Thứ Bảy, 30 tháng 11, 2019

Ngô Nhân Dụng: Dân Hồng Kông đáng hãnh diện

Người dân Hồng Kông mang hình “Võ sĩ Quyền Anh Donald Trump” để hoan hô một đạo luật rõ ràng nhằm chống chính quyền Trung Cộng và Hồng Kông, vào tối 28 Tháng Mười Một, vài giờ sau khi Tổng Thống Donald Trump ký ban hành hai đạo luật ủng hộ người tranh đấu cho nhân quyền và dân chủ tại Hồng Kông. (Hình: Chris McGrath/Getty Images)

Giới lãnh đạo Bắc Kinh mới nhận hai cú “tát tai.” Tuần trước, Quốc Hội Mỹ biểu quyết hai dự luật dọa trừng phạt Trung Cộng nếu đụng tới dân Hồng Kông. Ngày Chủ Nhật, các nhà chính trị được Bắc Kinh ủng hộ đều bị dân Hồng Kông tẩy chay trong cuộc bầu cử cấp thị xã.

Trước khi ký đạo luật “Nhân Quyền và Dân Chủ Hồng Kông” (Hong Kong Human Rights and Democracy Act) Tổng Thống Donald Trump tỏ ra biết lo cho thị trường chứng khoán. Ông ký đạo luật này vào chiều Thứ Tư, sau khi thị trường New York đóng cửa qua cả ngày hôm sau, khi dân Mỹ sẽ nghỉ lễ Tạ Ơn, Thanksgiving.

Ông Trump cẩn thận tính rằng nếu giới đầu tư có phản ứng gì với đạo luật thì họ sẽ đợi qua ngày Thứ Sáu mới biểu lộ, trên giá cổ phiếu trên thị trường.

Tại sao phải lo giới đầu tư sẽ phản ứng? Vì lo cuộc chiến tranh mậu dịch Mỹ-Trung sẽ không xuống thang mà có thể căng thẳng hơn. Bắc Kinh sẽ tức giận. Họ có thể trả đũa. Cứ như thế, không biết đến bao giờ cuộc chiến mới nguôi, kinh tế cả thế giới sẽ trì trệ.

Ngày Thứ Sáu, các chỉ số thị trường New York không thay đổi đáng kể và số người mua, bán rất thưa thớt. Giới đầu tư trong thị trường chứng khoán đã đoán trước các tình huống và đã phản ứng ngay trước khi ông Trump đặt bút ký.

Nguyễn vạn An : Chuyện Xứ Người - Một Người Mẹ

(tranh: Van Gogh, lấy trên mạng)

Ông trời run rủi thật kỳ lạ, cho những người từ những phương trời xa lắc xa lơ bỗng nhiên gặp nhau, rồi cuộc đời ràng buộc với nhau !

Hôm đó trong văn phòng ông Paul, khoa trưởng trường đại học ở một tỉnh xa Paris, có ba người gặp nhau lần đầu : ông Paul, cậu Santy và Jean.

Ông Paul người gốc Ba Lan, giòng dõi quý phái, theo cha mẹ lưu lạc sang Pháp. Ông học xuất sắc, đỗ đạt cao, làm giáo sư, rồi lên chức khoa trưởng kiêm giám đốc một trung tâm khảo cứu.

Santy là một thanh niên người Lào, con nhà khá giả, được bố mẹ cho đi học bên tây. Thông minh, chăm chỉ, đậu tiến sỹ rất sớm, cậu được nhận ngay làm giáo sư diễn giảng trong đại học ông Paul.

Jean mới xong cử nhân, vào cao học, hi vọng sau sẽ được soạn luận án tiến sỹ. Bố Jean là lính thợ, sau giải ngũ lưu lạc đến một làng nhỏ bên Pháp, rồi ở lại, lập gia đình với con gái một nông dân ở đó. Lúc sanh ra, Jean mụ mẫm xinh đẹp, nhưng đến khi được tiêm thuốc phòng bệnh trẻ em thì bị hậu quả tai ác: chân tay bỗng co quặp và Jean biến thành một đứa bé khuyết tật.

Ông Paul nói : “- Santy, khảo cứu anh rất tốt. Vừa xong luận án, anh đã được nhận ngay làm giảng sư. Trường hợp này rất hiếm. Đây là Jean, như tôi đã nói với anh trong điện thoại”. Là vì trước đó mấy ngày, ông Paul đã gọi giây nói riêng cho Santy: “- Tôi có một đứa học trò vừa xong cử nhân, đang vào năm đầu cao học. Nó bị khuyết tật. Tôi quá nhiều việc, không thể trông nom nó được, nên muốn anh kiếm việc phụ trợ cho nó và săn sóc nó. Anh suy nghĩ đi. Dĩ nhiên anh không bắt buộc phải nhận, nhưng nếu anh nhận thì cho tôi biết”. Santy không biết ất giáp gì, nhưng cũng hiểu là khó từ chối, trả lời “- Tôi không cần suy nghĩ gì cả. Tôi xin nhận. Ông hãy yên lòng”. Thế là có cuộc gặp gỡ giữa ba người hôm đó.

Trần Mộng Tú: Tạ Ơn

Hình minh hoạ, RONALDO SCHEMIDT/AFP via Getty Images

Xin tạ ơn giọt sương
Nhỏ trên bàn tay nhỏ
Xin tạ ơn ngọn gió
Thổi bay đi nỗi buồn
Tạ ơn con chuồn chuồn
Trên nhánh hoa mùa hạ
Tạ ơn con sóc lạ
Chạy vào vườn hôm qua
Tạ ơn từng vạt nắng
Vắt qua hàng rào thưa
Tạ ơn những giọt mưa
Ru tóc buồn thôi khóc
Ôi Trời thì rộng quá
Mặt đất thì bao la
Ta trải cả hồn ta
Thấm nhuần ơn mưa móc

Tạ ơn những người bạn
Lòng trải như khăn điều
Ta vắt trên vai mỏng
Nghe ấm tuổi xế chiều. (Thanksgiving 2018)

Xin tạ ơn các con
Đã sống đời lương hảo
Những đứa cháu như ngọc
Còn nguyên dấu tinh khôi

Nguyễn Vy Khanh: Cung Tích Biền - Nhà Văn Việt Nam Hải Ngoại

Tên thật Trần Ngọc Thao, sinh năm 1937 tại Thăng Bình, Quảng Nam. Động viên học Trường Sĩ quan Thủ Đức năm 1963, ra trường đồn trú ở Cần Thơ, Bạc Liêu, Hậu Nghĩa và Tây Ninh. Giải ngũ năm 1973, cấp bậc Đại úy. Từng ký Chương Dương, Việt Điểu, Uyên Linh và cuối cùng bút hiệu Cung Tích Biền - xuất hiện lần đầu trên tuần báo Nghệ Thuật tháng 3-1966 (truyện ngắn Ngoại Ô Dĩ An và Linh Hồn Tôi). 

Sau 1975, Cung Tích Biền ngưng viết 12 năm, năm 1987 ông sáng tác trở lại. Trong nước đăng truyện trên Cửa Việt, Sông Hương, và gửi ra ngoài nước đăng tác-phẩm đầu tiên với Hợp Lưu (Dị Mộng, Qua Sông, Thằng Bắt Quỷ 1991,..), rồi 20 truyện Xứ Động Vật đăng trên liên mạng Da Màu Văn chương Không Biên giới năm 2008, rồi Nhật báo Người Việt [California] tiểu thuyết Mùa Hạ đăng từng kỳ, 194 số nhật báo năm 2012, v.v. 

Từ 2007, lúc còn trong nước, trước khi dứt khoát định cư ở Hoa-Kỳ tháng 10-2016, ông đã tự xuất bản tác phẩm của mình - ông gọi là “đẻ chui”, qua hình thức in chụp dưới “bảng hiệu” Một Mình. 

Tác-phẩm đã xuất-bản sau 1975 và ở hải ngoại: Thằng Bắt Quỷ (Tân Thư, 1993), gồm 11 truyện ngắn trước và sau năm 1975; Xứ Động Vật “tân truyện” (Nhân Ảnh, 2018) và tập truyện ngắn Mùa Xuân Cô Mơ Bay (Thao Thao, 2019).

*

Cung Tích Biền, công dân của miền Nam với thân phận đi giữa hai lằn đạn - ông có hai người anh, một “anh là Cộng sản chết không mồ, em là Quốc gia chết không tìm ra xác” (người tập kết, người bị tù “cải tạo”, hai cái chết đều do Cộng sản Hà-Nội gây ra!). Trước 1975, ông từng bị nghi ngờ nếu không vì xuất thân từ vùng kháng chiến chống Pháp thì cũng vì gia đình ông, cũng như nhiều người khác có anh em ở chiến tuyến đối nghịch; đời sĩ quan của ông không hanh thông, từng bị chỉ định nơi cư trú và giải ngũ sớm. Nạn nhân cả sau biến cố 30-4-1975, ông đã phải chịu đựng và câm lặng hơn 30 năm. Nhưng dù muốn dù không, Cung Tích Biền cũng đã chứng kiến nhiều cảnh bạo lực, “nhân tình éo le” và chướng tai gai mắt. 

Phạm Xuân Đài: Đến với nước Nga (Kỳ 3)

Sáng nay chúng tôi sẽ trả phòng khách sạn để khuya nay đi St Petersburg. Công dụng của khách sạn bộ Quốc Phòng đã hết: giấy tờ chúng tôi đã được công an thị thực xong xuôi. Sau khi đổi tiền, chúng tôi về lại khách sạn với một chiếc taxi kêu được trên đường. Ở Mạc Tư Khoa bạn có thể có thể đứng bên lề và ngoắc bất cứ chiếc xe nào chạy trong lòng đường, hễ nó tấp vào thì đó là taxi. Bởi vì ngoài số taxi chính thức không nhiều lắm mang dấu hiệu riêng trên mui, có vô số người tậu được xe cũ chạy kiếm khách trên đường. Tôi không biết làm ăn như thế họ có vi phạm luật lệ gì không, nhưng tất cả có vẻ công khai bình thường, không lén lút gì cả. Khi thấy chúng tôi khệ nệ mang mấy cái va li to tướng từ khách sạn ra, người tài xế taxi có vẻ bối rối. Tôi bảo anh ta mở cóp xe để xếp hành lý, thì hỡi ôi, cóp xe đầy những thanh gỗ vụn, không còn chỗ đâu mà cho va li vào nữa. Tôi không tin là giữa Mạc Tư Khoa ngày nay người ta còn đun nấu bằng củi, những thanh gỗ này chắc người tài xế nhặt ở đâu đó để dành sửa chữa vật dụng trong nhà hay ngoài vườn, hoặc để đốt lò sưởi vào mùa đông. Có lẽ vì không phải là dân lái taxi chuyên nghiệp, anh ta xớ rớ không biết giải quyết vấn đề hành lý ra sao, khiến tôi phải ra tay, nhét tất cả vào băng sau để người và va li cùng chen chúc rất là thân mật trên một chỗ ngồi. Rồi xe cũng lăn bánh được, và chúng tôi trực chỉ Niệm Phật Đường trụ sở của Hội Phật giáo Thảo Đường.

Cũng giống như nhiều ngôi “chùa” ở Mỹ trong thời kỳ đầu người Việt mới tới định cư, ngôi Niệm Phật Đường này cũng chiếm một đơn vị nhà ở, là appartment trong một chung cư nhiều tầng. Một phòng thờ, nơi để Phật tử đến tụng niệm làm lễ với đầy đủ bàn thờ và kinh sách theo kiểu một ngôi chùa Việt Nam, một căn bếp, và hai phòng ngủ để phòng đón khách phương xa, thường là các thầy từ các nước Tây phương — nước Tây phương chứ không phải Tây Phương Cực Lạc. Ý nghĩ hơi đùa bỡn vừa rồi nhắc tôi nhớ Nga vẫn là một nước thuộc phương Đông, và hình ảnh Tây phương trong đạo Phật đối với người đang ở nước này cũng không khác với người đang ở tại Việt Nam.

