Chủ Nhật, 28 tháng 7, 2019

Phùng Cung: Mộ phách (Kỳ 4 - Tiếp theo và hết)

Biết bao ngôn từ viện trợ “đả thông”, “đánh thông”, “khai thông”; cùng với chân thực, dối trá xáo trộn, bị động thành chủ động; chủ động thành bị động. Nó làm cho Thuyên vướng mắc lùng nhùng; chỉ có thể thoát ra bằng những lời động viên thời thượng: 

- Bố mẹ buồn thì con vui sao được. Con biết bố mẹ vì chúng con mà phải chịu đựng, hy sinh nhiều mặt. Con mong muốn bố mẹ giũ bỏ được tất cả những cái cũ nặng nề để thanh thản đứng trong hàng ngũ nền tảng của cách mạng. Con chắc chắn rằng nay mai, bố mẹ sẽ vui hơn ngày xưa và hôm nay nhiều lắm. Con nói trước để bố mẹ mừng cho con - Thuyên ngừng lời tươi tắn nhìn bố mẹ - chắc chắn lần này con được kết nạp Ðảng. 

Vợ chồng ông Chản lại tìm thấy một đứa con; nó đang trước mặt mình, đang nói những lời mà tấm lòng cha mẹ đang chọn nhặt lấy những điều hiếu đễ; cái hiện tại đang thèm lùi về quá khứ... 

Vợ chồng ông Chản tiễn con ra tận cổng ngoài. Bà Chản tiếng to, tiếng nhỏ trong nước mắt dặn dò con không dứt lời; ông Chản nghẹn ngào rưng rưng khóe mắt vịn vai con, không nói được thành lời. 

Hai vợ chồng đứng nhìn theo con chưa khuất lối rẽ lên đường lớn, mà lòng đã thấp thỏm nghĩ đến bước rủi, bước may của con. Khi quay về, hai người lại chung một cảm giác mong đợi da diết như chưa gặp con. 

Bà Chản đi trước, ông Chản chìm bước đi sau, khi đã vào đến sân, ông Chản lại quay ra khép cổng như thường lệ vào lúc nhá nhem tối. Bà Chản lấy làm lạ, vội nhắc chồng sao laị khép cổng. Ông Chản không trả lời, hoặc không nghe tiếng vợ bởi trong lòng bất định rối bời. 

Từ bữa Thuyên trở về đơn vị, ông Chản trở nên ít nói, lặng lẽ tha thẩn quanh sân, quanh vườn. Trước đây mỗi ngày ông chỉ một lần đến với cây đàn, sờ dây, thổi bụi; nay cứ một lúc lại đến chỗ cây đàn, lại ngơ ngác. Ðàn không còn, con đi xa; vắng con, vắng bạn, và như vắng cả bản thân. Một tâm hồn ba cấp cô đơn. 

Thấy chồng buồn phiền, chán cơm ngày một phờ phạc, thỉnh thoảng bà mua lạng thịt về băm nấu cháo, nhưng ông Chản cũng chỉ húp vài lưng. 

Rét nàng Bân đã qua. Bầu trời trở lại nguyên xanh, lác đác tụm mấy tụm mây trắng bã bừa, trôi đi, dạt lại. Chim tu hú đã mở miệng phóng giọng báo mùa trên ngọn những cây xa, gần. Nắng hoa cau vung lưới. Người ta kháo nhau: vải đầu mùa đã có bán, đắt như vàng giả. Trên đường xóm thỉng thoảng xuất hiện một con chó ghẻ trụi lông, lưng trát đầy bùn, ngứa da, vừa chạy vừa ngoãy dưới nắng mới. Xóm trong, xóm ngoài gà mái nhảy ổ đẻ, tiếng “cục tác!” nối nhau ran ran nghe dán dát tai, tạo một không khí rất ngày xưa và cũng rất hôm nay - cái vỏ làng bằng an thịnh vượng!... 

