Chủ Nhật, 24 tháng 2, 2019

Phạm Hảo: Waffles Lost And Found

Hình minh hoạ, Internet

Bữa cơm chiều ngày thứ Hai, tôi làm món Chicken Cordon Bleu và món rau kale, đậu trắng ( cannellini beans) trộn dầu dấm, hai đứa cháu ngoại thích lắm, ăn lấy ăn để, không phải năn nỉ, bắt ăn như mấy bữa khác, cháu Geddy 11 tuổi bảo tôi : “Em thích cái món đậu này, ngon quá, ngày mai bà làm nữa cho em ăn”. Bà ngoại, bà nội nào thấy cháu khen thức ăn của mình nấu ngon, lại còn đòi nấu tiếp nữa mà không sướng mê tơi cả lên, thế là nghe lời dụ dỗ của thằng bé.

Ăn cơm xong, ba bà cháu vừa dọn dẹp vừa bàn với nhau ngày mai sẽ nấu món gì có đậu trắng. Bàn cãi một lúc, đi đến quyết định là chiều mai sẽ có món đậu trắng nấu với xúc xích và sốt cà chua, ăn với bánh mì Como.

Thường tôi hay đi bộ ra chợ Safeway và Trader Joe’s, gần nhà hơn, và ở trên đồi, hai chợ lại nằm cạnh nhau, nên mua món gì mà chợ này không có thì chạy sang chợ khác rất tiện. Nhưng muốn có bánh mì Como và xúc xích ngon, tôi phải đi Metropolitan Market ở dưới đồi. Chợ này sạch sẽ, mọi thứ của chợ này từ thịt cá, đến rau quả, bánh trái, thức ăn nấu sẵn đều tinh khiết, ngon lành, không khi nào phải mua lầm những thứ hư hỏng, nhưng giá rất đắt, chúng tôi hay gọi chợ đó là “Chợ Nhà Giàu”.

Sáng thứ Ba, tôi thức dậy, làm những việc hàng ngày như nấu oatmeal, nấu nồi canh cho nhà tôi, rồi dắt con chó tên Waffles đi, sau đó ghé chợ mua những thứ đã tính sẵn cho bữa cơm chiều. Thường khi đi chợ vào sáng sớm như vậy, tôi chỉ mua vài thứ thật cần như bánh mì, trứng, sữa, hành ngò, tất cả chỉ mất khoảng 10 phút, nên tôi hay cột Waffles ở ngoài cửa chợ, quên mất là câu Đời thái bình cửa thường bỏ ngỏ đã là một hình ảnh xa xôi, không tưởng, không thật rồi. Vả lại ở chỗ tôi ở, ai ai cũng cho chó theo đi chợ, rồi cột ở ngoài cửa, thoải mái vào chợ mua sắm, và trước những cửa tiệm luôn luôn có thau nước cho những con chó đi qua đi lại ghé uống, tưởng là an toàn lắm, thế mới sinh chuyện.

Waffles là một con chó loại Cairn Terrier, Bà Sui Gia của tôi tặng cho Zenobie là cháu ngoại của tôi hôm sinh nhật của cháu năm kia. Lông con chó này màu vàng nâu, điểm đen, lúc tôi dắt nó đi chơi, người qua kẻ lại hay cúi xuống nựng nó và gọi nó là Toto, vì họ bảo nó trông giống y hệt con chó Toto trong phim The Wizard of Oz. Ở Metropolitan Market, chỗ tôi cột Waffles, mỗi sáng hay có một ông ăn xin người da đen đứng đó, khi nào thấy Waffles, ông ta cũng chơi đùa vui vẻ với nó, người và vật gặp nhau mừng rỡ như hai người bạn thân, sau khi đi chợ ra tôi hay biếu ông một đồng. Hôm ấy tôi để ý là không có ông ta ở đó.

Mua xong các thứ, bước ra cửa chợ thì Waffles biến đâu mất, mang theo cả cái giây dắt chó màu đỏ. Tôi thất kinh, mới đầu tưởng nó chạy ra ngoài đường, tôi đi quanh quất tìm ở vòng ngoài của chợ. Không thấy tăm hơi nó đâu, tôi mới vào chợ báo cho họ biết, cô thu ngân người Việt tên Thảo nói ngay:”Cái này chắc là mấy người vô gia cư ăn cắp chứ không ai vào đây đâu, họ muốn có con chó để làm bạn đấy mà“. Đi tìm thêm một vòng nữa, không thấy gì, tôi đi bộ về nhà, ngược theo con đường tôi đi xuống chợ sáng nay, hy vọng là vì nó không thấy tôi nên chạy đi tìm đường về, đến nhà, tôi vội vàng bỏ mấy miếng thịt mà nó rất thích vào cái tô riêng của nó, rồi để trước hiên nhà, mong là mùi thức ăn giúp nó đánh hơi tìm được đường về nhà mau hơn. Xong rồi tôi vào nhà, đánh thức Geddy và Zenobie dậy báo là Waffles chạy đâu mất rồi, nếu điện thoại có reo là phải trả lời, có thể người ta gọi cho mình để đi lấy Waffles về. Rồi tôi bắt điện thoại, gọi cho Rob và Tuti là con rể và con gái tôi. Rob trả lời là sẽ về ngay, và đi thẳng đến chợ, chỗ Waffles mất tích. Tôi bảo là tôi cũng đi bộ xuống chợ đó ngay bây giờ.

Tôi đi, tay có cầm gói thức ăn vặt mà tôi hay cho Waffles ăn thường ngày để thưởng mỗi khi nó ngoan, nghe lời, làm theo lời mình nói. Tôi mở gói để mùi thức ăn bay ra ngoài, trong lòng thì lo là nếu con chó chạy ngoài đường giờ này thì rất nguy hiểm vì đang là giờ mọi người đi đến sở. Xuống đến chợ thì Rob đã ở đó rồi, mặt mày nhợt nhạt, tôi nghĩ thầm trong bụng chắc mặt mình cũng chẳng còn tí máu nào. Chúng tôi đi vào chợ, xin họ cho xem video mà cái camera của họ đặt trước chợ quay được sáng nay, chỗ Waffles cột ở đó trước khi mất khoảng 7 giờ sáng. Họ xem xong thì bảo là trong video thấy một người đàn ông, đến vỗ vỗ Waffles mấy cái rồi dắt nó đi. Nhưng đáng tiếc là không thấy được hết nguyên người, cái máy ảnh chỉ chụp được từ đầu gối trở xuống mà thôi, cũng như không.

Bây giờ thì biết là chó không chạy lạc ngoài đường nữa rồi mà đang là trong tay của kẻ trộm. Hai mẹ con tôi đi bộ về nhà, Tùti cũng đã về, đang ngồi trước computer, nói là đã Email cho Queenanneviews, là cái blog chia xẻ những tin tức trong xóm chúng tôi ở. Rob thì ngồi xuống đang vẽ một cái truyền đơn ra để đi in, rồi sẽ đi dán khắp nơi. Rob còn phải gọi điện thoại đến những chợ chó mèo, nhà thương cho thú vật báo tin cho họ biết con Waffles có số như vậy đã bị mất cắp, để kẻ gian có mang Waffles đến thì những nơi đó giữ lại.

Hai đứa trẻ một tiếng đồng hồ trước đây còn bình tĩnh vì tưởng cũng như mọi lần, Waffles vuột ra, chạy loanh quanh đâu đó rồi sẽ về nhà hay có người gọi điện thoại, rồi mình đến lãnh về. Nay nghe con chó bị bắt cóc thì thằng anh đã thấy sợ ra mặt, còn con em thì đã muốn mếu, nhưng Rob bảo là yên chí, thế nào mình cũng tìm được. Rồi mẹ con bà cháu lại đi bộ xuống chợ, có tiệm Fedex ở gần đó, vào in ra mấy chục cái truyền đơn, sau đó chia ra hai toán, đi gắn trên cây, đến chiều tất cả mới về đến nhà, mệt rã rượi và buồn ơi là buồn. Rob thì cứ trấn tĩnh mọi người: “Mình sẽ tìm được Waffles.”

Tin tức về Waffles đã để lên trên Queenanneview. Có biết bao nhiêu là comments, người thì mắng là con chó như vậy mà sao dám cột ở ngoài, để nó một mình mà vào chợ. Người thì doạ là coi chừng tên ăn trộm mang con chó đi làm mồi nhử cho mấy đám đấu chó. Có người thì hiền lành cầu trời cho con chó được về với gia đình... Tôi thì sợ lắm, cứ hỏi các con là không biết họ ăn trộm Waffles để làm gì? Mang đi tiểu bang khác hay tỉnh khác là kể như xong, nhốt trong nhà thì có ngày cũng phải mang ra ngoài vì Waffles phá lắm, không chịu ở trong nhà quá lâu. Bây giờ chỉ còn hy vọng là họ bắt nó để bán trên craigslist, thì mình sẽ đi chuộc về mà thôi.

Không biết nhà tôi, các con các cháu nghĩ sao, tôi thì cứ nghĩ đến Waffles là lại trách mình, rồi lại nghĩ đến nó giờ đây đang bị cột, bị nhốt trong một cái hầm, cái xó tối tăm, lạnh lẽo nào đó thì nước mắt cứ muốn trào ra. Ngày hôm đó vườn lan cần tưới nước mà tôi không còn lòng dạ nào nghĩ đến, mà có muốn tưới thì tay chân cũng bủn rủn không nhấc lên nổi.

Dĩ nhiên đêm thứ Ba là một đêm không ngủ của tôi. Sáng ra khỏi giường là tôi đi ngay ra cửa, xem có phép lạ nào mang Waffles về để trước cửa nhà. Rồi ngồi xuống mở computer, xem Queenanneview, xem craigslist, hy vọng có tin gì về Waffles. Vào bếp làm thức ăn buổi sáng thì lại nhớ Waffles sáng nào cũng theo chân tôi vào trong bếp, ngồi chực ở một góc. Nấu ăn xong, đâu có Waffles mà dắt đi ra ngoài, tôi lần mò ra Sunroom, tưới mấy cây lan cho khuây khỏa, cho đỡ sốt ruột, nhưng mới chỉ đụng đến 3 cây Isochilus aurantiacus là không muốn làm thêm gì nữa, lại bỏ lan xuống, vào mở computer ngóng tin Waffles. Không có gì mang lại chút hy vọng, tôi chán nản thay quần áo đi ra đường, trong tay cầm cái túi nylon đựng món ăn khoái khẩu của nó, lại đi tìm trong vô vọng.

Đến gần trưa tôi về đến nhà thì Tuti cho biết là có người ở Queenanneview gọi đài truyền hình KIRO7 của Seattle, xế trưa họ sẽ đến phỏng vấn gia đình về vụ Waffles bị bắt. Tối thứ Tư, chuyện của Waffles được phát hình lúc 11 giờ đêm, sáng sớm hôm sau họ cho chiếu thêm một lần nữa.

Độ 8 giờ sáng ngày thứ Năm là có người điện thoại đến bảo là có thấy Waffles đi với một người đàn bà da trắng, tóc vàng, mặc áo nỉ màu cam, trông có vẻ là người vô gia cư, khoảng từ bốn chục đến năm chục tuổi, chó và người đi dạo ở Pioneer Square. Khu này ở ngay phố và Pike Market, ban ngày tràn ngập du khách, nên vì thế những người vô gia cư, vô nghề nghiệp cũng tụ tập ở đây để kiếm sống. Rob nhận được điện thoại, lái xe xuống đó ngay, nhưng hụt mất người đàn bà này. Mặc dù người đàn ông tốt bụng có gọi cảnh sát, nhưng họ không làm gì hết, lý do là không có chủ con chó ở đó. Ngày thứ Năm Rob bỏ một ngày đi hết những chỗ có người vô gia cư ở, in thêm truyền đơn để dán và phát ra. Quên kể ra là chiều Thứ Năm tôi nhận được hai cây lan Dendrobium stratiotes đặt mua từ tuần trước, trước khi xảy ra vụ mất chó. Mọi lần nếu mà đặt mua lan như thế này thì tôi chờ từng ngày, nhất là ngày mà biết là lan sẽ tới thì tôi chờ từng giờ một. Lần này mang thùng lan vào trong nhà, tôi cũng chẳng buồn mở ra xem, mãi đến tối mịt tối mờ tôi mới uể oải đi mở thùng ra, nhúng hai cây lan vào nước, rồi để qua một bên, rồi lại đến computer tìm tin tức về Waffles. Sáng Thứ Sáu, Tùti phải đi làm việc ở xa, nhà còn vắng và buồn hơn. Rob lại đi đến mấy chỗ ngày hôm qua đã đi, đến trưa mới về nhà, mệt mỏi và chán nản đến cùng cực. Tôi nhìn con tội nghiệp quá, bảo Rob đi nghỉ, rồi tôi mang giày, bỏ một ít tiền vào túi, và cầm theo mấy cái truyền đơn.

