Thứ Bảy, 9 tháng 2, 2019

Ngự Thuyết: Rừng

Hình minh hoạ, Internet

Trí nhớ của tôi thường bội bạc. Hoặc thiên vị. Trong cuộc sống, có biết bao nhiêu sự kiện đã ghi sâu vào ký ức của tôi. Và cũng vô số sự kiện khác trôi qua đời tôi như nước trôi đầu vịt, không để lại dấu vết gì. Lại có những chi tiết tôi cho là đáng nhớ, chẳng hạn, khi đã khôn lớn, lần đầu tiên cầm vô - lăng lái chiếc xe hơi, nhưng tôi không thể nào nhớ được đấy là xe hiệu gì, đi đâu, lúc nào, đi với ai, với mục đích gì. Trong khi đó, ký ức về người đàn bà thành phố lỡ bước vào một nơi rừng rú lại thường trở lại với tôi rất rõ nét. 

Chiều nay, một chiều cuối năm, ngồi một mình bên tách trà quên uống đã nguội lạnh, tôi lẩn thẩn ôn lại những ngày qua, và hình ảnh người đàn bà ấy lại nổi bật kéo theo nhiều chuỗi hồi ức khác tưởng đâu đã hoàn toàn bị quên lãng. 

Chuyện xẩy ra cách đây hơn nửa thế kỷ. 

Tôi thích núi rừng. Có lẽ từ thuở nhỏ, nhỏ lắm, thời thơ ấu, tôi sống tại một thành phố rất trẻ, rất hoang sơ, rất rừng rú. Núi rừng in đậm vào tâm hồn tôi khi còn là một trang giấy trắng. Cây cối, thác ghềnh. Con thỏ rừng, con chồn, con sóc, con hươu, con nai, con heo rừng, con gà rừng, con khỉ ... sống lẫn lộn với người - người Việt Nam như tôi, và khá nhiều người thuộc dân tộc thiểu số mà trước kia gọi là người Thượng. Và nhiều thứ khác nữa chứ. Tiếng suối reo, tiếng chim kêu vượn hú, tiếng cọp gầm. Và những trận mưa rừng xoá nhoà trời đất. 

Đặc biệt là sương mù. Những buổi sáng sương mù lấp kín nhà sàn nằm cheo leo trên những vách núi, sườn đồi, những thung lũng, những mặt hồ, những hố sâu. Có khi sương mù phủ gần hết những trái đồi thấp, chỉ chừa lại đỉnh. Tưởng như sương mù là biển cả mênh mông, đỉnh đồi là những hòn cù lao bé nhỏ, lẻ loi. 

Lớn lên, cuộc sống kéo tôi ra khỏi núi rừng, ở toàn những nơi phồn hoa đô hội. Nhà cửa chật chội, chi chít; xe cộ rộn ràng, náo động; dân cư ồn ào, chen chúc. Và bụi bặm. Và mải mê tranh sống. Nhiều lúc tôi tưởng tôi đã đánh mất tôi. Nhiều khi quên quá khứ. Tôi thử dò xét lòng mình – nếu cuộc sống cho phép, nghĩa là có công ăn việc làm như nhau, thì thích sống ở đâu hơn. Rừng núi hay đô thị? Cũng có chút phân vân, tôi chọn núi rừng. 

Khi có lệnh động viên, vào trường Võ Bị Thủ Đức, tôi vẫn thích được đi huấn luyện quân sự tại những bãi xa, càng xa càng tốt, hơn là quanh quẩn trong hội trường, trong phòng học, học những môn như chiến tranh tâm lý, chiến tranh chính trị, tháo gỡ và lắp ráp các loại vũ khí, quân xa, binh thư, vân vân. Đi tới đồi 18 trong vùng quận Thủ Đức, đi Gò Dưa, đi Tân Vạn, hay có lần được đi di hành xa, cuốc bộ, nón sắt trên đầu, súng trên vai, ba lô nặng trên lưng, đến tận vùng Dĩ An, Biên Hòa. Mệt nhoài mà thích. Không có rừng núi, nhưng thay vào đó, cũng được gặp những ngọn đồi thấp, những con đường lên lên, xuống xuống, những truông, những trảng, và cây cối tràn lan. 

Một hôm, Tết sắp tới, trên bãi tập bắn súng đại liên, tôi lân la gợi chuyện với một sỹ quan huấn luyện: 

“Thưa thiếu úy, ngày mai là ba mươi Tết rồi. Được nghỉ không, thưa thiếu úy?” 

“Không.”

“Mai học ở hội trường hay đi bãi?”

“Đi bãi.”

“Đi bãi nào? Có xa không, thưa thiếu uý?

Anh ta nhìn tôi, hơi gắt:

“Anh hỏi để làm gì?”

Tôi đang lúng túng tìm câu trả lời thì vị sỹ quan đó, trẻ tuổi hơn tôi nhiều, lập nghiêm:

“Nhà binh kỷ luật sắt. Có nhiều thứ cần phải bảo mật. Không được hỏi vớ vẩn.” 

Nói xong, anh ta cau mày đứng dậy, quay người đi nhanh. 



15 năm sau. 

Tôi đi tù cải tạo. Trong B (trung đội) của tôi, tôi chơi thân với Chí, một phần do chúng tôi đều có vài kỷ niệm giống nhau, từng sống tại hai thành phố lân cận vùng cao nguyên thời thơ ấu – tôi Pleiku, Chí Ban Mê Thuột. Chí là đại úy bộ binh của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, từng phục vụ trong cả bốn Vùng Chiến Thuật. Những ngày cuối cùng trước khi “tan hàng”, Chí đóng tại Dakto, Kontum. Đã có gia đình, vợ và ba con, có đứa sắp vào đại học. Qua những lần đi lao động bên cạnh nhau, chuyện trò thì thầm, tôi được biết như thế. Chí vui tính, hiếu động, táo tợn, “rắn mặt.”

Chúng tôi không biết B của chúng tôi thuộc đại đội nào, tiểu đoàn nào, trung đoàn nào. Chỉ biết xa thành phố, nằm sâu trong vùng núi rừng hoang vắng, mùa hè nóng như thiêu đốt, mùa đông lạnh thấu xương. 

Một hôm, vào giờ nghỉ giải lao, Chí lân la đến cán bộ quản giáo cười cười làm thân, rồi tò mò hỏi: 

“Thưa cán bộ, mai đi lao động khu nào nhỉ?”

“Anh nói tiếp đi!”

“Và có đi sớm như sáng nay không?”

“Cái gì? Cứ nói tiếp!”

“Thưa, đi đốn cây hay đi cắt tranh?”

Viên quản giáo quay đầu nhìn chằm chặp, và lặp lại câu nói cũ:

“Nói tiếp!”

Chí lại cười cười:

“Thưa, tôi chỉ muốn biết chừng đó thôi.”

Viên cán bộ quản giáo quắc mắt, nói qua kẽ răng:

“Này, này, ý đồ gì vậy?”

Chí chột dạ, gượng cười:

“Thưa ... thưa ... tôi không có ý đồ gì cả. Chẳng qua, chẳng qua ...”

Nói chưa hết câu, Chí nghiêng mình chào rồi vội đi nhanh về phía chúng tôi.

Sau khi đi lao động về, trước giờ ăn tối, có người đến đưa Chí lên Khung trình diện, mang theo hành lý. Chúng tôi ngơ ngác. Khung là trụ sở của Trung Đoàn thì phải. Hành lý rất nhẹ, chỉ một cái bị nhỏ đựng một bộ áo quần tươm tất mang theo từ hồi trình diện học tập cải tạo, khi có thăm nuôi, thắng bộ đồ đó lên cho đẹp mặt. Mặt ai? Có lẽ mặt tù cũng như mặt cai tù. Và một áo cụt ba lỗ, một quần xà lỏn tự khâu lấy bằng vải bao cát. Có cả một cái chén gò từ miếng tôn cháy sém, một đôi đũa tre tự chuốt lấy to và dài. Khi trình diện đi tù cải tạo, chúng tôi không có đủ thông tin, nên không mang theo chén, dĩa, nồi, niêu.

Chúng tôi biết mang theo hành lý có nghĩa không trở lại với chúng tôi. 

Trại tù có một hội trường khá rộng, mái tranh, nền đất, không có phên, vách. Không có ghế cho tù ngồi. Chỉ có một cái bàn nhỏ, một cái ghế đẩu dành cho cán bộ khi lên lớp. Vào mùa mưa, gió tạt mưa vào, ướt át. Chúng tôi tụm năm tụm ba chạy quanh tìm chỗ khô ráo. 

Ngày nào chúng tôi cũng đi lao động trừ chủ nhật. Những hôm học các môn lý thuyết, chính trị cũng khỏi đi lao động ngoài rừng. Thì tới hội trường. Lao động cực nhọc, nhưng chúng tôi thích hơn đến hội trường nghe “nhồi sọ, tẩy não”. 

Có những khu rừng quen vì đã đến nhiều lần. Nhưng thường đến bằng những lối đi khác nhau. Có nơi đi thật lâu mới tới. Vì xa? Không hẳn. Một lần đi lâu đến một khu rừng lạ. Chí, hồi đó đang còn ở tù chung với chúng tôi, trèo lên một cây cao định hái bụi hoa phong lan theo như lời hắn khai, bị lính bảo vệ bắt gặp, nổ súng chỉ thiên. Hắn hoảng hốt tụt xuống, rồi bị biệt giam nửa tháng vì phạm nội quy. Có lẽ vì đã phạm cái tội đó cho nên về sau Chí “lèng èng” hỏi chuyện đi khu này khu nọ nên bị dồn hai tội làm một, bị chuyển đi trại khác. 

Trở lại thời kỳ hắn chưa bị chuyển trại. Hết bị biệt giam, hắn đổi tính, gắt gỏng. Ít chuyện trò với mọi người. Không còn những lối đùa giỡn náo nhiệt, vui nhộn. Tệ hại hơn nữa, hắn nhìn mọi người bằng con mắt ngờ vực. Trừ tôi ra. Tôi tự hỏi, hắn nghi ngờ chuyện gì? Hay là Khung đã tung hoả mù, gieo những mầm nghi kỵ trong đám tù vốn không quen biết nhau từ nhiều nơi dồn về? Đã thế, đám tù này cũng không được sống chung với nhau lâu ngày. Chúng tôi chưa kịp tìm hiểu nhau thì “Cách mạng” lại “xóc bài”. Chúng tôi lại bị phân rẽ ra mỗi người đi một ngả. 

Một hôm, khi chỉ còn hắn và tôi đứng cạnh nhau, hắn thì thầm:

“Tụi nó có nhiều trò quỷ quái lắm. Dẫn tụi mình bị đi quanh quẩn đến hụt hơi mới tới nơi. Nhưng thật ra, rất gần. Trèo lên cây cao thấy ngay. Tao lấy cớ trèo cây hái phong lan, thực ra để quan sát quanh vùng.”

“Quan sát làm gì vậy?” tôi hỏi.

Chí nhớn nhác nhìn quanh, hạ giọng:

“Để trốn trại. Cậu và tui nhé. Có hai đứa, giúp nhau, mới có hy vọng thoát.”

Nó bị chuyển trại chăng? Đó là do chúng tôi bàn tán, suy luận. “Cách Mạng” không bao giờ cho chúng tôi một thông tin nào về nó, hoặc về bất cứ vấn đề nào khác trừ những gì liên quan tới “Học tập tốt, lao động tốt”. Chúng tôi cũng không được hỏi han gì cả. Câm. Điếc. 

Hay là nó bị thủ tiêu rồi, tôi buồn rầu ngẫm nghĩ. 



Có lần đi thật lâu, chắc là xa thiệt, tới một khu rừng cây cối cao ngất. Tôi thấy náo nức. Ô, núi cao, rừng sâu! Chúng tôi lần đầu tiên thấy sóc bay. Ngửa mặt nhìn lên ngọn cây, thỉnh thoảng thấy vài ba con sóc màu nâu nương theo gió bay là là từ cành cao của cây này đến cành thấp hơn của cây khác. Không thấy nó bay ngược lại, từ thấp lên cao. Có lẽ không bay được. Thấy chúng tôi, vài ba con sóc tò mò đáp xuống đất. Một bạn tù rình bắt được một con. 

“Mày giỏi quá. Nhanh như sóc mà cũng bị tóm.” 

“Nhằm nhò gì. Cá, chim, tao cũng bắt như chơi.”

Thật thế, anh chàng này, vào mùa mưa, có dịp đi qua những hố bom B-52 đầy nước, hình tròn, đường kính khoảng vài mươi mét, mà được quản giáo cho tù xuống tắm, hắn bắt cá. Những người khác ham bơi, lội, vùng vẫy, kỳ cọ, hắn mò mẫm bơi quanh ven bờ hố, lấy tay khoét vài cái lỗ sâu độ một gang tay. Anh em quậy nước bùn lên làm cá cay mắt và sợ, trốn vào mấy cái lỗ đó. Mươi phút sau, hắn trở lại mò tay vào những cái hang đó bắt được cá. Bắt chim én càng khỏe hơn. Chỉ cắm vài con ruồi vào một khúc tre nhỏ xíu như que tăm, ngay cạnh đó đặt một cái thòng lọng. Ngày xuân con én đưa thoi,thấy ruồi tiện thể bay qua đớp, vướng vào dây thòng lọng. Phải chi cứ lo việc đưa thoi. Thế là bữa ăn chiều của nó thấy mà thèm. 

“Hôm nay cậu lại có món sóc rô ti,” một người hỏi.

“Không, con sóc này lông dày êm quá. Rờ sướng tay. Cậu có coi cuốn phim gì gì đó có cái thằng khờ thích rờ chuột? Tui là thằng khờ đó, đem về nuôi chớ không ăn. Sóc dễ làm thân lắm. Mới đó nó đã biết giỡn với tui, thấy chưa. Đấy, đấy, coi cặp mắt ngây thơ long lanh kia kìa. Coi hai bàn tay nó chắp lại kia kìa.”

Hắn lấy dây lạt cột con sóc vào một gốc cây để rảnh tay đi lao động. Đến giờ nghỉ trưa ăn xong cơm nguội hoặc củ khoai mì mang theo, hắn quay lại thăm con sóc. Một bầy kiến lửa bu vào đầy mắt, đầy miệng con sóc. Chết cứng queo.

Tại một khu rừng khác, cũng đi khá lâu mới tới, chắc cũng xa thiệt, chúng tôi chặt mây. Lần đầu tiên tôi thấy dây mây. Nó là một loại dây rừng có những lóng dài, có mắt mọc ra thành vài ba nhánh nhỏ. Vỏ bọc bên ngoài dây mây đầy gai nhọn. Mây bò chằng chịt quanh những cành, những cây cao. Chặt mây, rút mây ra khỏi cây to thế nào cũng bị gai đâm rách áo, sướt tay, lủng chân. 

Cũng trong cánh rừng này, sắp tập họp trước khi trở về trại, tôi chợt thấy một cây lạ, khá cao, cành lá xanh tươi, một mình đứng lẫn trong nhiều cây cổ thụ khác. Thân cây có một lớp vỏ màu bạc bao kín. Tôi chăm chú nhìn, rồi lấy dao chặt nhẹ mấy nhát vào gốc cây. Thích cái cây đó chặt chơi “làm kỷ niệm”, chứ không định phá hoại “có hệ thống”, cũng không “có ý đồ” gì ráo. Vỏ tróc, gỗ bên trong màu vàng tươi thoang thoảng một mùi dễ chịu. Bụng đói, đói liên miên, đói kinh niên, thấy cái gì có vẻ ăn được là ăn ngay. Ăn bất cứ con gì còn nhúc nhích, trừ con ruồi và con muỗi. Nhưng gỗ đâu biết nhúc nhích, cũng nếm thử vài mảnh nhỏ văng ra xem sao. Thấy thơm và ngọt, tôi gọi mấy người trong toán tới. Tất cả đều thích thú cho là đã tìm ra một loại cây quý. Biết đâu quý hiếm hơn cây quế trong rừng. Thì một bạn thấy thế chạy vội đến la to đừng ăn, đừng ăn, coi chừng ngộ độc chết tươi cả ngay bây giờ. Chúng tôi chợt tỉnh. Đứa thì cố khạc nhổ, đứa thì đứng lặng người lắng nghe bụng dạ mình chuyển động ra sao. 

Đến bây giờ tôi cũng không rõ đó là cây gì. Chỉ nhớ là sau đấy, trên đường về lán, chúng tôi, những người đã nhai những mảnh gỗ vụn đó, đều cảm thấy uể oải, mệt nhọc, hoa mắt, chân bước lâng lâng, lảo đảo. Nếu không có anh em cho vịn vào vai để cùng đi, nếu không có chú lính bảo vệ súng cầm tay, mặt non choẹt cố làm ra vẻ “hình sự”, trông thấy thương hơn là ghét, chúng tôi đã nằm lăn quay xuống đường mòn. Nhiều hôm sau đó chúng tôi cũng chưa bình phục hẳn.

Hình ảnh chú lính bảo vệ trở lại với tôi. Cố làm ra vẻ hắc ám, sắt máu nhưng không che giấu nổi những nét ngây thơ, chất phác, ngờ nghệch. Đúng là một kịch sỹ bất đắc dĩ. Anh ta nghĩ gì trong đầu? Là một cá nhân bé nhỏ bị nhồi nặn trong một chế độ độc tài toàn trị, với bộ máy tuyên truyền khổng lồ, liệu anh ta, và ngay cả những quản giáo hay những người chuyên đứng lớp thao thao bất tuyệt về chủ nghĩa này, lý thuyết nọ, có thể nào suy nghĩ độc lập? Có thể anh ta nghĩ rằng chúng tôi là những tên Ngụy rất nguy hiểm, những tên Việt gian bán nước, ôm chân đế quốc, thích ăn tim gan người, uống máu đồng bào, “xơi tái” bào thai của “chiến sỹ gái”? Cho nên, nếu có “sự cố” bất tường nào dù nhỏ nhặt xẩy ra, phải dùng bạo lực cách mạng thẳng tay trấn áp? 

Chúng tôi đi tù tại Miền Nam, loại tù không có nhiều “nợ máu với nhân dân”, chắc chắn không nếm mùi đau khổ bằng những người tù bị đưa ra ngoài Bắc. Nhưng đã ở tù thì kể chi đến gian khổ, tôi thầm nghĩ. Than van, trách móc chỉ khiến cho cái đau đau thêm. Hãy quên hết, quên đói, quên thiếu thốn, quên nhọc nhằn. Quên buồn, quên nhớ. Ý chí nói với tôi như thế. Nhưng tôi có chịu làm theo hay không? Dường như có, dường như không. Dường như mà thôi, chẳng có gì rõ ràng. 

Liệu tôi có thể quên nếp sống cũ? Liệu tôi có thể nào đừng nghĩ đến xã hội ngoài kia mà tôi không hề có được một tin tức chính xác nào. Quản giáo thì nói láo, vợ con đến thăm thì không dám tiết lộ sự thật vì có cán bộ đứng cạnh nghe ngóng. Báo chí không có đã đành, đài vô tuyến cũng không được nghe ngoại trừ thỉnh thoảng “được” bắt buộc nghe đài phe ta. 

Đừng nghĩ “khi về” thì sẽ làm sao có thể chạm trán với xã hội ngoài kia. Mà khi nào là khi về, “Khi về hỏi liễu Chương Đài”.Đừng nghĩ đến vợ con đang chìm nổi trong cơn “đại hồng thuỷ”. Đừng nghĩ rằng, trước những thay đổi khủng khiếp, liệu người vợ chỉ trông cậy vào đồng lương ít ỏi và cố định của chồng, suốt ngày lo săn sóc việc nhà và nuôi con, nay có biết và có kịp thay hình đổi dạng, để xông pha vào cuộc đời mới đầy đe doạ. Liệu có chịu tập tành buôn thúng bán mẹt; bon chen, giành giật; gồng thuê gánh mướn. Hay là khi vô phương kiếm sống, lại xoay qua làm nghề không vốn. Vâng, biết đâu, biết đâu. Và đứa con độc nhất sắp đến tuổi đi học? Liệu nó có được cắp sách đến trường hay là ngày ngày chạy ra ngoài chợ Cầu Ông Lãnh đá cá lăn dưa, hay là lêu lổng đầu đường xó chợ, hay là đi bụi đời. Mà nếu may mắn được đi đến trường thì cái đầu non nớt đó sẽ học những gì? Chắc chắn sẽ có những bài học mới lạ, kỳ quái, và sẽ không thiếu những môn huấn luyện cách “lăng mạ, luận tội, lên án” ngụy quân, ngụy quyền trong đó có cha của nó, chú của nó, họ hàng của nó, láng giềng của nó, đồng bào của nó. Khi cha nó về, nó sẽ nhìn cha bằng “nửa con mắt”? 

Như đã nói trên, tôi tự nhủ đừng nghĩ ngợi lôi thôi. Càng nghĩ ngợi, càng bế tắc. Và tôi đã thành công. Là vì những ý nghĩ tối tăm vừa nêu trên, lúc đó, đã nằm sâu dưới cát, lớp cát dày phủ kín đầu con đà điểu ngoài sa mạc. Vâng, người ta nói, khi gặp nguy hiểm, con đà điểu chui đầu xuống cát để khỏi phải thấy gì. Sự thật có phải là thế không? Nhờ đấy, con đà điểu “khôn ngoan” đã ù lì sống, đã không bị hội chứng tâm lý, chấn động tinh thần. Bây giờ, nước đã chảy nhiều dưới cầu, lớp cát dày bị gió sa mạc thổi bạt, hai con mắt con đà điểu mở to quay nhìn quá khứ. Giật mình.



Tình yêu có từ bé đối với rừng núi không ngờ lại là điều hay cho tôi. Nhờ tình cảm đó, những chuyến “đi rừng” lao động dù cực khổ và bị kềm kẹp vẫn mang lại cho tôi vài ba kỷ niệm khó quên như tôi vừa kể. Nhưng tôi còn muốn kể thêm câu chuyện dưới đây nữa. Nó khiến tôi mỗi lần nhớ đến là mỗi lần bàng hoàng thảng thốt như bị dội lên đầu một thau nước lạnh. 

Tôi luôn luôn mong được đi rừng xa. Đúng như mong ước của tôi, một hôm gần Tết ta, sau khi tập họp, quản giáo cho hay sẽ đi xa, xa nhất từ trước đến giờ. Sẽ được ghé một nơi đặc biệt. Một người tù bẩm bẩm, Khoan hồng, cách mạng lại khoan hồng. 

Tôi nhẩm tính, thế là sắp ăn bốn cái Tết tù. Người xưa dùng chữ đúng quá, “Ăn Tết”. Vừa đi vừa suy đoán năm nay ăn Tết ra sao. Chắc sẽ được nghỉ lao động một ngày, mong nó không rơi vào ngày Chủ Nhật. Và “trên cả tuyệt vời”, có lẽ chúng tôi sẽ có thịt heo, mỗi năm tù được ăn một lần vào dịp Tết. Mỗi người cũng sẽ được chia một miếng thịt khiêm tốn to bằng một lóng ngón tay, gặp miếng có mỡ coi như trúng số. Chắc năm nay cũng thế, B chúng tôi cũng sẽ bàn bạc sôi nổi, cuối cùng “đạt được sự nhất trí cao”: gom thịt và cơm lại, cho vào nồi lớn, thêm chút muối và mấy gàu nước giếng, bắc lên lò nấu cho thật nhừ. Thế là, một nồi cháo thịt nóng hổi thua gì Cháo Chợ Cũ mà chúng tôi thường nhắc đến khi họp nhau tán gẫu sau bữa ăn tối mà cứ ngỡ chưa ăn. 

Chắc cũng sẽ đấu cờ tướng từ sáng đến chiều, cho điên cả cái đầu. Nhà vô địch sẽ không được hưởng “vinh quang”, nghĩa là “bị nghỉ lao động” một ngày. Tên nào thích thể thao, dù thân thể còn da bọc xương, chắc sẽ được đá banh. Chân không giày, chia làm hai phe, phe ở trần, phe mặc áo. Nhưng Tết năm nay tôi sẽ không ghi danh đá banh trên cái sân khủng khiếp đó. Nào đá dăm tai mèo nhọn hoắt, nào đá cuội lục cục nằm rải rác đạp lên đau méo mặt, nào lỗ chân trâu gồ ghề, lởm chởm, nào những bụi hoa trinh nữ, tôi thích chữ bông mắc cở hơn, đầy gai nhọn mọc phục kích khắp sân. 

Sau trận đấu tên nào cũng bong móng chân cái. Nhiều tháng sau móng mới mới chịu lần mò nhú ra thật chậm, trông đến sốt ruột. Đó là chưa kể cái bụng không cứng kéo theo cặp giò rất mềm, đá vào trái banh da mà tưởng như đá vào tảng đá. 

Vợ con phải nhịn thèm để dành quà Tết vào dịp thăm nuôi đầu xuân. Có những gì nào? Mong được một thỏi đường đen, thèm ngọt quá; một chai nước mắm thiệt, vì ngày ngày chỉ được ăn loại nước mắm làm bằng nước muối thắng chút nước màu cho vui mắt; và nhất là cái bánh tét nhân chuối, hay nhân đậu xanh, hay biết đâu nhân thịt. Thèm thịt quá. 

Đầu óc lan man, chân bước đều đều như máy. Trên nhiều đoạn đường, tôi đi mù lòa theo sức lôi kéo vô hình của đoàn tù, không để ý đến cái lưng của người đi trước, hay cái vai của người đi bên cạnh. Chỉ cắm đầu loáng thoáng thấy những bàn chân sù sì, gót nứt nẻ, mang dép râu, xủi đất, cát, bụi bay vật vờ. Bỗng nhiều tiếng reo, Ồ con suối, chảy mạnh quá. Tôi bỡ ngỡ nhìn quanh. 

Con suối nhỏ rộng khoảng 10 mét chảy ngang qua một vùng đất khá bằng phẳng. Bắc ngang qua con suối là một thân cây còn tươi đường kính hơn một gang tay, còn cả vỏ nguyên vẹn, chứng tỏ rằng “cây cầu” này ít người qua lại. Bên một bờ suối còn một gốc cây lẫn trong đám cỏ cao có nhiều vết mới chặt. Có lẽ mấy ngày trước đây một người nào đó đốn cây này, chặt hết cành, rồi đẩy thân cây cho nằm ngang qua dòng suối. Thế là có cây cầu. Cành, lá, có lẽ đã được mang về nhà làm chất đốt. 

Nhiều người tù khi qua cầu thấy nước chảy nhanh, chóng mặt, sợ ngã xuống suối đành phải ngồi bệt xuống, hai chân choàng qua hai bên thân cây, cái kiểu ngồi trên lưng ngựa, hai tay chống xuống thân cây nâng người lên, nhích nhích tiến tới từng chút một. Trông giống trẻ con đùa giỡn. Quản giáo, lính bảo vệ đi qua cầu một cách dễ dàng như đi trên mặt đất phẳng. Có khi họ còn trổ tài chạy phon phon. Tôi nghiệm ra rằng đại đa số chúng tôi không phải là lính chuyên nghiệp, vốn là công chức, tư chức, bị động viên nhập ngũ chưa được bao lâu thì rã đàn tan nghé. Nay bị ném vào núi rừng. Vụng về, lọng cọng.

Xa xa, phía ngược dòng suối là rừng tre ngút ngàn. Từ mô đất cao nhìn xuống, tre xanh ngát, hết lớp này đến lớp khác, đu đưa trong gió trông như những tấm gấm vóc khổng lồ lượn sóng. Xuôi theo dòng suối, rừng cây trùng điệp, cây không tên, hay đúng ra chúng tôi không biết tên, cũng xanh tươi, rậm rạp. Rừng nhiệt đới muà xuân là thế đó. Hai bên lối mòn ngoằn ngoèo, hoa dại nhiều màu đã nở rộ. Cỏ dại trên mặt đất cũng trổ hoa, thường là hoa màu vàng nhỏ như ngọn rau má. Cũng có bướm bay chờn vờn quấn quýt nhau, đuổi nhau; chuồn chuồn thì bay đứng một chỗ trên không trung quan sát chúng tôi. Rừng nhiệt đới phải có nhiều loại côn trùng chứ, tôi ngẫm nghĩ. Chúng đâu cả? Chỉ thấy bươm bướm và chuồn chuồn. Chắc hẳn côn trùng đang nằm ẩn trong bụi cây, đám cỏ, lòng đất, chờ đêm xuống bò đi kiếm ăn và thi nhau hoà tấu những khúc nhạc thiên thu. Chim cũng hiếm, trừ chim én. Khó thấy chúng nó, chốc chốc nghe lảnh lót tiếng hót. Hay đó không phải là tiếng chim, mà là “tiếng gọi” của núi rừng. Trên trời cao, mấy cụm mây trắng trôi bồng bềnh. Ở thành phố ít thấy mây bay.

Khoảnh rừng thưa này khá rộng, chim én bay lượn nhiều. Một câu thơ trong Kiều, Ngày xuân con én đưa thoi, đã được nhắc bên trên, lại nhắc lại, vì tôi thấy nó đẹp, êm, và ấm quá. Tại sao câu thơ ấy đẹp, êm? Khó nói. Nhưng ấm thì dễ tán láo. Đưa thoi khiến tưởng tượng đến khung cửi với hai bàn tay nhỏ của cô dệt vải, và từ vải may áo thay cho cái gọi là áo làm bằng bao cát sù sì, chùm đụp, xiêng xẹo, hở hang, mới mặc ngứa ngáy chịu hết nổi, lâu ngày quen. Nhưng vẫn nhớ cái áo bằng vải thiệt như trẻ con mới bỏ bú nhớ bầu sữa. 

Tưởng là đã đến nơi, nhưng không. Chúng tôi chỉ dừng lại chờ những người ngồi lết lết qua cái cầu độc mộc. Sau khi mọi người qua khỏi cầu, đoàn tù tiếp tục đi. 

Đầu óc tôi lại lang thang. Và nhớ. Lang thang nhớ về quá khứ. Đừng nhé, hãy khoan, hãy đừng nghĩ đến tương lai. Hãy là con đà điểu ngoài sa mạc. Nhớ chuyện cũ thôi. Nhớ là liều thuốc xoa dịu, mơn man, làm nhẹ phiền muộn. Là tiếng nói thủ thỉ, hay đay nghiến; nụ cười hân hoan, hay hờn dỗi; ánh mắt reo vui, hay trách móc. Là bàn tay quen quen, mai tóc cỏ rối, nụ hôn bâng khuâng, làn da ấm áp. Là tiếng khóc trẻ thơ trong veo, tiếng tập nói bi bô vừa chớt vừa ngọng, chiếc giày nhỏ xíu nằm lăn lóc trên gác nhỏ một hôm tìm thấy. Là tiếng ho hen quát tháo bầy chó vồ sủa của ông già hàng xóm mỗi khi có khách đến nhà, tiếng rao hàng quà rất đúng giờ mỗi buổi sáng, tiếng xe xích lô máy bỗng nổ ròn rã khuấy động rồi xa dần, nhỏ dần, mất hút. Là con phố có hàng cây sao, có lề đường rộng, khua vang tiếng guốc chen lẫn với tiếng cười khúc khích mỗi buổi chiều khi học trò con gái “Em tan trườngvề.” Là quán cà phê khói thơm ngào ngạt cùng thân hình yểu điệu và mái tóc đen dài che nửa khuôn mặt rất đẹp của cô chủ, làm nổi bật đôi mắt mơ màng lơ đãng không bao giờ nhìn thẳng vào một ai. Phải chăng không nhìn vào người nào chứng tỏ chưa có nơi có chốn, thì những chàng trai mới lớn tha hồ nuôi hy vọng, ngày ngày đến trồng cây si.

Nhưng không có cái nhớ nào dai dẳng, tha thiết, và lặp đi lặp lại bằng nhớ tô phở, tô bún bò, tô hủ tíu. Ngây ngất cả thần hồn vì mùi thơm bốc lên, ấm cả lòng dạ khi bàn tay nâng niu bên ngoài cái tô no tròn nóng, như trẻ thơ nâng bầu vú mẹ. Dù thèm đến mấy, cũng sẽ không dám ăn liền. Như tên mọt sách, cầm cuốn sách mới đã chờ đợi lâu nay, không dám giở ra đọc liền. Âu yếm nhìn tên tác giả, hân hoan như thấy tác giả gật đầu mỉm cười đáp lại, nhìn tranh bìa trước, ngắm chữ bìa sau, ướm thử xem nó nặng bao nhiêu, rồi bàn tay trái cầm gáy cuốn sách, ngón cái tay phải khẩy nhẹ vào cạnh những trang giấy để nghe mùi giấy mới, mực mới, chữ nghĩa mới lan toả những đợt sóng từ trường. 

Vâng, tôi sẽ không ăn ngay. Trước khi ăn, như đã nói, tôi hãy thưởng thức bằng khướu giác, xúc giác, rồi mới lim dim mắt ngắm nó như ngắm bức tranh ấn tượng. Màu đỏ cay của ớt, màu xanh mát của hành lá, màu đen ròn của tiêu, màu trắng mịn của bánh phở, con bún, sợi hủ tíu. 

Thế còn màu sắc của thịt tái, chín, nạm, gầu, gân, vè, sách, giò heo, chả lụa, thịt băm, tóp mỡ, nước lèo? Màu sắc của những thứ đó vượt ra khỏi lãnh vực của ấn tượng. Tượng trưng chăng? Siêu thực chăng? Thật khó mà diễn tả bằng lời. 

Cuối cùng đoàn tù dừng lại hẳn. Chúng tôi đến khu rừng này lần đầu. Đúng ra đây không phải là khu rừng, mà là một trảng tranh. Và thật là lạ, tại một góc của cái trảng tranh xanh tốt và khá rộng này có mấy gánh hàng ăn. Khoai, sắn, chuối, ổi, bưởi, trái cóc, mấy khúc mía chưa róc vỏ ... Và những loại bánh hấp hoặc nấu chín gói trong lá chuối. Trông ngon lành quá. Gần Tết rồi, chắc có bánh tét. Tết luôn luôn có bánh tét, tôi muốn gọi nó là bánh tết. 

Không xa nơi chúng tôi tập họp trước khi phân tán ra làm nhiều toán nhỏ, cuối đám tranh, sau những bụi cây và lau sậy san sát, thấp thoáng năm ba mái nhà lá. Tôi tưởng như lâu ngày nay gặp lại quê nhà, thân, quen, ấm áp, dù đang mùa Đông. Thấp thoáng bóng dáng người dân thường, trông nghèo nàn, lam lũ, nhưng ăn mặc đâu vào đấy. Đàn ông quần cụt, áo sơ mi rách rưới, vá víu, đàn bà quần dài đen, áo bà ba cũ kỹ. Không kỳ quặc như chúng tôi – áo bao cát ba lỗ, một lỗ to cho cái đầu bờm xờm thò ra, hai lỗ nhỏ cho hai cánh tay xương xẩu có chỗ thoát ly; quần xà lỏn bao cát thì trông chỉ văn minh hơn chiếc khố; mỗi người may theo mỗi cách, mà vẫn có mẫu số chung, là méo mó, xộc xệch, hở hang. 

A, đây là xã hội loài người, nhưng họ có phải là Việt Cộng hay không nhỉ? Nghĩa là họ có xem mình như kẻ thù, như Ngụy, để họ cải tạo phụ đạo? Hay họ chỉ là những người thường dân, dù sống dưới chế độ nào. Tôi buồn rầu nghĩ tiếp, dưới chế độ nào đi nữa thì dân vẫn là dân, chính quyền là chính quyền, đảng là đảng, Việt cộng là Việt cộng. Lẽ nào mọi người đều là Việt cộng?



(Còn tiếp một kỳ)