Bà Chản thấy chồng xọm quá, bà lo ngày, lo đêm, ruột gan thắt thẻo; mấy luống rau cũng chẳng buồn mó tay, cỏ mọc chen lấn. Bà mẩm bụng còn đôi hoa tai rỗng - một đồng cân rưỡi - đem cầm lấy tiền thuốc men, mua thêm cái ăn, cái uống cho chồng; lúc nào trời cho khá lại chuộc về. Bà Chản cũng tự biết là mình đang dối mình, chứ cơ cảnh này thì biết đến bao giờ mọc mặt. Ðôi hoa này của người dì út đánh làm quà cho bà ngày lấy chồng - nó là một quá khứ long lanh trên vành tai trong hội hè đình đám. Bà đã tháo nó khỏi tai sau nửa ngày đội phát động giảm tô kéo quân về làng. Từ đó, mỗi năm nhiều lắm cũng chỉ đôi lần bà đeo vào tai để vợ chồng, đàn phách vụng trộm sống lại một đêm xưa; rồi lại tháo ra cất kỹ trong đáy hòm. 

Phiên chợ trước bà đã đem đôi hoa tai lên phố Phùng nhờ người bạn kiếm khách cầm tạm; nhưng người ta chỉ chịu cầm có một phần ba thời giá, tính ra được độ mươi đồng. Bà Chản phân vân, nửa muốn cầm đôi hoa, nửa muốn về bên quê ngoại dật tạm họ hàng; rồi lại chợt nghĩ ra: quê ngoại cũng cảnh như mình, nên lại thôi. 

Chiều nay, thím Vượng ghé tai bà Chản nói: có người bên Hiệp vừa mới qua Mai Lĩnh về, cho biết con cháu Nhiễu dạo này ốm lắm, cháu bé cũng quặt quẹo, nó nhắn bà lên chơi. Bà Chản bồn chồn thương con gái; nó biết bố mẹ nghèo túng, chẳng dám ngỏ lời xin xỏ; nó nhắn lên chơi cũng là có ý đấy. Bà quyết định bán đứt đôi hoa! Bà nghĩ: cái thời thế này đến giữ cây đàn trong nhà còn nơm nớp sợ mang vạ. Còn vui còn thú gì, còn đình đám gì, còn hoa hoét làm gì, “Thân còn chả tiếc, tiếc gì đến duyên!”. Bà bấm đốt ngón tay nhẩm tính: Hai chục đồng, gần hai chục đồng. Bà cho hẳn con gái mười đồng. Bà than phiền con gái bà dại dột, đua thời, đua thế đi thanh niên xung phong về lại bận con bận cái năm ngoái về chơi, người chả ra người, tong teo dẹo dọ! - Khi nó lấy chồng bà cũng chẳng có gì cho nó; lúc nó đẻ con, bà cũng chẳng có gì cho nó. Nó cũng không dám tủi thân. Mười đồng cho nó chắc nó mừng lắm đấy. Còn mười đồng nữa buộc đấy để còn thuốc men cơm cháo cho chồng. Bà nghĩ mình cũng còn may mắn, còn níu được vào đôi hoa. 

Cầm tiền trong tay mừng mừng, tiếc tiếc bà Chản lại muốn để chồng lên thăm con gái, mang theo cho nó món tiền - cũng là chút thảo lòng với con; cũng là sĩ diện với rể. Trước hết chồng bà đang buồn, đi chơi với con cho khuây khỏa, cho người nó khỏe ra. Vả lại, từ ngày con Nhiễu lấy chồng, ông cũng chưa một lần lên thăm, biết chỗ ở của con gái; đã nhiều lần ông dắng đi mà chưa có dịp. Lần này, ông Chản cũng vẫn cứ đắn đo vì không muốn bà ở nhà một mình; tiếng thế nhưng bà là người nhát tối. Bà Chản khuyên nhủ hết điều ông mới bằng lòng ra đi. 

Tính cẩn thận, ông Chản đi được một quãng, ông còn quay về đầu cổng gọi vợ dặn dò: có việc gì cần đỡ tay thì nhờ thím Vượng; hạt dền, hạt mướp, ông cất kỹ trong ống nứa, nút lá chuối khô, gác trên gác bếp gần vách bên trái. Ông Chản nhắc đi nhắc lại: phải nhổ cải muộn, làm đất kịp thời để có rau dền cấy, để có mướp đầu mùa. 

