Thứ Sáu, 15 tháng 11, 2019
Lê Mạnh Hùng: Nước Mỹ mất gì khi bức tường Berlin sụp đổ?
![]() |
Tổng Thống George H. W. Bush và Thủ Tướng Đức Angela Merkel trong chuyến thăm Berlin hồi Tháng Bảy, 2008. (Hình: Getty Images) |
Khi bức tường Berlin sụp đổ vào ngày 10 Tháng Mười Một cách đây ba muơi năm, Tổng Thống Mỹ George H.W Bush không tỏ ra xúc động và vui mừng bao nhiêu. Và khi được các phóng viên báo chí vặn hỏi, ông Bush trả lời “Tôi không phải là loại người đa cảm” (I’m just not an emotional kind of guy).
Một phần lý do là bản tính tự kiềm chế bẩm sinh của một con người điển hình thượng lưu của miền New England. Một phần khác là ông không muốn làm gì để động lòng Moscow vốn trong tình trạng dao động vì việc mất cả đế quốc tại Đông Âu. Nhưng nay sau ba mươi năm nhìn lại có thể rằng ông Bush đã linh cảm rằng việc sụp đổ của bức tường Berlin đã làm cho nuớc Mỹ mất nhiều hơn là được.
Người ta đã nói nhiều điều, những hậu quả không ngờ của sự sụp đổ của đế quốc Xô Viết đối với trật tự thế giới. Chúng ta đã biết đến việc nó thả ra khỏi cái chai các ông thần của tinh thần tôn giáo và dân tộc nguyên thủy. Người ta cũng nói đến sự xuất hiện của một nước Nga hận thù. Nhưng điều mà rất ít người nói đến là điều mà Mỹ bị mất trong sự sụp đổ này. Với sự sụp đổ của đế quốc Cộng Sản, nước Mỹ mất một kẻ thù có thể làm cho toàn dân đoàn kết. Ngày nào mà đất nước còn bị đe dọa bởi một kẻ ngoại thù, thì tự nhiên có một giới hạn cho những tranh chấp bên trong. Đẩy mâu thuẫn nội bộ lên đến quá mức là không ái quốc.
Thế nhưng một khi không còn đối thủ, hay ngay cả một kẻ cạnh tranh, người Mỹ bắt đầu bỏ các giới hạn trong việc tranh chấp phe đảng. Không có gì làm cho nước Mỹ chia rẽ hơn là khi vị thế độc tôn của Hoa Kỳ được xác định. Tinh thần phe đảng không phải đến khi Cộng Sản sụp đổ mới có, nhưng nó đã được đẩy lên đến đỉnh cao sau đó. Điều này có thể thấy qua việc lựa chọn thẩm phán Tối Cao Pháp Viện.
Trong số năm vị thẩm phán cuối cùng được đề cử trước năm 1989, có đến bốn người được tất cả Thượng Viện bỏ phiếu đồng ý. Từ đó đến nay, không một thẩm phán nào được toàn thể Thượng Viện chấp nhận. Trong vòng vài tuần nữa, có rất nhiều triển vọng rằng Tổng Thống Donald Trump sẽ bị Hạ Viện đàn hạch và đưa ra Thượng Viện xử. Nếu như vậy có nghĩa là chỉ trong vòng hơn hai chục năm đã có nhiều vụ đàn hạch hơn là cả hai trăm năm trước của lịch sử nước Mỹ.
Lịch sử không cho phép làm một thí nghiệm như trong vật lý. Chúng ta không thể biết tình trạng của chính trị Hoa Kỳ trong một thế giới mà vẫn còn một thế giới Cộng Sản vũ trang đe dọa đằng sau bức tường Berlin. Chúng ta chỉ quan sát những sự kiện và những sự kiện cho thấy rõ ràng là có một sự phân hóa gia tăng bắt đầu từ những năm 1990.
Sử gia Peter Beinart mô tả ông George H.W. Bush như là vị tổng thống chính đáng (legitimate) cuối cùng của nước Mỹ. Tuy rằng cử tri không chịu cho ông một nhiệm kỳ thứ hai nhưng không ai coi việc ông làm tổng thống là một vết nhơ cho đất nước. Trong số những người kế nhiệm ông, ba người bị các đối thủ tố cáo là trốn lính, một người bị tố cáo là không phải dân Mỹ. Có thể rằng có một thay đổi nào đó trong việc lựa chọn ứng cử viên kể từ năm 1992, nhưng rõ ràng là thấy sự thù nghịch gia tăng.
Không một tổng thống nào kể từ năm 1988 đạt được 400 phiếu cử tri đoàn; không một người Cộng Hòa nào thắng tại hai bên bờ đại duơng và không một người Dân Chủ nào thắng ở miền Nam. Thành ra có thể nói kể từ sau Chiến Tranh Lạnh không có một vị tổng thống nào đại diện cho toàn quốc.
Trong truyện hoạt họa The Simpsons có một đoạn trong đó Homer bị gởi xuống địa ngục để chịu trừng phạt. Homer lúc nào cũng thèm ăn bánh “donut” thành ra cái sự trừng phạt của Homer là bị nhồi nhét chỉ ăn “donut” không cho ăn gì khác. Độc tôn đơn cực chính là sự trừng phạt của nuớc Mỹ. Sau gần nửa thế kỷ đấu tranh để đánh đổ đối thủ của mình, Hoa Kỳ cuối cùng có quá nhiều cái mà mình muốn.
Đế quốc Xô Viết là kẻ thù tốt nhất mà nước Mỹ có thể có. Nó cho người Mỹ một cảm giác an toàn nhất về mình và vị thế của mình trên thế giới. Nó cũng cho phép người Mỹ lái lòng thù hận ra phía ngoài thay vì quay vào trong xâu xé lẫn nhau. Giống như năng lượng trong đạo luật thứ nhất của nhiệt động lực học, nó không bị tiêu hủy mà chỉ chuyển biến. Một quốc gia càng ít hướng nó ra ngoài thì nó càng quay vào trong.
Chiến thắng của Hoa Kỳ trong Chiến Tranh Lạnh là một kỳ công cần phải được xưng tụng trong dịp kỷ niệm 30 năm sự sụp đổ của bức tường Berlin tháng này. Nhưng đó cũng là một chiến thắng mà nuớc Mỹ phải trả một giá quá đắt. (Lê Mạnh Hùng)