Thứ Bảy, 27 tháng 7, 2019

Nguyễn Đức Tường: 1954, ngày ấy...

Tầu Ville de Haiphong hú còi một lần cuối cùng rồi từ từ chuyển bến. Đây là lần đầu tiên trong đời Tuấn được đi trên một con tầu xuyên đại dương. Đứng trên boong tầu Tuấn rất xúc động, tâm hồn xáo trộn bởi những gì chưa đến, đầy thử thách và bất trắc, và những gì thân thương, quen thuộc đã bỏ lại đằng sau. Anh nhìn bến tầu đang lùi xa dần, bến tầu mà ở đây chiều chiều anh cùng bạn thường ra hóng mát, nói chuyện gẫu. 

Anh đưa mắt tìm chỗ đứng thường ngày của mấy xe bán đồ giải khát hay xe bán thịt bò khô của anh Năm. Nghĩ đến anh Năm và nước ớt cay thịt bò khô của anh, Tuấn thấy mồ hôi chảy râm rấp trên trán. Những bộ mặt phong sương, chất phác này không còn ở đây nữa; ngày hôm nay, chỗ đứng của họ đầy rác rưởi, người vội vã đi lại tấp nập. Tuấn bất giác đưa tay lên lau mắt, kín đáo chùi mấy giọt nước mắt đang chực trào ra. Vĩnh biệt tất cả! 

Vĩnh biệt những buổi chiều chủ nhật đi xe đạp dọc đường Quán Thánh, mải nói chuyện bánh xe lọt vào đường xe điện ngã nổ đom đóm mắt, hay Gò Đống Đa, hay Nghi Tàm, hay Cổ Ngư. Vĩnh biệt phố Cầu Đất, đường Cát Dài, vườn hoa Con Cóc, những bãi đá bóng của thành phố hải cảng này. Vĩnh biệt những bạn bè còn ở lại. Vĩnh biệt những mối tình đầu, vĩnh biệt Hiền Đen, Minh Trắng, rồi Hồng, rồi Phụng, rồi Phi...

Cái số đào hoa vỏ này đã bao đêm làm Tuấn mất ngủ. Học trên các cô này hai lớp mà quen được với các cô là một thành công lớn, "succès fou" như bạn bè thường nói. Nhưng có lẽ những thành công này hoặc quá lớn hoặc chưa đủ lớn, liên hệ giữa các cô và anh quá "bình đẳng", Tuấn chưa bao giờ "anh anh, em em" với một cô gái nào hết. "Giá mà mình học trên các cô thêm một lớp nữa..." Tuấn nghĩ thầm tiếc rẻ, rồi cười tự chế nhạo cái "giá mà" trẻ con rất khiêm tốn của mình. "Giá mà cái mũi của Cleopatra dài ra hay ngắn đi một chút nữa..."

Một câu thơ của Xuân Diệu chợt hiện trong đầu: "Rồi một ngày mai tôi sẽ đi..." Trong giấc mộng ban ngày Tuấn mường tượng một chàng trai phong sương, từng trải đang dầm mưa dãi nắng ở một vùng đất xa xôi, trời đánh nào đó. Tuy điều đó không đem lại một kết quả nào cụ thể, nó ích lợi ở chỗ đó là một hình ảnh lãng mạn thật đẹp, thật chua xót, sẵn có và vô hại. Cho các cô biết thân! 

Trong nhiều tháng trời, đối với Tuấn, Hiền là chỗ bắt đầu và cũng là chỗ cuối cùng của cuộc sống. Cô có tên tục Hiền Đen chỉ vì lý do giản dị là ở cuối phố có Minh Trắng, hay ngược lại. Thật ra Minh Trắng không trắng đến như vậy cũng như Hiền Đen không đen đến như vậy. Đó là tên bọn con trai gọi sau lưng các cô, lâu ngày thành thói quen, tên dính với người, không xấu hơn mà cũng không đẹp hơn, nhưng chắc chắn là không thể lầm với những Hiền hay Minh khác. 

Hiền có nước da bánh mật, khỏe mạnh, người dạn dĩ với chiếc răng khểnh duyên dáng. Mỗi khi cô nói hay cười, nó mới mẻ như buổi bình minh với những tia nắng mát trong lành chan hòa trên cỏ ướt. Nhưng những tia nắng sớm ấy cũng là những mũi dao trích sâu trong tim anh, khi cô vui vẻ kể chuyện mấy chàng học trên cô ba lớp, hoặc người này theo cô hoặc người kia bắt em gái dúi thư cho cô. Vì Tuấn đã trở thành ông anh bất đắc dĩ tự lúc nào! Anh là người để Hiền sai vặt, để hỏi Toán Lý Hóa, để than phiền, để khoe cái này cái nọ, để trăm thứ bà rằn khác... Chỉ trừ câu chuyện yêu đương, về chuyện này - tiếng Việt nói làm sao - Hiền "strictly business". 

Dần dà hai người ngầm đồng ý với nhau, nó như một thứ phản ứng hóa học, mọi nguyên liệu đầy đủ sẵn sàng ở đó, chỉ thiếu chút ít chất xúc tác vô duyên chưa ai tìm ra. Để được gần cô, Tuấn an phận yêu cô một cách âm thầm. Còn Hiền, Hiền không hề quay quắt lợi dụng anh. Cô quý anh như một người thân, chăm nom, săn sóc anh nhỏ nhỏ.

Đã ra đến cửa bể, sóng nước mênh mông, con tầu trở nên thật bé nhỏ, vô nghĩa. Tuấn thấy mình còn bé nhỏ, vô nghĩa hơn. Anh nhớ Hiền da diết. Cảm nghĩ cô đơn và bất an khiến anh không còn muốn đóng kịch làm anh hờ nữa.

Hoàng hôn đang dần xuống. Xa xa, mặt biển nối với mây trời rực rỡ như bức màn sân khấu nhà Hát lớn thành phố. Hiền thường đứng trước bức màn sân khấu ấy trong những buổi dạ hội Tết hay cuối năm của nhà trường. Trước mắt anh, Hiền kiều diễm hiện ra, tay cầm micro, một bàn chân đi giầy đỏ nghiêng nghiêng, đầu ngón chân ấn xuống sàn gỗ. Cô đưa mắt nhìn anh, rồi cất giọng trầm ấm hát Khúc nhạc Ly hương của Lâm Tuyền:

... Rồi một hoàng hôn ta sẽ hồi hương,
Trở về quê xưa thêm bao tình thương,
Bao con buồm xưa đến đón cố nhân,
Với bóng thân yêu ngàn đời chờ mong,
Mây trời bao la...

"Mây trời bao la... Hiền ơi!" Tuấn nghe lòng mình thổn thức. Vì đấy là hình ảnh đầu tiên về Hiền mà Tuấn còn giữ được, vì đấy là lý do đầu tiên khiến anh quấn quít bên cạnh cô em hờ tài hoa như sắt vụn với nam châm. Sóng vỗ cạnh tầu, nước bể trong xanh đã đổi sang mầu đen thẫm. Tuấn sẽ không bao giờ gặp lại Hiền nữa.

Đêm đã khuya, mảnh trăng lưỡi liềm treo heo hút trên trời biển, thỉnh thoảng một đàn cá bạc nhẩy loang loáng trên mặt nước. Sóng biển mạnh làm nước bắn lên ướt hết boong tàu. Tuấn tìm chỗ ngồi kín hơn cho ấm và cho đỡ ướt. Anh ngồi lặng im như vậy thật lâu, nghe nỗi thống khổ, tuyệt vọng tràn lan, xâm chiếm tâm hồn và thể xác mình. Nhưng không ai có thể chịu đựng thứ tình cảm vô cùng ấy được lâu nếu không tự hủy diệt. Nó như một thứ ma túy dần dần làm tê liệt mọi cảm quan; Tuấn nhận ra chân lý đầu tiên: nếu ta vẫn sống, ta sẽ có thể quen với mọi nỗi thống khổ. 