Nói đến Hội Phật Giáo Thảo Đường thì không thể không nhắc đến một con người rất đặc biệt, bà Inna Anatolieva Malkhanova, vợ của ông Nguyễn Minh Cần, một người Việt Nam tị nạn chính trị tại Nga từ bốn chục năm nay, mà trong chỗ thân mật trong bài này tôi xin gọi là anh chị. Và mặc dù đã gặp gỡ, trò chuyện với anh chị nhiều trong chuyến đi Nga vừa rồi, trong việc giới thiệu chị Inna ở đây tôi không thể không mượn rất nhiều đoạn của một nữ sinh viên Việt Nam du học tại Nga viết về chị. Bài viết của tác giả Tâm Diệu Hương (đăng trên tờ Viên Giác xuất bản tại Hannover, Đức Quốc vào số 102 Tết Mậu Dần) đã phản ảnh một cách trung thực và sâu sắc nhất con người của chị Inna.

Thứ Sáu, 29 tháng 11, 2019

Ngô Thế Vinh: Thủy Điện Luang Prabang Trên Vùng Động Đất Bắc Lào Và Thảm Họa Vỡ Đập Dây Chuyền

Gửi tới 20 triệu cư dân ĐBSCL không được quyền có tiếng nói
Gửi nhóm Bạn Cửu Long

Hình 1a_ Trái:Bản đồ vùng đất Đông Nam Á: những vòng xám/ grey chỉ các vùng phân bố tâm chấn động đất / epicentral distributions; những vòng xanh/ blue ghi dấu các trận động đất ≥ 6.0; những ngôi sao đỏ/ red stars ghi dấu các trận động đất ≥ 7.0. Các đường gạch đỏ/ red lines là biểu thị đường đứt gãy gây động đất / seismogenic faults. (Santi Pailoplee et al.2009)(4)
Hình 1b_ Phải: Có ít nhất 5 trong số 9 dự án thủy điện dòng chính sông Mekong của Lào nằm trong vùng động đất; kể từ bắc xuống nam: Pak Beng 1320 MW, Luang Prabang 1410 MW, Xayaburi 1260 MW, Pak Lay 1320 MW, Xanakham 1000 MW… Luang Prabang, là con đập lớn nhất và điều rất nghịch lý: do công ty quốc doanh PetroVietnam Power Co. là chủ đầu tư. [nguồn: Michael Buckley, cập nhật 2019 do Ngô Thế Vinh bổ sung.]

HAI NGUỒN TIN CHẤN ĐỘNG 


29.10.2019: Đập Xayaburi Bắt đầu Vận hành 


Lào bắt đầu cho vận hành đập Xayaburi1260 MW, là con đập thủy điện dòng chính đầu tiên trên sông Mekong của Lào. Đối với toàn thể cư dân trong lưu vực sông Mekong thì đây là một tin chấn động, giữa lúc khúc sông Mekong không xa đập Xayaburi gần như cạn kiệt, và câu hỏi đặt ra sẽ lấy đâu ra đủ nguồn nước để Xayaburi có thể vận hành chạy các turbines và đạt toàn công suất? 

Trọng Nghĩa (RFI): Trung Quốc cài người nắm các định chế điều hành thế giới

Tân tổng giám đốc FAO người Trung Quốc Khuất Đông Ngọc (Qu Dongyu) đã được bầu lên ngày 23/06/2019 tại Roma (Ý)..Vincenzo PINTO/AFP

Ngày càng có nhiều người Trung Quốc nắm vị trí đứng đầu các tổ chức quản lý lớn trên toàn cầu, mà gần đây nhất là trường hợp ông Khuất Đông Ngọc (Qu Dongyu) được cử lên lãnh đạo Tổ Chức Lương Nông Liên Hiệp Quốc FAO vào tháng 06/2019.. Theo phân tích của chuyên gia Edouard Tetreau trên nhật báo kinh tế Pháp Les Echos ngày 27/11/2019, sự kiện đó rõ ràng là kết quả của một kế hoạch được vạch ra từ lâu, thế nhưng chỉ gần đây thôi mới được Phương Tây chú ý. Đối với tác giả, phương Tây cần phản ứng nhanh chóng, vì nếu chậm trễ, tất cả các định chế điều hành thế giới sẽ bị Bắc Kinh thâu tóm. 

Tác giả bài phân tích trước hết nêu bật vai trò của 4 định chế quốc tế đang có lãnh đạo là người Trung Quốc : từ FAO, ITU, cho đến ICAO và UNIDO. Đây là 4 trong tổng số 15 cơ quan, tổ chức Liên Hiệp Quốc, trong đó còn có các định chế nổi tiếng hơn như Ngân Hàng Thế Giới WB, Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế IMF, Tổ Chức Y Tế Thế Giới WHO. 

ITU, FAO, ICAO, UNIDO: Các định chế có giá trị chiến lược 


Liên Minh Viễn Thông Quốc Tế ITU là tổ chức lâu đời nhất trong số các tổ chức này. Thành lập từ năm 1865, trụ sở tại Genève, Thụy Sĩ, định chế này đã được sát nhập vào Liên Hợp Quốc vào năm 1947. Trong thế kỷ hai mươi mốt này, vai trò của ITU được cho là rất quan trọng, vì tổ chức này có trách nhiệm điều tiết và quy hoạch màng viễn thông trên thế giới. Thẩm quyền của Liên Minh Viễn Thông Quốc Tế bao trùm hành tinh, từ việc quy định các chuẩn mực, phân bổ các tần số vô tuyến điện và các quỹ đạo vệ tinh trên không gian, cho đến những vấn đề liên quan đến truy cập Internet và Internet băng thông rộng, liên lạc hàng hải và hàng không… 

Lê Hữu Khóa: Phụ nữ Việt xưa - những bài học về chủ thể - CHỦ THỂ CỦA CHỦ LÝ

Chủ thể chống ngoại xâm để chống diệt vong

Chủ thể chống diệt vong, chống diệt chủng, trước họa xâm (xâm lấn, xâm lăng, xâm lược) trước hiểm họa hiện nay của Việt tộc với ý đồ của Tàu tặc, bằng thâm ý của Tàu tà. Mà man tính trong man rợ có từ tính toán tới hành động, cướp trắng trợn đảo biển Việt cùng lúc gây ô nhiễm qua công nghiệp đầy độc chất của chúng đang đầu tư và khai thác ồ ạt ngay trên lãnh thổ Việt, với sự thông đồng của các lãnh đạo đã bán nước để trục lợi. Chủ thể chống lại chuyện man tính trong man hoạt của Tàu tặc có ngay trong mọi sinh hoạt đang gây ung thư hóa xã hội Việt: đầu độc dân ta qua thực phẩm, thao túng hàng ngày từ sản suất tới tiêu thụ, từ kinh tế tới thương mại, tiêu diệt nông phẩm Việt để diệt nông dân Việt đang có trách nhiệm nuôi cả dân tộc.
Việt tộc nhận bằng kính phục và yêu thương chân dung chủ thể của Hai Bà Trưng. Hai Bà đánh quân Đông Hán, mà người đời đã đúc kết qua câu nợ nước-thù nhà, khi giặc ngoại xâm đã giết chồng của Trưng Trắc là Thi Sách. Nhưng khí thế của Hai Bà tạo được trong kháng chiến thủa đó còn có mang nội lực của mẫu quyền còn ảnh hưởng trong văn hóa Việt chăng? Trong bối cảnh sơn hà nguy biến, có khi nội lực này vượt lên áp lực của phụ quyền. Bằng chứng là chung quanh Hai Bà có các nữ tướng: Lê Chân, Thánh Thiên, Bát Đàng... ngay từ trong tổ chức quân lực cho tới khí thế khi đối diện với địch trên chiến trường, hai Bà đã đóng trọn vẹn vai: Vua! Hai Bà để lại một bài học vô cùng quý báu mà con cháu thời nay luôn phải nhớ là: quyết tâm tự chủ của Việt tộc. Các nhà lãnh đạo độc đảng hiện nay, dù còn độc tài để độc quyền: đừng quên bài học này! Đừng để giặc vào đất nước này lần nữa, chúng không những đã cướp biển, cướp đảo, chúng sẽ cướp luôn nhân phẩm Việt, nhân vị Việt, tâm hồn Việt. Thời Hai Bà ra quân kháng chiến, nhân dân ủng hộ, nhân sĩ tụ nghĩa chung quanh Hai Bà, đó là vì Hai Bà vừa có trí tuệ, vừa có dũng khí giữ nước-cứu dân, để lại những trang sử -trong sáng và trong sạch- về tâm hồn Việt: quyết tâm độc lậpcủa Việt tộc. Hậu thế này sẽ là hậu duệ đạo lý của Hai Bà: không để mất quê hương!

Mạc Văn Trang: Tại sao Hồng Kông?



Những cuộc biểu tình liên miên diễn ra suốt mấy tháng qua, nhất là tháng 11/2019 tại Hồng Kông (HK) ngày càng trở nên bạo lực dữ dội khiến cả thế giới phải quan tâm. 

Ai có lòng đồng cảm, nhìn những cảnh đàn áp tàn bạo của cảnh sát (CS), cảnh người biểu tình tay không chống đỡ với những khí cụ hiện đại và lực lượng CS được trang bị đầy mình, đông nhung nhúc cũng cảm thấy vô cùng lo lắng. Đỉnh điểm là những hình ảnh lửa cháy, súng nổ, vây ráp, truy đuổi, bắt bớ, đánh đập, máu chảy, tan hoang ở ĐH Bách khoa HK (Polytechnic University) diễn ra những ngày qua. Riêng ngày 18/11/2019 CS đã bắn 1.458 viên đạn hơi cay, 1.391 viên đạn cao su, 325 viên đạn đậu và 265 quả lựu đạn… Tại đây, 280 người đã bị thương được đưa đi các bệnh viên cấp cứu và hơn 1.100 người bị bắt, 

Biết bao cung bậc cảm xúc và nghĩ suy…! Tôi cố thoát ra khỏi hiện trạng, thử nhìn lại HK một cách thật khái quát, xem vì đâu nên nỗi? 

1. NHƯ CHUYỆN CỔ TÍCH 


Hồng Kông (香港) còn gọi là Hương Cảng, có nghĩa đen là “Cảng Thơm”. Các phát hiện khảo cổ cho rằng, loài người đã sinh sống ở HK từ 5.000 năm trước. Các công cụ bằng đồng của người Bách Việt Thời kỳ đồ đồng đã được khai quật ở đảo Lantau và đảo Lamma. 

Năm 214 TCN, Tần Thủy Hoàng đã chinh phục các bộ lạc Bách Việt tại khu vực Lưỡng Quảng và lần đầu tiên sáp nhập các lãnh thổ này vào đế quốc Trung Hoa. Sau khi nhà Tần sụp đổ vào năm 204 TCN, khu vực được hợp nhất vào vương quốc Nam Việt do tướng Triệu Đà lập ra. Khi Hán Vũ Đế tiến hành chinh phục Nam Việt vào năm 111 TCN, khu vực này được quy thuộc vào Giao Chỉ bộ của Nhà Hán. Cho đến thời nhà Thanh cai quản, khu vực HK vẫn chỉ là vùng đảo sinh sống của các ngư dân, người làm muối, trồng trọt, buôn bán nhỏ. 