Cái nắng quái sau loáng mưa chiều nó làm cho người ta rầu rĩ, nhất là gặp cảnh người đi, người ở. Chiều nay, một mình bà Chản đang lúi húi trong vườn, lòng ngổn ngang, nghĩ xa nghĩ gần; nghĩ toàn những điều gở dại mông lung. Bà Chản lại tủm tỉm một mình, tưởng tượng lúc hai bố con gặp nhau. Con Nhiễu lại có tiền chi tiêu giữa lúc đang bấn quẫn. Bà nhẩm tính thấm thoắt chồng đi thăm con đã qua ba phiên chợ - Nhà vắng quá. 

Giữa lúc bà Chản đang nhổ nốt luống cải muộn đã nhú ngồng để làm dưa, thì chợt thấy thím Vượng rẽ tắt phía đầu nhà thẳng vào vườn rau; vừa đi vừa xùi xụt. Gặp bà Chản, thím Vượng ôm chầm lấy bà, oà lên khóc, báo tin dữ: 

- Bác trai đã mất rồi! 

Bà Chản ngã vật trên luống rau, ngất đi, không hỏi được điều gì khác! Thím Vượng dìu bà vào nhà. Bà Chản vật vã đầy miệng nước mắt. Thím Vượng kể tiếp sự tình: Vợ chồng cháu Nhiễu nhắn người quen mãi trên Phụng Thương đã đến mấy hôm rồi. Người Phụng Thương lại nhắn ông Thảo ở dốc Gạch; trưa nay thím Vượng đi chợ Gạch mới được người ta nói cho biết. Ông Chản chết về sáng; sau khi lên nhà con độ hơn tuần. Mẹ con cháu Nhiễu cũng vẫn đang ốm, chẳng biết được ai suôi mà nhắn tin. Nghe đâu ở trên ấy người ta chôn cất theo lối đời sống mới, không kèn trống, không rơm mấn, xô gai gì hết. Thím Vượng ngừng lại, gạt nước mắt, đay lại: “Thế là chết sớm chôn chiều! Chết cũng đời sống mới!” Thím Vượng nói xong, bỗng chột dạ, quay nhìn tứ phía như một thói quen trong lúc thay quần áo. Thím Vượng im bặt - sợ vách có tai. Thím Vượng vốn chân lấm tay bùn, thành phần bần nông, không biết khéo mồm khéo miệng. Những tiếng nói kiểu mới thím kiêng tránh như lời tục tĩu, bất đắc dĩ thím phải nói lên đôi tiếng trong khi họp tổ; thường là nói sai, mua cười cho buổi họp. Vợ chồng thím Vượng đối với vợ chồng bà Chản là chỗ láng giềng, tối đèn tắt lửa giữa hai nhà kể cả thời tạm chiếm, thời giảm tô, cải cách cho đến nay, vẫn như bát nước đầy không hề có điều tiếng gì. Thím Vượng không bao giờ dám nhận những lời dạy khôn của bất kỳ ai; nhất là trong học tập giảm tô và cải cách. Trong lòng một người chân lấm, đầu lấm, mà sự sàng lọc xấu, tốt còn nhạy bén hơn nhiều kẻ khác. Những trường hợp đứng trước lời dạy bảo thím Vượng phải vâng, dạ; cũng là vâng, dạ để bụng. Ăn có, nói không thím không quen, thím sợ. Thím cũng không biết làm sao mà không quen, làm sao mà sợ. Chồng thím lại còn nhút nhát gấp mấy lần vợ. Chú ta mặt mũi khôi ngô sáng sủa như mặt thầy giáo; nhưng tính nết củ mỉ cù mì - động nghe tiếng xô xát dẫu không có liên quan gì nhưng cũng run sợ, mặt cắt không ra máu. Giả sử có kẻ vu oan cho điều này điều khác, mà kẻ phân xử lại chỉ trông mặt bắt tính, bắt tướng quyết đoán thì chỉ có chết. Ngay trong suốt hai đợt học tập giảm tô và cải cách, cả xóm, cả làng đều biết, chú Vượng không hề mở miệng nói một lời. Cán bộ ra sức vực dậy, cũng đều vô hiệu. Ngày ấy cán bộ mệnh danh chú Vượng là “đồng chí câm”; bà con nông dân tiến bộ gọi là “Vượng cấm khẩu” - bần nông vẫn cứ là bần nông, thiệt thòi trong chia chác quả thực - Chú Vượng thường nói: “của ăn không nó có ma!” nếu như cần giúp đỡ ai chú Vượng sẵn sàng dốc sức dăm ba buổi; nhưng là tiền thì một đồng cũng không bao giờ bỏ ra... 

