Thứ Bảy, 3 tháng 8, 2019

FB Vũ Thư Hiên: Tôi Có Một Niềm Vui Bất Ngờ, Muốn Chia Sẻ Cùng Các Bạn

Rất nhiều năm đã trôi qua, hôm nay tôi được trò chuyện rất lâu với một người tôi yêu quý, một quản giáo cũ ở trại Tân Lập tên là Nguyễn Văn Nhẩm, qua FB Messenger. Để hiểu tại sao những người tù năm xưa yêu con người này, tôi trích dưới đây một đoạn trong hồi ký Đêm Giữa Ban Ngày thay lời giải thích.

GIÁN ĐIỆP QUỐC TẾ 

... Những người tù số lẻ, kẻ thù của cách mạng, xem ra cũng dễ mến. Bên trong bộ đồng phục tù họ giống hệt nhau khi thoạt nhìn. Nhưng chỉ vài ngày sau, tôi bắt đầu biết ai người thành phố, ai người nông thôn. Người thành phố phần nhiều là viên chức, sĩ quan chính quyền Bảo Đại hoặc từng phục vụ quân đội Pháp trong thời kỳ kháng chiến chín năm. Số này đông, tuy không thể phân biệt ai từng ở trong quân ngũ ai không, cho nên người ta gọi chung là "ngụy". Kế đến những tu sĩ Thiên Chúa giáo, rồi đến những chánh trương, trùm trưởng các họ đạo, những chức sắc đạo Phật, phần lớn là các đại đức và cư sĩ, tôi không gặp nhà sư nào. Họ rơi vào tù không phải do có hành vi chống lại chính quyền mà do những hoạt động tôn giáo đơn thuần nhưng lại không nằm trong khuôn khổ những tổ chức tôn giáo yêu nước do Đảng nặn ra. Ngoài ra, rất linh tinh, không thuộc về những khối rõ rệt là những người bị bắt vì có chân trong các đảng phái phản động có thật và không có thật, cùng là các thứ phần tử được gọi chung chung là “có hại cho an ninh xã hội”. Chẳng hạn như Toán Xồm và Lộc Vàng, một cây ghi-ta và một giọng nam trung nổi tiếng trong lớp thị dân thời ấy ở Hà Nội. Họ bị bắt vì tội hát những lãng mạn thời tiền chiến và những bài "nhạc vàng" lọt ra từ miền Nam. Mà lại không phải “boọp ”, có án hẳn hoi mới lạ. 

Những người nói trên mắc vào tội chính trị còn có một cái lý nào đó, còn lên gân lập trường mà giải thích được. Nhưng lẫn vào họ có một số ít tù số lẻ nhà quê chất phác và thực thà đến nỗi không thể tưởng tượng nổi họ có thể mắc một tội gì, đừng nói tội chính trị. Chỉ cần nhìn những gương mặt rất mực hiền lành của họ cũng biết ngay đó là những người dân quê chân lấm tay bùn, mà niềm vui nỗi buồn của họ xưa nay chỉ gắn liền với những vụ mùa được mất và sự vơi đầy của nồi cơm. Hỏi ra mới biết mỗi người trong số họ đều có một thiên ngục sử kỳ lạ, vừa bi lại vừa hài, cái nào cũng xứng đáng với một cuốn tiểu thuyết. 

Hầu hết tù số lẻ đều là tù không có án, đều là tù tập trung cải tạo. Những người bị tập trung cải tạo, những trại viên, có số tù, y như tù thật, tôi muốn nói tù có án, tù chính cống. Hai thứ tù có án và không án đều bị giam chung. Mọi tiêu chuẩn ăn, mặc, ở của cả hai loại y như nhau, trừ một chút khác biệt: tù tập trung cải tạo được lĩnh một khoản tiền hàng tháng tương đương với giá hai phong thuốc lào. Cái sự phân biệt trại giam và trại cải tạo như thể đó là hai thứ trại khác nhau chỉ lừa được những người không biết thực tế Việt Nam, hoặc chỉ biết nó qua sách báo chính thống của nhà nước. 

Nổi bật lên trong những người nhà quê này một anh chàng mặt dài thượt và rỗ chằng rỗ chịt, tên là Dịp Pún Mằn (hay Diệp Bản Minh, theo cách chuyển ngữ Hán-Việt), người Hoa. 