Thứ Năm, 28 tháng 11, 2019

Quách Hạo Nhiên: 500 Ông Bà Nghị, 39 “Thùng Nhân” và 60 Kí Lô Mét Đường Cao Tốc cho 13 Tỉnh Đồng Bằng Sông Cửu Long Sau Hơn 40 Năm

39 “thùng nhân” và 2 triệu mỗi phút, 1 tỷ 1 một ngày


Theo tính toán của các chuyên gia, chi phí trung bình cho mỗi phút họp Quốc hội ở Việt Nam là 2 triệu đồng, tương đương 1 tỷ một ngày [1]. Nếu tính từ ngày khai mạc (21/10/2019) đến nay thì kỳ họp Quốc hội thứ 8, khóa XIV năm nay đã tiêu của dân hơn 30 tỷ đồng. Trong vai trò người nắm quyền lực tuyệt đối ở đất nước này, đại biểu Quốc hội kiêm Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đương nhiên cũng tham dự. Điều đó cũng có nghĩa đại biểu Quốc hội Nguyễn Phú trọng cũng góp phần vào công cuộc tiêu tiền của dân trong hơn tháng qua. Nhưng tiêu tiền của dân trong những dịp họp hội như thế nói cho cùng là chuyện đương nhiên, quốc gia nào cũng vậy. Vấn đề đáng nói ở đây là tiêu tiền của dân như thế nhưng có giúp ích gì cho dân hay không? Hay nói khác đi, người dân đóng thuế để nuôi các đại biểu, các ông bà Nghị nhưng các ông bà Nghị có xứng đáng với niềm tin; với những đồng tiền mồ hôi, nước mắt thậm chí là máu của người dân đã đổ ra hay không?

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Phú Trọng đã từng nhiều lần phát biểu và nhấn mạnh, đất nước và dân tộc Việt Nam “chưa bao giờ có được cơ đồ như hôm nay”. Phải nói thật là, cho đến hôm nay tôi mới thật sự thấm thía về lời phát biểu này. Thấm thía vì lẽ theo tôi, Việt Nam là một dân tộc hào phóng và bao dung nhất nhì thế giới nên mới có chuyện hơn 90 triệu người (trong đó có 39 người vừa bỏ mạng trong thùng container vì vượt biên trái phép sang Anh) sẵn sàng bỏ ra 1 tỷ một ngày cho gần 500 ông bà Nghị “chém gió” ở hội trường Diên Hồng trong ròng rã một tháng hơn. Đặc biệt, phải là một dân tộc rất giỏi chịu đựng nếu không muốn nói là đớn hèn, mê muội mới kiên nhẫn ngồi trước cái ti vi để xem và nghe một số ông bà Nghị trong tư cách lãnh đạo các Bộ, Ban, Ngành đọc và trả lời chất vấn chẳng khác gì các em học sinh phổ thông hay sinh viên đại học thảo luận trên lớp trong thời đại cờ mờ bốn chấm không.

Và riêng tôi lại càng thấm thía và ngạc nhiên hơn nữa khi biết rằng đại biểu Quốc hội kiêm Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đến giờ này vẫn không có một lời nào chia sẻ hay cảm ơn nào dành cho 39 đồng bào tôi (đa phần xuất thân ở vùng “đất học”, “địa linh nhân kiệt” Nghệ - Tĩnh) đã bỏ mạng nơi xứ người. Không những vậy, các thuộc cấp của ông trên mặt trận tuyên truyền sau thời gian đầu “nắm tình hình” đã bắt đầu những cuộc phản công khi không ngần ngại mỉa mai, phê phán những con người xấu số kia vì tham giàu mà vượt biên trái phép làm ảnh hưởng đến quốc gia, quốc thể…

Nguyễn Đình Ấm: Ngây thơ hay là “tay trong” của kẻ xâm lược?

Trung Quốc đã, đang xâm lược Việt Nam cả bằng vũ khí “cứng” và “mềm”.


- Năm 1978 Trung Quốc tài trợ kinh tế, vũ khí, cố vấn cho Polpot đánh phá biên giới Tây Nam đốt phá nhiều làng mạc giết hại hàng nghìn dân ta. Năm 1979 Trung Quốc xua 60 vạn quân xâm lược 6 tỉnh biên giới phía Bắc triệt hạ hầu hết làng mạc, phố sá, tàn sát man rợ hàng vạn dân, quân ta như thời Trung cổ. Năm 1999 Trung Quốc “kiếm” được nhiều vùng lãnh thổ biên giới phía Bắc, ải Nam Quan, ½ thác Bản Giốc, đã chiếm toàn bộ Hoàng Sa, phần lớn Trường Sa, liên tục quấy phá xâm phạm các vùng đặc quyền kinh tế của ta trên Biển Đông, đang tiến tới chiếm toàn bộ Biển Đông theo Đường lưỡi bò. Ở sát biên giới phía Bắc Việt Nam, Trung Quốc đã, đang bố trí những trận địa hợp thành các quân, binh chủng khổng lồ, tên lửa tầm trung mang đầu đạn hạt nhân chĩa vào Hà Nội và các thành phố của Việt Nam. Ở phía Tây bằng con mồi kinh tế, Trung Quốc đã khống chế Lào, thiết lập những công trình thủy điện trên sông Mekong phá hoại Đồng bằng sông Cửu Long, ở Tây Nam, Trung Quốc viện trợ, đặt căn cứquân sự ở Campuchia sẵn sàng thọc sau lưng Việt Nam. Phía Đông, Trung Quốc thiết lập các căn cứ quân sự bao vây, quấy phá Biển Đông từ đảo Hải Nam đến bãi Tư Chính… Trung Quốc đã bao vây bốn mặt Việt Nam.

- Theo dư luận chung, Trung Quốc dùng ít nhất 30% vốn đầu tư ban đầu đút lót các quan chức tham nhũng đưa vào Việt Nam các dự án công nghệ lạc hậu, độc hại, dây dưa tiến độ tăng khống vốn đầu tư bào mòn nền kinh tế Việt Nam. Trong 12 dự án thua lỗ hàng trăm, nghìn, vạn tỷ như đạm Ninh Bình, Hà Bắc, gang thép Thái Nguyên, đường sắt Cát Linh-Hà Đông… hầu hết là vay tiền và nhà thầu từ Trung Quốc. Đặc biệt họ nhái, làm giả các loại hàng tiêu dùng từ cái kim, sợi chỉ đến máy móc, quần áo, xe cộ, thiết bị… của nước ngoài và Việt Nam tuồn vào nước ta bán với giá rẻ mạt làm suy yếu và tê liệt nhiều ngành sản xuất trong nước. Trung Quốc cũng in tiền giả liên tục tuồn vào Việt Nam phá hoại nền tài chính nước ta. Họnghiên cứu chế tạo ma túy đá, chất bảo quản, gia, hương vị độc hại để đám thương nhân Việt Nam tham lam, bất nhân tuồn về nước đầu độc nòi giống Việt Nam… Các đặc khu kinh tế ởTrung Quốc, Tam Giác Vàng ở ngã ba biên giới Myanma, Bò Tèn ở Lào… là những sào huyệt sản xuất ma túy đá đầu độc các nước xung quanh. Sắp tới nếu Trung Quốc chiếm cứ các đặc khu Vân Đồn, Vân Phong, Phú Quốc thì cũng sẽ trở thành các căn cứ tình báo và sào huyệt các tệ nạn đầu độc dân ta. Hãy xem các đặc khu ở Lào, Campuchia và nhiều nước trên thế giới Trung Quốc đang làm gì.

Nghị sỹ Saskia Bricmont yêu cầu Nghị viện châu Âu xem xét hoãn thông qua EVFTA vì việc bắt giam TS Phạm Chí Dũng (Phương Thảo dịch)

Một thành viên Nghị viện châu Âu - Nghị sỹ Sasikia Bricmont vừa lên tiếng kêu gọi EU tạo áp lực lên Chính phủ Việt Nam để trả tự do cho nhà báo Phạm Chí Dũng cũng như tạm ngừng phê chuẩn Hiệp định Thương mại với quốc gia Đông Nam Á này cho đến khi tình hình nhân quyền được cải thiện.

Sau đây là thư của Nghị sỹ Saskia Bricmont gởi cho Nghị viện châu Âu, các Chủ tịch Ủy ban và các Nghị sỹ EU

Yêu cầu hành động nhanh chóng đối với trường hợp của nhà hoạt động VN trong quy trình phê chuẩn EVFTA / IPA của Nghị viện châu Âu.

Thưa Chủ tịch Nghị viện châu Âu,

Thưa các chủ tịch thân mến,

Các đồng nghiệp thân mến,

Như quý vị có thể đã biết ông Phạm Chi Dũng, Chủ tịch Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam và là cựu đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam đã bị bắt giữ trong tuần này. Nhà hoạt động dân chủnổi tiếng, ông đã bị bắt vì tội “tuyên truyền chống phá nhà nước”. Gần đây, ông đã đồng ký tên trong một lá thư chung của các tổ chức xã hội dân sự về EVFTA. Ngày 10 tháng 11, ông Phạm Chí Dũng đã viết

Viễn Đông (VOA): Góc nhìn khác về chính sách quốc phòng ‘bốn không’ của Việt Nam

Thứ trưởng Quốc phòng Việt Nam Nguyễn Chí Vịnh công bố Sách Trắng Quốc phòng hôm 25/11/2019.


Một chuyên gia nghiên cứu lâu năm về Việt Nam mới cho rằng việc không công bố ngay ấn bản điện tử của Sách Trắng Quốc phòng 2019 là một “thất bại” về thông tin của Hà Nội, và nhận định rằng Việt Nam đã ra “chỉ dấu” về “tăng cường hợp tác quốc phòng với các nước khác” nếu chủ quyền bị đe dọa.

Việt Nam hôm 25/11 công bố Sách Trắng Quốc phòng, và tin cho hay, tài liệu lần đầu tiên được xuất bản trong 10 năm này đã được trao cho các tùy viên quốc phòng của các phái đoàn ngoại giao nước ngoài.

Tuy nhiên, theo giáo sư Carl Thayer từ Australia, “cho tới ngày 27/11, ấn bản điện tử, cả bằng tiếng Việt lẫn tiếng Anh, vẫn chưa thấy xuất hiện trên trang web của Bộ Quốc phòng Việt Nam”. “Đây có thể bị coi là một thất bại lớn trong việc quản lý thông tin của Việt Nam”, chuyên gia nghiên cứu lâu năm nói.

Trong phần về Sách Trắng trên trang web của Bộ Quốc phòng Việt Nam, phóng viên VOA tiếng Việt chưa thấy phiên bản năm 2019 mà chỉ thấy các năm 1998, 2004 và 2009.

Theo giới quan sát, một điểm đáng chú ý trong Sách Trắng năm nay là việc chính sách quốc phòng cốt lõi của Việt Nam chuyển từ “ba không” sang “bốn không”.

Nhận định về điều này, giáo sư Carl Thayer nói: “Cái ‘không’ thứ tư trong chính sách ‘bốn không’ của Việt Nam về việc ‘không sử dụng vũ lực hoặc đe doạ sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế’ nhấn mạnh tới tầm quan trọng của cam kết của Việt Nam về chính sách quốc phòng mang tính ‘hòa bình và tự vệ’”.

RFA: Tổng thống Trump ký luật nhân quyền cho Hong Kong, Trung Quốc tức giận

Hình minh hoạ. Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump hôm 20/11/2019. AFP


Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump hôm thứ Tư, ngày 27/11 đã chính thức ký Luật Dân Chủ và Nhân Quyền cho Hong Kong, khiến Trung Quốc tức giận.

Theo luật này, Hoa Kỳ có thể áp dụng cấm vận đối với các quan chức Trung Quốc và Hong Kong bị xác định vi phạm nhân quyền. Luật cũng yêu cầu Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ hàng năm phải xem xét tình hình Hong Kong, đảm bảo khu vực này có được các tự do đặc biệt, nếu không Washington sẽ rút lại quy chế đặc biệt dành cho Hong Kong.