Trước cảnh ngộ tang tóc của bà Chản, thím Vượng chia sẻ nỗi đau, khóc lóc như bản thân gặp bất hạnh. 

Bà Chản lau nhanh nước mắt, đứng phắt dậy, ngơ ngác trong cặp mắt thất thần. Bà Chản lấy chìa khóa cửa trao cho thím Vượng, nhờ thím coi nhà. Trong túi sẵn còn gần nửa tiền bán đôi hoa, chưa tiêu khuyết đồng nào. Bà Chản chụp vội lên đầu chiếc nón cũ - Chiếc nón của chồng vẫn đội làm vườn ngoắc ngay trên đinh vách bên cửa - quai nón đầy mùi mồ hôi cũ, bà Chản lại òa lên khóc! - Quần áo cũng không kịp thay. Bà Chản rảo bước quăng mình ra cổng; chiếc nón cũ gió hất xuống lắc lư sau vai, cọ vào tấm áo cánh cũ, một ống tay xé cộc lên đến khuỷu. Bước cun cút thất thểu, trên con đường quan - vừa đi vừa ngóng xe. Ví phỏng người quen cũ có gặp mặt, làm sao nhận được cô đào Khuê hôm nay. 

Ði hôm trước, chiều hôm sau bà Chản đã về; đến đầu xóm thì trời đã nhá nhem. Chỉ mới qua hai ngày mà dốc đi mất nửa người. Hai mắt lõm sâu, tiếng nói khản đặc, bà Chản nghẹn ngào nói lại với thím Vượng đúng như lời thím được nghe người ta nhắc trước đây. Di vật của chồng bà mang về chỉ là một chiếc bật lửa cũ, bà vẫn cầm chặt trong tay. Ngay đêm đó, bà Chản đèn hương. Chiếc bật lửa được đặt cạnh bát hương. Nỗi đau dồn thắt, bà Chản một mình ngồi khóc thâu đêm, thỉnh thoảng lại với tay cầm chiếc bật lửa rồi tự đặt lên bàn thờ - Vật vã đay đi đay lại: “Chết không gặp nhau! không gửi lại điều gì trong phút lâm chung!...” 

Sáng hôm sau, nắng hoe một lúc, lối vào cổng nhà tang in đầy dấu chân đoàn thể - dấu chân “bộ tứ”, “bộ ngũ” (đảng, chính, nông, thanh v.v...). Người nào người nấy vẻ mặt đau buồn thăm viếng. Bà Chản mắt sưng húp đang khóc dưới đèn hương, đứng dậy đón đoàn. Trong số đó, bà Chản chỉ nhận ra được ông Phú chủ tịch xã và anh Ðáng còn đều là người thôn khác. Một bà phụ nữ ôm theo một bó hoa huệ ngát hương. Tất cả đều vây quanh bàn thờ, tất cả đều đăm chiêu lặng lẽ. Ông chủ tịch xã, xúc động nhân danh thay mặt đảng ủy, thay mặt chính quyền, thay mặt đoàn thể các ngành các giới trong toàn xã nói lời chia buồn thống thiết, - ông rút khăn tay chấm mắt, nhiều người trong đoàn làm theo - ông ân cần khuyên nhủ bà Chản và với cả mọi người có mặt: “Tổn thất của gia đình cũng là tổn thất chung của mọi người!” Ông không quên nhấn mạnh: “Biến đau thương thành hành động cách mạng!” Ông hứa: “Ðảng, chính quyền, có trách nhiệm tích cực giúp đỡ gia đình để giảm bớt những khó khăn...!” 

Bà Chản, xúc động, tay vuốt phẳng ống quần - thói quen lịch sự trước mặt người lạ - cúi đầu lĩnh nhận những lời cao trọng đạo đức. 

