Thứ Bảy, 21 tháng 12, 2019
Nguyễn Đức Tùng: Du Tử Lê, Ngôn Ngữ Tình Yêu
![]() |
Từ trái : Nguyễn Đức Tùng, Du Tử Lê, Lena Nguyễn. Và, hai con trai của Nguyễn Đức Tùng. (Photo by Hạnh Tuyền) |
Tình yêu là những khoảnh khắc xúc động trong đời, được nhớ lại khi tâm hồn an tĩnh, và được thăng hoa thành nghệ thuật.
Tìm em gió hú rừng hiu quạnh
Ôi tấm lòng em như cẩm lai
Khi biến mất, tình yêu trở thành sự tìm kiếm. Khi có mặt, nó đòi hỏi sở hữu, dành riêng, thuộc về, nhưng cũng đồng thời cho phép chúng ta nhìn thấy ở người khác sự tử tế, bao dung, và nhờ thế khuyến khích những phẩm chất ấy trong chúng ta. Bản chất của tình yêu là vị tha, vì đó là sự chia sẻ các giá trị, quên mình. Một tình yêu vị tha không dẫn tới chứng rối loạn ám ảnh của chiếm hữu, nó hướng đến hạnh phúc của người khác, thay vì thỏa mãn nhu cầu của chủ thể, mặc dù nhu cầu ấy là có thật. Một tình yêu ích kỷ, ngược lại, chỉ tìm cách thỏa mãn trước hết những nhu cầu của chủ thể, thật ra chỉ là ham muốn. Ham muốn là nhất thời. Vì vậy, cân bằng giữa sở hữu và vị tha là nghệ thuật căn bản nhất, khó khăn nhất, của tình yêu.
Người ở cùng tôi mỗi mũi đường
Lập lòe năm tháng nạm không gian
Ngỡ ai hát nhỏ, mà, sao lạ
Nghe rõ ràng như tiếng hát nàng
Du Tử Lê nói về sự thiêng liêng, cõi khác, luân hồi, cứu chuộc, nhưng thơ của anh chính là hôm nay, tình yêu của anh là bây giờ, cái khả thể và cái bất lực. Chính vì tính thất bại, tự loại trừ, thơ anh trở thành thơ của người thua cuộc, ngay từ đầu trong trận đánh của số phận. Nhưng đó là sự thất bại có ý thức, đau đớn nhưng ngay thật. Nhiều câu thơ của anh trừu tượng hơn là cụ thể, do đó làm cho tính trữ tình đậm hơn chất tự sự. Nghệ thuật dùng chữ của Du Tử Lê không đều. Trong một số bài thơ, cách dùng chữ đẹp, độc đáo, không ai bắt chước được, trong một số bài thơ khác, nhiều chữ cũ, nhiều ý tưởng làm dáng, mang tính trang trí. Điều này có thể thấy rõ hơn trong vài trường hợp khi anh cố gắng chuyển từ thơ có vần sang thơ tự do. Một số bài như thế không thành công, nhưng Mẹ về biển Đông là ngoại lệ. Trong thơ Du Tử Lê, nỗi buồn là chất melancholy rõ rệt, đen tối, rời rã, gần như hủy diệt, gần với cái chết. Điều đáng ngạc nhiên là nỗi đau buồn ấy có khả năng mang người đọc đi qua ranh giới giữa quá khứ và tương lai, cái cũ và cái mới, sự trần trụi và huyền bí, rất gần với khái niệm thanh tẩy trong Thiên Chúa giáo, phân tâm học gọi là thăng hoa.
Tôi về trí nhớ như son
Sáng soi tâm tưởng chiều trưng ảnh người
Phục sinh tôi. Một nụ cười
Dẫu chia tan vẫn gửi đời cho nhau
Mai kia xuống phố, lên lầu
Thấy trong hạt gạo mối sầu nước sông
Lục bát đẹp và mới. Rất mới. Trong tay anh, nỗi buồn của tình yêu biến thành niềm vui của chữ, sự rung động, nhảy múa, quanh cảm giác nhục thể. Đó không phải là một tình yêu lãng mạn của thơ mới, không mơ mộng nhưng cũng không cay đắng bạo liệt của điều kiện sống bây giờ. Có lẽ Du Tử Lê là người cuối cùng của sự giao hòa lãng mạn cổ điển và hậu hiện đại. Những cố gắng phối hợp như thế không phải khi nào cũng thành công. Thơ anh có nhiều bài không hay, có lẽ cần được loại ra khỏi các tuyển tập, nhưng những bài còn lại thì như chữ đã thoát xác, thơ như có linh hồn, sở hữu một thứ tiếng nói chưa từng ai có, và sẽ không.
Chẻ đôi sông núi: đêm bưng mặt
Mưa quấn khăn vào sâu ấu thơ
Nhát cắt vào vô thức. Anh vừa như người che chở cho người phụ nữ, lại vừa như đứa trẻ được họ bảo vệ. Thơ Việt Nam thường nói đến tình yêu mà ít nói đến hôn nhân, gia đình. Thỉnh thoảng anh cũng nói đến con mình, nhiều lần nói về mẹ, nhưng, như những người đàn ông Việt Nam khác, anh ít nói về vợ. Tôi nghĩ trong chữ em không phải chỉ có người yêu mà còn có hình ảnh của hôn nhân. Trong tình yêu không những ta chỉ rung động trước hiện hữu của người khác, sự gần gũi, mà còn đi tới nhận thức về người khác, về giá trị căn bản, sự phản hồi và học tập.
Khi yêu người tôi mới lớn cao hung
Thơ tình bất cứ thời nào cũng viết cho chiến thắng của tình yêu. Nó không quan tâm đến các hệ quả về đạo đức, xã hội, gia đình. Cũng vậy, tình yêu, đối tượng của thơ tình, thực sự không màng đến các khía cạnh thực tế của đời sống, như xuất thân, tiền bạc, vì vậy bao giờ cũng có thể xảy ra xung đột giữa nó, tức là quan hệ giữa hai người, và hiện thực xung quanh. Mối quan hệ giữa hai người yêu nhau, dù nam nữ truyền thống hay cùng phái, là trung tâm của thơ tình, nhưng không phải là tất cả. Ví dụ: tình dục, một yếu tố quan trọng hàng đầu trong tình yêu, mặc dù có thể không phải quan trọng nhất, nhưng một nền văn chương có khả năng mô tả nó hay không là vấn đề khác. Ví dụ khác: hôn nhân, vốn xưa nay không phải là đề tài được khai thác. Thơ tình có một lịch sử riêng, với những bước phát triển từ xưa đến nay, từ thấp đến cao, không những xét về thẩm mỹ, mà còn về các giá trị mà nó xiển dương qua các thời đại.
Tôi xa người như xa núi sông
Em bên kia núi- bên kia rừng?
Em bên kia nắng?- bên kia gió?
Tôi một giòng sương lên mênh mông
Như thế tình yêu cũng là một không gian, một lịch sử, một hành trình, với bước ngoặt thăng trầm, nơi kỳ vọng được thỏa mãn và không bao giờ thỏa mãn. Không những tình yêu bị thử thách mà cả niềm tin, phẩm chất căn bản, cội rễ văn hóa, lòng tốt. Sự kết hợp giữa hai người là một nghệ thuật, vừa làm cho họ trở thành một, nhưng lại không được phép xóa nhòa tính chất cá biệt của mỗi người, không đồng hóa, người nữ vẫn là nữ, nam vẫn là nam. Thực ra trong một mối quan hệ tin cậy, những con người có cá tính riêng biệt sẽ cùng nhau đi xa hơn những người trở nên hoàn toàn giống nhau, đánh mất bản sắc. Đó là vì sao trong hôn nhân và tình yêu, sự khác biệt, ở một khoảng cách vừa phải, những va chạm không quá lớn, là không thể tránh được. Người nào chỉ quan tâm đến mình, ít chú ý đến người khác, là những người đau khổ. Khi nghe nhạc, bạn cảm thấy rung động vì âm thanh tạo ra phối hợp của vang động. Sự rung động giữa người này và người khác là nơi diễn ra tác động của tình yêu thương, mẹ con, tình bạn, nam nữ.
Đêm đêm tôi nhớ bàn tay cũ
Và thấy trong kinh đủ bóng hình
Tình yêu nam nữ là mối quan hệ đặc biệt, thách thức các quan hệ khác, vì hướng đến tuyệt đối. Tình yêu không chấp nhận thỏa hiệp, sự chung chạ, rực rỡ như bông hoa đẹp có đời sống ngắn, nếu muốn tồn tại lâu dài, tình cảm đam mê ban đầu phải được kéo dài bằng quan hệ nâng đỡ khác. Thơ Du Tử Lê tư riêng đến cùng cực, nhưng vì anh chia sẻ với chúng ta nhiều phẩm tính, như hy vọng và tuyệt vọng, can đảm và nhút nhát, trung thành và phản bội, nên những gì anh nói về mình, về cái tôi của mình, cũng phần nào thay mặt chúng ta. Trong thơ không nhất thiết cái gì cũng thật, chân phương quá may ra chỉ có thể viết sử chứ không thể làm thơ, nhưng ngôn ngữ quá khéo léo có thể làm cho lòng tin của độc giả giảm xuống. Bổ sung, anh có những câu mô tả rất thật.
Đến như vệt sáng xuyên âm vực
Gieo khắp nhân gian luống lửa mừng
Truy thân thế tước tưa hình tích
Trí tuệ thơm mềm nốt trắng đen
Tình yêu là một xúc cảm dương tính, tựa sáng tạo. Cũng như một người khỏe mạnh không phải chỉ là không đau ốm, một người vui vẻ không phải chỉ là không buồn bã. Xúc cảm dương tính là chiều kích sâu xa, sự thỏa mãn bên trong, và do đó, và nhất thiết là, sự biết ơn. Trạng thái dương tính có hai đặc tính: không bền vững; nhưng có thể lập lại.
ơn em, ngực ngải môi trầm
cho ta cỏ mặn trăm lần lá ngoan
Vở kịch của tình yêu thật vĩ đại, có bao nhiêu người là có bấy nhiêu vở kịch, với mở đầu và xung đột khác nhau, đỉnh cao và kết thúc khác nhau. Nhân loại chẳng bao giờ học được bài học của tình yêu, những kinh nghiệm mà người đi trước truyền lại không giúp họ khôn ngoan hơn, bài học ấy không bao giờ thuộc. Đó là một ký ức không được nhớ lại.
Hãy nói về cuộc đời
Khi tôi không còn nữa
Sẽ lấy được những gì
Về bên kia thế giới
Thơ Du Tử Lê có nhiều nữ tính. Tình yêu của anh vừa thế tục, nhục thể, vừa đầy lòng thánh thiện. Trong tình yêu có sự tầm thường của đời sống mỗi ngày và sự hướng tới cái cao cả. Tình yêu gần với tôn giáo nhưng không phải là tôn giáo, gần với hưởng thụ nhưng không phải là hưởng thụ, gần với sự hy sinh nhưng không phải là chủ nghĩa anh hùng. Khi hai người kết hợp, đó không phải chỉ là hai cá nhân, mà còn là hai nền văn hóa, hai truyền thống gia đình, phong tục, hai hệ thống giá trị luân lý, tôn giáo, thậm chí hai quốc gia, vì vậy sự dung hợp của hai người trở thành sự hòa hợp của nhiều di sản.
ơn em, hơi thoảng chỗ nằm
dấu quanh quẩn dấu nỗi buồn một nơi
Có thể ví các nguồn xúc cảm của thơ Du Tử Lê như một hợp lưu lớn gồm nhiều nhánh sông nhỏ, khi gần ra đến đại dương thì khó phân biệt những luồng chảy này với nhau. Anh trải qua nhiều mối quan hệ, mỗi cuộc tình là một nguồn cảm hứng, gần như độc lập, trong một giai đoạn của thơ anh. Các giai đoạn này chồng lên nhau. Dĩ nhiên văn chương không phải là cuộc đời, và khi một nhà thơ đang yêu một người, thì không phải bài thơ tình nào cũng chỉ hoàn toàn khởi đi từ người đó mà thôi. Đừng tin vào các lời đề tặng. Theo phân tâm học, quá trình sáng tạo thơ ca phức tạp, được kiểm soát cùng lúc bởi ý thức và vô thức, được chi phối bởi các quá trình tâm lý khác nhau, ví dụ: phủ nhận (denial), hóa làm một với người khác (identification), phóng chiếu (projection).
Tình yêu như một chất liệu nghệ thuật. Điều ấy không mới, nhưng nhờ trường hợp Du Tử Lê mà chúng ta sẽ thấy trong thơ, chúng có vai trò quan trọng ra sao. Những mối tình mà anh đi qua, đủ mùi vị, để lại những hệ lụy, là những chất liệu sáng tạo. Nhưng đối với anh, chúng cũng không chỉ là chất liệu, mà còn là ẩn dụ lớn. Đó là con đường phải đi qua và tấm gương chiếu rọi. Tôi chia các quan hệ với phái nữ của Du Tử Lê ra làm bảy hay tám giai đoạn sau đây, như được nhìn thấy trong tác phẩm, tiểu sử (*) và một số thư từ trao đổi riêng.
1. Thời gian 1957 - 1961: Trong khoảng thời gian từ 1957, lúc anh bắt đầu dùng bút hiệu Du Tử Lê, cho đến năm 1961, hai người phụ nữ ảnh hưởng lên tuổi ấu thơ là mẹ anh và người chị dâu cả, tên Uyển. Thơ anh giai đoạn này nặng về cảm xúc mới vào đời, với những rung động của tình yêu mơ hồ, nửa là một thứ tình chị em, tình mẫu tử. Thời của tập Thơ Du Tử Lê (1958-1963, xuất bản năm 1964).
Thôi anh chim nhỏ từ ngàn
Dấu chân du tử in hoang bãi gần
Rồi anh sẽ sớm lao vào cuộc đời với biết bao tình cảm hệ lụy, thơ mộng và khắc nghiệt. Thơ lúc này còn chập chững.
Tôi hăm hở đua theo nghìn cám dỗ
Tay hoan hô và miệng a dua
Cũng chẳng từ van lơn kẻ lạ
Bởi quá sợ cô đơn
2. 1961- 1968: Giai đoạn say mê cuồng nhiệt. Mối tình Lê Huyền Châu kéo dài, trở thành cái bóng lớn của đời anh. Hạnh phúc và khổ đau tìm thấy tiếng nói của mình trong Tình Khúc Tháng Mười Một (1964), Tay Gõ Cửa Đời (1967), và một phần của tuyển tập Thơ Du Tử Lê 1967-1972. Tuyển tập này được trao giải thơ của giải thưởng Văn học nghệ thuật toàn quốc năm 1973. Cùng năm 1973, còn có Đoạn trường vô thanh của Phạm Thiên Thư, đoạt giải thể loại thơ trường thiên. Giai đoạn này để lại những tác phẩm thành công bậc nhất. Ngôn ngữ thơ trở nên phức tạp:
Cánh vàng đã vỗ muôn xa
Vó thu ngựa ngủ đời ta lưng gù
(Về Huyền Châu)
hạnh phúc tôi từ những ngày nước lớn
trời mưa mau tay vuốt mặt không cùng
bầy sẻ cũ hom hem chiều ngói xám
trời xanh xao chân nhỏ cũng không về
(Và "67, Khúc thêm cho Huyền Châu")
Từ Công Phụng phổ nhạc thành Trên ngọn tình sầu, hình như Xuân Sơn hát đầu tiên. Anh bắt đầu viết về chiến tranh. Đáng ngạc nhiên là trong những bài thơ tự do, anh sử dụng một phương pháp hiện thực rất ít có:
Đêm bắt đầu thật sớm trên từng lớp tôn ám khói
Bố cũng bắt đầu ấm ức về tương lai con trong căn nhà hộp vuông vắn này
(Khát vọng cho con, 1965)
3. 1968-1975: mối tình cay đắng với Huỳnh Thụy Châu, tức Huỳnh Laure Brigitte, nữ sinh trường Văn học, hiệu trưởng là Nguyên Sa, sau này cô theo học Dược khoa Sài gòn. Giai đoạn lên cao của chiến tranh miền Nam. Khúc Thụy Du viết năm 1968, tháng Ba, sau thảm kịch Mậu thân, ấn tượng về cảnh nồi da xáo thịt:
hãy nói về cuộc đời
tôi còn gì để sống
hãy nói về cuộc đời
khi tôi không còn nữa
sẽ mang được những gì
về bên kia thế giới
thuỵ ơi và thuỵ ơi
Đó không phải là một bài thơ tình thuần túy.
Tôi làm ma không đầu
Tôi làm ma không bụng
Tôi chỉ còn đôi chân
Là anh tả thực khi làm phóng viên chiến trường. Giai đoạn này vừa hạnh phúc vừa lo âu, trước những gian khổ trong thực tại.
4. Nguyễn Lan Anh 1969: Kiếp sau xin giữ lại đời cho nhau.
ơn em thơ dại từ trời
theo ta xuống biển vớt đời ta trôi
ơn em, dáng mỏng mưa vời
theo ta lên núi về đồi yêu thương
ơn em, ngực ngải môi trầm
cho ta cỏ mặn trăm lần lá ngoan
là một trong những bài thơ lục bát hay của Du Tử Lê, âm điệu đẹp, hình ảnh và cách nói mới, sau này được Phạm Duy phổ nhạc (1969). Từ Công Phụng năm 1972 cũng phổ nhạc bài này. Thơ Du Tử Lê đặc biệt cá nhân thế giới trong thơ anh là thế giới cảm xúc, một thứ lãng mạn đương thời. Thật ra không một nhà thơ nào thuần túy đi theo khuynh hướng nào, mỗi nhà thơ tài năng là một trường phái riêng biệt. Khi ra hải ngoại, thơ có nhiều hoài niệm, nhờ độ lùi lại về thời gian, quãng cách đối với chiến tranh. Trong những bài thơ thành công, như Ơn em, Khúc thêm cho Huyền Châu, Viện cớ, Người nhón gót, Du Tử Lê tìm cách kết hợp giữa một bên là hồi tưởng một bên là sự quan sát khách quan. Chúng ta vong thân đối với số phận của chính mình cũng như đối với đất nước. Mặc dù nhắc đến thiên nhiên khá nhiều, có những năm sống ở nông thôn, Du Tử Lê là một nhà thơ thành thị. Anh lớn lên trong gia đình trung lưu, trong chiến tranh giặc giã cũng chịu đựng những tổn thương như nhiều người khác. Thơ đầy bóng đêm, tối, sầu muộn. Nhưng trong thơ có những khoảng sáng, khoảng trống, khoảng tỉnh thức, bàng hoàng, có thể như một thanh lọc. Tôi ngạc nhiên thấy giữa những câu dễ hiểu, những ý tưởng rõ ràng, là những câu phức tạp, mỗi câu gồm hai mệnh đề trở lên. Những câu thơ bất ngờ, đến từ một lối tư duy đặc biệt, khác nhiều người:
Về khi rừng hú ngang tim bão
Núi lớn nhưng đầu sông ăn năn
5. 1972-1975: Nguyễn Thục Thúy Nga (Thục Ngạn): Đời ở mãi phương Đông. Tình yêu dịu dàng.
nơi sương sa như sữa suốt buổi chiều
nơi mưa bụi xuống lòng nhau lấm tấm
nơi đêm bước những bàn chân rất chậm
Giai đoạn thăng hoa trở lại: tình yêu đã mất, sau nhiều năm tháng chia ly, cay đắng, quay trở lại trong một trái tim khác, thơ mộng, êm ả hơn, với thương cảm kiếp người.
Bồ Tát! Ngàn sau góc phố còn
Chỗ ngồi ân nghĩa, ghế bàn ngoan
Bàn tay thứ nhất cho nhau đó
Vĩnh cửu trong tôi: giọt lệ nàng
Chữ “giai đoạn” tạm dùng ở đây thật ra không đúng lắm vì nó ám chỉ một quãng thời gian, trong khi tôi muốn nói đến một quá trình hay cơ cấu.
Ngày mai ai cũng là thi sĩ
Tìm thấy vầng trăng thật: của mình
Nhìn kỹ vào một người khác để thấy nỗi sợ hãi, lo buồn, thương yêu, căm giận. Du Tử Lê có lúc bị ám ảnh bởi hạnh phúc và đau khổ mà kẻ khác gây ra cho anh, và không phải bao giờ anh cũng thoát ra khỏi nỗi ám ảnh này. Chỉ thấy:
Ngoài trống vắng mà thôi
Chỉ khi nào anh không nghĩ đến mình, thoát khỏi sự cay đắng, thì anh nói lời dịu dàng, ai cũng muốn nghe :
Khi em lạnh tôi biến thành ngọn lửa
Củi yêu thương, than đỏ hực ân tình
Em cần thơ, cho buổi sáng thơm lâu?
Tôi lập tức hóa thân thành vần điệu
Thục Ngạn xuất hiện trong đời như dấu hiệu báo trước sự chấm dứt của một nền văn học lừng lẫy, đẹp nhất đã từng có: sự sụp đổ của miền Nam. Do những di truyền đặc biệt, con người có thể sống cô độc nhưng không chấp nhận cô đơn; có thể chịu đựng nhưng bao giờ cũng hướng tới vui thú. Nguyên lý về vui thú đã được người Hy Lạp, và người La Mã sau này, nâng lên thành nguyên tắc sống, đạo lý. Freud cũng nhiều lần nhắc đến vui thích (pleasure), bên cạnh nguyên lý hiện thực (reality). Cái đẹp làm mới tâm hồn bạn, mỗi buổi sáng.
Này tháng chín, mùa thu về rất mới
Bởi hôm qua có kẻ đã qua đời
Hồn thánh thiện lối vào thơm cỏ cũ
Em xạ hương từ quá khứ tôi
Như thế là Du Tử Lê đã qua đời, rồi sinh trở lại.
Anh có những câu thơ mượt mà, không biết là nói về tình yêu hay về quê hương.
Trưa về trên rẫy xanh, non
Gọi tôi cát ẩm, bãi còn sông, trôi
Bằng cách đem cho không cuộc đời phần tài sản riêng của anh, tình yêu, Du Tử Lê nhận lại biết bao của cải tinh thần khác, mà tiền bạc không thể mua, công danh không thể sắm.
Người ở cùng tôi mỗi mũi đường
lập lòe năm tháng nạm không gian
Trong tình yêu anh chưa chắc chu toàn:
Hồn hải điểu có bao giờ quy thuận
6. Thục Ngạn giai đoạn hải ngoại, 1975 - 1989: Thục Ngạn hải ngoại nối tiếp ảnh hưởng của mình, thay thế Thụy Châu. Người phụ nữ này chiếm lĩnh lãnh vực hoài niệm quê hương mà tiêu biểu là bài thơ được hát bởi Thái Thanh những năm tám mươi: Đêm Nhớ Trăng Sài Gòn (1980), nhạc Phạm Đình Chương.
Đêm về theo vết xe lăn
Tôi trăng viễn xứ hồn thanh niên vàng
Tìm tôi đèn thắp hai hàng
Lạc nhau cuối phố sương quàng cổ cây
Ngỡ hồn tu xứ mưa bay
Tôi chiêng trống gọi mỗi ngày mỗi xa
Sự cầu nguyện trong thơ Du Tử Lê là đặc biệt. Gần như mỗi bài thơ tình là một lời kinh cầu, tâm linh, hướng về cái cao cả. Vẫn biết rằng có khi anh chỉ dùng Chúa và Phật như một cái cớ.
Hỏi Chúa đi rồi em sẽ hay
Là cách nói điệu đàng. Người ta có thể ngờ trong câu ấy không có niềm tin nào cả, nhưng ai nỡ trách anh? Cũng có những bài thơ khác, mối xúc động sâu đậm hơn.
Chiều như bài hát cũ
Giọng sầu lên nguy nga
Hình dung người khách lạ
Một ngày qua vườn tôi
Lời cầu nguyện âm thầm bên dưới đời sống, bên dưới ngôn ngữ. Có một thứ cũng sâu sắc như tình yêu, nhưng đôi khi bí mật hơn, đó là tâm hồn. Tâm hồn với bao kỷ niệm vỡ thành nhiều mảnh.
cùng ta em xuống như rừng
đêm muôn năm lạnh, ngày trùng khói than
lỡ đời, một phút chung thân
máu xương hiến tặng, hồn câm báo đền
Người Việt than khóc nhiều, nhưng họ ít khi chịu mô tả tỉ mỉ vết thương của mình. Nhiều người tin rằng văn học cần có tính nhân đạo và phản chiếu hiện thực, nhưng trong sáng tác của anh, trí tưởng tượng đóng vai trò lớn. Du Tử Lê đôi khi chỉ ngồi ngắm cái bóng của mình mà viết được những câu để đời. Anh có khả năng nén xúc cảm, những kinh nghiệm chấn thương, vào những câu thơ tuy nhiều hình ảnh, nhiều mệnh đề, mà vẫn cứ tự nhiên.
Trời đất lui về cõi lặng thinh
Gỗ lên nước gỗ, vân lên ngọc
Tiếng hát lên mầm nắng gió riêng
Hầu như mỗi câu thơ của anh đều có nhiều hơn một hình ảnh, thường là hai hình ảnh.
7. Quách Thu Hồng, 1983-1985: Người con gái gốc Triều Châu mang lại cho anh cảm hứng mới của sự mất mát, một hạnh phúc không an toàn, thể hiện trong thi phẩm Thơ Tình cùng với tập truyện Tan Theo Ngày Nắng Vội.
Và, tháng tám, dòng sông về rất lạ
Mùa thu tôi em thả tóc đi qua
Rụng xuống mãi đầy lòng tôi bi thiết
Chiều quê người từng phiến lá thiết tha
Sự tuyệt vọng, khả năng sống tận cùng cảm giác mất mát, và chuyển hóa chúng, làm cho anh trở thành một trong những nhà thơ viết được những câu tình ái xúc động bậc nhất. Ngôn ngữ thơ Du Tử Lê cũng không hoàn hảo, nhiều khi có câu thừa, chữ lập lại, nhiều giai điệu cũ, nếu như thế ở một nhà thơ khác, là dấu chấm hết cho một sự nghiệp, thế nhưng kỳ lạ thay ở anh, những thứ tôi vừa nói chỉ là mới bắt đầu, vì bên cạnh những khuyết điểm ấy, lối nói của anh khi thành công lại chưa từng có. Tính chất mà các nhà phê bình Anh Mỹ gọi là originality.
Khi gối đầu mình lên ngực em
Kỳ diệu thay
Tôi nghe được rất nhiều tiếng sóng
Là những câu dễ, nhiều người hiện nay có thể viết được, và họ đang viết loạn cả lên.
Nhưng những câu trung bình chưa hẳn là xuất sắc này:
Em giấu bàn tay trong tóc mây
Những ngày mưa giấu nắng trên cây
Đàn chim giấu những mùa di trú
Ta giấu hờn ghen góc trái này
Là của riêng anh. Một nhà thơ đương đại có thể viết những bài thơ mang tính tâm linh huyền bí không? Tôi tự hỏi. Chủ đề quan trọng nhất trong thơ Du Tử Lê là tìm kiếm sự dung hợp giữa tự do và bổn phận, giữa tin cậy và nghi ngờ, trao tặng và nắm giữ.
Này tháng chín mùa thu về rất mới
Bởi hôm qua có kẻ mới qua đời
Hồn thánh thiện lối vào thơm cỏ cũ
Em xạ hương từ quá khứ tôi
8. Một nghệ sĩ tên tuổi, 1985-1989. Mối tình tai tiếng. Sự mê đắm muộn màng, ngọt ngào, khổ nhục, như ngọn roi quất lên da thịt, như hủy diệt. Tình yêu này là nguồn phát sinh tập thơ Ở Chỗ Nhân Gian Không Thể Hiểu.
Ở chỗ nhân gian không thể hiểu
Ta vào đời khác nhớ đêm mưa
Vết dao xẻ mấy bàn tay lạnh
Dấu thẹo dư thừa nỗi nhớ nhau
Ở chỗ nhân gian không thể hiểu
Tôi thấy em từ trên hư không
Cám ơn trời đất đưa em tới
Để rụng cùng tôi lá tật nguyền
Giai đoạn bất ổn, báo động: tình yêu như con thuyền ra khơi khi sóng to gió lớn, nhưng cũng có những ngày bầu trời tạnh mây quang đãng, chen lẫn vào nhau.
Tôi về trí nhớ như son
Sáng soi tâm tưởng chiều trưng ảnh người
Phục sinh tôi. Một nụ cười
Dẫu chia tan vẫn gửi đời cho nhau
9. Thúy Ngọc, 1989-1994: Trong tay thánh nữ có đời tôi, những bài thơ siêu hình, triết học, trong tập Đi với về cùng một nghĩa như nhau.
hỏi Chúa đi rồi em sẽ hay
tôi buồn như phố cũ như tay
bàn chân từng ngón ngưng không thở
lạc mất đường đi. tạnh dấu bày
hỏi nắng đi rồi em sẽ hay
tôi gầy như lá nhẹ như mây
gió khuya thổi rớt ngàn tâm sự
thiên đàng tôi là người hay ai?
Hình ảnh thánh nữ đi ra từ Thúy Ngọc, người con gái nhỏ tuổi có đạo Công giáo mà anh dan díu từ 1989 đến 1994. Giai đoạn này anh viết những bài thơ nặng tính suy nghiệm triết học, trong tập Đi Với Về Cùng Một Nghĩa Như Nhau. Niềm tin tôn giáo trong Du Tử Lê không phải là một thứ tôn giáo nặng nghi lễ. Lòng tin vào vĩnh hằng, cứu rỗi.
10. Mai Trinh, 1991-1997: Nhìn nhau chợt thấy ra sông núi. Lưu vong, thương nhà, nhớ nước. Giai đoạn bi phẫn. Mọi tình yêu đều lồng trong tình cảm xứ sở.
nhìn nhau chợt thấy ra sông núi
có chút gì nghe rất thốn đau
hẹn bay về chết trong tay mẹ
tổ quốc nghìn năm bỏ được sao?
Cũng là giai đoạn hồi phục: lấy lại thăng bằng tâm lý, chữa lành vết thương tâm hồn.
Sông núi người thơm nỗi nhớ nhà
Dòng chảy hoài niệm, về mặt tâm linh sẽ kéo dài rất lâu, là nơi cất giữ gia tài thơ của anh.
Cây bông vải ngõ sau cào cửa miết
Kể từ trưa bàn, ghế tiễn em về
Ta dọn, dẹp luôn chỗ ngồi bỏ lại
Riêng em thì khôn đặng xóa, bôi đi
Thời gian này anh viết liên tiếp hai tập thơ, cùng trên mạch tâm tư: Nhìn Nhau Chợt Thấy Ra Sông Núi, và Sông Núi Người Thơm Nỗi Nhớ Nhà. Tôi đã nghe nhạc sĩ Phan Ni Tấn hát bài thơ phổ nhạc của anh trong một đêm ở Toronto: Em Mang Hoa Về.
Em mang hoa vào chiêm bao
Mái tóc thơm tho ngắn ngờ vực
Chim truyền đi tin hai người
(Còn tiếp một kỳ)