Thứ Bảy, 28 tháng 7, 2018
Trần Xuân Tiến: Trương Vĩnh Ký và Gia Định Báo
Trương Vĩnh Ký là nhà văn hóa lớn, là người trí thức đầu tiên
của Việt Nam dùng chữ quốc ngữ để làm báo và in sách. Ông đã để lại một công
trình đồ sộ, hàng trăm cuốn sách gồm sách dịch thuật, khảo cứu, sáng tác bằng
chữ quốc ngữ và chữ Pháp. Ông có một văn nghiệp lớn lao nhưng cuộc đời lại
nhiều lần trở ngại và bị hiểu lầm đáng tiếc. Chúng tôi nghĩ rằng, hơn lúc nào
hết, ngày nay chúng ta đã có đủ điều kiện để nhìn nhận một cách đúng đắn
nhất, công bằng nhất về sự nghiệp văn hóa, văn học của Trương Vĩnh Ký. Chính
vì những lẽ trên, mặc dù còn nhiều khó khăn và hạn chế nhưng chúng tôi – với
niềm cảm phục và yêu mến nhân vật lịch sử này – vẫn mạnh dạn thực hiện đề
tài Tìm hiểu đôi nét về
Trương Vĩnh Ký và Gia Định báo. Qua đó, chúng tôi hy
vọng phần nào phác hoạ đôi nét về chân dung nhà văn hóa lớn, nhà ngôn ngữ học
lỗi lạc Petrus Ký, cùng với tờ báo đầu tiên của nền báo chí quốc ngữ và ghi
nhận những đóng góp của ông cho sự đổi mới và phát triển nền học vấn Việt Nam
hiện đại.
1. Lược
sử đánh giá về Trương Vĩnh Ký và Gia Định báo
Trải qua những thăng trầm của lịch sử đất nước, giới học giả có
những cách đối xử khác nhau đối với Trương Vĩnh Ký với nhiều ý kiến trái
chiều phong phú và đa dạng. Song tựu trung có thể tóm gọn trong hai khuynh
hướng chính là biểu dương và phê phán. Nếu như phái biểu dương (đứng từ điểm
nhìn thuần văn chương học thuật) nhất mực đề cao và ngợi ca những đóng góp to
lớn của Trương Vĩnh Ký với nền học thuật, văn hóa, văn học đương thời thì
phái chê – nhìn nhận vấn đề từ góc độ chính trị - không những hoàn toàn phủ
nhận vai trò, đóng góp của ông, mà còn quy kết cho ông rất nhiều tội trạng. Trong
một vài năm trở lại đây, cũng như nhiều nhân vật lịch sử khác (Hồ Quý Ly,
Phạm Quỳnh, triều Nguyễn…), vấn đề Trương Vĩnh Ký được xem xét lại từ nhiều
góc độ đã tạo nên một luồng đánh giá khách quan và chân xác hơn.
Để phần nào hiểu rõ vấn đề phức tạp này, chúng tôi tập hợp và
xin lược thuật sau đây một số ý kiến tiêu biểu nhất từ mỗi giai đoạn lịch sử.
1. 1. Trước 1945
Nhìn chung, xuyên suốt khoảng thời gian nửa đầu thế kỷ này, tài
năng bác học và những cống hiến cho nền văn chương nước nhà của Trương Vĩnh
Ký được đánh giá cao. Ngay từ khi ông còn sống, tiêu biểu trong cuốn Mười năm du hành ở Trung Hoa và Đông phương, Thomsom
kể lại việc đã gặp Petrus Ký, ghi lại tiểu sử của ông và khen ông nói tiếng
Anh rất giỏi. Đến khi ông mất (năm 1898), với sự tiếc thương và trân trọng vô
hạn, các báo Tuần báo Nam Kỳ, Lục tỉnh
Tân văn… lần lượt cho in các bài viết ngợi ca sự nghiệp văn hóa, văn
học của ông.
Riêng về giá trị của Gia
Định báo, Vũ Ngọc Phan viết: “Chẳng
hạn như tờ Gia Định Báo đã mở đường cho báo chí ở trong miền Nam nói riêng và
trên toàn quốc nói chung. Vì so với miền Bắc thì miền Nam được biết báo chí
bằng quốc ngữ sớm hơn 40 năm. Ở miền Bắc, năm 1892 chỉ mới có tờ Đại Nam Đồng
Văn Nhật Báo viết bằng chữ Hán và phải chờ đến năm 1905 mới có tờ báo đầu
tiên bằng quốc ngữ bên cạnh những bài bằng chữ Hán là tờ Đại Việt Tân
Báo”. [18]
Tuy vậy, cũng có một sự thật là, dư luận chống chế, bài xích họ
Trương đã xuất hiện từ rất sớm. Khởi đầu cho làn sóng phê phán này là bài
viết mang tên Văn sĩ và Thi sĩ Việt Nam
đối với bài đố của sự sống của tác giả Thạch
Lan đăng trên báo Phụ Nữ Tân Văn số 10.1933. Dựa vào cái lý “Bất cượng, chớ cượng làm chi” do Trương Vĩnh Ký sáng
tác năm 1882, tác giả Thạch Lan kết luận: “Ông Trương Vĩnh Ký là phái đầu tiên truyền bá cái phương pháp,
cái luân lý hàng phục trong xã hội Annam”.
1. 2. Từ 1945 đến 1975
Đứng trên quan điểm lập trường chính trị của dân tộc và nhân
danh chủ nghĩa yêu nước, nhiều tác giả như Nguyễn Anh, Mẫn Quốc, Tô Minh
Trung, Nguyễn Sinh Duy, Phạm Long Điền… liên tiếp viết bài lên án Petrus Ký
đăng trên các báo Nghiên cứu lịch sử (miền
Bắc), và Bách khoa (miền
Nam). Tất cả đã tạo nên một làn sóng chống đối kịch liệt nhất – phủ nhận sự
nghiệp văn hóa lớn lao mà Trương Vĩnh Ký đã cống hiến cho dân tộc.
Trong số này, gây chú ý nhiều nhất là bài Trương Vĩnh Ký trong quỹ đạo xâm lăng văn hóa của thực dân
Pháp của Phạm Long Điền đăng trên Bách Khoa số 418 – 1974. Bài viết có đoạn:“Cuộc đời của Trương Vĩnh Ký tự bản chất đã nói lên mưu đồ thâm
độc của thực dân trong chánh sách và kế hoạch xâm lăng văn hóa của họ. Cho
nên, bài học Trương Vĩnh Ký là bài học của người trí thức không thấy rõ mưu
đồ đen tối của ngoại bang, không có lập trường dứt khoát trước một thái độ
phải chọn: Hợp tác hay không hợp tác với ngoại bang”.
Tuy nhiên, bằng cái nhìn thân thế và sự nghiệp Trương Vĩnh Ký
một cách khách quan khoa học, văn học sử với cuốn Việt Nam văn học sử yếu của Dương Quảng Hàm
(Nxb Bộ Quốc gia Giáo dục, Sài Gòn, 1960) và Việt Nam văn học sử giản ước tân biêncủa
Phạm Thế Ngũ (Nxb Quốc Học Tùng Thư Huế, 1965) vẫn ghi nhận những gì mà
Trương Vĩnh Ký đem lại cho nền văn học nước nhà.
Dương Quảng Hàm viết: “…một cách đào luyện tiếng Nam theo quy củ hai nền văn rất sung
túc là văn Tàu và văn Pháp, khiến cho tiếng Nam có thể dùng để viết văn, thứ
nhất là văn xuôi là một lối văn vốn xưa ta chưa có”. [10,
396]
Phạm Thế Ngũ viết: “Điều
ai cũng phải chú ý khi coi lại tiểu sử Trương Vĩnh Ký là ông có thể tự hào là
người trí thức Việt Nam đầu tiên có học thức quảng bác mở rộng sang Tây phương…
Ông lại tự coi mình như có bổn phận làm trung gian giữa hai phe xô xát hầu
lấy lại tình hòa hiếu, lập lại sự an ninh, mưu sự thịnh vượng cho đất nước.
Tóm lại, ở ông ta thấy thái độ thích đáng, công minh của một bậc trí thức
trung thực và tự trọng, không thấy cái xu phụ, mù quáng của thứ tẩu cẩu ngoại
nhân. Con người ấy thực ra ở trí sáng suốt, óc chừng mực, tác phong tao nhã,
vẫn cốt yếu là một đồ đệ Nho giáo. Và trái tim ông vẫn đập về phía đất nước,
đồng bào”. [16, 70 – 73].
1. 3. Từ 1975 đến nay
Tiếp tục những ý kiến phê phán có: Xuất và Xử trong cuộc đời chính trị của Trương Vĩnh Ký (Nguyễn
Đắc Xuân, 2001); Tư tưởng phương đông gợi
những điểm nhìn tham chiếu (Cao Xuân Huy)…
Song, với tình hình chính trị ổn định, đặc biệt là từ những năm
đổi mới, Trương Vĩnh Ký lại được tôn vinh. Tiêu biểu có các ý kiến: Địa Chí Văn Hóa TP.HCM (Nxb TP.HCM,
1987); Trương Vĩnh Ký, nhà
nghiên cứu bác học (Việt Chung, tạp chí Văn nghệ TP.HCM số 650,
1990); Sương mù trên tác phẩm
Trương Vĩnh Ký (Bằng Giang, Nxb
Văn học, Hà Nội, 1993), Trương
Vĩnh Ký nhà văn hóa (Nguyễn
Văn Trung, Nxb Hội nhà văn, Hà Nội, 1993), Trương Vĩnh Ký, con người và sự thực (Nguyễn
Văn Trấn, Ban KHXH Thành ủy Tp.HCM), Cá tính miền Nam (Sơn Nam, Nxb
Trẻ, 1997), Trần Ngọc Thạch (1999), Petrus
Trương Vĩnh Ký - Nhà Bác học đa năng, nhà ái quốc khả kính, Sydney,
Úc châu; Trương Vĩnh Ký bi kịch
muôn đời (Hoàng Lại Giang, Nxb Văn hóa và thông tin, Hà Nội,
2001); Kiến Hòa xưa (Huỳnh
Minh, Nxb Thanh Niên, Hà Nội, 2001); Về nhân vật Trương Vĩnh Ký: đôi điều trăn trở mới trên một công
trình biên khảo cũ (Trần Thanh Đạm, 2002); Từ điển Văn học - bộ mới (Nguyễn Huệ Chi, Nxb Thế giới,
2004); Vài ý nghĩ về sĩ phu
Petrus Trương Vĩnh Ký (Phạm Văn Minh); Tuyển tập hiện tượng Trương Vĩnh Ký (Vũ Ký, 2005); Nhân vật Trương Vĩnh Ký
nhìn từ góc độ Phật giáo (Minh Chi, 2009); Một nhà văn hóa lớn, một nhà bác ngữ học lỗi lạc Thái
Quang Vinh; Bảng lược đồ văn
học Việt Nam, quyển hạ, Thanh Lãng (không ghi năm xuất bản), Nxb Trình Bày,
Sài Gòn; Trương Vĩnh Ký - Nhà bác
học (Huỳnh Công Tín, Báo Cần Thơ)…
Như vậy, nếu như giai đoạn trước 1945, cao trào hơn là giai đoạn
từ 1945 đến 1975, phần đông dư luận phê phán Trương Vĩnh Ký thì từ 1975 trở
đi (mà chủ yếu là sau thời kỳ đổi mới 1986), người ta bắt đầu nhìn nhận
Trương Vĩnh Ký và những đóng góp của ông cho văn hoá, văn học nước nhà. Điều
này cũng dễ hiểu khi mà việc đánh giá, nhìn nhận nhân vật lịch sử này còn
chịu nhiều ảnh hưởng từ quan điểm chính trị, thậm chí nặng về suy diễn chủ
quan. Khi có độ lùi của thời gian, tình hình chính trị, xã hội ổn định, dư
luận đã có thể bình tâm suy xét giải quyết vấn đề dưới ánh sáng của tư duy
mới, hoàn thiện hơn. Khi đó, Trương Vĩnh Ký được hiểu là một nhân vật tiêu
biểu cho những sĩ phu cũng yêu nước, cũng có tình thần dân tộc, nhưng do
không nhận rõ sức mạnh của nhân dân mà chỉ thấy sức mạnh của súng ống của chủ
nghĩa tư bản nên không đủ dũng khí đứng dậy cầm vũ khí kháng chiến. Ông sợ
đánh nhau sẽ gây nhiều chết choc, đau thương cho nhân dân, cho đồng bào nên
chủ trương điều đình, hợp tác với Pháp để tranh thủ thời cơ làm việc có lợi
cho dân, cho nước. Và ông đã dồn tâm lực của mình vào hoạt động văn hoá nhằm
tăng cường sự hiểu biết giữa hai dân tộc có lợi cho Việt Nam.
2. Gia
Định báo
Gia Định báo là
tờ báo đầu tiên bằng chữ Quốc ngữ, được ra mắt ngày 15.04.1865 tại Sài Gòn.
Thực tế trước đó, tại miền Nam Việt Nam đã có ba tờ báo tiếng Pháp và chữ
Hán. Đó là các tờ: Le Bulletin Officiel de
l’Expédition de la Cochinchine; LeBulletin des communes và Le Courrier de Saigon. Tuy nhiên, ba tờ báo
này đều khôn
g được dân chúng tiếp nhận và ủng hộ vì gặp khó khăn trong vấn đề
bất đồng ngôn ngữ.
Khi Kerguda sang làm Thống đốc Nam Kỳ, ông đã mời Trương Vĩnh Ký
ra làm quan. Nhưng Trương Vĩnh Ký từ chối và xin lập một tờ báo quốc ngữ mang
tên là Gia Định báo. Lời
yêu cầu của Trương Vĩnh Ký được chấp thuận và Nghị định cho phép xuất bản
được ký ngày 01.04.1865, nhưng không phải ký cho Trương Vĩnh Ký mà lại ký cho
một viên thông ngôn làm việc tại Soái phủ Nam Kỳ tên Ernest Potteaux. Và phải
đến ngày 16.05.1869 mới có Nghị định của Chuẩn Đô đốc Ohier ký giao Gia Định báo cho Trương Vĩnh Ký làm giám đốc.
Vừa nhận nhiệm vụ chủ nhiệm kiêm chủ bút, Trương Vĩnh Ký liền
cho thay đổi về hình thức lẫn nội dung của tờ Gia Định báo. Trong suốt 4 năm (1869 - 1872) quản trị
tờ Gia Định báo,
Trương Vĩnh Ký luôn luôn khuyến khích các công chức Việt Nam viết bài vở
hoặc gởi tin tức về cho tờ báo nhằm giúp họ tập luyện viết văn bằng chữ quốc
ngữ và tập làm báo. Tờ Gia
Định báo được tài trợ bởi Thống Súy Phủ nên được phát miễn phí cho
các làng, xã và trường học. Nó đã được sự ái mộ của dân chúng, rất nhiều
người chỉ mong đợi cho tới kỳ phát báo để lấy báo đem về nhà đọc, có khi họ
còn đọc to lên để cho người không biết chữ cùng nghe.
Và trong Những
bước đầu của báo chí, tiểu thuyết và thơ mới (l865 - 1932) (1992,
TP.HCM), Bùi Đức Tịnh đã nhận định: “Trong chức vụ chánh tổng tài Gia Định Báo, ông đã tìm một
phương hướng để thực hiện cuộc duy tân (…). Từ trước và khi bắt đầu Pháp
thuộc vẫn tiếp tục theo đà có sẵn, người trí thức chỉ mong thi đỗ để làm
quan. Khuyến khích và tạo điều kiện tập tành cho các thầy thông ngôn, ký lục,
giáo tập viết báo, viết văn, thật sự Trương Vĩnh Ký đã gây một cuộc Minh Tân
nhỏ trong giới văn học trước khi những người chủ trương Nông Cổ Mín Đàm và
Lục Tỉnh Tân Văn “mở cuộc Minh Tân” trong lãnh vực kinh tế” [23, 37
– 38].
Đến năm 1897, Gia
Định báo chấm dứt hoạt động sau 32 năm(?). Tuy nhiên, trong
buổi Hội thảo khoa học kỷ niệm
140 năm ngày thành lập Gia Định Báo - tờ báo Việt ngữ đầu tiên
của Việt Nam nhà nghiên cứu Lê Nguyễn lại cho rằng Gia Định báo tồn tại đến ngày 31.12.1909 (tức là 44
năm), và chính thức đình bản vào 01.01.1910 (?) [27].
Sau Gia Định báo, nhà
cầm quyền Pháp cũng cho phép phát hành một số báo tư nhân khác ở Nam Kỳ thuộc
địa như Phan Yên báo (1868), Nông cổ mín đàm (1900), Lục tỉnh tân văn(1910).
2.1. Hình
thức
Gia Định báo được
phát hành số đầu tiên vào ngày 15.04.1965 (?), bên trên cùng có dòng
chữ “REPUBLQUE FRANCAISE” (cộng hòa Pháp), phía dưới là dòng chữ to
in đậm GIA ĐỊNH BÁO.
Gia Định báo có
khổ báo không đều, nhưng kích thước trung bình là 24x31. Số trang thì tuỳ
theo lượng bài vở mà tăng giảm bất thường. Ví dụ như báo có 4 trang số ra
ngày 10/06/1882, 8 trang số ra ngày 11/01/1882, hay các số ra các ngày
20/01/1882 và 25/11/1882 lần lượt là 16 trang và 12 trang [13, 22]. Cách đánh
số trang “liên tục từ số 1 ở trang
đầu, số báo đầu tiên mỗi năm đến trang cuối cùng của số bào cuối năm
đó” [13, 22].
Thời gian đầu, Gia
Định báo ra mỗi tháng 1 kỳ vào ngày 15 hàng tháng. Sau báo ra mỗi
tháng 2 kỳ, rồi mỗi tuần 1 kỳ. Tuy ra mỗi tuần 1 kỳ, nhưng Gia Định báo lại không có ngày ra cố định, khi thì
thứ ba, thứ tư, lúc lại thứ bảy.
Mặc dù thường tập trung tại các dinh quan nhưng nơi phát
hành Gia Định báo cũng
thay đổi liên tục, khi ở dinh quan Thượng Lạt ở Saigon, lúc ở dinh quan Hiệp
lý Nam kỳ, hoặc ở các phòng thông ngôn.
Giá tiền của Gia
Định báo thay đổi theo các thời kỳ. Thời gian đầu, tính bằng tiền francs
Pháp[1]. Kể từ số 21 ra ngày 24 Juin năm
1882, giá được tính bằng đồng bạc Việt Nam và giá cũng tăng dần theo thời
gian. Một điểm đặc biệt là mặc dù mỗi số báo có thay đổi về số trang (trong
khoảng thời gian ngắn) nhưng giá bán vẫn giữ nguyên.
2.2. Chủ
trương
Thống soái Nam Kỳ thời gian đó (tức khi tờ Gia Định báo mới ra đời – chúng tôi
chú thích) là phó đề đốc Roze đã có nhận xét như sau: “Tờ báo này (Gia Định báo) có mục đích phổ biến cho dân bản xứ
các tin tức đáng cho họ lưu ý và cung cấp cho họ “một số hiểu biết thông
thường liên quan đến các vấn đề phát triển nông nghiệp”[2]. Đây cũng là một
trong những mục đích ban đầu của Gia Định báo. Ngoài ra, báo còn là
nơi đăng những thông tin thông báo của chính quyền pháp để nhân dân
được biết: đăng tải các sắc lệnh, nghị định, thông tư, đạo lệnh, chỉ
dụ…
Khi Trương Vĩnh Ký về làm chủ bút, Gia Định báo có thêm 3 chủ
trương khác. Đó là: Cổ động cho một lối học mới; phát triển chữ quốc ngữ và
khuyến khích dân chúng học chữ quốc ngữ. Về điều này, tác giả Vũ Ngọc Phan
nhận định:“Cũng như một số văn sĩ
sinh ra ở miệt vườn phương Nam, nhà báo họ Trương chủ trương dùng một thứ chữ
dễ dãi, như tiếng nói thường ngày, không một chút chải chuốt, sang sửa, viết
như nói, không hoa mỹ, cầu kỳ, nhưng có ý thức giữ gìn sự trong sáng, phong
phú của ngôn ngữ dân tộc, nhưng không dung tục, thực dụng, ngôn ngữ vỉa hè,
văn chương cống rãnh, mà là ngôn ngữ của những người bình dân tự trọng, có
văn hóa” [18].
2.3. Nội
dung của Gia Định báo
Gia Định báo trở
lên phong phú hơn về nội dung khi Trương Vĩnh Ký giữ chức chủ biên.
Phần công vụ là phần chuyên về chính trị, pháp lý và công quyền.
Phần này có nhiệm vụ đăng tải các sắc lệnh, nghị định, thông tư, đạo lệnh,
chỉ dụ.... của chính quyền bảo hộ Pháp và triều đình Nguyễn; những tin về cấp
bằng, thuyên chuyển công tác, thăng chức, hạ chức, bãi chức, biên bản các
cuộc họp của Hội đồng Quản hạt, hoạt động quân sự, những tin “dây thép” của
hãng Hanas.
Phần tạp vụ đề cập nhiều đến kinh tế, tôn giáo, văn hoá, xã
hội... với các mục như lời dặn, rao giảng, khuyến cáo mang tính tuyên truyền
hành chính; những tin liên quan đến lạm phát, sưu thuế, giá cả, các báo cáo
về tình hình canh nông, kỹ nghệ, thương mại, địa chính .v.v... Có cả một số
bản tường thuật về lễ đón, lễ hội, cuộc chiêu đãi, đám tang... Về sau phần
tạp vụ mở rộng thêm, và nhanh chóng trở thành phần có giá trị và sức
cuốn hút nhất của Gia Định báo. Đây
là phần khảo cứu, nghị luận về văn hóa, đạo đức, phong tục, lễ nghi, thơ văn,
tư tưởng, lịch sử .v.v... Các bài đăng ở phần này có thể chia làm 3 loại:
Truyền bá khoa học thực nghiệm - từ y tế, vệ sinh, kỹ thuật đến vật lý, hóa
học, tự nhiên học; Luận thuyết nhằm cải tiến xã hội - từ tư tưởng, triết học,
đạo đức, lịch sử đến tôn giáo, thần học, chiêm tinh; Phổ biến khoa học ngôn
ngữ - gồm những sáng tác, sưu tầm, khảo cứu, dịch thuật từ tiếng Hán, Pháp,
Anh; những chuyên luận, bình giảng thơ văn cổ, tìm hiểu chữ Nôm, truyền
thuyết, tục ngữ, ca dao, cổ tích, ngụ ngôn...
