Chủ Nhật, 31 tháng 3, 2019
Tùng Duy Hi: Người Dắt Lạc Đà (Nguyễn Văn Thực dịch từ tiếng Hoa) (Kỳ 2)
![]() |
Gai lạc đà
|
Tục ngữ: Nhìn núi, phi ngựa chết
Vòng tường đỏ thắm của chùa Lạt Ma, mặc dầu hiện ra trước mắt, nhưng tính theo bước đi theo “nhịp bốn bước chậm”của con lạc đà già, thì con đường còn dài lắm!
Ông ngừng lại, muốn quất roi con lạc đà, thúc nó đi nhanh, cứ tung dây cương lên, rồi giật lại. Hồng Đức Chương không tìm ra được lý do gì để đánh nó. Sau cuộc “Cách mạng văn hoá” cũng là lúc dân-chính-sảnh cởi giùm ông chiếc mũ “gián điệp” bằng thép mà ông bị chụp bấy nay, và giúp ông một chút tiền, ông mua con lạc đà tải hàng này. Lương thực cũng nhờ nó, áo quần cũng nhờ nó, rồi ngay khi chôn cất vợ mình, thì cả cái quan tài mỏng làm bằng liễu đỏ màu son môi cũng nhờ nó, cũng nhờ nó mà kiếm ăn được. Lại nữa, cái tờ giấy bạc mười mỹ kim, không có con lạc đà thì làm gì mà thằng cha Tây mũi lớn ấy cho ông. Người ở sa mạc nói: lạc đà trắng là lạc đà thần, trong mắt của Hồng Đức Chương thì chẳng có thần ngựa, thần lạc đà nào trong sa mạc, ông, kẻ cầm cương gắn nơi đỉnh đầu lạc đà, xoa bóp làn da trời cho của nó, chính là thần lạc đà vậy.
Cát thì rất mềm
Đường thì rất xa
Hồng Đức Chương cúi xuống, ngẩng lên nhìn sống lưng cong của con lạc đà, hai mắt nheo hi hí, giống như con mèo ngủ thiu thiu dưới ánh mặt trời gay gắt, lúc nó có vẻ chẳng đoái hoài gì đến chuyện bắt chuột. Chợt tỉnh lại, ông nắm lấy dây cương, vung tay, và tung dây cương lên đầu con lạc đà thúc nó chạy nước kiệu. Ông ta hết đi đằng đầu, lại quay lại đi sau lạc đà, chạy theo sau bước chân lạc đà, nới lỏng tay khấu, và dường như mồ hôi lại đổ ra cả người thêm một ít. Ông ta kéo lạc đà, vươn vai mấy cái, đấm đấm vào cánh tay, rồi lại cúi đầu đi.
Chạy.
Chạy.
Lạc đà rất cao.
Ông ta thấp lùn.
Nếu ông ta không mặc bộ đồng phục bốn túi “thẻ xanh lam”, không đội một chiếc mũ xanh lam dân thường Trung Quốc mặc, không đi trên con đường cổ trong sa mạc màu vàng, thì ông trông như một cây liễu cát chết khô, hoặc như một hạt cát trong vũ trụ vô cùng lớn. Ông sợ cái màu vàng khô khốc, không phải chỉ vì sa mạc nghìn trùng lượn cát, làm cho người dắt lạc đà đau đầu; và còn hơn thế, ông sợ cái vận mạng của mình đa phần ngoài tầm tay mình, bắt đầu từ ngày khoác quân phục màu cỏ úa nhập Triều Tiên. Chuyện “nạo xương trị độc” trong trại tù binh, mặc dầu đau đớn vô chừng, nhưng trong lòng không kết thành vết sẹo nào; sau cuộc thương thuyết ở Bản Môn Điếm, chàng lại tiến qua cửa ải về nước, suối lòng lại bắt đầu rỉ máu. Nhớ lại trên tàu lửa ra khỏi nước, suốt con đường hoa tươi thắm, suốt đường lệ rơi, xe, cứ mỗi ga, dân chúng reo hò long trời lở đất; đến khi trở lại cố quốc như tù binh trong đoàn tàu đặc biệt bít bùng như xe tăng chở tù binh, thì chỉ có tiếng rầm rầm của bánh sắt nghiến lăn trên đường ray phát ra, chỉ còn lại một bầu không khí im như chết. Không ai đợi ai, có người tù binh vừa thầm thì vừa khóc, vừa đọc thơ:
