Thứ Năm, 6 tháng 6, 2019

Cổ-Lũy từ Nam California: Bao Giờ “Bãi Nhiệm” Tổng Thống?

Sau hai năm và 12 ngày hoàn toàn im lặng từ lúc bắt đầu cho tới khi kết thúc điều tra về Nga xen vào bầu cử 2016 giúp ứng viên Donald Trump đắc cử tổng thống, Công Tố Viên Đặc Nhiệm Robert Mueller chính thức từ chức sau khi hoàn tất nhiệm vụ của mình. 

Một người rất kín đáo và nghiêm chỉnh “làm đúng theo sách vở,” đây cũng là lần đầu tiên ông xuất hiện trước công chúng. Sáng ngày 29 Tháng Năm, trong lúc đang điều đình về điều trần trước Hạ Viện, với những trông đợi có thể nói từ nhiều nơi trên thế giới, ông Mueller “họp báo” ở thủ đô không đầy mười phút, và nhấn mạnh một số sự kiện quan trọng trong Báo Cáo dầy 448 trang. Tuy ông không nhắc cả đến tên người bị điều tra, đây mang những chấn động chính trị trong bối cảnh tổng tuyển cử 2020. 

“HỌP BÁO” CỦA ÔNG MUELLER


Sáng Thứ Tư tại Bộ Tư Pháp và trong “đồng phục FBI” mầu đen và áo sơ-mi trắng, ông Mueller mở cuộc “họp báo” nhưng thật sự là đọc diễn văn ngắn, cám ơn những người làm việc với mình, rồi rời buổi họp với từ chối trả lời câu hỏi của một nhà báo. Ông cũng công bố từ chức vì đã xong nhiệm vụ, và ngỏ ý không muốn ra điều trần công khai nữa vì Báo Cáo cùng diễn văn là “những lời khai của tôi rồi,” sau hơn hai năm hoàn toàn im lặng, thức dậy từ sáng tinh sương điều tra việc Nga xen vào tranh cử 2016. Đối với những người đã đọc Báo Cáo của ông hoặc theo dõi báo chí, diễn văn không có gì mới lạ, và ông cũng phần lớn đọc từ tập hồ sơ cầm tay.Tuy nhiên từ một người rất nghiêm túc, trọng nguyên tắc và trách vụ, những lời ông nói mang sức nặng của sự thật và thẩm quyền. 

Phần đầu của Báo Cáo kết luận chính quyền Nga xen vào bầu cử 2016 “mạnh mẽ và có hệ thống” đưa tới việc kết tội 30 người và ba công ty Nga, từ tin tặc tới âm mưu. Ban Tranh Cử Trump bị xem là “hoan nghênh và mong đợi hưởng lợi” từ những trợ giúp này; hàng chục nhân vật chính làm việc cho ông Trump trước và sau tranh cử bị buộc tội khai gian về tài chính và liên hệ với Nga (ít nhất 140 lần). Phần lớn chịu hợp tác với Văn Phòng công tố viên (SCO), nửa tá người đã vào tù. Mới hôm Thứ Ba George Nader vào tù vì tội ấu dâm; ông là người Mỹ gốc Lebanon bị xem là chuyển tiền A-Rập tới Tranh Cử Trump, làm việc với “Cố Vấn An Ninh 24 ngày của ông Trump” Michael Flynn và cựu biệt kích Eric Prince đi mãi tới quần đảo Seychelles xa tít tìm cách lập đường dây kín giữa Nga và ông Trump. Ông Mueller nói, “Vô số những nỗ lực có hệ thống nhằm xen vào bầu cử 2016. Mọi người Mỹ cần để tâm chuyện này.” Tuy SCO “không đủ bằng chứng để kết tội thông đồng với Nga,” và không nhắc tới chữ “bãi nhiệm,” ông nhắc đây là nhiệm vụ của Quốc Hội buộc những phạm tội; bộ phận phản gián của FBI vẫn tiếp tục điều tra chuyện này.

Phần thứ nhì, ông nhấn mạnh SCO đã đưa ra 11 trường hợp tổng thống “ngăn trở công lý/ obstruction of justice,” điển hình là ông Trump đã đuổi ngay Giám Đốc FBI James Comey vì điều tra “thông đồng,” rồi nhiều lần cố đuổi ông Mueller điều tra tiếp, và buộc Luật Sư Bạch Ốc Don McGahn viết văn thư che giấu chuyện này (mới đây ông Trump cũng cấm ông McGahn ra điều trần trước Hạ Viện). Nhưng ông không kết luận tổng thống phạm tội vì SCO theo “chính sách” của Bộ Tư Pháp không được buộc tội một tổng thống đang tại chức. Ông nhắc lại, “Nếu chúng tôi tin chắc rằng tổng thống rõ rệt không phạm tội nào, chúng tôi đã nói rõ điều này trong Báo Cáo.” Bản tin Associated Press ghi nhận ông Mueller “bị cấm buộc Tổng Thống Trump một tội hình, nhưng rõ rệt nhấn mạnh Báo Cáo không xóa tội cho tổng thống”—một nhận xét cho thấy đây là lý do, chứ không phải vì thiếu bằng chứng buộc tội. 

Hai tháng trước, khi Báo Cáo chưa được công bố, Tổng Trưởng Tư Pháp William Barr đã cố ý tóm tắt khác hẳn, cho ông Trump “không phạm tội nào”—rồi từ đây ông Trump huyênh hoang “không thông đồng với Nga, không cản trở công lý,” và cho tới nay vẫn còn bao nhiêu người tin là thật như báo chí cho thấy. Ông Mueller nói rõ, “Khi người bị điều tra ngăn trở điều tra hay khai gian với người điều tra, đây là một tấn công thẳng vào nỗ lực tìm sự thật và buộc tội người bị điều tra.” Nay ông Barr lại nói vì SCO không kết tội, ông phải quyết định tổng thống không có tội. Ông Barr, thay vì giữ độc lập của tư pháp, lại vâng lời tổng thống (lập pháp) mở đầu điều tra những người điều tra ông Trump (FBI và các công tố viên liên bang).

Tờ New York Times và Los Angeles Times uy tín nhận xét gần giống nhau, tuy họ ngưỡng mộ và tôn trọng ông Mueller, ông giống như một “quân tử Tầu” sống ở một thời đã qua khi sự thật trắng đen khá rõ ràng. Ông đã bỏ qua nhiều cơ hội làm sáng tỏ sự thật trong khi tổng thống “nói dối với tất cả mọi người” trước và sau tranh cử, và những người dưới quyền quên tuyên thệ bảo vệ hiến pháp để tuân lệnh ông, thêm dân chúng mù quáng nghe theo. Khác hẳn những công tố viên nửa thế kỷ nay, ông đã tránh né việc ra tường trình với công chúng suốt hai năm, và sau khi hoàn tất điều tra hai tháng trước. Thay vì để khoảng trống cho những dối trá trấn áp dư luận, như ngạn ngữ Mỹ nói “những kẻ ác chỉ có thể lộng hành khi người lành làm ngơ,” ông tin rằng dân chúng đọc 448 trang điều tra công phu sẽ sáng tỏ—dù ngay những người dân cử có bổn phận cũng không đọc. Trong xã hội quần quật làm tiền và tiêu thụ, quảng cáo một giây hoặc “tuýt” dưới 120 chữ của tổng thống hữu hiệu hơn—những láo khoét lập đi lập lại nhiều lần cũng thành sự thật!

BAO GIỜ “BÃI NHIỆM ?”


Trong diễn văn ông Mueller cẩn thận nhắc lại, vì tư pháp không được buộc tội tổng thống (hành pháp) tại chức “Hiến Pháp đòi hỏi một trình tự ngoài hệ thống hình sự tư pháp để chính thức buộc tội tổng thống.” Ông không đi xa hơn, nhưng đây rõ rệt là vai trò của Quốc Hội (lập pháp), với đa số Dân Chủ ở Hạ Viện khởi đầu “bãi nhiệm” bằng việc điều tra gắt gao những bằng chứng SCO đưa ra trong Báo Cáo, và chuyển lên Thượng Viện (với đa số Cộng Hòa) xét xử, dưới chủ tọa của thẩm phán đứng đầu Tối Cao Pháp Viện (với đa số Cộng Hòa). Thêm nữa, nếu Hạ Viện không vượt qua cửa ải Thượng Viện ông Trump sẽ đi vào bầu cử cuối năm 2020 với “trắng tội hoàn toàn.” 

Áp lực bãi nhiệm lên cao hơn sau diễn văn của ông Mueller cho dân chúng thấy mình bị bịt mắt bởi những dối trá của tổng thống với trợ lực của ông Barr; ông Barr phải nói ngược xuôi để thanh minh và ông Trump lần đầu tiên phải nhận “Nga giúp ông đắc cử tổng thống.” Chủ Tịch Hạ Viện bà Nancy Pelosi vì bị nhiều áp lực từ phía Dân Chủ trong và ngoài Quốc Hội về bãi nhiệm đã đi tới mức đồng ý với bãi nhiệm, nhưng chưa cho biết “bao giờ.” Bà lý luận bãi nhiệm sẽ giúp ông Trump xách động đám cử tri trung kiên của mình, làm mờ đi những nghị trình phía Dân Chủ muốn thực hiện về y tế, kinh tế, thuế má và xã hội—và nhất là lo sợ về bất hợp tác của Thượng Viện với đa số Cộng Hòa. Do đó, cần phải “làm điều đúng, nhưng cũng phải nghĩ đến kết quả tới đâu.”

Theo bà cần điều tra, tìm hiểu thêm, và vì “bãi nhiệm” là một tiến trình chính trị phía Dân Chủ phải có lý luận “chắc như đá” nhằm thuyết phục dân chúng đặt áp lực để lấy ủng hộ từ phía Cộng Hòa. Hiện chỉ khoảng 60 trên 235 đa số dân biểu Dân Chủ đồng ý bãi nhiệm ngay; thiểu số Cộng Hòa (197) chỉ một Dân Biểu Justin Amash ủng hộ. Mỗi Nghị Sĩ Cộng Hòa Mitt Romney “thất vọng” về ông Trump sau Báo Cáo, và chính sách của tổng thống với đối thủ hàng đầu Trung Quốc hoàn toàn “tùy hứng, ngắn hạn và rời rạc”—không có “chiến lược toàn diện đối đầu với mức bành trướng vũ bão và thù nghịch” của Bắc Kinh.

Ít nhất sáu ủy ban Hạ Viện với đa số Dân Chủ đang làm chuyện điều tra tiên khởi, nhất là Ủy Ban Tư Pháp dưới quyền chủ tọa của ông Jerrold Nadler, nơi sẽ chính thức dẫn đầu bãi nhiệm. Ông Trump một mặt thách thức Hạ Viện bãi nhiệm mình, mặt khác cấm các bộ, sở và nhân viên Bạch Ốc ra điều trần hay cung cấp tài liệu cho các ủy ban. Những hành động này tuy bất hợp pháp nhưng buộc các ủy ban Hạ Viện phải mất thời gian ra tòa để có những gì mình cần. Chủ Tịch Ủy Ban Tính Báo Adam Schiff xem việc Bạch Ốc không hợp tác với điều tra của Hạ Viện hay lệnh của tòa “có thể tăng sức mạnh bãi nhiệm.” Ông Nadler nói, “Nay tới lượt Quốc Hội điều tra những tội ác, gian dối và phạm pháp. Chúng ta sẽ làm việc này;” tuy nhiên ông vẫn theo đường lối của Chủ Tịch Pelosi với nhấn mạnh phải sửa soạn hỗ trợ về mặt chính trị của dân chúng, hiện với tỉ số ủng hộ bãi nhiệm chưa tới 50%. 

Gần hai tá ứng viên tổng thống Dân Chủ chia làm hai khối: Người ở cao trên danh sách không hồ hởi lắm trừ hai Nghị Sĩ Kamala Harris và Elizabeth Warren; người dưới thấp tích cực hơn với bãi nhiệm. Cựu Phó Tổng Thống Joe Biden đứng đầu danh sách có ý kiến y hệt bà Pelosi; bà Warren là người kêu gọi bãi nhiệm đầu tiên, và bà Harris nói Quốc Hội phải làm theo đề nghị của ông Mueller. Giáo Sư Bruce Ackerman tại trường luật Đại Học Yale, nơi gần đây sản xuất nhiều tổng thống Mỹ, đề nghị Hạ Viện theo đường thứ ba ngắn và dễ hơn bãi nhiệm: Làm thủ tục lên án khiển trách (censure) tổng thống dựa vào những lạm dụng quyền thế như tiền lệ Tổng Thống Andrew Jackson giữa thời 1830, khi ông với mục đích tốt đóng cửa một ngân hàng lớn thiên vị nhà giầu, nhưng dùng sai cách qua mặt Quốc Hội.

Mới hai năm, ông Trump xem ra có kỷ lục lạm quyền bằng lời nói và hành động gây xâm phạm quyền chuẩn chi, khai chiến của Quốc Hội, kỳ thị tôn giáo, khinh thường tòa án, báo giới—tất cả vi phạm hiến pháp mà ông tuyên thệ phải tuân theo và bảo vệ trên hết. Y hệt ông Trump, ông Jackson qua mặt Quốc Hội ra lệnh cho tổng trưởng ngân khố rút tiền liên bang ra khỏi ngân hàng; ông này từ chối vì đây phạm pháp và bị cách chức. Tổng thống bổ nhiệm người khác chịu làm theo ý mình và thưởng ông này chức vụ cầm đầu Tối Cao Pháp Viện; rồi ông Jackson bị Thượng Viện làm “censure” vì lạm quyền mình không có theo hiến pháp. 

Theo ông Ackerman, Hạ Viện phải tiếp tục điều tra vì ông Trump làm quá nhiều chuyện phi pháp, rất dễ đưa tới những bằng chứng ngăn trở công lý, các tội ác về thuế má, tiền “bẩn,” và dùng chức vụ làm lợi cho mình khiến dân chúng và Thượng Viện phải phẫn nộ rồi đồng ý với “nghị quyết tổng thống phải ra đi”—nhất là những người Cộng Hòa bảo thủ chân chính với “nguyên tắc hạn chế quyền lực nhà nước mà họ hằng theo đuổi suốt sự nghiệp chính trị.” 

Tuy nhiên, trên tờ Los Angeles Times hôm Thứ Ba, ngòi bút “bảo thủ chân chính” uy tín Jonah Goldberg nhận xét, “Đi theo đường lối Trump đã thành cái tiêu chuẩn bảo thủ mới, một phần vì có một lỗ hổng lớn về chính sách trong giới bảo thủ, và tôn sùng cá nhân Trump đã trám vào lỗ hổng này.” Lúc tranh cử, giới trí thức bảo thủ đã bịt mũi chấp nhận ứng viên Trump “có thể ngăn ứng viên Hillary Clinton đi vào Bạch Ốc;” ông có nhiều nhược điểm nhưng sẽ bổ nhiệm “nhiều quan tòa bảo thủ, giảm thuế nhà giầu, và bãi bỏ luật lệ ràng buộc làm ăn.” Phần nữa “nay người bảo thủ phải đồng loạt ca tụng ông Trump; người chỉ trích ông sẽ bị khai trừ.”

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét