Thứ Sáu, 30 tháng 11, 2018

Cổ-Lũy từ Nam California: Từ California Tới Bạch Ốc 2020

Chủ Nhật trước, sau kiểm phiếu kéo dài ứng viên Dân Chủ (Xanh) Gil Cisneros đã chính thức đánh bại ứng viên Cộng Hòa (Đỏ) Young Kim tại đơn vị chót ở Orange County, California. Đây là một cái mốc đáng chú ý: Đảng Cộng Hòa, sau khi mất hết bẩy ghế dân biểu và sau 80 năm độc quyền ở “thành trì bảo thủ Orange County,” sẽ không còn một đại diện nào trong Hạ Viện hai năm 2019 và 2020. Đoàn đại diện California ở Hạ Viện sẽ gồm 53 người, 46 là Dân Chủ. Phía Dân Chủ cũng nắm đa số tuyệt đối (60%) hai viện thuộc Quốc Hội tiểu bang California). 

Tổng Thống Donald Trump tuyên bố “thắng lớn” khi phía Cộng Hòa thu được hai ghế ở Thượng Viện để duy trì đa số. Nhưng chiến thắng của phía Dân Chủ cho thấy đa số dân chúng không chấp nhận tư cách và khả năng ông Trump, người xem bầu cử vừa qua là một “trưng cầu dân ý” về chính mình. Chiến thuật đe dọa từ “kẻ khác/others” (gồm người da mầu trong nước và di dân) ông dùng để gây chia rẽ, thù ghét từ đám “cử tri trung kiên/base” đã không hiệu nghiệm. 

Đám này gồm 25% người da trắng ít học, lớn tuổi, ở thôn quê hay thành phố nhỏ. Vì ít học và thiếu kỹ năng, xa đô thị nhiều công việc và cả biếng nhác nữa, họ không có công ăn việc làm tốt, hoặc thất nghiệp trong môi trường kỹ thuật cao và chuyên nghiệp—rồi từ đây thành thành phần lợi tức thấp, cay cú oán trách “others.” Ông Trump là “triệu phú bọc điều,” lại “ma lanh” và thiếu đạo đức, và từng lâu đời khai thác “những người bị bỏ quên” này. Từ tranh cử tới nay ông đóng vai “Hiệp sĩ Trả thù/Avenger” cho đám “base” vì những “bất công” họ phải chịu từ tay “others” mà ông chọn làm “scapegoat/vật tế thần.” 

Mạnh Kim (VOA): Tại sao đạo đức tan hoang?

Hình minh họa. Sự tuột dốc đạo đức không có điểm dừng. Không chỉ những giá trị căn bản nhất của đạo đức đang thoái hóa mà thậm chí tình người cũng cạn kiệt.
Sự tuột dốc đạo đức không có điểm dừng. Không chỉ những giá trị căn bản nhất của đạo đức đang thoái hóa mà thậm chí tình người cũng cạn kiệt. Sự khủng hoảng đạo đức đang trở nên điên loạn. Chừng nào nguyên nhân sâu xa cuộc khủng hoảng làm tê liệt và tàn phá xã hội này còn chưa dám thừa nhận thì vấn đề “chấn chỉnh” đạo đức không bao giờ có thể khôi phục. 

Đạo đức rơi từng mảng như một bức tường mục nát. Đạo đức đang lao xuống vực như chiếc xe không phanh. Chưa bao giờ xã hội Việt Nam tan nát đến nhường này. Mọi cái xấu và cái ác tuôn ra ào ạt với mức độ vô phương kiểm soát. Cái xấu này kéo theo cái ác khác. Cái ác đang rất thèm khát thể hiện hung tính của nó. Cái ác trở thành đặc tính nổi trội trong một xã hội hỗn loạn không kỷ cương. Chỉ vì “nhìn đểu”, nạn nhân có thể bị chém chết tức thì. Con giết cha, trò đánh thầy, cô giáo “tra tấn” học sinh, bệnh nhân nện bác sĩ, “quan làng” hà hiếp người dân…, tất cả xảy ra như cơm bữa. Một xã hội ngày nào cũng được cung cấp một “thực đơn” như vậy thì con người sẽ biến thành gì? 

Con người sẽ chỉ trở nên ác hơn. Cứ sau một sự việc kinh thiên động địa, chẳng hạn cô giáo cho học trò uống nước giẻ lau bảng hoặc cô giáo phạt “bạt tay hội đồng”, phản ứng xã hội luôn kinh khủng. “Giết chết cả họ nhà con mụ ấy đi! Con này mà rơi vào tay tao thì tao băm từng mảnh!...” – đó là “ý kiến” của đa số dư luận. Tại sao hiện tượng “ác mồm, ác miệng” mỗi lúc mỗi phổ biến? Tại sao con người lại trở nên hung dữ hơn? Lý do trong mọi lý do là công lý đã bị chính quyền chà đạp đến mức chẳng ai còn tin vào sự phán xét và trừng trị của pháp luật. Trong một xã hội “vô pháp, vô thiên”, người dân sẽ có khuynh hướng cho mình quyền phán xét và quyền trừng phạt. Trong một xã hội mà công lý thường xuyên đóng vai một tên hề trơ trẽn thì quyền phán xét không còn thuộc về những kẻ ngồi xổm lên đầu nhân dân và đùa bỡn với công lý. 

Nguyễn Ngọc Già (RFA): "Vụ" Trịnh Xuân Thanh sa lầy!

Trịnh Xuân Thanh bị dẫn ra tòa ở Hà Nội hồi tháng 1/2018 . AFP
Báo VNExpress ngày 8/11/2018 cho hay, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nói [1]: "...Trịnh Xuân Thanh bị Bộ Công an Việt Nam truy nã quốc tế từ tháng 9/2016 sau khi ông này bỏ trốn. Cơ quan Cảnh sát điều tra (C46, Bộ Công an) khởi tố ông Thanh tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Ông Thanh đã về nước đầu thú để mong "được hưởng sự khoan hồng" sau khi "trốn lại Đức", theo đơn xin tự thú hồi tháng 7/2017. Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Đức lại cho rằng ông bị "bắt cóc trên đất Đức" - điều Việt Nam "rất lấy làm tiếc".

Đây là lần đầu tiên, phía Việt Nam chính thức lên tiếng, cho rằng Trịnh Xuân Thanh "đầu thú" để "mong hưởng sự khoan hồng", không hề có chuyện "bắt cóc" nào xảy ra tại Đức.

Trịnh Xuân Thanh bị kết 2 án chung thân "...vì cố ý làm trái và tham ô tài sản xảy ra tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Tổng công ty Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC)..." - theo VNExpress.

Mới đây, báo Đồng Tháp loan tin [2]: "Ông Đường Hùng Cường - tổng giám đốc Công ty cổ phần đầu tư - thương mại Dầu khí Nghệ An bị bắt do liên quan đến đường dây đưa Trịnh Xuân Thanh trốn ra nước ngoài""...tại văn phòng Công ty cổ phần đầu tư - Thương mại dầu khí Nghệ An tại tầng 24 chung cư dầu khí thuộc phường Quang Trung, TP.Vinh, ông Trần Đình Quang - phó tổng giám đốc thường trực công ty, nói với PV: "Chúng tôi cũng nghe đồn vụ này nhưng đến nay chưa có cơ quan nào thông báo chính thức. Trong cơ quan có người biết, người cứ tưởng tổng giám đốc đi công tác".

VOA Tiếng Việt: Bị thôi chức vì không phải Đảng viên: “Bước lùi của báo Thanh Niên”

Báo Thanh niên được cho là đã 'hạ tầng công việc' của 12 người đang giữ chức trưởng phó phòng/ban vì không phải là Đảng viên đảng Cộng sản Việt Nam. (Ảnh thanhnien.vn)

Báo Thanh Niên vừa cho ‘thôi chức’ 12 người giữ vị trí quản lý vì không phải đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, theo hai người từng là biên tập của tờ báo hàng đầu trong nước cho biết. 

Đây được coi là một sự việc chưa tùng có tiền lệ trong một cơ quan truyền thông ở Việt Nam. 

Một biên tập từng làm việc cho Thanh Niên trong 15 năm, bà Ngô Thị Kim Cúc, nói đây là “lần đầu tiên một tòa soạn báo đã ‘tự cho thôi chức’ một loạt lãnh đạo cấp ban/phòng của mình”. 

Mười hai người không làm thủ tục vào (Đảng) thì bị thôi bổ nhiệm. Trên danh nghĩa là không được bổ nhiệm nhưng trên thực tế là họ bị hạ tầng công tác từ trưởng ban xuống tổ trưởng hoặc phóng viên hay nhân viên. 
Ngô Thị Kim Cúc, cựu biên tập báo Thanh Niên 

Bà Kim Cúc nói với VOA hôm 29/11 rằng Thanh Niên có một cuộc họp hôm 23/11 để công bố quyết định vừa kể. Mười hai vị trí gồm trưởng ban, phó ban và phó phòng đã bị ‘giáng chức’ vì không phải là đảng viên. Tuy nhiên theo nữ nhà báo tự do, những người này chưa nhận được giấy văn bản chính thức sau khi được "thông báo bằng miệng" hôm 23/11. 

Phạm Trần: Cộng sản Việt Nam trước cuồng phong tự rã

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cảnh báo rằng: “Suy thoái về mặt chính trị còn nguy hiểm hơn cả kinh tế”. Ông nói: “Đây là vấn đề vô cùng hệ trọng, là vấn đề chiến lược liên quan đến tự diễn biến, tự chuyển hóa trong nội bộ” (Theo VietNamNet, ngày 24/11/2018) 

Ông Trọng nói như thế tại cuộc tiếp xúc cử tri các quận Ba Đình, Tây Hồ, Hà Nội, ngày 24/11/2018, nhân khi đề cập đến trường hợp Giáo sư, Tiến sỹ Chu Hảo, nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ bị khai trừ Đảng vì ông đã “tự diễn biến” và “tự chuyển hóa”. 

Ông Trọng nói: “Nhân đây báo cáo các bác vì sao xử lý kỷ luật ông Chu Hảo. Đây có phải tham nhũng đâu. Tự diễn biến, tự chuyển hóa trong mỗi con người biến mình thành người khác lúc nào không biết, nó lái con đường của chúng ta đi vô cùng phức tạp”. 

Đảng quyết định loại Giáo sư Hảo khỏi hàng ngũ xảy ra tại kỳ họp thứ 31 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương (từ ngày 12 đến 14/11/2018), nhưng trước đó 20 ngày, ngày 26/10/2018, ông Hảo đã tự ý lìa khỏi đảng. Như vậy khi loại một người không còn là đảng viên thì có khác nào đấm vào chiếc thùng rỗng tuếch. 

Lý do Giáo sư Hảo ra đảng là để phản đối Uỷ ban Kiểm tra Trung ương (KTTƯ) đã công bố kết luận tại kỳ họp thứ 30, từ ngày 17 đến 19/10 (2018) lên án ông “suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Kết luận của KTTƯ viết: “Ông Chu Hảo đã vi phạm quy định về những điều đảng viên không được làm, có những bài viết, phát ngôn có nội dung trái với Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, nghị quyết, chỉ thị, quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước…Vi phạm, khuyết điểm của ông Chu Hảo là rất nghiêm trọng, làm ảnh hưởng đến uy tín của tổ chức đảng, tác động xấu tới tư tưởng xã hội, đến mức phải xem xét, thi hành kỷ luật”. 

Thứ Năm, 29 tháng 11, 2018

VOA: Sóng gió chờ đợi thượng đỉnh G-20 và 3 kịch bản cuộc gặp Trump-Tập

Hai ông Trump và Tập có cuộc gặp thượng đỉnh được mong chờ ở Argentina
Các nhà lãnh đạo thế giới đang chuẩn bị cho một hội nghị thượng đỉnh G-20 nảy lửa bắt đầu vào ngày 30/11 tại thủ đô Buenos Aires của Argentina. Cuộc họp kéo dài hai ngày này tập hợp các nhà lãnh đạo đại diện hai phần ba dân số thế giới và 85% nền kinh tế toàn cầu. 

Cuộc họp thượng đỉnh diễn ra trong bối cảnh cuộc chiến thương mại đang leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc vốn đã khiến kinh tế toàn cầu chao đảo và giữa lúc có hàng loạt những điểm nóng địa chính trị từ Ukraine cho đến Trung Đông và Biển Đông. 

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đe dọa sẽ tăng thuế quan hiện tại từ mức 10% lên 25% đối với 200 tỷ đô la giá trị hàng nhập khẩu từ Trung Quốc và đã cảnh báo sẽ có thêm biên pháp trừng phạt nếu không có thỏa thuận nào đạt được với Bắc Kinh trong những vấn đề như mất cân bằng thương mại và sở hữu trí tuệ. 

Nhà Trắng tin rằng họ đang có thời cơ để đạt được thỏa thuận. “Phần lớn các nhà quan sát tin rằng Trung Quốc đang khó khăn trong khi Mỹ đang trong vị thế rất mạnh mẽ, chắc chắn khi đến thượng đỉnh lần này,” cố vấn Kinh tế Nhà Trắng Larry Kudlow phát biểu hôm 27/11. 

Thường Sơn: Đảng ‘giãy giụa trước khi giãy chết’?

Nhiều người bình luận rằng tâm thế hoảng sợ của đảng đã lên cao đến mức lú lẫn để đảng liên tiếp phạm sai lầm khi áp dụng hàng loạt biện pháp cực đoan - một tín hiệu cho thấy đảng đang trong ‘giai đoạn giãy giụa trước khi giãy chết’.

Nhà văn Nguyên Ngọc (bìa trái) và giáo sư Chu Hảo (bìa phải) đã cùng từ bỏ đảng Cộng sản vào tháng Mười Một năm 2018

Ngày 23/11/2018, vụ việc tờ Thanh Niên được chọn làm ‘thí điểm’ cho chiến dịch thanh trừng 13 nhân sự ngoài đảng đã phát đi một tín hiệu: trong những ngày tới, nhiều tờ báo nhà nước có thể sẽ phải nối gót theo ‘tấm gương’ Thanh Niên để thanh lọc nhân sự ngoài đảng và không chịu vào đảng. Thậm chí chiến dịch này còn có thể trở thành một phong trào mang tính mao ít đến mức đảng có thể áp đặt một chủ trương mới đối với báo chí nhà nước là sẽ cho nghỉ việc tất cả những ai không chỉ không muốn trở thành đảng viên cộng sản mà còn mang khuynh hướng không ủng hộ đảng Cộng sản. 

Nguyễn Hữu Vinh: Bạo Lực Học Đường, Cái Nôi Của Bạo Lực Xã Hội

Trong mọi lĩnh vực đời sống xã hội Việt Nam ngày nay, bạo lực được sử dụng không chỉ bằng hành vi, lời nói mà cả ngay trong tư tưởng con người. Bất cứ một vấn đề nào khi đối diện với những khó khăn giữa các mối quan hệ, bạo lực lại được sử dụng hoặc tính đến. 

Bạo lực có mặt mọi nơi, mọi lúc 


Bạo lực được sử dụng trong mọi mối quan hệ dân sự, trong giao thông, kinh doanh, thương mại cũng như trong các mối quan hệ giữa làng xóm, thậm chí trong gia đình, giữa vợ chồng, con cái và cha mẹ. 

Trong học đường, bạo lực được sử dụng bởi thầy cô giáo, rồi qua đó tiêm nhiễm đến học sinh và cứ thế lan ra ngoài xã hội. 

Trái với truyền thống từ ngàn xưa của dân tộc, khi người dân được giáo dục từ nhỏ về cách đối xử với nhau trong cuộc sống, trong xã hội cho êm đềm, mềm mỏng và nhân ái, ngày nay, việc sử dụng bạo lực như một phương tiện để giải quyết các vấn đề cá nhân và xã hội. Những câu ca dao như: 

“Bầu ơi thương lấy bí cùng
Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn” 

Hoặc: 

“Lời nói không mất tiền mua
Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”… 

Ngày nay đã trở thành xưa cũ, xa lạ với đời sống người dân trong chế độ cộng sản. 

Nguyễn Xuân Nghĩa (RFA): Trung Quốc thiếu nước mà thừa nợ

Biểu đồ hiển thị nợ quốc gia của Trung Quốc đang gia tăng cho đến năm 2020 theo dự báo của IMF

Dư luận quốc tế cứ quan tâm đến trận thương chiến giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, chứ hai vấn đề nguy ngập hơn cho nền kinh tế có sản lượng thứ nhì của thế giới mới làm cho lãnh đạo Bắc Kinh mất ngủ. Đó là hiện tượng thiếu nước vì môi sinh bị hủy hoại trong khi núi nợ lại chồng chất ngay trước mắt. Vì các vấn đề này có liên hệ đến trường hợp Việt Nam nên mục Diễn đàn Kinh tế mới phải tìm hiểu. 

Hai vấn nạn của Trung Quốc 


Nguyên Lam: Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do và Nguyên Lam xin kính chào chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa. Thưa ông, cuộc chiến tranh thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc - mà ông thường gọi tắt là “thương chiến Mỹ-Hoa” - sẽ gia tăng cường độ và còn kéo dài, nhưng một số công trình nghiên cứu của quốc tế lại nêu ra hai vấn đề khác của Trung Quốc. Do đó Nguyên Lam xin yêu cầu ông trình bày hai vấn đề này cho thính giả của chúng ta. 

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Trận thương chiến Mỹ-Hoa là đề tài nóng, nhất là khi lãnh đạo hai nước sẽ gặp nhau tuần tới tại Argentina nhân thượng đỉnh của nhóm G-20. Nhưng lồng trong đó, ta còn nên thấy nhiều vấn đề gay gắt hơn cho giới lãnh đạo của Bắc Kinh và riêng tôi thì chú ý đến hai sự kiện có vẻ trái ngược. Thứ nhất là ba nền kinh tế có sản lượng đứng đầu thế giới cũng là ba nền kinh tế mắc nợ nhiều nhất. Đó là Hoa Kỳ mắc nợ tới hơn 105% của Tổng sản lượng GDP, Nhật Bản nợ tới 250% GDP và Trung Cộng thì nợ tới 300% GDP mặc dù con số chính thức chỉ có 47,6%. Lý do sai biệt giữa số chính thức và số thật là cách đếm của Bắc Kinh. Họ không tính các khoản nợ trong nội bộ, như của Ngân hàng Nhà nước cho các Doanh nghiệp Nhà nước và xí nghiệp hương trấn của chính quyền địa phương vay tiền. Tuy nhiên, dù không tính thì khách nợ vẫn phải trả và đây đó nạn vỡ nợ đã xảy ra. Thứ hai là Trung Quốc không chỉ thiếu đất canh tác vì diện tích khả canh tính theo dân số chỉ bằng một phần ba của bình quân thế giới mà họ còn hủy hoại môi sinh cho nên sẽ thiếu nước trong khi là quốc gia Á Châu có ít nước ngọt nhất. 

Trân Văn: Bởi ‘muôn người’ chỉ là các đồng chí đồng đảng

Ông Trọng nói về vụ kỷ luật ông Chu Hảo: Kỷ luật một vài người để cứu muôn người.

Phản ứng của dân chúng Thủ Thiêm về chuyện cưỡng chế - thu hồi đất ở Thủ Thiêm (quận 2, TP.HCM) cách nay hàng chục năm để thực hiện quy hoạch Khu Đô thị mới càng ngày càng quyết liệt. 

Đỉnh mới của chuỗi hoạt động phản kháng đòi công bằng là sự kiện những viên chức hữu trách có nhiệm vụ giải quyết khiếu nại, tố cáo của các nạn dân đột ngột bỏ dở buổi tiếp dân được tổ chức ngày 27 tháng 11, mà các nạn dân gọi là “trốn chạy” (1). 

Nhiều người tin rằng tình thế đã chín muồi để hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam phải lôi những Lê Thanh Hải (cựu Ủy viên Bộ Chính trị, cựu Bí thư Thành ủy), Nguyễn Văn Đua (cựu Phó Bí thư Thành ủy), Tất Thành Cang (Phó Bí thư Thành ủy),… ra luận tội. 

Một số cá nhân được cho là thạo tin, khẳng định, một đợt tàn sát các viên chức từng là lãnh chúa, quản lý – điều hành TP.HCM như lãnh địa trong một thời gian dài, sắp bắt đầu và danh sách tội nhân được hiến tế vừa nhằm an dân, vừa để củng cố quyền lực ấy sẽ rất dài. 

Thứ Tư, 28 tháng 11, 2018

Ngô Nhân Dụng: Khó đàn hặc Donald Trump

Số người “thờ phượng” ông Trump lên rất cao. Bây giờ, đảng Cộng Hòa với ông Trump đã như ván đóng thuyền, không thể thiếu nhau được. (Hình: Saul Loeb/AFP/Getty Images)
Trong mùa tranh cử vừa qua, các ứng cử viên Dân Chủ hầu như không đả động gì tới chuyện đàn hặc Tổng Thống Donald Trump. 

Ngoại trừ ông Beto O’Rourke, ứng cử nghị sĩ ở Texas. Ông Rourke gãi đúng chỗ ngứa những cử tri không chịu được ông Trump. Họ đi bỏ phiếu đông giúp ông O’Rourke chỉ thua sát nút mà đáng lẽ phải thua lớn. Nhờ O’Rourke hô hào, đảng Dân Chủ thắng thêm nhiều ghế ở Texas. Nhiều người đề nghị ông nên ra tranh cử tổng thống năm 2020. 

Năm ngoái, Al Green (Texas) và Brad Sherman (California), hai dân biểu đảng Dân Chủ, nói phải đàn hặc Tổng Thống Donald Trump. Họ làm được vì đảng Cộng Hòa đang kiểm soát Hạ Viện. Giờ, cả hai ông Green và Sherman đều được tái cử và đảng Dân Chủ sẽ chiếm đa số. Liệu họ có thể đàn hặc ông Trump không? 

Mặc Lâm: ‘Mày cần đất hay cần mạng?’

Nguyễn Thị Thùy Dương phát biểu trong buổi tiếp xúc cử tri Q2 ngày 22/11/2018
Hai chữ Thủ Thiêm đã trở thành biểu tượng của người dân oan mất đất, cho dù mai này nó có là một khu đô thị trù phú, hay một ốc đảo của phồn hoa thì cái oan khuất của nó vĩnh viễn không bao giờ được gột rửa trong lòng người dân cả nước, và nhất là người dân ngay tại nơi mà cái khu đô thị mới ấy mọc lên. 

Thủ Thiêm nhắc nhở bao điều đắng cay khổ ải của hơn 16 ngàn con người. Những con người cần cù với ruộng đồng mặc dù ánh đèn Sài Gòn hằng đêm hào nhoáng bên kia con sông, chỉ một cuốc xe ngắn là tới nhưng nào họ có màng mỏi gì, bởi đời sống chật vật không cho phép họ sống như một thị dân đúng nghĩa. 

Và sự khổ nạn ập tới như giông gió sấm sét. Giông gió vì sức cưỡng chiếm vũ bão của nó, sấm sét vì sự tàn nhẫn, vô tình đến lạnh lùng khi từng vuông đất bị san bằng để dùng vào việc khác, việc của những kẻ có tiền nhưng không hề có lương tâm. Người dân Thủ Thiêm từ đó bắt đầu trôi giạt trên chính quê hương mình, họ có miệng nhưng nói không thành lời vì sức ép của cường quyền đè nặng lên báo chí cộng với bạo lực đi kèm sẵn sàng đáp trả mọi cố gắng mưu tìm công lý của những con người khốn khổ. 

Phạm Chí Dũng (VOA): Vụ Trịnh Xuân Thanh đào thoát: Vừa mở màn chiến dịch hồi tố!

Trịnh Xuân Thanh trong phiên tòa tại Việt Nam.
Hai tháng sau cái chết của Trần Đại Quang, ngày 27/11/2018 là thời điểm diễn ra hai sự kiện chính trị cùng lúc và rất có thể liên đới mật thiết với nhau về yếu tố ‘phe cánh chính trị’: trong khi cựu thượng tá tình báo công an Phan Văn Anh Vũ, tức Vũ ‘Nhôm’ chính thức khai ra một cái tên khác của ông ta là Trần Đại Vũ, Bộ Công an đã lần đầu tiên bắt người đầu tiên liên quan đến đường dây đưa Trịnh Xuân Thanh trốn ra nước ngoài - ông Đường Hùng Cường, 41 tuổi, chủ tịch hội đồng quản trị kiêm tổng giám đốc Công ty cổ phần đầu tư – thương mại dầu khí Nghệ An. 

Hai sự kiện một bản chất 


Bị di lý từ Hà Nội vào Sài Gòn để phục vụ phiên tòa xử vụ Ngân hàng DongABank, Vũ ‘Nhôm’ đã khai ra cái tên Trần Đại Vũ với toàn bộ phụ âm và nguyên âm rất gần với người mà từ lâu được đồn đoán là ‘chú của Phan Văn Anh Vũ’ - tức ông Trần Đại Quang. 

Trương Nhân Tuấn: Nhân đọc lại hồ sơ về chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa của phía Trung Quốc…

Học giả Trung Quốc (TQ) có “niềm tin” là “ngàn năm trước TQ là một quốc gia đi biển lớn. TQ là quốc gia đầu tiên phát hiện, khai khác và quản lý các quần đảo HS và TS ở Biển Đông”. Hồ sơ của TQ ghi chắc điều này như đinh đóng cột. 

Nhưng vụ “TQ là quốc gia đi biển lớn” có đúng hay không, việc này không nói lên được điều gì. Bởi vì các nước chung quanh, hàng ngàn năm trước, họ cũng là những giống dân đi biển, sống bằng nghề biển. Họ có thể là những quốc gia nhỏ hơn, nhưng chắc chắn người dân các quốc gia này rành Biển Đông hơn dân TQ. Họ sống kế cận Biển Đông. Họ đi thuyền ra các đảo, họ lặn ngụp bắt cá, bắt ốc, bắt rùa… ở các đảo, các bãi đá đó. Sau này, thế kỷ 17, thế kỷ 18, dân VN mỗi năm ra các đảo, ngoài việc đánh bắt hải sản, còn có việc thu lượm các xác tàu chìm đã bị sóng đánh trôi dạt vào các đảo đó. 

Họ không hề lớn tiếng tuyên bố “khám phá” như TQ. Đơn giản vì họ từ khai thiên lập địa đã sinh sống ở đó rồi. Vùng biển có các bãi đá đó là không gian sinh tồn của họ. Nếu nói theo “ngôn từ luật pháp” thì họ đã “khám phá, khai thác và quản lý” vùng biển và đảo đó từ thời kỳ mà TQ còn viết “huyền sử”. 

Các học giả TQ nói rằng họ là nước “phát hiện” ra quần đảo Trường Sa qua việc vịn vào một số tài liệu kể lại một số chuyến du hành trên Biển Đông. 

Hà Phương (Zing.vn): Trận mưa kỷ lục ở Sài Gòn và những yếu kém triền miên về hạ tầng

Cơn mưa lớn kéo dài do bão số 9 Usagi làm lộ rõ hơn bao giờ hết những khiếm khuyết về xử lý ngập úng của TP.HCM - vấn đề chưa có lời giải trong tương lai gần. 


Mưa lớn kéo dài do ảnh hưởng của bão số 9 Usagi làm ngưng trệ mọi hoạt động ở TP.HCM trong ngày chủ nhật và thứ hai đầu tuần. 

Nước ngập ở khắp mọi nơi, tràn từ ngoài đường tràn vào nhà dân, đặc biệt ở khu vực Thủ Đức, Gò Vấp, Nhà Bè. Có những nơi nước cao dâng đến tận eo. Ngập úng kéo theo ùn tắc giao thông. Xe máy, ôtô “sặc nước” chết giữa đường. Thậm chí, nhiều chiếc ôtô hạng sang cũng bị bỏ lại.

Nước dâng đến gần hết bánh xe ôtô 4 chỗ sáng thứ 2 (26/11). Ảnh: Lê Quân
Lượng mưa đo được cao nhất trong trong ngày chủ nhật (25/11) là hơn 400 mm, theo số liệu của Trung tâm điều hành chống ngập nước TP.HCM. Trong khi đó vào mùa mưa năm nay, đỉnh điểm ngày có 2 trận mưa liên tiếp kéo dài 4 giờ đồng hồ, lượng mưa cao nhất đo được chỉ là gần 90 mm. 

“Đây là lần đầu tiên bão đổ bộ trực tiếp vào thành phố. Những lần trước, bão chỉ quẹt qua Cần Giờ rồi suy yếu nên không có ảnh hưởng lớn như thế này”, ông Lê Đình Quyết, Phó trưởng phòng dự báo Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ cho biết. Ông Quyết cũng nhấn mạnh trận mưa ngày 25/11 đạt kỷ lục cả về thời gian lẫn lượng mưa. 

Toàn cảnh ngập đường, kẹt xe ở TP.HCM sau bão số 9 Sáng 26/11, Sài Gòn tiếp tục ngập nặng sau đêm mưa lớn do bão số 9. Nhiều phương tiện không thể di chuyển, kẹt xe kéo dài trên nhiều tuyến đường lớn. 

Thứ Ba, 27 tháng 11, 2018

Phạm Đình Trọng: Thiếu trí tuệ - sự diệt vong tất yếu của Đảng Cộng sản

1. Lương tâm và trí tuệ không có chỗ trong nhà nước tham nhũng


Thể chế cộng sản đã biến đội ngũ quan chức nhà nước cộng sản thành những băng cướp mạnh, những băng cướp cấp nhà nước. Quan chức quản lí của cải, tài nguyên của nước thì cướp của nước như những vụ cướp diễn ra ở Vinashine thời Phạm Thanh Bình, Nguyễn Tấn Dũng, ở Vinalines thời Dương Chí Dũng, Nguyễn Tấn Dũng, ở Petrovietnam thời Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh, Nguyễn Tấn Dũng. Như băng nhóm Vũ Nhôm, Út Trọc. Như băng nhóm tướng lĩnh cướp đất sân bay Gia Lâm, sân bay Tân Sơn Nhất… Quan chức quản lí lãnh thổ dân cư thì cướp của dân như ở Cống Rộc, Tiên Lãng (Hải Phòng), ở Văn Giang (Hưng Yên), ở Dương Nội, ở Đồng Tâm (Hà Nội), ở Thủ Thiêm (Sài Gòn)…

Hối hả ăn cướp, những băng nhóm cướp cộng sản đã đánh sập lòng tin của dân vào nhà nước cộng sản. Công khai ăn cướp, những băng nhóm cướp cộng sản còn đào ruỗng chân móng tòa nhà cộng sản. Cướp đã thành bệnh dịch hạ gục hàng loạt quan chức cộng sản từ cấp xã, phường lên tới cấp Bộ trưởng, Thủ tướng Chính phủ. Pháp luật chưa soi đến những vụ đại án tham nhũng tài sản của ông Thủ tướng Ba Dũng và gia đình nhưng việc ông tham nhũng quyền lực cho con cái ông thì đã quá rõ. Cướp đã thành trận lũ quét cuốn trôi của cải vật chất của đất nước, cuốn trôi cả những giá trị đạo đức, văn hóa của con người. Lúc này không diệt đám cướp ngày là đội ngũ quan chức nhà nước cộng sản tham nhũng, thể chế cộng sản sẽ mất người, mất lòng dân, đi vào suy tàn không thể đảo ngược. Nhưng quyền lực đảng tham nhũng cầm quyền còn sai khiến cả pháp luật, một kẻ đứng đầu những băng nhóm đầu trộm đuôi cướp cấp nhà nước như Nguyễn Tấn Dũng còn vênh váo là người tử tế thì làm sao có thể chống tham nhũng!

Mấy năm qua, Ủy ban Kiểm tra trung ương, cơ quan cảnh sát điều tra tội phạm trong nội bộ tổ chức cộng sản đã làm việc ráo riết và liên tiếp điểm mặt những băng cướp nổi cộm, đầy tai tiếng không còn giấu giếm được nữa. Nhưng ra đời bằng cướp chính quyền, tồn tại bằng cướp dân quyền, đặc tính cướp đã được cài đặt trong bản thể cộng sản, đã là bản chất của thể chế cộng sản. Chính thể chế cộng sản đã sản sinh ra những băng cướp cấp nhà nước được gọi bằng từ ngữ nhẹ nhàng, lịch sự, mĩ miều là tham nhũng. Chính thể chế cộng sản đã nuôi dưỡng, chăm bẵm những mầm mống tham nhũng để những mầm mống đó nảy nở thành những băng cướp lộng hành tàn bạo như những băng cướp đất ở Văn Giang, Hưng Yên, ở Dương Nội, ở Đồng Tâm, Hà Nội,  Thủ Thiêm, Sài Gòn. 


Tuấn Khanh: Vương quốc bóng đêm


Cảm giác bất lực nhất thời trước nỗi đau của người khác, là một cảm giác ghê sợ và xoáy nhói vào trong suy nghĩ không thôi. Câu chuyện của tù nhân lương tâm Trần Huỳnh Duy Thức mới đây, về việc ông bị ngộ độc trong nhà tù, là một ví dụ.

Theo lời kể, gia đình của ông Thức choáng váng khi nghe ông mô tả về việc ông có biểu hiện ngộ độc, nhưng được chữa trị sơ sài, thậm chí khi ông Thức muốn áp dụng các biện pháp muốn tự bảo vệ mình như chọn ăn mì gói và đồ đóng kín sẳn, thì cai tù phản ứng lạ thường là nói sẽ không cấp nước sôi.

Điềm tĩnh và thậm chí có phần ngạo nghễ, ông Thức nói lại rằng “vậy thì ăn mì sống cũng được”. 

Dĩ nhiên, đó là bản lĩnh của người trong cuộc, nhưng với người bên ngoài, thì nghe quặn đau. Bởi tự do của một con người bị tước đoạt, giờ lại nghe đâu cuộc sống cũng dần bị cấu xé từng phần, theo kiểu vô luân nhất mà hiện thực Việt Nam được biết.

Nguyễn Hùng (VOA): Từ 231 cái tát nhớ về một cú đạp

Từ đầu năm nay ông Phùng Xuân Nhạ đã bị cáo buộc dối trá trong khoa học.

Ngoài bóng đá, mạng xã hội vừa râm ran vụ cô giáo lệnh cho 23 học sinh tát một bạn học cùng lớp sáu cả thảy 230 cái. Rồi cô bồi thêm cái thứ 231. Quảng Bình quê ta ơi, nếu ai hỏi vì sao thì ta biết trả lời thế nào?

Thì cô giáo Thuỷ ấm đầu đã giải thích rồi đấy. Cô chịu “áp lực thi đua quá lớn” nên phải tát thôi. Lớp cô phụ trách đứng cuối bảng xếp hạng của trường và cô nghĩ phải tát học sinh để còn lên hạng. Cô hiệu trưởng cũng được báo chí dẫn lời nói cô mong báo chí đừng đưa tin vụ này vì trường đang phấn đấu đạt chuẩn quốc gia. Còn một học sinh cùng lớp với bạn bị tát nói trước đó đã có tới gần 10 bạn khác bị tátnhư thế rồi.

Bạo lực học đường, dù là từ thầy cô hay từ bạn bè, đáng tiếc đã trở thành chuyện thường ngày ở huyện. Không ăn à. Bốp. Biếng học à. Bốp. Bướng à. Bốp.

Thời tôi đi học, chuyện cô giáo dùng thước kẻ vụt vào tay học sinh, véo tai nhấc lên hay ném phấn vào mặt là điều bình thường. Dĩ nhiên không phải trường nào cũng thế và thầy cô nào cũng thế. Nhưng nó không phải là điều gì hiếm hoi. Có lẽ chính các thầy cô cũng được giáo dục bằng những cái vụt, cái tát, cú ném. Cả ở nhà, ở trường và trong xã hội. Vậy mong gì hơn họ sẽ hành xử khác đi.

TN - Người Việt: ‘Tự diễn biến’ vẫn là ‘mối lo gan ruột’ của Nguyễn Phú Trọng

Đảng còn thì còn ghế tổng bí thư. Vì thế, ông tổng bí thư đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng phải đánh phủ đầu những đảng viên “tự diễn biến, tự chuyển hóa” nhằm đe dọa các đảng viên khác.

Các báo tại Việt Nam tường thuật cuộc “tiếp xúc cử tri” quận Ba Đình Hà Nội hôm Thứ Bảy, 24 Tháng Mười Một 2018 của ông tổng bí thư đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng cũng là “đại biểu quốc hội.” Đây là dịp để ông tuyên truyền cho việc Ủy Ban Kiểm Tra Trung Ương Đảng ra quyết định “kỷ luật” Giáo Sư Chu Hảo hồi tháng trước đã bị dư luận đả kích thậm tệ.

“Về mặt chính trị, suy thoái còn nguy hiểm hơn cả kinh tế.” Guồng máy tuyên truyền của chế độ Hà Nội dẫn lại lời của ông Trọng trong cuộc tiếp xúc cử tri. Ông biện minh cho hành động “kỷ luật” ông Chu Hảo là để “cứu muôn người, để người khác đừng vi phạm.”

Nói khác, nếu càng ngày càng có những đảng viên phát biểu những ý kiến hay vạch ra các sai trái, đi ngược quyền lợi quốc gia dân tộc của đảng CSVN như Giáo Sư Chu Hảo thì chẳng mấy chốc cái đảng độc tài đang đè đầu cưỡi cổ nhân dân cả nước sẽ tan rã.

Giáo Sư Chu Hảo, giám đốc nhà xuất bản Tri Thức xuất bản nhiều tác phẩm giá trị, tuy là đảng viên kỳ cựu nhưng nhiều lần lên tiếng hoặc cá nhân hoạc chung với nhiều người khác về các vấn đề chính trị, xã hội của đất nước trái với chủ trương, đường lối của đảng CSVN. Ông bị Ủy Ban Kiểm Tra Trung Ương đảng “kỷ luật” ngày 25 Tháng Mười, 2018 vì bị cho là không chấp hành quy định của đảng, “có hành vi chống đối” và “tự diễn biến.”

Sau khi bị “kỷ luật,” ngày 26 Tháng Mười, 2018, ông Chu Hảo đã tuyên bố “từ bỏ Đảng Cộng Sản Việt Nam,” kéo theo một số trí thức khác cũng loan báo bỏ đảng luôn. Gỡ thể diện , Ủy Ban Kiểm Tra Trung Ương Đảng hôm 15 Tháng Mười Một loan báo “khai trừ” ông Chu Hảo ra khỏi đảng.

Hoa Nghi: Nếu "cụ Cả" giáo điều: tri thức sẽ im lặng hay lên tiếng?

Sức nóng của chiến dịch đốt lò, một chiến dịch chưa từng có tiền lệ trong hệ thống chính trị Việt Nam, đụng chạm trực tiếp về mặt nhân sự cấp tướng thuộc Bộ Công an, và đưa Uỷ viên Bộ Chính trị - Bí thư thành uỷ Tp. HCM đang đương chức ra toà với án tù lên tới hơn 30 năm khiến dư luận choáng ngợp.

Nhiều danh xưng dành cho người đứng đầu chiến dịch là ông TBT Nguyễn Phú Trọng như: kẻ sĩ Bắc Hà, sĩ phu, người Cộng sản cuối cùng...

Những danh xưng hoa mỹ và có phần tôn quý này là thể hiện 1 thái độ ngưỡng vọng với người đốt lò, người bảo vệ các giá trị trong đảng và nuôi ý chí đưa ĐCSVN vực dậy.

Nhưng cuộc chiến đốt lò cũng tạo ra những mối liên kết đáng ngờ, dù có yếu tố thanh lọc được bộ máy và gạt bỏ các thành phần tham nhũng trong ĐCSVN, nhưng những chỉ dấu của các yếu tố, nhân tố liên quan đến chiến dịch đều hướng tới ông Nguyễn Tấn Dũng - cựu Thủ tướng và là người khiến ông Trọng bật khóc trong một ngày mà thế và lực của Chính phủ lấn át lãnh đạo ĐCSVN.

Trong một bài viết được đăng tải trên The Diplomat nhằm chỉ ra sự khác biệt giữa ông Nguyễn Phú Trọng và ông Tập Cận Bình, theo đó, mặc dù có hơi hướng giống nhau nhưng mục tiêu của ông Tập khác hẳn ông Trọng. Sự khác nhau đó thể hiện qua việc ông Bình tập trung phát triển quốc gia để làm gia tăng sự lãnh đạo của ĐCSTQ, trong khi ông Trọng chủ trương đi từ tập trung vun vén quyền lục trong đảng và gia tăng sự cầm quyền của đảng trong các vấn đề nhà nước.

Chủ Nhật, 25 tháng 11, 2018

Lê Phú Khải: Nguyễn Duy, người “nâng cấp” ca dao

Ca dao là những viên ngọc lung linh, trong suốt, lấp lánh trên bầu trời văn hóa của dân tộc. Tưởng chừng không ai có thể làm cho nó đẹp hơn, hay hơn được nữa. Thử nghĩ, ai có thể gọt dũa thêm, trau chuốt hơn những câu ca dao như thế này:

Hỡi cô tát nước bên đàng
Sao cô múc ánh trăng vàng đổ đi

Vậy mà thật bất ngờ cho tất cả những người Việt trong nước và trên toàn thế giới phải sững sờ, phải lặng người đau đớn khi đọc bài thơ “Cướp” của Nguyễn Duy:

Con ơi nhớ lấy câu này
Cướp đêm là giặc, cướp ngày là quan ( ca dao)
Cướp xưa băng nhóm làng nhàng
Cướp nay có đảng có đoàn hẳn hoi
Có con dấu đóng đỏ tươi
Có còng có súng dùi cui nhà tù
Ai qua thành phố Bác Hồ
Mà coi cướp đất bên bờ Thủ Thiêm
Bây giờ mẹ phải dặn thêm
Quan tham là cướp cả đêm lẫn ngày

Nguyễn Văn Tuấn: Giới thiệu sách quan trọng: "Vietnam, Territoriality and the South China Sea"

Tôi hân hạnh giới thiệu một cuốn sách rất quan trọng liên quan đến chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Sách có tựa đề là "Vietnam, Territoriality and the South China Sea" (1) của tác giả Hàn Nguyên Nguyễn Nhã, với biên tập và dịch thuật của Lâm Vĩnh Thế. Sách được nhà xuất bản Routledge xuất bản vào tháng 10 năm nay (2018).

Tác giả Tiến sĩ Nguyễn Nhã
Tiến sĩ Nguyễn Nhã là một trong những nhà nghiên cứu về Hoàng Sa - Trường Sa, với những đóng góp bền bỉ suốt hơn 50 năm. Nguyên là một nhà giáo, ngay từ những năm trước năm 1975, ông đã có những bài khảo cứu về Hoàng Sa và Trường Sa công bố trên tập san Sử Địa ở Sài Gòn. Sau 1975, ông vẫn miệt mài và thầm lặng nghiên cứu về chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Một trong những thành quả khảo cứu đó là quyển sách "Những bằng chứng về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa" do Nhà xuất bản Giáo Dục phát hành vào năm 2013. Cuốn sách khảo cứu đó được đánh giá rất cao của giới sử học 'cung đình' và giới sử học chuyên nghiệp. Giáo sư Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, viết rằng “Đây là công trình nghiên cứu khoa học nghiêm túc, dựa trên những tư liệu phong phú, chứng cứ và lập luận rất khách quan. Tôi tin rằng cuốn sách sẽ đáp ứng được yêu cầu nghiên cứu, tìm hiểu của nhân dân, nhất là thế hệ trẻ. Tôi cũng hy vọng từ cuốn sách này, nội dung về chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa sẽ được đưa vào trong sách giáo khoa lịch sử các trường phổ thông”.

Báo Nam Kỳ Nhựt Trình, Số 46, Ngày 8-9-1898: Tường Thuật Tang Lễ Học Giả Trương Vĩnh Ký; Trương Sĩ Tải Tiên Du*

Petrus Trương Vĩnh Ký (6/12/1837 - 1/9/1898)
Hình vẽ tưởng niệm Trương Vĩnh Ký trên báo Nam Kỳ Nhựt Trình, số 46, ngày 8-9-1898
(trích Nguyễn Văn Trung. Trương Vĩnh Ký, nhà văn hóa. 1997)

Ông Trương Vĩnh Ký, tự Sĩ Tải, đã tạ thế ngày mồng 1 tháng septempre 1898 hồi 4 giờ chiều.

Người hiền-ngỏ từ trần ai ai đều thương tiếc. Vậy Bổn quán báo tin cho chư Quý-hữu đặng hay.

Cổ nhơn điếu nhơn dỉ ngôn. Vậy ta cũng phải chịu cạn chút lòng thành, quê kệch đôi lời đưa người tri-kỷ.

Petrus Trương Vĩnh Ký sinh năm Đinh Dậu, Minh-Mạng thập bát, nhằm năm 1837, tại phủ Hoàng-Trị xứ Cái-Mơn, tỉnh Vĩnh-Long, bây giờ thuộc hạt Bến-Tre.

Thuở còn xung-linh ở với Nhà-thầy rèn chí tu-trì phụng sự Thiên-chúa. Sau lên Cao-Man học trường Pinhalu, rồi qua học sách đoán tại cù-lao Pinang. Từ ấy về sau mở trí càng ngày càng thông đạt xuất chúng. Ấy vậy khi trở về Vĩnh-Long đi ngã Cần- Vọt, nhơn Nhà nước Đại-Pháp qua chiếm Nam-Kỳ, quan Nguyên-Soái thủy Rigault de Genouilly xin đức Giám-mục cho giúp làm thông sự. Nhơn đó ra luôn theo việc thế gian.

Hoàng Xuân Sơn: return - trong lòng tay

Hình minh hoạ, Getty Images

return


sự quay trở lại của vòng hoa
sẽ đẩy chiều đi tới nhạt nhòa
hoa. và người cùng run rẩy đứng
chiều ơi chiều ơi chiều bao la

trong lòng tay


gởi duyên
tôi cầm bút
em cầm khăn
chúng ta trao đổi một lằn vi sinh
bởi vì câu chữ hiện hình
nên lô sơn cũng đồng tình khói mây
tôi cầm tay
em cầm tay
chúng ta trần thuật
một ngày
nhân
gian

hoàng xuân sơn
nov.2018

Nguyễn Trọng Tạo: Ba Biến Khúc Văn Cao

Thiên Thai - tranh Đinh Cường

1.


Người gọi ông là “ba đỉnh núi sương mù”. Người gọi ông là “Dòng sông ba nhánh”. Người gọi ông là “Nghệ sĩ đa tài”. Người gọi ông là “Bậc tài danh thế kỷ”… Khi tôi gặp ông thì ông đã 57 tuổi, chòm râu dài phất phơ ngả bạc như tiên lão bảy mươi. Ông ngồi một mình trên đi-văng đệm vải cũ càng, mắt nhìn vào chén rượu gạo bình dân như chẳng chờ đợi một điều gì. Có lẽ ông đã ngồi như vậy mấy chục năm liền. Những chai rượu đầy vơi vơi đầy không nhớ đã bao lần.

Cũng không nhớ đã bao lần trên đất nước này và cả những nước khác, người ta đã hát vang bài ca của ông, bài Quốc ca Việt Nam mang hồn thiêng sông núi: Đoàn quân Việt Nam đi chung lòng cứu quốc. Bước chân dồn vang trên đường gập ghềnh xa.

Khi nghe Phan Lạc Hoa giới thiệu tôi, mắt và miệng ông ánh lên nụ cười gần gũi, bình dị: “À, cái anh Nghệ nhận Quan Họ làm quê đây!”. Ông với tay kệ tủ lấy thêm ly, và Nguyễn Thụy Kha rót rượu. Ông đối với bọn trẻ chúng tôi như với bạn. Khi thân mật rồi, hầu như chẳng còn khoảng cách tuổi tác. Có lẽ vì thế mà ông luôn luôn mới. Chúng tôi rủ ông đến quán lòng lợn tiết canh đầu chợ Đuổi, ông đồng ý ngay, nhưng nhắc là nên mua rượu ở quán cạnh bến xe Kim Liên, loại rượu gạo ông thường uống. Quán đông quá, chúng tôi mượn một cái chiếu trải vào túp lều tranh bỏ trống bên cạnh. Cứ ngồi xếp bằng mà uống rượu và hút thuốc lào như ở làng ở xã. Người ra vào chợ đông đúc, ồn ào, hình như cũng không ai biết ông già ngồi quán bình dân này là tác giả Quốc ca. Còn chúng tôi, lần đầu tiên được biết những bài thơ ông làm để rồi cất lại trong lòng, không đưa in đâu cả, mà dù có đưa in thì người ta cũng chẳng in cho. Mấy chục năm nay, ông chỉ làm bìa sách, vẽ hình minh họa cho báo và làm nhạc… không lời. Những bài thơ của ông khiến chúng tôi nổi cả da gà, kinh ngạc vì thán phục. Thơ ông đẹp một cách quyết liệt. Thơ của ông thật đến siêu thực. Thơ của ông mới bất ngờ như mầm cây vừa đội đất trồi lên.

Nguyễn Tuân: Bá Nhỡ đi gặp Cô Tơ (Trích từ tiểu thuyết Chùa Đàn. Nhan đề trích đoạn do Tòa soạn đặt)


Một tháng ròng, Bá Nhỡ cho đón một người kép nghiện về ấp để luyện lại ngón đàn đáy, cung đốn thầy đàn quá là phụng dưỡng cha già, chỉ đinh ninh hễ thành thuộc hết cái bí mật của nhà nghề khi đã ghim được rồi, là sẽ hạ sơn đón Cô Tơ mà xóng tơ mình với trúc người, – ít ra là một lần này – để Cậu Lãnh có dịp đầu thai lại vào đời sống. 

Mà tập đàn đáy đến như Bá Nhỡ thì tức là cướp cả nghề của kép nghiện đấy. Bá Nhỡ không thèm buông một tiếng tơ nào. Đã bấm đến tiếng đàn nào thì tiếng đàn ấy cứ chín nục đi. Không một chữ nào sượng. Tưởng có đi đàn thờ ở một cửa đình nào, thì ông thần làng lấy giải cũng không bắt được Bá Nhỡ đàn lỗi ở bất cứ khổ nào. Trông Bá Nhỡ thắt cổ chó mỗi lúc nối dây, xinh đáo để. Mà người tỉ mỉ đến thế là cùng. Không một bộ phận cỏn con nào của nhạc khí lôi thôi kềnh càng ấy mà Bá Nhỡ không thuộc. Không nói gì đến cái quá giang cái thú của đàn, đến như cái mõ phím đàn, cái vú đàn, Bá Nhỡ cũng tò mò đến. Thế rồi những ngón đàn như vê, lẩy, chụp, vuốt, nhấn, những tiếng thoảng, những chỗ xoè, Bá Nhỡ đều nhập tâm cả coi cũng như là công việc sổ sách hàng ngày trong ấp tằm.

Thứ Bảy, 24 tháng 11, 2018

Ngô Nhân Dụng: Việt Nam được gì trong chiến tranh mậu dịch Trung-Mỹ

Các nước Châu Á sẽ bị ảnh hưởng nặng nếu kinh tế Trung Quốc đi xuống vì chiến tranh mậu dịch. Trong hình, một công nhân may Trung Quốc tại một nhà máy ở tỉnh An Huy, Trung Quốc. (Hình: AFP/Getty Images)

Việt Nam sẽ được hay mất gì khi Mỹ và Trung Cộng leo thang chiến tranh mậu dịch? Muốn biết phải tìm ra những món hàng Mỹ đang mua của Trung Quốc và có thể mua của Việt Nam. Cần nhìn vào tất cả mạng lưới cung cấp nguyên liệu, vật liệu và phụ tùng để tạo ra những món hàng đó. Người ta gọi mạng lưới này là “Dây chuyền tiếp liệu toàn cầu” (global supply chain).

Trong gần 40 năm qua, các công ty Trung Quốc đã trở thành “trung tâm sản xuất của thế giới,” cung cấp hàng hóa cho Mỹ và các nước khác, nhờ tạo nên dây chuyền tiếp liệu này. Các nước Châu Á đóng vai hỗ trợ trong đủ các ngành, từ may mặc, điện tử, xe hơi, đến tin học. Họ trao đổi với nhau và hầu hết đều đưa về các nhà máy Trung Quốc.

Cuộc chiến tranh mậu dịch Tổng Thống Donald Trump phát động sẽ làm đảo lộn cả mạng lưới này. Không riêng gì ở Trung Quốc mà tất cả các nước Châu Á khác.

Mỗi nước bị ảnh hưởng nhiều hay ít tùy thuộc tỷ trọng của số tiền nhờ xuất cảng qua nước Mỹ. Kinh tế Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng tương đối nặng hơn cả Trung Quốc. Tỷ lệ ngoại thương trong Tổng Sản Lượng Nội Địa (GDP) của Trung Quốc là 38%. Tỷ lệ đó, tính cho Việt Nam hiện nay lên tới 200%.

Võ Phiến: Thẫn Thờ

Mình viết lách từ hồi nào? được bao lâu rồi nhỉ? Mằn mò nghĩ ngợi cho ra, e khó. Tí toáy tập tành, viết lèm nhèm, thì làm sao nhớ được từ năm tháng nào. Viết được ra trò, được cái đáng kể, thì biết cái nào là cái đáng kể mà ấn định lúc bắt đầu?

Vậy hãy phỏng chừng từ độ tuổi đôi mươi đến giờ: Sáu mươi năm. Trong chừng ấy thời gian, được gì nào?

Hai tiếng “được gì” hàm ý chọn lựa. Thế nào là “được.” Thế nào là chưa “được.” Khó thay. Tự nó, cái viết có giá trị gì, có tầm quan trọng nào chăng? Cũng khó nói quyết.

Viết, đại khái có cái sáng tác, cái suy tưởng. Sáng tác, như thơ, truyện, tùy bút thuộc về một phía. Còn suy tưởng, tra cứu, biên khảo, thuộc phía khác. Một bên là nghệ thuật, một bên là học thuật; nên tách riêng mà nói.

Đồ dùng và đồ chơi


Chuyện sáng tác có gì đáng nói? Hồi nhỏ, tự dưng náo nức viết; rồi theo đà cứ viết hoài. Đó không phải là lý do chính đáng làm cho cái viết thành quan trọng.

Phàm đồ làm ra, xét về mục đích sản xuất, có một thứ là đồ dùng, một thứ là đồ chơi. Cái có công dụng gọi là đồ dùng; dù nhỏ bé như cái kim, sợi chỉ, như cái tăm xỉa răng, cái que ráy tai v.v... đều là đồ dùng. Còn những cái làm ra không có sở dụng thực tế, chẳng hạn con diều giấy, thì dẫu có to lớn bằng cái nong cũng gọi là đồ chơi. Đồ dùng thô sơ như cái búa, cái gối, cái đòn ngồi, vẫn là đồ dùng. Đồ chơi thì tinh xảo như chiếc phi cơ, gắn cục pin vào có thể bay tít lên cao cũng gọi đồ chơi thôi. Đồ dùng thì một viên thuốc nhỏ bằng hạt tiêu, đen sì, nằm lăn lóc, vẫn là để dùng một cách thận trọng. Còn đồ chơi thì dù cái pháo đốt kêu ầm ĩ, cây pháo bông tỏa sáng huy hoàng cả một góc trời, cũng đồ chơi thôi.

Ngô Nguyên Dũng: mơ thành giọt mực tím



sẽ là mực cho mặn mà lưu bút 
tô đậm đà sắc tím những dòng thư 
đừng lấm nhé màu áo trắng vô tư 
khi mắt dạo bên ngoài khung cửa lớp 

sẽ là phấn bạn cùng con số một 
trên bảng đen ta có cặp có đôi 
sẽ nằm ngoan giữa hai ngón tay lười 
đang bối rối vì làm sai con toán 

sẽ là thước cho thẳng đường giới hạn 
thêm yêu kiều điểm uốn với đạo hàm 
đo tình yêu vội vã cấp số nhân 
cho bút kẻ đường song song không lệch 

cho anh chợt nghe hồn mình trổ tết 
lì xì nhau bằng mấy nụ hôn đầu 
sẽ làm vai em tựa lúc buồn đau 
làm chéo áo lau lệ ai khi khóc 

Bùi Bích Hà: Thơ ở Seattle

Seattle
Khoảng hơn một thập niên trước, tại quận Cam, California, trong một dịp sinh hoạt giới thiệu ba nhà thơ có nhiều tác phẩm được cộng đồng người Việt hải ngoại yêu mến, gồm chị Trần Mộng Tú, Dạ Nhiên và anh Ngu Yên, có người hỏi Trần Mộng Tú cơ duyên nào đã đưa chị trở thành thi sĩ? Nhà thơ dường như buột miệng mà trả lời: “Thơ tìm tôi chứ tôi không tìm thơ.” Lập tức nghe lao xao trong mấy hàng ghế thính giả lời bình phẩm của ai đó, cho rằng nhà thơ họ Trần cao ngạo quá!

Thân thiết với nhà thơ là thế mà chính tôi cũng hơi ngẩn ngơ, chưa hiểu chị muốn ngụ ý gì tuy tôi biết chắc bạn tôi không bao giờ “cao ngạo” cả. Hình như những người làm thơ hay vốn không bận tâm mấy về chuyện eo xèo của đời thường vì lương thực nuôi sống họ toàn là hương thơm và châu báu.

Giờ đây, sau hơn nửa thế kỷ làm thơ không mỏi mệt, một đêm Tháng Tư (như nhiều đêm tháng khác, ngày khác) thi sĩ đang ngủ thì thơ lại đến, đánh thức người dậy và cầm tay người để viết xuống những câu “Họ chết như ốc vỡ, sóng biển là khăn tang,” thì tôi chợt hiểu câu nói của Trần Mộng Tú mười mấy năm trước: “Thơ tìm tôi.”

Phan Thượng Hải: Chuyện Khôi Hài Cổ Điển Từ Petrus Ký


Chuyện khôi hài của nước Việt Nam ta xuất hiện và được truyền bá trong sách vởlà nhờ chữ Quốc Ngữ. Dĩ nhiên nó bắt đầu từ ông Petrus Trương Vĩnh Ký.Những câu chuyện khôi hài cổ điển bắt đầu được xuất bản thành sách lần lượt từ ông Petrus Ký, ông Phụng Hoàng San, ông Dương Diếpvà ông Thọ An Phạm Duy Tốn.

Những chuyện khôi hài cổ điển nầy được truyền khẩu "tam sao thất bổn" trong xã hội miền Nam lúc tôi còn nhỏ vào thời Đệ Nhất Cộng Hòa. Những chuyện như "Thơ con cóc", "Nửa đêm gà gáy ó o" hay "Ăn cá rô cây" ... đã thấm vào đầu óc quần chúng nhưng ít người biết được nguồn gốc và nguyên văn của chúng.

Ngay cả khi đọc sách, tôi thấy có khi một câu chuyện có cùng một nội dung nhưng lại có nhiều hình thứcdiễn tả khác nhau bởi 4học giả nầy hoặc bởi các tác giả vô danh về sau và một vài câu chuyện của ông Petrus Ký có sai lầm nếu đối chiếu với sử liệu sau nầy.

(1)

Ở Nam Kỳ, ông Petrus Trương Vĩnh Ký xuất bản "Chuyện Khôi Hài" vào năm 1882. Chuyện khôi hài là chuyện có tác dụng gây cười, có thể trong dân gian hoặc trong lịch sử chính trị hay văn học.


Trước đó trong "ChuyệnĐời Xưa"của mình, xuất bản lần thứ nhất vào năm 1866, ông Petrus Ký cũng có một số chuyện khôi hài như chuyện "Bốn anh học trò đặt thơ trong chùa" và chuyện "Ba anh dốt làm thơ". "Chuyện Đời Xưa" là tên rút ngắn của “Chuyện đời xưa lựa nhón lấy những chuyện hay và có ích”, tác phẩm văn xuôi đầu tiên viết bằng chữ Quốc Ngữ (năm 1866).

Đây là vài câu chuyện tiêu biểu trong "Chuyện Khôi Hài" của ông Petrus Ký:

Thứ Sáu, 23 tháng 11, 2018

Nguyễn Trang Nhung: Nỗi buồn thảm mang tên Tân Cương

Cảnh sát TQ đi tuần trên đường làng vùng Tân Cương, 17/02/2018. Hình BEN DOOLEY/AFP/Getty Images
Tân Cương là một vùng lãnh thổ tự trị của Trung Quốc với gần 22 triệu người, trong đó có khoảng 11 triệu người Duy Ngô Nhĩ. Sắc tộc thiểu số Hồi giáo này đang chịu đựng nỗi thống khổ của việc bị giám sát và đàn áp thô bạo bởi "bộ máy an ninh tổng lực" của chính quyền trung ương. 

Kể từ sau các cuộc biểu tình bạo động của người Duy Ngô Nhĩ vào năm 2009, chính quyền Trung Quốc đã tăng cường các chính sách an ninh nhằm vào họ một cách quy mô. Trong vòng một thập kỷ, ngân sách dành cho an ninh đã tăng gấp 10, đạt đến hơn 9 tỷ đô-la vào năm 2017.[1] Riêng từ năm 2016 đến năm 2017, ngân sách đã tăng lên 92%.[2] Một phần của ngân sách tăng thêm này được dùng để tuyển dụng khoảng 100 ngàn vị trí an ninh mới.[3] 

Cho đến nay, khoảng 7 ngàn đồn công an được thiết lập để giám sát người dân khu tự trị.[4] Cùng với đó, các phương tiện công nghệ, kể cả các phương tiện công nghệ cao như camera công cộng, thiết bị bay không người lái cũng được dùng đến. Các thông tin của người dân như dữ liệu smartphone, đường nét gương mặt đều bị nhận diện bởi công nghệ.[5] Riêng mẫu ADN, dấu vân tay, mống mắt, nhóm máu được thu thập thông qua chương trình khám sức khỏe miễn phí kể từ năm 2016.[6] 

Trân Văn (VOA): Bảo mật vì ai và để làm gì?

Theo Luật Bí Mật Nhà Nước thì thân thế, sự nghiệp và sức khỏe của nhân vật này là một bí mật quốc gia.

Cứ năm ông tướng của lục quân Mỹ thì có một không thể ra trận vì không đạt yêu cầu về sức khỏe và điều đó ảnh hưởng đến yếu tố “sẵn sàng chiến đấu” của quân đội Mỹ - một vấn nạn mà ông Jim Mattis – Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ từng cam kết sẽ giải quyết tận gốc. 

Thông tin vừa kể được USA Today loan báo rộng rãi hôm 20 tháng 11 dựa trên các dữ liệu thống kê năm 2016 về khả năng “sẵn sàng chiến đấu” của quân đội Mỹ. Cũng theo thống kê vừa kể thì chỉ có 83,5% quân nhân của lục quân Mỹ đủ sức khỏe để có thể tham chiến trên toàn thế giới – thấp nhất trong số các quân chủng của quân đội Mỹ. 

Có nhiều lý do dẫn đến chuyện 1/5 sĩ quan cấp tướng của lục quân Mỹ không thể ra trận vì không đạt yêu cầu về sức khỏe và USA Today đã tường thuật khá cặn kẽ về cách mà quân đội Mỹ giải quyết vấn nạn này song đó không phải là trọng tâm của bài viết này. Bài viết này chỉ nhằm so sánh việc bảo mật giữa “ta” và Mỹ. 

Nguyễn Quang Duy: Viễn Ảnh Về Nghiệp Đoàn “Không Làm Chính Trị”.

Miền Bắc trước đây theo mô hình Xô viết, mọi người đều làm công cho nhà nước và đoàn ngũ hóa trong một tổ chức chính trị trực thuộc đảng Cộng sản được gọi là công đoàn. 

Ngày nay kinh tế, xã hội và cả chính trị Việt Nam đã thay đổi, nhưng nhiệm vụ của công đoàn vẫn tồn tại như ngày nào. 

Tham gia Hiệp định CPTPP, Hà Nội sẽ phải chấp nhận hoạt động của các nghiệp đoàn đại diện cho người lao động nhưng “không làm chính trị”, nghĩa là không chịu sự lãnh đạo của đảng Cộng sản. 

Như vậy Hà Nội đang chấp nhận 3 bước lùi: thứ nhất về tư tưởng “đấu tranh giai cấp”; thứ hai là nới lỏng kiểm soát tầng lớp lao động; và quan trọng nhất là đảng Cộng sản mất quyền trực tiếp lãnh đạo. 

Quốc tế về quyền lao động… 


Việt Nam đã gia nhập Tổ chức Lao Động Quốc Tế (ILO) vào tháng 6/1950, nhưng Hà Nội vẫn chưa ký nhiều Công ước quy định về quyền lao động, như Công ước số 87 và 98 về tự do liên kết và thương lượng tập thể, là những quyền đã được hầu hết các nước thành viên ILO và Liên Hợp Quốc công nhận. 

Khi gia nhập WTO vào 1/2007, Hà Nội đã hứa sẽ ký và thực thi hai Công ước nói trên nhưng đến nay vẫn không thực hiện. 

Tranh tụng quyền lao động 


Tham gia CPTPP, Hà Nội sẽ có 5 năm không bị trừng phạt thương mại đối với việc thành lập các nghiệp đoàn và 7 năm các nghiệp đoàn được liên kết với nhau. 

Phạm Chí Dũng: Vì sao xác suất ký EVFTA đột ngột trở về mốc… 50/50?

Thân mẫu nhà hoạt động Lê Đình Lượng chạm vào hình con mình trên một banner treo phía trước nhà thờ gần tòa án Vinh, 18 tháng 10, 2018. (Facebook Nguyen Xoan)
Cho dù EVFTA có được Cộng đồng châu Âu cho phép ký kết, nhưng tại cuộc họp vào tháng Ba năm 2019, rất có thể Nghị viện châu Âu sẽ bỏ phiếu phản bác hiệp định này, đưa mối quan hệ giữa châu Âu và Việt Nam về thời… tiền sử. 

Nhân quyền trước hết! 


Kỳ vọng còn nước còn tát của ‘Tổng Chủ’ Nguyễn Phú Trọng và chuyến công du ba nước châu Âu của Thủ tướng Phúc vào tháng Mười năm 2018 để ‘quốc tế vận’ cho Việt Nam được ký kết và triển khai EVFTA (Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - châu Âu), cùng một chiến dịch truyền thông đồng loạt, ồn ào và tốn kém của hệ thống báo đảng về ‘EVFTA sẽ được ký kết’ và ‘Việt Nam thành công với EVFTA’, rất có thể sẽ trở nên công cốc bởi một nghị quyết về nhân quyền được Nghị viện châu Âu bất ngờ tung ra vào ngày 15/11/2018. 

Nguyễn Khắc Giang: Chủ nghĩa thân hữu và doanh nghiệp sân sau

(TBKTSG) - Theo báo chí, Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa gửi đến từng vị đại biểu Quốc hội bản tập hợp trả lời kiến nghị của cử tri gửi tới kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa 14. Trong đó, trả lời cử tri Bà Rịa - Vũng Tàu, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho biết sẽ tiếp tục kiến nghị làm rõ về những biểu hiện “sân sau”, “lợi ích nhóm”... trong các vụ án tham nhũng mà cử tri nêu. 
Thủ tướng: “Phải thu hồi Cảng Quy Nhơn, Hãng phim truyện Việt Nam”





Vấn đề này cũng được cử tri Đà Nẵng đặt ra với Ban Công tác đại biểu của Quốc hội, theo đó đề nghị Quốc hội nghiên cứu tiến hành giám sát và công bố rõ cho nhân dân biết có bao nhiêu cán bộ, công chức, kể cả đại biểu dân cử, có công ty sân sau làm kinh tế, có lợi ích nhóm, “chống lưng” cho các doanh nghiệp vi phạm pháp luật...

Nhìn chung, người dân quan tâm, đặt câu hỏi liên quan đến mối quan hệ không minh bạch giữa những cá nhân giữ chức vụ cao của chính quyền và các công ty thân hữu, gồm cả doanh nghiệp nhà nước và tư nhân.

Vấn đề “sân sau” không phải là mới ở nước ta. Dưới thời bao cấp, những ai thân tín với quản lý cửa hàng mậu dịch sẽ dễ tiếp cận với các loại hàng hóa vốn rất khan hiếm. Mẹ tôi - người từng làm việc trong một tổ xay xát gạo thời đó - luôn biết cách cân gạo lúc nào để người thân được nhiều hơn một chút. Câu nói “nhất quan hệ, nhì tiền tệ” có lẽ xuất phát từ giai đoạn này. Bước sang thời kỳ đổi mới, khi các mối quan hệ kinh tế trở nên phức tạp hơn, nguy cơ tham nhũng chính sách từ “thân hữu” trở thành một vấn đề nghiêm trọng.

Thứ Năm, 22 tháng 11, 2018

Trần Mộng Tú: Tạ Ơn

Hình minh hoạ, Natalia Kolesnikova/AFP/Getty Images

Xin tạ ơn giọt sương
Nhỏ trên bàn tay nhỏ
Xin tạ ơn ngọn gió
Thổi bay đi nỗi buồn
Tạ ơn con chuồn chuồn
Trên nhánh hoa mùa hạ
Tạ ơn con sóc lạ
Chạy vào vườn hôm qua
Tạ ơn từng vạt nắng
Vắt qua hàng rào thưa
Tạ ơn những giọt mưa
Ru tóc buồn thôi khóc
Ôi Trời thì rộng quá
Mặt đất thì bao la
Ta trải cả hồn ta
Thấm nhuần ơn mưa móc

Tạ ơn những người bạn
Lòng trải như khăn điều
Ta vắt trên vai mỏng
Nghe ấm tuổi xế chiều.


tmt - Thanksgiving 2018

Mặc Lâm: Không ai bỏ phiếu chống lại chính mình

Họp Quốc Hội tại Việt Nam.
“Tài sản bất minh” là tài sản thu nhập tăng thêm của người có nghĩa vụ kê khai giải trình không hợp lý về nguồn gốc; và cơ quan có thẩm quyền không chứng minh được tài sản, thu nhập do vi phạm pháp luật mà có.

Sau 3 kỳ thảo luận, các đại biểu Quốc hội vẫn chưa đồng thuận việc tịch thu hay đánh thuế, hay đưa ra tòa với các tài sản không chứng minh được nguồn gốc. Chỉ có 32% số đại biểu quốc hội tán thành, tức là 68% hay hơn 400 đại biểu Quốc hội không tán thành phương án đưa tài sản không chứng minh được nguồn gốc ra xử lý tại tòa án trong cuộc bỏ phiếu mới đây.

Duy nhất một đại biểu tán thành tịch thu tài sản được xem là bất minh.

Tài sản bất minh rõ ràng là tài sản không kiếm được từ thu nhập một cách chính đáng và hợp pháp. Chúng đến từ móc ngoặc, tham ô, hay biển thủ công quỹ. Tài sản bất minh chính cái tên của nó đã định nghĩa một cách rõ ràng là bất hợp pháp và việc chế tài người nào có tài sản bất minh không thể nào khó khăn đến nỗi cả ba kỳ họp của Quốc hội vẫn không đồng thuận cho một biện pháp chế tài.

Nguyễn Xuân Nghĩa (RFA): Việt nam giữa thương chiếnKhông chỉ có thương chiến Hoa-Mỹ mà còn có cả nước Nhật

Không chỉ có thương chiến Hoa-Mỹ mà còn có cả nước Nhật
Trong trận thương chiến giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc hiện nay, kinh tế Việt Nam bơi giữa dòng vì có được một số lợi thế mà cũng gặp nhiều trở ngại bất ngờ. Nhưng người ta không nên quên một cường quốc kinh tế đứng hàng thứ ba là Nhật Bản. Diễn đàn Kinh tế sẽ tìm hiểu về hoàn cảnh kỳ lạ đó….

Vị trí và chọn lựa của Việt nam


Nguyên Lam: Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do và Nguyên Lam xin kính chào chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa. Thưa ông, cuộc chiến tranh thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc - mà ông thường gọi tắt là thương chiến Mỹ-Hoa - sẽ tăng cường độ và kéo dài. Trong hoàn cảnh đó, Việt Nam sẽ được lợi thế vì nhiều doanh nghiệp nước ngoài sẽ đầu tư vào Việt Nam như thị trường thay thế, nhưng cũng có thể gặp vấn đề nếu đấy là doanh nghiệp xuất phát từ Trung Quốc. Đã vậy, dường như là tình hình không chỉ có mâu thuẫn giữa hai nền kinh tế lớn nhất từ hai bờ Thái Bình Dương mà còn có vai trò của Nhật Bản, với sản lượng đứng hàng thứ ba thế giới. Vì vậy, Nguyên Lam xin ông phân tích cục diện này cho thính giả của chúng ta.

Nguyễn-Xuân Nghĩa:- Tôi xin đề nghị là chúng ta cùng nhìn sự thể trong bối cảnh trường kỳ và toàn diện. Việt Nam vừa phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương, gọi tắt là CPTPP, với 10 quốc gia trong đó có Nhật Bản, Úc, Canada và Malaysia… Việt Nam cũng sẽ hoàn tất Hiệp định Tự do Thương mại với Liên hiệp Âu châu. Vấn đề chính là sau khi ký kết và phê chuẩn thì phải cải cách cơ chế để thực thi các cam kết vì điều ấy thật ra có lợi cho Việt Nam. Chuyện thứ hai, người ta không thể quên vai trò trọng yếu của Nhật Bản trong Hiệp định Đối tác CPTPP và trong những mâu thuẫn muôn mặt với Bắc Kinh. Chúng ta sẽ lần lượt tìm hiểu các chuyện đó mà tôi gọi tắt là “thương chiến Hoa-Mỹ-Nhật” chứ không chỉ có Mỹ-Hoa. 


Lee McIntyre: Tại sao Trump có thể nói dối dài dài?

Newsweek, November 20, 2018
Trần Ngọc Cư dịch

Hầu hết các nhà chính trị thường nói dối. Hoặc, chúng ta nghi như vậy.

Thậm chí nếu chúng ta có thể tìm ra một ví dụ hiếm hoi về một nhà chính trị chỉn chu, lương thiện – có lẽ như cựu Tổng thống Jimmy Carter chẳng hạn – câu hỏi đặt ra là, ta sẽ nghĩ gì về các ngài Tổng thống còn lại?

Và nếu hầu hết các chính khách đều nói dối, thì tại sao một số người Mỹlại nghiêm khắc với Tổng thống Trump như thế?

Theo báo Washington Post, Trump đã nói dối đến 6.420 lần từ khi lên làm Tổng thống. Trong bảy tuần lễ trước ngày bầu cử giữa kỳ, trung bình mỗi ngày ông trí trá đến 30 lần.

Như vậy là nhiều, nhưng phải chăng nó cũng không khác về mức độ và dạng thức với các chính khách khác cho lắm?

Từ góc nhìn của một nhà triết học nghiên cứu về chân lý và tín lý như tôi, vấn đề có vẻ không đơn thuần như vậy. Và dù cho hầu hết chính khách đều nói dối, điều này không làm cho mọi dạng thức dối trá trở nên bình đẳng với nhau.

Nguyễn Tường Thụy (RFA’s Blog): Huỳnh Thục Vy: Người hạ bệ biểu tượng của đảng CSVN

Huỳnh Thục Vy và lá cờ CSVN bị cô xịt sơn. (Hình: Internet)
Ngày 22 Tháng Mười Một, 2018 tới đây, tòa án thị xã Buôn Hồ tỉnh Đắk Lắk đưa Huỳnh Thục Vy ra xét xử với cáo buộc xúc phạm quốc kỳ theo điều 276 BLHS 1999 (điều luật tương ứng là Điều 351 BLHS 2015).

– Ngày 1 Tháng Chín, 2017, Huỳnh Thục Vy xịt sơn lên lá cờ đỏ sao vàng; cô chụp hình và chủ động đưa lên mạng.

– Ngày 13 Tháng Mười, 2017, công an thị xã Buôn Hồ đưa giấy triệu tập thứ nhất về sự việc này và tới ngày 20 Tháng Sáu, 2018, triệu tập lần thứ 4. Thái độ của Huỳnh Thục Vy là không có việc gì phải đi gặp dù triệu tập bao nhiêu lần đi nữa. Theo cô thì không có việc gì cần đối thoại với công an. Cô cho biết chưa bao giờ có tham vọng đối thoại để tìm được sự đồng thuận nào với họ, cũng chẳng hy vọng khai mở đầu óc cho họ và cô chấp nhận đi tù nếu nhà cầm quyền muốn. Bốn lần khước từ lệnh triệu tập dẫn đến việc cưỡng bách cô vào ngày 9 Tháng Tám, 2018.

– Ngày 9 Tháng Tám, 2018, khoảng ba chục công an, danh nghĩa là công an thị xã Buôn Hồ nhưng có cả công an Bộ tham gia, khám xét nhà Huỳnh Thục Vy rồi bắt cô về đồn. Tại đây, Vy xác nhận chính cô là người xịt sơn lên lá cờ, công an khỏi phải mất công điều tra, xét hỏi.

Cùng ngày, cơ quan cảnh sát điều tra thị xã Buôn Hồ ra quyết định tạm hoãn xuất cảnh, cấm đi khỏi nơi cư trú đến 9 Tháng Mười (1 tháng) đồng thời ra ra quyết định khởi tố bị can và được VKS phê chuẩn cùng ngày.

Nguyệt Quỳnh: Là Người Hùng của chính mình

Ngày 25/09/2018 Liên Hiệp Quốc đã trao giải thưởng “Người Tị Nạn Nansen” cho Bác sĩ giải phẫu Evan Atar Agha người Sudan. Đây là một giải thưởng cao quý nhằm vinh danh những người hùng vô danh. Bác sĩ Evan Atar Agha đã từ bỏ đời sống tiện nghi ởAi Cập để trở về với đồng bào ông ở thị trấn Bunj, vùng đất vẫn đang xảy ra xung đột. Suốt hai mươi năm dài ông đã giải phẫu, băng bó, cứu sống hàng chục ngàn nạn nhân của chiến tranh và đàn áp tại Sudan và Nam Sudan. 

Trong khi đó tại đất nước tôi, tuy không chiến tranh như Sudan nhưng cũng đầy dẫy tai họa cho những người có lòng. Một bác sĩ trẻ, anh Nguyễn Đình Thành, vừa lãnh một bản án lên đến 7 năm tù vì dám in tờ rơi vận động đồng bào anh chống lại Luật Đặc khu. Đây là một hành động dũng cảm sau hàng loạt những án tù dài năm nhắm vào người dân bình thường; những người muốn bảo vệ môi trường phản đối công ty Formosa xả thải; những người muốn bảo vệ đất nước phản đối Luật Đặc khu, … Chưa bao giờ, kể từ ngày CS nắm quyền cai trị cả hai miền nam bắc, VN lại có nhiều những con người sẵn sàng làm những viên gạch lót đường thầm lặng như ngày hôm nay. 

*

Ngày Bác sĩ Evan Atar Agha về Bunj xây dựng bịnh viện, ông không có gì cả– thiếu thốn từ y cụ cho đến thuốc men. Ông chỉ có duy nhất một bọc muối và một bao vải trắng với cái suy nghĩ dù có rất ít nhưng nếu bắt tay vào việc ông sẽ đóng góp vào cái giấc mơ hòa bình và hạnh phúc cho người dân Sudan.

Thứ Tư, 21 tháng 11, 2018

Ngô Nhân Dụng: Tập Cận Bình đang thất bại ở nước nào?

Ông Baron Waqa, tổng thống nước Nauru, một quốc gia chỉ rộng 21 cây số vuông, có hơn 11,000 dân, chưa bằng một thôn ở Trung Quốc, nhưng ông biết bảo vệ thể diện quốc gia khi nói với dân: “Bọn chúng không phải là bạn của mình. Họ chỉ cần dùng mình cho mục đích của họ.” (Hình: Ness Kerton/AFP/Getty Images)

Tập Cận Bình đã tung tiền ra khắp thế giới xây dựng hạ tầng cơ sở trên 112 nước, với 203 dự án xây cầu, xa lộ và đường xe lửa; dùng làm một mạng lưới thương mại và đầu tư nối liền với Trung Quốc. 

Tại quốc gia nhỏ ít người biết tên Papua New Guinea ở vùng Tây Nam Thái Bình Dương, năm 2016 Trung Cộng đã viện trợ $860 triệu, năm ngoái tăng lên tới $2.46 tỷ. Trong khi đó nước cấp viện lớn thứ nhì, Australia chỉ cung cấp 572 triệu đô la Úc, bằng 412 triệu Mỹ kim cho nước láng giềng này. 

Nhưng sau Hội Nghị APEC họp ở Papua New Guinea (gọi tắt là PNG) vừa qua, mối bang giao giữa Trung Cộng và PNG đã xuống thấp đến nỗi Ngoại Trưởng Vương Nghị (Wang Yi) phải nói đi nói lại cải chính những tin xấu. 

Tổng Thống Mỹ Donald Trump không đến dự hội nghị của khối kinh tế APEC năm nay. Cuộc họp gồm các nước ở Châu Á và Thái Bình Dương năm nay thất bại vì, lần đầu tiên trong lịch sử, không đưa ra được một bản thông cáo chung như thường lệ. Cả khối kinh tế 21 quốc gia này không còn quan trọng như xưa, khi hai nền kinh tế lớn nhất, Trung Quốc và Mỹ đang “lâm chiến.” 

Tuấn Khanh: Đánh tù nhân trong nhà giam: Vì sao Lưu Văn Vịnh phải lên tiếng thay cho Nguyễn Văn Đức Độ?


Trong lời tường thuật từ gia đình của các tù nhân lương tâm (TNLT) Lưu Văn Vịnh và Nguyễn Văn Đức Độ thì từ ngày 5/10/2018, sau khi bị 3 tù cùng phòng đánh đập đến mức bất tỉnh, anh Nguyễn Văn Đức Độ vẫn không kể gì cho gia đình. Bị đánh nhiều quá, anh Độ đạp cửa phòng, gọi cán bộ đến can thiệp và xin đổi sang phòng giam khác nhưng vẫn bị từ chối. Anh Độ lại tiếp tục bị đánh đến mức phải đưa đi bệnh xá. Mãi đến ngày 15/11/2018, anh Lưu Văn Vịnh hay chuyện, báo cho gia đình của anh, và nhắn rằng phải lên tiếng cho anh Độ, thì lúc đó mọi người mới biết. 

Tình trạng TNLT bị đánh trong trại giam xảy ra rất nhiều. Nhưng phần lớn các TNLT đều không có những phản ứng tức thì. Chẳng hạn như TNLT Hoàng Bình, anh bị đánh đến bầm hai mắt nhưng không nói gì, ngay cả khi gặp gia đình, đến cả tháng sau gia đình mới biết. Nguyễn Viết Dũng và Nguyễn Văn Hóa cũng vậy, hơn tháng sau gia đình mới được nghe họ kể lại. 

Phạm Chí Dũng: ‘Đốt lò’ chuyển sang giai đoạn 3? (Phần 1)

Có phải một ai đó đang nhắm đến nhân vật ngồi hàng sau bên tay trái - Lê Thanh Hải?
Mùa thu năm 2018, vài dấu hiệu bất thần nổi trội cho thấy chiến dịch ‘đốt lò’ của Nguyễn Phú Trọng có thể đang chuyển sang giai đoạn 3. 

Không còn ‘vùng cấm thời gian’ 


11 tháng sau vụ khởi tố bắt giam Ủy viên bộ chính trị Đinh La Thăng vào tháng Mười Hai năm 2017, vụ án ‘MobiFone mua AVG’ được ‘xới’ lại sau một thời gian im ắng bất thường. Vào lần này, Cao Duy Hải - cựu tổng giám đốc MobiFone - và cựu cấp phó của MobiFone là Phạm Thị Phương Anh đã cùng chung số phận với một cựu tổng giám đốc khác của MobiFone là Lê Nam Trà đã bị khởi tố và bắt giam trước đó ít tháng. 

Có một độ chênh khác hẳn nhau trong 11 tháng qua: vụ bắt Đinh La Thăng xảy ra sau Hội nghị trung ương 6 và kỳ họp quốc hội tháng 11/2017, còn vụ ‘bắt thêm’ ở MobiFone lại diễn ra cùng lúc với kỳ họp quốc hội tháng 11/2018. 

Độ chênh đó có ý nghĩa gì?