Không hiểu sao người Hoa rơi vào tù nhiều thế? Mà lại toàn là tù chính trị cả. 

Ai cũng biết rằng người Hoa ở Việt Nam rất đông, làm thành một sắc dân đặc biệt. Có những dòng họ ở Việt Nam lâu đời đến nỗi chỉ có thể nhận ra họ là người Trung Quốc bằng những họ tên không Việt, còn thì về sinh hoạt, ngôn ngữ, thậm chí hình hài, họ chẳng khác gì người bản địa. 

Tại Hà Nội trước kia có cả một cộng đồng đông đảo người Hoa, gọi là bang, đứng đầu là một bang trưởng. Nay thay vào tổ chức đó có Hội Hoa Liên (Liên hiệp Hoa kiều). Hội có tờ báo riêng là tờ Tân Việt Hoa. Theo một thỏa thuận ngầm giữa hai Đảng từ lâu, Hội Hoa Liên và báo Tân Việt Hoa chịu sự lãnh đạo phối hợp của hai cơ quan - đại sứ quán Trung Quốc và đảng bộ Hà Nội của Đảng Lao động Việt Nam, nhưng chủ yếu vẫn là đại sứ quán Trung Quốc. Nhưng từ khi có cuộc đấu tranh giữa hai đường lối, vai trò Trung Quốc quan trọng hẳn lên trong thế giới thứ ba, thì chính sách Hoa kiều vận của Bắc Kinh thay đổi. 

Được Bắc Kinh khích lệ, những ông con giời thế hệ mới liền vênh mặt với chính quyền sở tại. Hội Hoa Liên và tờ Tân Việt Hoa tách hẳn khỏi sự lãnh đạo của Đảng Lao độngViệt Nam, giao thiệp với chính quyền Việt Nam cũng theo kiểu bề trên. Hoa kiều vụ của Trung Quốc chỉ chăm chút đám Hồng vệ binh ở xa Tổ quốc, chứ không phải tất cả đồng bào của họ. Cho nên những người Hoa không dính dáng với các thứ phong trào đấu tranh cách mạng vĩ đại ở quê hương chẳng hề được Bắc Kinh bảo vệ. Họ rơi vào nhà tù Việt Nam cả đống, không thể hiểu vì tội phản cách mạng loại gì. 

Anh chàng người Hoa mà tôi vừa nói là tù “tự giác”, được đi lại tự do trong khu vực trại đóng. Anh thường qua lại các nhà giam để mua bán đổi chác. Hàng của anh là cá, lươn, trạch còn sống hoặc kho mặn, giá cả phải chăng. Những người tù đói khát chất tươi lấy áo, lấy quần, hoặc phong thuốc lào, bánh xà phòng, tuýp kem răng vv... ra đổi, tóm lại, là những thứ người tù được giữ lại khi rơi vào tù. Đồ đổi được Dịp Pún Mằn mang ra ngoài trại bán cho dân, giá của anh bao giờ cũng rẻ hơn giá mậu dịch , dân gặp được là mua liền. Hiếm khi thấy anh ta dùng thứ gì mới - quần áo thì rách bươm, chân không mang dép, đồ xa xỉ như xà phòng hay bàn chải răng chẳng bao giờ anh ta dùng đến. Không hiểu anh ta để dành tiền kiếm được để làm gì?

Bên trong vẻ ngoài xấu xí Dịp Pún Mằn là người rất tốt bụng, hay giúp đỡ bạn bè cũng như bất cứ ai cần tới anh. Anh sẵn sàng bỏ cả ngày lang thang trong rừng để kiếm lá thuốc cho một người ốm, người Hoa cũng như người Việt. Người như anh khó mà mắc tội, bất kể tội gì. Ông bạn mới quen, một công chức ngụy quyền tóc bạc trắng, phong thái ung dung tự tại, không hiểu sao lại thân với Dịp Pún Mằn, giới thiệu về Dịp Pún Mằn:

- Anh ta là “gián điệp quốc tế” đấy!

Trời hỡi, thế kia mà là gián điệp quốc tế ư? Ông bạn nói đùa, tôi nghĩ. 

Hóa ra không phải. Tội danh Dịp Pún Mằn đúng là như thế. Nó được đọc to, rất rõ ràng, trước toàn trại trong một lần tổng điểm danh ít lâu sau. 