Ngoài những phần trên, Gia Định báo còn có mục quảng cáo gồm những lời cáo
dưới dạng thông báo, nhắn tin, bố cáo, cáo phó .v.v... và những lời rao vặt
như trên các báo Pháp thời đó.
Tuy còn nhiều điểm hạn chế như: chưa phân biệt rõ văn phong nói
và viết nên tính chất nôm na, khẩu ngữ khá đậm nét, hình thức mỹ thuật chưa
đẹp .v.v... nhưng với nội dung giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, phổ biến, cổ
vũ chữ quốc ngữ, cung cấp những kiến thức, thông tin mọi mặt cho nhân
dân, Gia Định báo đã
hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình, xứng đáng là tờ báo tổng hợp có giá trị
cao và tạo tiền đề cho báo chí Việt Nam phát triển.
2. 4. Ban biên tập
Ban biên tập của Gia
Định báo gồm có: ông Trương Vĩnh Ký (chủ nhiệm), Huỳnh Tịnh Của (chủ
bút), Trương Minh Ký, Tôn Thọ Tường.
2. 4. 1. Trương Vĩnh
Ký (1837 – 1898)
Trương Vĩnh Ký sinh tại thôn Cái Mơn, xã Vĩnh Thanh, huyện Tân
Minh, tỉnh Vĩnh Long (nay thuộc huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre) trong một gia
đình theo đạo Thiên Chúa. Thưở nhỏ, ngoài học chữ Nho, chữ Quốc ngữ và La
tinh với Cố Long, ông còn học thêm nhiều ngoại ngữ khác. Năm 1863, ông được
quan khâm sai Phan Thanh Giản mời tháp tùng qua Pháp và Ý thương thuyết. Yết
kiến Đức Giáo Hoàng tại Roma. Tiếp xúc với các nhà văn Pháp nổi tiếng Victor
Hugo, Littré... Sau đó, ông lần lượt làm giáo sư, giám đốc trường Thông ngôn;
thông ngôn cho Sứ thần Y pha Nho; trở thành hội viên hội Á châu (Société
asiatique) do sự giới thiệu của Littré và Renan; làm Chánh Đốc Học Đường Tham
Biện Hậu Bổ. Năm 1898, Trương Vĩnh Ký mất trong cảnh bệnh tật và khánh tận.
Trong Các tác giả văn chương
Việt Nam, Trần Mạnh Thường viết: “Ông
là người hợp tác với Pháp, nhưng không giống như Tôn Thọ Tường lóa mắt trước
cảnh văn minh phương Tây, còn Trương Vĩnh Ký muốn có một vai trò trung gian
giải quyết mọi vấn đề có lợi cho đất nước. Nghĩa là trái tim ông vẫn theo
nhịp đập dân tộc. Nhưng vai trò ấy thật khó khăn và bạc bẽo. Phía nam triều
thì nghi kỵ mối thiện chí của ông vì cho ông là người của Pháp. Phía Pháp thì
thấy ông có nhiều sủng huệ nhất thời của Paul Bert, nên tìm cách phá, vu cho
ông là người An Nam không thật lòng với Tây” [22,
2694].
Với 119 tác phẩm (có tài liệu ghi 121), ta thấy Trương Vĩnh Ký
có một văn nghiệp đồ sộ, phong phú, đa dạng thể hiện sức viết cần mẫn cũng
như tài năng hiếm có của ông.
Khi biên soạn Tự điển
văn học (1984), giáo sư Nguyễn Huệ Chi đã hệ thống hóa trước tác
của Trương Vĩnh Ký thành 6 loại như sau: 1. Nghiên cứu về lịch sử, địa lý như
sử ký An Nam, sử ký Trung Quốc, Tập giáo trình về địa lý Nam Kỳ...; 2. Nghiên
cứu về các bộ môn khác trong khoa học xã hội như: nghiên cứu so sánh tiếng
nói, chữ viết, tín ngưỡng và tôn giáo của các dân tộc Đông dương; Tổng luận
về các lối chữ tượng ý, tượng hình theo ngữ âm và theo vần a, b, c; nghiên
cứu so sánh tiếng nói và chữ viết của ba ngành ngữ: phép lịch sự An Nam, Hát
lý hò An Nam...; 3. Biên soạn từ điển như Từ điển Pháp – Việt; Từ điển Pháp –
Hán – Việt; Từ điển địa lý An Nam; Từ điển danh nhân An Nam; 4. Dịch sách chữ
hán như: Tứ thư; Sơ học vấn tâm; Tam tự kinh; Tam thiên tự; Minh tâm bảo
giám...; 5. Sưu tầm, phiên âm truyện Nôm và tác phẩm cổ Việt Nam như: Truyện
Kiều, Phan Trần, Đại Nam quốc sử diễn ca, Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc...; 6.
Sáng tác thơ như: Bút ký ghi về Vương quốc Khơmer, chuyến đi Bắc Kỳ năm Ất
Hợi, thơ Tuyệt mệnh...