Trong tuyên bố đưa ra khi ký ban hành luật, Tổng thống Trump phát biểu: “Tôi ký luật này là vì sự tôn trọng đối với Chủ tịch Tập Cận Bình, Trung Quốc và Hong Kong. Luật được đi vào hiệu lực với hy vọng là các lãnh đạo và các đại diện của Trung Quốc và Hong Kong có thể giải quyết được những khác biệt của họ một cách hoà bình dẫn đến hoà bình và thịnh vượng lâu dài cho tất cả”

Việc Tổng thống Mỹ ký luật nhân quyền cho Hong Kong diễn ra vào giữa lúc Bắc Kinh và Washington vẫn chưa đạt được thống nhất trong các thảo luận về thương mại.

Cho đến cuối tuần trước, Tổng thống Trump vẫn còn nói ông có thể sẽ không ký luật vì ông coi Chủ tịch Tập Cận Bình là bạn và ông phải cân bằng các lợi ích cạnh tranh trong quan hệ giữa hai nước.

Thứ Tư, 27 tháng 11, 2019

Ngô Nhân Dụng: Cám ơn hoa đã vì ta nở

Một gia đình người Việt Nam đón Lễ Tạ Ơn. (Hình: Nguyễn Lập Hậu)

Đọc câu trên chúng ta có thể mỉm cười: Thi sĩ quá chủ quan. Bông hoa nở vì đến ngày, đến giờ hoa phải nở! Hoa không nở vì ai hết.

Nhưng cũng nên rộng lượng một chút. Trong lịch sử loài người, Tô Thùy Yên không phải là người đầu tiên thốt lên những lời lẽ chủ quan như vậy.

Hãy coi những Lễ Tạ Ơn, Thanksgiving.

Từ hàng chục ngàn năm trước, khi các bộ lạc sống bằng nông nghiệp mở lễ hội sau mùa gặt hái thành công, họ cũng làm Lễ Tạ Ơn. Họ tỏ lòng biết ơn đối với tất cả trời, đất, trong đó có các vị thần mưa, thần gió, nắng, thần lúa, thần bắp… đã giúp cho mùa màng tốt tươi, con người no đủ.

Nhưng Trời Đất có cố ý tạo mưa thuận gió hòa giúp đám người thành kính đó hay không?

Có hay không? Thực ra câu trả lời không quan trọng.

Trân Văn (VOA Blog): Đặc Khu Kinh Tế và chuyện ‘miễn thị thực’

Biểu tình chống hai dự luật đặc khu và an ninh mạng hồi giữa năm 2018.

Người Việt lại sôi sùng sục khi 404 đại biểu của Quốc hội Việt Nam khóa 14, tham dự Kỳ họp thứ tám, vừa bỏ phiếu thông qua “Dự luật sửa Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài”. Theo luật mới, ngoại kiều sẽ được miễn thị thực vào khu kinh tế ven biển nếu thời gian cư trú dưới 30 ngày (1). 

Luật mới giao thẩm quyền miễn thị thực vào khu kinh tế ven biển cho chính phủ kèm điều kiện: “Phải có sân bay quốc tế, có không gian riêng biệt, có ranh giới địa lý xác định, cách biệt với đất liền, phù hợp với chính sách phát triển kinh tế - xã hội và không làm phương hại đến quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội của Việt Nam”. 

Với những điều kiện như vừa kể, ai cũng có thể nhận ra đó là một cách thực thi một phần “tinh thần” của “Dự luật về Đơn vị Hành chính – Kinh tế Đặc biệt” mà người Việt quen gọi là “luật đặc khu” – dự luật từng kéo cả nước ra đường phản đối hồi giữa năm ngoái, thành ra Quốc hội Khóa 14 phải gạt ra khỏi chương trình nghị sự của Kỳ họp thứ năm. 

Thu Hằng (RFI): Nhà báo Thụy Điển - Sẽ không có đồng thuận Việt-Trung về Biển Đông

Không quân Trung Quốc luyện tập bắn đạn thật ở Biển Đông. Ảnh do báo Japan Times chụp lại trên truyền hình Trung Quốc ngày 29/09/2018.Capture d'image www.japantimes.co.jp

Trên trang Asia Times ngày 15/11/2019, nhà báo Bertil Lintner nhận định : “Việt Nam và Trung Quốc sẽ không bao giờ đồng thuận về Biển Đông”. Những lý do được nhà báo Thụy Điển đưa ra, có thể được tóm lược trong bốn ý chính, nhấn mạnh đến thái độ coi thường luật pháp quốc tế, thiếu trung thực của Trung Quốc, cũng như hành vi cậy lớn ăn hiếp các nước nhỏ trong vùng. 

UNCLOS 1982 : Trung Quốc ký nhưng từ chối áp dụng 


Lý do đầu tiên là bất đồng về việc áp dụng luật pháp quốc tế, cụ thể là Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển, mà cả Việt Nam và Trung Quốc cùng ký. 

Trong hội thảo quốc tế về Biển Đông lần thứ 11, với chủ đề “Hợp tác vì An ninh và Phát triển khu vực”, diễn ra tại Hà Nội ngày 06-07/11/2019, thứ trưởng Ngoại Giao Việt Nam Lê Hoài Trung cho rằng những xung đột gần đây ở bãi Tư Chính, thuộc vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam, cần được giải quyết theo Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển. Hà Nội không loại trừ khả năng đưa vụ việc ra Tòa Trọng Tài Thường trực La Haye. 

Nguyễn Tường Thụy: Tiến sĩ Phạm Chí Dũng bị bắt như thế nào?

Cho đến lúc này, công luận mới chỉ biết tin Tiến sĩ Phạm Chí Dũng, Chủ tịch Hội Nhà báo độc lập bị bắt qua một thông báo trên cổng thông tin điện tử Công an Tp Hồ Chí Minh. Ngoài ra, không có thông tin gì hơn. Vì khi bị bắt, trong nhà chỉ có cô em gái. Nhiều cơ quan tuyền thông gần như không có thông tin để liên lạc với gia đình.

Sau khi Phạm Chí Dũng bị bắt tôi đã cố gắng liên lạc với chị Bùi Hồng Loan là vợ anh. Vì không có mặt khi anh bị bắt nên chị chỉ có thể trả lời tôi về những gì chị biết và nghe người thân nói lại. Chị cũng yêu cầu tôi hiểu như vậy. Vì chị cho rằng “em giảng dạy và làm khoa học nên đòi hỏi sự chính xác”. Tôi động viên chị, những gì chị biết thì nói, nếu nghe người nhà kể thì nói là nghe, điều đó không ảnh hưởng gì đến tính trung thực của chị trong câu chuyện. Tôi hỏi chuyện chị Loan để cố gắng tìm hiểu xem Tiến sĩ Phạm Chí Dũng bị bắt như thế nào.

Nhà Phạm Chí Dũng có 3 thế hệ cùng sống trong một ngôi nhà, gồm bố mẹ (88 và 77 tuổi), vợ chồng anh (chị Loan giảng dạy ở 1 trường đại học), hai cháu đang học lớp 8 và lớp 1 và cô em gái anh (làm ở đài truyền hình).

Việc bắt Phạm Chí Dũng được chuẩn bị kỹ lưỡng. Ngay từ 5 ngày trước đó có người anh em gọi cho chị Loan hỏi Dũng có ở nhà không. Khi chị Loan trả lời có thì anh bảo sao nghe nói Dũng bị bắt cách đây mấy hôm rồi? Phạm Chí Dũng nghe vợ kể thì cho rằng họ tung tin cho anh sợ thôi, để hạn chế việc anh đang làm. Như vậy có thể có người biết việc anh sẽ bị bắt.

Quyết định khởi tố và lệnh bắt đều ký từ ngày 18/11/2019, tức là 3 ngày sau mới thực hiện.

Đến ngày bắt, họ cũng bố trí cẩn thận. Trước hết họ tìm cách đưa ông nội (cụ thân sinh Tiến sĩ Phạm Chí Dũng) ra khỏi nhà để không phải chứng kiến cảnh bắt con trai mình, đồng thời đón bắt Phạm Chí Dũng ngoài đường. Việc đưa ông đi họ lấy lý do là đưa ông đi khám sức khỏe. Theo lịch thì 13/12 mới là lịch khám. Nhưng trước khi bắt Phạm Chí Dũng 2 ngày, Ban Bảo vệ Chăm sóc sức khỏe cán bộ Thành ủy TP.HCM (Ban BVSK) gọi điện nói phải đi làm một số xét nghiệm ở Bệnh viện Hòa Hảo để chuẩn bị khám vào hôm 13/12.

Thứ Ba, 26 tháng 11, 2019

Diễn Văn Của Bộ Trưởng Quốc Phòng Mỹ Mark T. Esper Tại Học Viện Ngoại Giao Việt Nam

Ngày 20 tháng 11 năm 2019 Hà Nội, Việt Nam 

Xin chào các bạn! 

Tôi xin cảm ơn Ngài Giám đốc Nguyễn Vũ Tùng và Học viện Ngoại giao Việt Nam đã dành thời gian đón tiếp tôi hôm nay. Học viện Ngoại giao Việt Nam từ lâu đã là một trong những học viện uy tín nhất tại Việt Nam và đã đào tạo ra nhiều thế hệ lãnh đạo cho đất nước. Hôm nay, tôi rất vinh dự và vui mừng khi được nói chuyện với các bạn về tầm nhìn của Hoa Kỳ đối với khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. 

Trong một tuần vừa qua, tôi đã công du đến Hàn Quốc, Thái Lan, Philippines và bây giờ là Việt Nam. Tôi đã thảo luận với các đối tác ASEAN về các mối đe dọa đối với sự ổn định của khu vực Đông Nam Á. Và tôi đã tham gia Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN mở rộng (ADMM+). Trong hầu hết các buổi nói chuyện tôi tham gia, có một chủ đề luôn xuất hiện một cách nhất quán, đó là trật tự quốc tế dựa trên luật lệ. Trật tự quốc tế này đã tạo điều kiện gây dựng nền an ninh và sự thịnh vượng cho các nước Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương trong nhiều thập niên, nhưng trật tự này hiện đang phải chịu sức ép. Do vậy, chủ quyền của nhiều quốc gia độc lập và giàu lòng tự hào ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương đang bị đe dọa. 

Tình hình địa chính trị hiện nay gợi cho chúng ta nhớ tới một câu chuyện mà nhà sử học Athen mang tên Thucyides đã kể lại cách đây hơn hai thiên niên kỷ trong Chiến tranh Peloponnese. Mùa hè năm 416 TCN, cường quốc hải quân Athen điều lực lượng đến quốc đảo Melos độc lập với yêu sách công dân trên đảo này phải đầu hàng và cống nạp cho Athen, nếu không chắc chắn sẽ phải đối mặt với sự diệt vong. Các nhà lãnh đạo Melos lý luận rằng họ giữ trung lập trong cuộc chiến giữa Athen và Sparta và do đó họ là bên “đúng”. 

Từ Thức: Bầu cử Hồng Kông - Tiếng thét trong phòng phiếu

Phe dân chủ đã thắng lớn trong cuộc bầu cử hội đồng quân tại Hồng Kông ngày Chủ Nhật. 

Với số người tham dự kỷ lục, thắng lợi của phe dân chủ là một thông điệp cho thế giới thấy dân Hồng Kông bất tín nhiệm Carrie Lam, phản đối chính sách của chính quyền địa phương, do Bắc Kinh dựt dây. 

Phe dân chủ đã muốn biến cuộc bầu cử cấp quận, thường thường rất ít cử tri tham dự, trở thành một cuộc trưng cầu dân ý rầm rộ chống Bắc Kinh. 

Cuộc trưng cầu dân ý đã thành công. Tới giờ này, chưa chính thức, nhưng kết quả cho thấy 390 ứng cử viên dân chủ đã đắc cử (theo CNA), trong tổng số 452 hội viên, trước đây đại đa số thân Tàu. 

Báo chí quốc tế đã theo sát một cuộc bầu cử cấp quận, trước đây không ai để ý, vì hội đồng quận không có trách nhiệm, thẩm quyền chính trị gì, ngoài những quyết định liên hệ tới đời sống hàng ngày, như chuyện lượm rác, thay đổi giờ mở cửa nhà giữ trẻ hay hồ bơi. 

Một quan sát viên nói: người Hồng Kông đã có sáng kiến và khả năng biến một cuộc bầu cử vô thưởng vô phạt thành một cuộc cách mạng, không hơn không kém. 

400.000 cử tri mới 


Trước sự đàn áp dã man của quân đội, cảnh sát, theo lệnh của Bắc Kinh, dân Hồng Kông, đặc biệt là giới trẻ, đã dùng cuộc bầu cử quận như một hình thức đấu tranh chính trị. 

Họ đã vận động được 400.000 người, trước đây chưa bao giờ đi bầu, xa lạ với “chính trị”, ghi tên vào danh sách cử tri. 

S.T.T.D Tưởng Năng Tiến – Văn Minh Trung Hoa & Văn Hoá Búa Liềm



Quân tử sống vì nghĩa, tiểu nhân sống vì lợi.
Khổng Tử

Tuần lễ cuối tháng bẩy của năm 2019, Tạp Chí Luật Khoa đã đăng tải một loạt bài viết rất cô đọng và giá trị của bỉnh bút Y Chan:

Kỳ 1: Đài Loan – phòng lab phản dân chủ đầu tiên của Bắc Kinh
Kỳ 2: Úc – Mảnh đất lành để khai (và) phá
Kỳ 3: Mỹ – vào hang cọp bắt cọp
Kỳ 4: Hệ thống tuyên giáo toàn cầu và sứ mệnh gieo hạt giống đỏ
Kỳ 5: Làm thế nào để chống lại cơn bão Trung Quốc?

Tác giả bỏ rất nhiều thời gian, cũng như công sức, để thu thập dữ liệu về những nỗ lực “gieo hạt giống đỏ toàn cầu” của Trung Hoa Lục Địa.

Ở Đài Loan: “Họ thao túng, nhuộm đỏ, giới truyền thông của đảo quốc này bằng sức mạnh của kim tiền.”

Ở Úc Châu: “Họ áp dụng công thức 3C: Covert, Coercive, Corrupting – Đội lốt, Đe nạt, Đút lót.”

Diễm Thi, RFA: Đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng: Lại Trung Quốc được lợi?

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại một bữa tiệc của do Nhà nước tổ chức tại Hà Nội vào ngày 12 tháng 11 năm 2017.


Chiều 25 tháng 11, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã chính thức có thông cáo báo chí về việc nghiên cứu, lập quy hoạch tuyến đường sắt mới khổ tiêu chuẩn Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng. Bộ GTVT cho rằng tuyến đường sắt này có vị trí rất quan trọng trong việc hình thành mạng lưới vận tải đường sắt ở phía Bắc sông Hồng, vì tuyến đường sắt chạy theo hành lang Đông - Tây nối liền vùng Tây Bắc với vùng đồng bằng và cảng biển Hải Phòng, một trong những cảng lớn của Việt Nam. 

Tuyến đường sắt này dài 392 km được quy hoạch đi qua 8 tỉnh, thành phố gồm Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương và Hải Phòng; kết thúc tại cảng Lạch Huyện (Hải Phòng). Tổng vốn đầu tư dự kiến 100.000 tỷ đồng, chưa kể chi phí giải phóng mặt bằng. Riêng chi phí nghiên cứu lập quy hoạch do chính phủ Trung Quốc tài trợ. 

Chủ Nhật, 24 tháng 11, 2019

Cung Tích Biền: Đời Ngửi Khói

I


Đầu tiên bà mẹ đẻ ra một anh con trai, ngoài tên khai sinh chính thức, tên gọi thân mật trong nhà là Tôm. Hai năm sau, cũng bà mẹ này đẻ ra một cô con gái, tên là Cua, chính tôi. 

Đương nhiên cha tôi là người tôi thương yêu nhất. Cái lẽ thường tình, vì ông, mẹ đẻ ra chúng tôi. Cũng vì ông, chúng tôi có những gốc rễ cùng nhau, dính liền những nỗi đời hân hoan, cùng nhớ nhung đau khổ, cùng một nhóm máu, một họ chung. Qua cái nhìn trí huệ, chúng tôi có những nối kết hiển linh đáng rùng mình, thiêng liêng hơn là việc vì cùng/chung nhau trên một bàn ăn. 

Có những khi, nỗi nghi hoặc đã âm ỉ lên khói trong hồn, của vài chục năm sau những tháng ngày chia biệt, Tôm ra biển, rồi biệt tích; tôi bơ vơ đi tìm anh; mới thấy chúng tôi có những “của cải chung” thuở ấu thơ. 

Chúng tôi có chung một căn phòng để ngủ chung, một căn nhà cha mẹ nhìn ra bãi biển qua một đường phố ven biển nhiều cây xanh; lá cây có thay đổi theo mùa xanh/rụng; bóng cây theo nắng sớm rực rỡ, hoặc chiều hoang buồn ngủ; mùa hè gió mùa thổi lộng; những mưa đầu đông chúng tôi đã tê cóng ôm lấy nhau tìm ấm. 

Chúng tôi có chung những vỏ sò hai anh em nhặt lên bỏ chung vào cái hộp thiếc rỗng; chung cùng ly kem, mút chung cây kẹo; những vì sao đêm chung nhìn, không ai giành nhau tia nắng; chung một con nhồng nhảy nhót trong lồng. Con nhồng láu cá biết nói một vài câu ngắn ngủi, vâng dạ, chào khách. Rồi con nhồng một ngày lạnh lẽo chết toi. Nó gầy nhom, bày nhiều mớ thịt xam xám như có ai thù ghét nó vặt trụi lông đêm qua. Lại có chung một con nhồng khác, trẻ trung yêu đời hơn con nhồng già vừa ngỏm. Cha tôi nói, để cho Tôm Cua có cái vui chung trong nhà.

Tường Việt: Dốc đời

Tôi ngồi xuống chiếc ghế đá, dưới tàn cây phong đã bắt đầu thưa lá vì những cơn gió mùa thu, những tia nắng yếu ớt, đến lưng trời thì nhạt dần, và cũng như mọi lần, sau ba vòng đi bộ, tôi đều đến chỗ này, nghỉ chân dăm ba phút, trước khi về nhà. Chung quanh tôi cảnh vật không có gì thay đổi, thay đổi chỉ là sắc màu của bốn mùa, hoặc mùa đến sớm hay muộn. Tối qua ông Văn gọi điện thoại, nói là ở Việt Nam mới về, chiều nay muốn gặp tôi khoảng 3 giờ để biếu quà. Thoạt đầu chúng tôi quen nhau, chỉ là đi bộ trên cùng một lộ trình, chào hỏi, nói dăm ba câu chuyện, rồi thành thân, riết rồi thân hơn bình thường, nên có chuyện gì vui buồn, ông cũng kể tôi nghe, thường thì nghe ông nói, tôi ít khi có ý kiến, vì một người, khi có chuyện buồn phiền, họ rất cần người để chia sẻ, chịu ngồi nghe, là giúp họ giải tỏa được rất nhiều căng thẳng, đó cũng là việc tốt, nên tôi hay nói đùa :

---Ông đang giúp tôi tích phước, đáng lẽ tôi phải cảm ơn ông, không phiền đâu, ông cứ nói hết đi, thấy nhẹ lòng là được rồi !

Ông ở tiểu bang khác, dọn về đây gần hai năm, dáng người tầm thước nhưng giọng nói thì " bề thế " lắm ! cái kiểu như các cụ hay ví von : 

" đàn ông rộng miệng thì sang-đàn bà rộng miệng tan hoang cửa nhà ", không hiểu các cụ có ẩn ý gì, nhưng chắc muốn ám chỉ về giọng nói, đàn ông thì phải sang sảng, mạnh mẽ, đàn bà thì phải nhẹ nhàng, êm ái, mới làm mềm lòng nổi cánh mày râu chúng tôi. Nếu so sánh thì ông Văn cái gì cũng hơn tôi, trẻ hơn, tư tưởng tiến bộ hơn, đời sống tình cảm phong phú hơn, ấy vậy mà lại rất hợp chuyện, ông không e dè khi kể về hoàn cảnh của mình, đôi khi trong câu chuyện còn thêm vài câu thơ, một chút khôi hài, nên nghe riết mà không thấy chán ! Hiện ông ở chung với người đàn bà có cái tên Xuân Viên, tuy chưa biết mặt, nhưng tôi đoán chắc phải mặn mòi lắm, vì khi nhắc đến nàng, giọng ông lúc nào cũng trìu mến lạ thường ! Nàng nói với ông : " Theo ý em, sống trong cõi nhân gian đầy biến động này, ‘chỉ ước có ai đợi tôi, vỗ về ôm tôi mỗi tối’ là quá đủ ! Ràng buộc để làm gì ? Cứ thanh thản, tự do mà hưởng thụ, hít thở cái cảm giác khoan khoái được sống cho chính mình, như vậy chẳng vui hơn ư ? " Ông cũng đồng ý như vậy, nhưng vẫn muốn có gì thuộc về nhau, cho dù hơn nửa đời người ông đã mất mát, đã hết tin tưởng vào cái tình yêu gọi là vĩnh cửu ? tâm hồn đã một lần tả tơi đau đớn ! 

Trần Ngươn Phiêu: Thời Trung học (Chương 3 cuốn tự truyện Gió Mùa Đông Bắc của Trần Ngươn Phiêu)

Đối với một anh học sinh từ tỉnh nhỏ lên Sài Gòn học, Trường Petrus Ký quả thật là một kiến trúc đồ sộ. Được hoàn thành từ năm 1927, trường chiếm một diện tích gần 9 mẫu, mặt quay ra đường Nancy (Cộng Hòa, thời VNCH), đối diện một khoảng xa với hông bên mặt của thành Ô Ma (Camp des Mares). Về phía bên mặt trường là đường Charles Thompson (Nguyễn Hoàng) gần đường xe lửa Sài Gòn- Mỹ Tho.

Hai dãy hai từng song song theo chiều Đông Tây là các lớp học. Hai hành lang phía trước và sau nối liền các lớp học thành một khung hình chữ nhật. Hai bên đầu hành lang, trước cổng, là các phòng nhân viên hành chánh và các phòng giáo sư. Hành lang phía sau là dãy nhà các phòng thí nghiệm Lý, Hóa, Sinh và lớp dạy vẽ. Bốn dãy kiến trúc đó bao vây một sân danh dự lớn có dựng tượng đồng bán thân của nhà bác học Petrus Ký, một nhân tài Việt Nam được liệt kê vào sổ vàng hậu thế kỷ XIX là “Toàn cầu bác học thập bát quân tử”. Sau cuộc đổi đời 1975, tượng đồng bị hạ, trường đổi tên thành Lê Hồng Phong, một nhân vật cách mạng, không dính dáng gì đến văn học Việt!

Về bên phía trái của trường có hai dãy lầu ba từng được sử dụng làm phòng học và phòng ngủ cho học sinh nội trú. Bên sau các phòng thí nghiệm là hai phòng ăn rất rộng cho học sinh nội trú và bán nội trú. Các phòng ăn với diện tích rộng này cũng là nơi để tổ chức các kỳ thi có đông thí sinh hay các buổi sinh hoạt cộng đồng vào các dịp Lễ Tiễn Ông Táo mỗi năm, trước khi về nghỉ lễ Tết, hoặc Lễ Mãn Khóa học cuối năm.

Đời sống nội trú đã cho Triệu có cơ hội gặp được bao nhiêu bạn bè hầu như rải rác khắp miền Nam. Hai năm nội trú ở trường đường Nancy và hai năm sau khi trường phải tạm dời về trường Sư Phạm trước Sở Thú khiến Triệu được biết hầu hết các anh lớn theo học ban Tú Tài, sau đó theo học Đại học ở Hà Nội hay ở ngoại quốc. Về sau, trước khi tốt nghiệp bằng Thành chung, Triệu lại được biết thêm bao nhiêu lớp đàn em.

Những thiên tài âm nhạc như Trần Văn Khê, duyên dáng đánh nhịp hay thổi phong cầm vào các ngày văn nghệ Tết Ông Táo, các anh Lưu Hữu Phước, Mai Văn Bộ, Đặng Ngọc Tốt, Trần Bửu Kiếm... với lý tưởng bồng bột lửa đấu tranh cho nước nhà được độc lập, đã thấy manh nha từ cái lò Petrus Ký. Khi Đệ Nhị Thế chiến bùng khởi ở trời Tây, Huỳnh Văn Tiểng đã đọc một bài phú tiễn đưa lính chiến đi Pháp mà hơn nửa thế kỷ sau Triệu vẫn còn nhớ:

“Nhưng khuyên ai:
Trăng gió dẫu say phong cảnh mới
Nước non đừng lạt cảm tình xưa
Rượu Bordeaux dầu có hương vị thơm tho, phó mát xứ Brie dẫu có mùi thâm thía, nho Grenoble dầu hết sức ngọt ngào,
Cũng xin đừng chê rượu đế nhà ta là vô vị, bánh qui bánh tét thiếu gout, hay nước mắm hòn là dơ dáy....”

Phạm Xuân Đài: Đến Với Nước Nga (Kỳ 2)

Qua một đêm hoàn toàn không ngủ được vì thay đổi giờ, tôi bắt đầu ngày đầu tiên trên đất Nga, trái với điều lo của tôi, vẫn khỏe khoắn tỉnh táo như thường. Cái thân thể rất dễ mỏi mệt của tôi ở Hoa Kỳ khi sang đây dường như được tiếp một sức lực mới, từ thiên nhiên, từ khí hậu hay từ niềm hưng phấn được đến vùng đất ao ước bây lâu nay? Tôi nghĩ ngoài lý do tâm lý, có thể từ trường ở một đất hoàn toàn xa và lạ có ảnh hưởng lên sức khỏe của tôi. Trong khi chờ đợi anh Cần đến để hướng dẫn chương trình ngày hôm ấy, chúng tôi đi ăn sáng, ngay trong khách sạn. Phòng ăn điểm tâm không phải là nhà hàng chúng tôi ăn đêm hôm trước, đó là một phòng ăn nhỏ, kê chừng dăm bảy chiếc bàn phủ khăn cắm hoa rất lịch sự, nằm ở một tầng lầu khác. Tôi thấy đây là một ý rất hay của người thiết kế, khi tạo ra nơi ăn điểm tâm một khung cảnh khác hẳn vẻ uy nghi bề thế của nơi dọn các bữa chính: Phòng điểm tâm của một khách sạn nên là một nơi nhỏ nhắn thân mật, đượm đầy hương thơm của cà phê mới pha, nơi người phục vụ đến với khách trong cung cách của một người trong gia đình, săn sóc hỏi han khách về giấc ngủ đêm qua nơi một phòng ngủ lạ, và đề nghị vài món ăn sáng hợp với khẩu vị... Chúng tôi ăn bánh kẹp nóng, uống một tách cà phê khá ngon, nhìn ra bầu trời đang vần vũ mây hứa hẹn một ngày không mấy tươi sáng.

Nơi khách sạn tọa lạc không phải là nơi thị tứ, bây giờ trong buổi sáng trên cao nhìn xuống tôi mới nhận ra nó nằm giữa một... rừng cây. Bốn phía là cây xanh um kéo dài bất tận, thỉnh thoảng giữa cây ẩn hiện một tòa nhà, một building nhiều tầng nhưng những công trình xây cất ấy ẩn vào màu xanh của thiên nhiên chứ không ngạo nghễ chế ngự thiên nhiên. Nói Mạc Tư Khoa có nhiều công viên lớn trong thành phố là không đúng. Không phải thế, đó là một ý niệm khác, ở đây là: phần lớn thành phố tá túc trong một khu rừng, và chịu chi phối bởi những quy luật của tự nhiên, chứ không phải ngược lại. Rừng đây là rừng thật với sự phát triển hoang dã của nó, chứ không phải công viên mà trước đây ở Việt Nam Thế Lữ đã mượn lời con hổ mô tả rằng:

Những cảnh sửa sang tầm thường giả dối
Hoa chăm, cỏ xén, lối phẳng cây trồng
Giải nước đen giả suối chẳng thông giòng
Len dưới nách những mô gò thấp kém

Thứ Bảy, 23 tháng 11, 2019

Ngô Nhân Dụng: Đàn hạch sẽ đi tới đâu?

Ông Gordon Sondland, người được ông Trump cử làm đại sứ tại Âu Châu, đã khẳng định có sự trao đổi, quid pro quo, trong cuộc điều trần ở Hạ Viện hôm 20 Tháng Mười Một, 2019. (Hình: Chip Somodevilla/Getty Images)

Các vị thầy bói bao giờ cũng đoán trúng. Bất cứ chuyện gì, nếu chúng ta hỏi ý kiến các chiêm tinh gia, thế nào cũng có hai, ba, bốn ý kiến khác nhau, có thể trái ngược nhau. Sau cùng, một trong số các ý kiến đó đã đoán trúng chuyện gì xảy ra! Thế mới tài!

Cho nên, thắc mắc điều gì cũng nên hỏi ý kiến các thầy bói.

Đầu năm 2019, nhật báo South China Morning Post (SCMP) ở Hồng Kông đã đăng những lời tiên đoán về vận mệnh Tổng Thống Donald Trump trong năm Đinh Hợi, của các chiêm tinh gia Hương Cảng và Đài Loan (số báo ngày 5 Tháng Hai, 2019).

Có hai người đoán năm nay vận mệnh Tổng Thống Trump rất tốt, vì ông mới vừa trải qua một “năm tuổi” mà không hề hấn gì. Ông Trump tuổi Tuất, sinh năm 1946, mà năm 2018 cũng là năm Tuất. Thầy bói Tô Dân Phong (Peter So Man-fung, 蘇民峰) cam đoan như vậy.

Bà Priscilla Lam, vị thầy bói nổi tiếng vì đã khoe Jackie Chan là một thân chủ, và đặc biệt đã tiên đoán ông Trump đắc cử tổng thống Mỹ năm 2016, cũng nói rằng năm con heo này ông Trump vẫn tốt nhưng khuyến cáo ông nên thận trọng mỗi khi quyết định – Không cần làm thầy bói cũng khuyên được!

nguyễn đức tùng: mảnh vỡ của bức tường

Hà Nội mừng đón Tết hoa chen người đi liễu rủ mà chi. Anh tôi thường ngâm nga bài hát ấy mỗi khi thật vui hay buồn, nhưng cũng có khi vì gặp câu hỏi khó, kẹt quá anh không trả lời được, vừa hát vừa nhìn vào mắt người đối diện. Anh là chồng của chị họ tôi, anh sinh ở Hà Nội, gia đình vào Huế năm 1950, lúc anh lên ba tuổi. Anh tham gia phong trào phật tử trong chế độ đệ nhị Việt Nam Cộng hòa, cùng lứa với Ngô Kha hay sau đó, bị bắt, được thả, bị bắt lại, từ bỏ chính trị, đi lính, đi dạy học, di tản, tức là anh mang theo trong người một cuốn sách bỏ túi của lịch sử Việt Nam cận đại.

Nỗi lòng kín đáo của đàn ông khó biết. Kỷ vật của anh lớn bằng nắm tay. Gọi đó là cục gạch hay xi măng vỡ đều đúng, chứa cát, sạn, gạch đá, xương lá khô, ngày, tháng, năm, tuần lễ, đất, vảy cá, sương mù, kim đồng hồ cũ, những lớp sơn xanh đỏ, bề mặt bám bụi như mới được gỡ ra từ một kè đá từng va đập nhiều cơn sóng dữ của thời gian bão táp.

- Nó ở đâu ra? Một người khách hỏi.

- Đừng đụng tay vào. Chỉ được ngắm thôi. Một người trả lời.

Mọi người ngồi quanh chăm chú nhìn mảnh vỡ còn lại của bức tường Bá Linh, thì thầm, kính cẩn, nghẹn ngào, sung sướng, mặt sáng bừng, xúc động. Một hồi lâu không ai nói gì.

Một ông lớn tuổi, trán hói, tóc hoa râm nhưng mặt bầu bĩnh như trẻ con hút liên tiếp hết hai điếu thuốc Con Mèo trước khi chậm chạp đưa tay sờ vào phần lồi ra nhất của viên gạch, có một vệt sơn xanh. Tôi ho sặc sụa vì khói thuốc của ông. Đó là một luật sư kiêm dân biểu quốc hội ở Sài Gòn ngày trước mà tôi chưa gặp trước đó bao giờ. Ông vừa dặn mọi người không được đụng tay vào, nhưng không cưỡng được cám dỗ.

Anh tôi, tình cờ đi dự một lớp tập huấn ở Tây Bá Linh, vì anh là quản đốc giỏi của nhà máy hóa chất của Edmonton, đúng vào dịp bức tường nổi tiếng bị phá vỡ chỉ mấy tháng trước, ngày 9 tháng 11 năm 1989, trong cuộc cách mạng ở nước Đức.

- Làm sao anh lấy được vật này? Tôi hỏi.

Phạm Xuân Đài: Đến Với Nước Nga (Kỳ 1)

Cho đến khi tôi được đến với nước Nga thì cảm tưởng của tôi về nước này rất trái ngược nhau, vừa thân thiện, vừa ác cảm. Thân với nền văn học, ác cảm với chế độ chính trị đã qua của nó. Đó là nói một cách rất tổng quát, ngoài ra tôi chẳng biết gì cụ thể về đất nước và con người tại đó. Nếu nước Nga không thay đổi chế độ chính trị cách đây gần một thập niên thì chắc tôi khó lòng đến với nó được. Nhưng dù sao Nga vẫn là một thế giới riêng biệt trong thế giới ngày nay, và đến với nước Nga vẫn là một điều đầy háo hức, thậm chí hồi hộp.

Tôi đi Nga với một người bạn, và người đón chúng tôi ở Mạc Tư Khoa là một người bạn khác. Thủ tục giấy tờ nói chung không nhiều, nhưng cũng có thể gọi là nhiêu khê, nhất là khi so với cách đi từ Mỹ đến những nước Tây Âu, chỉ việc mua vé máy bay, bỏ giấy thông hành vào túi và ra đi, chẳng phải bận tâm về một thứ giấy tờ nào khác, ngoài giấy đô-la, dĩ nhiên. Nhưng Nga là một nước thuộc một hệ thống khác hẳn, độc tài, khép kín, đối đầu với Tây phương đằng đẵng bảy mươi năm, thì những gì đã thành thâm căn cố đế trong nếp liên hệ quốc tế dễ gì thay đổi trong vòng chưa đầy mười năm, việc đụng phải những thủ tục xa lạ thì không có gì là lạ. Từ hai tháng trước khi đi chúng tôi đã phải liên lạc với anh chị Nguyễn Minh Cần - Inna ở Moscow để nhờ “mời” chúng tôi qua Nga. Chữ “mời” trong ngoặc kép là chữ dùng cho thủ tục giấy tờ, còn thực tế thì anh chị Cần - Inna đã ngỏ ý muốn chúng tôi qua thăm Nga từ lâu. Sau khi nhận được bản “lý lịch” của chúng tôi, chị Inna phải đến Vụ Lãnh sự thuộc bộ Ngoại giao Nga để làm đơn xin mời chúng tôi sang, với lý do là công việc tôn giáo, vì anh chị đang hoạt động cho Hội Phật giáo Thảo Đường bên ấy. Vụ Lãnh sự nhận đơn, cấp một biên nhận có số, anh chị Cần phải cho chúng tôi biết ngay con số đó để chúng tôi kèm với đơn xin Visa gửi cho Tòa Lãnh sự Nga tại San Francisco, gần nơi chúng tôi ở nhất. Nhờ tìm trên Internet, chúng tôi biết được bây giờ có thể xin Visa đi Nga bằng thư chứ không cần đích thân đến Sứ quán hay Lãnh sự quán như trước kia. Với đơn từ tài liệu in ra từ Internet, chúng tôi hoàn tất hồ sơ, gửi Bưu điện lên San Francisco vào cuối tháng Năm, và hai tuần sau thì nhận được Visa gửi về.

Nguyễn Thị Chân Quỳnh: Áo Dài Xưa Và Nay - Những Ngộ Nhận...

Họa sĩ Cát Tường có phải là cha đẻ ra chiếc áo dài hiện đại ?

Năm 2006, sau khi đọc trong Thế Kỷ 21 (số 201 & 202) loạt bài khẳng định ông Cát Tường - Lemur (1911- 46) là "cha đẻ ra chiếc áo dài hiện nay", "chính ông là người đầu tiên đã biến chiếc áo tứ thân thành áo hai vạt" và "trước đó phụ nữ Việt Nam đều mặc áo tứ thân"... tôi sững sờ. Rõ ràng mẹ tôi (sinh năm 1900) và bà ngoại, bà nội tôi đều chưa bao giờ xỏ tay vào chiếc áo tứ thân, toàn mặc áo hai vạt, mà mãi đến 1934 ông Cát Tường mới đưa ra "bản tuyên ngôn" về vấn đề cải cách y phục, nói rõ quan niệm căn bản của ông trong báo Phong Hóa. Ngoài ra, trong tay tôi ngay lúc ấy còn có mấy bằng chứng cho thấy áo dài hai vạt đã xuất hiện từ trước năm 1934 :

- Ảnh năm 1922 của Busy, đen trắng, chụp một thiếu nữ đóng vai quân cờ người ở vùng phụ cận Hà Nội (tôi đã cho in lại trong bài "Tết Nguyên Đán và Lễ Nghênh Xuân" ,"Lối Xưa Xe Ngựa...", tập II, 2002). Thiếu nữ mặc áo dài hai vạt không nối sống, cổ áo không gài khuy, quần đen ;

- Ảnh khoảng 1915-20, chụp bẩy thiếu nữ cũng đóng vai quân cờ người tại vùng ngoại ô Hà Nội, mặc áo hai vạt mầu hồng, cổ áo không gài khuy, vấn khăn xanh lam hoặc xanh nõn chuối, quần đen. Đấy là những chiếc ảnh mầu đầu tiên trên thế giới, của A. Kahn ;

- Tranh của bà de Bassilan vẽ một phụ nữ miền Nam mặc áo hai vạt trông rõ cả đường khâu nối hai thân ở chính giữa vạt trước, in kèm bài "Des habitants de la Cochinchine" viết ngày 8/1/1859, không đề tên tác giả, được in lại trong L'Indochine, Illustration.

Như vậy đủ chứng tỏ trước ông Cát Tường phụ nữ Việt Nam không phải ai cũng mặc áo tứ thân và người biến cái áo tứ thân ra áo hai vạt không phải là ông Cát Tường.Vậy ông Cát Tường đã đem lại những gì cho chiếc áo dài để được hầu hết những người tôn vinh áo dài khẳng định ông chính là "cha đẻ" ra chiếc áo dài hiện đại ? Trước hết chúng ta cần tìm hiểu y phục phụ nữ Việt Nam thời xưa qua sử sách.

I - SƠ LƯỢC CÁC KIỂU Y PHỤC TRƯỚC ÁO LEMUR


Không ai biết áo dài xuất hiện từ bao giờ và những chiếc áo dài đầu tiên hình dáng ra sao.

Thứ Sáu, 22 tháng 11, 2019

BBC Tiếng Việt: Việt Nam bắt và khởi tố hình sự ông Phạm Chí Dũng

Tiến sỹ Phạm Chí Dũng là Chủ tịch Hội nhà báo Độc lập Việt Nam, một hiệp hội không được chính quyền thừa nhận

Một nhà báo tự do ở Việt Nam, Tiến sỹ Phạm Chí Dũng, vừa bị cơ quan an ninh điều tra Công an Thành phố Hồ Chí Minh bắt giữ, khởi tố hình sự hôm 21/11/2019. 


Một bản tin trên trang mạng của Bộ Công an cùng ngày cho biết chi tiết: "Ngày 21/11/2019, Cơ quan An ninh điều tra Công an Thành phố Hồ Chí Minh đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và thực hiện Lệnh bắt bị can để tạm giam, Lệnh khám xét đối với Phạm Chí Dũng (sinh năm 1966; quê quán: tỉnh Đồng Tháp; thường trú tại 298/4 Nguyễn Trọng Tuyển, phường 1, quận Tân Bình, Thành phố Hồ Chí Minh) về tội "Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam" theo Điều 117 - Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. 

"Thời gian qua, Phạm Chí Dũng đã có nhiều hoạt động công khai vi phạm pháp luật nghiêm trọng và rất nguy hiểm; tác động xấu đến sự ổn định xã hội, ảnh hưởng tiêu cực đến an ninh, trật tự. Do đó, việc khởi tố để điều tra đối với Phạm Chí Dũng là rất cần thiết và đúng quy định của pháp luật. Quá trình thực hiện lệnh bắt, khám xét đối với Phạm Chí Dũng được Cơ quan An ninh điều tra Công an Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện theo đúng theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Hiện vụ án đang được tiếp tục điều tra làm rõ." 

Ngọc Lễ (VOA Tiếng Việt): ‘Vòng vây pháp lý’ để đấu tranh với Trung Quốc trên Biển Đông

Các quốc gia tôn trọng luật pháp quốc tế nên phối hợp cùng nhau tạo thành một ‘vòng vây pháp lý chặt chẽ’ mà Trung Quốc không thể nào né tránh được trên vấn đề Biển Đông và Việt Nam nên cân nhắc kiện Trung Quốc về hành vi xâm phạm vào vùng đặc quyền kinh tế của họ, các học giả về Biển Đông khuyến nghị tại một hội thảo mới đây ở Washington DC. 

Hội thảo với chủ đề ‘Tham vọng hàng hải của Trung Quốc ở chuỗi đảo thứ nhất và xa hơn nữa’ được Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS) tổ chức hôm 18/11 đã phân tích những hành động của Bắc Kinh trên Biển Đông, Biển Hoa Đông, các đảo quốc Thái Bình Dương và đề xuất sự phối hợp về chính sách trong khu vực. 

Trên mặt trận pháp lý, hành động nổi tiếng nhất ở Biển Đông là vụ kiện của Philippines vốn được Tòa trọng tài Thường trực (PCA) ra phán quyết vào giữa năm 2016 rằng ‘chủ quyền lịch sử’ mà Trung Quốc tuyên bố đối với đường chín đoạn trên Biển Đông là ‘không có cơ sở’ trong luật pháp quốc tế. 

Tuy nhiên, Bắc Kinh đã bác bỏ phán quyết này với lập luận rằng ‘chủ quyền lịch sử’ của họ có trước khi Công ước Quốc tế về Luật Biển được ký kết vào năm 1982. Mặt khác, phán quyết của PCA không hề có cơ chế thực thi để buộc Bắc Kinh từ bỏ đường chín đoạn của mình. 

Muốn tự làm luật? 

Đánh giá về lập trường của Trung Quốc, bà Atsuko Kanehara, giáo sư về Luật Quốc tế thuộc Đại học Sophia, Nhật Bản, cho rằng Bắc Kinh ‘muốn đơn phương thay đổi luật pháp quốc tế một cách cưỡng bức’. 

Võ Thị Hảo (Blog RFA): Tôi đã thấy Em đổ máu – Hồng Kông!

• “Chủ nghĩa toàn trị sẽ hủy diệt thế hệ tiếp theo của chúng ta. Hãy chống lại nó” (một người biểu tình Hồng Kông) 

• Họ đã bắn thẳng vào ngực Em 

• Chỉ là Hồng Kông thôi mà. Đâu phải Việt Nam. 

Mà dân Việt Nam thì cũng đang khốn khổ khốn nạn dưới ách Cộng Sản độc tài toàn trị. Tập đoàn quyền lực lợi ích nhóm tham nhũng toàn diện. Bao nhiêu trí thức, dân oan, tù nhân lương tâm hoàn toàn vô tội đang bị đày đọa trong tù ngục. Vậy mà sao tôi và bao người trên thế giới vẫn phải kêu tên người, thức nhiều đêm trắng để dõi theo, mong bảo vệ người và cầu nguyện cho người vậy, Hồng Kông? 

Bởi vì Em đó. 

Tôi đã thấy cảnh sát Hồng Kông chĩa súng bắn thẳng vào ngực Em – người thanh niên vô tội. Máu phun ra từ ngực Em và nhuộm đỏ xứ Cảng thơm. 

Tôi từng thấy Em, những thiên thần của tự do và phục sinh lương tri xuống đường, bền bỉ cả nửa năm nay rồi. Em nắm tay cả triệu người, cùng hát “Quốc ca mới” cho Hồng Kông: 

Thề: Sẽ không để nước mắt rơi trên mảnh đất của chúng ta…
Vùng lên: sẽ không còn nô lệ nữa
Cho Hồng Kông: nền tự do sẽ hiển trị
Bây giờ là buổi bình minh, hãy cùng nhau giải phóng Hồng Kông
Cùng chung một hơi thở, làm cuộc cách mạng cuả thời đại”

Tôi đã thấy máu Em và những người đồng hành cùng Em nhuộm đỏ xứ Cảng Thơm. 

Trân Văn: 50 triệu thì phải trả nhưng 5.000 tỉ thì khuyến nghị… tha!



Hôm 20 tháng 11, báo điện tử Dân Trí kể rằng, ông bà Nguyễn Ngọc Thê ngụ ở thôn Châu Thanh, xã Quảng Trường, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa đang kêu… Trời! 

Trước đó, do túng ngặt, con trai của họ là ông Nguyễn Ngọc Trung đã mượn cha mẹ giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất của họ, thế chấp cho Chi nhánh Nam Thanh Hóa của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) vay 50 triệu để có vốn làm ăn, nuôi ba đứa con dại. Hồi 2016, vợ ông Trung bị điện giật chết khi đang dệt chiếu… 

Họa vô đơn chí, sau khi vay 50 triệu, ông Trung bị tai nạn giao thông khi chạy từ Thanh Hóa ra Hà Nội để bán bong bóng, kiếm tiền nuôi con! Ông Trung để lại cho cha mẹ già (một ngoài 80, một ngoài 70) ba đứa trẻ, lớn nhất mới 13 tuổi, nhỏ nhất mới 7 tuổi và khoản nợ ngân hàng trị giá 50 triệu! Năm ngoái, báo điện tử Dân Trí từng kể chuyện này và độc giả đã góp được một số tiền để ông bà Thê nuôi ba đứa trẻ ăn học. 

Mới đây, sau khi biết tin ông bà Thê có một khoản tiền do bá tánh giúp đỡ để lo cho lũ cháu, nhân viên Chi nhánh Nam Thanh Hóa của Agribank đã đến nhà, “động viên” ông bà Thê lấy khoản tiền ấy trả một phần vốn và lãi đã quá hạn cho Agribank. Nếu không thì Agribank sẽ kê biên, phát mãi căn nhà của họ… Ông bà Thê kêu Trời vì không trả nợ cho Agribank thì mất nhà mà trả nợ thì dựa vào đâu để lo cho lũ cháu ăn học? 

Ông Nguyễn Ngọc Cường, Chủ tịch xã Quảng Trường bảo với phóng viên báo điện tử Dân Trí rằng, vì gia đình ông bà Thê thuộc diện “đặc biệt khó khăn” nên xã từng soạn văn bản gửi Agribank, đề nghị xóa nợ cho ông bà Thê nhưng Agribank không đồng ý. Ông Cường nói thêm, theo ông, số tiền mà ông bà Thê đang cầm trong tay không phải là của họ, đó là tiền của những người hảo tâm giúp riêng cho lũ trẻ. 

Thứ Năm, 21 tháng 11, 2019

Minh Thái: Tuyến đường sắt 100.000 tỷ đồng - Bà Phạm Chi Lan hỏi thẳng

Bà Phạm Chi Lan cho rằng, dự án đường sắt 100.000 tỷ đồng vừa lãng phí vừa vô lý vừa không phù hợp với lợi ích tổng thể của đất nước.

Theo quy hoạch, tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng khổ tiêu chuẩn có tổng chiều dài 392km, diện tích đất sử dụng trên 1.650 ha, vốn đầu tư là 100 nghìn tỷ đồng. Tuyến đường sẽ đi qua 8 tỉnh, thành phố là: Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng.

Trao đổi với tạp chí Nhà đầu tư, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan khẳng định, bà không tán thành kế hoạch xây dựng dự án đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng 100.000 tỷ đồng.

Lý giải cho quan điểm của mình, bà Phạm Chi Lan đưa ra ba lý do.

Thứ nhất, dự án này tốn quá nhiều tiền của bởi 100.000 tỷ đồng tổng mức đầu tư này dù có huy động ở đâu thì rốt cục dân cũng là người trả, những người nộp thuế là người phải trả.

Thứ hai là việc tốn kém chi phí của người dân như thế nhưng hưởng lợi sẽ là ai?, bà Lan đặt câu hỏi, đồng thời bày tỏ nghi ngờ rằng kết nối tuyến đường sắt này có vẻ đang theo ý tưởng từ phía Trung Quốc đề xuất để tạo nên tuyến kết nối từ phía Vân Nam, Trung Quốc sang cảng Hải Phòng.

Cũng theo vị chuyên gia kinh tế, trên thực tế, giao lưu về vận tải hàng hoá giữa bản thân tỉnh Lào Cai và các tỉnh xuyên suốt trên tuyến đường sắt này cũng không có nhiều đến mức phải cần một tuyến đường sắt tốn kém như vậy. Chưa nói về chi phí, rõ ràng việc hưởng lợi từ dự án này thì Việt Nam thấp hơn nhiều so với Trung Quốc.

Phạm Chí Dũng: Thế lực nào bảo kê cho các trang mạng ‘đứng tên lãnh đạo’?

Chẳng hạn hình này: nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dành trọn một ngày tại Chùa Thiên Hưng, được trích xuất từ trang nguyentandung.org.

Sau nhiều năm công khai hoạt động vô luật ở Việt Nam nhưng các trang mạng bị xem là ‘giả danh lãnh đạo’ vẫn không hề hấn gì, chỉ đến năm 2019 vấn nạn này mới lần đầu tiên được nêu ra một cách tương đối cụ thể trong kỳ họp tháng 10 - 11 của Quốc hội, cũng là lần đầu tiên được nêu công khai trong nội bộ đảng cầm quyền. 

Công an đạo diễn? 


“Thực tế có nhiều trang mạng làm giả những trang mạng của Chính phủ, của Đảng, làm giả những trang của các lãnh đạo cao cấp của Đảng và Chính phủ. Nhiều trang mạng đưa ra thông tin rất chính thống, sau đó lại khéo léo lồng ghép với thông tin trái lề vào đó thì chúng tôi, người dân, cử tri không thể phân biệt được đâu là thật, đâu là giả, vì họ đang dùng chiêu hư hư thực thực” - một số đại biểu quốc hội chất vấn Bộ trưởng 4 T (Bộ Thông tin và Truyền thông) Nguyễn Mạnh Hùng. 

Các trang mạng bị xem là ‘giả danh lãnh đạo’ là nguyentandung.org, nguyenphutrong.org, nguyenxuanphuc.org, nguyenthikimngan.org, tolam.org, …, sinh đẻ theo cấp số cộng qua mỗi năm. Tổng cộng có đến gần… 50 trang mạng như thế. 

Vũ Kim Hạnh: Thượng viện Hoa Kỳ vừa thông qua luật Nhân quyền & Dân chủ của Hồng Kông

1/ Luật Nhân quyền và Dân chủ 


Luật này có 3 đồng tác giả, số hiệu là S.2758 và có tên là "Hồng Kông: Hãy là Nước" (The Hong Kong Be Water Act). 

Thượng Nghị Sĩ Josh Hawley (CH-Missouri), TNS Rick Scott (CH-Florida) và TNS John Corrnyn (CH-Texas) là đồng tác giả. Dự Luật Hồng Kông: Hãy là Nước, có 3 điểm chính: 1. Lên án TQ đã vi phạm Bộ luật Cơ bản của Hồng Kông và vi phạm Bản Tuyên bố chung Anh-Hoa 1984. 

2. Kêu gọi áp dụng các điều khoản của Bộ luật Magnitsky Toàn Cầu đối với chính phủ TQ và các cá nhân nào đã hợp tác với nhà cầm quyền Trung cộng trong việc đàn áp Hồng Kông. 

3. Kêu gọi đóng băng tài sản của các công ty và cá nhân nào đã trợ giúp cho nhà cầm quyền TQ trong việc đàn áp người Hồng Kông (theo stt Khách Huyền Đao). Còn theo Reuters, Đạo luật Nhân quyền và Dân chủ của Hồng Kông bây giờ sẽ trở lại Hạ viện (là nơi đã phê chuẩn trước) và 2 cơ quan sẽ tìm cách dung hợp sự khác biệt (nếu có) trước khi chuyển tới Trump ban hành. 

2/Những lời hứa đáng sợ 


Người Hông Kông và toàn thế giới ngày càng thấy rõ hơn thế nào là lời hứa của TQ. Mới đây, Tập không cần “lịch sự” nữa, tuyên bố dẹp luôn phán quyết của Tòa tối cao HK vừa tuyên hôm 18/11, là: "Đạo luật khẩn cấp" buộc người dân Hương Cảng không được đeo mặt nạ khi xuống đường biểu tình của bà Carrie Lam là “vi hiến”. Vì sao chính quyền cấm dân mang mặt nạ mà cảnh sát thì luôn đeo mặt nạ chống độc? 

Lâm Vĩnh Thế: “Chiến Tranh Việt Nam Là Một Cuộc Chiến Không Thể Thắng Được” - Nhận Định Nầy Đúng Hay Sai ? (Tiếp theo và hết)

Luận Cứ Về Chiến Lược Quân Sự Của Hoa Kỳ Tại Việt Nam 


Luận cứ này gồm hai điểm chính sau đây: 

· Hoa Kỳ đã sử dụng hết sức mạnh quân sự của mình rồi mà vẫn không làm cho Bắc Việt từ bỏ ý định thôn tính Miền Nam 

· Nếu leo thang nữa thì sẽ không tránh được một cuộc đụng độ hạt nhân 

Chúng ta sẽ lần lượt xem xét từng điểm của luận cứ này 

Hoa Kỳ Đã Sử Dụng Hết Sức Mạnh Quân Sự Của Mình 


Luận điểm này vừa nói lên phương tiện vừa cho thấy mục tiêu của việc Mỹ tham chiến tại Việt Nam: phương tiện là dùng hết sức mạnh quân sự của Mỹ, mục tiêu là làm cho Bắc Việt thấy rõ lợi hại mà từ bỏ ý định thôn tính Miền Nam. 

Trước hết hảy xét về mục tiêu. Luận điểm này cho thấy rõ cái giới hạn của việc Mỹ tham chiến: chỉ muốn Bắc Việt ngừng lại việc tấn công Miền Nam, nghĩa là trở lại tình trạng hai nước Việt Nam chia cắt tại vĩ tuyến 17 (giống như ở Đức và Triều Tiên). Chính vì thế rất nhiều người đã chỉ trích rất đúng là Mỹ đánh giặc mà chỉ muốn hòa, chớ không muốn thắng, trong khi địch thì nhất định phải thắng bằng mọi giá, thế nên Mỹ thua là chuyện đương nhiên. Cũng chính vì mục tiêu giới hạn này mà chính phủ Mỹ, tức là phe dân sự, đã đặt ra không biết bao nhiêu hạn chế, gọi là “rules of engagement,” đối với giới quân sự. Trong việc oanh tạc Miền Bắc, tức là Chiến Dịch Sấm Rền (Rolling Thuncder), các mục tiêu rất hạn chế và hoàn toàn do phe dân sự chọn lựa và chỉ định, với kết quả vô cùng tai hại, như nhận định sau đây của Tướng Bruce Palmer, Jr., Tư Lệnh Quân Đoàn II của Hoa Kỳ tại Việt Nam (II Field Force, Vietnam) trong thời gian 1967-1968: 

“In the end, these limited strikes had little effect on the enemy buildup culminating in the massive Easter Offensive across the DMZ in late March 1972. This buildup, incidentally, should have warned the allies of the strong probability of an attack launched directly from the DMZ.” [32] (Xin tạm dịch sang Việt ngữ như sau: “Sau cùng, những cuộc oanh kích giới hạn đó đã không ngăn chận được việc tăng cường lực lương của địch mà đỉnh cao là cuộc tổng tấn công Mùa Phục Sinh tiến hành vượt ngang qua Khu Phi Quân Sự vào cuối Tháng 3 năm 1972. Tiện đây phải nói là việc tăng cường lực lượng đó đã có thể báo động cho quân đồng minh về khả năng lớn của một cuộc tấn công của địch từ Khu Phi Quân Sư.”) 

Thứ Tư, 20 tháng 11, 2019

Ngô Nhân Dụng: Cuộc đối đầu Hương Cảng phải chấm dứt

Cảnh sát bắt sinh viên biểu tình tại trường Đại Học Bách Khoa Hồng Kông vào tối Thứ Ba, 19 Tháng Mười Một, 2019. (Hình: Billy H.C. Kwok/Getty Images)

Cảnh sát chống bạo loạn đã vây Đại Học Bách Khoa Hồng Kông (Polytechnic University) từ ngày Chủ Nhật, 17 Tháng Mười Một, bắn lựu đạn hơi ngạt, đạn đầu cao su và vòi rồng phun nước tấn công những toán sinh viên, học sinh tính phá vòng vây thoát ra ngoài. Ai ra trình diện sẽ bị bắt.

Trong đêm tối, mấy sinh viên đã dùng dây thừng tuột từ trên cầu xuống mặt đường, được người chờ sẵn chở đi bằng xe gắn máy chạy trốn. Một người bị cảnh sát bắt được. Mấy bạn khác tính chui đường ống cống ra ngoài, nhưng lính cứu hỏa đã khuyên không nên làm, vì có thể chết ngạt. Có những em học sinh trung học mới 12, 13 tuổi.

Cảnh sát cho phép một số người vào trong trường: Thầy giáo và hiệu trưởng mấy trường trung học, người tình nguyện cứu thương, và các nhân viên sở xã hội. Ngày Thứ Hai, hai nghị viên thành phố đã vào trong thuyết phục các học sinh và sinh viên. Các sinh viên đã họp riêng bàn với nhau đề nghị của hai người.

Nghị Viên Eric Cheung bảo đảm các sinh viên nếu bị bắt sẽ được an toàn. Nghị Viên Jasper Tsang, thuộc phe thân Bắc Kinh, giải thích rằng các sinh viên rút lui không có nghĩa là đầu hàng. Nếu họ bị bắt ông hứa sẽ yêu cầu cảnh sát phải trưng ra bằng cớ đàng hoàng khi buộc tội, theo đúng luật.