Thưa bạn đọc, thật ra đoạn viếng thăm là không có. Tôi phịa thêm - Tự thấy cũng không có thiệt hại gì - Xin bạn đọc thể tất! 

Ðôi đũa gãy một chiếc! Bà Chản suy sụp chẳng còn lòng dạ đâu nghĩ đến làm ăn. Mảnh vườn để hoang, chỉ còn lại dấu chân loạn bước của ông Chản từ bữa cây đàn đáy bị đập làm củi đun nước tắm. Cứ nhìn vào vườn, bà Chản lại nhìn vào những dấu chân ấy mà giàn giụa nước mắt. 

Tiền bán đôi hoa còn lại, bà Chản chi dần vào đèn nhang, ngày nào cũng như ngày nào, bà cũng mua thêm tí thịt, hoặc cá, hoặc đậu, thổi lưng bát gạo để cúng cơm bữa. Bốn mươi mấy ngày rồi, bà Chản chưa biết miếng cơm nóng. Cúng xong, bà hạ xuống thom thỏm một mình vừa ăn vừa khóc. Bà dành dụm để nay mai chi vào ngày “bốn chín”. 

Thật ra, bà Chản chẳng biết nghi thức cúng bái thế nào trong ngày ấy và cũng chẳng biết hỏi ai. Bên cạnh có vợ chồng thím Vượng nhưng cũng không biết gì hơn. Bà Chản còn muốn đi gọi hồn chồng để được nghe lời dặn dò; kẻo âm dương cách biệt quá! Cô đồng, thầy cúng, thầy bói, xa gần đều đã bị cưỡng bức giải nghệ. Có người đang còn nằm trong trại tù, trại giam. Ý bà Chản phải đưa được vong linh chồng lên chùa nương bóng Phật, để chồng được mát mặt, để bà được thỏa nguyện giữa kẻ còn người khuất, gọi là chút nghĩa trong cõi thác sinh. 

Khốn nạn thay! Chùa đình của làng cái còn, cái mất. Du kích, dân quân đã phá hủy đình, chùa, ngay từ lệnh tiêu thổ kháng chiến, sợ giặc tràn đóng bót. Dấu tích của đình chỉ còn mỗi cái giếng, tảng đá ong rỗ rỗ, mặt nước đầy bèo tấm. Ngôi chùa cổ kính đẹp là thế; du kích dân quân đang phá dở, thì giặc kéo đến tiếp tay đốt phá tan hoang, chỉ còn lại gian “chuôi vồ” sau đại bái. Sư Phúc đã hồi tục về tận xứ đông xứ đoài. Tượng Phật chẳng còn pho nào vách trong, vách ngoài gian còn lại, kẻ đầy những khẩu hiệu, và những nét vẽ tục tĩu - của những trẻ con mất dạy để lại - Cố tình lọt lưới dăm điều dạy bảo tổng hợp dễ nhớ. 

Bà Chản những lo lắng băn khoăn tối ngày không có hoàn cảnh để được làm trọn bổn phận. Mặt khác bà Chản cũng lo lắng dở dói đền hương tránh sao khỏi con mắt của xung quanh dòm ngó; chuốc vạ vào thân và còn làm nhục đến vong linh. Bà Chản tâm tâm niệm niệm cầu trời khấn phật rủ lòng đại xá - Cảnh khốn cùng “Tâm động quỷ thần tri!” 

Thấm thoát đã đến ngày bốn chín. Lòng thành kính, lễ nghi đạm bạc; bà Chản bày trên bàn thờ hai bát hương; trên Phật, dưới vong, chờ tối xuống. 

Bóng nắng uể oải kéo qua ngọn vối bờ ao. Bà Chản ra chĩnh nước bên gốc cau, múc nước cúng. Thoáng thấy bóng mình trong khoanh nước lặng; không nhận ra mình, mái tóc hoa râm xác xơ, tàn tạ. Chờ lúc sẩm tối bà Chản mới đốt hương đèn trên bàn thờ. Nôm na, than thở những lời cay đắng. Bà Chản cứ ngồi lặng, cái bóng héo hon treo trên vách, ánh đèn thờ lắc đi, lắc lại vật vờ. 

Ðã quá nửa đêm, mọi nhà đã yên giấc trong tiếng chó sủa cầm chừng, Bà Chản muốn cúng chồng bằng lời ca, tiếng phách - Chỉ có lời ca, tiếng phách hy vọng vợ chồng được gần gụi trong khoảng cách âm dương - bà nghĩ như vậy. Bà Chản lấy cỗ phách trong hòm ra. Nhìn cỗ phách, bà thấy như được gặp ruột thịt, cùng bà chia sẻ nỗi đau. Tay run run dở vuông nhiễu điều áo phách, bà Chản với lên bàn thờ lấy chén rượu thải xuống lau phách; vừa lau vừa tìm lại những kỷ niệm từ thuở mười hai. 

Năm ấy là năm gì nhỉ. Ðêm tháng Tám, có trăng chiều. Vợ chồng người cậu bày đèn hương trên bàn thờ tổ, cháu gái Âu Thị Khuê được nhận phách tập - cũng như độ tuổi con trai buổi đầu nhận đàn - Ngay từ đêm đó, dì Huyền nắn từng ngón tay Khuê, dạy cách so dùi dạo phách... 

Trời phú cho Khuê có nét cười duyên dáng, hễ cười là cúi đầu nghiêng nhìn e lệ. Ðêm ấy Khuê ngồi tập phách bên dì Huyền mãi đến lúc trăng tà. Khuê luôn tủm tỉm, sung sướng thấy mình lớn lên trong tiếng khen của dì Huyền. 

Ðời Khuê bất hạnh từ thuở nhỏ; năm Khuê bảy tuổi bố mẹ đều mất - mẹ mất bảy tháng sau khi bố mất, trong cùng một năm. - Trên đầu tuổi thơ đã hai lần khăn tang! Khuê được bà ngoại đem về nuôi trong tình thương của bà ngoại, của cậu mợ và của dì Huyền. Cả hai bên nội, ngoại đều có nghề ca trù từ tổ tiên truyền kế. 

Tiếng phách đã chập chững đòi giội ngọc, qua mấy năm công phu luyện tập. Năm Khuê mười lăm tuổi, đã được theo cậu mợ, theo dì Huyền lưu ca nhiều nơi. Khuê và dì Huyền giống nhau như hai chiếc lá cùng nhành. Khuê lại được số phận ban cho giọng ca rầu rĩ não lòng với cái dáng thanh tú, buồn buồn của đóm sao chiều; khiến nội ngoại đều lấy làm hãnh diện. 

Năm Khuê mười bảy tuổi, sau nguyên tiêu, đêm giỗ tổ nghề; ông sáu Lục, người cao mai nhất trong họ và là một kép đàn cừ khôi - Làm chủ mọi cây đàn đáy - Chọn giờ Thân, giờ tuổi của Khuê - đó là tục lệ của nghề nhà - Chính thức trao cho Khuê cỗ phách “bản mệnh”. Và tên Khuê được ghép thêm tiếng đào - đào Khuê. 

Ðào Khuê được chọn mầu áo để mọi người so sánh. Mọi cặp mắt ngắm nghía đều thấy đào Khuê chỉ ưa vận đồ thâm. Ông Sáu Lục ban khen hết lời nhưng, không khỏi ngậm ngùi kín đáo. 

Cỗ phách là của dì Huyền. Khi đào Khuê đưa tay nhận phách, hai dì cháu đều rưng rưng trao nhận cả nước mắt. Dì Huyền bốn mốt, hơn đào Khuê đúng hai giáp. Trước kia tiếng hát của dì Huyền đã một thời khiến bao khách tình rơi lệ! Bất hạnh thay! cuối mùa hè năm kia, chẳng may dì Huyền lâm bệnh thương hàn; mấy tháng sau mới bình phục. Tóc bị rụng, giọng ca bị gãy! Dì Huyền đành trao lại cỗ phách cho cháu gái mồ côi, mà dì thương mến nhất. 

Ðào Khuê họ Âu nhận phách của họ Dương, đó là điều khác biệt với lệ thường. Ðào Khuê được dì Huyền kể lại về lai lịch cỗ phách. 