Tuấn quên đêm đã lạnh và gió thổi mạnh. Trong cái cô liêu hoang sơ của biển đêm anh lan man ngẫm nghĩ về đời sống và chết chóc, về tình yêu và ly biệt. Anh nhìn anh trong một bối cảnh rộng lớn hơn. Tuổi chưa đầy mười tám, đây là lần thứ bao nhiêu gia đình Tuấn đã bỏ hết nhà cửa để ra đi, tài sản là những gì mang được trên lưng. Rồi anh nghĩ rộng, ngạc nhiên và thán phục tính kiên trì, nhẫn nhục, cái bản năng sinh tồn rất mãnh liệt của cả một dân tộc mà gia đình anh hay chính anh chỉ là một thành phần có lẽ rất trung bình. 

Đã nhiều thế hệ, hình như lúc nào họ cũng ở vào thời điểm bắt đầu, lúc nào cũng làm một công việc bề ngoài trông thật vô vọng, như những con dã tràng cố vê những tường thành bằng cát; vậy mà, cách này hay cách khác, luôn luôn tìm được một niềm hy vọng, một niềm tin mới. Mối tình chua xót manh nha của anh dần dần siêu thoát; trong cái điêu tàn suy sụp ấy anh không thể tìm thấy hạnh phúc nhưng dần dà anh cũng nhìn thấy những đẹp đẽ, tốt lành; những giờ phút êm dịu mà anh đã sống, mà anh đã có là những kho tàng dự trữ, những niềm an ủi, khả dĩ xoa dịu bớt được những vết thương. Từ đấy, trong anh bắt đầu nẩy nầm những niềm hy vọng mới.

Từ mười mấy tháng nay, lần đầu tiên Tuấn thấy tâm hồn thanh thản, anh ngồi bình tĩnh nhìn lại những thay đổi của đời mình. Hiền vô tình với anh đến thế kia ư? Không phải, Hiền không vô tình với anh mà có lẽ vì anh tham lam, vội vàng quá. Hiền là một cô gái mới lớn, thành công, có nhiều chàng trai chạy theo mà Tuấn là một. Do đấy cô không phải vội vã có một mối tình như anh mong muốn, có vậy thôi. Hiền chấp nhận anh vì anh chấp nhận Hiền trong điều kiện đó. 

Nhưng tất nhiên mối liên hệ đó không đứng một chỗ, cả hai cùng đang lớn, dần dà chính anh cũng biết Hiền chỉ hững hờ với anh ngoài mặt. Hiền không muốn làm ngắn cái thời gian mà cô gọi là "thời gian ấp trứng" này. Một lần nhân một câu chuyện nào đó cô cười đùa: "Nhưng anh không thể bắt con gà ấp quả trứng nhanh lên được!" Hơn nữa cách dàn xếp này thật tiện cho cô vì Tuấn được ra vào nhà cô khá tự do và tự nhiên, mẹ cô đỡ phải bận tâm.

Những tháng trước mùa thi là những tháng "cỏ vê" êm dịu của đời Tuấn. Đó là những tháng hình như lúc nào anh cũng đứng bên bờ vực thẳm. Vì trên thực tế Tuấn đang sửa soạn thi cả hai bằng Trung học Phổ thông và Tú tài cùng một lúc: anh phải chỉ cho Hiền cả Toán lẫn Lý Hóa. 

"Tại sao anh không đi thi hộ Hiền, có phải như vậy đỡ mất thì giờ cho cả anh lẫn Hiền không?" 

Cô bé đôi khi nói rỗi. Hay khi anh nói xẵng không nhớ được hằng đẳng thức đáng nhớ [1]thì làm sao hiểu được phương trình bậc hai, cô gái rắn mắt hỏi lại một cách ngây thơ,

"Nhưng Hiền không thấy có cái hằng đẳng thức nào đáng nhớ hết!" 

"Sau này tôi viết sách giáo khoa tôi sẽ không gọi nó là hằng đẳng thức đáng nhớ mà là hằng đẳng thức phải nhớ." 

Không bực mình lâu được, anh đành cười. Nhưng cô gái đáo để không buông tha anh, quay đi để dấu một nụ cười tinh quái cô xát thêm muối,

"Nhưng khi ấy thì Hiền đâu còn phải nhớ những hằng đẳng thức phải nhớ của anh nữa."

Cuối cùng Tuấn cũng thành công nhét vào trong cái đầu xinh đẹp ấy những hằng đẳng thức đáng nhớ và vô khối thứ "đáng nhớ" khác. Trong những ngày tàn của cuộc chiến Hiền thi đỗ bằng Trung học Phổ thông, còn Tuấn thi không trượt bằng Tú tài. Mẹ Hiền rất cảm ơn Tuấn, bà sung sướng nói: "thật là lưỡng thủ khôi nguyên!" Hú vía!

Rồi những ngày thật buồn phải đến. Gia đình Hiền quyết định ở lại, không đi vào Nam. Một buổi chiều đầu hạ không gắt nắng, Tuấn đến chào từ biệt. Đứng trong sân trong nhà Hiền, dưới bóng mấy cây hoa ngọc lan và hoa đại mà ông thân sinh Hiền đã chăm chút từ mấy chục năm, hai người im lặng theo đuổi những ý nghĩ của riêng mình. Mãi mãi Tuấn mới nói, không mấy tin tưởng ở chính mình, 

"Chắc phải hai năm mình mới có dịp gặp nhau lại."

Tuy còn nhỏ tuổi Hiền đã tỏ ra hiểu biết rất chín chắn về thời cuộc, Hiền trả lời,

"Hiền không nghĩ chuyện đó sẽ xẩy ra đâu, anh." 

Rồi cô bỏ lửng câu chuyện. Một làn gió nhẹ, giữa hương thơm ngào ngạt của hoa lan, hoa đại Tuấn ngây ngất ngửi thoang thoảng mùi tóc, mùi ngai ngái gây gây của cô gái dậy thì, mối tình đầu của anh. Tuấn yêu Hiền có lẽ còn hơn chính bản thân mình. Anh chưa bao giờ dám chạm vào da thịt Hiền như sợ sẽ làm ô uế một thứ gì thiêng liêng, thần thánh. Sau cùng Hiền lên tiếng,

"Hiền nghe nói gia đình Minh đã đi rồi, vào trong đó anh nên liên lạc lại với Minh."

Cô không nói thêm, hai giọt nước mắt đang từ từ lăn trên gò má. Tuấn lấy ngón tay khẽ di di mấy giọt nước mắt trên má Hiền. Cô đứng im để anh lau khô nước mắt. Đó là chất xúc tác, đó là giờ phút Tuấn chờ đợi từ bao nhiêu tháng nay, anh biết chỉ cần đưa tay nâng cằm Hiền... Tưởng tượng hình ảnh miệng Hiền hé mở chờ anh làm anh ngạt thở, Tuấn cảm thấy máu chẩy mạnh trên thái dương. 

Lau khô ngấn nước mắt cho Hiền xong, Tuấn thở ra thật dài, nói chuyện Minh là chuyện về sau, đến đâu hay đến đó. Mấy giọt nước mắt cùng giọng nói nhẫn nhục của Hiền là bằng chứng của một mối tình chân thành, đã âm ỷ cháy từ lâu; chúng cũng có ý nghĩa chấp nhận sự thất bại và là tấm giấy phóng thích Tuấn. 

Hai người còn trẻ quá. Những ngày mới quen, như để nhấn mạnh liên hệ giữa hai người không khác gì hơn là tình bạn Hiền hay nói giới thiệu cô này cô nọ cho Tuấn. Nào là Hồng, là Phụng, là Phi, nhưng không bao giờ có Minh Trắng. 

"Thôi, để Hiền giới thiệu anh cho Hồng, hay Phụng. Hay anh thích Phi hơn?"

"Tôi không thích cô nào hết, không phải vì tôi chê gì các cô ấy. Nhưng tại sao không là Minh Trắng?"

"A, Minh thì anh phải làm ăn lấy một mình!"

Nhưng khi thấy Tuấn "làm ăn lấy một mình" hơi quá nhiều thì Hiền hay hờn mát; cô chỉ yên tâm, vui vẻ trở lại khi thấy địa vị của mình không bị đe dọa. Tội nghiệp Hiền quá lo xa, ngày nào cô còn ở đó thì không chuyện gì có thể xẩy ra được. 

*

Bốn năm sau Tuấn gặp lại Minh ở Sài Gòn. Hai người vẫn thân nhau như xưa, nhưng bây giờ đã có nhiều thay đổi lớn trong hoàn cảnh: một là Hiền không ở đây, hai là hai người đã đã trưởng thành vì lớn thêm bốn tuổi, và ba là Minh mới đính hôn. Một phần vì hiền thục, một phần vì không có gì hấp dẫn hơn trong tương lai gần trước mắt nên khi có người dạm hỏi và bà Phán, mẹ Minh, ưng ý, bà không gặp mấy khó khăn thuyết phục cô con gái. Bà Phán hài lòng vì cậu rể tương lai "cũng" là một kỹ sư. 

Bà là người tốt bụng, bà vẫn chăm đón niềm nở với Tuấn. Bà ân cần hỏi thăm anh đi đâu trong bao nhiêu năm mà bây giờ mới gặp lại. Tuấn kể cho bà nghe gia đình anh vào ở trong Trung và anh học ở Huế.

"À, thế bây giờ cậu học gì, đến đâu rồi?"

"Dạ, thưa cháu đang học Cơ học Thuần lý," [2] Tuấn kiêu hãnh trả lời.

"Ừ, cũng được. Nghề nào chẳng là nghề, nhất nghệ tinh nhất thân vinh. Tôi có quen một cơ sở dậy về cơ khí và sửa chữa máy móc ở dưới phố, nếu cần tôi có thể giới thiệu cậu được. Mình bà con di cư với nhau ở trong này, nếu không giúp đỡ lẫn nhau thì ai giúp đỡ mình bây giờ."

Minh ngồi sau lưng mẹ định lên tiếng giải thích nhưng thấy Tuấn đưa mắt ra hiệu nên cô thôi, ngồi im bụm miệng cười đồng lõa. Là người nhận những ân huệ như vậy, thuần lý hay nghịch lý không là điều quan trọng, Tuấn nghĩ cơ sự này anh chỉ còn một con đường để chọn, ấy là con đường bỏ nước mà đi. Anh bỏ nước anh đi. Vừa tránh được một sì căng đan đang đợi để xẩy ra, nhưng đó là chuyện về sau. 

Trong khi chờ đợi, mặc dầu rất ghét bài bạc, để làm vui lòng các bà Tuấn bao giờ cũng sẵn sàng thành chân dự khuyết khi các bà cần đến. Trên đường đến hầu bài (vì tuy chắn là trò chơi may rủi, nếu chú ý một chút cũng rất có ích) Tuấn thường vừa đi vừa lẩm bẩm tụng kinh cho thuộc bài, "Tam vạn, tam sách, thất văn; cửu vạn, bát sách, chi chi. Tam vạn..." [3]Trong sự nghiệp hầu bài các bà, Tuấn chưa bao giờ thua. Vì vậy càng về sau anh càng ít được mời chơi; Minh cho biết là bần cùng lắm các bà mới cho đi kiếm anh.

