Thứ Bảy, 29 tháng 12, 2018
Tạp Ghi Của Sơn Diệm Vũ Ngọc Ánh: Tôi Đã Về Phát Diệm
Tôi rời bỏ Phát Diệm từ 1950. Vào năm đó, Đức Giáo Hoàng Piô thứ XII vẫn còn tại vị, tổng thống Hoa Kỳ là Harry Truman, Đại Thế Chiến thứ II chấm dứt chưa được năm năm, nữ-hoàng Elizabeth Đệ Nhị vẫn còn là một cô công chúa trẻ vừa mới lấy chồng, cuộc chiến tranh Việt Pháp kéo dài đã gần bốn năm, cộng sản Bắc Hàn áp dụng chiến-thuật biển người tràn xuống xâm lăng Nam Hàn: chiến-tranh Cao Ly bắt đầu. Tại vùng Việt Nam tự do, ông Nguyễn Văn Tâm làm thủ tướng chính phủ trong khi quốc trưởng Bảo Đại vẫn ở bên Tây, ông Nguyễn Hữu Trí làm thủ-hiến Bắc Việt. Cũng trong năm này, trường Đại Học Văn khoa được thành lập tại Hà Nội. Tôi là một trong số những sinh-viên đầu tiên ghi danh vào phân khoa mới này như Lê Ngọc Huỳnh, Lê Hữu Mục, Pham Việt Tuyền, Trần Ngọc Huyến, Nguyễn Văn Loan, Lý Quốc Sỉnh, Doãn Quôc Sĩ, Lê Xuân Khoa v.v.
Mọi chuyện thấp-thoáng mới ngày nào mà nay đã trên nửa thế-kỷ rồi. Vì nhớ nhung nhiều, đêm đêm tôi thường mơ trở về quê cũ. Rốt cuộc, cầm lòng chẳng được, nên tháng Năm vừa qua, tức là sau 51 năm xa cách, vợ chồng tôi đã đưa cháu trai đầu lòng về nhận mồ mả ông bà tại Phát Diệm. Vì chẳng còn bà con thân thuộc nào, nên việc đầu tiên khi về tới Phát Diệm là vào thẳng nhà Thờ Lớn thăm Đức Giám Mục, tức Đức Cha Nguyễn Văn Yến, người Phát Diệm độc nhất mà tôi may mắn được quen biết gần đây qua thư từ và điện thoại với tư cách là chủ-tịch hội Truyền Thống Phát Diệm. Vì trở về trong một hoàn cảnh khá đặc-biệt, và nhất là không quen biết một ai nơi mà xưa kia quá nửa là thân thuộc của mình, nên khi gặp Đức Cha chúng tôi mừng mừng, tủi tủi như được gặp lại một người bạn thân cũ hoặc bà con thân thiết đã xa cách lâu ngày. Riêng Đức Cha, mặc dầu vồn vã, nhưng chắc Ngài cũng chỉ coi chúng tôi như những người hành hương thông thường, hay cùng lắm là như mấy người khách quý từ phương xa tới thăm mà thôi.
Sau khi hàn huyên với Đức Cha và thăm khuôn viên Nhà Thờ Lớn nay đã được trùng tu, chúng tôi xúc động tới tận đáy lòng. Cảnh trí nhà thờ và nhà chung đã thay đổi rất nhiều, trông rất phong quang, nhưng có nhiều nơi tôi nhận không ra. Hai dãy nhà hai bên con đường lát gạch dẫn vào cổng nhà chung, nhà chè và ngôi nhà hai tầng lợp bổi cụ Sáu xây cất trong vòng một tuần để đón toàn-quyền Lanessan không còn để lại chút vết tích gì. Tôi cũng chẳng còn tìm đâu ra những cây “lái cấm” trái mọc chi chít và những luống cỏ chua me xanh mướt có mang những bông hoa nhỏ màu tím lạt trong khu vườn hoa. Dãy nhà hai tầng cổ kính phía trong cùng nhà chung cũng đã hoàn toàn biến mất, nhường chỗ cho một vườn rau cỏ dại mọc đầy... Tôi còn nhớ ngày xưa Đức Cha Nguyễn Bá Tòng ở tại hai căn phòng đầu góc phía tây của tòa nhà này. Trong thời kỳ khu an toàn, hai người khách ngoại quốc nổi tiếng về tham quan Phát Diệm lúc đó là nhà văn Graham Green và giáo sư Honey thuộc Đại học Luân Đôn đã được mời ở trong mấy căn phòng gần đó.
Tôi không có cái may mắn đuợc gặp văn hào Graham Green, nhưng nhân dịp này đã được quen biết Giáo-sư Honey, và thường tới thăm ông để tha hồ hút thuốc lá Ăng-lê rất hiếm hoi lúc đó. Tôi có gặp lại ông mấy lần tại Hà Nội và sau đó 15 năm, lần cuối cùng, trong một bữa tiệc khoản đãi phái đoàn Nghị sĩ Việt Nam Cộng hoà tại Luân Đôn. Tôi nói hơi nhiều về Honey không phải vì ông là một người bạn vong niên của tôi mà vì ông là một người Anh khá đặc biệt, rất chịu khó học hỏi và nghiên cứu về các vấn đề Việt Nam (ông đã từng diễn thuyết về văn phạm Việt Nam tại Đại học Văn khoa Saigon, và rất thích Truyện Kiều). Ngoài ra, ông còn là một nhân vật chống cộng rất có uy tín và cũng như Đại tướng Vanuxem, ông là một trong những người bạn ngoại quốc hiếm hoi trung thành với Miền Nam tự do và bênh vực chúng ta cho tới tận những ngày tháng cuối cùng.
Sống lưu vong nơi xứ người tôi vẫn thường mơ ước được trở lại thăm trường cũ như ông Carnot trong sách Giáo-khoa Thư lớp dự bị ngày xưa. Rất tiếc là trường Lasan Phát Diệm, nơi tôi mài đũng quần suốt thời thơ ấu, nay hầu như chẳng còn chút vết tích gì. Hàng trăm gốc nhãn cổ thụ mà ngày xưa chúng tôi biết rõ từng cây, nay đều đã biến mất, nhường chỗ cho một số cây nhỏ mới được trồng lại gần đây. Hai cổng tam quan xây toàn bằng đá phía Đông và phía Tây nhà Thờ ngày trước đối với tôi nguy nga và đồ sộ là vậy, nay gặp lại trông nhỏ và cũ kỹ, tạo cho tôi một cảm giác ngao ngán và buồn buồn khó tả. Mấy sập đá ở Phương đình cũng vậy, trông như nhỏ lại, bị nứt vỡ, nhợt nhạt và bụi bặm, không có đen bóng và nhẵn nhụi như ngày xưa. Hồi còn đi học trường thày dòng, tôi thường cùng các bạn nằm phưỡn bụng hóng gió trên chiếc sập lớn chính giữa Phương đình.
Lúc này, mấy người ngồi thừa lương ở đó nhớn nhác nhìn chúng tôi một cách tò mò. Đối với họ, chúng tôi quả nhiên chỉ là những khách phương xa. Bùi ngùi nhớ lại dĩ vãng, tôi cảm thấy Phát Diệm của hiện tại đối với tôi thực xa lạ. Thực vậy, người hướng dẫn viên nói thao thao bất tuyệt về Cha Trần Lục và lịch sử xây cất nhà thờ, coi chúng tôi như những khách du lịch lần đầu tới tham quan Phát Diệm. Nói cho cùng thì đó cũng không phải là không đúng, bởi vì vợ tôi, vốn người Hà Nội, và con trai tôi, sinh đẻ trong Nam sau 54, về Phát Diệm đây là lần thứ nhất.
Ngày xưa, Cha Lớn Khâm Trần Lục cùng dân chúng Phát Diệm phải mất 20 năm mới hoàn thành được quần thể Nhà Thờ Lớn Phát Diệm. Một công trình kiến trúc toàn bằng đá và gỗ vĩ đại, xây cất hoàn toàn theo lối cổ truyền, có thể nói là độc nhất vô nhị ở Việt Nam vào cuối thế kỷ 19. Sau Chiến tranh Việt Nam, nhà thờ bị hư hại rất nhiều, ai nấy tưởng không có cơ hội và phương tiện để trùng tu. Nhưng sau cùng, Đức Cha Nguyễn Văn Yến, hiện là Giám mục cai quản Giáo-phận Phát Diệm, đã có thể hoàn tất công cuộc trùng tu trong vòng bốn năm, với kinh phí lên tới hơn một triệu Mỹ Kim. Công cuộc xây cất Nhà Thờ Lớn cách đây trên 100 năm tất nhiên đã là hết sức vĩ đại đối với Việt Nam thời đó. Trong cái bối cảnh đặc biệt của Đất Nước hiện tại, công cuộc trùng tu ngày nay cũng không kém phần công phu và kỳ vĩ. Tôi có tò mò hỏi Đức Cha là nhờ đâu mà Ngài có đủ phương tiện để chu toàn trong môt thời gian ngắn một dự án lớn lao như vậy thì Ngài nhũn nhặn trả lời: “Cụ ơi, cũng là nhờ Chúa Quan Phòng và Đức Mẹ Mân Côi lo liệu đấy thôi. Chứ thực sự chính tôi cũng chẳng hiểu tại sao chúng tôi lại có thể làm được như vậy.”
Về vấn đề tự-do tôn-giáo, vì muốn tránh phiền phức và khó xử cho Đức Cha, tôi cố gắng nhịn, không dám nhắc tới, kể cả chuyện Cha Lý tranh đấu ở Miền Trung. Nhưng chuyện đó có lẽ cũng không còn cần nữa, vì sự thực vẫn là sự thực, và sự gian trá dù có giấu giếm khéo đến đâu cũng chẳng có thể giấu được người dân và thế-giới trong thời buổi “thông tin kỹ thuật cao” (sic) này.
Trước hôm chúng tôi về một ngày, Phát Diệm đã long trọng khai mạc Năm Thánh để đánh dấu Giáo phận đã dược thành lập đúng một trăm năm. Đức Cha cho biết có tám vị Hồng Y và Giám-mục về tham dự cùng với hàng ngàn giáo-dân đến từ khắp nơi trong nước. Về tình hình chung của giáo-phận, Đức Cha cho biết là số tân linh-mục đã bắt đầu gia-tăng một cách “rất đáng khích lệ,” mỗi năm có thể có thêm một hay hai cha mới. Hiện nay toàn giáo-phận chỉ có 28 linh-mục phần lớn già yếu, đã quá tuổi về hưu từ lâu, tuy nhiên mỗi cha đều phải kiêm-nhiệm nhiều giáo xứ. Đối với việc tông-đồ của một địa-phận lớn như Phát Diệm quả là đồng lúa mênh mông mà thợ gặt thì quá ít. Tuy nhiên, căn cứ vào nhịp độ tiến-triển trong công cuộc trùng tu Nhà Thờ Lớn, cũng như số khách hằng ngày tới hành hương và nhất là khi nhận xét thấy cái cung cách đĩnh đạc và thái độ ung dung của Đức Cha, tôi nghĩ rằng việc đạo tại Phát Diệm hiện nay có lẽ cũng không đến nỗi bi quan cho lắm. Phải chăng đó là nhờ tài tháo vát và ngoại giao của Đức Cha, một vị Giám-mục tương đối còn trẻ nhưng rất hăng say trong mọi công việc.
![]() |
Nhà thờ Phát Diệm |
Có thể một phần nào cái ưu-điểm của Đức cha là một sự pha trộn giữa hai đặc tính khác nhau của hai bậc nhân kiệt ngày xưa của Phát Diệm: đó là cái Đảm Lược của Trần Lục và cái Nhu Hòa của Nguyễn Bá Tòng. Nếu đó là một sự an-bài của Bề Trên, chúng ta có thể tạm yên tâm là giáo-phận Phát Diệm nay đã có một vị lãnh-đạo khôn khéo và quả cảm. Thực ra thì trước khi về Phát Diệm, tôi có được nghe một số dư luận không mấy tốt và thuận lợi đối với Đức cha Yến. Nhưng với những điều tai nghe mắt thấy tại chỗ, tôi quả thấy có thiện cảm và hy vọng nơi vị Giám mục trẻ tuổi này. Riêng tôi thì tôi vẫn nghĩ rằng, từ xưa tới nay, để thích ứng với mỗi giai đoạn đặc biệt của lịch sử giáo-phận, hình như Chúa đã sắp xếp cho Phát Diệm một vị lãnh-đạo cũng đặc biệt. Từ cha Lớn Khâm Trần Lục tới các Đức Cha Marcou Thành, Nguyễn Bá Tòng, Lê Hữu Từ, Bùi Chu Tạo, ai cũng đã đóng trọn vai trò đặc-biệt của mình một cách rất ngoạn mục. Nay đến lượt Đức Cha Yến, chúng ta ai nấy nên cầu mong Đức Cha sẽ đóng trọn vai trò của mình trong cái giai đoạn khá đặc biệt và khó khăn này sao cho xuất sắc, đẹp mắt, thuận với ý Bề Trên và lòng người. Thôi thì chúng ta hãy cố gắng tin và hy vọng như vậy, vì dầu sao mọi sự trên đời này cũng đều do Trời định và an bài.
Sau cuộc thăm viếng Nhà Thờ đầy cảm xúc vui buồn lẫn lộn, chúng tôi thấy như được an ủi và đền bù một phần nào khi được Đức Cha cho hưởng dụng một bữa ăn trưa thanh đạm thuần tuý miền đồng bể, với những món ăn mà kể từ khi di cư vào Nam, rồi sang đến Hoa Kỳ, tôi thường chỉ thấy trong những giấc mơ. Thực ra thì rau muống, rau lang, rau đay, rau mồng tơi, mắm tôm, đậu phụ v.v. đâu có thiếu trên đất Mỹ, nhưng nếu đem ra mà so sánh với những sản phẩm của Phát Diệm, những sản phẩm tại Mỹ chẳng khác gì những đồ mạo hóa. Trong bữa cơm này, có ba món tôi nghĩ sẽ không bao giờ có thể quên được: thứ nhất là món canh rau đay tía nấu với cua rốc (loại cua đồng đặc biệt của vùng Kim Sơn), thứ hai là món đậu phụ sống (tức đậu phụ tươi) chấm mắm tôm, thứ ba là món rau lang luộc chấm với mắm cáy (một loại cua đồng đặc biệt khác của miền đồng bể Kim Sơn). Tôi còn nhớ hồi còn ở Sài Gòn, có một đêm tôi mơ được ăn rau lang luộc chấm mắm cáy.
Sáng hôm sau, tôi bắt vợ tôi tìm mua mấy thứ đó cho bằng được, nhưng rốt cuộc cũng chỉ mua được một mớ rau lang tuy không già nhưng sau khi luộc vẫn dai và lạt lẽo một cách thực là vô duyên. Riêng món mắm cáy thì hoàn toàn vô phương, không tìm đâu ra. Ngoài ra bữa “tiệc” hôm đó còn một vài món độc đáo khác nữa mà tôi thiết nghĩ chỉ khi nào về nhà chung Phát Diệm quý vị mới có thể có dịp được thưởng thức mà thôi, như cà pháo muối xổi, cá chép “rán” và cá rô kho nhừ, ăn rồi, một cái xương cũng không còn. Nói đến cá chép thì có thể nói cá chép Phát Diệm là số “dzách,” vừa ngọt thịt lại vừa béo, vừa thơm, không có những xương giăm và lạt lẽo như các loại cá chép trong Nam hoặc ở Hoa Kỳ, vì chúng được sống trong các sông ngòi nước phù sa. Hồi còn nhỏ, tôi hay được theo ông nội tôi đi thăm mấy Cha xứ hoặc bạn ở trong vùng Yên Mô. Thời đó người ta thường đi lại bằng thuyền. Các bạn thử tưởng tượng một đêm trăng, thuyền lênh đênh trên mặt sông sương phủ trắng xóa, thấp thoáng xa xa có ánh đèn của những chiếc thuyền chài đương thả lưới dưới ánh trăng lạnh mùa thu, đúng như cái cảnh mê ảo trong mấy câu thơ:
Nguyệt lạc ô đề sương mãn nhiên
Giang phong ngư hỏa đối sầu miên...
Chỉ có khác là không có “Cô Tô thành” và cũng không có “Hàn San tự.”
Rất có thể là vào lúc nửa đêm bạn thấy lạnh và đói bụng. Bạn gọi một chiếc thuyền chài đến để mua cá nấu cháo ăn khuya. Và cũng rất có thể là người thuyền chài vừa bắt được một con cá chép lớn, đương giẫy đành đạch trong chiếc vợt lưới. Thế là bạn có được một nồi cháo cá tuy đơn sơ, vì gia vị chỉ có chút gạo và muối, nhưng tôi cam đoan là suốt đời bạn không thể nào quên được cái thú vị rất mực là Đường Thi của bữa nhậu cá chép nấu cháo đêm đó. Tôi vì quá nhỏ chưa biết rượu là cái gì, nhưng thấy các cụ nhậu nhẹt và thơ phú tưng bừng nên cũng thấy vui lây. Với câu chuyện nồi cháo cá chép trên đây, tôi muốn chứng tỏ cùng quý vị là người Phát “Riệm,” Kim Sơn chúng tôi xưa tuy quê mùa, nhưng đôi khi cũng biết ăn nhậu một cách rất lý thú và “văn nghệ.”
Sau bữa ăn trưa nhớ đời trong nhà Chung, chúng tôi đi “tham quan” phố phường Phát Diệm. Phát Diệm nay được coi là thị xã và đã thay đổi rất nhiều. Đường sá có lẽ sạch sẽ phong quang hơn, nhưng rất im lìm, vắng vẻ. Các tiệm buôn hầu như đều đóng cửa, có lẽ vì các chợ nhỏ đều đã bị dẹp và tập trung vào khu chợ lớn Năm Dân, buôn bán ế ẩm, nên phải dẹp tiệm chăng. Những hàng phở, quán chè “Ba Cô”, cà-phê Trường Ký v.v. của thời son trẻ chúng tôi, nơi mà những Đoàn Văn Cầu, Bùi Diễm, Nguyễn Lộc, Nguyễn Duy Diễn, Phạm Tăng, Đoàn Tòng, Trịnh Hoài Đức, Đỗ Thế Phiệt v.v. thường lai vãng, la cà đấu láo nay đã là những chuyện xa xưa trên nửa thế kỷ về trước.
Tôi tìm về khu nhà của cha mẹ tôi ngày xưa ở phố Ngoài, nhưng chẳng còn nhận ra được gì, có chăng là một vũng nước nhỏ đầy bèo Nhật Bản cao gần bằng đầu. Có lẽ đó là di tích cái ao lớn ở phía Nam khu nhà rộng hai mẫu của chúng tôi ngày xưa, nay đã bị chia ra làm bốn, năm mảnh cho bốn, năm chủ mới. Ngoài vũng nước ngập bèo Nhật Bản đó, cái tổ ấm gần một trăm năm của bốn đời dòng họ Vũ Phát Diệm nay chẳng còn chút vết tích gì, họa chăng còn sót lại là một mớ hình ảnh mơ hồ trong cái ký ức có lẽ đã già nua của một gã tuổi đã ngoài 75 là tôi đây mà thôi.
Ngày hôm trước, sau gần 50 năm gặp lại Hà Nội tôi cũng có rất nhiều mối quan hoài, nhưng trên con đường về Phát Diệm, qua Phủ Lý, rồi Ninh Bình, nhìn hai bên đường thấy đất nước nay đã đổi thay nhiều, tôi xin thú thực là không thấy có cảm giác gì đặc biệt ngoài sự tò mò tìm hiểu và cái thú vị được nhìn lại phong cảnh rất nên thơ của đồng ruộng và xóm làng miền Bắc mà thôi. Nhưng khi nhìn thấy tháp nhà thờ kiểu gô-tich làng Tôn Đạo, tức địa đầu khu thị-xã Phát Diệm, tôi bỗng thấy xúc động lạ lùng. Tôi nói với người tài-xế cho ngừng xe để vào thăm nhà thờ. Đứng trước tiền đình, nhìn ra đồng ruộng xanh mướt, con sông nhỏ và những mái nhà bổi sau lũy tre ở phía xa, tôi cảm thấy một cái gì thiệt thê thiết và ấm lòng... Nhìn mấy con vịt đương mò ăn cạnh mấy luống khoai ngứa trồng dọc bờ sông tôi cảm động và thấy vui vui như được gặp lại cố tri... Tôi nay kể ra cũng đã già rồi, đâu có còn nước mắt, thế mà mắt ướt cay lúc nào không hay... Bỗng nhiên, không hiểu tại sao tôi lại nhớ tới một bài hát theo điệu kèn la-vầy (réveil) liên quan đến nhà thờ Tôn Đạo mà hồi còn nhỏ tôi thường nghe trẻ con đồng lứa tuổi hát như sau:
“Này ông phó Nguyên,
Này ông phó Nguyên
Trèo lên cây tháp mà chơi...
.....
Thấy xe bình bịch gọi là Cha Kim”
Con nít thời đó gọi xe mô-tô là xe bình-bịch. Theo như tôi được biết, cha Kim là ông cố Tây đứng ra xây nhà thờ Tôn Đạo thường cởi xe bình bịch đi lại giữa Phát Diệm và Tôn Đạo; ông phó Nguyên hình như là người đốc công việc xây cất. Lời lẽ bài hát thiệt dớ dẩn, trẻ con và bất thành văn làm cho tôi bật cười sằng sặc. Vợ tôi ngạc nhiên hỏi: “Ông điên hay sao mà bỗng dưng phá lên cười một mình như vậy?”
Khúc đường từ Tôn Đạo về Phát Diệm dài chừng năm miles. Ngày xưa đi bộ hoặc ngay cả đạp xe đạp tôi thấy cũng rất là dài. Phong cảnh hai bên đường đã biến đổi quá nhiều, trong khi tôi chưa kịp định thần thì người lái xe cho biết là đã về tới đền Nguyễn Công Trứ, rồi Phố Kiến Thái, rồi Phố Trì Chính và chiếc cầu xi-măng ngang sông Vạc...
Như thế đó, sau 51 năm, không kèn không trống, và đầu óc lâng lâng như trong mơ, tôi đã trở về quê tôi: Phát Diệm. Cầu Trì Chính, tức chiếc cầu xi-măng bắc qua sông Vạc Giang trông nhỏ xíu và điêu tàn. Bãi và bến tàu nay trông cũng nhỏ và hoang vắng. Nước sông vẫn đỏ lờ lờ cuồn cuộn chạy ra phía Kim Đài để rồi đổ vào cửa sông Đáy... Những cây đa, cây đề, cây bàng cổ thụ mấy trăm năm đều bị triệt hạ không còn một cây nào. Tôi cố gắng tìm lại một vài nét quen thuộc của trên 50 năm về trước, nhưng vô ích, vì hầu như hết thảy đã biến đổi khác xưa. Có nhiều căn nhà xây cất trước 1954 hiện vẫn còn nhưng nay trông già nua, cũ kỹ và đã biến dạng nhiều. Một số khác nay trở nên hoang tàn một cách thảm hại, nhất là khu nhà ông Ph. K. ở đầu phố Phát Diệm và khu nhà dòng Đức Bà Truyền Giáo bên Phu Vinh. Ngoài khu nhà Thờ Lớn nay đã được trùng tu lại, những dấu tích đáng kể của Phát Diệm ngày xưa nay chỉ còn lại cây Cầu Ngói và mấy ngôi nhà thờ và chùa miếu lân cận....
Ngồi ở một quán nước cạnh bờ sông, nơi ngày xưa có một quán thịt chó nép dưới bóng một cây bàng cổ thụ, nhìn sang Phố Ngoài, tôi không tìm được một nét gì quen thuộc ngoài tháp và nhà thờ họ Rosa do ông nội tôi xây cách đây trên 80 năm và cây cầu Ngói bắc ngang sông Ân Giang. Nước sông vẫn đỏ với những mảng bèo Nhật Bản cố hữu trôi lờ đờ, nhưng sông Ân nay hoàn toàn vắng lặng, không có trên bến dưới thuyền, buôn bán sầm uất như xưa. Trong một khung cảnh hoàn toàn đổi thay, hoang vắng và xa lạ như vậy, ngọn tháp màu trắng cũ kỹ họ Rosa và cây cầu Ngói vắng tanh không người qua lại trông thiệt bơ vơ và vô lý.
Có một vài bạn nói với tôi là khi về Việt Nam thấy cảnh vật đã khác xưa, người chung quanh chẳng biết mình là ai nên có cảm giác cô đơn và lạc lõng như Từ Thức khi trở về trần gian. Không biết cái tâm tình Từ Thức thực sự như thế nào, riêng tôi, khi đứng giữa phố Trong vào một buổi chiều hoang vắng, tôi thấy như lạc vào một thế giới xa lạ nào. Đầu óc bỗng trống rỗng, tôi như cảm thấy một cái gì không đầu không đuôi. Phải chăng đó là cái cảm giác của một con người đi lạc vào Twilight zone. Nói là như thế, làm gì có twilight zone, phải không các bạn? Nhưng quả thực lúc đó, trong ánh nắng xiên khoai của một buổi chiều vàng úa, tôi đã lạc vào một thứ twilight zone, bơ vơ và trơ trọi một cách lạ lùng, đến nỗi giật mình thảng thốt tự hỏi: “Ta đương đứng ở nơi nào đây?”
Sau cùng, cuộc viếng thăm mộ ông bà đã mang đến cho chúng tôi những giây phút cảm động nhất. Đã hơn 50 năm rồi, đây là lần đầu tiên nơi phần mộ hoang phế này có con cháu tới nhang khói. Đứng ở đây, giữa một sự vắng lặng hầu như hoàn toàn, nhìn về phía Đất Thánh Lưu Phương nằm xế bên kia con sông nhỏ, xa xa là dãy núi đá vôi quen thuộc, tôi cảm thấy một nỗi buồn man mác khi ngẫm nghĩ không biết có còn dịp trở lại chốn hoang vắng này hay không, để một lần nữa thắp một nén hương hay đặt một bó hoa trên những nấm mộ hầu như mồ côi và vô chủ này. Tôi đã trù tính là sau khi về Hà Nội tôi sẽ trở lại Phát Diệm ở mấy ngày để có thể sửa sang mồ mả ông bà và đi thăm đây đó như Văn Hải, Như Tân, Cồn Thoi, Văn Lý, Lai Thành, Điền Hộ, Yên Mô, Thanh Hoá, Sầm Sơn v.v. bởi vì những nơi này đã để lại trong lòng tôi rất nhiều kỷ-niệm đẹp và thân thương. Tiếc rằng, sau khi về tới Hà Nội, chúng tôi gặp chuyện trục trặc nên đã không thể trở lại Ninh bình và Phát Diệm như đã dự tính.
Hồi thơ ấu, tôi sống trong một cái thế giới thiệt nhỏ bé. Đứng trên cầu Ngói, nhìn về phía Tây, thấy dãy núi đá vôi màu xanh lam ở phía xa xa, tôi mường tượng như đó đã là tận cùng trái đất.
Những chuyến đi xa nhất của tôi thời đó là những lần về thăm quê ngoại ở Văn Hải, hoặc theo ông nội tôi, như đã nói ở trên, ngồi thuyền đi thăm mấy cha xứ già vốn là bạn của ông nội tôi trong vùng Yên Mô. Chúng tôi thường lên xứ Yên Thổ trước, rồi sang bên Quảng Nạp, vào Hảo Nho, qua Chính Đại (nơi xưa là cửa Thần Phù), rồi sau đó mới vòng về Phát Diệm. Đẹp nhất là khúc sông quanh co len lỏi giữa những núi đá vôi của cửa Thần Phù cũ. Trên một vách đá, người xưa có khắc một chữ Thần rất lớn, nét bút sắc sảo, oai phong, trông thiệt là lẫm liệt.
Thời kháng chiến, tức thời “khu an-toàn” Phát Diệm, tôi cũng không đi đâu xa mà chỉ luẩn quẩn ở vùng Phát Diệm mà thôi. Mỗi đầu thu, tôi thường đi bộ lên Yên Mô, bởi vì không có một nơi nào có một mùa thu đẹp như mùa thu trên con đường đi từ Phát Diệm lên Yên Mô. Tôi cũng đã từng đi coi lá rừng đổi màu vào mùa thu ở vùng Đông Bắc Hoa Kỳ. Phong cảnh mùa thu ở đó thiệt đẹp, ngoạn mục, rực rỡ với muôn ngàn màu sắc. Nhưng, ở quê tôi, với những đám mây trắng trôi bồng bềnh, trời như lên cao hơn, thiệt trong và xanh, và trong cái vắng lặng trầm trầm và hiu hắt của mùa thu, tôi cảm thấy các xóm làng và đồng ruộng của quê hương tôi êm đềm, đáng yêu và xinh đẹp lạ thường, một cái đẹp tuy đơn sơ nhưng duyên dáng và dịu dàng mà tôi không thể tìm thấy ở bất cứ một nơi nào khác.
Sau hết, như là định mạng đà an bài, vào một ngày mùa thu năm 1949, một ngày khác thường đã làm thay đổi vận mạng dân chúng Kim Sơn, từ một địa-điểm tại Yên mô, tôi tình cờ được mục kích toàn diện cảnh quân đội Pháp nhảy dù xuống Phát Diệm. Thực vậy, từ tối hôm trước, tôi tới Yên Mô thăm một người bạn vong niên hơn tôi đến 10 tuổi. Sáng sớm hôm sau, trong khi chúng tôi đương uống trà thì bỗng có tiếng máy bay và bên ngoài người ta la lối rất là xôn xao. Có người hớt hải chạy vào báo tin Pháp nhảy dù, nhưng chưa rõ là tại địa-điểm nào. Chúng tôi kéo nhau ra trước nhà nhìn về hướng Nam quan sát. Quả nhiên Pháp đương thực hiện một cuộc hành quân lớn với hàng trăm lính nhảy dù xuống vùng Kim Sơn. Tôi lúc đó quýnh quá, vội vàng từ biệt ông bạn và hẹn sẽ gặp lại trong một dịp khác. Nhưng từ đó tới nay đã trên 50 năm, chúng tôi chẳng bao giờ có cơ hội gặp lại hoặc biết tin tức nhau.
Sau khi từ biệt ông bạn, tôi chạy về phía Phát Diệm, mặc dầu đã biết rõ là máy bay Pháp đương tiếp tục thả dù ở phía Kim Sơn. Đi được chừng hơn một cây số, tôi gặp nhiều đoàn người từ phía dưới ào ào đổ lên, trong số có một người ăn mặc bảnh bao vác trên vai một chiếc xe đạp đuy-ra mới tinh và bóng loáng. Tôi nhận ra người đó là anh Bùi Trác, anh em thường gọi là Trác Bốp (sau này vào Nam anh là chủ hãng dệt mền Sakymen và tiệm bách-hoá lớn đường Tự Do). Anh Trác cho biết là Pháp nhảy dù Phát Diệm và khuyên tôi không nên về thẳng Phát Diệm ngay lúc này. Nghe lời anh khuyên, tôi đổi hướng chạy về phía núi. Vì không quen đường, nên luẩn quẩn mãi tới gần chiều tôi mới về tới Chính Đại, rồi vòng xuống Điền Hồ, theo hướng Nam chạy dọc đê sông Càn ra vùng ven biển Kim Sơn.
Phong cảnh non nước vùng Chinh Đại vào một buổi chiều thu thiệt là đẹp và buồn. Xa xa tiếng súng đại bác từ phía Phát Diệm vọng lại ì ầm, tiếp đến là những tiếng nổ lớn làm vang động núi rừng. Đây đó có những đám khói lớn bốc lên ở trên các sườn núi. Gần nửa đêm hôm đó, sau một ngày vừa đi vừa chạy, tinh thần căng thẳng tới cực độ, tôi về tới trại của ông cụ tôi ở Như-Tân.
Kể từ ngày đó cho tới những ngày máu lửa cuối cùng của Phát Diệm (1954), Phát Diệm với Yên Mô tuy ở sát kề, nhưng xa nhau như đất với trời. Nay thì chuyện đó đã qua rồi. Tôi ước mong sẽ có dịp trở lại Việt Nam vào một mùa thu, về Phát Diệm ở ít nhất là một tuần để có thể đi thăm thật nhiều nơi trong vùng. Và kỳ này tôi nhất định cũng sẽ đi bộ từ Phát Diệm lên Yên Mô. Có thể cảnh sắc nay chẳng còn như xưa, nhưng tôi vẫn muốn tìm lại những cảm giác say sưa và xôn xao trong cái hiu hắt của một ngày thu lành lạnh gió heo may, tiêu sơ và bàng bạc những nhớ thương vu vơ trên con đường Phát Diệm, Yên Mô của những tháng ngày đã qua.
__