Chủ Nhật, 3 tháng 2, 2019
Chin Shun-Shin (Trần Thuấn Thần): Mấy Đóa Hoa Xuân (Tạp bút thơ Đường) - Biên dịch Nguyễn Nam Trân
Bài viết này tổng hợp hai tạp bút của nhà văn Chin Shun Shin (Trần Thuấn Thần, 1924-2015) in trong tập Tôshi Shinsen (Đường thi Tân Tuyển, 1989) nhan đề Baika (Mai Hoa) và Botan (Mẫu Đơn) dưới một nhan đề đặt tạm.
Mai hoa
Hoa mai có nhiều tên gọi khác nhau. Nhân vì nó nở trước các loài hoa khác nên được chấm là hoa khôi. Ngoài ra còn mang một số tên khác như băng cơ, băng hồn, băng nhụy, băng diễm, toàn là tên bắt đầu bằng một chữ băng. Cũng được ví von là loài hoa có ngọc cốt hay tuyết cốt. Tô Thức 蘇軾đời Tống từng viết:
La Phù Sơn hạ mai hoa thôn,
羅浮山下梅花村
Ngọc tuyết vi cốt băng vi hồn.
玉雪為骨氷為魂
(Ý: Thôn trồng hoa mai (có thể là danh từ riêng, NNT) nằm dưới núi La Phù. Hoa trắng như ngọc tuyết, hồn tinh khiết như băng).
Có lẽ cách gọi trên đã phát xuất từ hai câu thơ ấy chăng? Khi nói về mai, người ta liên tưởng ngay tới cái lạnh. Sau cuộc cách mạng Tân Hợi (1911), ở Trung Quốc, có cuộc tranh luận nên lấy mai hay mẫu đơn làm quốc hoa. Hoa mai đã giành được chiến thắng. Có lẽ vì thấy tiền đồ của nước Cộng hòa non trẻ còn lắm gian nan nên người ta bình chọn hoa mai, một loài hoa vẫn nở dù ở giữa giá băng.
Chỗ hoa mai nở đẹp thì có nhiều nhưng ngọn Đại Dữu Lĩnh trên La Phù Sơn thấy trong thơ Tô Thức là một nơi danh tiếng. Đến nỗi ngọn Đại Dữu còn có biệt danh là Mai Lĩnh.
Núi La Phù nằm ở phía đông thành phố Quảng Châu tỉnh Quảng Đông, bắc Huệ Châu. Được biết đây là nơi Cát Hồng 葛洪(283-343) đời Tấn lúc về già đã đến sống ẩn dật để nghiên cứu thuật thần tiên và luyện tiên đan. Đời Tùy có viên quan tên Triệu Sư Hùng 趙師雄, trên đường đi Quảng Đông phó nhậm, ngang núi La Phù nằm chiêm bao thấy mình được vui vầy với mỹ nhân, khi thức giấc bên mình chỉ có một cội mai to. Người mà ông ấp yêu là tinh hồn của cây mai. Còn như Tô Thức thì sau khi bị tả thiên đến Huệ Châu, ông còn lưu lạc đến Nam Hải và ở lại đó 4 năm, tất phải có lần đi thưởng hoa mai ở núi La Phù.
Đại Dữu Lĩnh là một rặng núi nằm vắt ngang từ phía nam tỉnh Giang Tây sang đến tỉnh Quảng Đông. Ngày nay ở ranh giới hai vùng Giang Tây và Quảng Đông vẫn còn có một địa điểm tên gọi Tiểu Mai Quan. Dường như người đời xưa đã lấy chỗ này để phân chia giới tuyến hai miền Nam Bắc. Loài di điểu như chim nhạn khi bay về nam thì dừng cánh ở đây chứ không hề vượt qua rặng Đại Dữu Lĩnh.
Tống Chi Vấn宋之問là bề tôi yêu của Vũ Tắc Thiên cho nên khi vua Duệ Tông (đảo chánh, NNT) lên ngôi, Tống liền bị đày xuống Khâm Châu (nay cũng là Khâm Châu thuộc Quảng Tây) và được tứ tử ở đó. Trên con đường lưu đày, Tống dừng chân ở nhà trạm phía bắc Đại Dữu Lĩnh, ngày hôm sau là sẽ vượt núi. Lúc đó, Tống có làm một bài ngũ ngôn luật thi với cái tựa "Đề Đại Dữu Lĩnh bắc dịch":
Dương nguyệt nam phi nhạn,
陽月南飛鴈
Truyền văn chí thử hồi.