Phách bằng trúc; loại trúc ngà này chỉ ở trên đỉnh Thạch Bàn núi Tam Ðảo mới có. Trúc mọc trên đá, phía sau đền Tây Thiên. Hẳn vì quanh năm mây trắng bao phủ nên từ thân đến lá đều mầu trắng ngà; nhờ chọn gió đỉnh cao quanh năm, từng thớ trúc nhiễm sức bay xa của gió nên khi giội phách, âm thanh lượn lờ linh vọng. Người ta truyền ngôn từ xưa các triều vua, chúa đã chọn lấy trúc đó về làm phách ngự cho cung nữ. Người dân mãi sau này mới dám sử dụng - Vì lẽ gì thì chẳng biết - Nghề ca trù nhiều vùng đều ao ước; có lẽ người ta cậy vào nơi sinh trưởng của trúc mà đặt cho tên đẹp là “tiên phách”. Không phải ai muốn lấy trúc cũng được. Hẳn phải có sự cấm kị, ngăn cản của sơn thần. Muốn lên lấy trúc phải tính tuổi như làm nhà vậy; lại phải xem ngày, phải tu lễ dâng cúng tại đền Tây Thiên; phải gieo đủ mười hai tiền (?)xuống dòng suối giải oan; phải xin âm dương được quẻ mới dám động thủ phạt mộc. 

Phải chăng việc lấy trúc làm phách đã qua nghiệm chứng mà người người truyền miệng, hay chỉ là lời tầm phào đơm đặt nên chuyện. 

Thời bà ngoại của đào Khuê còn đang tuổi thanh xuân, cụ ông kỳ công thuê một tay thợ vùng Vĩnh Tường đứng tên cụ dâng lễ lên núi xin trúc. Thợ phải tựa vào mắt đốt lần đám qua bốn trục “Sinh - Lão - Bệnh - Tử” chọn lấy một đốt cuối Tử đầu Sinh. Có nghĩa là cỗ phách nằm giữa hai cõi Tử, Sinh. Cỗ phách được bào chuốt, bóng lọng màu ngà. Ông cụ còn muốn dựng cỗ phách kiểu phách của cung nữ đời hậu Tống nên đã thuê thợ kim hoàn cẩn vào hai đầu dưới lòng phách một nửa phân vàng mười chia đôi - Và cũng đặt cho cỗ phách quý này cái tên sang trọng là “Kim Phách”. 

Quả thật, hằng năm cứ vào quãng cuối thu, kim phong chập chùng lay mỏi, mỗi lần dạo phách, thấy thoát lên lanh lảnh tiếng ngọc va ngọc. Cái âm ngọc ấy nó chọn tai người nghe! 

Bà ngoại nâng niu cỗ kim phách được vừa trăm ngày thì lâm bệnh! Xem ra là xung mệnh; buộc phải rời tay khỏi phách. cỗ kim phách được cất kỹ, mãi sau được trao cho dì Huyền - Tuổi Thân - Mệnh kim, dì Huyền sau đó lại trao cho đào Khuê, cũng tuổi Thân - Hợp mệnh. 

Cỗ kim phách truyền tay ba đời. Cỗ kim phách, đào Khuê gìn giữ bằng tình cảm tâm gia - Coi là “phách mệnh”. Tiếng phách lần giao âm ngọc với ngón đàn của kép Chản so dây. 

Mấy chục năm gắn bó, phút chốc nghề nghiệp sa cơ! Làng ca trù ngao ngán, buộc quay lưng với đàn ca, quay lưng với tri âm; quay lưng với chính bản thân!... 

... Dưới ánh đèn con trên bàn thờ tãi sáng chập chờn yếu. Bà Chản dằn vặt duyên phận; chẳng biết vì đâu mà lúc âm dương chia cách, vợ chồng không được nhìn nhau lần cuối! - Người ra đi vì sao không gửi lại cho nhau được nửa lời!? Vẫn chiếc áo thâm ăn dáng, hứng nước mắt chưa khô lại ướt. Bà Chản run tay đập phách; nghẹn ngào, mấy lần không cất nổi tiếng ca - lời dã biệt cuối khổ sòng mà vợ chồng rất tâm đắc, lúc canh tàn, tiễn bạn... 

Tiếng phách luôn vấp nhịp; tan dọc, tan ngang nhỏ dần; như từ thiên cung vọng xuống, như từ sâu thẳm vọng lên chờ đợi tiếng ca. Bà Chản chỉ thốt lên được mấy tiếng cuối khúc, cuối câu: “...Lúc phân trình rầu rĩ lắm ai ơi!..” Quen tay đập mạnh phách cắt nhịp. Bỗng phách câm đột ngột. Bà Chản không tin ở tay mình, vội xóc hai dùi đơn, kép đập lại. Phách chỉ phát ra tiếng bồm bộp, như đập vào tre ải. Hương đòi tàn, đèn muốn tắt! Bà Chản sửng sốt, cầm phách lên tay nhìn kỹ; phách vẫn nguyên dáng; màu ngà đang phai dần, ngả hẳn sang màu sáp ong dưới ánh đèn leo lét, lạnh lẽo vây quanh. Bà Chản rùng mình, quay nhìn quanh quất. Hai bàn tay khô héo đan chặt vào nhau. Linh mệnh thầm nhủ, bà Chản nhận biết “Bạn cũng ra đi”. Phải chăng kim phách có tiền oan! Mảnh áo thâm đang khoác điều tiền định: duyên mệnh! Lại một lần nữa như bị xẩy chân trên bờ vực thẳm! Bà Chản khóc không ra tiếng, cúi nhận thêm một cái tang - Tang bạn! 

Hôm sau, mặt tàn tạ chúi trong nón cũ, với cái dáng tiều tụy trên đường gió đẩy, hai vai chĩu nặng thê lương, bà Chản vươn bẻo chợ Phùng, mua về ba vuông vải trắng làm đồ khâm liệm bạn. 

Sau bữa cúng cơm chiều, bà Chản lấy phách ra lau rượu lần cuối; mùi rượu dâng men cuốn theo cả cái mùi tục lụy của dĩ vãng đăng đắng tan bay. Bà Chản gói kín phách trong ba vuông vải trắng, bên ngoài bọc vuông nhiễu điều. Khâm liệm xong, bà Chản nâng phách lên đặt cạn bát hương, đốt thêm ba nén, có ý để vong linh chồng chứng cảnh. Bà Chản lại hạ phách xuống khâm liệm lại; vuông nhiễu điều áo phách được gói bên trong, vải trắng gói bên ngoài; vẫn cứ băn khoăn, bối rối không biết thế nào là phải. 

Chờ lúc chạng vạng, bà Chản mang cỗ phách ra phía bờ ao, tìm nơi mai táng. Nách bên trái ủ chặt phách; tay phải cầm một cái sén cấy rau, bà Chản vừa khóc vừa cạy đất. Cạy đến hai, ba chỗ, chưa thấy yên lòng, lại lấp đi, lại đào tiếp một huyệt, lấp đất và nói xuống huyệt: “Bạn không ở lại, đời đào Khuê chả biết ngày mai ra sao? Ðào Khuê đặt bạn nằm yên đây để bạn khỏi bơ vơ!” - Hai bàn tay bóp đất, vun một nấm mộ nhỏ vừa bằng chiếc gối đầu để có thể ở trong nhà vẫn nhìn thấy. Ngồi lặng bên mộ phách một lúc lâu, bà Chản đứng dậy liêu xiêu vào nhà. Trong nhà, bóng tối đã tràn ra ngoài cửa. Ðứng trước hiên lùi lại vài bước, bà Chản cảm thấy lạ lẫm, trống rỗng; ngơ ngác không biết mình đang ở đâu? 

Nghề ca trù mất - bàn tay nào mưu toan bức tử? Nghiệp ca trù vẫn còn đeo đẳng trong linh hồn, chờ vận hội tái sinh. Phải chăng âm thanh của lời ca, của đàn, phách không chịu khuất phục, không chịu nhục nhã quỳ gối trước công đường lầy lội nhớp nhơ - Nhất loạt tự sát! - Bởi không còn thấy một chân trời nào có thể đặt bước lưu vong.■ 

Hà Nội 12-58

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét