Chủ Nhật, 10 tháng 2, 2019

Ngự Thuyết: Rừng (Tiếp theo và hết)

Ở mãi trong rừng ngày ngày đối diện với sắt máu, kềm kẹp, rình rập, đói khát, bệnh tật, nhiều khi mình cảm thấy mình không phải là con người nữa. Một nhà thơ nói trúng: 

Mười năm, mặt xạm soi khe nước, 
Ta hóa thân làm vượn cổ sơ.[1]

Nay thấy loài người, lòng bỗng nao nao. Và có hàng, có quán. Không chừng có cả chợ. Có lẽ nơi này rất xa những nơi từ trước tới nay chúng tôi đã đến để được “Vinh Quang” – “Lao động là vinh quang.” Khẩu hiệu được lặp đi lặp lại này làm tôi nghĩ đến câu nói “Xúi trẻ ăn cứt gà.” Chúng tôi không còn là trẻ con nữa, vậy câu nói đó nên được đổi thành “Xúi già ăn cứt vịt” chăng? Tôi nghĩ bụng vinh quang hay không còn tùy thuộc vào mục đích của cái lao động ấy chứ. Chẳng hạn ta được cho ăn bánh vẽ làm việc đến kiệt lực trong khi kẻ khác ngồi không hưởng trọn thành quả của cái lao động ấy, thì vinh quang cái nỗi nào.

Một người đột nhiên cất cao giọng “phát biểu linh tinh”: “Hôm nay là ngày cuối năm, mai Tết, ngày vui của dân tộc. Mừng Xuân Ơn Đảng.” 

Một giọng khác bẻ: “Trật. Phải nói: Ơn Đảng Mừng Xuân. Cho nên Cách Mạng chiếu cố cho chúng ta lao động tại vùng này để được gần gũi với nhân dân hưởng cái Tết ấm no, độc lập, thống nhất, tự do, hoà bình.” 

Có tiếng xì xào, rì rầm. Hưởng ứng hay phản đối? Nhưng dù gì thì dù, mọi người vui hẳn lên, cố cắt thật nhiều tranh, cho mau đạt chỉ tiêu, để còn nhiều thì giờ đi “mua sắm”. Nghĩa là để có thể ngồi nán lâu hơn giờ nghỉ quy định bên các hàng ăn, hàng quà tán gẫu. Ai có tiền thì “mua sắm” củ khoai, trái chuối, trái bắp, ăn Tết; ai không tiền thì ăn Tết bằng mắt. 

Tôi chợt liên tưởng cách đây 15 năm trên những bãi tập quanh vùng Thủ Đức, Chợ Nhỏ. Giờ nghỉ trưa, chúng tôi la cà đến những cô gái quê xinh xắn nói năng ngọt ngào, duyên dáng, áo bà ba nhiều màu, và quần trắng, quần đen mỏng “sexy” làm nổi lên những “đường cong tuyệt mỹ”. Họ ngồi bán những thức ăn, thức uống. Bán những nụ cười tươi tắn. Nay bên những gánh hàng ăn lỏng chỏng xác xơ, cũng những cô gái quê còn trẻ lắm nhưng trông lam lũ quá. Tóc búi tó không chút mượt mà, mặt mày hốc hác không trang điểm, nước da nám, sạm, áo quần toàn một màu đen bạc thếch vì dãi dầu mưa nắng. Đi chân đất. 

Tôi ngạc nhiên khi thấy dăm ba bạn tù có tiền đến mua quà. Trong những chuyến thăm nuôi, ngoài “đồ tiếp tế”, thân nhân của họ lén chuồi một ít tiền. Vợ tôi cũng muốn làm như thế nhưng tôi từ chối ngay, nghĩ rằng ở tù trong rừng thì tiền bạc có ích gì. Tôi đâu ngờ rằng có một ngày như hôm nay. Tôi cũng chưa có ý nghĩ trốn trại, thì phải có chút tiền mang theo phòng thân. 

Tôi càng ngạc nhiên hơn. Lẫn trong nhóm người nghèo khổ đó, ngồi thu mình đằng sau chiếc rổ bày ra mấy món thức ăn, là một người đàn bà còn trẻ, trên dưới ba mươi tuổi. Thoáng trông tôi đã nhận ra ngay cái dáng dấp “lãng mạn tiểu tư sản bóc lột”. Cô ta như ở một tinh cầu lạ rơi xuống, khác hẳn bọn tù chúng tôi đã đành, mà cũng không có nét nào giống những cô gái quê khốn khó. Lâu ngày quen mắt với núi rừng âm u, nay bàng hoàng thấy hiện lên hình ảnh của ngày xa xưa như trong chuyện cổ tích. Một chút thân thương và rất nhiều xót xa. Tôi quên cả giữ ý, nhìn trân trối. 

Người đàn bà gầy gò, tay chân như thừa thãi. Mái tóc đã lâu không uốn buông thỏng xuống vai áo màu tím nhạt, sờn, rách, để lộ làn da xanh xao. Không lạnh sao, mùa đông nơi rừng núi mà. Đôi mắt to, đen, ngơ ngác, mang một vẻ sợ sệt thường trực khó hiểu, nổi bật lên trên khuôn mặt không vui, với đôi mày thanh tú, cái cằm hơi nhọn, chiếc mũi thon. Hai bàn tay gầy ngón dài thường nắm chặt vào nhau, như để chống cái lạnh, cho thấy trên ngón tay thứ tư của bàn tay trái chiếc nhẫn vàng nho nhỏ. Thế là đã có nơi nương tựa? Hay chàng không còn? Hay chàng cũng đang ở tù như chúng tôi? Biết đâu có thể cùng B với tôi. 

Tò mò, hay vì lâu ngày không thấy người nữ, tôi trố mắt nhìn kỹ hơn. Nhìn hai bàn chân mang dép Nhật mòn hết gót. Nhìn chiếc quần lãnh đen bạc màu có mấy miếng vá ở đầu gối. Khi người đàn bà đứng dậy quay người, tôi nhìn miếng vá ở mông. Và mông. Tôi quên hết mọi cung cách giao tiếp lịch sự tối thiểu. Tôi thầm nghĩ, trước kia, với chút trang điểm và bớt gầy, có lẽ đấy là một nhan sắc đáng kể. Và chắc chắn là dân thành phố. Nhưng sao lại lạc lỏng tới nơi này? Cơn xúc động trong tôi bỗng dưng lóe lên như đốm than hồng phủ tro bị cơn gió mạnh thổi tạt qua. 

Rổ đựng thức ăn cũng gợi trí tò mò của tôi: một ít mứt gừng gói trong giấy trong, hai chén chè đậu xanh đánh, một dĩa xôi lạc, trước kia gọi là xôi đậu phụng, và đũa, muổng. Và một thẻ nhang, một bông cúc vàng gói chung trong một mảnh giấy báo đặt bên dưới dĩa xôi. Tôi muốn xin mảnh giấy báo mang về đọc xem có gì trong đó, mà không dám. Chỉ chừng đó. Không có người nào tới đấy hỏi mua quà. Cũng phải thôi, bọn tù chúng tôi đâu cần những món ăn xa xỉ như thế. 

Vài ba người bán quà ngồi gần đấy tỏ vẻ khó chịu. Khó chịu vì tôi chăng? Vì cái nhìn rất ngố không biết che đậy của tôi? Tôi chột dạ, chỉnh đốn lại thái độ. Bỗng họ lớn tiếng bàn bạc với nhau có lẽ cốt để cho tôi nghe chăng.

Một người nói:

“Không biết nó từ đâu mà tự nhiên nhô ra. Coi tức cười quá vậy trời.” 

“Nó? Nhưng nó nào?” Người thứ nhì hỏi.

“Thì còn ai nữa. Cái con ranh đó đó.”

A, họ không nhắm vào tôi. Tôi cảm thấy nhẹ nhõm trong người. 

Người thứ nhì nói tiếp:

“Con ranh đó hả? Thì từ Sài Gòn chớ từ đâu nữa. Lên đây bán đồ cho ... cho ... mấy anh tù.” Quay nhìn thẳng vào tôi. “Chắc không phải đâu. Lên làm gái.”

Người thứ nhất lắc đầu, le lưỡi:

“Phải có da có thịt mới có thể làm gái chớ. Ốm như con khỉ gió thì làm gì được!”

Người kia không đồng ý:

“Ở đó mà không làm gái! Coi cái mặt mốc kia kìa. Không làm gái thì cái tướng đó làm được gì mà sống.”

Người thứ ba bây giờ mới ra miệng, tỏ ra biết nhiều và biết điều hơn, nói với hai người kia, nhưng mắt thì chăm chăm nhìn cô Sài Gòn:

“Tui biết nó. Tui gặp con khùng này mấy lần rồi. Nó làm gì mặc kệ nó, mình dư hơi đâu mà xía vô. Không ưa thì đuổi nó đi chỗ khác cho đỡ ngứa con mắt.” Nói xong cười thích thú.

Cứ sau mỗi câu nói trên, người đàn bà thành phố, trông như con chó lạc chủ bị một bọn người cầm gậy gộc dọa đánh, run rẩy co rúm người lại. Con mắt càng ngơ ngác, vẻ mặt càng hoảng hốt. Như một phản ứng tự nhiên, quên mình là tên tù, tôi nhảy vào can thiệp. Tôi buột miệng nói mấy câu, ban đầu hùng hồn, dõng dạc, dần dần yếu xìu:

“Ê, ba chị kia, làm gì vậy? Người ta cũng ...” Xoay nhìn người vừa nói. “À, à chị có biết cô này hả. Thôi, tội nghiệp, tha cho người ta đi. Tui, tui sẽ... Tui sẽ ...”

“Tui sẽ làm gì?”

Tôi ngẩn người, đáp nhanh:

“Tui sẽ cám ơn lắm lắm.”

Họ cố nhịn cười. Người đàn bà thành phố lấm lét nhìn tôi, ngơ ngác. Tôi đâm ngượng, im bặt. Rồi ngó lãng ra đằng xa nơi vài ba người tù đang ăn khoai mì, miệng ngốn ngấu ngon lành, mắt mở thao láo. 

Nhưng thật không ngờ, người đàn bà vừa đòi đuổi cô thành phố quay lại nói với tôi:

“Tui giỡn chơi thôi, anh biết chớ. Tui có quyền gì mà đuổi người ta. Còn anh muốn mua đồ của nó thì cứ mua đi. Nói khéo khéo nó sẽ cho ăn chùa, khỏi cần trả tiền, tui bảo đảm. Con này nó khùng mà. Khùng thì biết gì đâu.” Quay nói với hai người bạn hàng. “Thôi, tụi mình đi bán chỗ khác nghen. Ngồi đây nhột.”

Ba người đứng dậy thong thả gánh hàng quà của mình đi đến nơi anh lính bảo vệ đang ngồi cạnh lùm cây nhỏ lấy thuốc lá ra vấn.

Không có một khúc cây, một cục gạch, hay tảng đá gần đó, để ngồi, tôi đứng xớ rớ bắt chuyện:

“Chị bán những thứ gì đó?”

Người đàn bà không trả lời, nhìn chỗ khác, có vẻ thèn thẹn. Tôi nói thêm:

“Sao toàn là những đồ cúng cả vậy. Lại có cả thẻ nhang.”

“Kệ tui. Anh đi chỗ khác để cho tui yên. Đi ngay đi.”

A, cái cô này lạ thật. Mình vừa đứng về phe cô ta, cô lại đuổi mình đi. Hay là vì mình vô ý nhìn người ta như muốn “ăn tươi nuốt sống” khiến người ta bực tức? Tự thấy mình có lỗi, tôi dịu giọng:

“Cô mau quên quá. Không có tui, ba con nhỏ kia đã xé xác cô rồi. Không chừng tụi nó quay lại đó.” 

Cô ta đứng bật người dậy, hoảng hốt, nói líu lưỡi:

“Thật không ... Thật không... Chết, chết, chết. Làm sao đây?”

Tôi không ngờ cái phản ứng thái quá đó. Không biết nói gì, nói đại một cách vớ vẩn, buồn cười:

“Chắc họ không quay lại đâu.”

Người đàn bà coi bộ dễ tin:

“Anh nói thiệt hả anh.” Rồi cười lặng lẽ và cúi xuống lấy một chén chè đưa tôi, miệng lẩm bẩm như nói một mình:

“Trước cúng sau cấp. Cấp thì ăn. Không ăn thì bán. Anh ăn không tui bán cho? Ăn xong đi chỗ khác chơi.”

Tôi ngạc nhiên đáp:

“Tui không đói.” 

Người đàn bà bỗng đổi thái độ, dịu giọng:

“Tui cũng không đói như anh. Tui anh giống nhau. Không ăn thì đem lên đây bán. Người ta bán được tui cũng bán được. Anh cũng mua được. Ăn xong đi chỗ khác chơi.” 

Cô ta lại lơ đãng nhìn quanh. Đột nhiên cô bước tới gần, nói nhỏ bên tai tôi:

“Nhưng tui không lên đây buôn bán giành khách của họ đâu, mà họ cứ làm khó, làm dễ tui hoài. Tui sợ ba cái bà đó lắm.” Hai bàn tay che mặt, vai thun. “Tui đem lên cho ảnh. Tết năm nay không có gì, tui chỉ đem được chừng đó thôi. Lâu quá mới đi mà ít đồ quá. Ảnh có giận không hả anh? Anh cứ nói thiệt đi, tui không ngán đâu.” 

Tôi tò mò hỏi:

“Ảnh? ảnh là ai?”

Người đàn bà cau mày:

“Ảnh là ảnh, chớ còn là ai nữa.” Mắt rưng rưng. “Ảnh không chịu gởi thơ về cho tui. Mấy ngày rồi. Mấy tháng rồi. Mấy năm rồi. Tui đi kiếm ảnh nhiều nơi. Thằng con tui cũng bỏ tui mà đi. Nó mới mấy tuổi đầu mà cũng đi đâu mất. ”

Cô này đúng là khùng như chị bán hàng hồi nãy đã nói, tôi lo lắng. Hay mất trí? Cô ta tiếp tục lảm mhảm:

“Không biết ảnh ở đâu. Đi tìm nhiều nơi lắm, nơi nào cũng có có không không. Người ta chỉ tui tới đây mấy lần rồi, ảnh không chịu gặp tui. Trước cúng sau cấp, tui đem lên cho cho ảnh ăn. Chớ có tính bán buôn gì đâu, mà mấy bà hồi nãy la rầy dữ quá. Anh thích thì cứ lấy một chén chè mà ăn. Có tiền trả, không có tiền, ăn chịu. Ăn một chén thôi. Rồi đi nơi khác chơi.”

Tôi chợt nghĩ đến người bạn thân đã bị chuyển trại. Hay đã chết? Tôi buột miệng hỏi:

“Có phải ảnh tên Chí?” 

Người đàn bà giật bắn mình, mở to mắt, lắp bắp:

“Đúng, đúng, đúng. Sao, sao anh biết?” Đứng nhón chân lên, hớt hơ hớt hải nhìn bốn phía. “Anh ơi, anh ở đâu?” Xoay qua tôi. “Anh dẫn tui tới ảnh đi.”

Tôi bối rối:

“Này chị. Hãy từ từ. Để tui tính. Anh Chí trước kia cùng B với tôi.”

“Chí cái gì, Bê cái gì ...”

Tôi ngắt lời:

“Nhưng, nhưng ...” Tôi không dám nói Chí không còn ở chung B với tôi nữa. Lòng còn chút hồ nghi, tôi hỏi thêm. “Chị có ba đứa con phải không? Đứa lớn nhất có lẽ đã vào đại học. Ô, chị còn trẻ quá, có lẽ nào ...”

Người đàn bà ngẩn ngơ, đưa bàn tay xua xua, rồi phá lên cười:

“Tui ba con. Sao nhiều quá vậy. Một thôi. Hai cũng chưa ra nổi lấy đâu có ba, có bốn.” Bỗng ngồi bệt xuống đất hai tay ôm mặt khóc nức nở, nói qua làn nước mắt. “Mà ... mà ... mà một cũng không xong. Bé ngoan sao lại hư vậy ... sao lại cũng bỏ mẹ mà đi, mà ... đi chơi ... Đi đâu lâu quá không về. Anh ơi. Anh Chính ơi, anh về ngay. Anh và em đi tìm nó!”

Tôi lặng người. Vài người bạn tù thấy thế vội bước tới. Người đàn bà hoảng sợ vói hai tay vồ lấy chiếc rổ đứng lên định chạy. Tôi giữ lại, lúng túng, nói:

“Chị ngồi lại đây một chút, xin ngồi lại một chút thôi. Tui có chuyện muốn thưa chuyện nhiều nhiều với chị, với các bạn. Có gì trở ngại đâu, phải không các bạn? Tụi tui không hung dữ đâu, chị đừng sợ.”

Nghe tôi nói thế, không ngờ người đàn bà ngoan ngoãn đặt rổ xuống đất ngồi lại chỗ cũ, nghiêng đầu vểnh tai lên về phía tôi, như muốn nghe cho rõ tôi sẽ nói gì. Mấy người bạn ngạc nhiên trố mắt nhìn tôi. Một người lên tiếng:

“Có chuyện riêng muốn nói với nhau hả? Thì bọn tui đi chỗ khác.” Vừa bước một bước, như sực nhớ điều gì, quay lại nói tiếp. “ Này chị, chị có vẻ không phải là dân vùng này, phải không?”

“Tui ở Sài Gòn.”

“Khi nào chị về Sài Gòn?”

“Về Sài Gòn hả? Về chớ sao không về. Về, về. Về ngay bây giờ. Có anh Chính cùng về với tui nữa.”

Người tù lộ vẻ vui mừng rút từ trong túi áo bao cát một bao thư nhàu nhò đưa cho người đàn bà, thì thầm:

“Thơ tui viết sẵn từ lâu mà không gởi được. Dặn vợ lần thăm nuôi sắp tới đem vài thứ thuốc. Chỉ có vậy thôi. May quá nay gặp chị. Nhờ chị về Sài Gòn bỏ vô bưu điện. Đã viết sẵn địa chỉ. Có điều xin chị thương tình mua cho tui con tem dán lên cho. Chị làm ơn nhé, tui đội ơn chị vô cùng.”

Người đàn bà ngơ ngác cầm lá thư sửa soạn cho vào túi áo. Bỗng cán bộ quản giáo, theo sau là lính bảo vệ, có lẽ đã quan sát từ nãy đến giờ, chạy vọt tới. Anh ta nhanh như chớp giật lấy bức thư trong tay cô ta và bỏ ngay vào trong chiếc cặp. Anh gằn giọng, nói qua kẽ răng: 

“Hai người theo tôi.”

Người tù vừa đưa thư đứng sững, mặt xanh như tàu lá. Người đàn bà run lẩy bẩy, cặp mắt điên dại như mắt con thú rừng vừa bị sập bẫy. Màu đen đôi mắt chuyển dần thành màu trắng dã và, lạ quá, trong một thoáng, hai chấm đỏ hiện lên mơ hồ. 

Tôi nhớ trong một câu chuyện có đề cập đến săn bắn[2], tác giả cho biết trừ mắt người và voi không phản chiếu ánh đèn, ngọn đèn săn trong đêm quét đến đâu thì trong vòng 50 thước ta thấy hiện lên những chấm sáng, từ cặp mắt cọp sáng rực, đến mắt nai, mắt nhái, mắt nhện. 

Nhưng đó là ban đêm với ngọn đèn săn. Đằng này mới xế chiều, không đèn, lại là mắt người. Tôi trông gà hóa cuốc chăng? Làm sao có chấm đỏ trong mắt của người đàn bà? 

Tôi chồm tới. Lính bảo vệ chỉa súng, lên đạn. Tôi dừng lại, lắp bắp nói :

“Thưa, thưa cán bộ. Cán bộ xét lại cho, cho. Chị này điên.”

“Anh im ngay.” Gằn từng tiếng. “Điên thật hay điên giả? Điên thật ư? Cũng có cách. Đinh hết điên.” 

Dường như muốn rõ nghĩa hơn, anh ta nhắc lại cái ý đó, nói qua kẽ răng:

“Đinh đục vào, điên văng ra.” 

Hồi tôi còn ở Trảng Lớn, Tây Ninh, có một anh tù gốc Quảng Trị bị “mát dây”, ưa lý sự, châm chọc, nói văng mạng, phạm húy. Lại thường chen tiếng Pháp vào. Thỉnh thoảng anh hét to, Tao điên đây, tao điên đây, tụi bay làm chi được tao nào. Sau đó anh bị đưa đi đâu hết mấy tuần lễ. Lúc trở về với bạn tù, anh im lặng một cách khó hiểu. Giống như Chí trước kia. Những lỗ tròn nhỏ như đầu chiếc đũa tím đen bao quanh bởi lớp da đỏ bầm lấm tấm trên trán, trên hai mép của anh. Bị gặng hỏi nhiều lần về những vết tím đen đó, anh không thoái thác được, đành lầm bầm trả lời, Đinh ... đinh ... Lúc đó chúng tôi không hiểu anh nói gì. Nay thì hiểu rồi, đinh đục vào, điên văng ra. Quản giáo đã buột miệng tiết lộ sự thật chứ không phải hù dọa.

Bỗng quản giáo nhíu mày ngẫm nghĩ, ngập ngừng liếc nhìn tôi. Ánh mắt đột nhiên chuyển qua dịu dàng, hiền từ, anh ta chậm rãi nói chung cho mọi người nghe bằng một giọng ấm áp:

“Nhưng thôi. Cần gì phải mạnh tay đến thế nhỉ. Cách mạng đã có rất nhiều cách xử lý rất tốt cho những sự cố như thế này. Và rất khoan hồng, rất nhân đạo.”

Nói xong, cái vẻ hiền từ vụt bay đi mất, quản giáo nghiêm mặt nhắc lại lệnh:

“Anh kia, chị kia, theo thôi.”

Thật bất ngờ, người đàn bà lao vào tôi, ôm chầm, nói đứt quãng:

“Anh Chính!... anh Chính! ... Cứu em! …Cứu em với!”

Tôi phản ứng như máy, gỡ những ngón tay của người đàn bà ra, hơi khó khăn, và đẩy nhẹ cô ta về phía quản giáo. Cô buông tay, lảo đảo, sửng sốt nhìn tôi. Cặp mắt đó, lại hiện lên đốm đỏ, chất chứa một điều gì rất khó hiểu. Khinh bỉ? Căm hờn? Nó sẽ đeo đuổi tôi mãi. Nó sẽ làm hỏng đời tôi sau này. 

Quản giáo bước đi trước, hai bàn tay khoát khoát xua đuổi tôi và mấy anh tù đứng gần đấy đi nơi khác. Hai “tội phạm” riu ríu bước theo, lính bảo vệ cầm súng đi sau cùng. Tôi hụt hẫng. Mọi người im lặng ngơ ngác nhìn. 

Cảnh tượng vừa rồi vẫn thường xẩy ra sau khi Miền Nam thất thủ. Như giữa sói và cừu. Trên một cánh đồng êm đềm, một đàn cừu ngoan ngoãn gặm cỏ. Bỗng một con chó sói xuất hiện. Đàn cừu hoảng hốt chạy tán loạn. Con sói rượt theo vồ được một con cừu, cắn vào cổ, vật ngã, rồi ngồi xuống từ từ nhai ngấu nghiến con mồi. Đàn cừu thấy yên yên dừng lại quay nhìn. Cừu, hơn cả dê, thích nhìn xa. Có con động tính hiếu kỳ, tiến lên mấy bước, giương đôi mắt ngây thơ nhìn cho rõ hơn.

Tôi cay đắng thầm tự so sánh với con cừu ngây thơ. Tôi tệ hơn. 

Rừng mùa Đông mau tối. Chúng tôi không ai có đồng hồ, 6 giờ rồi chăng? Tiếng trời gầm nghe không xa lắm. Một cơn gió chạy luồn theo khe núi tạo nên những tiếng hú dài. Cây, cành nghiêng ngã, lá rụng ào ào. Chắc sắp đổ mưa. Trên đường về, đến phiên tôi phải vác bó cuốc nặng. Lạ chưa, đi cắt tranh mang cuốc? Chắc quản giáo tính lộn, tôi thầm nghĩ. Và nhớ một câu nói “thuộc lấy làm lòng”của quản giáo: “Chúng tôi không bao giờ nhầm lẫn.” 

Mưa đổ xuống thật. Đội mưa đi mà không thôi nghĩ đến người đàn bà và anh bạn tù.

Này này, tôi nói với tôi, nếu mày không lẩn thẩn con cà con kê thì đâu đến nỗi. Giá mày có tư cách hơn, có dũng khí hơn. Chẳng biết họ sẽ ra sao? Cái anh chàng đó chắc sẽ bị biệt giam. Hay chuyển trại. Hay là, hay là? Và người đàn bà Sài Gòn mất trí? Điên? Đinh? 

Con đường đê nhỏ xíu bề ngang chỉ hơn một gang tay, lầy trơn, lồi lõm, khó bước. Tôi tháo dép râu treo lên cán cuốc đi chân không cho dễ bám đất. Lòng nặng trĩu, bước loạng choạng, tôi trượt chân té xuống một cái ao đầy nước bên đường. Nằm sóng soải, nước ngập đầu, bó cuốc bung ra. Một lưỡi cuốc chém vào bắp chân phải của tôi, và chạm vào xương đầu gối. Máu chảy nhiều. Anh lính bảo vệ đứng lại, chỉa súng, chờ.

Tôi lóp ngóp ngồi dậy, loay hoay bó lại bó cuốc cho chặt hơn, rồi cởi trần lấy áo bao cát quấn vào vết thương cho cầm máu. Lạnh runcầm cập. Đoàn tù đi qua, đi qua, lặng lẽ. Trong bóng mờ tranh tối tranh sáng, có lẽ họ không thấy tôi bị thương. Họ không quan tâm mấy, trượt té là chuyện nhỏ. Hơn nữa, họ không được tự ý đứng lại khi không có lệnh. Khi tôi đứng dậy, mới nhận thấy mình là người đi áp chót. Người đi cuối là lính bảo vệ. 

Nhưng không phải thế. Ngoảnh mặt nhìn lui tôi thấy, không xa lắm, không được rõ lắm, trong bìa rừng, bóng dáng mấy người. Tôi cố nhìn kỹ. Một lính bảo vệ súng cầm tay, và thêm hai người nữa. Nhìn kỹ hơn, đúng là anh bạn tù đưa thơ lúc nãy hai tay bị trói quặt ra sau lưng, đi lom khom, và người đàn bà Sài Gòn hai tay cũng bị trói, nhưng đưa lủng lẳng ra đằng trước. Từ trước đến giờ tôi vẫn nghĩ chỉ có một quản giáo và một bảo vệ dẫn chúng tôi đi lao động. Thì ra số người canh gác, số lính “bảo vệ” chúng tôi, có thể lên đến ba, bốn, hoặc nhiều hơn tuỳ theo nhu cầu, hoàn cảnh. Nhưng họ không lộ diện. 

Lẫn trong tiếng mưa rơi và tiếng gió hú, là tiếng rên rỉ, than thở, khóc lóc của người đàn bà. Có lúc rít lên nghe như tiếng con heo đang bị thọc huyết, có lúc gõ từng giọt đều đều như tiếng cú rúc trong rừng khuya. 

Tôi đặt bó cuốc lên vai, chạy lúp xúp cho kịp đoàn tù đi đằng trước, mấy lần lại suýt trượt té. Tôi chạy bươn bươn, vượt qua gần hết đoàn tù. Tôi chạy như chạy trốn. Tôi không muốn nghe. Tôi không muốn thấy. Nước mắt tự dưng tuôn ra hòa với nước mưa chảy dài từ cái đầu ướt mèm xuống cằm. Mấy người đi trước, tôi trông như những hình nộm múa may, quờ quạng. Bỗng tôi nghe văng vẳng. Mọi thứ âm thanh, mọi tạp âm đều bị gạn lọc hết, tôi chỉ nghe những tiếng khóc, tiếng rú, tiếng than. Và núi rừng, cây cối cũng đều bị nhạt nhoà, tôi chỉ còn trông thấy đôi mắt đen tối, trũng sâu, đầm đìa. Rồi nó đổi màu, nó biến thành hai đốm lửa, lan ra, lan ra mãi thành đám cháy lớn. Khu rừng rực lửa trong tôi. 

Đầu óc tôi đã bị gột sạch những liên tưởng, những hình ảnh, những âm thanh cũ, những thứ lâu nay đã đeo đuổi theo tôi mỗi khi tôi đi lao động trong rừng xa. Vâng, mới đây thôi, mới hôm qua, rừng càng xa càng khiến lòng tôi phơi phới. Tôi biết rằng chuyến đi hôm nay đã giết chết trong tôi nhiều thứ tình cảm rối rắm, chẳng hạn như tình thương đối với người lính bảo vệ trông thật vô tư. Và cả tình yêu tôi ấp ủ từ thuở nhỏ đối với núi rừng. 

Trước kia rừng là nước, tôi là cá. Hết rồi. Rừng nay là lửa. Lửa nung nấu tim gan. 

*

Nắng kéo dài nhiều tháng. Bây giờ, cuối năm, trời bỗng đổ một trận mưa thật lớn như muốn ban cho năm cũ một chút ơn huệ vớt vát muộn màng. Trong những phút đầu tiên của trận mưa ấy, con đường nhựa trở nên trơn trợt, xe phải chạy chậm lại. Sau đó khoảng vài mươi phút, mặt đường mới sạch nhẵn lớp bùn lầy, bánh xe mới dễ bám. 

Tuy thế, một chiếc xe hơi cũ kỹ vẫn chạy nhanh trên đường Edinger theo hướng từ Tây sang Đông. Người lái xe là một ông già hơi gầy, cao cao, tóc bạc phơ, trông yếu ớt, mệt nhọc. Phục sức luộm thuộm. Đôi mắt nhớn nhác chứng tỏ một tâm hồn không ổn định. Mang một thứ bệnh nào đó liên quan đến thần kinh chăng? Hẳn nhiên ông già già hơn chiếc xe nhiều. Đuổi theo sau chiếc xe đó là một xe Cảnh Sát đèn chớp, còi hụ. 

Mưa lớn, đường Edinger vắng, không gặp đèn đỏ, chiếc xe hơi cũ vượt nhanh qua những đường giao lộ như Magnolia, Brookhurst. Chạy hết Mile Square Park, chiếc xe quẹo gấp qua trái trên đường Euclid. Lái xe cái kiểu đó có ngày chết. Xe Cảnh Sát vẫn lẽo đẽo đuổi theo sau cách một quãng ngắn. Mưa càng lúc càng lớn. Cái gạt nước không kịp gạt hết những giọt mưa đập lên kính chắn gió. Cảnh vật trước mặt ông già do đó bồng bềnh, nghiêng ngửa. Kính chắn gió đằng sau của xe thì bị phủ đầy sương đêm chưa kịp tan, và nước mưa. Ông đã bấm nút “Làm tan băng.” Xe cũ. Những nút bấm không kích hoạt nhanh.

Chiếc xe lại tiếp tục vùn vụt chạy qua các đường Mc. Fadden, rồi Bolsa, rồi Fifth, rồi Hazard. Thấy đèn giao thông màu vàng xuất hiện, ông càng đạp thêm ga cho xe phóng nhanh để kịp vượt qua đèn đỏ. 

Bỗng bảng tên đường Emperor Quang Trung hiện lên mờ mờ dưới cơn mưa càng lúc càng nặng hột. Ông đạp thắng gấp, quẹo nhanh qua trái để vào một Khu Doanh Thương. Xe trượt trên lớp nước tràn ngập đường, lủi vào đụng cột đèn điện đánh sầm một tiếng. Và nằm nghiêng cạnh mép đường, đầu xe chìm một phần trong làn nước. Quên tắt máy, ông nhăn nhó quay nhìn cái tay lái bị đầu gối phải của ông chạm mạnh vào, lệch qua một bên. Cây gậy gỗ nằm cạnh cửa xe gãy làm đôi. Máu chảy ra khá nhiều, thấm đỏ ống quần. Ông tỏ vẻ đau đớn, càu nhàu.Lần này bác sĩ dở hơi giở trò hỏi đau bao nhiêu từ không đến mười, sẽ đáp không chút phân vân đau chín. Hay mười? 

Chiếc xe Cảnh Sát chạy theo đằng sau quẹo ngay vào. Từ trên xe bước xuống một cảnh sát giao thông cao lớn, lực lưỡng. Ông ngồi yên chờ. Người cảnh sát ra dấu bảo ông hạ kính xe xuống. Ông làm theo. 

Câu đầu tiên của cảnh sát:

“Ông có bị thương không?”

Ngần ngừ một chút, ông trả lời: 

“Không, không sao cả. Hoàn toàn không bị thương.”

Có lẽ ông nghĩ nói như thế sẽ bị phạt nhẹ, hay tha bổng. Là vì mình làm mình bị thương khi lái xe cũng là phạm luật chứ? Lái xe gây thương tích cho người ta là lỗi nặng, mình cũng là người ta. Bị phạt nặng, rồi còn bảo hiểm tăng, có khi bị “treo giò” mấy tháng. Đời nào! 

Anh cảnh sát bảo ông tắt máy, yêu cầu ông trình bằng lái xe, giấy bảo hiểm, giấy thuế lưu hành hàng năm. Xem qua một lượt, cảnh sát nói tiếp:

“Ông chạy quá tốc độ. Hai lần vượt đèn đỏ. Làm gì mà chạy nhanh dữ thế?” 

Ông liếc nhìn đồng hồ, nói:

“Tôi có hẹn với bác sĩ đúng 9 giờ sáng hôm nay. Tôi ngủ quên. Sợ trễ hẹn. Thật ra tôi không vượt đèn đỏ. Vượt đèn vàng thôi. Cái đèn vàng mau tắt, còn cái đèn đỏ thì mau hiện. Có thế thôi.” 

Anh cảnh sát mỉm cười. Thấy anh cảnh sát trẻ trung không khó đăm đăm như những cảnh sát khác mà ông đã gặp nhiều lần trong những dịp như thế này, ông cố kéo dài câu chuyện. Biết đâu, anh ta sẽ thông cảm, nhẹ tay. Có lẽ nghĩ như thế, ông hăm hở tranh nói trước khi cảnh sát hỏi tiếp:

“Tôi bị thương ở đầu gối lâu ngày, từ hồi, từ hồi ... Cũng cơn mưa lớn như thế này, mưa trên rừng. Chữa mãi không lành. Tôi đi khập khiễng nhưng ngồi lái xe thì bình thường. Nghĩa là không có vấn đề gì. Thời tiết thay đổi, nhức nhối khó chịu lắm. Nhất là ban đêm không ngủ được. Nay được bạn bè mách nước, bảo tập thể dục mới khỏi, chứ thuốc thang không ăn thua. Tôi thử tới bác sĩ Vật Lý Trị Liệu trong khu này ...”

Anh cảnh sát ngắt lời:

“Vâng, tôi nghe đủ rồi. Nhưng tôi đuổi theo, đèn chớp, còi hụ, sao ông không chịu dừng lại?”

“Trời mưa lớn quá, tôi không nghe gì cả. Cũng không thấy đằng sau. Cái kính sau đó mà, nó bị nước mưa che hết. Hơn nữa tôi lãng tai nặng. Cửa xe đóng kín, không mưa tôi cũng không nghe. Không lẽ anh không biết điều đó?”

Anh cảnh sát như vô cảm, lấy cái máy lớn hơn bàn tay bấm bấm trên các ô, xong chìa ra cho ông và nói:

“Thế hả? Đây, xin ông vui lòng ký vào đây.” 

Ông già đầu khặc khừ, nhăn mặt, bặm miệng, mắt muốn đổ lửa. Không còn lẩn thẩn con cà con kê nữa, cũng không buồn xem cảnh sát ghi gì trong máy, ông ký rẹt một cái. Anh cảnh sát lấy lại máy, in tờ biên nhận và trao cho ông. Ông lạnh lùng nói:

“Cám ơn.”

Cảnh sát lạnh lùng đáp:

“Cám ơn.”

Khi anh cảnh sát quay người sắp đi dưới cơn mưa, ông hỏi vói:

“Phạt tui hả? Bao nhiêu tiền?”

Anh cảnh sát không trả lời, nhún vai, đi thẳng. Ông sực nhớ Cảnh Sát chỉ làm biên bản. Tòa án sẽ quyết định phần còn lại. 

1/2019 

[1]Ta Về. Tô Thùy Yên.

2Thác Đổ Sau Nhà. Võ Phiến