- Anh là gián điệp quốc tế thật hở?

Tôi hỏi Dịp Pún Mằn nhân một hôm anh rẽ vào chỗ chúng tôi để bán cá. Gương mặt rỗ ngẩng lên nhìn tôi, ngơ ngác một thoáng. 

- Thật - anh nói bằng giọng không thể thật thà hơn. 

Trong nhà tù có một quy ước không thành văn: những người tù không hỏi tội danh của nhau. Tôi là lính mới, không biết quy ước đó. Nhưng Dịp Pún Mằn không giận. Anh cười, phô những chiếc răng dài và xỉn. 

- Mà làm gián điệp thế nào?

- Là dắn tệp côốc tế. 

Tôi lấy làm lạ: là gián điệp quốc tế, ắt phải là những điệp viên xuất chúng, thần xuất quỷ nhập, vậy mà Dịp Pún Mằn không bị Ban giám thị coi là phần tử nguy hiểm, không bị biệt giam, không bị lính canh áp giải, không bị theo dõi từng bước, đã thế lại còn được tín nhiệm cho đi tự giác?

Công việc chính của Dịp Pún Mằn là chăn đàn trâu trại. Những con trâu ngu ngốc quấn lấy anh không rời. Chúng hiểu: anh yêu chúng. Mà Dịp Pún Mằn yêu những con vật to kềnh càng và đen trùi trũi đó thực sự, bằng tất cả tình yêu của con người không còn ai để mà yêu. Trong đàn trâu có một con nổi tiếng hung dữ. Với cặp sừng dài, nhọn hoắt nó húc lòi ruột một phạm nhân chăn trâu khi anh này dùng roi song trừng phạt oan nó vì một tội gì đó. Thế mà từ khi vào tay Dịp Pún Mằn chăn dắt nó liền trở thành con trâu rất hiền. Chỉ cần Dịp Pún Mằn huýt một tiếng sáo hoặc gọi tên nó là nó đã tơn tớn chạy lại để được cọ mình vào anh. Xiêu vẹo bởi tình yêu của con vật, Dịp Pún Mằn toác miệng ra cười, cả gương mặt bừng sáng niềm vui. Anh vừa mắng yêu con trâu vừa vuốt ve nó. Con trâu cũng khoái trá lúc lắc cặp sừng kềnh càng mà rên lên khe khẽ. Anh tắm cho những con trâu mà như bà mẹ tắm cho lũ con nhỏ, kỳ cọ cho chúng từng li từng tí, cậy từng chút nhử mắt, cọ cả răng trên răng dưới cho chúng. Những đứa con to đùng nằm yên, mắt lim dim tận hưởng cái khoái được mẹ chăm sóc. Anh đi trước, cả đàn trâu lững thững theo sau, con nào con nấy béo núc ních, hõng phẳng lì. Trâu có tật mỗi khi gặp bãi nước đái đồng loại thì dừng lại, cúi xuống hít hít rồi vươn dài cái cổ, nhe răng ra cười một cách ngây ngô. Dịp Pún Mằn thấy trâu cười thì cũng cười im lặng, không có tiếng, y như trâu vậy. 

Trông toán tự giác là một viên quản giáo trẻ tên là Nguyễn Văn Nhẩm. Đó là một con người nhân hậu lạ thường, hiện tượng dị biệt trong giới cai ngục. Thấp, đậm người, không đẹp giai, nhưng hồn nhiên và dễ tính, Nhẩm thương tù bằng một tình thương bẩm sinh, không phải tình thương chiếu cố. Biết đánh giá tình thương từ trong tim ấy không ai bằng những người tù. Trong toàn trại toán ông Nhẩm nổi tiếng là toán dễ chịu nhất. Người tù nào cũng ước ao: giá mình được chuyển sang toán ông Nhẩm.

Dịp Pún Mằn chỉ là một trong những tên gián điệp kỳ cục mà tôi gặp trong tù. Chắc chắn còn nhiều tên gián điệp tương tự.

... Kiều Duy Vĩnh kể trong trận càn Mandarin ở Thái Bình, năm 1952, lính của anh bắt được một cán bộ Việt Minh, anh đã giả lệnh trên đưa về khai thác rồi bỏ anh cán bộ lên xe chở đi. Giữa đường, anh dừng xe, mở khóa cho anh ta: "Tới lũy tre kia là vùng các anh rồi, chạy đi!" Anh ta chạy, vừa chạy vừa ngoái lại, sợ bị bắn sau lưng. 

Vĩnh nói thêm: 

- Nếu anh ta đừng quá sợ, nếu anh ta can đảm một chút, dừng lại thêm vài giây để khuyên tôi đi theo anh ta thì có dễ hôm đó tôi đã theo các anh rồi!

- Đáng tiếc! - tôi nói. 

Vĩnh nhún vai:

- Không biết có đáng tiếc hay không, nhưng trong chín năm chống Pháp các anh luôn luôn là hình mẫu lý tưởng của chúng tôi, chúng tôi nhìn các anh trong ánh hào quang rực rỡ của những nhà ái quốc. 

Cựu trung úy Lê Trình, tức Trình Hàng Vải, kể cho tôi nghe một lần anh thấy tên lính trong đơn vị anh lấy báng súng đánh tù binh, anh đã nện cho nó một trận trước mặt đồng ngũ rồi bắt nó đi khuân những thùng casse-croute về cho tù binh ăn. Một trong những tù binh gặp anh sau hòa bình đã mời anh đi ăn một bữa tái ngộ rất vui vẻ. 

"Tách từng người ra, các anh dễ thương lắm. Nhưng gộp lại, các anh có nhiều chất quái vật", Trình kết luận. 

Tôi hiểu, kể cho tôi những chuyện đó chẳng phải các anh muốn kể công với tôi. Tôi có là cái gì để mà họ kể công. Tôi cũng tù như họ. Cũng chẳng phải họ nói tốt để tôi báo cáo với Ban Giám thị - họ thừa biết tôi không phải chỉ điểm. Mà chỉ điểm chỉ báo cáo những cái xấu, chẳng có tên chỉ điểm nào đi báo cáo cái tốt. Hơn nữa, lẽ ra họ còn phải trút lên đầu tôi nỗi căm giận chất chứa trong lòng nữa kia. Gì thì gì, tôi đã là một tên cộng sản. Tôi cho rằng họ kể những chuyện đó cho tôi nghe vì trong những ngày ấy lòng họ vẫn còn một chút gì ấm áp dành cho những người cộng sản thật tâm vì đồng bào, vì đất nước. Tôi hiểu thế nên không cãi, không trần tình. 

Chúng tôi trở thành bạn của nhau, những người từng ở hai bên chiến tuyến. Những viên đạn của chúng tôi đã bay vèo vèo sang nhau, nhưng may mắn, hay không may mắn, đã không trúng.

Cùng nhóm tù Vĩnh Quang còn có Văn Thợ Mộc, tôi không nhớ họ anh, cũng chẳng nhớ anh cấp bậc gì, cũng trung úy đại úy chi đó, không hơn. Anh cực kỳ hiền lành, tính lại hay giúp đỡ người, được cả trại mến, từ người tù cho tới viên quản giáo coi đội. Anh ngồi lắc lư trên xe, trong một góc khuất, chẳng buồn ngó nghiêng ra ngoài. Cuộc chuyển trại này làm anh khổ tâm lắm - anh phải xa thằng con nuôi. Đó là một thằng bé có gương mặt thông minh, và cũng hiền lắm, chẳng hiểu sao lại bị“boọp”. Trong đám lưu manh, nó không ở trong hàng sĩ quan, cũng không phải lính vét, một thằng bé rất trì, nghĩa là lì lợm, cứng đầu, không chịu một ai. Bọn sĩ quan cũng phải kiềng nó. Bạn tù cho tôi biết nó là con người tình năm xưa của anh. Anh chăm sóc nó bằng tấm lòng của người cha, nhường nhịn mọi thứ hiếm hoi trong tù cho nó. Bù lại, thằng bé cứng đầu mềm nhũn ra bên cạnh cha nuôi, như một con mèo con. 

Phổ Gián Điệp lầm lì ngồi bên Văn Thợ Mộc. Anh sống trong tù như một ốc đảo, không dính dáng với ai, không chơi với ai. Có người nói anh trước hoạt động trong nội thành, sau mất liên lạc với cấp chỉ huy. Một hôm thợ sửa mái phát hiện trên trần có một máy phát tin, thế là anh bị bắt, bị buộc tội làm gián điệp. Những người hoạt động cùng với anh đã đi Nam, xác minh không được, vì trước kia, theo nguyên tắc hoạt động ngoại tuyến, anh chỉ liên lạc với họ bằng mật danh, bí số. 

Khi qua thị xã Yên Bái, xe dừng, tôi được thiếu úy Nhẩm rủ xuống đi xem phố. Trong chuyến đi này những người tù số lẻ không bị khóa tay. Trên xe chỉ có hai công an đeo tiểu liên canh chừng với tinh thần cảnh giác không sắc bén. Những người tù bị bắt vì cẩn thận không bao giờ trốn. Họ đã đứng tuổi, hoặc đã già, không thích hợp với sự phiêu lưu. 

Tôi đi lang thang dọc phố ngắm cảnh. Không giống như khi vừa từ xà lim ra, tôi không còn háo hức muốn nhìn ngó. Thị xã là một dãy nhà thấp tè, ám khói, nằm xiêu vẹo ven đường ô tô. Một cửa hàng ăn mậu dịch đông đúc bán cơm phiếu, phở không người lái. Một cửa hàng bách hóa lèo tèo hàng hoá. Còn lại là những ngôi nhà rách rưới, tạm bợ. Từ những mái tranh xập xệ mùi mốc thếch của cái nghèo phả ra đường. Lác đác mấy cái máy khâu im lìm chõ ra mặt phố, mấy ông thợ cạo ngẩn ngơ bên những cái ghế không khách. Những tấm biển gày còm: Ở Đây Lộn Cổ Lộn Gối, Vá Chữa Quần Áo Lấy Ngay, Cắt Tóc, Cắt Tóc... Cứ như thể người ở đây ra đời chỉ để cắt tóc, đem sơ mi đi lộn cổ, đem quần đi lộn gối, vá mông, rồi chết. 

- Nước mình nghèo quá, phải không anh? - Nhẩm đi bên tôi, nói. - Khác Liên Xô quá, phải không?

Tôi cười thay lời đáp. 

Nhẩm rủ tôi vào quán. Tất nhiên, anh ta muốn chiêu đãi tôi. Nhưng tôi từ chối. Cái việc tôi được đặc cách xuống xe đi lông nhông cũng đủ làm các bạn tù ngứa mắt rồi. 

Trại Phong Quang nằm trong một lòng chảo sát biên giới Việt-Trung, cách đường Hữu Nghị là con đường do nước bạn Cuba mới xây dựng giúp khoảng hơn chục cây số. Đó là theo những gì người ta kể, một hình dung địa lý mờ mịt được chắp vá bởi những câu nói không rõ ràng của những người đi tiếp tế và dân địa phương, chứ tù thường bị chuyển tới nơi ở mới vào ban đêm không bao giờ biết chính xác nơi mình đến là đâu. 

Khi tôi vừa tới, những câu chuyện về khí hậu độc địa của vùng này làm tôi phát ớn. Trước hết là sự vắng bóng chim sẻ, được những người tù có học giải thích bằng bản năng trời cho của loài vật - chúng mẫn cảm với tai họa nên tránh xa những vùng nguy hiểm. Thật vậy, chim sẻ có mặt khắp nơi, nhưng ở Phong Quang tịnh không thấy chúng. Các giống chim khác cũng tịnh không. Chỉ đêm đến mới nghe văng vẳng xa xa tiếng từ quy khắc khoải gọi nhau. Nước Phong Quang có độc hay không, độc đến mức nào, không ai biết, nhưng tù ở các đội nông nghiệp nói rằng ở đây có những khu ruộng sình mà lội xuống bước lên đã thấy lông chân tuột hết không còn cái nào. 

Trong các trại tôi đã qua, Phong Quang bị liệt vào loại trại khắc nghiệt. Không người tù nào muốn bị chuyển tới trại này. Những người tù lâu năm an ủi những người tù ít năm rằng dù sao Phong Quang cũng chưa phải trại dữ nhất. Dữ nhất, theo họ, vẫn là Cổng Trời mà tôi đã nói tới ở trên. 

Xe tù vừa tới Phong Quang tôi đã thấy ngay trại này khác hẳn Tân Lập. Cán bộ công an ở đây sát khí đằng đằng, đi lại hùng hổ, luôn miệng quát tháo. Đập vào mắt tôi là cảnh mấy người tù bị “khóa cánh tiên”, lồng ngực căng ra hết mức, mặt đỏ bừng, lử lả ngoài cổng trại. Sau mới biết người bị “khóa cánh tiên” bao giờ cũng bị khóa ở đấy, nơi mọi người tù đều thấy rõ, một kiểu triển lãm ngoài trời. 

Thảo nào, khi chia tay với tôi, Nhẩm tần ngần: "Thôi, tôi về nhá, anh Hiên nhá! Anh ở đây cố gắng mà chịu đựng. Tôi đã bàn giao với cán bộ ở đây cẩn thận về trường hợp của anh rồi. Nhưng dù sao thì đây cũng không phải Tân Lập. Mong anh chóng được ra. Cơn bĩ cực nào rồi mà chẳng có lúc hết". 

Cơn bĩ cực của tôi xem ra còn dài. 

Trời bù cho tôi. Trại Phong Quang thú vị bởi những nhân vật đặc sắc. Tôi gặp ở đây một bộ sưu tập tù độc đáo. Không kể tín đồ các đạo và các bậc chức sắc của họ, các thứ đảng phái tôi chưa một lần nghe tên, tôi còn gặp một người Âu, mấy anh Lào, mấy anh Miên, cả những anh hùng lao động nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Lại có cả hai anh “xét lại” chẳng dính dáng gì tới vụ chúng tôi. Tôi nhớ tới Paustovsky: "Nhà văn cứ thản nhiên mà sống. Chẳng có gì của cuộc đời đi qua mà không để lại dấu vết, không trở thành tài liệu văn học". Ông đúng. Những bức chân dung không cố ý giữ lại trong trí nhớ mà cứ còn mãi, như thể chúng được khắc sâu bằng dao, xù xì, góc cạnh, không thể tẩy xóa. 

Nghe nói có tù “xét lại” ở đây tôi vội bổ đi làm quen. 

Thì ra có thật. Một người là sinh viên du học ở Budapest bị sứ quán đuổi về nước vì tội dám yêu một cô gái Hung. Anh ta trốn để ở lại với người yêu, nhưng bị công an nước bạn Hungari bắt, đem trả cho sứ quán Việt Nam. Bị áp giải về nước, anh này ở Hỏa Lò một thời gian rồi bị đưa lên Phong Quang. Anh thứ hai là một thanh niên đã học ở Nga, về ngôn ngữ hay văn học gì đó tôi không nhớ. Hỏi làm sao anh bị bắt thì anh ấp úng, nói có lẽ do anh có qua lại với mấy người Nga dạy học ở Hà Nội. Cả hai đều bị gọi là “xét lại”, ít nhất thì cũng là cách gọi của công an. Không rõ trong hồ sơ tập trung cải tạo của hai anh người ta ghi tội danh gì. 

Thế là vẫn như trước, cả ở đây tôi cũng chỉ có một mình.

... Một hôm tôi đang phóng xe máy trên đường Thụy Khê thì bị một công an viên nhảy ra giơ hai tay chặn lại. Thì ra thiếu úy Nguyễn Văn Nhẩm. 

- Anh còn nhớ em không?

- Nhớ chứ! - tôi ôm lấy anh - Tôi quên những tên khốn nạn, nhưng nhớ rất lâu những con người tốt bụng. 

Nhẩm khoe với tôi anh đã ra khỏi ngành quản lý trại giam, bây giờ làm công an đường phố. Chúng tôi kéo nhau vào một quán bia gần đấy, uống bia Thanh Đảo và ôn lại chuyện những ngày ở Tân Lập. Nhẩm hẹn tôi một bữa ăn trên nhà hàng nổi Hồ Tây. 

Tôi hỏi Nhẩm về số phận của gián điệp quốc tế Dịp Pún Mằn. Nhẩm cho biết anh ta đã được tha ra một nông trường gồm những tù nhân không nơi nương tựa ở gần trại. Sau anh ta có về Hải Phòng không thì Nhẩm không biết. Tôi hỏi Nhẩm đã gặp bao nhiêu gián điệp quốc tế kiểu như Diệp Bản Minh thì Nhẩm nói mới gặp có một. Tôi nói thế thì hồng phúc cho nước nhà.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét