Thứ Bảy, 30 tháng 11, 2019
Nguyễn Vy Khanh: Cung Tích Biền - Nhà Văn Việt Nam Hải Ngoại
Tên thật Trần Ngọc Thao, sinh năm 1937 tại Thăng Bình, Quảng Nam. Động viên học Trường Sĩ quan Thủ Đức năm 1963, ra trường đồn trú ở Cần Thơ, Bạc Liêu, Hậu Nghĩa và Tây Ninh. Giải ngũ năm 1973, cấp bậc Đại úy. Từng ký Chương Dương, Việt Điểu, Uyên Linh và cuối cùng bút hiệu Cung Tích Biền - xuất hiện lần đầu trên tuần báo Nghệ Thuật tháng 3-1966 (truyện ngắn Ngoại Ô Dĩ An và Linh Hồn Tôi).
Sau 1975, Cung Tích Biền ngưng viết 12 năm, năm 1987 ông sáng tác trở lại. Trong nước đăng truyện trên Cửa Việt, Sông Hương, và gửi ra ngoài nước đăng tác-phẩm đầu tiên với Hợp Lưu (Dị Mộng, Qua Sông, Thằng Bắt Quỷ 1991,..), rồi 20 truyện Xứ Động Vật đăng trên liên mạng Da Màu Văn chương Không Biên giới năm 2008, rồi Nhật báo Người Việt [California] tiểu thuyết Mùa Hạ đăng từng kỳ, 194 số nhật báo năm 2012, v.v.
Từ 2007, lúc còn trong nước, trước khi dứt khoát định cư ở Hoa-Kỳ tháng 10-2016, ông đã tự xuất bản tác phẩm của mình - ông gọi là “đẻ chui”, qua hình thức in chụp dưới “bảng hiệu” Một Mình.
Tác-phẩm đã xuất-bản sau 1975 và ở hải ngoại: Thằng Bắt Quỷ (Tân Thư, 1993), gồm 11 truyện ngắn trước và sau năm 1975; Xứ Động Vật “tân truyện” (Nhân Ảnh, 2018) và tập truyện ngắn Mùa Xuân Cô Mơ Bay (Thao Thao, 2019).
*
Cung Tích Biền, công dân của miền Nam với thân phận đi giữa hai lằn đạn - ông có hai người anh, một “anh là Cộng sản chết không mồ, em là Quốc gia chết không tìm ra xác” (người tập kết, người bị tù “cải tạo”, hai cái chết đều do Cộng sản Hà-Nội gây ra!). Trước 1975, ông từng bị nghi ngờ nếu không vì xuất thân từ vùng kháng chiến chống Pháp thì cũng vì gia đình ông, cũng như nhiều người khác có anh em ở chiến tuyến đối nghịch; đời sĩ quan của ông không hanh thông, từng bị chỉ định nơi cư trú và giải ngũ sớm. Nạn nhân cả sau biến cố 30-4-1975, ông đã phải chịu đựng và câm lặng hơn 30 năm. Nhưng dù muốn dù không, Cung Tích Biền cũng đã chứng kiến nhiều cảnh bạo lực, “nhân tình éo le” và chướng tai gai mắt.
Trong phỏng vấn năm 2007 của Lý Đợi, “Đành lòng sống trong phòng Đợi của lịch sử”, Cung Tích Biền đã cho biết cảnh tượng chợ chiều của sinh hoạt văn học “chính qui” trong nước: “hoạt cảnh văn chương nghệ thuật, chợ Chữ buổi này chẳng mấy vui. Viết mà cho vào ngăn kéo, là một điều không may. Đăng trên mạng đồng bào mình muốn đọc phải tìm cách, khó khăn vượt tường lửa lại một bi đát cực vô lý.
Nhìn chung, Nhà nước muốn, và họ đã thực hiện được chính sách ngu dân. Đó là hiện tình, đa phần dân chúng, hôm nay, không cần tới văn chương nghệ thuật tạm gọi là thứ thiệt. Khô cằn, phù thủng, đeo mặt nạ, cà thọt chân giả, thì mặc. Không ai tha thiết tới. Đã có những thứ trám vào chỗ thiếu hụt tư tưởng này. Lo làm ăn, nâng cao đời sống kinh tế, là thiết thực. Nhà cao cửa rộng, túi tiền đầy, mặc sang, ăn ngon, vui chơi sướng, là thoả rồi. Đa phần say sưa trong một thưởng ngoạn văn chương, âm nhạc, phim ảnh, xoàng xoàng rau cải chợ; cũng tha thiết mùi mẫn, nịnh nọt, đôi khi đỏ máu anh hùng, nhưng tựu trung sức sống chính nó không lâu hơn một đĩa gỏi hay mớ xà lách trộn, phục vụ gấp cho bữa tiệc thời trang.
Một đại bộ phận quần chúng hôm nay thực sự không cần đến những gì cao siêu của văn chương học thuật. Không cần nâng cao não trạng. Không có tự do ngôn luận, tư tưởng, vẫn sống phây phây. Đây là một quần chúng tồn tại bằng thịt khối. Được ru ngủ bởi một đời sống kinh tế tương đối ấm êm trong thời buổi chỉ mở cửa cho “Miếng ăn”. Họ bỗng dưng khá xa lạ với những cụm từ ngôn luận, nhân quyền. Với đại bộ phận nhung nhúc này, đòi hỏi dân chủ, tự do, nhân quyền, quả là điên. Nếu hô hào đòi hỏi quyền được công khai tư tưởng, hành động chống lại bất công, nhận trách nhiệm một công dân nghiêm chính, một trí thức có thái độ, một nhà sáng tác nhận rõ thiên chức, anh/chị phải đương nhiên trả giá” [http://www.talawas.org/talaDB/showFile.php?res=9136&rb=0402 & http://www.talawas.org/talaDB/showFile.php?res=9137&rb=0402].
Tình cảnh nạn nhân và chứng nhân đó đã được ông đưa vào sáng tác, đã là nguồn, là chất liệu làm nền cho văn-chương Cung Tích Biền. Trong các sáng tác khi có thể và không nhiều, ngọn bút của ông mang nặng tính nhân bản và không pha hận thù, nếu có chăng là suy tư, hài hước tình đời, là nhắc nhở để tránh, để khỏi... Dùng ẩn dụ, ví von xa xôi, xa xưa và không gian khác, lạ lẫm thay vì hiện thực dễ dàng thấy sao nói vậy. Đề tài thời nhiễu loạn, “gió chướng”, do đó không hề thiếu, quan điểm và phê phán của ông, đã biến thành con-chữ, và đến được với người đọc là vấn nạn mà một nhà văn có bản lãnh như Cung Tích Biền không thể không đắn đo.
Đó có lẽ là lý do khiến những sáng tác hiếm hoi của ông sau 1975 khi còn ở lại trong nước khá cô đọng, kiệm lời, không thừa chữ, không phải lý lẽ cho ra lẽ, nhưng từ khi ông định cư ở Hoa-Kỳ, hết “kiểm duyệt”, hết phải “sống trong phòng đợi”, thì ngòi bút ông như ngựa mất cương, tha thiết hơn, dài hơi hơn và phê phán triệt để hơn. Người đọc sẽ thấy diễn biến đó từ những truyện trong Thằng Bắt Quỷ đến Xứ Động Vật và gần đây, Mùa Xuân Cô Mơ Bay.
Kinh nghiệm sống cũng như các biến cố lịch sử cận đại đã và tiếp tục hiện hữu, “sống-còn” trong các sáng tác của Cung Tích Biền, và ông xác tín trong một phỏng vấn của Đặng Thơ Thơ rằng “viết là một cách tự cứu rỗi, cũng là cách tôi an tử dần dà. Đó là Mệnh”. Vì theo ông, “Một văn chương hoàn chỉnh chính là Một Nạn Nhân./ Một Hoàn chỉnh Văn chương là tật nguyền ráp lại./ Một thường-trực-trả-lời, trong hoàn cảnh Việt Nam hôm nay, phải là một trung-thực-chịu-nạn./ Văn chương có thể huyền ảo, nhưng trách nhiệm của Nhà văn không hề là một hư ảo” (Trích từ “Cung Tích Biền nói chuyện với Đặng Thơ Thơ”, 24-3-2008: https://damau.org/17335/ctb-noi-chuyen-voi-dang-tho-tho).
* Trong phỏng vấn của Lý Đợi đã nêu trên, ông cho biết: “Về tổ chức chính trị, miền Nam có đa nguyên, tam đầu chế, một số quyền cơ bản của con người tạm gọi, tôi gọi là tạm, được thực thi. Về kinh tế, là phồn vinh. Văn hoá giáo dục có nền tảng, trật tự, tầm cao. (... ) sau ngày 30 tháng 4/1975 đã tức tốc hiện hình những tên bốc phét, tự mãn, dốt nát, tham nhũng. Bao nhiêu năm thanh bần kiên trung đấu tranh cho tư tưởng đã nhanh chóng đê tiện, tranh giành nhau quyền lợi đến chi ly vật chất, hèn mạt đến không còn chỗ hèn mạt hơn.