Xe qua sông Áp Lục
Trông như bay một giòng
Tổ quốc – con đã về
(Xa quá Áp Lục giang
Hảo tượng phi nhất dạng
Tổ quốc – ngã hồi qui)
Mẹ ơi! Nhưng tiếng kêu cô đơn này đã như tiếng kêu não nề ve thu, mà nào cóvang vọng được gì. Các chiến hữu của anh nằm kiệt sức ngổn ngang trong toa, dường như một ngày mai lành, dữ ra sao đã được biết trước; bởi vì vào cái ngày ở Triều Tiên đợi về nước, người chỉ huy của nhóm bảo vệ đặc biệt đã phân phát giấy bút cho mỗi người, cuộc điều tra nghiêm khắc đã bắt đầu, sau ánh mắt ôn hoà, ẩn tàng sự xa xách, trong lời nói ân cần đã ẩn chứa sự lạnh nhạt. Vừa ra khỏi “Cửa Bắc”* chuyện ôm nhau khóc lóc tơi bời đã không còn diễn ra nữa, con tim cháy bỏng của các tù binh bắt đầu sương rơi, tuyết đổ...
Hồng Đức Chương nhớ lại là anh ta vừa run vừa viết tới bốn tờ khai báo, về chuyện bị bắt làm tù binh và cả chuyện phản kháng trong trại tù, thành thật khai báo đầy đủ trên giấy. Anh ta tự giác, không có gì phải thẹn với lòng, thái độ đàng hoàng và lương tâm trong sáng. Nhưng, anh đã nộp tờ khai báo xong đâu vào đó, mà chẳng nhận được sự trả lời nào, chuyện im lặng như thế làm lòng anh tê tái, do đó sau khi ngồi nơi cửa toa anh ta lại lui vào một góc toa xe lửa bít bùng, lòng bồn chồn như có lửa đốt, bất an như thể có mèo cào cào trong tim.
“Tới đâu rồi?” Có người hỏi nhỏ.
Chẳng ai trả lời.
“Dám là đã tới Tứ Bình.”
“Tính toán làm gì không biết! Bộ đang trông chờ chổi chà của bà mẹ ghẻ đập cho sưng đầu chắc!” Chàng không biết ai lên tiếng ghẹo người đọc thơ.
”Có thể có ai không đâu!” Hồng Đức Chương nói chen vào. ”Tất cả những kẻ không muốn thăm bà mẹ ghẻ đều là bọn đã chọn’Cửa Nam’. Chúng ta đều ghét cái vùng đất màu vàng ở Trung Quốc này.”
”Hừm!” Người trả lời tránh không nói, chỉ ngoáy ngoáy lỗ mũi.
Xe lửa đến bến trong lặng câm.
Bánh không còn lăn, các chiến hữu phải rời nhau đi về các hướng Tây, Nam, Bắc, Trung tại đây.
Ở đây là ga trung chuyển
”Tại sao anh lại đòi về nước?”
”Tôi sinh trưởng tại Trung Quốc mà!”
”Những điều anh viết trong bản tự khai có trung thực không vậy?”
”Vâng, rất trung thực.”
”Ở trong trại tù binh, anh mạnh khoẻ như vậy, vì cớ gì anh lại giơ tay đầu hàng là sao?”
”Bùn do đạn đạn bác bắn đã chụp lấy tôi, trùm lấy cả người tôi, khi tỉnh dậy được thì thấy mình bị bắt.”
”Chớ không phải vì sợ chết à!”
”Không phải.”
”Vậy có ai làm chứng cho anh về vụ này không?”
”Vâng, có anh thông dịch viên tên là Lý Quảng, anh ta với tôi cùng bị chôn vùi với nhau. Chỉ có anh chàng đẹp trai này, tôi tin là còn sống, cuối cùng khi chúng tôi phải chọn ”Cửa Nam” hay chọn ”Cửa Bắc” thì anh chàng này đi về phía ”Cửa Nam”. Trước khi chúng tôi rời xa nhau, thằng chó đẻ đó từng đến bên tôi và khuyên tôi cùng đi con đường hắn chọn, tôi cắn một miếng vào mu tay của hắn một cái để cho hắn nhớ đời. Những điều này tôi đã viết trong tờ khai cả rồi cơ mà.”
”À há! Lấy một người không trở về nước mà làm nhân chứng, thì đó là một trò siêu láu cá. Chúng tôi không có ngốc như vậy đâu, chúng tôi không thể căn cứ trên bản khai báo mà bỏ qua cái quyết định quỳ gối đầu hàng ở chiến trường của anh. Ngoài ra anh còn chứng cớ nào mạnh mẽ hơn để biện hộ cho anh không?”
Hồng Đức Chương hét lên ”Cái lương tâm của tôi trong Trời Đất!”
Những người lính khác đứng đó không thét lên được nỗi bi phẫn của mình như Hồng Đức Chương, nhưng họ đã mất đi lòng kính trọng vào cái uy nghiêm, phong độ của sĩ quan phân xử vụ này. Họ không giận cũng không cười, người ta chỉ cần nhìn vào cái vẻ mặt của họ cũng thấy. Thế rồi vị sĩ quan đóng hồ sơ lại, rồi xướng tên một tù binh khác, Hồng Đức Chương đứng đó như chết trân – một túi đã mở sẵn, trong đó có quần áo, tiền đi đường, giấy đi đường, trong giấy đi đường có ghi là anh phải trong nội 3 ngày đến trình diện với chính quyền của khu tự trị x.
Đàn ông không dễ gì mà khóc. Hồng Đức Chương, khi anh chạy ra giữa phòng xây bằng gạch đỏ, nước mắt anh chảy ngập hai lỗ mắt. Mới lúc nãy anh đã thét lên như sấm động, tuôn trào ra hết những gì về cuộc đời mình. Từ ngày hôm nay mà đi, anh biết rằng có nói năng chi thì cũng bằng thừa. Cùng ngày hôm đó anh leo lên chiếc xe chạy đường trường hướng về vùng Tây Bắc. Hai ngày sau anh trình diện với cơ quan chính quyền địa phương: viết, ký tên và đóng dấu, cho anh một tờ giấy giới thiệu, trong đó có nội dung là anh sẽ được bố trí làm tại một xưởng sản xuất đá sa thạch.
Đó là một bãi sông ở một nơi không ra thành phố, không ra thị trấn. Do sa mạc hút không ngừng nguồn nước của sông, lòng sông rộng trở nên khô cạn từ lâu. Những hòn đá lớn như đầu người hay nhỏ như trứng bồ câu, nằm dày đặc trong lòng sông phủ bùn khô kết lớp. Đây là công ăn việc làm cho những người lang thang vô nghề vô nghiệp. Nói rõ ra là họ đào những cục đá này lên từ lòng đất cát, phân loại to nhỏ bỏ qua từng bên, vận chuyển dọc đường ray tới một ga nhỏ.
Trên bờ sông có hai hàng lán sơ sài cho công nhân. Một hàng cho đàn ông, một hàng cho đàn bà. Không có bếp, để che gió thì chỉ có một mái che mà không có tường bốn phía, mái lợp rơm qua quýt, phía dưới có một cái xửng hấp bằng tre và một cái nồi sắt to bự chảng được coi như là nhà bếp. Ở đây không có nhà cầu, may thay có hai bờ sông hoang vu chẳng ai ngó ngàng tới. Khắp nơi là những đụn cát dựng đứng, khuất mắt, tại đó người ta giấu mình trong một góc mà đái bậy hoặc ỉa đồng. Có phải vì Hồng Đức Chương có thể cưỡi ngựa hay là bị ghi sẵn trong hồ sơ, anh cũng không biết, mà ngày thứ hai anh bị phân công đến chuồng ngựa cho ngựa ăn. Chuồng ngựa tuy xập xệ mà coi ngon lành hơn nơi người ở, với tường ván, máng gỗ, mái che bằng vải bạt. Bên cạnh có một cái lán lớn kết thành bởi những nhánh cây mục, một nửa chứa thức ăn tinh chất, nửa bên kia là nơi người chăn ngựa Hồng Đức Chương ở. Nhờ thế mà so với việc này, việc kéo đá, chuyển đá thập phần bận bịu hơn. Hồng Đức Chương đã gian khổ đến nơi hoang dã đã tới ngày thứ ba, đã biết, do người lái xe ngựa nói, đây không phải là một xưởng sa thạch thực thụ, đúng ra đây là một đại đoàn cuỡng chế lao động, gồm những đàn ông, đàn bà từ những thành thị vùng Tây Bắc đến, người nào người nấy đều có khăn trùm đầu, đều có tiền án – còn anh, anh là tù binh đương nhiên trở thành một con dòi trong hũ tương.
Từ lúc đó trở đi Hồng Đức Chương tránh như tránh tà màu vàng. Anh đưa chiếc quần đùi nhà binh màu vàng cỏ úa vá chằng vá đụp cho một người đàn bà câm vốn có kim chỉ để làm dây cương cho súc vật vận tải vá giùm. Người đàn bà câm hơn anh 3 tuổi, là vợ của một trung sĩ Quốc dân đảng ở lại lục địa Trung Hoa, do đó cái cơ duyên là có cái áo bông rách bươm, chị ta trong đêm lén lút lẻn vào ngủ một mình tại cái ổ rơm của Hồng Đức Chương nơi lán ngựa. Hồng Đức Chương lúc ấy không muốn giao tiếp hoài với người đàn bà này, anh tung chăn ra và đẩy bà ta ra ngoài. Chị ta thầm thì ”được, được”, rồi dùng ngón tay trỏ chỉ không ngừng vào trái tim mình, ra dấu muốn tỏ cho Hồng Đức Chương biết rằng chị ta nhất quyết theo anh ta. Hồng Đức Chương chồm dậy và tống chị ta ra ngoài, chị ta cuộn người lại trước mặt anh, trước tiên thì quỳ sát Hồng Đức Chương, sau thì bò trên đất làm như ngựa, bò tới bò lui, muốn biểu lộ là chị muốn suốt đời làm thân trâu ngựa cho Hồng Đức Chương cỡi, Hồng Đức Chương lòng run rẩy, anh nâng người đàn bà câm lên, và để cho chị ta ở lại trong lán qua hết đêm.
Dưới ánh đèn chuồng ngựa, Hồng Đức Chương dùng bút chì thay miệng, rạch ba chữ lớn trên mặt đất: ”Này chị, tại sao vậy?”
Người đàn bà vừa điếc vừa câm, so với Hồng Đức Chương, cũng viết được chữ đâu ra đấy: ”Tại vì anh là người câm.”
Hồng Đức Chương bây giờ mới thình lình hiểu ra: Anh ta đến đội cưỡng bức lao động đã nhiều ngày, mà chớ có nói với ai một câu. Chị ta là một người câm thực sự, còn anh ta, anh là người không câm mà trở thành câm; chuyện này dẫu sao đi nữa cũng nhắc nhở anh: anh là một người cư xử như một người câm, làm việc mà cứ nín thinh, để tránh gây rắc rối.
Người đàn bà câm này duyên dáng và linh lợi, biết Hồng Đức Chương không ưa màu vàng đã đổi được bộ quân phục màu vàng cỏ úa đã rách với một người đàn ông, lấy 3 gói thuốc lá cho anh.
Được hai năm thì họ lấy nhau.
Chỉ có hai tờ kết giấy hôn, một cái giường gỗ.
Chẳng có khách khứa, chẳng có bạn hữu – Chỉ vì ”lừa què xứng với thớt xay vỡ.”
(Còn tiếp)