Thứ Bảy, 21 tháng 12, 2019
Trần Phỏng Diều: Giao Lưu Ngôn Ngữ Giữa Các Dân Tộc Nam Bộ
Ngay từ cuối thế kỷ XVII, ở Nam bộ đã có nhiều cộng đồng dân tộc cùng sinh sống. Người Việt là dân tộc chủ chốt đã khai phá và đặt nền tảng quản lý hành chính, về phương diện quân sự cũng là lực lượng chủ chốt bảo vệ vùng đất Nam bộ. Trong quá trình khai phá, không thể không tính đến sự có mặt của các dân tộc bản địa và những dân tộc di cư đến. Đó là các dân tộc Hoa, Khmer và Chăm.
Người Khmer đã có mặt rất sớm ở Nam bộ, là dân tộc bản địa. Họ đã chọn những rẻo đất cao trên các giồng dọc theo bờ sông Tiền, sông Hậu, nương nhờ vào thiên nhiên để trồng tỉa và sinh sống. Khi đó, người Khmer đã quần tụ nhiều trong những phum sóc trên những giồng đất ở Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, vùng đồi núi Tri Tôn – An Giang. Người Khmer hiền hoà, hiếu khách, biết làm ruộng thâm canh. Họ theo Phật giáo tiểu thừa, có những hình thức sinh hoạt văn hoá độc đáo thể hiện qua ca múa, lễ hội…
Sự hiện diện từ đầu của người Hoa sát cánh với người Việt trong quá trình khẩn hoang Nam bộ là điều được nhiều nhà nghiên cứu ghi nhận. Khác với người Khmer thường sống tập trung, người Hoa phân tán khắp nơi. Nhiều chi nhánh người Hoa di cư đã cùng người Việt trong việc khai khẩn, lập đất, đóng góp không ít công lao như nhóm người Hoa của Dương Ngạn Địch, góp phần xây dựng vùng Mỹ Tho. Đặc biệt là vai trò của gia tộc họ Mạc trong việc khai khẩn và xây dựng đất Hà Tiên.
Người Chăm tập trung nhiều ở An Giang, Châu Đốc, phần đông sống bằng nghề buôn bán nhỏ, làm tiểu thủ công nghiệp. Tổ chức xã hội của người Chăm đặt trên nền tảng Hồi giáo với nhiều phong tục tập quán riêng.
Điều cần lưu ý đầu tiên là trong suốt tiến trình khai phá và phát triển của Nam bộ, các dân tộc đã cùng chung sống hòa bình và đáng kể hơn cả là sự giao lưu văn hóa giữa các dân tộc đã góp phần tạo cho vùng đất Nam bộ những nét văn hóa độc đáo. Ngay khi có nhiều tôn giáo lớn cùng hiện diện, giữa các dân tộc vẫn luôn giữ được tinh thần bao dung về mặt tín ngưỡng. Trên lĩnh vực ngôn ngữ, trong quá trình giao lưu, tiếng Việt đã dần dần trở thành tiếng nói chung bên cạnh hiện tượng song ngữ hay đa ngữ vẫn được coi là bình thường, còn hiện diện rải rác ở một số vùng cộng cư Việt – Khmer – Chăm, Việt – Hoa… Trong tiếng nói của người Việt đã có sự hiện diện của các tiếng dân tộc và ngược lại, chẳng hạn như các từ lì-xì, xính xái, xí mụi, thèo lèo, tài công, tằng khạo xuất phát từ tiếng Hoa; cà ràng, xà quầng, mình ên xuất phát từ tiếng Khmer… Trong sinh hoạt vật chất cũng vậy. Chiếc phảng, chiếc nóp, cà ràng của người Khmer đã được cải tiến trở thành thân thiết với người Việt đồng bằng. Chiếc áo bà ba của người Việt cũng thành quen thuộc với nhiều dân tộc. Ngôi nhà sàn là kiểu cư trú truyền thống của người Khmer nhưng người Việt, người Chăm cũng sử dụng. Nhiều món ăn vốn gốc từ một dân tộc, nhưng sau này đã được phổ biến rộng rãi. Đặc biệt, có vài trường hợp lễ hội của riêng một dân tộc cũng được các dân tộc anh em vui chung như Tết Nguyên đán, lễ đua ghe ngo…
Đặc biệt là về ngôn ngữ, do nơi đây từng diễn ra sự cộng cư, cộng canh, cộng tác giữa người Việt, người Khmer từ thế kỷ XVII đến nay nên phương ngữ Nam bộ có nhiều từ mượn tiếng Khmer. Cũng không ở đâu có nhiều từ mượn tiếng Hán theo giọng Quảng Đông, Triều Châu như ở đây. Bởi vì hơn ở đâu hết, trên nước Việt Nam, nhiều người Hoa vào đây từ cuối thế kỷ XVII trở đi để làm ăn sinh sống. Trong giao lưu, mua bán, người Việt đã tiếp nhận vào vốn từ ngữ của mình hàng trăm từ gốc Quảng Đông, Triều Châu. Người Hoa và văn hóa Hoa, trong sự giao hòa với người Việt và văn hóa Việt, là một mảng màu khá nổi trên vùng đất Nam bộ này.
* Những từ mượn có nguồn gốc Khmer
Những từ mượn có liên quan đến xã hội, phong tục người Khmer: cái xà-rông (sa-rông), cái cà-ràng, một loại bếp (âng kran), cái cần xé (canh chê), cái cù nèo (khveo), mắm bồ hóc (brô-hok), cà-ròn, bao bằng bàng (ca-rông), cà-om, một loại nồi đất (kơ-om), cái lọp để đánh cá (lop).
Những từ mượn có liên quan đến cảnh quan thiên nhiên: Cây thốt nốt (thnôt), bưng trong bưng biền (bâng), vàm (piam), cá linh (trây linh), cá chốt (trây cân-chôh), cá hô (trây hô), con cần đước (an-đơk), cây chùm ruột (căn tuôt), cây tầm vông (ping pông), trái cà na (kna).
Những từ mượn là địa danh gốc Khmer: Địa danh gốc Khmer còn được bảo tồn ở Nam bộ khá nhiều. Sau đây là một số dẫn chứng: Ba-thắc (tên cũ vùng đất ở miền sông Hậu và hữu ngạn sông Hậu), tiếng Khmer là prêk basak. Ô Môn (Srôk Ômô, nghĩa là xứ có nhiều cây ô môi).
* Những từ mượn có nguồn gốc Quảng Đông, Triều Châu
Nhiều nhất là tên những món ăn: bò pía (bảo bỉnh là loại bánh mỏng cuốn gói nhỏ với rau, tôm, thịt); dầu cháo quẩy (du chá quỹ); hủ tiếu (cốc điều); lục tàu xá (lục đậu sa, tức là chè đậu xanh); lẩu (lô); lạp xưởng (lạp trường); ngầu bín (ngưu bính là món dương vật bò nấu rục); tả pín lù (tạp bỉnh lô); thèo lèo (trà liệu).
Những từ thuộc về kinh doanh, giao tế như: chạp phô (tiệm bán tạp hóa); chánh hẩu (chính hiệu); tẩm quất (đản cốt); tứ chiếng (bốn hướng, dân tứ chiếng là dân bốn phương tụ lại).
Nhưng thú vị nhất có lẽ là sự hòa hợp ngôn ngữ giữa các dân tộc ở Nam bộ trên bình diện ca dao. Về phương diện này, mỗi dân tộc góp vào một tiếng nói của mình, làm cho ca dao Nam bộ đa dạng hơn, phong phú hơn và lạ hơn.
Gió đưa chú tửng từng tưng
Gặp chị bán gừng na nả nị ơi
Nếu họ không gặp thì sao?Một câu ca dao với các từ láy “tửng từng tưng, na nả” ẩn chứa chỉ chú Tửng, cô Nả theo tiếng Quảng, tiếng Tiều. “Tửng” là âm tiếng Tiều của chữ “Đường”. Người Triều Châu tự xưng là Từng Náng (Đường nhân), lấy tên theo triều đại nhà Đường, một triều đại rực rỡ của Trung Quốc. Câu đầu của câu ca dao được hiểu là ngọn gió khởi lên sự vui vẻ từ lòng người chú Tiều (Từng Náng) khi gặp gỡ cô gái “Nị” là đại từ ngôi thứ hai theo âm Quảng Đông, “na” là chỉ phụ nữ tương tự như cuối câu tường thuật của tiếng Việt dùng từ: đấy, nhé… Câu ca dao nói lên hồn Việt, hồn Hoa hòa quyện vào nhau, chú, tửng, chị, nị… chứa chan tình cảm phơi phới thông qua từ láy “tửng từng tưng”, “na nả nị” quả là thần tình!
Trời mưa muỗi cắn máng cà
Chờ cho ến xại lên bờ khuôi huôi
Và hai câu ca dao thuần Việt:
– Chờ anh cho hết sức chờ
Chờ cho rau muống lên bờ trổ bông
– Trời xanh đất đỏ kinh xanh
Đỉa bu muỗi cắn làm anh nhớ nàng
“Máng cà” đúng ra là “máng cả”. “Máng” là con muỗi. “Cả” là cắn. “Cả” trại âm “cà”, do âm luật lục bát. “Ến xại” là rau muống. “Khuôi huôi” là khai hoa – trổ bông. Câu ca nói lên sự nôn nao, khắc khoải nỗi chờ đợi. Trong cái không gian miệt đồng muỗi kêu như sáo, trong cái thời gian dằng dặc trôi trên miệt đồng rau muống nảy ngọn bò lên bờ… trổ bông tình yêu chứa chan niềm hy vọng.
Chờ đợi là một nghệ thuật kỳ diệu! Câu ca chỉ là cách bày tỏ tình cảm, giải bày nỗi niềm. Nỗi nhớ trong đêm khắc khoải cũng nói lên lòng thuỷ chung đợi chờ người tình. Cánh đồng thì mênh mông, trại ấp thì thưa thớt người của đất Ngồ Ố, Láng dài nói lên sự xa cách của đôi lứa:
Chim kêu Ngồ Ố, Láng Dài
A hia xùa bố a mùi ùm chai.
Hia: anh. Mùi: em. Xùa bố: thú thê (cưới vợ). Ùm chai: không hay biết. Câu ca diễn đạt lời Việt là:
Chim kêu Ngồ Ố, Láng Dài
Anh cưới vợ rồi em chẳng được hay!
Cho nên đã yêu thì phải chủ động, là phải hành động “tam tứ núi cũng trèo”.
– Nào khi ến thạo hoang tùa
Sùng hoang, nghệch láo xuất quà thăm em
– Trời mưa dít tạm hoang tùa
A hia phề chú xuất quà thăm em.
Ến thạo: Lãng thao (sóng cả). Hoang tùa: phong đại (gió lớn). Sùng: thuận. sùng hoang: thuận phong (tức thuận gió). Nghệch láo: nghịch trào (nói nước ngược). Xuất quà (đi ra khỏi nhà). Đang lúc gặp khó: sóng cả, gió lớn, nước ngược ra khỏi nhà biết dương cánh buồm lựa theo chiều gió để đến được nhà người yêu.
Ấy là biết yêu. Ngọn gió bẻ thuận cánh buồm là ngọn gió lòng, ngọn gió tình:
Nào khi gió cả sóng to
Thuận buồm, ngược nước rời nhà thăm em
Ở câu sau, tình cảm cũng tương tự. Dít tạm: trời u ám. Phề chú: hoa chu (chèo thuyền). Gió mưa mờ mịt chỉ còn xuồng nhỏ là biết lối nhà anh, nhà em, nối đôi con tim:
Mịt mờ gió táp mưa sa
Chèo con xuồng nhỏ tới nhà thăm em.
Tất cả đổi lấy tình yêu, hạnh phúc:
Từ ngày lấy anh tôi chẳng biết gì
chỉ biết “phán xì” là củ khoai lang.
Những con cá chốt, hạt muối, bông lúa, củ khoai.. của vùng sông nước Nam bộ ấy đều gợi mở tình người, tình yêu đôi lứa (2).
Bên cạnh hiện tượng hoà hợp ngôn ngữ trong ca dao, ở Nam bộ còn có những câu ca dao được cải biên từ một câu ca dao của người Việt bằng yếu tố Hoa, trở thành một câu ca dao có đủ hai yếu tố Hoa – Việt rất ngộ nghĩnh và độc đáo:
Ta về ta “xực” cơm ta
Dầu hơi quá lửa cơm nhà vẫn hơn.
“Xực”, tiếng Quảng Đông có nghĩa là ăn. Như vậy câu ca dao thuần Việt là:
Ta về ta ăn cơm ta
Dầu hơi quá lửa cơm nhà vẫn hơn.
Tóm lại, sắc thái ca dao Nam bộ vô cùng phong phú và đa dạng. Chính cái phong phú và đa dạng này đã làm cho ca dao Nam bộ mang nhiều vẻ của một vùng sông nước hữu tình. Và các yếu tố Hoa – Việt cùng tồn tại trong một câu ca dao lại là một mảng hết sức độc đáo của ca dao Nam bộ. Nó làm cho ca dao Nam bộ không chỉ mang dáng vẻ riêng về ca dao của một vùng đất, mà nó còn tạo cho ca dao ở đây có sự hấp dẫn, mới lạ và làm lay động lòng người.
Chú thích:
1)) Thạch Phương – Hồ Lê – Huỳnh Lứa – Nguyễn Quang Vinh, văn hoá dân gian người Việt ở Nam bộ, Nxb KHXH, Hà Nội tr 241 – 242.
2) Trần Văn Bính (chủ biên), Văn hoá các dân tộc Tây Nam bộ – Thực trạng và những vấn đề đặt ra. Nxb chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2004, tr 147, 148.
Nguồn: tạp chí Xưa Nay, số 331, tháng 5, 2009