傳聞至此回
Ngã hành thù vị dĩ,
我行殊未已
Hà nhật phục qui lai.
何日復帰来
Giang tĩnh triều sơ lạc,
江静潮初落
Lâm hôn chướng bất khai.
林昏瘴不開
Minh triêu vọng hương xứ,
明朝望郷処
Ưng kiến Lũng Đầu mai.
応見隴頭梅
(Ý: Nghe nói tháng 10 nhạn về nam đến đây đều dừng cánh và quày trở lại. Riêng ta là đặc biệt còn phải đi thêm nữa mà cũng chẳng biết bao giờ về. Sông bắt đầu trôi lặng lẽ nhưng rừng cây hãy còn u ám, chướng khí chưa tan. Sáng mai này lên núi nhìn về cố hương chắc chỉ biết đưa mắt nhìn cành hoa mai mà mình những muốn gửi cho người bạn ở Lũng Đầu)
Dương nguyệt theo âm lịch là chữ chỉ tháng 10, tức là thời điểm khí âm bắt đầu chuyển sang dương. Chim nhạn đến núi này thì ngừng lại để quay về bắc nhưng mỗi mình còn phải vượt Đại Dữu Lĩnh để xuống miền nam. Tuy nước sông đã chảy lặng lờ nhưng rừng cây còn u ám, chướng khí tích tụ nơi đó không chịu khai thông. Ngày mai đây ta sẽ lên đỉnh núi nơi nổi tiếng có hoa mai đẹp, từ chỗ đó quay đầu nhìn lại cố hương và bẻ một cành mai để tặng cho người thân yêu. "Lũng Đầu mai" là một điển cố. Vào thế kỷ thứ 5, có người tên Lục Khải陸凱ở Bắc Ngụy (xin đừng nhầm với Lục Khải nước Ngô thời Tam Quốc) đã gửi cho Phạm Hoa bài thơ như sau:
Chiết mai phùng dịch sứ,
折梅逢駅使
Ký dữ Lũng Đầu nhân.
寄與隴頭人
Giang Nam vô sở hữu.
江南無所有
Liêu tặng nhất chi xuân.
聊贈一枝春
(Ý: Bẻ mai tình cờ gặp kẻ chạy ngựa trạm, bèn nhờ đem hộ đến người bạn ở Lũng Đầu. Đất Giang Nam nào có gì để làm quà, xin gửi một cành hoa tượng trưng cho mùa xuân sớm vậy)
Lũng Sơn là ngọn núi nằm ở ranh giới Thiểm Tây và Cam Túc. Người đang sống phía đó là Phạm Hoa. Tuy Giang Nam không có gì cả nhưng so với đất Bắc thì mùa xuân đến sớm hơn, vậy xin gửi tặng bạn một cành mai như vật tượng trưng cho mùa xuân ấy. Để gửi "nhất chi xuân" này, tôi xin cậy kẻ chạy ngựa trạm (dịch sứ). Người ấy có chức vụ chuyển vận đồ đạc hành lý nên chắc chắn sẽ có cách trao tận tay bạn.
Tuy vậy, với thân phận kẻ đi đày như Tống Chi Vấn, không biết có người nào chịu nghe lời nhờ cậy của ông không. Cành mai những muốn đem tặng ai đó ở Lũng Đầu, ông chỉ có thể đứng mà ngắm (ưng kiến) nó thôi.
Tống Chi Vấn đã nhận được lệnh phải tự sát vào năm 712, khi Huyền Tông tức vị. Lúc đó ông 56 tuổi. Tuy Tống không phải là nhân vật có tiết tháo nhưng đã đóng một vai trò trong việc hoàn thành phong cách thơ luật và là một tài năng mà văn học sử không thể bỏ qua.
Mạnh Hạo Nhiên 孟浩然 (689-740), người nổi tiếng với câu thơ "Xuân miên bất giác hiểu", có một bài thơ ngũ ngôn tuyệt cú nhan đề "Lạc Dương phỏng Viên Thập Di, bất ngộ"(Ở Lạc Dương tìm thăm Viên Thập Di nhưng không gặp). Thập Di là chức quan cố vấn cho hoàng đế nhưng ông Thập Di họ Viên thì không ai rõ là nhân vật nào. Qua thơ mới biết người ấy đã bị giáng chức, phải lưu lạc xuống miền nam:
Lạc Dương phỏng tài tử,
洛陽訪才子
Giang lĩnh tác lưu nhân.
江嶺作流人
Văn thuyết mai hoa tảo,
聞説梅花早
Hà như bắc địa xuân.
何如北地春
(Ý: Ở kinh đô Lạc Dương, mình định đến thăm con người tài hoa thì nghe tin anh đã bị đày xuống vùng Lĩnh Nam rồi. Nghe nói dưới đó mùa xuân đến sớm chứ đâu phải chậm trễ như đất Bắc này)
Miền Nam hoa mai nở sớm nhưng thay vì nhìn cảnh hoa mai nở sớm, khách đi đày chỉ mong sao được đón mùa xuân đến chậm trên miền Bắc vì sẽ có bao người thân yêu bên cạnh.
Một ông tiến sĩ đỗ vào năm thứ hai đời Thiên Bảo là Trương Vị張謂 (721-780) có bài thất ngôn tuyệt cú vịnh Tảo Mai (Hoa mai nở sớm) như sau:
Nhất thụ hàn mai bạch ngọc điều,
一樹寒梅白玉條
Hồi lâm thôn lộ bàng khê kiều.
廻臨村路傍渓橋
Bất tri cận thủy hoa tiên phát,
不知近水花先発
Nghi thị kinh đông tuyết vị tiêu.
疑是経冬雪未消
(Ý: Trên đường về, bên cây cầu bắt qua khe, mình chợt thấy một cội hàn mai nở hoa giống như đeo như những chùm ngọc trắng. Đâu biết là ở cạnh bờ nước thì hoa nở sớm nên cứ ngỡ đó chỉ là tuyết đông chưa tan hết)
Chúng ta đã nói đến việc hoa mai được ví với ngọc. Vì hoa mai nở sớm nên nhiều khi nó đã nở vào thời điểm tuyết vẫn còn sót. Hình như ở những chỗ nào gần nước thì mai nở sớm hơn. Nhân thấy có gì bám trên cành trắng như bạch ngọc nên nhà thơ Trương Vị tưởng lầm là tuyết mùa đông chưa tan hết. Nhìn lại thì ô hay, đó chỉ là những cánh hàn mai trắng muốt.
Thi tăng thời Vãn Đường là Tề Kỷ斉己 có một bài ngũ ngôn luật thi có cùng nhan đề Tảo Mai và liên quan đến một thi thoại. Nhà sư là người Trường Sa (thuộc Hồ Nam), vốn họ Hồ, từ thuở bé đã sớm mồ côi.
Vạn mộc đông dục chiết.
萬木凍欲折
Cô căn noãn độc hồi.
孤根暖独回
Tiền thôn thâm tuyết lý,
前村深雪裏
Tạc dạ nhất chi mai.
昨夜一枝梅
Phong đới u hương xuất,
風帯幽香出
Cầm khuy tố diễm lai.
禽窺素艶来
Minh niên như ứng luật,
明年如応律
Tiên phát Vọng Xuân Đài.
先発望春台
(Ý: Cây cối lạnh cóng muốn khô gãy nhưng rễ bên dưới hồi sinh khi trời ấm lại. Do đó, đầu thôn giữa nơi tuyết giá, đêm qua đã có một cành mai đầu tiên đơn độc ra hoa. Gió đưa hương thơm nhẹ, chim chóc đến với nó vì vẻ đẹp thanh cao. Nhưng hoa ơi, năm sau nếu có nở thì trước tiên hãy nở ở đài Vọng Xuân nhé)
Hai câu mở đầu (thủ liên) đã có chữ "đông" đối với "noãn" rất tự nhiên, dễ tan và dễ thấm vào lòng người đọc. Tề Kỷ trước kia đã viết câu thứ 4 là "Tạc dạ sổ chi mai" rồi đem cho nhà thơ Trịnh Cốc xem. Họ Trịnh khuyên ông nên sửa chữ "sổ" thành chữ "nhất". Vì Tạc dạ có nghĩa là đêm qua cho nên phải hiểu suốt ngày hôm qua (tạc nhật) chưa có cành mai nào ra hoa cả. Tác giả đã nói lên việc mình theo dõi từng động thái của cây mai, như thể chờ đợi và luôn luôn tự đặt câu hỏi: "Đợi mãi! Không biết chừng nào nó mới ra hoa nhỉ?". Như thế thì viết là "nhất chi" mới làm cho người ta xúc động chớ không phải "sổ chi". Nhân việc này, Tề Kỷ bèn ca tụng Trịnh Cốc là "Nhất tự sư". Câu chuyện nói trên đã được chép lại trong Ngũ Đại Sử Bổ (Bổ túc sử thời Ngũ Đại). Về tên hiệu "Nhất tự sư" còn có thuyết khác cho rằng nó có nghĩa là "ông thày sửa hộ chữ Nhất". Nếu đem đối chiếu với hoàn cảnh sáng tác của bài Tảo Mai, lối giải thích này quả là có sức thuyết phục hơn.
"Ứng luật" ở đây nghĩa là theo "đúng theo trật tự của thời tiết", hàm ý mỗi năm về sau, cứ vào mùa đó, cây lại ra hoa. Tác giả muốn nói dù hoa bắt buộc theo đúng qui luật, cũng đừng kiếm chi một vùng quê tuyết dày, hãy tìm một nơi nào sáng sủa hơn như Vọng Xuân Đài mà nở, mới hợp hơn. Đài này là tên một cung điện do Tùy Văn Đế (trị vì 581-604) xây lên ở Trường An trên một quả đồi con nhìn xuống dòng Sản Thủy. Ứng luật cũng ám chỉ việc khoa cử đối với sĩ tử, nên có thuyết cho rằng qua câu thơ, tác giả muốn nói một ngày nào đó mình sẽ thi đỗ Tiến sĩ, giống như một cành mai đến thời khai hoa.Tuy nhiên lối giải thích này xem ra không thỏa đáng vì Tề Kỷ vốn là người xuất gia từ nhỏ. Có thể ông chỉ muốn bày tỏ chí hướng: tuy mình chỉ là một danh sĩ xuất thân từ địa phương Hồ Nam quê mùa nhưng một ngày nào đó sẽ nổi danh, làm kinh động cả nước.
Mai nở trước mọi thứ hoa nhưng hãy còn có giống mai nở sớm hơn tất cả các loại mai: đó là tảo mai. Đây là giống hoa làm cho những người đang ngóng xuân về cảm động sâu sắc nhất. Nó được nhiều người dùng làm đề tài cho thơ. Đỗ Phủ 杜甫có thơ họa lại một bài của Bùi Địch 裴迪nhan đề "Đăng Thục châu Đông đình tống khách phùng tảo mai tương ức ký họa"(Nhân đọc bài Lên đình phía Đông ở Thục châu tiễn khách gặp hoa mai nở sớm, nhớ nhau xin gửi thơ họa) làm theo thể thất ngôn luật thi. Bùi Địch là bạn thân của Vương Duy, thơ xướng họa của hai ông chép trong Võng Xuyên Tập thì đã quá nổi tiếng. Thời trẻ, Bùi ẩn cư trong núi Chung Nam nhưng buổi vãn niên có vào làm quan đất Thục. Hình như ông được thăng đến chức Thứ sử Thục châu và lúc đó, chơi thân với Đỗ Phủ. Đỗ được họ Bùi tặng cho bài "Đăng Thục châu Đông đình tống khách phùng tảo mai" bèn họa lại bài thơ ấy. Dưới đây là bài họa, còn nguyên tác của Bùi Địch thì ngày nay không còn giữ được:
Đông các quan mai động thi hứng,
東閣官梅動詩興
Hoàn như Hà Tốn tại Dương Châu.
還如何遜在揚州
Thử thời đối tuyết dao tương ức,
此時対雪遥相憶
Tống khách phùng xuân khả tự do (du).
送客逢春可自由
Hạnh bất chiết lai thương tuế mộ,
幸不折来傷歳暮
Nhược vi khan khứ loạn hương sầu.
若為看去乱郷愁
Giang biên nhất thụ thùy thùy phát,
江邊一樹垂垂發
Triêu tịch thôi nhân tự bạch đầu.
朝夕催人自白頭
(Ý: Những cây mai nhà quan ở Đông các gợi hứng thơ, giống như thời danh sĩ Hà Tốn còn ở Dương châu. Hồi đó, trước cảnh tuyết rơi đã nhớ về người bạn phương xa, huống chi nay ở đây lại gặp mùa xuân. May là không bẻ được mai đem về tặng để bạn khỏi xót xa cảnh năm tàn, bởi vì nếu ta làm được thì khi nhìn thấy hoa, ai kia sẽ chạnh mối sầu tha hương. Một cội mai rủ bóng bên bờ sông là cảnh sớm hôm khiến người ta bạc cả đầu).
Đông các (gác Đông) với Đông đình trong tựa đề chỉ cùng một nơi. Thục châu hiện nay thuộc huyện Trùng Khánh tỉnh Tứ Xuyên, cách Thành Đô khoảng 50 km về phía Tây. Còn như Hà Tốn thì đó là một văn nhân đã từng phụng sự Lương Vũ Đế. Hình như Đỗ Phủ đã sẵn lòng hâm mộ nhân vật này từ trước. Họ Hà từng viết "Vịnh tảo mai" (sách khác cho biết nó còn có nhan đề là "Dương châu pháp tào mai hoa thịnh khai"). Trong bài nói trên có câu: "Hàm sương đương lộ phát. Ánh tuyết nghĩ hàn khai" . Tuy nguyên tác của Bùi Địch đã thất lạc nhưng có lẽ trong đó ông cũng từng nhắc đến tuyết. Có thể vì vì vậy Đỗ Phủ mới đem thơ Hà Tốn đặt vào bên cạnh thơ Bùi Địch.
Thời ấy hãy còn lắm rối ren vì cuộc loạn An Sử chưa kết thúc cho nên cảnh trời tuyết đã làm Lão Đỗ nhớ đến người bạn thân ở phương xa. Huống chi nay đưa tiễn khách mà lại gặp xuân về thì lòng lại càng thêm thương nhớ nữa. Có sách thay vì "phùng xuân" lại viết là "phùng hoa". Như thế, với hai chữ sau, ông còn tả được cảnh ấy một cách trực tiếp hơn.
Đến đây, sự tích có liên quan đến Lục Khải lại vào cuộc. Nếu làm như Lục Khải là bẻ "nhất chi xuân"tức một cành hoa mai gửi cho người bạn thân thì lúc đó phải nhằm vào lúc cuối mùa (mộ xuân) mới có nhiều màu sắc cảm thương và khiến cho ta thấy được mối hương sầu (homesick) đang ngập đầy trong tâm hồn nhà thơ. Phải chăng trong bài xướng của Bùi Địch đã có câu nào đó bày tỏ chuyện mình muốn bẻ một cành mai để tặng bạn nhưng tiếc là không thể thực hiện? Hoặc giả họ Bùi cho mình đã may mắn vì không làm được chuyện đó?
Cạnh thảo đường, nơi Đỗ Phủ cư ngụ ở Thành Đô trong đất Thục, bên bờ sông cũng có một cội mai. Dần dần, mai chớm nụ rồi đến lúc mỗi ngày sớm chiều ông được nhìn hoa nở tựa như mái tóc trắng của ai đó. Thế đã đủ và không cần nói thêm gì về mai nữa.
Trên đất Bắc, đâu phải không có hoa mai nở sớm. Năm Đại Trung thứ 5 (851), Lý Thương Ẩn李商隠được vời làm thư ký dưới trướng Tiết Độ Sứ Đông Xuyên là Lưu Trọng Dĩnh. Trên đường vào đất phó nhậm, qua địa phương Phù Phong, ông đã nhìn thấy hoa mai. Lúc ấy chỉ mới vào trung tuần tháng 11 âm lịch. Do đó bài thơ của Lý có nhan đề là "Thập nhất nguyệt trung tuần chí Phù Phong giới kiến mai hoa"(Trung tuần tháng 11, qua địa giới Phù Phong, thấy hoa mai). Huyện Phù Phong (Kì Châu) nằm ở phía Đông vùng Bảo Kê trong tỉnh Thiểm Tây, về vĩ độ thì nó ngang ngang với Trường An.
Tạp lộ đình đình diễm,
匝路亭亭艶
Phi thì ấp ấp hương
非時裛裛香
Tố Nga duy dữ nguyệt,
素娥惟與月
Thanh Nữ bất nhiêu sương.
青女不饒霜
Tặng viễn hư doanh thủ,
贈遠虚盈手
Thương nan thích đoạn trường.
傷難適断腸
Vị thùy thành tảo tú,
未誰成早秀
Bất đãi tác niên phương.
不待作年芳
(Ý: Trên đường nhìn những cây mai đẹp đẽ mọc khắp nơi và hương lúc nào cũng quyện thơm. Nàng Thường Nga hiện ra khi vầng trăng mọc cũng như nàng Thanh Nữ đến cùng với sương mù. Muốn tặng cho người nơi xa xôi nhưng trong tay mình không có gì. Buồn nỗi cách biệt đau xót trong lòng. Hoa ơi, cớ gì phải nở sớm như vậy, sao không đợi các loài hoa khác trong năm?)
Đình đình là chữ làm hình dung được một dáng đứng thẳng tắp, mạnh mẽ, còn ấp ấp cho ta thấy có sự bảo bọc. Tố Nga không ai khác hơn là nàng Thường Nga sống trên cung trăng và Thanh Nữ là vị nữ thần trông coi việc làm ra sương mù. Khi trăng chiếu thì Thường Nga chỉ làm việc xuất hiện cùng với mặt trăng chứ nàng không có ý định giúp cho ta thấy hoa mai tươi đẹp hơn. Thanh Nữ cũng vậy, nếu nàng không giáng sương nhiều không phải vì muốn che chở cho hoa mai đâu. Trong bài thơ này, tuy vịnh mai nhưng Lý Thương Ẩn hình như muốn nói đến cảnh ngộ cá nhân: việc mình phải đi vào đất Thục xa xôi này chẳng phải là lỗi của ai cả.
Nếu nhà thơ muốn đem một cành mai tặng cho người phương xa như Lục Khải đã làm thì không biết ông phải tặng cho ai và tặng bằng cách nào? Hay chỉ cầm lấy nó trên tay một cách vô vọng mà thôi! Cảnh biệt ly giờ đây lại làm lòng Lý thêm buồn. Thơ Lý Thương Ẩn vốn hết sức khó hiểu, không biết người ông muốn tặng mai là người bạn đã chia tay hay một nàng con gái nào đó?
Mai ơi, sao lại nở sớm vậy? Không chờ đợi được à, mới đầu năm đã vội ra hoa hay sao? Thời còn trẻ, Lý Thương Ẩn đã được Thái Nguyên Công Vương Mậu Nguyên mến tài đem gả con gái. Nhằm lúc đó trong triều đình nhà Đường có cuộc đối đầu kịch liệt giữa hai phe Lý Đức Dụ và Ngưu Tăng Nhụ. Vì Vương Mậu Nguyên thuộc cánh Lý Đức Dụ (phía thua cuộc) cho nên Lý Thương Ẩn, chàng rễ của ông, cũng bị vạ lây, mất hết cơ hội tiến thủ trên hoạn lộ. Ta có thể nghĩ rằng cảnh tượng hoa mai nở sớm khiến họ Lý liên tưởng đến tài năng bộc lộ quá sớm của mình và chạnh lòng than thở cho cảnh ngộ hẩm hiu trên chốn quan trường.
Vương Kiến王建, môn hạ của Hàn Dũ, từng tòng quân nơi biên cảnh, có viết bài thơ nhan đề "Tái hạ mai" như sau:
Thiên Sơn lộ bàng nhất chu mai,
天山路傍一株梅
Niên niên hoa phát hoàng vân hạ.
年年花發黄雲下
Chiêu Quân dĩ một, Hán sứ hồi,
昭君已歿漢使回
Tiền hậu chinh nhân duy hệ mã.
前後征人惟繋馬
Nhật dạ phong xuy mãn Lũng Đầu,
日夜風吹満隴頭
Hoàn tùy Lũng Thủy đông tây lưu.
還随隴水東西流
Thử hoa nhược cận Trường An lộ,
此花若近長安路
Cửu cù niên thiếu vô phan xứ.
九衢年少無攀処Lũng Đầu
(Ý: Bên đường lên rặng Thiên Sơn có một cội mai nở dưới lớp mây vàng. Nàng Vương Chiêu Quân đã chết mà sứ giả Tô Vũ cũng đã hồi hương, người lính đi đánh Hung Nô chỉ còn dùng nó làm chỗ cột ngựa. Ngày đêm gió thổi qua những cành mai ở Lũng Đầu rồi theo dòng Lũng Thủy mà về Đông về Tây, phong cảnh tựa như trong câu chuyện tặng mai cho bạn của Lục Khải ngày xưa. Nếu cây mai này mọc ở cạnh kinh đô Trường An thì những chàng trai trong xóm ngõ sẽ không thể nào có cái thú phong lưu được vin lấy cành mai bởi vì những cây mai đó đã bị các nhà quyền quí bứng vào trồng trong phủ đệ của họ hết rồi)
Cuối cùng, xin giới thiệu về La Ẩn羅隠, một nhà thơ thời Vãn Đường. Trong bài thất ngôn tuyệt cú nhan đề "Nhân nhật Tân An đạo trung kiến mai hoa" (Ngày mùng 7 tháng giêng trên đường đi Tân An thấy hoa mai). Nhân nhật vốn chỉ ngày mồng 7 tháng giêng. Ông viết:
Trường đồ tửu tỉnh lạp xuân hàn,
長途酒醒臘春寒
Nộn nhụy hương anh bác mã yên.
嫩蘂香英撲馬鞍
Bất thướng Thọ Dương công chúa diện,
不上寿陽公主面
Liên quân khai đắc khước vô đoan.
憐君開得却無端
(Ý: Đường dài, cái lạnh cuối đông đầu xuân làm tỉnh cơn say, hương thơm của hoa mai mới nở thoảng bên yên ngựa. Nhưng nếu không rơi trúng mặt công chúa Thọ Dương thì dù có nở, cũng là điều đáng tiếc cho hoa lắm thay!)
Thọ Dương công chúa là con gái Tống Vũ Đế của Nam Triều. Có một năm, vào ngày nhân nhật, nàng nằm ngủ ở dưới mái Hàm Chương Điện. Hoa mai bay lả tả, có những cánh dính trên mặt nàng nhưng không tài nào phủi sạch. Bọn cung nữ thấy thế mới cùng nhau bắt chước cho giống công chúa bằng cách vẽ trên trán họ những cánh hoa mai. Từ đó mới có kiểu trang điểm gọi là "Mai hoa trang"梅花妝.
Cùng là một ngày nhân nhật nhưng cây mai (mai quân) kia ơi, sao khai hoa rồi mà còn để ra nông nỗi ấy. Nếu như không rơi được lên mặt công chúa thì xem như hoa kia đã nở uổng. Nhờ có lời chú sau đây của tác giả bên cạnh nên người đọc mới hiểu ý ông là như vậy:
Kỳ niên dĩ Từ khấu đình cử
其年以徐冦停挙
(Năm ấy, vì có giặc nổi lên ở Từ châu nên triều đình ngưng tổ chức các cuộc thi)
Ý nói dù chăm chỉ đèn sách đi nữa, cũng không thể làm như cánh hoa mai bay lên trên mặt công chúa Thọ Dương, nghĩa là không thi đỗ được.
Tokyo 19/02/2018
(Trích dịch Đường Thi Tân Tuyển, từ trang 221 đến trang 232)
Kỳ tới : Mẫu Đơn
Nguồn : Chim Việt Cành Nam