Ngoài ra, theo Cao Tự Thanh, có thể chia văn nghiệp của Trương
Vĩnh Ký làm hai thời kỳ trước 1879 và từ 1879 trở đi. Sở dĩ lấy mốc 1897 là
vì hai lẽ. Thứ nhất, năm 1879, thực dân chính thức xóa bỏ chế độ quân quản
với các Đô đốc Toàn quyền để thay bằng các viên Toàn quyền dân sự, tiến thêm
một bước trong việc xây dựng chế độ hành chính thuộc địa ở Nam Kỳ. Thứ hai,
chữ quốc ngữ Latinh được coi là chữ viết chính thức từ 1879 dẫn tới những
thay đổi cơ bản trong các hoạt động khoa học, giáo dục và thông tin. [22]
2. 4. 2. Huỳnh Tịnh
Của (1834-1907)
Huỳnh Tịnh Của hay Huình Tịnh Của hay còn gọi là Paulus Của,
hiệu Tịnh Trai, quê ở làng Phước Thọ, huyện
Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, là một nhà văn hóa học
và ngôn ngữ học có đóng góp xuất sắc trong việc nghiên cứu, phát triển và
truyền bá chữ quốc ngữ trong giai đoạn
đầu, đặc biệt là ở Nam Bộ. Thời
trẻ, Huỳnh Tịnh Của đi du học tại một trường công giáo ở Penang, Malaysia. Sớm
tiếp thu tư duy nghiên cứu khoa học phương Tây, ông tinh thông cả tiếng Hán và tiếng Pháp. Năm
1861, Huỳnh Tịnh Của được bổ nhiệm Ðốc phủ sứ, làm Giám đốc ty phiên dịch văn
án ở Soái phủ Sài Gòn,
ngoài ra ông còn giành nhiều thời gian nghiên cứu chữ quốc ngữ. Năm
1865 ông tham gia viết báo cho Gia
Định báo với tư cách chủ bút. Mặc dù ông giỏi cả hai ngôn
ngữ Hán và Pháp nhưng trong sáng tác của ông lại sử dụng chữ quốc
ngữ, ông đề nghị dùng chữ quốc ngữ thay cho chữ Hán và gửi một bản điều trần
cho vua Tự Đức, yêu
cầu cho xuất bản báo chí quốc ngữ để giáo dục quần chúng, nhưng không được
chấp nhận. Ông mất năm 1907, thọ 73 tuổi, an táng tại Bà Rịa.
Huỳnh Tịnh Của sáng tác tất cả khoảng 17 tác phẩm. Có thể xếp
chúng thành hai loại: biên khảo (có nội dung phổ biến kiến thức hoặc sưu tầm
phóng tác các tác phẩm đời trước) và loại phiên âm (chuyển sang quốc ngữ
những truyện thơ Nôm). Trong đó, nổi bật nhất là pho Đại Nam quốc âm tự vị.
2. 4. 3. Tôn Thọ
Tường (1825 - 1877)
Tôn Thọ Tường là một danh sĩ thời nhà Nguyễn, người huyện Bình Dương, phủ Tân Bình,
tỉnh Gia Định (nay thuộc TP.HCM).
Ngay từ thời trẻ khi học ở Huế, ông nổi tiếng văn hay chữ tốt. Năm 1840, thân
phụ qua đời, nên việc học của ông bị dở dang, đến năm 30 tuổi vẫn chưa đỗ đạt
gì. Cuộc đời ông lận đận, và do ông cộng tác với thực dân Pháp nên bị các trí thức
người Việt chỉ trích mạnh mẽ, tiêu biểu là cuộc bút chiến của Tôn Thọ
Tường và Phan Văn Trị. Tôn Thọ Tường được đánh giá là một nhà thơ có thi
tài được thể hiện qua một số bài thơ có hình tượng nghệ thuật như Đĩ già đi tu, Từ thứ
qui Tào, Cây mai, Mười bài tự thuật...
2. 4. 4. Trương Minh Ký
(1855-1900)
Trương Minh Ký có biệt hiệu là Thế Tải, ông sinh ngày 23/10/1855
tại Gia Định, là học trò của Trương Vĩnh Ký. Ông thông Hán và giỏi Pháp văn,
làm thông ngôn cho nhà cầm quyền Pháp, cộng tác với Trương Vĩnh Ký trên
tờ Gia Định báo, Thông Loại Khóa Trình cũng như viết sách
dạy Pháp văn. Ông mất ngày 11/08/1900.
Trương Minh Ký không được người ta chú ý nhưng vừa là môn đệ,
vừa là người cộng tác thân cận với Trương Vĩnh Ký, xét qua văn nghiệp, cũng
xứng đáng dành cho ông một chỗ đứng trong các nhà văn tiền phong chữ quốc
ngữ. Ông hành văn cũng bình dân, mộc mạc như Trương Vĩnh Ký và Huình Tịnh
Của, chuyên dịch chữ Hán ra quốc ngữ và sử dụng văn vần nhiều hơn văn xuôi.
Ông có những tác phẩm đáng chú ý như: Phong thần bá áp khảo, Ấu học khải phong, Trị gia cách ngôn, Cổ
văn chơn bửu, Pháp học tân lương…
3. Đóng góp của Trương
Vĩnh Ký và Gia Định báo trong Việt Nam văn học sử
Nguyễn Đình Chú từng viết:“Lịch
sử văn học, xét cho cùng là lịch sử cách tân văn học” [3,
15]. Và, theo quan niệm của ông thì có hai mức độ cách tân: Cách tân trong
nội bộ một phạm trù văn học và cách tân có ý nghĩa chuyển từ phạm trù văn học
này sang phạm trù văn học khác.
Sự thay đổi phạm trù văn học là sự cách tân có tính chất đồng
bộ, toàn diện về lực lượng sáng tác, về công chúng văn học, về phương diện
văn học, về phương thức tồn tại của văn học, về quan niệm nghệ thuật, về đề
tài, về ngôn ngữ, về thể loại, thể tài cùng với hệ thống thi pháp. Thực hiện
những điều đó không thể trong một thời gian một sớm một chiều mà đòi hỏi phải
qua một quá trình khá gay go và phức tạp. Chúng ta có thể xem 30 năm đầu thế
kỉ là chặng đường đầu của sự cách tân văn học. Tính giao thời thể hiện rõ
nhất trong giai đoạn này.