Số Minh không may. Tuấn là cậu trai đầu tiên đến với Minh khi cô bắt đầu biết thích con trai. Nhưng tai ác thay trong bao nhiêu tháng trước khi di cư, Minh phải "chơi vĩ cầm, phần hai" cho Hiền. Minh biết ngày nào còn Hiền thì đối với cô Tuấn chỉ là một người bạn khác phái. Tiếp đến cuộc di cư, gia đình Minh cần mấy năm để ổn định và để Minh học cho xong trung học. Bây giờ Minh đang học PCB, một chứng chỉ ở Đại học Khoa học để chuẩn bị vào Y Khoa.

Một buổi sáng đi ngang cửa phòng thí nghiệm thực hành sinh vật học Tuấn trông thấy đám tóc quăn quăn buộc đuôi ngựa bằng nơ đỏ trên cái gáy trắng quen thuộc, chủ nhân của chúng đang lúi húi mổ con nhái. Đúng là Minh, Tuấn bước đến sau lưng cô khẽ nói vào tai,

"Người đẹp gì mà độc ác quá vậy!"

Nhận ra Tuấn, Minh xuýt nữa kêu rú lên trong phòng thí nghiệm. Buổi chiều hôm đó hai người cúp cua, ngồi ôn lại chuyện ngắn dài của bao nhiêu năm. Từ đó họ không rời nhau nửa bước, suốt ngày những khi không có giờ học hai người thường ngồi học chung với nhau ở một góc thư viện.

Gặp lại Tuấn, đời sống của Minh tươi vui hẳn lên. Tươi vui vì hai người đã có chung với nhau những chuyện riêng tư vui buồn, đứng đắn hay hài hước đến nay đã ngót chục năm; do đấy nhiều khi ở ngay giữa đám đông họ cũng chỉ cần một hai tiếng là đủ để hiểu nhau. Ôi, làm sao Tuấn quên được Tết năm ấy, ngồi bên cạnh Minh đánh tam cúc, khi mỗi kinh nghiệm trong đời sống của anh hãy còn là một kinh nghiệm đầu đời!

Nhưng lúc này, khi Tuấn thật là của riêng cô thì Minh lại phải sống dưới cái bóng rất dài của một người chồng chưa cưới. Là một cặp thanh niên lành mạnh họ không được tự do yêu nhau một cách lành mạnh. Nhiều lần áy náy, Minh nói với Tuấn rằng cô có ý định từ hôn; hơn nữa cô đã tới điểm không chịu đựng nổi mỗi chiều chủ nhật phải ngồi tiếp chuyện người chồng chưa cưới một cách bất đắc dĩ. 

Rồi đối với bà Phán nữa. Tự nhiên ngày ngày trang điểm, náo nức chăm chăm đi học thì "đến chó nó cũng biết." Minh rất gần với mẹ, cô không quen nói dối, nhất là với mẹ; vả lại,người dưng khác họ chẳng nọ thì kia, cô cũng chỉ biết ngần ấy cách giải thích làm sao "gió thổi bay mất áo!"

Tuấn cũng có nhiều khó khăn không kém. Chỉ còn không đầy hai tháng nữa Tuấn sẽ xuất ngoại du học. Đó là cái đích không thể thay đổi mà Tuấn đã nhắm từ ngày còn rất bé. Ở thời điểm đó, đó là một bài toán mà Tuấn không tìm ra bài giải. Bỏ Minh hay bỏ học, cả hai đều không đáng gọi là bài giải. 

Ở lại cưới Minh bà Phán chắc cũng không quá phiền sau khi hiểu Tuấn không đến nỗi phải kiếm ăn bằng nghề sửa xe, nhưng đó không là vấn đề. Vấn đề là hạnh phúc, nếu có, có lẽ sẽ là một thứ hạnh phúc không toàn vẹn. Minh cũng nghĩ thế, cô không hề làm áp lực giữ anh ở lại. Cuối cùng chính Minh giúp Tuấn làm quyết định nên đi học, với một lý do thật hèn, kém phần sáng tạo và thẩm mỹ là Tuấn đi để cho gia đình Minh đỡ "tai tiếng". 

Hôn nhân của Minh vì vậy không phải là kết quả tự nhiên của một mối tình, mà là một hôn nhân có đầy đủ tính chất của một hôn nhân cổ điển. Nói như thế không có nghĩa đó là một hôn nhân không hạnh phúc. Vả chăng, hạnh phúc là một quan niệm hết sức co giãn, tương đối; miễn là ta đừng khó tính hay tham lam quá có lẽ ta có thể tìm thấy hạnh phúc ở bất cứ xó xỉnh nào. Tuấn nhớ lại chuyện Camus kể về ông già và con chó cùng sống trong một chung cư, mà anh đã đọc. Sống cạnh nhau lâu năm, quen nhau quá, ông già thì hay ủng oẳng, còn con chó thì hay càu nhàu. Người và chó cãi nhau cả ngày nhưng nếu không có nhau thì cùng thấy khốn khổ. Vậy thì không khốn khổ cũng đã là một thứ hạnh phúc!

Trong trường hợp của Minh, cô sẽ phải bớt tươi vui đi để mà có hạnh phúc. Tuấn rất thán phục cách xử sự "thật đàn ông" (real man, whatever that means!) của Minh khi cô đi lấy chồng. Không hẳn là một chọn lựa tự do, nhưng dù sao thì cũng là một chọn lựa mà cô không phải là kẻ bàng quan. Trước ngày cưới Tuấn nhận được thư của người yêu cũ, kể rằng cô rất ngạc nhiên thấy mình sửa soạn đám cưới một cách thật vui vẻ, hào hứng. Để kết luận, cô viết, 

"...Bạn hỡi, hai tuần nữa Minh sẽ đi. Anh hãy mừng cho Minh đi! Minh chỉ ân hận một điều là từ nay mình không còn tự do thư từ như trước nữa. Nếu số mệnh đã an bài rằng Minh chỉ có cây dâm bụt thì Minh sẽ chăm nom, săn sóc cho cây dâm bụt đó.

Chắc Minh sẽ không có nhiều thì giờ mơ mộng, ngồi nghĩ vơ vẩn hay nhìn ngắm mây trời đâu. Anh có còn nhớ bờ rào dâm bụt nhà Minh ngày xưa ở ngoài Bắc không? Bờ rào đầy hoa dâm bụt đỏ thắm ở đấy mấy con chim khuyên thường nhẩy vào nhẩy ra tíu tít, trông thật vui mắt, đúng không anh?"

Tuấn còn nhớ rõ bờ rào dâm bụt đó lắm vì Minh và anh thường hay đứng đó nói chuyện. "Tôi xin lỗi Minh..." Tuấn thở dài, thầm nói một mình.

*

Tuấn đã sửa soạn cho cuộc họp mặt hàng năm của các bạn học cũ từ mấy năm nay. Khi Tuấn đến nơi thì buồng họp đã đầy người. Đã mấy chục năm mới thấy lại những người bạn đồng khóa cũ, Tuấn bị tràn ngập bởi một xúc động cực kỳ. Khi ta đi, tóc rễ tre cứng đầy đầu, đen mướt; khi ta về, Tuấn nhìn quanh khắp buồng, quá nửa chỉ còn chừng phần tư mái tóc, nay mầu tiêu muối và mảnh như tơ. 

Ở góc buồng ai đã thay băng nhạc, tiếng hát truyền cảm của Lệ Thu vang ra từ loa phóng thanh. Giọng Lệ Thu thường thường rất mạnh và chắc, nhưng ở bài Thương Tình Canày giọng cô thật dịu như an ủi, vỗ về để ru ngủ cho yên. Cô hát:

Dìu nhau sang bên kia thế giới,
Dìu nhau nương thân ven chín suối,
Dắt dìu về tới xa vời đời đời
Dìu nhau đưa nhau vào nghìn thu...

Gặp lại bạn Huế cũ đột nhiên Tuấn nẩy ra ý định muốn tìm thăm lại những người bạn gái Bắc, 1954, ngày ấy... Tuấn mới biết tin tất cả. Minh vẫn ở Sài Gòn, còn Hiền ở miền Đông-Bắc nước Mỹ. 

Tuấn dự định về thăm Sài Gòn vào năm tới, chuyến này anh nhất định sẽ đến thăm Minh. Nếu ngày ấy Minh từ hôn thì mọi sự sẽ ra sao? Có khi Minh và anh sẽ cùng đi ngoại quốc! Gặp lại Minh, Tuấn nghĩ cô không có điều gì áy náy. Cô sẽ đón tiếp anh như một người bạn. Tuấn sẽ cố lấy can đảm hỏi Minh cho rõ là ngày ấy thực ý Minh muốn nói Tuấn hèn hay "lý do hèn". Tuấn tưởng tượng Minh sẽ gọi cho các con chào anh, rồi sẽ bảo con rót nước mời anh uống. Cô sẽ nhìn anh cười một cách khoan dung, có lẽ thoáng buồn, và nói, "nhắc lại làm chi, chuyện qua đã lâu rồi."

Còn Hiền, cô sẽ tiếp Tuấn như một người anh. Anh đã chẳng từng dậy cô học hút chết đấy ư? Năm nay Hiền đã năm mươi tám tuổi, nghe nói cô có một cháu ngoại. Vì không muốn làm đời Hiền phức tạp thêm, Tuấn đã làm một cố gắng phi thường là không ôm hôn cô khi từ biệt. Mỗi khi nghĩ đến Hiền, Tuấn tự hào mình đã có một cử chỉ rất đẹp và cao cả. Nhưng bây giờ nghĩ lại, nhìn lại lỗi lầm trong cách mình đối xử với Minh, Tuấn không còn tin ở mình lắm nữa. Với Hiền, anh xử sự như vậy có đúng hay không? Anh nhớ Xuân Diệu đã từng hạ bút: 

Thà một phút huy hoàng rồi chợt tối,
Còn hơn buồn le lói suốt trăm năm...

Không cho Hiền nụ hôn tinh nguyên của hai đứa trẻ mới yêu, một dấu tích khó phai nhòa, có lẽ Tuấn lại có một hành động nữa hoặc sai lầm hoặc không cần thiết. 

Ở vào tuổi khi mọi người bắt đầu gói ghém những việc đã làm trong đời sống, Tuấn bắt đầu đặt câu hỏi về ý nghĩa thầm kín những việc đã làm trong đời sống. Tuấn cảm thấy bất an. Thôi, một lần này thôi, Tuấn sẽ không tìm gặp lại Hiền, có những câu hỏi không nên có câu trả lời. Hãy để Hiền giữ hộ nụ hôn đầu, thắm thiết nồng nàn, hãy còn rất mới như cốm đầu mùa, chưa bao giờ hái.

(Trích từ Đường về)

[1] Trong sách toán ở Trung học, hằng đẳng thức đáng nhớ dịch từ tiếng Pháp "les identités remarquables".

[2] Cơ học Thuần lý, tên một chứng chỉ của Cử nhân Khoa học, dịch từ tên Pháp Mécanique Rationnelle. Có dùng tiếng Pháp cũng không khá hơn, vì thường được gọi tắt là "Méca Rat", loài chuột cống cơ động.

[3] Đánh chắn mà chỉ "ù xuông" thì không mấy hứng thú và không được nhiều. Nếu khi ù mà trong tay có những bộ ba quân như "tam vạn, tam sách, thất văn" (tôm) hay "cửu vạn, bát sách, chi chi" (lèo) thì đời... lên hương nhiều lắm.