Thứ Bảy, 14 tháng 9, 2019
Nguyễn Vạn An : Một tuần sống trong im lặng : các em nhỏ đến thăm (3/4)
(Tiếp theo loạt bài “Một tuần sống trong im lặng” đã đăng ngày 1 tháng 9, 2019)
Ngày thứ tư, có một đám học trò theo một cô giáo đến thăm đảo, nhưng tất cả chỉ ở ngoài biển và trong vườn. Các em được dặn trước, nên chỉ rón rén rù rì nói chuyện với nhau.
Một em mạnh dạn tới hỏi tôi : "Ông cả ngày không nói thì ông làm gì ? Ông có buồn không ?"
Tôi trả lời: "Khi mình muốn yên lặng, thì mình không nói. Khi muốn nói thì ra đây !".
Em cãi: “Nhưng mà con thấy ai cũng im cả. Có ai nói gì đâu ?“
Thấy các em rất dễ thương, tôi cảm hứng xin phép cô giáo, gọi các em lại, và trả lời: "Tôi im lặng để nghe! Các em hãy thử im lặng trong năm phút, để nghe, và kể cho tôi đã nghe thấy những gì”.
Thế là mở ra một cuộc thi đua. Có em nói : "Con nghe thấy tiếng chim“, có em nói : "Con nghe thấy tiếng lá“, có em nói nghe thấy tiếng gió thổi, có em nói nghe thấy tiếng gà rừng quác quác ở xa xa. Một em quả quyết có nghe tiếng dế kêu. Tôi hỏi: “Các em có thể vừa nói vừa nghe không ?". Tất nhiên ai cũng trả lời: “Không được!“
Sau đó, tôi nói tiếp : "Tôi đến đây giữ im lặng để nhìn cảnh vật chung quanh. Các em hãy tập im lặng để nhìn cảnh vật chung quanh đi !“. Thế là cả bọn trẻ đứa nào cũng xoay mình im lặng nhìn quanh trong vài phút. Rồi kể cho tôi những gì chúng thấy. Có em nói đã đến đây nhiều lần rồi, nhưng đây là lần đầu tiên các em nhìn kỹ như thế này và hôm nay thấy rất nhiều thứ mà các em chưa bao giờ để ý. Tôi bảo các em đi kiếm 10 cái lá khác nhau và gọi tên từng cái lá. Thật bất ngờ là không em nào biết được chính xác tên tới 10 cái lá khác nhau ! Tệ thật !
Tôi lại bảo các em im lặng để “sờ“ vào các vật chung quanh. Sờ vào cây, sờ vào lá, sờ vào đất, sờ vào cát, sờ vào đá, sờ vào sỏi. Có phải là mỗi vật chung quanh cho mình một cảm xúc khác nhau không ? Sau cuộc thi sờ là cuộc thi "im lặng ngửi". Và tả mùi của lá, của hoa, của cỏ, của đất. Cách tả thật không dễ. Cuộc chơi này rất lý thú, và kéo dài khá lâu. Tôi có ý định muốn các em "im lặng nếm" mọi thứ nữa, nhưng không dám làm vì trò này khá nguy hiểm.
Cuối cùng tôi kết luận : "Tôi vào đây im lặng để nghe, nhìn, sờ vào, và ngửi mọi vật chung quanh tôi ! Khi tôi bận nói chuyện giữa người này với người kia thì tôi chẳng bao giờ làm những chuyện như vậy được !“.
Tôi lại hỏi các em : "Khi các em nói chuyện với nhau, thì có bao giờ gây gổ, cãi nhau không ?“. Ai cũng nói: “ Có, có !“. Tôi hỏi : "Thế nãy giờ các em có cãi nhau và gây gổ với cây cỏ, với gió, với lá, với sỏi, với đá không ?“ Các em cười rúc rích: “Ai lại đi cãi nhau với cỏ cây, côn trùng, sỏi đá bao giờ !“.
Lúc đó, cô giáo đi tới, nói : "-Thưa ông, tới giờ phải đi về rồi. Ngày mai, tôi sẽ bảo các em viết lại câu chuyện đối thoại với ông ngày hôm nay. Chắc là sẽ có nhiều bài viết rất thú vị !“.
Cô dẫn các em xuống tầu trở về Cannes. Và tôi quay lại với giáo đường im lặng....
(Còn tiếp)