Thứ Bảy, 25 tháng 1, 2020

Trùng Dương: Cuộc khải hoàn của các nữ họa sư cổ điển

Collage TD2019

Nhìn các bức tranh trên, chúng ta, do chỗ đã bị điều kiện hóa thành ra mang định kiến, khó có thể nghĩ chúng do các nữ họa sĩ của thế kỷ 16 và 17 vẽ mà lịch sử nghệ thuật đã không hề nhắc tới và gần đây mới được giới thẩm định nghệ thuật công nhận đưa ra trình làng. Đó là các bức họa, từ trái sang phải: 1) “Judith and Holofernes/Nàng Judith hạ sát Holofernes,” khoảng năm1620, do nữ họa sĩ Artemisia Gentileschi họa, hiện trưng bầy tại Uffizi Gallery, Florence, Italy; 2) “Family Portrait/Chân dung Gia đình,” năm 1558, do Sofonisba Anguissola họa, hiện có tại Museo del Prado, Madrid, Spain; 3) “Self-Portrait at the Spinet/Tự hoạ bên Phím đàn,” năm 1577, của Lavinia Fontana, thuộc Museo del Prado; và 4) Sofonisba Anguissola, “Self-Portrait at the Easel/Tự hoạ bên Giá vẽ,” khoảng năm 1556–57, tại Museo del Prado.

Do đòi hỏi của giới thưởng ngoạn ngày một gia tăng, các viện bảo tàng đã cất công sưu tầm, tìm mua và phục hồi những họa phẩm cổ điển này để trưng bầy. Cũng do nhu cầu này của các viện bảo tàng và giới sưu tầm tranh, các nhà bán đấu giá tranh, như nhà Sotheby’s nổi tiếng quốc tế, cũng đã vào cuộc chơi sưu tầm và tổ chức đấu giá các tác phẩm của các nữ họa sĩ thế kỷ 16 tới 19 vào đầu năm ngoái, mệnh danh là “The Female Triumphant,” tạm dịch là “Cuộc Khải hoàn của Nữ giới.”

“Số nữ họa sư [female Old Master] thành đạt mà chúng ta được biết tới ngày nay vẫn còn rất ít,” chuyên gia về tranh cổ điển của Sotheby’s ở New York, Calvine Harvey, nói trong một bản thông cáo. “Các bà đã bất chấp những trở ngại ghê gớm, và sức mạnh và phẩm chất của tác phẩm của họ do đó càng thêm phi thường. Những năm gần đây nẩy sinh một nhu cầu ngày càng gia tăng đối với các tác phẩm nghệ thuật của nữ giới, và chúng tôi tiếp tục khám phá thêm thông tin về đời sống và tác phẩm của những vị nữ lưu tiền phong này.”

Xin mở ngoặc ở đây để giải thích cụm từ “Old Master.” Theo Wikipedia, trong lịch sử hội họa, cụm từ này, tạm dịch là họa sư cổ điển, chỉ những bậc danh họa hành nghề ở Âu châu trước năm 1800. Cụm từ đó cũng có nghĩa là họa phẩm thực hiện trong thời khoảng này của một họa sĩ. Có người đề nghị dùng chữ “Old Mistress” để chỉ nữ họa sư, nhưng không được thông dụng, có lẽ vì chữ “mistress” nghe có vẻ tiêu cực. Do đấy là cụm từ “female Old Master” để chỉ nữ họa sư.

‘Tại sao ta không có các nữ họa sĩ lớn?’


Trong khi cùng với các sinh viên nghiên cứu về hình ảnh (hầu hết là tiêu cực) về người phụ nữ vào thế kỷ 19 và 20 cho lớp lịch sử nghệ thuật, sử gia nghệ thuật Linda Nochlin (1932-2017) có dịp tiếp xúc với một nhà buôn bán tranh (art dealer). Khi được hỏi sao không thấy ông có tranh của nữ giới, ông này trả lời bà Nochlin: “Linda, tôi cũng muốn đại diện các nữ họa sĩ, thế nhưng tôi đã không tìm thấy tranh có giá trị. Tại sao ta không có các nữ họa sĩ lớn?”

“Đúng ra là ông ta hỏi tôi câu ấy,” bà Nochlin kể. “Tôi về nhà và nghĩ về vấn đề này nhiều ngày sau đó. Nó ám ảnh tôi, bởi vì, trước hết, [câu hỏi] ám chỉ là không có nữ họa sĩ lớn. Thứ hai, bởi vì nó đồng thời nhìn nhận đây là một điều hiển nhiên [có gì đâu mà phải thắc mắc]. Từ đó bật lên trong đầu tôi một nguồn sáng. [Nó] khiến tôi phải nghiên cứu thêm nữa vào nhiều lãnh vực khác nhau để ‘trả lời’ cho câu hỏi và những ngụ ý trong đó.”

Sau một thời gian nghiên cứu, với sự tiếp tay của các sinh viên, năm 1971 bà Nochlin cho xuất bản bài tiểu luận “Why Have There Been No Great Women Artists?” vào cao điểm của phong trào phụ nữ đòi quyền bình đẳng tại Mỹ. Bài tiểu luận, xuất hiện trong số báo ARTNews tháng 1, 1971, đã trở thành kinh điển, làm nền cho những tìm tòi tương tự không chỉ trong lãnh vực nghệ thuật mà cả ở những bộ môn, ngành nghề khác nhau, nhằm giải thích cho sự vắng bóng hay hiếm hoi của nữ giới trong mọi ngành sinh hoạt trong quá khứ.

Trong bài tiểu luận dài gần 30 trang, bà Nochlin xem xét những trở ngại mà bà cho là có tính cách cơ cấu, hơn là cá nhân, đã cản trở phụ nữ nói chung và nữ giới Tây phương nói riêng không thể thành công trong nghệ thuật. Theo bà, “mọi sự như chúng là và vẫn là [nhấn mạnh của người viết bài này], từ hồi nào tới giờ, trong nghệ thuật cũng như hàng trăm ngành nghề khác, đó là [do các cơ cấu xã hội đề ra nhằm] vô hiệu hóa, trấn át và làm nản những ai, trong đó có người nữ, không được may mắn sinh ra là người da trắng, trung lưu càng tốt, và trên tất cả là phái nam,” bà Nochlin viết. “Lỗi không nằm ở những vì sao của mỗi chúng ta, hay nội tiết tố hoặc các kỳ kinh nguyệt của chúng ta, hay sự trống rỗng nội tâm của mỗi chúng ta, mà là nằm trong cơ chế sẵn có và việc giáo dục của [xã hội dành cho] chúng ta.”


Trong văn chương, như chúng ta đã biết, một người nữ có tài trong xã hội xưa ở Tây phương vẫn có thể đọc sách (lúc nào cũng sẵn), sống và quan sát, và sáng tác, tạo nên những tác phẩm để đời như đã từng xẩy ra, dù không nhiều. Dù vậy, trong thời của ba chị em nhà Bronte, tác giả của những tác phẩm đã trở thành kinh điển, như “Jane Eyre” và“Wuthering Heights,” vào thế kỷ 19 tại Anh quốc, để xuất bản sách, họ đã phải đội tên nam giới, và tự bỏ tiền túi ra in cuốn đầu, một tuyển tập thơ của ba chị em, để được đón nhận.

Nhưng trong hội họa thời xưa, để có thể phát triển tài năng và được công nhận vào hàng ngũ nghệ sĩ không dễ, trừ phi có cha hay người thân trong gia đình đã là họa sĩ tên tuổi, như với hầu hết các nữ họa sĩ thời đó.

Không những phụ nữ không được phép theo đuổi các chương trình huấn luyện nghệ thuật tại các học viện, do đấy tài liệu về sự phát triển của họ không được lưu trữ, họ còn bị chế giễu, làm cho nản lòng theo đuổi nghệ thuật, kể cả những ngành nghề đòi hỏi trí tuệ khác, vì bị xã hội phụ hệ vốn coi nữ giới không được trời sinh với sự thông minh và năng khiếu như phái nam, theo bà Nochlin. Từ thời Phục hưng tới thế kỷ 19, vẽ khỏa thân là một khả năng hội họa quan trọng, cần được vun sới bằng tập luyện.Tôi nhớ vào năm 1962 khi thi vào trường Cao đẳng Mỹ thuật ở Gia Định, đây là môn thi quan trọng nhất, danh từ thời đó gọi là vẽ truyền thần, kéo dài hai, ba ngày, với một người mẫu sống phái nam, tất nhiên là không hoàn toàn khỏa thân; và thí sinh có quyền chọn vẽ bằng bút chì hay than, phấn pastel, không bắt buộc phải tô mầu vì ban giám khảo chỉ muốn biết khả năng vẽ truyền thần của thí sinh. Nói lên điều này chỉ là muốn nhấn mạnh tới việc vẽ truyền thần là một môn quan trọng từ thời Phục hưng cho tới tận giữa thế kỷ 20, điều mà, tôi còn nhớ, nhiều họa sĩ trẻ thuộc thế hệ tôi dạo ấy dè bĩu, không chấp nhận.

Vào các thế kỷ 16 đến hết 18, phụ nữ không được tham dự vào những buổi vẽ có người mẫu sống, lại càng không được phép luyện tập môn vẽ khỏa thân. Khi vào thế kỷ 19 họa viên phái nữ cuối cùng được tham dự những buổi vẽ người mẫu sống thì thường phải có sự giám sát của một người phái nam, và người mẫu phải phủ vải lên các phần riêng tư, do đấy hạn chế việc thực tập vẽ truyền thần. Bà Nochlin cho là việc bị hạn chế thực tập môn vẽ truyền thần đã đưa tới hậu quả là các nữ họa viên “bị hạn chế trong việc có thể tạo nên những tác phẩm lớn.”

Vào thế kỷ 19 họa viên phái nữ cuối cùng được tham dự những buổi vẽ người mẫu sống thì thường phải có sự giám sát của phái nam và người mẫu phải phủ vải lên các phần riêng tư, do đấy hạn chế việc thực tập vẽ truyền thần. (Minh họa Tiernan Morgan & Lauren Purje, 2017)

Do đấy, và căn cứ vào hệ thống xếp loại tranh thời Phục hưng mà các học viện Âu châu công nhận và áp dụng cho tới đầu thế kỷ 19 khi phong trào hội họa tân thời (modern) ra đời loại bỏ hệ thống xếp hạng đó: Cao cấp nhất là tác phẩm mô tả các tích lịch sử, tôn giáo, thần thoại hay có chủ đề, là những đề tài đòi hỏi một trình độ trí thức cao; thứ hai là tranh chân dung; thứ ba, tranh sinh hoạt đời sống hàng ngày; thứ tư, tranh phong cảnh; thứ năm, tranh loài vật; và cuối cùng,đứng hạng chót là tranh tĩnh vật.

Căn cứ vào đó, chỉ cần duyệt qua đề tài các tranh của một nữ họa sĩ cổ điển, người ta có thể đoán được cơ hội nào tác giả của chúng đã có được. Chẳng hạn như trường hợp của Artemisia Gentileschi(1593 – c. 1656 ), gốc Ý, có lẽ là họa sĩ có nhiều tác phẩm được lưu giữ với tài liệu minh chứng nhiều nhất tới nay, phần lớn tranh của bà thuộc vào hạng thứ nhất (tôn giáo, lịch sử và huyền thoại) và thứ hai (chân dung). Sở dĩ vậy vì bà có cha là họa sĩ đã thành danh, Orazio Gentileschi. Artemisia được cha hướng dẫn từ nhỏ khi bà theo cha đến xưởng vẽ để phụ việc. Bà sớm tỏ ra có khả năng vẽ, pha mầu và sơn giỏi hơn cả các em trai nên càng được ông Orazio để ý dậy dỗ. Năm bà 19 tuổi, cha bà đã tuyên bố bà có tài nghệ khác thường, ở lứa tuổi bà trong nghề không ai có thể sánh bằng.

Tranh của nữ họa sư Artemisia Gentileschi: Trái, “Judith Slaying Holefernes – Nàng Judith hạ sát Holefernes,” hoàn tất năm 1610, dựa vào sự tích trong Kinh thánh cổ (Old Testament) về nữ anh hùng Do Thái Judith hạ sát tướng Assyrian với sự tiếp tay của người hầu nữ. Artemisia vẽ nhiều bức cùng đề tài, được xếp loại một trong lọat tranh mà các nhà phê bình thời Phục hưng mệnh danh là “Sức mạnh của người nữ.”Bức tranh trên là một trong những ấn bản cùng đề tài hiện trưng bầy tại Museo Nazionale di Capodimonte, Naples, Italy. Phải, “Nativity of St. John the Baptist - Thánh John the Baptist chào đời,” 1633-5, Museo del Prado, Madrid, Spain.Xem danh sách các tranh khác của Artemisia tại Wikipedia.
Dù vậy, do thiếu cơ hội luyện tập để có thể sản xuất những họa phẩm cấp cao, có những nữ họa sĩ đã tập trung trau luyện tài nghệ với những đề tài mà mình được phép, như thiên nhiên, loài vật và tĩnh vật, mà sự sống động đầy mầu sắc ít họa sĩ nào có thể sánh kịp. Điển hình là những bức tranh vẽ tĩnh vật của nữ họa sĩ Rachel Ruysch, gốc Hòa Lan, như bức “Fruits and Insects - Trái cây và Côn trùng”vẽ vào năm 1711; hay bức “The Horse Fair – Hội chợ Ngựa” của nữ họa sĩ Rosa Bonheur của Pháp, vẽ năm 1852.

“Fruits and Insects – Trái cây và Côn trùng,” Rachel Ruysch vẽ năm 1711, sơn dầu trên gỗ, 44 x 60 cm. Gallerie degli Uffizi, Florence, Italy
“The Horse Fair – Hội chợ Ngựa,”sơn dầu trên vải canvas, 2.4 m x 5.1 m, Rosa Bonheur thực hiện năm 1852, hiện trưng tại Metropolitan Museum of Art, New York. Để có dịp quan sát và phác họa sinh hoạt của loại hội chợ sô bồ, luôn chuyển động này, bà Rosa cũng đã phải xin phép cảnh sát cho bà được phép mặc quần để không bị vướng víu với trang phục váy lòe xòe nhiều lớp của phái nữ.

Cuộc triển lãm tranh của nữ họa sĩ quốc tế đầu tiên năm 1976


Cũng do ảnh hưởng sâu rộng trong giới những người tranh đấu cho nữ quyền, trong đó không thiếu nhiều vị thuộc phái nam, mà một cuộc triển lãm quốc tế đầu tiên dành cho 83 nữ họa sĩ từ năm 1550 đến 1950 thuộc 12 quốc gia đã thành hình. Cuộc triển lãm, tựa là “Women Artists: 1550-1950,” do Los Angeles County Museum of Art tổ chức, dưới sự bảo trợ của Alcoa Foundation và National Endowment for the Arts, và do hai giáo sư Ann Sutherland và Linda Nochlin, tác giả bài tiểu luận đề cập tới ở trên, sưu tầm và sắp xếp.Sau trên ba tháng trưng bầy ở LACMA, từ ngày 21 tháng 12, 1976 tới hết tháng 3, 1977, bộ tranh được đưa đi triển lãm tại các viện bảo tàng ở Austin, Texas, Pittsburg, Pennsylvania và kết thúc tại Brooklyn Museum ở New York.

Cuộc triển lãm quốc tế đầu tiên tranh của các nữ họa sĩ gồm họa phẩm của 83 họa sĩ thuộc 12 quốc gia từ năm 1550 đến 1950 do Los Angeles Museum of Arts tổ chức năm 1976. (Ảnh Brooklyn Museum) Xem danh sách các nữ họa sĩ có tranh triển lãm tại Wikipedia. Một tập sách về cuộc triển lãm trên, “Women Artists: 1550-1950,” do Los Angeles Museum of Arts xuất bản năm 1976 hiện có bán trên Internet.

Cuộc triển lãm là một biến cố quan trọng qua đó giới thưởng ngoạn, vốn vẫn quen với một lịch sử hội họa như một lãnh vực độc quyền của phái nam, có dịp nhìn thấy sự đóng góp của các nữ họa sĩ tài nghệ không thua kém nhưng bị bỏ quên.

Dù vậy, phải chờ tới đầu thế kỷ 21 này, tức một thế hệ sau, với sự phát triển của Internet và các diễn đàn xã hội, bên cạnh việc nữ giới đã trang bị cho mình một căn bản học vấn đáng kể và không còn chấp nhận cái, theo bà Nochlin,“là và vẫn là,”sự đóng góp của giới nữ trong hội họa trước kia mới thực sự được lưu ý tìm hiểu và ghi nhận.

Loạt phim tài liệu về các danh họa phái nữ tại viện bảo tàng Anh


Vào đầu năm ngoái (2019), London National Gallery đã cho thực hiện và phát hành trên YouTube một bộ phim tài liệu gồm sáu phần, mỗi phần vài phút nhưng rất súc tích cô đọng, dưới tựa đề “Why are there so few female artists represented in the National Gallery – Vì sao có rất ít nữ họa sĩ có tranh trong National Gallery?” Giới thiệu cho bộ phim, bà Caroline Campbell, giám đốc ban sưu tầm và nghiên cứu tại viện bảo tàng, cho biết sở dĩ vậy là do các vấn đề xã hội văn hóa đã tạo nên sự phâncách nam nữ (gender gap) ấy khiến trong số hàng ngàn tranh cổ bảo lưu tại viện lại chỉ có 21 tranh của nữ họa sĩ.

“Chúng tôi không thể thay đổi lịch sử, song chúng tôi có thể nói về lý do sâu xa tại sao có sự sai biệtlớn về số tranh của phái nữ [khiến] viện chỉ có 21 tranh của họ trong toàn bộ sưu tầm,” bà Campbell nói. “Sở dĩ ít có tranh của nữ giới bởi vì ít có nữ họa sĩ đã được nói tới trong lịch sử sáng tạo nghệ thuật, chấm hết. Và sở dĩ vậy vì trải qua nhiều thế kỷ phụ nữ bị loại ra khỏi lịch sử [history - viết bởi và cho nam giới - TD], họ bị loại ra khỏi mọi vị thế quyền lực và họ bị loại ra khỏi bất cứ sinh hoạt nào có thể giúp họ tạo được tiếng nói độc lập và có tính cách sáng tạo. Việc sáng tạo của phái nữ bị coi như kỳ cục trong suốt chiều dài lịch sử qua toàn bộ sưu tầm của National Gallery mà chúng tôi đã khảo sát.”

Theo bà Campbell, “các sử gia nghệ thuật và chuyên viên bảo tàng hiện rất ý thức về hố cách biệt nam nữ này mà cách đây 40 hay 50 năm đã không được chú ý tới. Tôi rất hãnh diện mà nói là viện chúng tôi đang nỗ lực lấp hố cách biệt đó qua việc trình bầy những câu chuyện tích cực về các nữ danh họa mà tranh của họ chúng tôi hiện lưu giữ.”

Trong loạt phim tài liệu ngắn này, qua sự hướng dẫn của các nữ chuyên viên bảo tàng, National Gallery trình bầy sơ lược cuộc đời và họa phẩm của các nữ họa sư mà viện có sẵn, gồm: 

Rachel Ruysch (1664– 1750): Họa sĩ của vương triều Hòa Lan, song nổi tiếng về tranh tĩnh vật, và là mẹ của 10 người con. Cùng thời với danh họa Rembrandt, nhưng tranh của bà không những được chiếu cố nhiều hơn tranh Rembrandt, mà còn bán với giá cao hơn tranh của danh họa mà chúng ta đều đã từng nghe danh và thán phục.

Elisabeth Vigée Le Brun (1755-1842): Nữ họa sĩ Pháp nổi tiếng về vẽ chân dung vào cuối thế kỷ 18, được mời vào triều vẽ chân dung cho Hoàng hậu Marie Antoinette. Vì đó mà khi cuộc cách mạng 1789 xẩy ra, bà phải trốn khỏi nước Pháp, và sau đó đã đi khắp Âu châu.

Rosa Bonheur (1822-1899): Theo giới phê bình tại Pháp thời đó, bà mặc và họa như một người nam. Tiếng tăm của bà thời đó đã có tầm vóc quốc tế. Suốt đời độc thân và sống nhiều năm với một người bạn gái, bà nổi tiếng về tranh loài vật, và đã từng nói: “Nói về nam giới ấy à, tôi chỉ thích những con bò đực mà tôi vẽ - As far as males go, I only like the bulls I paint.”

Artemisia Gentileschi(1593 – c. 1656): Artemisia được biết đến như là một nữ họa sĩ nổi tiếng nhất của thế kỷ 17, và là người để lại nhiều tác phẩm hội họa thuộc loại đề tài cao cấp nhất. Câu nói lừng danh của bà là: “Tinh thần của Caesar [nằm] trong hồn của người đàn bà - The Spirit of Caesar in the soul of a woman!” 

Cũng trong tinh thần vinh danh vai trò tích cực của phụ nữ trong lịch sử nghệ thuật, Viện bảo tàng Anh National Gallery hiện đang ráo riết chuẩn bị một cuộc triển lãm dành riêng cho Artemisia vào mùa xuân năm nay, với 35 họa phẩm của Artemisia.

Đặc biệt trong cuộc triển lãm đó còn có cả bức Thánh Catherine thành Alexandria, dựa vào hình tự họa của Artemisia -- một việc thông thường thời xưa khi họa sĩ vẽ tranh về các nhân vật tôn giáo và, thay vì tưởng tượng ra khuôn mặt của vị thánh, họa sĩ có khi dùng chính mình như người mẫu. Viện bảo tàng Anh đã mua bức tranh này với giá 4.77 triệu Mỹ kim do tiền quyên góp được, và đã phục hồitranh. Hiện bức tranh đang trên đường lưu diễn qua các thành phố tại Anh để mọi người có dịp cùng thưởng ngoạn, trước khi trở lại National Gallery cho cuộc triển lãm cùng với các họa phẩm khác của Artemisia, sẽ diễn ra từ ngày 4 tháng 4 đến 26 tháng 7, 2020.

Screenshot từ trang Web National Gallery

Ngoài cuộc triển lãm “Artemisia” sắp tới của viện bảo tàng Anh, một số các viện bảo tàng khác cũng đã và đang có những cuộc triển lãm tranh của các nữ họa sĩ cổ điển.

Phục Hưng muộn màng cho các nữ họa sư cổ điển


Vào giữa thập niên vừa qua, các viện bảo tàng Grand Palais tại Paris, Metropolitan Museum of Art ở New York và National Gallery tại Ottawa, Canada đã lôi cuốn một số đông khách thưởng ngoạn đáng kể tới xem cuộc trưng bầy luân lưu tác phẩm của nhà vẽ chân dung phái nữ mới được khám phá của Pháp, Elisabeth Louise Vigée Le Brun, thuộc thế kỷ thứ 18. 

Cũng vào thời khoảng này, viện bảo tàng Museo del Prado tại Madrid, Spain, trình làng các tác phẩm tĩnh vật tuyệt tinh vi và chân dung của nữ họa sĩ Clara Peeters, thế kỷ 17. Nhóm bảo tàng viện Tate của Anh quốc đã khám phá ra một bức chân dung thể kỷ 17 vẽ một mệnh phụ, lâu nay vẫn được gán cho một họa sĩ phái nam, thực ra là do nữ họa sĩ Anh Joan Carlile vẽ vào khoảng năm 1650.

Viện bảo tàng Museo di Roma cũng đã có một cuộc trưng bầy độc đáo kéo dài nhiều tháng, từ cuối năm 2016 qua đầu năm 2017, để vinh danh một trong những nữ họa sư Ý của thời Phục Hưng, dưới tựa đề “Artemisia Gentileschi and Her Times/Artemisia Gentileschi và Thời đại của bà.” Tại Hội chợ Nghệ thuật Tefaf ở Maastricht, Đức quốc năm 2017, tổ chức Shapero Rare Books - Sách hiếm đã trưng bầy bộ minh họa thực vật công phu và sống động của nữ họa sĩ thiên nhiên gốc Đức, Maria Sibylla Merian (1647-1717). 

Vào cuối tháng 10 năm ngoái (2019), viện Bảo tàng Quốc gia Prado tại Madrid, Spain, nhân dịp kỷ niệm 200 năm ngày thành lập, đã khai mạc cuộc triển lãm đặc biệt nhằm vinh danh hai nữ họa sư cổ điển gốc Ý lâu nay bị quên lãng, Sofonisba Anguissola (1532-1625) và Lavinia Fontana (1552-1614). Cuộc triển lãm, sẽ kết thúc vào ngày 2 tháng 2 năm nay, gồm 65 họa phẩm, trong đó có 56 tác phẩm mượn từ 20 bộ sưu tập tại châu Âu và Mỹ, nhằm đưa ra ánh sáng hai nữ họa sư nổi tiếng một thời rồi bị lịch sử lãng quên và chìm vào quên lãng.Ban tổ chức Prado cho biết quyết định tổ chức cuộc triển lãm là do đòi hỏi ngày một gia tăng của giới thưởng ngoạn muốn xem các họa phẩm của các nữ họa sĩ cổ điển. Song cũng phải kể tới nỗ lực tìm tòi và nghiên của một số nữ sử gia về nghệ thuật, mà người coi như đi tiên phong là bà Linda Nochlin, tác giả của bài biên khảo “Why Have There Been No Great Women Artists?” đã đề cập tới ở trên.

Screenshot từ trang Web Museo Nacional del Prado

Phong trào phục hồi tranh cổ của các nữ họa sĩ


Để kết thúc bài sưu tầm này, tưởng cũng nên nhắc tới một nỗ lực đáng kể của tổ chức vô vị lợi Advancing Women Artists Foundation, tắt là AWA, nhằm sưu tầm, phục hồi và trưng bầy các danh họa cổ điển của phái nữ lâu nay bị bỏ quên trong nhà kho của các viện bảo tàng ở Florence, Ý.

Do Tiến sĩ Jane Fortune, một nhà hảo tâm Mỹ, thành lập vào năm 2009 sau khi bà thăm các viện bảo tàng và nhà thờ ở Florence và nhận thấy không có một tác phẩm nào của nữ giới, bà đã thốt hỏi: “Phụ nữ đâu hết rồi?” Câu hỏi đã đưa bà vào một cuộc hành trình đi tìm cho ra nguyên do, và kết quả là việcthành lập nên tổ chức AWA, với nguồn tài trợ từ nhiều nhà hảo tâm khắp nơi, nhằm sưu tầm tranh và các tài liệu liên hệ của các nữ họa sĩ cổ điển tồn trữ và bị bỏ quên trong các nhà kho của các bảo tàng viện và các cơ sở tôn giáo ở Florence, và phục hồi chúng để trưng bầy. Một trong những điều kiện mà một viện bảo tàng muốn nhận sự trợ giúp của AWA là sau khi một tác phẩm được phục hồi, viện đó phải đồng ý dành một chỗ để trưng bầy tác phẩm đó cho công chúng có dịp thưởng ngoạn.

Cho tới nay, AWA, với sự đóng góp tài chính của nhiều nhà hảo tâm trên thế giới, đã thiết lập được danh sách khoảng 2,000 tác phẩm của nữ giới, và đã tài trợ cho công cuộc phục hồi của gần 60 tác phẩm nghệ thuật, trả lại chỗ đứng trong lịch sử nghệ thuật cho một số nữ họa sĩ cổ điển và cả tân thời.

Một trong những nữ họa sĩ đã gợi hứng cho Tiến sĩ Fortune, người sáng lập AWA, là nữ tu kiêm họa sĩ Plautilla Nelli (1524-1588), tác giả của một số tranh khổ lớn tại các tu viện.Đi tu từ tuổi 14 tại tu viện Dominican Santa Caterina da Siena, một thị trấn trong vùng Tuscany của Ý, Nelli thường trà trộn với các nam họa sĩ tên tuổi thời đó và được biết có xưởng họa riêng trong tu viện. 

Một trong những tác phẩm của nữ tu Nelli, sau 450 năm nằm mốc meo trong nhà kho, đã được phục hồi và hiện trưng bầy tại viện bảo tàng của tu viện Santa Maria Novella ở Florence, đó là bức “The Last Supper – Bữa ăn Cuối cùng,” chiều ngang 7 mét, cao 2.5 mét (21 ftx 6.5 ft).

Toàn cảnh bức tranh “The Last Supper” của họa sĩ nữ tu Plautilla Nelli, trướckhi được phục hồi. (Ảnh Rabatti & Domingie, đăng tại news.artnet.com)
Toàn cảnh bức tranh “The Last Supper” của họa sĩ nữ tu Plautilla Nelli, saukhi được phục hồi. (Ảnh Rabatti & Domingie, đăng tại news.artnet.com)
Bức “The Last Supper” của họa sĩ nữ tu Plautilla Nelli, sau 450 năm bị bỏ quên trong nhà kho, được phục hồi và trưng bầy cho công chúng xem tại tu viện Santa Maria Novella ở Florence. Công trình phục hồi này kéo dài bốn năm mới hoàn tất, do tổ chức vô vị lợi Advancing Women Artists Foundation bảo trợ. (Ảnh Rabatti & Domingie, đăng tại news.artnet.com)
[TD2020-01]