Thứ Tư, 26 tháng 6, 2019
Văn Bảo: Vì sao sinh viên Việt Nam không thể biểu tình như sinh viên Hong Kong?
Trong những ngày qua, những hình ảnh từ cuộc biểu tình chống lại Luật dẫn độ tại Hong Kong khiến nhiều người tỏ ra thán phục trước quy mô, kỷ luật và sự văn minh của nó. Một trong những nhân tố giúp các cuộc biểu tình ở Hong Kong những năm qua được tổ chức khá thành công chính là sự tham gia của các hội nhóm học sinh, sinh viên mà tiêu biểu là nhóm Học Dân Tư Triều. Cũng vì vậy, nhiều độc giả Việt Nam đã đặt câu hỏi: sinh viên Việt Nam ở đâu trong các cuộc biểu tình?
Khi nhìn những hình ảnh về các cuộc biểu tình gần đây ở Việt Nam, có thể dễ dàng nhận thấy những gương mặt trẻ không chiếm số đông trong đoàn người. Những gương mặt thư sinh đeo kính quen thuộc của sinh viên lại ít thấy hơn nữa. Thực tế, nhiều sinh viên đã tham gia một hay một vài cuộc biểu tình, nhưng nhiều sinh viên thì lại chưa hề tham gia lần nào. Dù không hẳn là họ không biết về những diễn biến chính trị khiến các cuộc biểu tình nổ ra.
Các cuộc biểu tình gần đây ở Việt Nam như biểu tình phản đối Formosa, Luật đặc khu, Luật An ninh mạng,… hầu hết đều mang tính tự phát và không do một nhóm cụ thể nào kêu gọi. Cũng không có một nhóm hội nào của sinh viên đứng ra kêu gọi hay lãnh đạo những cuộc biểu tình này. Một số sinh viên đã tham gia các cuộc biểu tình kể trên, nhưng thường không phải ai cũng kể câu chuyện của mình.
![]() |
Sinh viên biểu tình trước phòng họp của HĐQT mới của Đại học Hoa Sen. Ảnh: VnExpress |
Tuy vậy, câu chuyện sinh viên biểu tình ở Việt Nam không phải là chuyện quá hiếm hoi.
Trước năm 1975, đã có nhiều cuộc biểu tình đòi hòa bình của sinh viên miền Nam dưới sự lãnh đạo của các tổng hội sinh viên. Sau đó, trong những năm 1988-1989, đã có những cuộc biểu tình của sinh viên ở Hà Nội, Sài Gòn, Vinh, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Cần Thơ. Và gần đây, sinh viên Đại học Hoa Sen đã tổ chức biểu tình trong khuôn viên trường nhằm phản đối Hội đồng quản trị mới và ủng hộ tôn chỉ “không vì lợi nhuận” của trường.
Trên thực tế, có rất nhiều lý do để ngăn một sinh viên Việt Nam tham gia biểu tình. Có những lý do xuất phát từ các quy định pháp luật, nhưng cũng có những lý do gần gũi hơn.
Sinh viên có thể bị đuổi học nếu biểu tình
Theo pháp luật Việt Nam hiện tại, quyền biểu tình của sinh viên không chỉ bị giới hạn bởi các quy định áp dụng chung cho toàn xã hội như Nghị định 38/2005/NĐ-CP hay Thông tư 09/2005/TT-BCA, mà còn bị giới hạn bởi các quy định dành riêng cho sinh viên, học sinh. Có thể kể đến là Thông tư 10/2016/TT-BGDĐT do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành.
Thông tư 10 kể trên quy định về Quy chế công tác học sinh, sinh viên tại các trường đại học hệ chính quy. Văn bản này giới hạn quyền biểu tình bằng cách đặt ra mức kỷ luật từ khiển trách tới buộc thôi học, giao cho cơ quan chức năng xử lý khi sinh viên biểu tình. Mục 23 của Thông tư 10, khi tham gia biểu tình, tụ tập đông người, khiếu kiện trái pháp luật từ lần thứ ba trở lên, sinh viên có thể bị đình chỉ học, buộc thôi học, và có thể giao cho cơ quan chức năng xử lý. Mục 22 của phần phụ lục nêu trên tỏ ra nặng nề hơn với hành vi lôi kéo, kích động biểu tình, viết truyền đơn, áp phích khi chỉ cần sinh viên làm lần đầu là bị đình chỉ học có thời hạn và bị đuổi học nếu làm lần 2.
Thực tế thì không phải sinh viên nào cũng biết rõ về sự tồn tại của Thông tư 10 và các quy định của nó. Tuy vậy, nhiều sinh viên vẫn biết rằng họ sẽ phải gánh chịu hậu quả nếu tham gia biểu tình. Cũng theo khảo sát được dẫn ở phần trên, nhiều sinh viên nghĩ rằng họ sẽ bị kỷ luật, đuổi học, phạt hành chính và thậm chí là ngồi tù nếu tham gia biểu tình.
Cán bộ đoàn, hội, cán sự lớp: cánh tay nối dài của chính quyền
Thông thường, khi có những thông tin kêu gọi biểu tình trên mạng xã hội xuất hiện, đó cũng là lúc sinh viên được nhắc nhở không tham gia biểu tình. Hội sinh viên, Đoàn thanh niên và các thành viên ban cán sự sẽ làm nhiệm vụ nhắc nhở sinh viên không đi biểu tình bằng các thông báo miệng hoặc thông báo bằng các status trong các group nội bộ trên Facebook của sinh viên.
![]() |
Trang Facebook của Hội sinh viên ĐH Luật Hà Nội thông báo sinh viên không được phép tham gia biểu tình. Ảnh chụp màn hình. |
Ở một số trường, cán bộ trong ban cán sự lớp còn được yêu cầu tham gia biểu tình để nhận mặt người tham gia để có hình thức kỷ luật. Bên cạnh đó, có một bộ phận có nhiệm vụ theo dõi tư tưởng sinh viên trên mạng xã hội do Đoàn trường quản lý. Vì vậy, hình ảnh, hay bài đăng nào đó cho thấy có sự tham gia biểu tình của một sinh viên trong trường đều có thể bị theo dõi.
Trong khi đó, các trường đại học, cao đẳng không phải lúc nào cũng đưa ra thông báo chính thức về việc này. Tuy vậy, trong đợt biểu tình chống lại Luật đặc khu và Luật An ninh mạng năm 2018 đã có ít nhất sáu trường đại học, cao đẳng ra thông báo chính thức bằng văn bản trên trang web của mình yêu cầu sinh viên không tham gia biểu tình. Các thông báo của các trường đều có sự chỉ đạo của phía cơ quan công an như thông báo dưới đây của Khoa Tiếng Anh, Viện Đại học Mở Hà Nội.