Dưới bóng trời Sàigòn,
một bầy rận đã lúc nhúc,
một bầy lợn ủn ỉn kêu ăn.
Lại thật đáng rùng mình, muôn năm buồn nôn, khi tận hôm nay, sau ba mươi năm ròng, xã hội chủ nghĩa này vẫn mở rộng cửa cho một bọn vô lại – lại đương nhiên tôi còn minh bạch không hề vơ đũa cả nắm - vẫn có phòng máy lạnh, lận lưng con dấu đỏ, ngự trên xe hơi, nghĩa là hợp pháp hoá cho một Bọn Cướp Ngày”.
Thằng Bắt Quỷ gồm 11 truyện ngắn trong đó có 3 truyện ghi rõ sáng tác trước năm 1975 – chúng tôi thử tìm hiểu những truyện ghi sáng tác sau 1975.
Dị Mộng nói đến những đối nghịch giữa tâm hồn “nông thôn”, “truyền thống” với lý trí “thành thị”, giữa cõi nhân sinh và cõi chết. Nêu lên để suy nghĩ, nhận chân và tu thân chứ không phiền hà, gây chấn động đến nhân quần, thiên hạ. Người Tù Tình Nguyện là một bản tình ca đã lỗi thời vì bồng bột, lý tưởng quá chăng? Lời Ảo Hoá và Rừng Đom Đóm là những cảnh nhân sinh khốn cùng trong muôn nghìn nghịch cảnh khác.
Trong Qua Sông, gia đình Trần Liêu sống ở bờ Bắc sông Thu vào cái thời “con người không tin vào những điều thực tế; nhưng những cảm ứng tâm linh không còn chân chính; nó bị tác động, xua đi theo dấu chân tà thuật. Đó đây mọc lên lời kinh cầu, sấm truyền. Những phù thủy dạy cho con người những u muội, xuyên tạc, đẩy đạo lý đến cửa ngõ của dị đoan mê tín. Người ta thờ những con rắn hai đầu, gà bốn chân, cua mặt người, cọp biết nói. Tin đồn loan truyền, những đồng dao, những mẫu chuyện châm biếm cứ mọc cánh bay đi, tụ hội với trăm nghìn hoang tưởng, làm cho xã hội hôn ám càng nhuốm màu hoang đường. Bọn đồng bóng có nơi ăn chốn ở, quân ma mãnh giàu sang, kẻ trí thức thất sủng sống âm thầm thui chột. Óc tim tẩm độc...” (tr. 32-33).
Cuối cùng cả gia đình đã phải trốn áp bức, bỏ làng, đóng thuyền đi tìm tự do, nhưng lại cập vào một đảo hoang, nơi “không có dấu hiệu rằng con người đã từng sống hoặc từng qua đây. Người mẹ hiểu rằng gia đình đang rơi vào một tình thế hiểm nguy”. Thời gian qua đi mà hy vọng không thấy ở chân trời, “thịt da máu tủy người” dần ra đi khiến biến dạng, con người trở về làm vượn, nhưng bà không cho phép nó lấy luôn cả linh hồn người. Ngày kia, bà mẹ thản nhiên nói: “Nếu tôi chết, rất mong mình và các con ăn thịt tôi mà sống qua ngày”. Sống hoang dã hơn mười năm, họ nhớ đồng loại và quê hương nên tìm cách về được quê hương, Trần Liêu nói với con: “Các con, hãy vui sống để làm lại tất cả. Chúng ta đang và sẽ bắt đầu. Dẫu là trong đêm tối mịt mùng, nhưng trên quê nhà, hôm nay ta đốt được một ngọn lửa hồng” .
Câu chuyện có nền lịch sử: “Ngọn lửa hồng ấy được đốt lên cách đây gần sáu trăm năm, ngày Quảng Nam thuộc về đất Việt, những cư dân đầu tiên đã tới. Ngọn đồi xưa kia cha con Liêu tới đốt lửa nay là Nỗng Ông Tào. Ngày nay quanh đấy đã đầy những nương rẫy, xóm làng, cuộc sống cứ mãi đổi thay và tiếp tục. Những dấu vết xưa, nay có xóa nhòa, tà huy hay bừng sáng, hy vọng nối hy vọng, khổ đau chồng chất khổ đau, máu pha máu, mồ hôi cạn dần trên mỗi xác thân lương thiện, cuộc sống con người có khai mở, sự lạc hậu tối tăm có thể bị đẩy lùi; nhưng không phải vì vậy mà những manh tâm nơi con người cứ tuần tự phai tàn đi. Mỗi một con người sớm mai đẩy cửa ra đường đã nhanh chóng có một thằng bản ngã của nó huênh hoang và lếu láo bước theo, và con người lương thiện ấy vẫn tưởng nó – cái phần phân thân kia – đương nhiên phải có như một chiếc bóng của ta trên mặt đường, dưới bóng mặt trời. Ngày ngày chúng ta phải cứ hòa nhập với kẻ thù, chung cùng một trái tim” (tr. 52).
Qua sông là một hành-cử khó khăn trong khung cảnh miền Nam cộng-hòa đã bị miền Bắc cộng-sản cưỡng hiếp, cùng “cộng” nhưng “dị mộng”, “dị hàng” và nhân cách!
Thằng Bắt Quỷ kể chuyện con người sống trong “xóm Nhà Ma ấy gồm hơn trăm căn nhà lá nằm chen chúc với những phần mộ hoang lâu đời (...) có một gã đàn ông ngoài ba mươi tuổi, không có con, vợ chết từ lâu, say sưa tối ngày. Mỗi đêm – có khi ban ngày – trước lúc vào nhà hắn ta ôm lấy cái mộ bia bằng đá ong mà vật lộn la hét. Hắn đã nhìn thấy cái mộ bia ấy là quỷ. Hắn bắt quỷ. Vì thế, người trong xóm gọi hắn là Thằng Bắt Quỷ”.
Người trong “cái thế giới nghèo nàn toàn mái lá, tre, tranh” là những kẻ khốn cùng, những chị em Liệng, Trinh, và những kẻ thừa tiền lợi dụng họ, như Chiêu, liệt dương, năn nỉ trả tiền Trinh đòi cởi truồng cho xem với lý lẽ nào là làm việc nghĩa, làm nghệ thuật, hay ít ra Trinh “hãy chiêm ngưỡng cái lý tưởng của mình qua chiếc bóng”. Cô gái nghèo bỏ trốn và đổi làm nghề ăn mày do Bắt Quỷ cầm đầu; ngày kia gặp lại ông Chiêu, “tình huống bỗng rách nát: một thằng mê sảng đang bò trên sàn nhà và một bức tượng lõa lồ của cô Trinh hiển hiện. Cái thằng người ngưỡng mộ ấy bò, liếm bàn chân tượng, sau, hắn đứng lên, bằng cả tinh hoa và sức lực, hắn nói:"Chao ôi, em đã làm tôi phục sinh". Hắn lại quỳ xuống bắt đầu vuốt lên thần tượng, người hóa thánh, một cõi thiên nhiên của núi đồi rừng biển, không còn khoác cho dù một bóng mây thưa…” (tr. 187-8). Vừa lúc ấy, cảnh sát ập vào, bắt Trinh “bán dâm”.
“Tôi” đến thăm cô Trinh nhưng cô đã chết và Bắt Quỷ đã xây cho cô nấm mộ đẹp. Bắt Quỷ không thích viết chuyện vì “Thứ nhất, với tôi cô Trinh không chết. Thứ hai, anh viết truyện làm chi? Đăng đâu? Nghĩa lý gì chỗ vẽ rắn thêm chân khi thế gian đang biến thành nước thành lửa cả rồi. Tôi nói với Bắt Quỷ: “Ta muốn biến Nước – Lửa thành Lời”. Bắt Quỷ cười, lại nói :”Tao ỉa vào bất cứ gì gọi là ngôn với ngữ. Thấy sóng đó không ? Hữu âm vô ngôn, vậy mà nó muôn đời”. “Hắn ra lệnh: Bọn bây hát vài bài tặng người phương xa và tặng chị Trinh đi. Nhớ hát đàng hoàng. Ðây không phải cái sân khấu đèn màu. Ðứa nào hát dỏm tao vặn họng ” (tr. 191).
Thừa Dư là chuyện anh em song sinh của một gia đình đông con, thân với “tôi” nên gọi là “thế hệ Thừa Dư”, cùng trở về thời quá vãng – “lang thang trong hiện thực” sau khi nhận được thư của Thừa: “Chú Ngọc, nhà thờ họ ta gần nửa thế kỷ nay không được sửa chữa, đã sụp đổ tan tành, hay gần như tành tang. Chú phải cố gắng về. Bà con bất kể là ai, môn phái chi, trôi giạt nơi đâu, cũng phải về cùng nhau góp công của trùng tu. Chim có tổ nước có nguồn. Chú là trí thức, cả họ mong chờ ở chú. Không phải chờ bọt nước miếng mà chờ tấm lòng nơi chú. Chú đã không-chạy-đi, vậy hãy-quay-về, không thể sống-ở-giữa-bóng-mây. Chúng ta phải đoàn kết mà sống, làm trong veo tinh khiết chỗ lạch nguồn. Nơi đây, hạnh phúc chúng ta cùng chia, khổ đau cùng chịu, chắc chú hiểu. Tin chú hay, trong việc này có anh Dư cùng tham dự” (tr. 197-8).
Thừa “tan tành cái chân trái”, còn Dư “gãy cái chân mặt”. Nhà thờ Họ cuối cùng cũng được khánh thành, “ngoài các nghi lễ cổ truyền, tế tụng, còn có một đêm liên hoan văn nghệ. Buổi trình diễn có một màn khá độc đáo, mang chủ đề: “Anh em một nhà, chúng ta cùng tiến bước,” do Dư và Thừa thủ diễn. Dư và Thừa, không ai dùng nạng, cùng dìu nhau lên sân khấu. Hai anh ghép lại thành một, tạo ra một hình nhân đủ cả hai chân nhưng bên trên có hai thân hình, hai cái đầu; đó là chưa kể những chi tiết lặt vặt như bốn con mắt, hai cái miệng, hai quả tim, hai bộ não, bốn cái hòn. Người nào chủ trương mỗi con người chỉ nên có mỗi cái đầu thì rất khó chịu về hình tượng lắp ghép này” (tr. 204). Tác giả như đặt hết kỳ vọng cho nhân sinh và đất nước vào câu chuyện cuối tập này – ghi viết tại “Sài Gòn, 1992” nhưng đến với người đọc từ Quận Cam, California!
Các truyện của tập Thằng Bắt Quỷ, dù viết sau 1975 vẫn được Cung Tích Biền viết cẩn trọng hình thức, chữ dùng. Bút pháp ẩn dụ hoặc chạm đến dị thường, huyễn hoặc, nhưng trung dung trong bày tỏ cũng như tâm trạng và còn cho thấy niềm tin mang tính nhân bản và hữu-thần, thù hận, hằn học có chăng cũng vẫn mang tính văn hóa phổ quát, tức đã bắt đầu rời bỏ văn hiện-thực của những tác phẩm viết trước năm 1975.
*
Với Xứ Động Vật và Mùa Xuân Cô Mơ Bay, Cung Tích Biền đã nhất quyết rời xa “nền” văn chương dẫu sao cũng còn “lịch sự” của Thằng Bắt Quỷ. Hai tập sau, ông viết với sự chân thành của nạn nhân trí thức, nhưng nay toàn trí toàn tâm, viết như không còn gì để mất. Xứ Động Vật được ghi là “tân truyện” gồm 3 liên-tiểu-truyện Xứ Động Vật, 2 liên-tiểu-truyện khác và một truyện ngắn, viết về xã hội Việt Nam thời hậu-1975 và “hội nhập”, “mở cửa” dưới ngòi bút sắc sảo và rất nhân bản. Mùa Xuân Cô Mơ Bay là những mảnh rời đời sống và tư duy của người Việt đôi bờ.
Hai tập truyện này được viết ra khi còn ở trong nước – mà Cung Tích Biền cho là “bị rất nhiều rủi ro, thiệt thòi mọi mặt trong đời sống, nhưng trong vị thế một người Cầm bút, Tác giả lại được hưởng nhiều may mắn, về phần “thu gom thực tế”” (Lời Thưa của Tác Giả, MXCMB, tr. 9) và cập nhật chỉnh sửa sau này ở ngoài, Cung Tích Biền đã đưa người đọc đến một thế giới văn chương khác, dị thường và quỉ quái và nói chung dễ khiến người đọc có cảm tưởng choáng ngợp và rùng mình.
Cung Tích Biền đã sử dụng người chết, ma quỷ để nói chuyện người sống và cảm nhận hiện thực. Cái Chết ở Cung Tích Biền trở nên siêu thực, mang mặt nạ “lãng mạn”, “văn chương” cho cái bi đát, cùng khổ hôm nay. Cung Tích Biền thường xuyên chiêm nghiệm về nỗi chết và những cái chết cùng những “kiểu” chết. Ông nói đến như thân thiết với cái Chết mà ông xem như là một tất yếu, một xác-thực lớn nhất mà từ đó, trên đó, con người có thể dựa vào để dựng xây cuộc đời, tức là cuộc sống đem ý nghĩa đến cho cái Chết hay nói khác, vì cái Chết mà cuộc sống có ý nghĩa.
Con người sống và kiếm tìm tâm linh nhiều hơn, hay cái Chết là một lối thoát đáng được chuẩn bị hơn? Trang Tử chủ trương vui cái sống gắn liền với cái Chết. Ngoại thiên Chí Lạc chép truyện Trang Tử gõ bồn, theo đó sống chết cùng một thể, thế nên cứ vui sống cái sống gắn liền với cái Chết. Cái Chết hiện hình trong chiếc đầu lâu khô-khốc bên đường của cái sống. Cái Chết kề bên như trời che đất chở, và cái sống kề bên cái Chết, đầu lâu nói với Trang Tử trong mộng: chết còn vui sướng hơn sống nữa. Và thế là quên hẳn cả cái sống cùng cái Chết. Đó là đạt được thuật chí lạc đạt tới Đạo và quên hẳn cái sống và cái Chết. Nhưng dĩ nhiên khác với thân phận người Việt.
Sau 1975, miền Nam bị kẻ Ác cưỡng chiếm, đã trở thành “Xứ động vật”, “Xứ toàn-chuồng” đầy ác thú: “Cuộc sống đã được cái lưới thép an ninh thắt chặt, bủa vây từng ly hiện hữu vật chất, lẫn một sợi mơ tưởng trong tâm hồn mỗi con người. Cuộc sống đã là toàn bộ trần truồng. Bày ra trước đám đông cả cái lỗ chân lông riêng tư. Phải làm sao mọi người hiểu rằng trong đầu của anh là cái khuôn đúc cài sẵn, tư tưởng được phát đều chỗ công cộng” (tr. 93).
Một đại-úy cộng-hòa trốn trại tù tìm gặp Hiền, người yêu cũ và Tảo, đứa con tám tuổi, đã bị hàng xóm nay được ác thú chỉnh huấn, trở thành “đàn quỷ dữ” lùng bắt: “Trong cái nền gọi rằng “công lý” đỏ tươi dưới ánh trăng úa bạc quê nhà về sáng, nó nhờ nhờ ma cỏ, như đâu trong một phiên tòa chốn địa ngục (...) Một giọng nói lanh lảnh, đanh như thép: "Phải đập nó một trận thôi bà con ơi. Thằng ngụy này da thịt bằng sắt như vỏ xe tăng Mỹ."
Chỉ một lời hô hoán khích động bất ngờ là biển bão trở nên sóng thần. Một lúc thôi không ai nhận ra anh. Chỉ loáng, người yêu xưa của Hiền, thần tượng một thời bỗng hóa màu. Con người khốn khổ như một bức tượng sáp bôi kín máu là máu (...) Những phần da thịt anh vỡ ra dính lại trên tay, trên mặt đám người thực hiện “công lý của nhân dân”. Bọn này hóa Đỏ bởi máu người ... ”.
Người phụ nữ đau khổ tận cùng: “Hiền ôm lấy xác người. Những dây thừng quấn quanh anh nhuộm đỏ. Tóc đỏ. Áo quần đỏ bầy nhầy thịt nát. Mà làm sao thế này? Làm sao lúc đầu chỉ một đôi mắt sáng, rất buồn, cũng rất hờn căm; nó cô đơn nhìn một rừng mắt cũng rực hờn căm. Mà làm sao? Một mái đầu trung niên sớm bạc trắng vì lao tù trong núi trời phương Bắc, giờ đây phải chịu đựng nghìn xỉa xói chửi bới. Bỗng cái làn tóc sương ấy, từ đôi mắt rực lửa hận cô đơn ấy thét lên: "Chúng mày giết tao đi. Chúng mày mới chính là thú. Giết tao đi. Tao không bao giờ đội trời chung với chúng mày".
Mà chao ôi, những bão bùng là thoi đấm, chân đạp tập thể; rồi ai xui chúng dùng cán cuốc lưỡi sắt; từ quằn quại với một ít máu bầm chuyển qua máu vọt thành vòi. Thay vì thấy thịt nát đã chùng tay, chúng lại cuồng máu say thù, bằm thêm cho nát, cho vụn cái khúc ruột không đâu xa nghìn dặm, mà ngay đây, cái đống đồng bào đã máu nát thịt tan...” (tr. 93, 96, 97, 98).
Liên-tiểu-truyện Xứ Động Vật Mưa Hồng dùng hai anh em sinh đôi Tảo và Jim để kể chuyện khốn cùng của sinh linh đất Việt. Song sinh nhưng chiến tranh khiến đôi ngã chia ly, người rơi rớt làm con nuôi khó nghèo trong nước, kẻ bị / được ném lên tàu vượt biên. Số phần Tảo không may, được những người mẹ nuôi rồi bà ngoại nuôi nhưng tất cả đều đã chết, Tảo phải sống lây lất, ăn mày, ăn xin, làm ma đói giữa một Sài Gòn đã đổi chủ: “Trong đêm Sàigòn, Đô thành xưa, hôm nay ngập mưa, từng đoàn người ma ốm o, đầu đội nón lá, trong lớp áo mưa mỏng, còng lưng trên xe đạp chở những bao tải ni lông vụn, đồ ve chai. Gió thổi ngược đánh bật cả nón bay, đến xiêu vẹo người. Bọn ma đói này là dân nhập cư từ Bắc vào Nam, từ những miền quê đói khó, không công ăn việc làm, không phải là quân có chức quyền, lận lưng con dấu đỏ thủ trưởng rất mau chóng giàu có. Bọn ma đói này dai sức đến khiếp. Muốn có dăm đô la trong một ngày đêm hai-mươi-bốn-tiếng-đồng-hồ làm việc chết bỏ, bọn ma sống phải vượt trên năm mươi cây số trên chiếc xe đạp cà tàng, đến bến cảng Sàigòn phía nam thành phố, chờ chực tranh nhau mua/lượm các loại phế liệu mang về giao cho các lò ve chai tận phía bắc thành phố, miệt Hốc Môn Củ Chi.
Đèn Đa Kao mờ tối một lúc. Rồi điện cúp luôn. Tảo ngủ vùi trên băng ghế trạm xe buýt chỗ lề đường. Bỗng hắn nghe một câu chửi thề: "Đù mẹ thằng thầy chùa ngũ sắc tí hon này nhường cái băng đá cho tao ngủ chút coi." Tảo chưa kịp phản ứng đã bị thằng to bự đá văng xuống nền mưa lạnh nhơm nhớp bùn đất. Thằng to bự vật ngay một đứa con gái đi cùng xuống cái băng đá, lột quần. Rồi hắn đút cái gì ấy vào cửa khẩu con nhỏ. Con nhỏ cười trong đêm ma” (tr. 114).
Người em Việt-kiều Jim trở về tìm máu mủ, khi sắp gặp lại thì Tảo đã vừa bị bọn giang hồ giết, cũng vì giành nhau kiếm ăn và chỗ ngủ. “Xưa kia, ở vùng C., thằng bé Tảo từng chứng kiến một bọn người mắng một con người là thú; rồi cùng nhau giết người bị mắng nhục không nương tay. Hôm nay một đứa có tiền án giết người cướp của, đồng lõa với một tập thể cùng khắp thượng tầng, đã hạ thủ một người dám mắng chúng: “Mày là thú trong lũ thú”” (tr. 123).
Chuyện đã được viết ra, nhưng vẫn có những sự thật bên kia bờ mà ở bên này chưa chắc đã rõ, ngay cả văn chương cũng khó lột tả hết sự thật. Theo Cung Tích Biền, “Văn chương, khó thể lột tả tận ngọn nguồn, dẫn tới. Chỉ ra chỗ di căn của hoạn nạn, hố thẳm của đọa đày trong kiếp con người, như tiểu thuyết phô bày, dù dưới ngòi bút của một nhà văn đầy tài năng. Chữ nghĩa cổ kim chỉ mô tả cái vỏ của từng số phận con người. Lắm khi tô màu một cách vô tội vạ lịch sử, chỉ làm con người mủi lòng, khóc đau chốc lát, hoặc kiêu hãnh trong ngu mê dại muội, mà thôi. Mỗi việc riêng của thằng điên Tảo, hậu trường chưa muốn khép. Nó mở dần, mở dần những hang động” (tr. 98, 99).
Trong liên-tiểu-truyện Xứ Động Vật Vào Ngôi, thời đảo điên “Xã hội trong hầm chuột hun khói. Nhân ảnh dị dạng. Mọi thứ bậc đổi ngôi. Cái gì lạ lùng quái gở nhất cũng có thể thường trực xảy ra (...) Không có gì phải đau lòng, là đáng ngạc nhiên cả. Đó là chuyện thường ngày trên một xứ Rồng Tiên mọi sinh họat xã hội đang bình thường lật ngửa, bỗng nhiên nhào đầu, lật úp cái rụp. Bộ não đang dạng tươi, bỗng một chiều được sấy khô giống nhau, trong cái lò bát quái. Một người bị nhức đau hàm dưới, nha sĩ - từng có hơn ba cái bằng tuyên dương chống Mỹ - nhổ một lúc sáu cái răng hàm trên, cả răng cấm. Bệnh nhân trợn ngược mắt trắng, giãy đành đạch bất tỉnh, giống con cá lóc bị đập đầu trước khi hy sinh cho bàn nhậu...” (tr. 139).
Qua cái Chết và những con người chết, Cung Tích Biền muốn mổ xẻ lịch sử cận và hiện đại. Khúc, một kiến trúc sư nay ngoài 30 tuổi, vào năm lên tám, từng “tình cờ thấy một người đàn ông nhàn nhã giết vợ mình”, mà lại có những nạn nhân kỳ lạ: “Người bị giết chừng như sẵn sàng, âm thầm thụ hưởng, như được ban một chung nước thánh”, làm như "để thoát khỏi Xứ-Toàn-Chuồng, con người có một phản ứng tuyệt vọng, như một hội chứng, rất mực phản kháng cái gọi rằng Khí-hậu-động-vật". Người ta dùng chính sinh mạng thân ái để giải quyết, chung chi cho một rủi may lúc hỗn mang” (tr. 133-4). Một “người đàn ông khởi đầu cuộc tháo rời một con người” - một người chồng muốn “tháo lồng tử sinh” cho vợ mình mà ông “từng ôm nựng hôn hít làm tình” (tr. 151). Người đàn ông sau đó bỏ các phân mảnh người vào bao bố “nhân ái” rồi “cất công” đi bỏ phân tán mỗi góc phố xa cách nhau một phân mảnh. “Nhãn hiệu chính là Máu. Nỗi đau, cái Nhục phải được nhân gian nhận diện, không lập lờ. Ông định lấy viết ghi tên trên mỗi chiếc bao:
"Phải có tiếng nói. / Không hề vô danh.
Không thể không tháng ngày.
Cuộc tự xử này không mang tính huyền thoại.
Nó là có thật trên một quê hương có thật,
đựợc tác dựng bởi một hành sự mang tính gội rửa, tháo gỡ."
"Sống nơi này Sống cách nào cũng là một cách Chết” (tr. 158).
Giết vợ xong ông mới nhìn thấy đứa nhỏ 8 tuổi nhưng không nỡ giết - "Không. Nó phải Sống và phải Đợi chờ”. Ông rời nhà, bỏ Khúc lại, dặn tìm người nhà khác; Cung Tích Biền đặt tựa cho câu chuyện là Hành Trình Minh Triết.
Người đàn ông vào tù chung thân, nay thành một ông lão tâm thần, suốt ngày “với hàm răng rụng sạch, chỉ còn hai cái lợi hôi hám, màu thịt tim tím, lão già ra sức gặm một cục đá to bằng nắm tay. Lão thè lưỡi liếm đá. Nụ cười trắng, lão nói nước chảy đá mòn mà con ... 'cha liếm đá cho mòn, cho nhỏ nhỏ nỗi đau' ”. Khúc thăm nuôi, được ông xác nhận làm đúng năm xưa: “Ta đã nói rồi, ta chỉ thanh lý cái Đã-Bị-Giết. Những Công dân Xác chết. Ta không chịu được quanh ta đầy hơi thở một nhung nhúc thây người. Lạy Cha, con không là thần tiên (...) Con ơi tao là cha mày. Tao từng ngồi nhẵn ghế nhà trường, đã ung vữa đôi mắt vì chữ nghĩa thánh hiền. Tao hiểu cái đời hạ ngươn này từ khi các hiện tượng càn khôn thoạt nảy sinh từ phôi. (...) Cũng như mày không thể nào hiểu vì sao một kẻ sát nhân, sát từng bộ phận, giết từng con vi khuẩn trong xác người thân yêu như tao, hãy còn vừa đang thở lại vừa đã chết trên cái Xứ-Toàn-Chuồng này. (...) Vì bọn khát máu giết triệu người chỉ xem như một rủi may lịch sử. Nó giết chục triệu người không hề bị quy tội sát nhân. Tao giết một người, dù không thể còn một giải pháp nào khác, cũng đã đủ sức nặng rơi tõm xuống địa ngục. Nhưng số mệnh đểu cáng không cho tao vé tàu. Chúng bỏ tao lại trên một cõi đất vừa trơ trụi vừa rợn người này. Chúng hiểu rõ là tao sẽ bị băm vằm dưới nhiều hình thái vi diệu khác, lâu dài và hờ hững dưới bóng trời nghi hoặc này. Cái ngày Hôm qua, Hôm nay, và mãi ngày Hôm kia sẽ đến, chúng đốt lửa người...” (tr. 161-162) – Ông sẽ chết, “tắt thở vì một cục đá tròn trĩnh chẹn ngay ở cổ họng. Thay vì nghẹn cơm ông ta nghẹn đá”!
(Còn tiếp một kỳ)