Tôi đi bộ, từ nhà tôi đến Pioneer Square là hết một tiếng đồng hồ, dọc đường cứ hết nhìn ngang rồi lại nhìn dọc, nhìn hai bên đường xem có thấy được người đàn bà vô gia cư, da trắng, tóc vàng, khoảng từ bốn chục đến năm chục tuổi. Tôi quay quẩn ở Pioneer Square một lúc, rồi lại đi bộ ngược về nhà, dọc theo Avenue Số Một, đường này có một khoảng từ Pioneer Square đến Pike Market là lúc nào cũng đầy người vô gia cư. Tôi ngừng chân hỏi thăm mấy ông đánh giày, mấy ông quét rác ngoài đường, đưa cho họ xem cái truyền đơn có ảnh Waffles, hỏi xem mấy ngày nay có ai thấy con chó nào giống như vậy không? Chẳng ai trong những người này cho tôi một chút tin vui.

Về gần đến nhà, đang bước đi trong mệt mỏi và lòng thì nặng trĩu nỗi u hoài thì có con chim bay ngang, phóng uế một bãi trên tóc. Mới đầu thì hơi bực mình vì mới gội đầu sáng nay, nhưng nhớ ra hồi xưa U tôi hay bảo là ai bị như vậy là người đó sẽ gặp may mắn, tôi vẫn tin điều ấy đến bây giờ. Thế là nhờ bãi phân của con chim bay trên trời mà tôi có được chút hy vọng, về nhà tôi nói với Rob vụ bị con chim làm bậy trên đầu, tôi nói nếu cái vụ này đem lại may mắn mà tìm được Waffles thì bị mười lần như vậy tôi cũng chịu.

Sáng ngày thứ Bảy tôi dậy từ 3 giờ sáng, lục đục trong bếp, làm hết việc này đến việc kia. Gần 5 giờ thì Rob cũng thức, tôi bắc nước pha cà phê nhưng chẳng ai buồn uống. Tôi hỏi Rob là có được thêm tin tức gì không, Rob nói là có người gọi, nói là ngày hôm qua thấy một người đàn bà đang tắm cho Waffles ở trong phòng vệ sinh công cộng ở Seattle Center, chỗ này là chỗ có Space Needle của Seattle, gần nhà tôi và gần Metropolitan Market chỗ Waffles bị bắt cóc. Rob nói là hôm nay Rob sẽ đạp xe xuống đó sớm. Tôi bảo tôi làm xong việc nhà rồi cũng đi ra ngoài.

Khoảng 6:30 sáng, tôi mặc quần áo thể thao, đeo giày đi bộ, bỏ 220 đô la vào trong túi, rồi lên đường. Tôi đi trên Avenue Số Một, đường mà tôi hay dắt Waffles để xuống chợ. Gần đến chợ, từ trên dốc nhìn về phía tay phải của chợ, cạnh nhà băng, tôi thấy một đám 5, 6 người vô gia cư, người ngồi kẻ đứng đang nói chuyện râm ran, liếc qua tôi thấy người đàn bà da trắng tóc vàng, người mà tôi và Rob đi tìm mấy hôm nay. Tự nhiên tôi run, đi ngang đám người này tôi nhìn thật nhanh xem có Waffles ở đấy không. Nhưng lại nghĩ họ đâu có dại gì mang theo Waffles để Lạy ông tôi ở bụi này.

Tôi bảo thầm, chắc chắn người đàn bà này là người mà những người gọi đến nói là thấy dắt Waffles. Người đây mà không thấy chó, vậy có nghĩa là Waffles ở đâu đó với bạn của bà ta, hoặc bà ta đã bán nó cho người khác rồi. Tôi đi xuống cuối đường, phân vân không biết đi hướng nào, nếu đi thẳng là sẽ đi vào Seattle Center là chỗ có người thấy Waffles ngày hôm qua, mà có lẽ bây giờ Rob cũng đang lòng vòng ở đấy rồi. Vừa lúc ấy tôi nhớ ra có chuyến xe buýt 99, chuyến xe này là chuyến xe buýt độc nhất ở Seattle đi không phải trả tiền, dùng để chở du khách đi từ Chợ Tàu, ngang qua Pioneer Square là chỗ có người thấy Waffles, rồi chuyến xe buýt 99 lại chạy dọc theo bến tàu, bờ biển, trạm cuối cùng là dưới chân ngọn đồi trên đó có Olympic Sculpture Park. Xe buýt không phải trả tiền nên có lẽ người vô gia cư hay dùng xe này, đi qua công viên Myrth Edwards dài nằm cạnh biển, rồi từ đấy có một cái cầu chỉ dùng cho người đi bộ và người đi xe đạp bắc ngang đường Elliot, để đi đến đồi Queen Anne. Waffles bị mất ở Queen Ann, rồi có người thấy ở Pioneer Squar, hai chỗ này nối với nhau bằng chuyến xe buýt 99.

Suy nghĩ, phân tích như vậy xong, tôi quyết định rẽ qua Avenue Số Ba, để đi lên cầu, lúc đó chưa đến 7 giờ sáng, lại vào ngày Thứ Bảy nên rất vắng, trên đường chỉ có một mình tôi. Mọi lần mỗi khi đi ở đây, tôi hay đứng ở lan can cầu, ngắm ngọn núi Rainier, rặng núi Olympic ở xa và vịnh Elliot ngay trước mặt, lần này buồn lắm, tôi cứ lầm lũi bước những bước chân nặng nề, chẳng để ý gì đến cảnh trời trăng mây nước chung quanh.

Đang ở lưng chừng cầu, tôi thấy một người đàn bà đi ngược chiều với tôi, đeo cái ba lô nhỏ, trên tay ôm chặt một con chó màu đen. Tôi đi sát đến bà ta, nhìn vào mắt, nhìn tai con chó, rồi nhìn đuôi của nó, tôi kêu to lên:”Waffles”. Con chó nghe kêu, chồm ngay đến phía tôi, nhưng bà kia giữ chặt nó lại ngay. Nhìn nét mặt, quần áo của bà ta, tôi biết ngay là người sống lang bang đầu đường xó chợ, tôi lùi lại, giữ một khoảng cách đủ xa, rồi vừa đưa cái truyền đơn có ảnh của Waffles vừa nói:

“Con chó này của tôi, tôi mất nó từ ngày Thứ Ba”.

Bà đó nhìn ảnh rồi nói:

“Bà có điên hay không đây, con chó của bà trong hình mầu vàng, con chó này màu đen mà bà dám nói nó là của bà.”

Tôi tức qúa, hét to lên:

“ Cô nhuộm lông nó thành màu đen, con chó này là Waffles của tôi”.

Vừa lúc đó có một cô chạy bộ ngang, tôi đưa cho cô ấy tờ truyền đơn rồi nói:

“Cô làm ơn gọi 911 hộ tôi, người đàn bà này ăn cắp chó của tôi, rồi nhuộm lông nó màu đen”.

Cô chạy bộ nhìn tôi, nhìn người đàn bà vô gia cư, rồi bắt đầu bấm điện thoại, gọi 911.

Người đàn bà ôm con chó, thấy tình hình không xong, bắt đầu bỏ đi như chạy về phía Queen Anne, tôi vội vàng chạy theo, vừa chạy vừa rút 200 đô la ra, đưa cho bà này rồi nói:

“Cô đưa con chó cho tôi, rồi cầm tiền, chạy đi, cảnh sát sắp đến rồi.”

Không những không lấy tiền, bà còn ôm chó đi nhanh hơn, vừa đi vừa quay lại mắng tôi:

“Mụ điên, chó này là chó của tôi, tôi thương nó, không khi nào tôi bán nó đi hết”.

Người này chạy thì tôi chạy, đi nhanh thì tôi đi nhanh, cô chạy bộ cũng vừa liên lạc với 911 vừa chạy theo hai chúng tôi. Đến chân cầu là Avenue Số Ba, bà ta ôm chó rẽ qua Avenue Số Hai, trên khoảng đường này, tôi thấy một người đàn ông ngồi trong xe, cửa xe mở, tôi đưa cho ông ta tờ truyền đơn, rồi nói:

“ Ông làm ơn gọi số con rể tôi ,số điện thoại ở trong tờ giấy này, nói là tôi đang ở đây với người ăn trộm chó”.

Ông này hỏi đi hỏi lại mấy lần, mải trả lời ông này, quay lại không thấy người và chó đâu hết. Nhìn phía sau thì có một ngõ hẻm thật lớn, hai xe loại nhỏ có thể chạy ngược chiều nhau, thông với lại một cái hầm đậu xe lớn, vì là ngày Thứ Bảy nên trống trơn, không có một cái xe nào đậu trong ấy. Tôi chạy lại nói với cô chạy bộ là tôi để mất dấu người đàn bà vô gia cư đó rồi, cô ấy bảo cứ yên chí, sẽ có đến 3 xe cảnh sát đang trên đường đến đây. Vừa lúc đó Rob đạp xe đến, tôi vội vàng tả cho Rob biết là người đàn bà đang có Waffles bây giờ khoảng 40 tuổi, tóc nâu, cắt ngắn, mặc quần jean, đeo giày ba ta, áo khoác màu tím lạt. Nghe xong Rob đạp xe đi tìm người ấy ngay.

Cô chạy bộ bảo tôi đi lên phía đầu đường trên kia xem, còn cô đứng ở góc đường dưới này chờ cảnh sát đến. Rảo bước đến đầu đường, tôi còn đang ngơ ngáo nhìn quanh quất thì cô chạy bộ vẫy tôi xuống, rồi lấy tay chỉ vào cửa cái hầm đậu xe, tôi hiểu ngay là cô ấy đã thấy người đàn bà trốn trong đó. Tôi đi xuống, rồi chúng tôi rón rén cùng bước vào trong hầm, thấy người đàn bà ôm con chó, đứng nép sát vào một hóc tường nhỏ như cái tủ đứng. Lúc này tôi nổi điên lên, dữ dằng hét to :

“Ra đây, cô nói con chó là của cô, tại sao cô phải trốn trong đó đến mười phút như vậy?”

Người đàn bà cũng hét lại:

“Vì bà điên quá, chặn đường tôi, đuổi theo tôi làm tôi đi làm trễ, nên tôi phải tránh bà, trốn vào đây, chờ bà đi khỏi, thôi, tôi ra đây chờ cảnh sát đến”.

Rồi ba người đứng ở góc đường chờ. Tôi lại rút 200 đồng ra dụ dỗ :

“Cảnh sát sẽ ở đây trong giây phút, cô làm ơn lấy tiền, đưa chó cho tôi rồi đi cho rồi, cho khỏi rắc rối”.

Người đàn bà lại lập lại, chó là chó của bà ta, bà thương nó, không khi nào bán nó đi hết.Tôi thì nghĩ thầm, suốt đời người đàn bà này đã có những quyết định sai lầm đến nỗi thân tàn ma dại thế này, bây giờ lại thêm một quyết định sai lầm nữa. Đang nghĩ lơ tơ mơ như vậy thì người đàn bà lại vùng chạy, tôi lại chạy theo sát nút, vừa lúc đó Rob đạp xe đến, liệng cái xe xuống bãi cỏ, nhẩy tới giật con chó trên tay người đàn bà, con chó thấy Rob thì chồm tới ngay, Rob ôm con chó đưa cho tôi, hỏi :

“Có phải thật con chó này là Waffles không hả bà, trông nó già và khác quá”.

Tôi bảo Rob ngửi lông nó xem. Sau khi ngửi thấy toàn mùi thuốc nhuộm tóc, Rob mới gật gù công nhận đó là Waffles. Vừa lúc đó ba xe cảnh sát xịch tới một lúc. Ở xa họ đã thấy Rob và người đàn bà giằng co với nhau nên đến nơi, một ông giữ Rob, một ông giữ người đàn bà, tôi thì ôm Waffles, con chó run như cầy sấy, tôi cũng run không kém, cô chạy bộ đã giúp tôi tận tình từ đầu đến cuối bây giờ, vẫn ngồi cạnh tôi, ôm hai vai tôi cho tôi đỡ sợ, và để xem cảnh sát có cần hỏi cô gì không?

Một ông cảnh sát đến ôm Waffles đi đến nhà thương của chó mèo để xem cái microchip cấy dưới da của nó để xác nhận Rob là chủ. Độ 15 phút sau ông ta trở về, đưa con chó lại cho tôi, rồi nói là Waffles thuộc về Rob. Sau đó ông hỏi chúng tôi có muốn đưa bà này ra toà không, hai mẹ con tôi cùng lắc đầu. Tôi nói với Rob:

“Cũng tội nghiệp bà này, mê mê tỉnh tỉnh, mấy ngày hôm nay có Waffles làm bạn, vui vẻ với nhau, bà ấy cứ nghĩ là nó thuộc về bà rồi. Nhưng Waffles phải về với mình thôi”.

Trước lúc đó, trong khi chúng tôi đang làm việc với cảnh sát, có một người bạn của Rob sáng nay cũng đi xuống chỗ người vô gia cư tá túc đề tìm Waffles, nghe tin anh ta chạy đến ngay, nên lúc sửa soạn đi về, anh ta rủ tôi và Waffles lên xe để đưa về. Tôi nhờ anh chở Waffles về trước, còn tôi muốn đi bộ từ từ để đầu óc bình tĩnh nhớ lại chuyện vừa xảy ra . Trên đường về, tôi lại thấy người đàn bà này đi phía bên kia đường, ngược lại hướng tôi đang đi, tôi đã làm lơ, tránh mặt bà ta rồi, nhưng bà ta không tha, nói vọng qua :

“Bà cướp con chó của tôi, thế nào bà cũng bị Chúa phạt”.

Tôi làm thinh, đi thẳng, chút thương hại bà ta cũng chẳng còn vương vấn trong lòng. Đi ngang tiệm bánh Đan Mạch Nielsen’s Pastry, tôi ghé vào mua hai cái kringles mang về. Cô bán hàng vừa làm xong hai tách cà phê, để trên quầy, rồi tính đi vòng ra mang cho khách, tôi bảo để tôi giúp cô bưng ra cho. Tính tiền bánh xong xuôi, tôi biếu cô bán hàng 5 đô la, cô bảo sao tôi cho nhiều quá, tôi trả lời là hôm nay tôi vui lắm, muốn cho mọi người vui theo đấy mà thôi.

Về đến nhà, tôi và hai cháu ngoại làm cho Waffles một bữa điểm tâm thật ngon lành, rồi tôi vội vã sửa soạn nước, tưới cho những cây lan yêu quý của tôi mấy ngày hôm nay cũng vướng vào cơn ác mộng của Waffles, bị lãng quên, bỏ bê không ai chăm sóc. Waffles thì được về nhà rồi, mà trông không được vui, tôi nghĩ thầm, mấy hôm nay ở với đám nghiện hút dưới đó, về đây nhớ mùi cần sa, lờ đờ là phải rồi.


* Chuyện Waffles bị ăn cắp, bị nhuộm thành màu đen tuyền, và được tìm lại đã đăng trên Queenanneviews thứ Ba ngày 15 tháng 9, 2015. Đài truyền hình KIRO7 của Seattle phát hình thứ Tư ngày 16 tháng 9, và phát hình một lần nữa vào Thứ Bảy ngày 19 tháng 9 sau khi tìm được Waffles. Sau đó truyện Waffles được đăng trên báo Dailymail.co.uk và NYdailynews thứ Bảy ngày 19 tháng 9 và Seattletimes thứ Sáu ngày 25 tháng 9, nhưng tác giả Waffles, lost and found tin chắc là bài này chứa đựng rất nhiều chi tiết về chuyến phiêu lưu của Waffles mà những báo chí và đài truyền hình kể trên không thể nào tường trình đầy đủ những chi tiết gay cấn xác thực bằng người trong cuộc”.