Và cũng theo lý luận này, có thể nói một trong những người làm
nên tính giao thời đó, là Trương Vĩnh Ký. Công lao về mặt văn hóa của Trương
Vĩnh Ký thể hiện bằng việc chuyển dịch ngôn ngữ nhằm giới thiệu những tác
phẩm của người mình với người nước ngoài. Trương Vĩnh Ký là người đầu tiên đã
dịch những sách Nôm ra quốc ngữ như: Kim Vân Kiều, Đại Nam quốc sử diễn ca, Lục Vân Tiên, Phan
Trần… Ông viết nhiều sách học bằng quốc ngữ, chữ Pháp và Hán tự về đủ
mọi khoa học như địa lý, lịch sử, cách trí … mà giá trị nhất là bộ Việt Nam
lịch sử (1879) và Pháp - Việt tự điển…
Trương Vĩnh Ký cũng là người đặt nền móng cho sự phát triển báo
chí Việt Nam trên mọi phương diện, phong phú đủ mọi thể loại, tổ chức rất quy
mô, đa dạng về mọi phong cách, phóng những cái nhìn xa xôi hơn để cổ động về
tân học, tiếp xúc với bạn đọc và đã được thiện cảm với mọi giới. Tờ Gia Định báo khi còn Ernest Potteaux quản nhiệm chỉ
là một bản tin, một bản dịch Việt văn của tờ Courrier de Sài Gòn nhưng khi
đến tay ông quản nhiệm (Ngày 16.90.1869) thì tờ báo khác hẳn. Cả hình thức
lẫn nội dung đều thay đổi nhiều, nhằm tập trung vào 3 chủ đích: cổ động tân
học, truyền bá quốc ngữ và giáo dục quốc âm. Trương Vĩnh Ký (cùng Nguyễn
Trọng Quản…) chủ trương đưa cuộc sống đời thường và lời nói thường vào trang
viết. Chủ trương này là một ý thức rõ rệt về việc hiện đại hoá và dân chủ hoá
văn chương, rất tôn trọng công chúng, nhưng hoàn toàn khác với việc làm
hàng chợ, hay hạ chuẩn văn chương, nhằm một mục tiêu nào đó.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu đánh giá cao Gia Định Báo vì nó “giúp ta hiểu được khúc quanh lịch sử của đất nước ta: từ phong
kiến Á Đông chuyển sang thuộc địa nửa phong kiến, bắt đầu sử dụng quốc ngữ
Latinh đồng thời học tập theo khoa học thực nghiệm tây phương”. [27]
Bùi Đức Tịnh trong Những
bước đầu của báo chí, tiểu thuyết và thơ mới (l865 – 1932) viết: “Trong chức vụ chánh tổng tài Gia Định Báo, ông đã tìm một phương
hướng để thực hiện cuộc duy tân (…) Khuyến khích và tạo điều kiện tập tành
cho các thầy thông ngôn, ký lục, giáo tập viết báo, viết văn...” [23,
37 – 38]
Theo tiến sĩ ngôn ngữ Lê Khắc Cường, ngôn ngữ sử dụng trên Gia Định báo là những lời ăn tiếng nói của người dân
Nam bộ, gần gũi với phong cách báo chí hiện nay. Và đặc biệt, tiến sĩ Cường
còn cho rằng việc ngôn ngữ báo chí phát triển đến loại hình báo điện tử như
hiện nay, có một phần đóng góp lớn từ cách sử dụng từ ngữ trên tờ báo Việt
ngữ đầu tiên này. [27]
Tác giả Nguyễn Hải Lộc trong Tìm hiểu Gia Định báo cho rằng: “Ngoài những đóng góp về văn học, Gia Định báo còn là một chứng
nhân lịch sử. Trong nội dung của các số báo ghi lại rất nhiều tài liệu về mọi
lĩnh vực như Hành chính, Chính trị, Kinh tế, Xã hội... trong những năm đầu
Pháp thuộc ở Nam kỳ, nhất là ở phần Công vụ”. [27]
Tóm lại, với Gia
Định báo, lần đầu tiên trong lịch sử, nước ta chứng kiến tác phẩm văn
chương công bố bằng trang báo. Nói khác đi, công chúng văn chương bắt nguồn
từ công chúng báo chí. Và văn học hiện đại Việt Nam nẩy mầm trên báo chí,
theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng của từ này.
* * *
Nền văn học Việt Nam từng chứng kiến nhiều câu chuyện tranh luận
ồn ào, sôi nổi. Những tranh luận về Truyện Kiều, Thơ cũ – Thơ mới, Nghệ thuật vị nghệ thuật – Nghệ
thuật vị nhân sinh dường như đều đã có những kết luận rõ ràng và
hợp lý. Tuy vậy cũng có nhiều vấn đề, nhiều nhân sĩ chưa được nhìn nhận đúng
mức. Trương Vĩnh Ký là một trong số những trường hợp đó. Bi kịch bao trùm lên
cuộc đời ông khi ông sinh ra trong trong thời đại lịch sử phức tạp, nặng nề.
Chính vì bối cảnh lịch sử ngổn ngang giọng điệu khen chê mà những đóng góp
cho văn hoá, văn học của ông từng bị xoá nhoà, che lấp bởi các cáo buộc liên quan
đến hành động chính trị của ông. Hơn một trăm năm đã qua, độ lùi thời gian đủ
để dư luận trân trọng hơn những công lao của Trương Vĩnh Ký đối với văn hoá,
ngôn ngữ, văn học. Trong số đó, Gia
Định báo là một công hiến to lớn của Trương Vĩnh Ký. Vốn là một tờ
báo của Pháp nhưng Trương Vĩnh Ký và các cộng sự đã nỗ lực biến nó trở thành
công cụ mở mang kiến thức, phổ biến Quốc ngữ cùng nền Tân học cho đại đa số
các sĩ phu bấy giờ. Gia Định báo đã trở
thành một cơ quan có ích lợi thiết thực cho dân trí, hoặc ít nhất là về mặt
phát triển văn học. Không những thế, Gia Định báo còn có giá trị lịch sử
cho các nghiên cứu về lịch sử, xã hội học. Thiết nghĩ, cần có nhiều công
trình quan tâm tìm hiểu và khai thác hơn nữa một công trình có giá trị to lớn
như Gia Định báo.
TAI LIỆU THAM KHẢO
1. Jean Bouchot (1927), Petrus Ký, savant et patriote cochinchinois; Jean
Bouchot, Petrus J. B. Trương Vĩnh
Ký: Un Savant et un Patriot Cochinchinois, 3ème éd.
Revue et conigée, Sai Gon: Nguyễn Văn Của dịch.
2. Nguyễn Huệ Chi (2004), Từ điển Văn học - bộ mới, Nxb Thế
giới.
3. Nguyễn Đình Chú (1991), Tài liệu bồi dưỡng giảng dạy sách giáo khoa lớp 11 CCGD môn Văn
học, Lưu hành nội bộ, Hà Nội.
4. Việt Chung (1990), Trương Vĩnh Ký, nhà nghiên cứu bác
học, Tạp chí Văn nghệ TP.HCM số
650.
5. Nguyễn Sĩ Đạo (1941), Đại Việt văn học sử, Nxb Tân Hóa.
6. Bằng Giang (1993), Sương mù trên tác phẩm
Trương Vĩnh Ký, Nxb Văn học, Hà Nội.
7. Hoàng Lại Giang (2001), Trương Vĩnh Ký bi kịch muôn đời, Nxb
Văn hóa và thông tin, Hà Nội.
8. Nhiều tác giả (1987), Địa Chí Văn Hóa TP.HCM, Nxb Tổng hợp TP.HCM,
TP.HCM
9. Nhiều tác giả (2006), Thế kỷ XXI nhìn về Trương Vĩnh Ký, Nxb Văn
hoá Sài Gòn, TP.HCM.
10. Dương Quảng Hàm (1960), Việt Nam Văn Học Sử Yếu, Nxb Bộ Quốc gia Giáo
dục, Sài Gòn, trang 396.
11. Đào Văn Hội (1943), Danh nhân Nam Kỳ, Nhà in Lý Công Quận, Sóc
Trăng.
12. Đặng Thúc Liêng (1927), Trương Vĩnh Ký hành trạng, nhà in Xưa Nay, Nguyễn
Háo Vĩnh, Sài Gòn.
13. Nguyễn Hải Lộc (1972), Tìm hiểu Gia Định báo, Viện Đại Học Vạn Hạnh,
phân khoa Văn học và Khoa học nhân văn, Ban Cử nhân báo chí, Lưu hành nội bộ.
14. Huỳnh Minh (2001), Kiến Hòa xưa, Nxb Thanh Niên, Hà Nội.
15. Sơn Nam (1997), Cá tính miền Nam, Nxb Trẻ, TP.HCM
16. Phạm Thế Ngũ (1965), Việt Nam Văn Học Sử Giản Ước Tân Biên, tập III, Nxb
Quốc Học Tùng Thư Huế, trang 70, 73
17. Huyền Mặc Đạo Nhân, Danh Nhân Nam Kỳ: cụ Trương Vĩnh Ký, Sài
Gòn.
18. Vũ Ngọc Phan (1942), Nhà văn hiện đại, Nxb Tân Dân, Hà Nội
(tái bản năm 1994, Nxb Văn học, Hà Nội).
19. Lê Thanh (1943), Trương Vĩnh Ký Biên Khảo, Nxb Tân Dân, Hà Nội.
20. Trịnh Vân Thanh, Thành
ngữ điển tích danh nhân từ điển (quyển 2). Nhà xuất
bản Hồn Thiêng, Sài Gòn, 1966)
21. Khổng Xuân Thu (1958), Trương Vĩnh Ký 1837 - 1898, Nhà
in Tân Việt, Saigon.
22. Trần Mạnh Thường (2008), Các tác giả văn chương Việt Nam, Nxb Văn
hóa thông tin, Hà Nội, tập 2, trang 2694.
23. Bùi Đức Tịnh (1992), Những bước đầu của báo chí, tiểu thuyết và thơ mới (l865 – 1932),
TP.HCM.
24. Nguyễn Văn Tố (1937), Kỷ yếu hội Trí Tri Bắc kỳ, số 1-2
25. Nguyễn
Văn Trung (1993), Trương Vĩnh Ký nhà văn hóa, Nxb Hội
nhà văn, Hà Nội.
26. Thomsom, J., The Straits of Malacca, Indochina: or, Ten
Year’s Travels, Adventures and Residence Abroad, (Ma Xuân Đạo dịch, Mười
năm du hành ở Trung Hoa và Đông phương), NewYork: Harper & Brothers,
1875), tr.177 178.
27. Tài liệu Hội
thảo khoa học kỷ niệm 140 năm ngày thành lập Gia Định Báo - tờ báo Việt
ngữ đầu tiên của Việt Nam, ĐH KHXh &NV TP.HCM,
ngày 23/12/2005.
28. Báo Nguyệt San Đồng Nai, số 23 – 24 (1933), l5 Janvier
- l Février, tr. 21 – 26.
Chú thích :
[1] “Trót năm thì giá 20 francs, mua 6 tháng thì 10 francs, mua 3
tháng thì 5 francs” [13, 23].
[2] Dẫn theo Đặc San Petrus Ký 1998 (Số Đặc Biệt kỷ
niệm giỗ 100 năm Nhà Bác Học Petrus Ký), Liên Hội Ái Hữu Petrus Ký Bắc và Nam
Cali, tài liệu lưu hành nội bộ, chương 11.
|
|
Nguồn : vanchuongviet.org
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Tk18 có Lê quý Đôn, tk 19 có Trương vĩnh Ký. Bác học.
Trả lờiXóa