xúc động khi nghe tin Ngài viên tịch dù trươc đó ít ngày khi nhìn thấy tấm hình chụp Ngài đang nằm trên giường bệnh tôi đã cảm thấy ngày này không còn bao xa. Tử là một trong tứ diệu đế, tất nhiên không ai tránh khỏi. Nhưng khi, từ nửa quả địa cầu theo dõi tang lễ dành cho Ngài, trái tim tôi không ngừng buốt nhói. Ngài ra đi là một mất mát quá lớn cho đại nghĩa dân tộc và đạo pháp. Cả cuộc đời Ngài, nhất là từ 1975 đến nay, chỉ dành cho đại nghĩa. Ngài là một biểu tượng chói sáng cho cuộc đấu tranh của toàn thể dân tộc nhằm vượt qua giai đoạn cuối cùng của thời kỳ suy thoái để mở đường cho nước Việt tiến vào thời kỳ hưng thịnh trong thời đại 2000.
Sài Gòn Nhỏ: Cũng có những phàn nàn rằng Thầy Thích Quảng Độ từng chống lại chế độ Việt Nam Cộng Hòa, và như vậy là tạo điều kiện thuận lợi cho cộng sản nắm quyền?
Giáo sư Đoàn Viết Hoạt: Đó là một nhận định sai lầm và thiếu tầm nhìn. Ngài không chống lại chế độ Việt Nam Cộng Hòa, mà chỉ chống lại những việc làm sai trái của người cầm quyền nhằm làm cho chế độ phát huy tốt hơn. Ngài chống lại chế độ cộng sản vì cộng sản chủ trương dùng bạo lực và bạo quyền để thống trị nhân dân. Những người như Ngài Thích Quảng Độ “lấy đại nghĩa để thắng hung tàn, đem chí nhân mà thay cường bạo“. Đại nghiã dân tộc và nhân loại không phát huy từ tranh chấp quốc-cộng, tả-hữu. Cộng sản không thể phù hợp với dân tộc Việt và với nhân loại. Nó đã bị nhân loại đào thải và đang bị dân tộc ta loại bỏ. Dân tộc ta đang cùng nhân loại tổng hợp lại những ưu điểm của quá khứ và hiện tại, hướng tới một tương lai cao đẹp hơn. Những người Việt yêu dân tộc và yêu nhân loại luôn biết hướng tới tương lai toàn diện đó, tìm mọi cách để loại bỏ các trở ngại, khơi mở con đường tương lai đó cho dân tộc. Những chế độ đi ngược lại xu thế tương lai đó không thể tồn tại, dù có chiến thắng trong hiện tại nhờ bạo lực. Suốt mấy chục năm qua Ngài Thích Quảng Độ đã kiên trì đấu tranh chống lại một chế độ như thế.
Sài Gòn Nhỏ: Ông có thể chia sẻ những kỷ niệm sâu sắc nhất của ông với Thầy Thích Quảng Độ?
Giáo sư Đoàn Viết Hoạt: Tôi có cơ duyên cùng làm việc với Ngài Thích Quảng Độ từ đầu thập niên 1970 tại Viện đại học Vạn Hạnh. Khi Hòa thượng Viện trưởng có việc phải công du, Ngài Thích Quảng Độ luôn đảm nhiệm Quyền Viện Trưởng. Ngài giải quyết công việc một cách chính trực công minh, thẳng thắn, chân tình. Sau 1975, nhà cầm quyền cộng sản kiểm soát toàn bộ công việc tại Viện Đại học. Sau nhiều tháng hoàn toàn bị động, ba người chúng tôi, Ngài Thích Quảng Độ, Hòa thượng Thích Minh Châu và tôi, họp lại quyết định tách phần Phật học ra khỏi phần thế học. Tôi soạn bức thư do Hòa Thượng Thích Trí Thủ nhân danh Viện trưởng Viện Hóa Đạo, GHPGVNTN, ký tên gửi chính quyền thành phố, thông báo việc chúng tôi chấm dứt trách nhiệm phần thế học, và giữ lại phần Phật học của Viện đại học Vạn Hạnh. Chúng tôi cũng giữ lại năm người làm việc tại Viện Phật học là Hoà Thượng Thích Minh Châu, Hòa Thượng Thích Quảng Độ, Thượng tọa Thích Tuệ Sỹ, Ni sư Thích Nữ Trí Hải, và Giáo Sư Nguyễn Đăng Thục. Ngay sau khi gửi thư đi, chúng tôi nhanh chóng di chuyển toàn bộ thư viện Phật học sang cơ sở trên đường Võ Di Nguy, Phú Nhuận (nay là đường Nguyễn Kiệm), treo lên tấm biển Viện Phật Học Vạn Hạnh, bên trên có hàng chữ Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất. Sau khi tôi và Ngài Thích Quảng Độ bị bắt, nhà nước bắt thay bảng mới với tên Viện Nghiên cứu Phật học, thuộc Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam do nhà nước thành lập.
Tôi còn nhớ, sau khi đã hoàn tất việc di chuyển sang cơ sở mới, một hôm tôi ngồi đàm đạo với Ngài, đang nói cười sang sảng thì chợt một sĩ quan công an vào, nói Giáo Hội của ông toàn CIA. Ngài nghiêm mặt, đập tay xuống bàn rồi chỉ mặt người này la mắng cũng sang sảng: “Anh nói bậy”. Viên sĩ quan công an im lặng, cúi đầu, từ từ rút lui.
Cuối năm 1976, đêm hôm trước khi tôi bị bắt, tôi đến họp với Ngài tại chùa Giác Minh trên đường Phan Thanh Giản để trao đổi về tình hình lúc đó. Tôi có soạn một bản phân tích thời cuộc. Ngay sáng sớm hôm sau công an đến bắt tôi, rất may họ không lấy được bản phân tích thời cuộc này, trên đó có để tên Ngài, nhờ nhà tôi nhanh tay giấu được khi công an xét nhà, nhờ đó Ngài chưa bị bắt ngay lúc đó. Khi nhà tôi đến báo tin tôi bị bắt Ngài nói với nhà tôi: “Tội nghiệp anh Hoạt quá”.
Sài Gòn Nhỏ: Theo ông tương lai Phật giáo Việt Nam sẽ như thế nào? Số phận của Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất, Giáo hội Phật giáo Việt Nam? Ông có lo lắng về bề nổi có vẻ như tha hóa của Phật giáo Việt Nam hiện nay không?
Giáo sư Đoàn Viết Hoạt: Giáo Hội PGVNTN thời kỳ sau Ngài Thích Quảng Độ, tất nhiên phải lâm vào khủng hoảng, nhưng theo tôi đây là cuộc khủng hoảng chung của dân tộc và của Phật giáo, từ mọi phía. Phật giáo Việt Nam chưa tìm được con đường phát triển và hoạt động thích hợp với thời đại mới đang mở ra cho dân tộc và cho nhân loại. Thời đại hiện nay theo tôi như cơn sốt vỡ da cho toàn dân tộc ta, trong đó Phật giáo gánh chịu nặng nhất vì luôn gắn liền với biến chuyển của dân tộc trong suốt mấy ngàn năm qua. Ngoài ra chính Phật giáo nói chung trên toàn thế giới cũng đang phải chuyển mình để có thể đáp ứng được nhu cầu phát triển một nếp sống mới, một nền văn minh mới cho nhân loại trong thời đại toàn cầu. Phật giáo Việt Nam không thể tách rời những biến chuyển của Phật giáo toàn cầu như thế. Một giải pháp cho Phật giáo không thể tách rời một giải pháp cho Việt Nam, và một giải pháp cho Việt Nam không thể tách rời một pháp cho khu vực và cho toàn thế giới.
Nhưng nhìn vào hàng ngũ những tăng ni trẻ hiện nay tại Việt Nam và tại cộng đồng người Việt hải ngoại, tôi tin rằng đang xuất hiện những khuôn mặt giác ngộ mới, những bậc Bồ Tát mới, đáp ứng tình hình mới này, như đã từng xuất hiện trong thời gian qua.
Sài Gòn Nhỏ: Xin cám ơn Giáo sư.
*** Giáo sư Đoàn Viết Hoạt, từng là phụ tá Viện trưởng Thích Minh Châu của Viện Đại học Vạn Hạnh tại Sài Gòn trước năm 1975. Ông bị nhà cầm quyền cộng sản bắt giam vào năm 1976 với án tù 12 năm vì tội danh “tuyên truyền tư tưởng phản động.” Ra tù vào năm 1988, ông tiếp tục viết báo bí mật, trình bày những tư tưởng tự do. Ông bị bắt lần thứ hai vào năm 1990, sau đó được chính phủ Hoa Kỳ nhận tị nạn chính trị vào năm 1998.